Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 28 March 2019

Cái Bóng Của Mặt Trăng


Hình minh họa.
Sáng nay người phụ nữ đó mở cửa đi lên núi, cô vẫn đi như thế gần như mỗi ngày. Tuần qua cô tự hứa với mình trong tháng mười và hết luôn tháng mười một năm nay, cô sẽ leo núi mỗi ngày, sẽ không bỏ một ngày nào.
Cô đứng trước con đường dẫn lên núi, một mặt trời đỏ như màu chín đỏ của trái cam vừa ngang tầm mắt cô. Một mặt trời tinh khôi và rực rỡ.
Cô lấy điện thoại ra chụp ngay một bức ảnh, bức ảnh đẹp, cô rất hài lòng. Cô gửi vội vào email cho anh cô và hai người bạn thân.
Người bạn lớn tuổi nhất trong nhóm, nhận được hình, khen tài nghệ chụp ảnh của cô thật tuyệt vời, chụp mặt trời vừa lên mà thu cả được mặt trăng mười bốn sau mấy lớp mây, mặt trăng như một điểm xanh, rất xa xăm, nhưng rất rõ và đẹp quá, rồi anh lại phân vân hỏi. “Có phải mặt trăng còn sót lại đêm qua hay đó là một tinh cầu nào vừa tình cờ đi ngang nên lọt vào bức hình.”
Anh cô vội cắt nghĩa: Điểm xanh không phải mặt trăng, chỉ là phản chiếu trên mặt kiếng iphone của người chụp.
Chị bạn tiếp theo nhận được hình lên tiếng: Nếu anh nhìn thấy mặt trăng, thì chính đó là mặt trăng.
Người anh cô lại chen vào: Sao hôm nay chị nói chuyện cứ như là một “Romantic solipsist” vậy.
Anh bạn khám phá ra được mặt trăng trên tấm hình viết tiếp:
Lâu lắm mới đọc được một câu thật thú vị. “Nếu anh nhìn thấy mặt trăng thì chính là mặt trăng.” Muôn sự tại tâm là thế. Duy ngã. Đó là một câu coi như là thơ cũng được, mà triết học cũng được. Mà thơ triết lý lại càng được!
Hay thật, chỉ có một cái điểm xanh tròn nho nhỏ trên tấm hình chụp mặt trời buổi sáng mà lòng người dao động như vậy.
Hình như con người càng ngày càng thiếu thốn cái đẹp của tâm hồn nên khi chạm nhẹ vào nó một chút thì bao nhiêu sợi giây tơ vô hình trong tâm đều rung lên một lúc.
Mặt trời bắt đầu lên cao hơn một chút, cô cũng bước cao hơn một chút, cả hai bao giờ cũng có một khoảng cách. Đôi khi cô thử vươn tay lên như muốn chạm vào mặt trời, nhưng chẳng làm sao với được.
Cô vừa đi vừa thì thầm: Solipsism, Duy Ngã luận, Độc ngã luận. Mấy cái ông Tây, ông Tàu, ông Nhật này lôi thôi quá, kéo luôn hai người đàn ông lôi thôi theo. Thật ra chị ấy chỉ muốn nói giản dị là cái chấm tròn tròn màu xanh trong hình nếu anh nhìn ra nó mặt trăng thì nó là mặt trăng tại sao phải nhìn khác đi, và cũng chẳng cần thiết đặt câu hỏi.
Cái điểm tròn màu xanh trên tấm hình cô mới chụp và mới gửi đi đã thành một đề tài hấp dẫn.
Cuộc chuyện bằng email kéo dài đến cuối ngày, hình như chưa chấm dứt ở đó được.
Sáng hôm sau, cô leo núi nhiếp ảnh gia đó mới ngủ dậy, đọc được thư của anh cô và bạn trao đổi.
Anh cô viết:
“Nếu anh nhìn thấy mặt trăng, thì chính đó là mặt trăng.
Hm, how about this?
Nếu anh nhìn thấy chị T, thì đó chính là chị T.
Are you sure? Có gì không ổn đây!
Nếu anh nhìn thấy mặt trăng, thì chính đó là mặt trăng (đối với anh ) subjectively speaking is ok!
Có lẽ đây cũng là cách chúng ta "nhìn" mọi sự, và chúng ta chỉ "nhìn thấy" những gì đã có sẵn trong lòng chúng ta...
Phải chăng đây là "chấp hữu" một ngộ nhận mà quan niệm Phật giáo đã nói đến?”
Cô ngồi gõ lóc cóc vài dòng cho mọi người:
“Mới ngủ dậy mà đọc trúng email của ông anh thật là nặng tựa Thái Sơn. (hay là cứ nghĩ nó là lông hồng thì nó sẽ nhẹ tựa hồng mao?”
Tiếp theo anh bạn lớn tuổi nhất vào cuộc với một thư dài:
“Đúng là tôi vừa thức dậy, và đọc được ý hay của hai anh em cô viết, có thể nặng như Thái Sơn, cũng có thể nhẹ như lông hồng.
Tôi đã nói "muôn sự tại tâm", chính do cái tâm của mình khi đọc mà nội dung ấy nặng hay nhẹ.
Câu nói "Anh nhìn thấy mặt trăng thì đó là mặt trăng" thâm thúy ở chỗ diễn tả đúng cái thực tại của tâm. Tôi nhìn bức ảnh gửi đến, thấy mặt trời đang mọc, nhưng đưa mắt nhìn cả bầu trời bao la thì thấy một điểm tròn màu xanh, và trong tâm liền nghĩ đó là vầng trăng mười bốn mà mình đã thấy hồi đầu đêm, đến giờ phút này nó còn nhìn được như một chấm màu xanh lơ lửng trên nền trời vừa sáng. Tất cả tâm tưởng của tôi lúc đó đều cho đó chính là trăng, vậy thì cái chấm sáng ấy đối với tôi còn là cái gì khác nữa ngoài TRĂNG?
Người đi đường trong lúc nhập nhoạng tối thấy mẩu giây thừng trên mặt đất hoảng hồn tưởng là con rắn vội vàng nhảy tránh, thì tất cả nhận thức của người ấy còn là gì khác nữa, ngoài RẮN?
Cả hai trường hợp đều do TƯỞNG mà ra, cái Tâm của chúng ta được xây dựng do những cái "tưởng" ấy, và coi đó là sự thật. Trường hợp của tôi, sau khi tưởng chấm đó là trăng thì có sự nghi ngờ, nhưng trước đó 5 giây thì hoàn toàn cho đó là trăng, và cái chấm sáng màu xanh đó chính là trăng đối với tôi. Nhưng có bạn đã nhìn ra được: "tưởng" cái gì thì ra cái ấy.
Đạo Phật nhìn ra cái MÊ LẦM của con người qua cái nhìn bị khúc xạ bởi cái tâm loạn của chúng ta, mới khuyên phải làm cho cái tâm tĩnh lại, như một tấm gương lau chùi hết bụi bặm trở nên sáng trưng. Quá trình đó gọi là TU.
Tôi muốn kiếm một cái am để vô ở sau này là vì thế (nhưng "muốn" cũng là mê lầm nữa đó!)
Hấp dẫn quá! Cô vội gõ thêm, mách nhỏ các anh chị bằng câu thơ của Ba Tiêu:
There is nothing you can see that is not a flower; there is nothing you can think that is not the moon.
Nhìn đâu cũng thấy hoa hàm tiếu
Tràn ngập tâm tư một bóng trăng- (HV dịch)
Nhìn đâu cũng một màu hoa
Bóng nào cũng tưởng như là bóng trăng (tmt dịch)
Hóa ra ông thi sĩ này chỉ nhìn thấy hoa và nghĩ đến trăng. Đúng là con
người của “trăng và hoa”
Cô gửi thư đi, rồi cúi xuống buộc lại dây giầy. Cô sửa soạn cuộc leo núi đầu ngày, Bây giờ mới là cuối tháng mười, cô còn nguyên một tháng trước mặt nữa để nhìn mặt trăng giữa một bình minh.
Chị bạn viết xuống câu:“Nếu anh nhìn thấy mặt trăng, thì chính đó là mặt trăng.” vẫn giữ im lặng, chị đang nhớ đến một câu thơ:
“Có lúc tưởng chỉ để rơi tàn lửa
Tay vô tình gây một đám cháy to” (Dối trá-Xuân Diệu)
Đây không là tàn lửa, đây là một cái đốm xanh nhỏ nhoi trên bức hình, nhưng có thể thành một đám lửa đốt cháy những hàng cây trên ngọn núi mà người phụ nữ đó đang sửa soạn bước vào.
Ngọn lửa của đám cháy văn chương, chữ nghĩa, tư tưởng và tình bạn này có tiếng kêu khe khẽ của củi đang se mình trở thành than và hơi thở của lửa phà ra nhè nhẹ nhưng vô cùng ấm áp.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment