Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 12 August 2020

PHAN THANH TÂM * MẤY CẢM NGHĨ VỀ ĐỌC SÁCH VÀ THƠ

 

Mấy cảm nghĩ về đọc sách và thơ (Phan Thanh Tâm)

 

Thông thường thì đọc sách dễ hiểu hơn thơ vì nhiều lý do, trong đó có cách hành văn rõ ràng và mạch lạc, ít khi phải đọc lại một đoạn hai ba lần đối với những cuốn sách thích hợp với trình độ hiểu biết của mình, trừ những sách quá tầm thì cũng không dễ đọc và dễ hiểu một cách tường tận. 

Đọc sách là cách tìm kiếm kiến thức nhanh nhất, nên người đọc thường chọn cho mình những đề tài trái với nghề nghiệp và sự hiểu biết, vì vậy việc đọc sách trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian đọc đi đọc lại một từ, một câu, một đoạn, một chương làm nhiều lần. Và làm người nên ai cũng có cái đam mê riêng như mê bài bạc, mê sách baó... trong hai caí mê thì mê sách là không nguy hiểm. Dù sao đọc sách cũng là thú vui tao nhã để bồi bổ tinh thần thêm phong phú. Cái lợi có nhiều sách trên kệ giống như có nhiều người bạn thân hay “ông thầy sống” ở trong nhà, khi cần thì thỉnh thầy xuống giảng giải mà không phải tốn tiền, chỉ tốn lúc đầu đi thỉnh ông về thôi ! 

Thú đọc sách cũng không dễ dàng cho lắm. Mua sách về để trưng bày cho đẹp thì không sao, nhưng mua về để nghiên cứu học hỏi, bổ sung kiến thức cho nghề nghiệp hoặc mở sang lãnh vực mới thì là không dễ. Vì vậy người ta khuyên đọc sách tới đâu thì nên tiêu hóa tới đó, tránh việc đọc lấy lệ. Như khi gặp từ ngữ, câu đoạn hoặc chương quá khó hiểu thì nên đọc chậm lại và có bút chì, bút đỏ hay bút dạ quang để đánh dấu. Đọc xoáy vào đoạn chưa hiểu làm nhiều lần, cũng nên đọc đoạn trên và đọc dưới đoạn chưa hiểu đó một đôi trang, để tìm mạch ý mà tác giả muốn nói tới. Một quyển sách cần có một quyển sổ đính kèm để ghi tóm tắt những ý chính, sau này cần coi lại sách đó thì chỉ việc tra lại quyển số đã ghi chép cho nhanh. Cách ghi chép cũng giúp cho trí nhớ được lâu hơn, tuy nhiên có những đề tài không thể, mà cần đọc lại xuyên suốt cho thành thục như một học viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành ở trường ra. 

Đọc sách trước tiên là phải thành thực với chính mình, không hiểu thì nhận là không hiểu, rồi tìm cách đọc để hiểu nó như cách đọc bẻ đũa hay đọc kiêủ tằm ăn dâu. Đọc hiểu từng phần nhỏ rồi ráp nó lại để hiểu tổng thể. Thường thì đọc một mạch cho hết một chương, nếu chưa hiểu thì trở lại chỗ đánh dấu không hiểu mà nghiền ngẫm.  Nếu đọc miết mà không hiểu thì vẫn phải ghi là không hiểu, chứ đừng giả vờ hiểu thì rất tai hại. Và khi thực hiểu thì đã vượt lên chính mình một cách ngoạn mục. Rồi thở phào mỹ mãn cho cái thú đọc sách, giống như giải được đề toán khó trong kỳ thi. Lúc đó thấy mình lớn hơn, khôn hơn và có thể áp dụng nó trong cuộc sống được rồi. Đôi khi nó còn đem lại tiếng tăm và sự giàu có đến không không ngờ, chỉ vì những năm tháng miệt mài đọc sách baó. Đừng bao giờ xem thường những quyển sách tưởng chừng vô bổ, không liên quan gì đến nghề nghiệp, sở thích. 

Nên tâm niệm là ngày nào cũng phải dành thời gian đọc sách, sao cho thích hợp với công việc hàng ngày. Một cuốn sách ngắn có thể đọc trong vài giờ, nhưng gặp cuốn sách có nhiều chương phần thì nên chia nó nhỏ ra, một ngày đọc một chương, hoặc để nó ở đầu giường ngủ, rồi đọc đôi trang trước khi ngủ cũng là cách thư giãn. Vì vậy mà người ta dễ dàng đọc khá nhiêù sách trong một năm để thu nạp kiến thức nhân loại, dù chỉ là rất nhỏ trong bể thức bao la. 

Tóm lại, đọc hiểu một quyển sách giống như tìm hiểu tâm tư tình cảm của một người hay cô bạn gái mới quen. Vì sách cũng có phần hồn và phần xác: phần hồn là niềm vui nhân sinh quan của người đọc sách; phần xác là sách mang lại kiến thức bổ ích cho người đọc. Điều quan trọng là tránh hiểu sai nội dung quyển sách hoặc tư tưởng của tác giả, và cũng nên trân trọng những gì mà sách đã cung cấp, đôi khi đó là cả đời tâm huyết của tác giả.

Hồi trẻ mắt và trí còn sáng nên có thể đọc một quyển sách dầy năm ba trăm trang, thậm chí đọc ngày lẫn đêm mà cũng không sao. Bây giờ tuổi cao mắt kém, trí thì quên trước quên sau nên không thể đọc và nhớ một quyển sách ngắn. Mà cái thú đọc sách trước đây nó đã trở thành thói quen, vì vậy chuyển qua đọc thơ cho nó bớt nhức mắt, vì bài thơ dài cũng chỉ mươi câu hay hơn chục khổ. 

