Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 12 August 2020

Núi Ngự Bình Và Sông An Cựu

Khi nói đến Huế, người ta thường nhớ đến câu ca dao:

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Bài ca dao này nói lên nét đặc thù của 2 địa danh: Núi Ngự Bình và Sông An Cựu. Sau đây là 2 bài giải thích ý nghĩa của nó.

 Núi Ngự Bình

Núi Ngự Bình đứng trơ vơ về phía tây nam, cách kinh thành Huế khoảng 3 km (2 miles) là ngọn núi hình thang, cao 105 m (315 ft), đỉnh bằng phẳng. Tên cũ của Núi Ngự là Bằng Sơn.

Cùng với sông Hương núi Ngự Bình, người ta quen gọi Huế là xứ sở của Sông Hương - Núi Ngự.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn viết “Phía Đông bắc Hương Thuỷ, nổi vọt lên ở quãng đất bằng” như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông"

Núi Ngự Bình cao 105m, dáng cân đối, uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn được thành lập, quyết định xây dựng kinh thành Huế, thấy Bằng Sơn như một bức bình phong án ngữ trước mặt, Gia Long chấp nhận đồ án của các thầy địa lý: chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.


Một nhánh của sông Hương chảy về Hà Trung, Hà Trữ có tên là Sông An Cựu hay Lợi Nông

 

Cầu Tràng Tiền bắc qua Sông Hương

Để có thể hiểu thấu đáo về Sông An Cựu, xin trích bài khảo luận của Bác Sĩ Hồ Đắc Duy


hph

 


Sông An Cựu



Hồ Đắc Duy

Ở thành phố Huế có 4 con sông: sông Hương, sông Như Ý, sông Bạch Yến và sông Gia Hội.

Ngoài sông Hương và Gia Hội chảy qua thành phố, còn lại là các sông chảy quanh vùng ngoại ô. Tất cả đều là chi lưu của sông Hương, mỗi con sông có một dáng dấp khác nhau về hình thể, chiều dài và đặc tính kinh tế cũng như gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Thừa Thiên – Huế từ khi các chúa Nguyễn hùng cứ ở phương Nam.
Sông An Cựu là con sông đào, nhưng lại là con sông dài nhất với chiều ngang khá khiêm tốn chỉ xấp xỉ 1/15 so với sông Hương.
Sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long bắt đầu cho xây dựng kinh thành và lập ra kế hoạch phát triển vùng phụ cận Huế, biến vùng đất này trở thành trung tâm quyền lực chính trị của vương triều mới.
Sau khi quan sát địa lý hình thể và thăm dò ý dân nhà vua quyết định cho đào sông Lợi Nông.

Sông Lợi Nông nằm bờ nam là thủy lộ nối sông Hương với đầm Hà Trung là một đầm nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, thông thương với biển đông bằng hai cửa Thuận An và Tư Hiền.



Cửa sông An Cựu bắt đầu bên bờ nam sông Hương ngay điểm cuối cùng của mũi phía đông của cồn Dã Viên ở tọa độ 16°27'33.67" vĩ Bắc 107°34'33.82" kinh Đông sông được khơi trên một lòng một con suối cũ, chảy theo hướng bắc nam, bờ phía tây của sông chảy dọc theo dưới chân của gò Dương Xuân, Bến Ngự, Phủ Cam, Kho Rèn… đến vùng An Cựu thì chảy thẳng vào đồng bằng càng ngày càng cách xa vùng núi Ngự Bình – Thiên Thai, Ngũ Phong chảy chừng 17 dặm thì đến hành cung Thần Phù chảy thêm 28 dặm nữa qua hành cung Thuận Trực rồi đổ vào phá Hà Trung ở tọa độ 16°21’ vĩ Bắc 107°45' kinh Đông. .



Sông An Cựu có một hệ thống mạng lưới nhận nước khá lớn từ các khe suối của vùng đồi núi nằm bờ phía tây của sông như vùng gò Dương Xuân, Phủ Cam, Ngự Bình Thiên Thai, Ngũ Phong, Thần Phù, Phú Bài kéo dài cho đến, Hà Trung, Hà Trử.

