10 năm sau 'Bóng đè', Đỗ Hoàng Diệu trở lại với tác phẩm mới
10 năm sau khi ra mắt cuốn
sách gây tranh cãi nhất văn đàn đương đại, Đỗ Hoàng Diệu mới trở lại
bằng một tiểu thuyết đầy ám ảnh mang tên "Lam Vỹ".
Năm 2005, Đỗ Hoàng Diệu ra mắt làng văn với tác phẩm đầu tay Bóng đè. Ngay lập tức, tập truyện ngắn gây xôn xao, trở thành vấn đề bàn cãi. Nhiều người đánh giá cao Bóng đè, nhưng cũng không ít độc giả không ưa bởi nội dung đậm đặc tính dục, quy kết câu chuyện mang tính “loạn luân”.
Bất chấp tranh luận, Bóng đè đi vào các đề tài nghiên
cứu, tạo ra một cú rúng động làng văn thời bấy giờ. Cuốn sách này
cũng khiến vấn đề tình dục trong văn chương Việt được nhìn nhận cởi mở
hơn trước.
Sau khi xuất bản tập truyện ngắn, nữ nhà văn định cư tại Mỹ và
im ắng trên văn đàn. Nhiều người nghĩ cô đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Nhưng thực tế, Đỗ Hoàng Diệu vẫn âm thầm sáng tác. Giữa tháng 10 vừa
qua, cô bất ngờ cho ra mắt tiểu thuyết mới toanh Lam Vỹ.
Tác giả Đỗ Hoàng Diệu. |
Tác phẩm được đánh giá là viết về bóng tối đầy mê hoặc. Cô gái
phù thủy pha tiên nữ yếu đuối, bản năng nuôi trong hố thẳm hun hút tâm
hồn loài chim Lam Vỹ với thân xanh mào hồng cánh tím. Cô nuôi chúng để
nghe chúng hát bài ca chết chóc. Những người đàn ông vốn là hiện thân
quyền lực của tầng tầng lớp lớp quá khứ, nhưng trong tác phẩm, họ cũng
bị quá khứ nghiền nát.
Không gian của truyện, từ những căn phòng khép kín, hành lang
thăm thẳm, những bài tha ma, dòng sông đêm, những hốc mắt tối tăm… đều
hướng tới bóng tối. Ở Lam Vỹ, bóng tối bao phủ, trở thành màu sắc chủ đạo.
Tiểu thuyết Lam Vỹ của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. |
Nhân dịp ra mắt tiểu thuyết, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu sẽ có buổi
giao lưu, trò chuyện cùng độc giả vào sáng 15/10 tại 23M Hai Bà Trưng,
Hà Nội. Tham gia chương trình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và đạo diễn
Trần Lực sẽ chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận, đánh giá của họ về Lam Vỹ.
Trích đoạn tiểu thuyết Lam Vỹ - Đỗ Hoàng Diệu:
"Ngồi ngắm bầy Lam Vỹ bay dọc theo bức tường phòng khách màu xám,
vuốt ve mái tóc bện bằng trăm ngàn dây thừng rắn của Thơ, tôi tự hỏi em
là phù thủy hay tiên nữ. Đoán được ý nghĩ tôi, Thơ miết những ngón nhỏ
dài của bàn tay kỳ diệu sau gáy tôi. Em là cả hai, phù thủy pha tiên nữ.
Thơ dang hai chân nhỏ quặp chặt bụng tôi, dùng môi khắc lời đường mật
lên làn da đang phát hỏa của tôi. Rồi đột ngột, em biến nhanh vào phòng
bếp, bê lên tô phở ngào ngạt hương ái tình em vừa mới chan. Trong khi
tôi ăn, có thể em ngồi ngắm, có thể em đột ngột cởi bỏ chiếc váy mỏng và
thong thả vào phòng làm việc, thong thả vẽ nốt bức tranh chim Lam Vỹ
thứ mười một dang dở. Thường tôi sẽ bình tĩnh húp đến giọt cuối cùng bát
phở em nấu rồi mới đứng lên gõ cửa phòng làm việc của em, bởi phở em
nấu cũng thần kỳ như cơ thể em khi yêu tôi".
No comments:
Post a Comment