Bản lĩnh và cá tính phê bình Trương Tửu
Hoài Nam
Trước năm 1945, thi sỹ Nguyễn Vỹ và phê bình gia
Trương Tửu là hai người bạn đặc biệt thân thiết trong làng văn làng
báo Việt Nam (nếu không có Trương Tửu, chắc chắn Nguyễn Vỹ sẽ không
có cội nguồn cảm hứng để viết được thi phẩm “Gửi Trương Tửu” – một
bài thơ mà theo Hoài Thanh đánh giá, “mới thực là kiệt tác của
Nguyễn Vỹ”). Nhớ về bạn văn Trương Tửu, Nguyễn Vỹ có những nhận định
rất thú vị: “Trương Tửu có khướu ngôn ngữ và lí luận... Anh là một
nhà toán học chống giáo lí, đi tìm một bài toán cho nhân sinh với
những công thức do anh tự chế biến ra, không theo công thức điển
hình nào cả. Và không bao giờ anh đúng, ít khi anh nói phải, nhưng
luôn luôn anh có lí... Với anh, sai lầm chống chân lí, và luôn luôn
sai lầm thắng chân lí”. Đọc lại các công trình phê bình văn học của
Trương Tửu, đặt chúng trong bối cảnh của nền phê bình văn học Việt
Nam nửa đầu thế kỷ XX, mới thấy: hóa ra cái nhận định tưởng như...
“tréo cẳng ngỗng” ấy của Nguyễn Vỹ là có cơ sở. Từ xuất phát điểm
“tri kỷ tương giao”, ông đã “bóc” ra được phần nào cá tính độc đáo
và bản lĩnh cứng cỏi của nhà phê bình văn học Trương Tửu.
Năm 1942, với bút danh Nguyễn Bách Khoa, Trương Tửu
đã cho công bố liền hai cuốn sách: “Nguyễn Du và Truyện Kiều” và
“Văn chương Truyện Kiều”. (15 năm sau ông còn trở lại với kiệt tác
văn học này bằng công trình “Truyện Kiều và thời đại của Nguyễn
Du”). Ngay lập tức, hai cuốn sách ấy làm văn đàn Việt Nam nổi sóng.
Bởi, suốt hơn một trăm năm kể từ khi “Đoạn trường tân thanh” xuất
hiện, người Việt Nam ai nấy đều say mê thưởng thức Truyện Kiều, kính
phục văn tài Nguyễn Du và cảm thương trước cuộc đời ba chìm bảy nổi
của kiều nữ họ Vương. (Thảng hoặc cũng có những tranh luận về chuyện
Thúy Kiều là người “trung hiếu tiết nghĩa” hay là kẻ “tà dâm”. Nhưng
trong những trường hợp như vậy, Truyện Kiều chỉ là cái cớ cho các
bên “tham chiến” mượn để bộc lộ quan điểm chính trị - đạo đức của
mình mà thôi). Thậm chí có người còn đề cao Truyện Kiều đến mức coi
đó là “thánh thư”, là “kinh phúc âm” của người Việt. Vậy mà với
Trương Tửu, thì tác giả của cuốn thánh thư ấy là một “con bệnh thần
kinh” thuộc loại “căn tạng suy nhược do xúc cảm quá độ”. Nhân vật
trung tâm của cuốn thánh thư ấy là kẻ mắc chứng uỷ hoàng, sống nhàn
hạ lại không phải lao động nên phủ tạng ốm o, hay mơ mộng, ưa những
chuyện dâm đãng và sầu bi. Bản thân cuốn thánh thư ấy chỉ là sự phản
chiếu đầy đủ về “một xã hội ốm, một đẳng cấp ốm, một cá tính ốm”. Vẻ
đẹp hình thức của cuốn thánh thư ấy - điều tưởng như dẫu sao cũng
không thể phủ nhận được – theo Trương Tửu, “nó chứa chan một chất
tàn héo, tiêu ma”!