Hệ thống nhận nước này cách đây 60-70 chục năm còn thấy rõ bời các khe suối lộ thiên khi chúng đổ vào sông An Cựu, hiện nay bị che khuất, bị san lấp, bị đô thị hóa, bị cải tạo… nhất là ở các vùng Nam Giao, Bến Ngự, Phủ Cam đã bị biến dạng hoàn toàn, dấu tích còn lại của hệ thống này là cống nằm bên cạnh nhà số 156B đường Phan Chu Trinh. Hệ thống này là cơ chế để giải thích câu ca :

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong....

Với câu ca này, cách đây gần mười năm khi công trình làm đập trên nguồn Tả Ngạn của sông Hương hay đường Trường Sơn đã làm cho nước sông Hương dục ngầu trong một vài năm, sau khi công trình hoàn thành, các vùng đất đá được rửa sạch nước sông lại trong như cũ, cũng thế hiện nay sắc nước của sông An Cựu không còn đúng như các thập niên 50-60 của thế kỷ trước nữa, thay vào đó là lũ lụt, ngập úng.

Sông An Cựu dài 45 dặm dài hơn sông Hương 10 dặm, hình sông được khắc tượng vào Chương Đỉnh. Thời Gia Long sông mang tên An Cựu đến khi vua Minh Mạng lên ngôi được 2 năm thì đổi tên là sông Lợi Nông.
Khâm Định Đai Nam Hội Điển Sự Lệ, trang 200 quyển 212 cho biết năm Gia Long thứ 13 vua ra lệnh vét sông An Cựu tứ bờ nam sông Hương đến cửa sông Lê Xá dài 1217 trượng 7 thước. Đến năm 1833 vua Minh Mạng ban sắc cho tiếp tục vét sông Lợi Nông từ địa phận các xã Thần Phù, Lê Xá, Lương Xá gồm 17 đoạn với tổng số chiều dài là 447 trượng, mặt sông rộng 1 trượng 5 thước, dáy sông rộng 1 trượng 3 thước 2 tấc.
Dọc theo hai bên bờ sông cho trồng tre để giữ đất tránh sạt lở bờ khi lũ lụt, suốt chiều dài 45 dặm của sông An Cựu các vua triều Nguyên đặt 2 hành cung là hành cung Thần Phù và hành cung Thuận Trực. Hành cung là nơi nhà vua nghỉ chân trong các chuyến thăm viếng dân tình.

Lúc khời đầu khi đào sông chỉ vì mục đích lợi nông, biến hàng ngàn vạn mẫu đất vùng rừng hoang đầm lầy ngập mặn thuộc khu vực đầm Hà Trung, đầm Thanh Lam, đầm Mỹ Á, An Truyền, Tô Đà… trở thành đồng ruộng phì nhiêu, khi kinh tế nông nghiệp phát triển thì kéo theo sự phát triển các cụm dân cư rải rác dọc theo 2 bên bờ sông như chợ Bến Ngự, chợ An Cựu… thủy lộ duy nhất và quan trọng số một đi từ kinh thành về phía nam là con sông An Cưu, từ đầm Hà Trung - Đá Bạc - Cầu Hai thuyền có thể ra biển đông bằng cửa biển Tư Hiền có thể theo đường bộ qua Hải Vân Quan.

Sông An Cựu trở nên con đường thủy huyết mạch của trung tâm quyền lực cjính trịcủa vương triều nhà Nguyễn ở Huế.

Vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước vẫn còn những chuyến đò dọc từ làng Hà Trung – Hà Trử , từ Lương Điền - Nong – Phú Bài từ Thần Phù – Giạ Lê về Huế. Những con đò dọc mang đầy ắp cây trái, lúa khoai, đặc sản tôm cá của vùng đầm phá Cầu Hai Bạch Mã. Giọng hò đối đáp từ những con đò dọc này vang lên giữa đêm khuya nhất các đêm trăng rằm trên sông An Cựu nghe thật lạ lùng, quyến rũ đến liêu trai, phải là những cư dân sống 2 bên bờ sông hay những hành khách xuôi đêm mới cảm nhận cái đẹp vô ngần ấy, tiếng hò trên sông An Cựu êm đềm và ấm cúng hơn trên sông Hương vì sông Hương quá rộng nên tiếng hò không bay xa, không ngân vang như trên sông vĩ Dạ, Như Ý, An Cựu.