Tưởng rằng đọc thơ thì khỏe con mắt và trí não hơn, nhưng thực ra bài thơ nào dung dị dễ hiểu thì không sao, nhưng gặp phải bài thơ “khổ hiểu” thì như đọc một cuốn sách cao hơn sự hiểu biết của mình rất nhiều. Có lẽ quen với lề lối văn xuôi là sự mạch lạc và dễ hiểu nên khi đọc thơ thì đòi hỏi nó phải như vậy. Rồi ngẫm đi nghĩ lại thì thấy thơ thường có hai ba tầng nghĩa, câu chữ thì cũng lộn ngược khác với văn xuôi, từ ngữ thì luôn mới lạ mà hay.vv….Nên để hiểu và cảm một bài thơ ra sao là tùy thuộc vào tình cảm và độ cảm thụ nghệ thuật của từng người. Đến khi quen dần với “môn thơ” thì thấy nó rất thú vị và độc đáo mà ở văn xuôi ít có được. 

Đọc thơ lục bát và song thất lục bát, thì thấy hai thể này có ưu thế hơn hẳn về độ dài và phù hợp với tính truyện hơn các thể thơ khác, như truyện Kiều dài 3.254 câu lục bát, Chinh Phụ Ngâm có 408 câu song thất lục bát. Hai thể này như dòng sông thi ca đã bắt nguồn từ xa xưa, rồi chảy cho đến nay mà không bị ngăn dòng đổi hướng. 

Khi đọc một bài thơ lục bát, thì tính mềm mại và độ uyển chuyển của nó như những con sóng nương nhau vào bờ của buổi chiều yên ả, âm điệu thì réo rắc xé lòng bởi những câu trữ tình hoa lệ, hay như khúc nhạc êm ái về tình yêu…nhưng cũng sắc sảo và khôi hài khi giọng điệu thơ mang tính châm biếm về thế thái nhân tình. 

Ở song thất lục bát, khi đọc lên thì giọng điệu của nó mạnh ở thanh trắc của câu thất, giống như chạy một mạch lên tận đỉnh núi, rồi thư thả đi xuống triền đồi nhẹ nhàng bởi thanh bằng của lục bát. Ở thể song thất lục bát thì hai câu bảy mường tượng như câu đề câu thực, và câu sáu câu tám thì giống như câu luận của thể thơ Đường. Đọc lên nghe có mạnh có mềm, có trơn tru có góc cạnh, ngoài trữ tình thì còn mạnh về triết lý nhân sinh. vv… Các bậc tiền nhân ngày xưa thật là tài hoa, đã tìm ra nhịp điệu của hai thể thơ này, là dễ dàng biểu đạt tâm tư tình cảm của con người qua mọi ngóc ngách đời sống. Thi ca có giai đoạn biến thiên nhưng hai dòng thơ này luôn song hành và đồng hành cho đến tận ngày nay. 

Khi đọc một bài thơ tự do, nó giống bài văn xuôi được cô đọng bằng những câu chữ ngắn dài, cùng những phân đoạn cũng ngắn dài khác nhau. Thanh điệu và nhịp điệu của thơ tự do rải rác đây đó như điểm nhấn cảm xúc mà không theo qui luật nào, nó chỉ theo nhịp cảm tâm hồn của tác giả lúc đó là ra sao. Đọc thơ tự do thường cảm được sự dung dị và gần gũi của nhịp sống đời thường. 

Đọc thơ Đường thì có quá nhiều niêm luật, vì vậy mà cấu trúc câu luôn chặt chẽ và cân đối. Còn nhịp điệu của nó khi đọc lên thì nghe rất gần với nhịp cảm xúc. Nếu là giọng thơ trữ tình thì nghe xốn xang bởi những thanh điệu bằng trắc hài hòa, bố cục mạch lạc, rõ ràng; khi đó bài thơ có giọng điệu trào phúng thì nhịp điệu cảm xúc cũng thay đổi theo phong cách đó. Phải chăng đây là điểm độc đáo của thơ đường bằng nhiều giọng điệu khác nhau trong một niêm luật định sẵn, mà vẫn sinh động và hài hòa với tình cảm của con người xưa nay. 

Đọc một bài thơ Đường luật, thì giống như đang xem một bức tranh hình vuông hay hình chữ nhật thu nhỏ, trong đó có 8 câu chữ lượn lờ theo giai điệu và nhịp điệu thơ, để cho 56 con chữ tiếp nhau nhảy múa theo tiết tấu cảm xúc, đặc biệt có cả lời bình của một bức tranh về thế thái nhân tình, điều này phụ thuộc vào tính nghệ thuật và trí tưởng tượng của mỗi người yêu thơ Đường. 

Tóm lại, đọc bất kỳ thể loại thơ nào thì giống như đang xem một bộ phim phụ thuộc vào độ ngắn dài của bài thơ. Như truyện Kiều có thể là bộ phim dài tập của một giai đoạn lịch sử thời phong kiến; hoặc một bài thơ ngắn thì là một tập phim ngắn hay thước phim cực ngắn dưới 30 giây, nhưng dư âm của nó thì để lại lòng người rất dài và dai dẳng.                                                                

(Ngày 10.4.2020 AL)

Phan Thanh Tâm – Cà Mau

No comments:

Post a Comment