Thượng toạ Trí Quang trong bão tố chính trị và đạo pháp
Hoà thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch hôm 8/11/2019 tại chùa Từ Đàm, Huế, sau 96 năm ở cõi trần.
Ông sinh ngày 21/12/1923 tại làng Diêm Điền thuộc tỉnh Quảng Bình, với tên khai sinh là Phạm Quang.
Sự
kiện ông qua đời đã làm xôn xao lên những tiếc thương cũng như bình
phẩm về con người và vai trò của ông trong dòng lịch sử cận đại Việt Nam
từ hơn nửa thế kỷ qua.
Chùa
Từ Đàm, nơi ông trút hơi thở cuối đời cũng là chiếc nôi của Phong trào
Phật giáo miền Trung với cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo
vào năm 1963.
Khởi đi từ Huế vào tháng 5/1963 bằng nhiều cuộc biểu
tình với chư tăng đem bàn thờ Phật xuống đường phản đối chính quyền Ngô
Đình Diệm đề cao Công giáo và phân biệt đối xử với đạo Phật trong sự
kiện treo cờ tôn giáo.
Khi một người anh của ông Diệm là Tổng Giám mục Ngô
Đình Thục tổ chức mừng 25 năm ngày nhận chức linh mục thì cờ Công giáo
được treo ở nhiều nơi trong cố đô Huế. Sau đó đến lễ Phật Đản thì lại có
lệnh không cho treo cờ phật giáo tại những nơi không phải cơ sở tôn
giáo.
Trong một cuộc biểu tình trước đài phát thanh Huế với nhiều
nghìn người tham dự và đã có hai tiếng nổ lớn khiến tám người thiệt
mạng. Ai đã gây tử vong thì có những thông tin khác nhau. Phía tranh đấu
cho rằng lính của Thiếu tá An ninh Đặng Sĩ gây ra. Phía chính quyền phủ
nhận và cho Việt Cộng là thủ phạm.
Marguerite Higgins trong tác
phẩm "Our Vietnam Nightmare" [Harper & Row 1965] có ghi nhận tại
phiên xử Thiếu tá Đặng Sĩ liên quan đến tử vong tại đài phát thanh Huế
ngày 8/5/1963, bác sĩ Lê Khắc Quyến, một phật tử, khám nghiệm nạn nhân
thì người bị mất tay chân, người mất đầu, vết thương chỉ từ ngực trở
lên. Theo tác giả, tử vong do một loại bom có sức công phá cực mạnh, hơn
là lựu đạn MK III mà lính đã bắn để giải tán biểu tình, vì các chuyên
gia biết rằng vũ khí đó khó gây chết người. Đó có lẽ là chất nổ plastic
mà du kích Việt Cộng thường dùng trong những vụ đặt bom nơi đông người
thời đó, theo nhận định của bà Higgins trong sách.
Những biến động
tại Huế xảy ra trong lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm đang phải đối đầu với
khủng hoảng nội bộ, với áp lực từ đồng minh Hoa Kỳ và đe doạ an ninh
lãnh thổ từ cộng sản.
Phong trào Phật giáo Tranh đấu không chỉ đem
bàn thờ Phật xuống đường mà còn có những nhà sư, tăng ni tự thiêu để
phản đối. Dư luận trong và ngoài nước chú ý nhất là vụ tự thiêu của
Thượng toạ Thích Quảng Đức vào ngày 11/6/1963 ngay giữa thủ đô Sài Gòn.
Một
cái chết mà theo Tướng Nguyễn Chánh Thi, là một phật tử, lúc đó đang
sống lưu vong bên Cambodia và ghi nhận được: "Bọn Cộng sản cũng gia tăng
tuyên truyền thật mạnh tại Campuchia, như tổ chức đưa đám đức Tăng
thống Thích Quảng Đức vừa tự thiêu tại Saigon, thả truyền đơn kêu gọi
quần chúng tham gia Mặt trận Giải phóng Miền Nam…", theo hồi ký "Việt
Nam : Một Trời Tâm Sự" [Xuân Thu 1987] của ông.
Đêm 21/8/1963 lực
lượng an ninh của chính phủ tấn công vào các chùa Xá Lợi ở Sài Gòn và
Từ Đàm ở Huế, bắt giam nhiều nhà sư và tăng ni với cáo buộc hoạt động
cho cộng sản. Thượng toạ Thích Trí Quang trốn khỏi chùa và vào sống
trong một cơ quan của chính phủ Mỹ ở Sài Gòn cho đến tháng 11/1963.
'Còn nhiều tranh cãi'
Đến nay những nhận định về vai trò của Thượng toạ
Trí Quang trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và các hoạt động liên
quan đến chính trị miền Nam của ông vẫn còn nhiều tranh cãi. Ông có phải
là người do CIA dựng nên để người Mỹ có cớ lật đổ ông Diệm, hay thượng
toạ là người của cộng sản gài vào hàng ngũ Phật giáo?
Người
bênh vực thì cho rằng thượng toạ không phải là người của CIA hay của Hà
Nội mà chỉ là một nhà tu hành tranh đấu cho Phật pháp được bảo tồn và
phát triển trên đất nước Việt Nam, một đất nước bị Pháp đô hộ và mới
được trao trả độc lập trong lúc ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo ngày càng
lan rộng trong chính trường miền Nam.
Các tài liệu đã được phía Mỹ
giải mật cho thấy Thượng toạ Trí Quang không phải là người do Hoa Kỳ
dựng nên. Ông đã từng biểu lộ quan điểm chống Mỹ, nghi ngờ thực tâm
chống cộng sản của người Mỹ khi muốn can dự vào Việt Nam.
Trả lời
phỏng vấn của nguyệt báo Tình Thương, tiếng nói của sinh viên đại học y
khoa, vào tháng 5/1966, Thượng toạ Trí Quang nhận định:
"Sau cuộc
cách mạng 63, người Mỹ được hưởng ở Việt Nam vô số lợi lộc: gia tăng gấp
bội quân số, chiếm được những căn cứ tốt như Đà Nẵng, Cam Ranh; được
thêm cả nước Thái Lan. Không chắc người Mỹ thực tâm muốn chống cộng tại
Việt Nam, họ muốn duy trì Cộng sản, duy trì cuộc chiến tranh này để thủ
lợi. Vì nếu thực tâm người Mỹ muốn, họ có thể làm khá hơn nhiều cục diện
bây giờ bằng cách trợ giúp Việt Nam vừa chống cộng vừa xây dựng những
căn bản dân chủ hơn là nâng đỡ những chính phủ tay sai. Điển hình là vụ
Đà Nẵng vừa qua."
Còn cho rằng thượng toạ muốn đưa Phật giáo lên hàng
quốc giáo như thời Lý - Trần, khi ông thúc đẩy có bầu cử quốc hội để
toàn dân tham gia bầu chọn một chế độ đại nghị mà phần thắng sẽ là đa số
đại biểu đạo Phật, Thượng toạ Trí Quang trả lời:
"Quan niệm đó
không những không có lợi gì mà còn làm mất Danh Dự của Phật giáo. Tôi
hoàn toàn không mong muốn như vậy. Kinh nghiệm cho thấy với những chính
phủ tạm thời dù được hậu thuẫn của tôn giáo này hay tôn giáo khác chỉ
cần những cuộc biểu tình vài trăm người cũng đủ sụp đổ. Như một chính
phủ thành lập do hậu thuẫn của Phật giáo sẽ gặp ngay những khó khăn với
các tôn giáo bạn, không làm được việc gì mà chính Phật giáo lại mang
tiếng. Bởi vậy Phật giáo không bao giờ muốn tái diễn nhưng lỗi lầm của
thời ông Diệm.
Tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo chỉ muốn xây dựng
một cái gì thực sự cho quốc gia dân tộc trong đó không phải chỉ có
những Phật tử mà là cả những thành phần Tôn giáo bạn và các tầng lớp dân
chúng. Quốc hội, Chính phủ sẽ không đại diện cho một ưu thế riêng nào
mà là đại diện xứng đáng của dân chúng."
Về đảo chính 01/11/1963
lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, có phải vì những cuộc biểu tình của Phật
giáo mà Hoa Kỳ đã tiến hành việc loại bỏ lãnh đạo nhà Ngô?
Với sự
kiện cấm cờ tôn giáo, phe chống chính phủ cho rằng ông Diệm kỳ thị tôn
giáo. Tác giả Geoffrey D.T. Shaw ghi nhận trong tác phẩm "The Lost
Mandate of Heaven" [Ignatius Press 2015] cho là không có chuyện kì thị
tôn giáo vì ông Diệm có các cố vấn và nhiều tướng quân đội theo đạo
Phật. Trong chính quyền có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, ngoại trưởng
Vũ Văn Mẫu là Phật tử. Nội các năm 1963 có 18 bộ trưởng, trong đó 5
người theo Công giáo, 8 theo Phật giáo và 5 theo đạo Cao Đài.
Sự
bất mãn với các chính sách của nhà Ngô đã có từ lâu, khi chính quyền
bắt giam và đàn áp các thành viên của nhóm Caravelle sau khi ra nhóm ra
tuyên cáo phản đối chính quyền vào ngày 26/4/1960.
Một nhân vận
đối lập là bác sĩ Phan Quang Đán của Quốc Dân Đảng, tốt nghiệp Đại học
Harvard, dù thắng cử vào quốc hội nhưng không được cho nhận chức vì cáo
buộc gian lận bầu cử. Nhiều thành viên Quốc Dân Đảng bị theo dõi, trù
dập phải trốn sang Campuchia như bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn.
