Nạn ấu dâm ám ảnh người dân
"Nạn ấu dâm tăng ở Việt Nam vì không bị trừng trị thích đáng"
Liên quan đến vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại chung cư
Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, mới đây, Viện Kiểm sát
Nhân dân thành phố Vũng Tàu đã có quyết định gia hạn 2 tháng để tiếp tục
điều tra và làm rõ. Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn ấu dâm bị
lên án tại Việt Nam.
Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm phạm tình dục nhất. Mạng lưới Ngăn ngừa
và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) mới đây ra thông cáo bày
tỏ sự bức xúc của mình trước hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em gái và
kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này. Cơ
quan này dẫn lại báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công an Việt
Nam cho thấy tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng
nghiêm trọng. Theo đó, chỉ tính trong giai đoạn 2010-2013, số vụ xâm hại
tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến
1.544 vụ vào năm 2014. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại
tình dục, tức 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại
tình dục.
Điều đáng nói là, cũng theo đánh giá của GBVNet, vẫn tồn tại nhiều vụ
xâm hại tình dục chưa được xử lý thỏa đáng, trong khi nhiều phụ nữ và
trẻ em là nạn nhân bị xâm hại lại bị đổ lỗi là thiếu hiểu biết hoặc
không hành xử đúng mức hay bị quy trách nhiệm phải tự bảo vệ mình. Thậm
chí, cũng theo báo cáo, đã có trường hợp nạn nhân bị giết chết để bịt
đầu mối, bị đe dọa để nạn nhân hay người nhà không dám tố cáo.
Trên cơ sở những thông tin đáng báo động về nạn xâm phạm tình dục trẻ
em, GBVNet mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi các tổ chức xã hội, các mạng lưới,
các nhóm hoạt động vì phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực và phát
triển xã hội hãy cùng liên kết hành động để bảo vệ trẻ em. Ở góc độ quản
lý và luật pháp, các cơ quan chức năng nhất thiết phải nhanh chóng vào
cuộc, giải quyết kịp thời, hiệu quả, thuyết phục và rốt ráo các vụ xâm
hại tình dục đã được tố cáo, điển hình là vụ ở Vũng Tàu vừa qua. Ngoài
ra, các cá nhân có uy tín và ảnh hưởng trong cộng đồng cũng cần lên
tiếng chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, phanh phui
các vụ việc, đưa thủ phạm ra trước sự phán xét của luật pháp.
Ở góc độ quản lý và giáo dục gia đình, vẫn còn nhiều hạn chế và suy
nghĩ sai lầm dẫn đến nạn xâm phạm tình dục trẻ em vẫn phổ biến. Trước
tiên là lối sống gần gũi đến thiếu kiểm soát và đề phòng. Nhiều bậc phụ
huynh vẫn vô tư cho con em mình tiếp xúc với những người thân trong gia
đình, để họ thoải mái ôm, hôn, tiếp xúc với con trẻ, trong khi con trẻ
chưa có những nhận thức căn bản về việc bị xâm phạm tình dục. Phần lớn
người ta cho rằng chỉ những người lạ mới xâm phạm tình dục, trong khi
một khảo sát tại Mỹ cho thấy trong các vụ việc được đưa ra ánh sáng chỉ
có 7% thủ phạm là người hoàn toan xa lạ, còn có đến 63% thủ phạm lạm
dụng tình dục là người quen như thầy cô giáo, hàng xóm hoặc những người
trong cộng đồng mà trẻ biết mặt. Trong đó có đến 37% thủ phạm là cha mẹ
ruột hoặc người thân trong họ hàng. Đó là tại Mỹ, nơi việc tiếp xúc với
trẻ em (cả nam và nữ) đều có những giới hạn nhất định.
Một sai lầm khác có thể xuất phát từ quan điểm chỉ có trẻ tuổi dậy
thì mới bị xâm hại. Các báo cáo liên quan đến tình trạng xâm phạm tình
dục trẻ em cho thấy rằng trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chiếm đến hơn 1/3 số
nạn nhân bị hiếp dâm. Không khó hiểu khi ở độ tuổi này, khả năng hiểu
biết và kháng cự của trẻ em là rất thấp, trong khi ý thức tự bảo vệ mình
cũng rất hạn chế vì việc giáo dục từ cha mẹ, thầy cô trong môi trường
Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế do một số rào cản về văn hóa
(vốn liệt vấn đề tình dục vào loại nhạy cảm và tỏ ra e dè trong việc
giáo dục trẻ em, thậm chí chưa được xem trọng).
Tiếp cận việc ngăn ngừa nạn tấn công tình dục trẻ em có thể đến từ 2
góc độ. Thứ nhất là giáo dục ý thức của trẻ. Theo Darkness to Light, trẻ
em trên 4 tuổi hoàn toàn có khả năng tự phòng vệ nếu được hướng dẫn
đúng cách từ người lớn. Đây có lẽ là mục tiêu rất quan trọng mà các bậc
phụ huynh và thầy cô cần đẩy mạnh. Các dự án phi lợi nhuận phục vụ mục
tiêu này cũng cần được tạo điều kiện phát triển. Thứ hai, ở góc độ pháp
luật, cần xử lý nhanh, quyết liệt và hiệu quả vấn nạn hiếp dâm, nhất là
các vụ xâm phạm tình dục trẻ em. Hiện nay, luật pháp quy định xử tội tấn
công tình dục trẻ em ở Việt Nam nếu so với nhiều quốc gia thì vẫn còn
nhẹ. Quan trọng hơn, quá trình tiến hành điều tra, tố tụng hình sự dường
như chưa đáp ứng được bức xúc chính đáng từ phía dư luận. Một số kết
luận điều tra chưa thuyết phục, dẫn đến nhiều người dần thiếu niềm tin
vào công lý trong các vụ xử lý ấu dâm. Vậy nên, minh bạch, quyết liệt,
cứng rắn là những yếu tố mà pháp luật Việt Nam cần phải lưu tâm.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog
được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment