Phản ứng xung quanh lệnh cấm nhắm vào Tik Tok
Bất chấp những quan ngại của nhà chức trách Mỹ và giới chuyên môn về tính an ninh-an toàn khi sử dùng ứng dụng Tik Tok của Trung Quốc, một số người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, xem đây là một công cụ giải trí được yêu thích giúp họ thỏa chí sáng tạo và thể hiện bản thân.
Hôm 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm các thực thể và công ty Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu của Tik Tok Trung Quốc, sau 45 ngày nếu như ByteDance không bán lại Tik Tok cho một công ty Mỹ.
Lý do chính quyền Trump đưa ra là Tik Tok ‘có khả năng đánh cắp dữ liệu người dùng Mỹ để phục vụ cho chính phủ Trung Quốc’ và ‘kiểm duyệt nội dung đăng tải theo hướng có lợi cho mục đích tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc’.
Theo các nhà quan sát, sắc lệnh hành pháp này là một sự thay đổi trong lập trường trước đó của ông Trump vốn muốn cấm tiệt ứng dụng này trên lãnh thổ Mỹ. Các cố vấn của ông lo ngại lệnh cấm này sẽ khiến ông Trump mất lòng các cử tri trẻ vốn là người dùng trung thành của Tik Tok.
Ứng dụng này giúp người dùng tạo ra, đăng tải và xem các video ngắn dưới 15 giây.
Công cụ để ‘sáng tạo’
“Đó là công cụ giúp mình sáng tạo,” Emily Hoang, 21 tuổi, sinh viên Đại học George Mason ở bang Virginia, người sử dụng TikTok hàng ngày và có sản phẩm lên tới 2,2 triệu lượt xem, nói với VOA.
Emily thích Tik Tok vì nó giúp cô ‘thể hiện bản thân’ với bạn bè đồng trang lứa, có chức năng chỉnh sửa video tiện lợi hơn các nền tảng xã hội khác, và phần đông người dùng là giới trẻ.
Về khả năng bị trộm thông tin cá nhân khi dùng Tik Tok, Emily nói cô ‘không hề nghĩ đến’ nhưng cô hiểu ‘đó là một quan ngại’.
“Nhưng nói một cách công bằng, dữ liệu của người Mỹ bị lấy trộm mỗi ngày, nếu chúng ta lên Amazon và chọn một món hàng nào đó thì thông tin đó sẽ được đánh cắp và chia sẻ cho các mạng xã hội khác mỗi ngày,” cô phân tích. “Thành ra chúng ta không thật sự có sự riêng tư cho bất cứ thứ gì chúng ta làm mỗi ngày.”
Dù không ủng hộ lệnh cấm, nhưng Emily nói cô không lo vì ‘Lúc nào cũng sẽ có cái mới ra đời. Nếu ứng dụng này không được, thì sẽ có cái khác để thử.’
Đơn thuần giải trí
Một người sử dụng khác tên Lilly Bui, 23 tuổi, sinh viên năm cuối ở Dickonson College, bang Pennsylvania, cho biếtcô ‘không ngại về việc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân’ khi dùng TikTok cũng như ‘không thấy có nội dung gì về chính trị hay tuyên truyền cho Trung Quốc mà chỉ thuần tuý giải trí’.
“Lên Tik Tok không phải để nhắn tin hay kết nối với bạn bè mà là đơn thuần để thư giãn,” Lilly nói.
Theo người sử dụng này, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay với những nỗi lo lắng, tuyệt vọng, cô vào Tik Tok nhiều hơn như một cách thoát ra khỏi những điều tiêu cực để nhẹ nhàng đầu óc.
“Bình thường em rất thích cover dance, mà cover dance là nội dung rất phổ biến trên Tik Tok,” Lilly bày tỏ.
“Lúc đầu em cảm thấy buồn khi biết là Tik Tok sẽ bị cấm ở Mỹ nhưng bây giờ em không chắc là Tổng thống Trump có thực sự cấm được Tik Tok hay không vì Tik Tok có thể kiện ngược lại Nhà Trắng,” cô cho biết về phản ứng của cô trước lệnh cấm Tik Tok.
Quan ngại
Dù chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy TikTok đã cung cấp dữ liệu của người dùng ở Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, nhưng có những lo ngại việc này có thể xảy ra vì luật pháp và quy định của Trung Quốc.
“Ấn Độ là một trong những quốc gia xài TikTok nhiều nhất. 43% người dùng TikTok là từ Ấn Độ mà Ấn Độ đã cấm ứng dụng này rồi. Tại sao? Đó là vì gần đây khi Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ ở biên giới thì TikTok đã cho phép dùng ứng dụng này để biết những chuyển động của quân đội Ấn Độ. Nó liên quan tới vấn đề gián điệp và tình báo,” Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia về kinh tế và tài chính ở Texas theo dõi thông tin về TikTok, nhận định trong một cuộc phỏng vấn trước đây với VOA.
Theo Tiến sĩ Lộc, rất nhiều thông tin có giá trị của người dùng có thể được thu thập từ ứng dụng này nhờ những thuật toán, trí tuệ nhân tạo và công cụ sinh trắc theo dõi chặt chẽ những nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng.
Các quốc gia khác cũng đang cấm TikTok như Australia, Pakistan hoặc Indonesia, ông cho biết.
Cách đây không lâu, Quốc hội Mỹ đã soạn luật cấm nhân viên liên bang Mỹ không được dùng ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị của chính phủ.
No comments:
Post a Comment