Thật may mắn cho người viết vì đã có một thời thơ ấu sống bên giòng sông An Cựu thập niên 40 – 50 của thế kỷ trước

Bây giờ hình như người ta lãng quên cái thủy lộ một thời huy hoàng trong quá khứ.

Nay tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, nước sông không còn xanh ngọt như xưa mà nó có màu đen và mùi hôi, nhất là chung quanh khu vực chợ Bến Ngự, An Cựu và một đám bèo hoa dâu đang phát triển rất nhanh trước măt cung An Định, mặt sông dày đặc rác và các chất thải thâm chí cả xác súc vật chết.

Nước thải của những hộ dân sống quanh bờ sông và từ chợ Bến Ngự, AnCựu… đều được đổ xuống giong sông này mà không qua xử lý.
Giòng chảy đang bị thu hẹp dần, do mực nuớc xuống thấp nên đất ở lòng sông trồi lên rải rác từ cầu Nam Giao xuống cung An Định, trên các bãi bồi này cỏ dại mọc rất nhanh. Bèo hoa dâu bám vào làm cản trở giòng chảy khiến cho việc lưu thông giảm đi rất nhiều hậu quả làm khả năng tự làm sạch cũng bị mất đi.

Một số cư dân đã ra phát cỏ, đắp kè, giãy đất bồi để trồng rau muống, môn, khoai...

Và kể từ khi hệ thống điều tiết nước ở Cống Phú Cam (Cửa Khâu) được xây dựng vào năm 1978, tại vị trí đầu sông An Cựu thì tình trạng ô nhiễm này càng nhiều hơn vì nước không được rửa sạch từ nguồn nước sông Hương, người phụ trách điều tiết, quản lý môi trường vệ sinh chưa ý thức được hết trách nhiệm nên…

Các cây cầu bắc ngang qua sông An Cựu như cầu Ga cách cửa sông khoảng 500m, cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam Phú Ca ) cầu Kho Rèn, cầu An Cựu, những cây cầu này được xây dựng từ thế kỳ trước chì có thể xử dụng trong một vài năm nữa mà thôi.

Và hiện nay người ta bắc thêm 3 chiếc cầu chưa đặt tên, cây cầu cuối cùng ở khu vực Thần Phù gần nơi mà vua Minh Mạng đã cho xây dựng một hành cung gần 2 thế kỷ trước.

Muốn mang đến một món quà cho những ai yêu Huế và cho một người muôn năm cũ đã sống bên bờ sông An Cựu của một thời vàng son thuở trước

Hồ Đắc Duy


Vì sao Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Chắc hẳn những ai đã sống ở Huế đều không thể không biết đến hai câu ca dao :

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong


Thế nhưng đã có mấy ai đã từng đặt câu hỏi Vì sao sông An cựu lại “nắng đục mưa trong” ? Con sông gắn liền với những địa danh quen thuộc : Bến Ngự, Phủ Cam, An cựu… đã từng đi vào thi ca, âm nhạc và nó cũng mang trong mình một truyền thuyết vô cùng thú vị.



Sông An cựu ngày xưa ( đoạn này có tên là Phủ Cam)

Sông An Cựu là chi lưu của sông Hương, chảy qua phía Nam Thành phố Huế, sông còn có tên là Lợi Nông. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long 13. Vua Gia Long cho đào khơi thông sông Hương với sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thuỷ, vì vậy mới có tên là Lợi nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có tên khác là sông Phủ Cam hay sông Thanh Thuỷ. Năm 1836, sông Lợi Nông đã được khắc vào Chương đỉnh trong Cửu đỉnh đặt trong Hoàng Thành.

Ở đoạn đầu của sông có Bến Ngự để thuyền rồng của nhà vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao. Phía hạ lưu có các hành cung Thần Phù, Thuận Trực để vua tạm nghỉ trong những lần về chơi ở phá Hà Trung hoặc về rừng Đông Lâm săn bắn.