Tôi dám chắc rằng, sống trong bầu khí quyển văn hóa
Việt Nam, dù ở bất cứ thời nào, phải là người “gan cùng mình” mới có
thể tung ra giữa công chúng những luận điểm “trái tai” như trên. Và
quả thật, Trương Tửu đã bị những cây bút cùng thời như Hoài Thanh,
Ngô Tất Tố, Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân v.v... phản đối dữ dội. Nhưng
tuyệt nhiên, Trương Tửu không phải người thích cố tình nói ngược với
cách nói của thiên hạ. Ông biết rành mạch với chính mình. Những luận
điểm về Nguyễn Du và Truyện Kiều – như đã nêu trên – là kết quả tất
yếu của cái cách mà ông áp dụng phương pháp phê bình văn học được
chính ông gọi là “phê bình khoa học” khi phê bình Truyện Kiều. Nói
ngắn gọn, “phê bình khoa học” của Trương Tửu đòi hỏi thái độ khách
quan trong khi phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng. Thứ nữa,
nó yêu cầu khả năng vận dụng lí thuyết và kết quả nghiên cứu của các
bộ môn khoa học liên nghành như xã hội học, tâm lí học, di truyền
học v.v... vào phê bình văn chương.
Trên thực tế, quả đúng là Trương Tửu đã kết hợp nhiều
lí thuyết để mổ xẻ Truyện Kiều: thuyết đấu tranh giai cấp và văn học
phản ánh xã hội của Karl Marx, Engels, Plekhanov, Lapargue; thuyết
tâm phân học của Sigmun Freud, Ernest Dupre, Maurice de Fleury;
thuyết chủng tộc - địa lí của Hippolite Taine (đến đây tôi không kìm
được cái sự muốn mở ngoặc đơn bởi một phát hiện nho nhỏ: Trương Tửu
trích dẫn các học giả nước ngoài với mật độ dày đặc, ông trích dẫn
nhiều hơn bất cứ nhà phê bình văn học Việt Nam cùng thời nào!). Chỉ
có điều, ông áp dụng chúng theo cách riêng của ông, nghĩa là khá máy
móc và cực đoan (các nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy và Trịnh Bá Đĩnh đã
viết rất kỹ về chuyện này), vì thế ông mới có những kết luận “gây
sốc” nói trên. Dù sao, sự máy móc và cực đoan của Trương Tửu cần
phải được nhìn nhận như những lúng túng không thể tránh khỏi khi lần
đầu tiên vận hành một phương pháp phê bình văn học mới, một phương
pháp phê bình khác hẳn lối thẩm bình văn chương nghiêng về chủ quan,
trực giác đã có từ trước đó, mà Hoài Thanh là một đại diện tiêu
biểu. (Hoài Thanh quan niệm: “Cái đẹp của Đoạn trường tân thanh, cái
chất thơ bàng bạc trong cả quyển truyện cần phải được cảm thấy một
cách hồn nhiên. Cứ phân tách, cứ giảng giải, nó sẽ tan đi. Đến đây
phải im hơi, phải nhẹ bước mới mong nhận thấy cái đẹp khi dịu dàng
thuỳ mị, khi tráng lệ huy hoàng...”). Thậm chí có thể khẳng định,
“phê bình khoa học” của Trương Tửu là một bước tiến về tư duy của
nền phê bình văn học Việt Nam ở thời điểm đó.
Với Trương Tửu, phê bình văn học không chỉ là một
nghệ thuật, mà nó đã trở thành một khoa học: văn chương không còn là
một cái gì đó thần bí không thể hiểu được, nhà phê bình hoàn toàn có
thể và cần phải “làm việc” được với tác phẩm văn chương – giống như
nhà sinh vật học làm việc được với những mẫu cỏ cây của mình. (Nhận
xét mang sắc thái châm biếm của Hoài Thanh, vô tình đã xác nhận điều
này: “Với ông Nguyễn Bách Khoa, cái gì cũng rõ ràng như hai lần hai
là bốn”). Và ông chính là một trong những nhân vật lĩnh ấn tiên
phong trên con đường đưa phê bình văn học Việt Nam trở thành một
khoa học văn chương.