Ngày
11/11/1960 đã có đảo chánh, nhưng thất bại và người cầm đầu là Đại tá
Nhảy dù Nguyễn Chánh Thi đã phải chạy sang Campuchia lánh nạn. Phát ngôn
viên của phe đảo chánh là bác sĩ Phan Quang Đán bị bắt, kết án tù và
đày ra Côn Đảo.
Ngày 27/2/1962 hai sĩ quan Không quân Nguyễn Văn
Cử và Phạm Phú Quốc ném bom xuống Dinh Độc Lập nhắm giết ông Diệm nhưng
không thành và cũng chạy sang Campuchia.
Nhà văn Nhất Linh Nguyễn
Tường Tam, cũng là người Quốc Dân Đảng, bị bắt giam khiến ông tự tử
trong tù vào đúng ngày kỷ niệm chấp chánh của ông Diệm, 7/7/1963.
'Bối cảnh và căn nguyên lịch sử'
Từ đầu năm 1961 một số nhà làm chính sách của Hoa Kỳ
nhận định các chính sách chống cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm không
hữu hiệu nên du kích cộng sản gia tăng hoạt động, phá hoại ở nhiều nơi.
Trong khi đó còn có tin chính quyền của ông Diệm, qua ông Ngô Đình Nhu,
đã liên lạc với Hà Nội để tìm cách giải quyết vấn đề thống nhất đất
nước.
Để ngăn chặn cộng sản lan tràn ở Đông Á, Hoa Kỳ muốn đem
quân chiến đấu vào Việt Nam mà Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đề
nghị với Tổng thống Ngô Đình Diệm khi hai lãnh đạo gặp nhau trong Dinh
Độc Lập vào tháng 5/1961.
Vấn đề chống cộng sản nhìn qua lăng kính
của cuộc Chiến tranh Lạnh thì Hoa Kỳ là đối nghịch với khối cộng sản do
Liên bang Xô-Viết và Trung Cộng đứng đầu. Tây Âu bị Liên Xô đe doạ,
Đông Á thì bị Trung Cộng.
Ở châu Á cộng sản mở rộng hoạt động ở Malaysia, Hàn
Quốc, Thailand, Philippines, Indonesia. Châu Mỹ có Cuba và Cộng hoà
Dominican ngay gần Mỹ làm quan ngại cho Hoa Kỳ nên đã có vụ tấn công
Vịnh Con Heo ở Cuba năm 1961.
Tháng 4/1965 lính Mỹ đổ bộ vào Cộng hoà Dominican vì lo ngại cộng sản sẽ chiếm chính quyền tại đây.
Trước
đó ít hôm, ngày 8/3/1965 Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà
Nẵng, cũng với mục đích ngăn chặn cộng sản bành trướng, mà giới lãnh đạo
Việt Nam Cộng hoà đâu đã yêu cầu, theo ghi nhận của ông Bùi Diễm trong
tác phẩm "In the Jaws of History" (Gọng kìm Lịch sử) [Indiana Uni. Press
1987]. Ông Diễm lúc đó là Đổng lý Văn phòng của Thủ tướng Phan Huy
Quát.
Ngăn chặn cộng sản bành trướng là chính sách của Hoa Kỳ sau
Thế chiến II. Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đầu được ca ngợi như một lãnh
đạo sáng chói để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Nhưng ông không
muốn lệ thuộc nhiều vào Mỹ, không đồng ý cho Hoa Kỳ đưa lính chiến đấu
vào Việt Nam.
Ba lực lượng muốn loại bỏ ông Diệm lúc đó là Hà Nội, Washington và Phong trào Phật giáo miền Trung.
Người
Mỹ chỉ muốn loại ông Nhu ra khỏi chính trường, để ông Diệm tiếp tục
lãnh đạo. Tướng Edward Lansdale, một người thân và hết lòng ủng hộ ông
Diệm, cuối tháng 8/1963 đã có đề nghị đưa ông Nhu đến Đại học Harvard,
cho ông một chức vụ làm cảnh nào đó để giữ ông ở hải ngoại. Ý kiến đó
được sự tán đồng của Averell Harriman là phụ tá ngoại trưởng về các vấn
đề chính trị, nhưng Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ là John Kenneth Galbraith, một
kinh tế gia từ đại học này và là bạn của gia đình Kennedy thì không mặn
mà với đề nghị. Theo tác giả Max Boot trong "The Road Not Taken" [W. W.
Norton 2018]
Ông Diệm bị lật đổ vì không muốn người Mỹ can dự quá
sâu vào nội tình chính trị miền Nam. Người em là cố vấn Ngô Đình Nhu lại
tỏ ra có nhiều quyền hành, mưu lược và không thích người Mỹ, cùng với ý
định muốn hai miền Nam, Bắc giải quyết vấn đề với nhau. Bà Ngô Đình Nhu
đã nói rằng hai ông Diệm và Nhu đang định thương thuyết với cộng sản
thì bị đảo chính.
Ông Diệm có độc tài, nhưng cũng chỉ như lãnh đạo
các quốc gia khác trong vùng Đông Á thời đó. Malaysia, Indonesia, Nam
Hàn, Đài Loan vào thập niên 1960 đều có những chính quyền độc tài.
'Ảnh hưởng và cái kết'
Nếu mục đích của Thượng toạ Trí Quang là đòi lật đổ chính quyền độc tài để có được bình đẳng cho phật giáo, thì sau khi ông Diệm bị giết và các chính phủ kế tiếp không còn có chính sách phân biệt tôn giáo, nhưng Phong trào Phật giáo Miền Trung vẫn tiếp tục xuống đường chống lại các chính phủ của Tướng Nguyễn Khánh, của ông Trần Văn Hương, của Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Năm 1966 khi Tướng Nguyễn Chánh Thi bị cắt chức Tư lệnh Quân đoàn I, miền Trung, với sự hậu thuẫn của Phật giáo miền Trung, các nhóm chống đối chính quyền đã chiếm đóng nhiều nơi trong ba tháng và sắp trở thành một vùng li khai tự trị. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ phải ra tay dẹp.
Trong hồi ký "Twenty Years and Twenty Days" (Hai chục năm và hai chục ngày) [Stein and Day 1976] ông Kỳ nhận xét:
"Trí Quang là một người cứng rắn, đưa ra những tuyên bố sẵn sàng chiến đấu."
Về phong trào tranh đấu của Phật giáo ở miền Trung, ông viết:
"Nhiều Phật tử đang muốn cắt miền Nam ra làm hai - và họ sắp đạt được mục đích, điều mà Việt Cộng đã thất bại. Vì những nhà sư không thể nắm quyền, nên các lãnh đạo Phật giáo chỉ mong là chắc chắn những con rối của họ sẽ làm những gì họ muốn."
Dẹp xong vụ nổi loạn miền Trung, tướng Kỳ bắt Thượng toạ Trí Quang đem về Sài Gòn và giao cho bác sĩ Nguyễn Duy Tài săn sóc tại một trung tâm y tế ngay giữa thủ đô, không cần cho cảnh sát hay an ninh canh gác. Nhưng ông Kỳ cảnh cáo sẽ "bắn bỏ (bác sĩ Tài) cùng vợ con và gia đình" nếu thượng toạ trốn thoát hay bác sĩ để ông bị bệnh nặng.
Suốt một thập niên sau đó, Thượng toạ Trí Quang là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính trường miền Nam. Nhiều chính trị gia tham vấn ông khi ra tranh cử hay đề xuất chính sách.
Cho đến những ngày sau cùng của Việt Nam Cộng hoà ông còn xuống đường đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.
Tổng thống Dương Văn Minh, vị lãnh đạo hai ngày của Việt Nam Cộng hoà, trước khi có quyết định đầu hàng cộng sản miền Bắc cũng đã xin thỉnh ý của thầy.
Chuyện gì xảy đến với Thượng toạ Trí Quang sau ngày 30/4/1975? Theo Tướng Nguyễn Cao Kỳ viết trong tác phẩm "Buddha's Child" [St. Martin's Press 2002] thì thượng toạ bị cộng sản giam tù nhiều năm và khi ông Kỳ ngồi viết tác phẩm này thì nhà sư một thời tranh đấu đã được tự do và có sức khoẻ tốt.
Trong sách "The Third Force in the Vietnam War" [IB Tauris 2017], Sophie Quinn-Judge ghi lại lời kể của Nguyễn Hữu Thái, một lãnh đạo của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn với quan điểm ủng hộ phật giáo tranh đấu và cũng là người có mặt tại đài phát thanh Sài Gòn trong khoảnh khắc Tướng Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Ông Thái nói với tác giả rằng sau 30/4/1975 ông có nhận được lời nhắn của Thượng toạ Trí Quang khuyên ông "bây giờ Cách mạng cần người mới và chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không còn cần thiết nữa. Đừng liều lĩnh quá xa."
Thượng toạ Trí Quang sau ngày 30/4/1975 đã hoàn toàn im tiếng cho đến khi qua đời, cho dù Phật giáo bị cộng sản Hà Nội thẳng tay đàn áp, nhiều lãnh đạo của Giáo hội bị giam.
Điều đó tiếp tục gây tranh cãi về vai trò của ông trong những biến động chính trị tại Việt Nam.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California, Hoa Kỳ. Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt về chủ đề vai trò lịch sử và di sản của Hòa thượng Thích Trí Quang.
No comments:
Post a Comment