Theo truyền thuyết thì đầu thế kỷ 19, khi sơn hà xã tắc đã thống nhất, cùng với việc kiến thiết xây dựng kinh đô, củng cố triều chính, phát triển kinh tế, vua Gia Long đã sắc cho Bộ Công đào sông An Cựu theo ước nguyện của dân trong vùng. Lúc đó dòng sông được khơi thông từ vũng eo dưới mũi cồn Giã Viên. Nhưng do khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng khổng lồ nhiều năm ẩn dật dưới lòng sông Hương làm cho hang động của nó bị lộ ra, do vậy mà mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước Hương Giang.





Sông An Cựu với bờ kè hai bờ sông

Trên thực tế, thì dòng sông này là dòng sông đào nhận nước từ sông Hương trong xanh chảy về Phá Hà trung và ra biển nên ngay cả những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì không có nước nguồn trên núi chảy về. Trái lại, mùa nắng hạn, nước sông cạn, có khi cạn gần đến đáy sông và lại có màu vàng đục của lớp phù sa dưới đáy. Ngoài ra còn có một cách giải thích khác nữa, tôi không biết có chính xác không những đến bây giờ cái kiến thức này vẫn tôi vẫn không bao giờ quên. Đó là vào năm tôi học học lớp 9, thầy Việt Anh ( trường Nguyễn Tri Phương - Huế) dạy chúng tôi môn hoá học đã đưa ra một cách giải thích khác hẳn và rất chi là hoá học : sở dĩ sông An Cựu nắng đục mưa trong là do dưới lòng sông chứa một hàm lượng lớn nguyên tố sắt, vào mùa nắng sông cạn nước, nhiệt độ lên cao do đó xảy ra phản ứng khử tạo ra oxit sắt kết tủa có màu nâu đỏ, chính hàm lượng oxit sắt này lơ lửng trong dòng nước đã làm cho nước sông có màu đục ngầu. Đến khi trời lạnh lớp oxit sắt này lắng xuống nên dòng sông lại trong xanh. Một lời giải thích thú vị mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên cả câu ca dao lẫn bài học của Thầy. Cách lý giải này mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng có một chi tiết liên quan đến nó, đó là một trong những cây cầu bắc qua dòng sông này có tên là cầu Kho rèn (nối liền đường Trần Phú và đường Lý Thường Kiệt). Phải chăng theo cách gọi tên cây cầu như vậy thì nơi đây xưa kia đã có một Kho rèn hoặc một lò rèn lớn hoạt động, như vậy liệu có phải vùng đất ở đây có sắt hoặc giả sắt từ lò rèn này mà trôi xuống lòng sông?
Cho đến bây giờ thì dòng sông An Cựu, không chỉ nắng đục mà mưa nước vẫn đục. Đất đai từ các cống rãnh hàng năm vẫn đổ xuống dòng sông. Người ta vẫn lén lút đổ rác, đổ xà bần xây dựng xuống dòng sông làm cho dòng sông đào vốn đã không sâu bây giờ ngày lại càng cạn dần. Có những đoạn sông vào mùa nắng hạn mặt nước chỉ còn xâm xấp đáy sông.



Lực lượng thanh niên và dân phòng vớt bèo trên sông An cựu

Chính quyền thành phố cũng đã tốn không biết bao nhiêu tiền để nạo vét dòng sông, dọn rác, xây kè chống xói lở và vành đai hai bên bờ, tạo cảnh quang cho dòng sông, vậy mà chính những bờ kè và lề sông ấy lại trở thành những quán ăn, quán bia, quán giải khát di động và có ai chắc rằng rác từ đó lại không được xả xuống dòng sông? Nếu mỗi một người dân không tự ý thức trong việc bảo vệ môi trường, cứ đà ấy, viễn cảnh của một dòng sông đen chẳng mấy chốc sẽ trở thành… cận cảnh! Và, hàng chục tỷ của Nhà nước đã và đang đổ ra để chỉnh trang đôi bờ sông An Cựu sẽ không còn mấy ý nghĩa. "Sông An Cựu, nắng đục, mưa trong" câu ca dao xưa đã đi vào tâm thức của người dân xứ Huế chẳng lẽ bây giờ chỉ là huyền thoại ?


Cung An Định - một công trình di tích lịch sử nằm ngay sát bờ sông An Cựu

Nguồn: myblog.yahoo.com/ngvliem/


 


No comments:

Post a Comment