Không phải chờ tới khi phê bình Truyện Kiều thì
Trương Tửu mới bộc lộ cái bản lĩnh dám trung thực với quan điểm của
mình, dám chấp nhận va chạm với những quan điểm trái chiều, thậm chí
dám chấp nhận bị mất lòng. Năm 1935, trên báo “Loa’, ông viết một
loạt bài phê bình văn chương đương đại. Khi viết về cuốn “Nửa chừng
xuân” của Khái Hưng, ông hạ bút: “Đọc hết Nửa chừng xuân, tôi tin
rằng ông Khái Hưng không thể là một nhà tiểu thuyết tả thực, hiểu
theo nghĩa xác đáng của nó. Ông có tài nhưng không có khiếu. Bởi vậy
nên khi tôi thấy ông vác bút vào cái rừng phong tục hay cái hang
lịch sử Việt Nam, tôi e ông chỉ ra không, hoặc giả đem theo được
vài... cục đất”. Tranh luận với Thạch Lam, ông nói không kiêng nể:
“Từ nay tôi không bằng lòng nói chuyện với ông Thạch Lam vì ông
không phải là một nhà văn, không phải là một nhà hài hước. Ông Thạch
Lam chỉ là một anh chàng nói lỡm”.
Về sau này, khi viết “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, như
lường trước được sự phản đối của những người chủ trương thẩm bình
văn chương bằng chủ quan, trực giác, ông “đánh phủ đầu” bằng một
khẳng định ở phần “Khái luận” của cuốn sách: “Nghiên cứu một văn
phẩm mà không tìm đến cá tính nhà văn và hình ảnh của xã hội đương
thời với nhà văn phản chiếu trong văn phẩm ấy, tức là không hiểu gì
về nghệ thuật phê bình hết”. Năm 1948, trong bối cảnh mà nền văn
nghệ kháng chiến đang đẩy tiêu chí “đại chúng hóa văn nghệ” lên hàng
đầu, trên tạp chí “Sáng tạo” của Đoàn văn nghệ kháng chiến liên khu
IV, ông vẫn riết róng tách bạch: “Chúng ta đã có nhiều bài văn vần
kháng chiến. Chúng ta đã có nhiều bài ca kháng chiến. Chưa có những
bài thơ kháng chiến” (Thơ Việt sẽ đi tới đâu?). Năm 1957, trong xu
thế mà gần như toàn bộ học giới không thừa nhận các tác phẩm văn học
viết bằng chữ Hán (của người Việt Nam) là những tác phẩm văn học
thuần tính dân tộc, thì ông khẳng định: “Văn học Hán Việt của các
thế kỷ quá khứ là một bộ phận của văn học sử dân tộc, một bộ phận
khăng khít của truyền thống văn học dân tộc” (Mấy vấn đề văn học sử
Việt Nam). Thực tế đã chứng minh: ông đúng! Về điểm này, có lẽ
Trương Tửu xứng đáng là một tấm gương cho nhiều nhà phê bình văn học
Việt Nam hiện nay soi vào, nhất là những người ưa lối nói uyển ngữ,
có tâm lí cầu an, ngại công khai quan điểm cá nhân của mình.
Viết về Trương Tửu, các nhà nghiên cứu lớp con cháu
có lúc đã không giấu nổi ngạc nhiên thích thú vì sự “đi bước trước”
của ông trong phê bình văn học. Xin mạn phép được dẫn ra ở đây.
