Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 8 March 2019

Ba lý do Kim Jong-un ve vãn TQ nhưng muốn học VN

  • 25 tháng 6 2018
  • Bắc Hàn nhận thấy mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam là cách để giành được sự ủng hộ của Mỹ, giữ khoảng cách với Trung Quốc và lôi kéo đầu tư của Nam Hàn.
    Bản quyền hình ảnh EPA
    Image caption Ông Kim và vợ, bà Ri Sol-ju, chụp hình cùng một số nghệ sỹ Hàn Quốc sau buổi biểu diễn tối 1/4/2018
    Chuyến thăm lần thứ ba mới đây của Kim Jong-un tới Bắc Kinh chỉ trong vòng ba tháng khiến các nhà phân tích nhớ tới một phát biểu của Kim hồi tháng Tư.
    Lúc đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Kim nói Bình Nhưỡng muốn xem cách cải cách kinh tế của Việt Nam.
    Tờ Nikki Asia Review ngày 25/6 có bài phân tích và đưa ra hai lý do chính.
    Đó là Bắc Hàn muốn có sự ủng hộ từ Hoa Kỳ để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời vẫn thu hút được đầu tư từ Nam Hàn.
    Tuy thế, các khả năng này, nhìn trên nền ví dụ của Việt Nam, cũng có các mặt hay và dở, theo ý kiến của những chuyên gia khác.

    Giành ủng hộ từ Mỹ

    Theo Nikk, tăng trưởng của Trung Quốc vượt qua Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người nay đạt 8 nghìn 123 đô la trong năm 2016, tăng gấp 29 lần so với ba thập kỷ trước.
    Nhưng "Trung Quốc đang đi quá xa," theo Junya Ishii, nhà phân tích cao cấp tại Sumitomo Corporation Global Research.
    Việt Nam đã tìm cách ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do, với 12 hiệp định đã có hiệu lực, ít hơn một chút so với con số 17 của Trung Quốc.
    Và Hà Nội, không giống như Bắc Kinh, đã không ngần ngại đàm phán với các nước có kinh tế tiên tiến vốn đòi hỏi tự do hóa kinh tế sâu rộng.
    Một điểm khác biệt nữa chính là việc Việt Nam theo đuổi "phát triển cân bằng".
    Trung Quốc làm theo cách của Đặng Tiểu Bình, "để cho một số người giàu có trước", theo đó tập trung phát triển các đặc khu kinh tế ở Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố ven biển khác.
    Trong khi đó, Việt Nam, vẫn còn đối phó với di sản phân chia Nam Bắc trong quá khứ, có xu hướng thu hút vốn nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh nhờ cơ sở hạ tầng tốt hơn.
    Ngoài ra, chính phủ cũng thu hút được các công ty điện tử, thép và hóa dầu đầu tư ở phía Bắc, theo trang báo Nhật Bản.
    Bắc Hàn, với dân số ít hơn 25 triệu người, có thể thấy hấp dẫn trong ví dụ một Việt Nam luôn ưu tiên các động thái táo bạo của quốc tế và việc quản lý chặt các vấn đề trong nước, theo phân tích của tác giả Toru Takahashi.

    Giữ khoảng cách với Trung Quốc

    Bản quyền hình ảnh South Korean Presidential Blue House via Getty Im
    Image caption Thượng đỉnh Moon - Kim
    Theo Nikki Asian Review, một phóng viên kỳ cựu cho một tờ báo lớn của Hàn Quốc cho rằng sự ngờ vực lớn dần giữa Trung Quốc và Bắc Hàn dù hai bên vẫn có các hội nghị thượng đỉnh.
    Theo ý kiến này thì Bình Nhưỡng sợ bị nền kinh tế Trung Quốc 'nuốt chửng'.
    Ở điểm này, Việt Nam là ví dụ điển hình mà Bình Nhưỡng có thể học hỏi.
    Quan hệ Việt - Mỹ ấm lên nhanh chóng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
    Đến 2016, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may, điện tử và hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
    Một phần do xung đột về chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, và thậm chí còn bắt đầu mua vũ khí từ kẻ thù cũ của mình.

    Tìm kiếm đầu tư từ Hàn Quốc

    Về góc độ kinh doanh, Kim Jong-un chắc chắn muốn thấy các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Hàn như với Việt Nam, tác giả bài trên Nikki Asian Review bình luận.
    Các tập đoàn như Samsung Electronics, LG Electronics, Lotte Group và các doanh nghiệp Hàn Quốc khác đầu tư vào Việt Nam, khiến Hàn Quốc trở thành nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất kể từ năm 2014, vượt Nhật Bản.
    Trong cuộc gặp mặt với ông Moon Jae-in, ông Kim Jong-un có thể nhắc đến Việt Nam như một cách để nhắn nhủ cho đầu tư từ Hàn Quốc.
    Kim đã thể hiện mình là một nhà đàm phán khôn ngoan, và nhận xét của ông về Việt Nam đưa ra những gợi ý về cách ông sẽ tìm cách tối đa hóa các nhượng bộ kinh tế.

    Nhiều cản trở cho Bắc Hàn học VN

    Một bài của tác giả Shuli Ren trên Bloomberg (13/05/2018) Bắc Hàn bây giờ giống Việt Nam thời điểm thực hiện Đổi Mới, năm 1986.
    Nhưng Bắc Hàn có thể có bước khởi đầu đột phá hơn vì giàu hơn và công nghiệp hóa hơn.
    Nhưng theo Anthony Fensom viết trên trang The Diplomat, cơ hội để Bắc Hàn thực hiện quá trình "Đổi Mới" của riêng mình 'rất mong manh'.
    Tác giả này nói hiện vẫn có quá nhiều cản trở cho Bắc Hàn trong việc học theo mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam.
    Dù Bắc Hàn có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng lao động giá rẻ, việc 'mở cửa' có vẻ rất chậm.
    Bản quyền hình ảnh Kyodo News
    Image caption Tôm nướng trong một quán ăn ở Bình Nhưỡng qua ống kính của phóng viên Kyodo News. Bắc Hàn đã bắt đầu cho hoạt động kinh tế mang màu sắc thị trường ở diện nhỏ
    Bản quyền hình ảnh Eric Lafforgue/Art in All of Us
    Image caption Lò nướng ngoài trời - cảnh ở Bình Nhưỡng qua ống kính Eric Lafforgue
    Và mặc dù Bắc Hàn nói muốn phi hạt nhân hóa, người ta ngờ rằng Kim thực sự sẵn lòng mở cửa cho đầu tư nước ngoài, theo hai nhà phân tích Leather và Tan được The Diplomat trích lời.
    Lý do là vì Kim nhìn thấy đảng cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc đạt được phát triển về kinh tế trong khi vẫn nắm chắc quyền lực trong tay.
    Nhưng những nước như Hàn Quốc hay Đài Loan sau khi mở cửa kinh tế thì lại trở thành các hình mẫu tiêu biểu cho sự xuất hiện của các phong trào dân chủ.

    Bình luận từ Việt Nam

    PGS TS Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore, nói với BBC Tiếng Việt (11/05/2018) rằng nhìn vào Việt Nam, ông Kim Jong-un có thể hình dung ra bước chuyển đổi nềnkinh tế.
    "Đó là bước chuyển từ một nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế quốc doanh có thể từng bước chuyển thành một nền kinh tế năng động dựa vào hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân và tôn trọng kinh tế thị trường."
    "Ông Kim có thể tương đối yên tâm về một mô hình chính trị ổn định để tập trung vào phát triển kinh tế."
    "Ông Kim có thể thấy mình có sứ mệnh giống như ông Đặng Tiểu Bình hay một số lãnh đạo Việt Nam trước đây: tạo ra một cục diện mới cho công cuộc phát triển của đất nước đó."
    Bản quyền hình ảnh AFP
    Image caption Samsung của Hàn Quốc đã thành một đại công ty toàn cầu
    Trong khi đó, bình luận với BBC hôm 8/5, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói "không ngạc nhiên" khi Bắc Hàn muốn học chính sách Đổi Mới của Việt Nam:
    "Bắc Hàn đang đứng trước nhu cầu phải cải cách để thể phát triển tốt hơn."
    "Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đa dạng hóa đa phương hóa mối quan hệ với quốc tế, nên thu hút được đầu tư nước ngoài."
    Nhưng TS Doanh khuyên Bắc Hàn rằng, cải cách kinh tế nên đi kèm cải cách thế chế chứ không nên bỏ nó, vì đây là một kinh nghiệm xấu của Việt Nam.
    "Việt Nam hiện nay đang chậm trong việc cải cách thể chế, trong việc phát huy tốt nguồn nhân lực, chưa phát triển kinh tế tư nhân đúng như tiềm năng của Việt Nam, nhưng những điều đó ông Kim Jong-un có thể rút kinh nghiệm, không cần phải mắc những sai lầm đó."
    Xem thêm về Bắc Hàn:


    No comments:

    Post a Comment