Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 12 August 2020

 

Vào “boong ke" bắt “Chí Phèo”

19-11-2004 - 10:49 AM | Pháp luật

Khi các điểm bán lẻ ma túy đã thành những “boong ke” giữa lòng thành phố; khi đội quân “buôn thần chết” đã kết nạp thâm danh sách dài những con bệnh AIDS giai đoạn cuối cùng là khi lực lượng công an phải đối mặt với một loại “Chí Phèo” đời mới: rạch mặt ăn vạ và tấn công lại các trinh sát bằng “vũ khí” dính những giọt máu tử thần.

Ngày 8-9-2004, khi “trùm” ma túy ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên Nguyễn Mạnh Dũng (SN 1964) bị công an bắt, bà con xung quanh khu vực đã đổ xô ra đường nhìn cảnh “Chí Phèo” thôn Yên Tân mặt sạm như chì, run rẩy trèo lên ô tô về trại giam. Dũng là một gã dị thường, hắn sống một mình trong ngôi nhà nằm khuất giữa khu vườn rậm đầy cây trái. Vóc người cao lớn, xăm trổ vằn vện, đầu luôn cạo trọc, đã từng vào tù vài lần về tội cướp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy. Ra tù vẫn chứng nào tật ấy, ngày 2 lần hắn qua bãi Phúc Tân lấy thuốc về chia thành các tép nhỏ rất đều nhau, bán đồng hạng 100.000 đồng/tép. Dũng chỉ bán hàng cho khách quen, nếu con nghiện nào lạ, không thích bán, hắn cầm gậy đánh liền. Không ai biết Dũng đã nhiễm HIV hay chưa, chỉ biết hắn nghiện ma túy đã khá lâu. Vợ Dũng đã mang 2 con bỏ về bên ngoại. Hắn cũng từng đe dọa, nếu kẻ nào “hỗn” hắn sẽ cho nếm mùi “con ết”. Trung tá Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (CSPCTPVMT) Công an quận Long Biên kể lại: Hôm đó, các anh tổ chức 3 mũi trinh sát quyết không để cho Dũng thoát. Các anh lao tới nhấc bổng người và giật mạnh chân khiến hắn bất ngờ khuỵu xuống, Dũng vẫn cứ nghĩ mình bị bọn giang hồ xứ khác tới hành hung chứ không biết các trinh sát đã dà y công theo dõi và ập vào từ ba hướng, để chặn mọi khả năng hắn giở thói côn đồ. Điều khiến anh Khiêm bất ngờ nhất hôm ấy chính là sự chuyển đổi thái độ nhanh chóng của Dũng. Khi phải đưa tay vào còng, Dũng nói: “Các anh cho em xin lại một ít tiền đóng tiền học cho các cháu”. Lúc đó, anh biết Dũng nói thật, thì ra hắn còn nghĩ được tới những đứa con. Trong phút chốc, trung tá Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy lòng mình chùng lại. Anh chỉ đạo các chiến sĩ để lại hơn 1 triệu đồng, số tiền không liên quan đến việc mua bán ma túy của Dũng, để hắn gửi cho con. Khi lời thỉnh cầu được chấp thuận, Dũng đã không kìm được xúc động. “Chí Phèo" thôn Tân Yên bật khóc. Thế nhưng, không phải đối tượng nào cũng như Dũng. Đầu năm 2004, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã bắt Phạm Văn Hòa (Hòa “nhồi") trú tại tổ 10, phường Bồ Đề về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Sinh năm 1955, đã từng bị bắt về tội trộm cắp xe đạp, nghiện ma túy nặng và đã nhiễm HIV khá lâu. Hòa “nhồi” được cả khu phố mệnh danh là “lão già bẩn thỉu”. Gọi như vậy đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ gieo cái chết trắng cho không biết bao nhiêu gia định từ cái “boong ke” vững chắc của mình, giao hàng và nhận tiền qua chiếc dây dù thả từ tầng 3 xuống, Hòa còn được tiếng là lười tắm vì sợ nước. Căn nhà của Hòa luôn khóa cửa, đêm cũng không bật đèn. Tổ dân phố đến để lập danh sách đi bầu cử Hòa không những không cho vào mà còn chửi mắng thậm tệ. Khi các chiến sĩ ập vào bắt, Hòa hoàn toàn bất ngờ nhưng không hề hé răng nói nửa lời. Mọi câu hỏi ban đầu của lực lượng công an đều trở nên vô hiệu. Có lẽ đã quá rõ hình phạt của mình, Hòa tìm mọi sơ hở của công an để đập đầu tự sát. Các chiến sĩ vẫn còn nhớ rất rõ năm 2002, khi bị bắt về tội trộm cắp, Hòa đã dùng dao lam rạch bụng mình và vấy máu nhiễm HIV bôi lên bàn ghế và quần áo của cán bộ trực ban. Lần này thì ở... cấp độ cao hơn. Khi giải hắn về trụ sở Công an phường Ngọc Lâm (quận Long Biên). Hòa đã kịp xé tan bộ quần áo đang mặc và sẵn sàng tồng ngồng đi trên đường phố. Công an phường Ngọc Lâm đã phải “hy sinh" chiếc chăn của trực ban để cho Hòa nằm lên, nếu nằm dưới nền xi măng hắn sẽ tìm cách đập đầu để lấy máu AIDS đe dọa lại. Đêm ấy, mức độ bẩn thỉu của Hòa đã lên tới cấp độ kinh khủng. Hắn đại, tiểu tiện tại chỗ và tìm cách bôi đầy lên cái thân thể không quần áo ấy, như một lời thách thức đối với các trinh sát. Với các trinh sát Đội CSPCTPVMT Công an quận Long Biên, Hòa “nhồi” thực sự là một “Chí Phèo" hiện đại. Săn nghiện - những đòn thù bất ngờ 11 giờ ngày 10-11-2004, chúng tôi đến Công an phường Cát Anh (quận Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, đối tượng Trần Quang Vinh mắt đỏ ngầu, da xanh nhợt và môi thâm gã gườm gườm nhìn mọi người. Tôi hỏi Vinh bị bắt về tội gì? Vinh không trả lời. Trưởng Công an phường Cát Linh Lã Văn Trụ bảo: Thằng này liều mạng lắm, hắn đã chích xơranh ma túy vào 2 chiến sĩ của chúng tôi. Chuyện xảy ra vào đêm 8-11-2004. Khi đại úy Nguyễn Tất Tứ đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng ngang qua cầu thang tập thể Viện Dược liệu tại ngõ 35, phố Cát Linh thì phát hiện Vinh đang cầm xơranh để chích ma túy. Anh liền đến yêu cầu Vinh chấm dứt việc hút chích tại nơi công cộng, đồng thời thu giữ xơranh và ma túy. Khi anh bước đến, ngay lập tức Vinh chống cự. Trong cuộc vật lộn khá quyết liệt, Vinh đã dùng kim tiêm đâm vào ngón tay anh. Quên cả nguy hiểm, anh vẫn kiên quyết bắt Vinh về trụ sở công an phường. Tại đây, khi đồng chí trực ban Cao Thanh Long kiểm tra người Vinh, hắn liền rút chiếc xơranh được giấu trong túi quần đâm vào tay anh. Khi chúng tôi đến thì Vinh đang chờ quyết định của công an quận để đưa đi trung tâm cai nghiện. Cũng rất may cho anh em là sau đó phía y tế cho biết, chưa khẳng định Vinh đã bị nhiễm HIV hay chưa, dù mẫu máu xét nghiệm đã dương tính về ma túy, còn các chiến sĩ đã được đưa đi xét nghiệm và uống thuốc chống phơi nhiễm. Nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về sự manh động của các đối tượng nghiện ma túy. Và trong khung của luật, việc khép Vinh vào hành vi lây truyền bệnh cho người khác là việc không dễ dàng. “Chuyên gia đi bộ” Nguyễn Quốc Khánh, trú tại tổ 5, phường Đức Giang, quận Long Biên cũng là một con nghiện có thâm niên nhiễm HIV không dưới 5 năm. Năm nào lực lượng công an cũng phải xử lý hành chính đối với Khánh khoảng chục lần, và việc ăn cắp vặt. Khánh sẵn sàng lấy từ cái quần cộc ướt cho đến đôi dép tổ ong. Dường như trong căn nhà rộng 40 m2 mà Khánh sống một mình chẳng có gì ngoài một manh chiếu rách và những ống xơranh quăng bừa bãi khắp nơi. Lúc nào Khánh cũng gài 2 ống xơranh ở tai, vừa tiện để chích vừa để đe dọa lực lượng công an. Khi các chiến sĩ đến bắt Khánh đi trung tâm cai nghiện, ngoài hai “vũ khí" gài tai, Khánh còn lăm lăm thêm 1 con dao. Về sau, Khánh “thành thật" khai rằng, hôm đó nếu các chiến sĩ không nhanh chóng khống chế được, hắn sẽ dùng xơranh để chích vào người, vì dù gì thì hắn cũng sắp chết nên bất chấp tất cả. Thượng úy Vương Quốc Huy, Đội phó Đội CSPCTPVMT, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cũng vừa thoát HIV sau nhiều tháng điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Lâm sàng Nhiệt đới. Tháng 3-2004, khi đang là Phó trưởng Công an phường Long Biên (quận Long Biên). Một lần anh cùng đồng đội xuống cưỡng chế các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn đi trung tâm cai nghiện bắt buộc, trong số này có Lưu Quang Hạnh, trú tại cụm Nha, phường Long Biên, đối tượng có tới 3 tiền sự và nhiễm HIV khá nặng đang tìm cách lẩn trốn. Mẹ và em gái hắn túm áo và kéo tay từ đằng sau, thế là Hạnh thoát, một cuộc rượt bắt Hạnh lập tức diễn ra khá vất vả, hắn có nhiều người quen trong khu vực và đang trong tình trạng cực kỳ kích động, sẵn sàng gây án. Trong vòng vây ngày càng khép chặt của các chiến sĩ công an, không còn đường thoát, hắn đâm ra liều mạng. Hạnh lấy liềm cắt vào người, rồi vung những giọt máu nhiễm HIV vào các chiến sĩ. Chưa hết, khi anh Huy tiến vào khống chế, Hạnh chống cự quyết liệt. Lưỡi liềm của hắn đã cứa vào lưng còn tay hắn cào vào tay anh đến bật máu. Lúc ấy, anh chỉ còn nghĩ đến việc phải bằng mọi cách đưa Hạnh lên trung tâm cai nghiện. Khi về tới công an phường, nhìn máu chảy dọc cánh tay, anh mới giật mình. Gia đình anh biết chuyện, hết sức hoang mang lo lắng. Anh đi xét nghiệm và điều trị ngay, nhưng những ngày sau đó vẫn tâm niệm, nếu mình dính HIV thì cũng coi như một “tai nạn nghề nghiệp” mà thôi.

May thay, thượng úy Vương Quốc Huy đã hoàn toàn bình phục trở về. Nhưng điều băn khoăn sau sự việc ấy chính là, với những đối tượng coi thường pháp luật như Lưu Quang Hạnh, chúng ta phải có biện pháp quản lý như thế nào khi chúng từ trung tâm cai nghiện trở về. Và với lực lượng trực tiếp tại cơ sở như thượng úy Vương Quốc Huy, cần có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe. Chuyện Công an phường Cát Linh đi bắt đối tượng buôn bán má túy AIDS giai đoạn cuối là một ví dụ. Khi các anh vào bắt đối tượng Bùi Ngọc Nam thì hắn đã bị mù vì nhiễm AIDS, người lở loét, trong nhà chỉ có một đống xơranh dính máu. Trò chuyện với chúng tôi, các chiến sĩ phòng chống tội phạm về ma túy cho biết, có rất nhiều cái “giá như”: giá như ngân sách đừng quá eo hẹp, giá như ý thức của người dân tốt hơn, giá như được trang bị phương tiện bảo vệ tốt hơn và... giá như đừng có đối tượng nghiện. Những cái “giá như” ấy quả là những vấn đề cần phải được quan tâm một cách thiết thực hơn...

No comments:

Post a Comment