Trịnh Bá Đĩnh: “Đọc chẳng hạn những dòng dưới đây thú thật chúng tôi
rất ngạc nhiên về thời điểm ra đời của nó trong lịch sử phê bình văn
học của ta: Nhưng tiếng nói vừa là một âm thanh mà lại vừa là một kí
hiệu (signe), một tượng trưng (symbol) để các người trong xã hội
dùng đến khi muốn hiểu nhau. Nó chứa đựng một y nghĩa mà xã hội đã
định cho nó... Một tác phẩm được một xã hội cho là đẹp, vì tác phẩm
ấy biểu thị được cái hình thức tình cảm và tư tưởng cần thiết cho sự
tồn tại và luân lí đang có... Không nghi ngờ gì rằng các mảnh vỡ của
lí thuyết cấu trúc, kí hiệu học và tiếp nhận nghệ thuật đã bay lạc
đến lãnh thổ của chúng ta và để lại dấu vết từ khi đó” (Nguyễn Bách
Khoa – Khoa học văn chương). Đỗ Lai Thúy khi đọc đến đoạn: “chất thơ
là một hệ thống tương quan chặt chẽ, bao nhiêu vật liệu làm cái chất
thật ấy nhào nặn đều được y thức, một năng lực sáng tạo đem tổ chức,
phối trí, đem hỗn hóa lại thành một cơ cấu (structure) vững vàng với
mọi thị hiếu của các người thưởng ngoạn nó cho kỹ”, thì cũng thốt
lên: “Thú thật, đọc những trang chữ trên của Trương Tửu, tôi chợt
nhớ đến R. Jakobson, người coi đối tượng của phê bình không phải là
văn học mà là tính văn học, chất thơ, tính nghệ thuật, và phê bình
văn học là tìm hiểu xem làm thế nào mà một thông tin giao tiếp lại
biến được thành một thông tin thẩm mỹ” (Trương Tửu với phương pháp
phê bình khách quan khoa học – trong sách “Chân trời có người bay”).
Trương Tửu xuất thân trong một gia đình dân nghèo
đông con ở Hà Nội. Thời tuổi trẻ, ông đã hai lần hô hào bãi khóa,
làm reo, hai lần bị nhà trường thực dân đuổi học. Sớm phải vào đời
kiếm sống bằng nghề dạy học tư, viết văn, viết báo, ông hoàn thiện
tri thức cho mình chủ yếu qua con đường tự học. (Bút danh Nguyễn
Bách Khoa mà ông chọn cho mình có lẽ đã nói lên phần nào cái tham
vọng chiếm lĩnh những chân trời hiểu biết của ông). Với một lực đọc
mạnh, một bản lĩnh và cá tính mạnh, một sự nhạy cảm lí kuận không dễ
kiếm, ông đã đến với nghiệp phê bình văn học và để lại dấu ấn đậm
của mình. Viết “Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ”, “Kinh Thi Việt
Nam”, “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, “Văn chương Truyện Kiều”, “Văn
nghệ bình dân Việt Nam” v.v... ông đã khiến không chỉ một người cho
đó là những thành tựu nghiên cứu phê bình văn học theo quan điểm
marxisme đầu tiên ở Việt Nam (chỗ này phải nói thêm: ông cũng chính
là người đã dịch Tuyên ngôn Đảng cộng sản ra tiếng Việt từ rất sớm).
Sau năm 1954, đi “chuyến xe bão táp” của thời cuộc, ông bỏ nghiệp
phê bình văn học – một lần và mãi mãi - để lại cho học trò và đồng
nghiệp bao tiếc nuối về một tài năng đang độ thăng hoa. Trương Tửu
là vậy, luôn rành mạch với chính mình, rành mạch tới mức cực đoan.
Điều đó làm nên một phần diện mạo tinh thần của ông, làm nên cái mà
người ta phải nói về ông. Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu giáo
sư Trương Tửu, Hà Nội ngày 19 tháng 12 năm 1999, học trò của ông,
Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú khẳng định: “Thầy ơi,
chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại, sẽ
còn lại. Những vinh quang của thầy sẽ còn lại”. Người viết bài này
cũng tin như vậy.
Hà Nội, 2008
95 năm ngày sinh của giáo sư Trương Tửu
No comments:
Post a Comment