Vì sao VN cần giáo dục khai phóng và cải cách đại học?
Gần đây, giáo dục
Việt Nam xuất hiện thêm nhiều cuộc thảo luận, trong đó có các nội dung
về nội hàm của giáo dục khai phóng, đi tìm triết lý giáo dục, minh định
vai trò của giáo dục đại học trong một nền giáo dục cải cách.
Để
tìm hiểu thêm về ý nghĩa và tính thời sự của những vấn đề này, BBC Tiếng
Việt đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lâm Quang Thiệp,
nguyên Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục
Đại học Việt Nam.
Sau đây là nội dung của cuộc trao đổi được thực hiện qua bút đàm với nhà nghiên cứu này hôm 03/3/2019.
BBC: Thưa Giáo sư, vì sao
mấy năm trở lại, dư luận Việt Nam đề cập và quan tâm nhiều đến giáo dục
khai phóng? Tinh thần chính của nó là gì và nó có thể và nên thích ứng
ra sao với giáo dục ở Việt Nam?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp:
Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ (AAC&U) đã đưa ra
định nghĩa về Giáo dục khai phóng như sau: "Giáo dục khai phóng là một
cách tiếp cận học tập tạo năng lực và chuẩn bị cho từng cá thể người học
ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho người
học một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa
và xã hội) đồng thời đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực quan tâm xác định.
Giáo dục khai phóng giúp người học phát triển ý thức về trách nhiệm xã
hội cũng như tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như giao
tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp
dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế".
Đối với chương
trình đào tạo đại học, có hai xu hướng phổ biến là xu hướng Giáo dục
khai phóng như trên, để hình thành những con người toàn diện có tầm
nhìn, có năng lực tư duy và tình cảm nhân văn (con người-mục đích); và
xu hướng thực dụng đào tạo con người gắn với một nghề nghiệp xác định
(con người-công cụ).
Trong lịch sử phát triển của mình, mục tiêu
của giáo dục đại học dường như dao động giữa hai trạng thái nêu trên.
Cho đến các thập niên đầu của thế kỷ 21, trên toàn cầu xu hướng Giáo
dục khai phóng đã trở lại một cách mạnh mẽ. Vì lẽ, một là, công nghệ mới
làm cho xã hội biến đổi nhanh chóng, cần một tầm nhìn rộng lớn mới định
hướng được cuộc sống, như cần la bàn để đi biển. Hai là, người ta ngày
càng nhận ra sự cần thiết của các "kỹ năng mềm" (khả năng giao tiếp, óc
phê phán, tổng hợp và phân tích). Ba là, do vòng đời công nghệ quá
ngắn, thế kỷ 21 không đảm bảo có một nghề nghiệp ổn định: thị trường
nhân lực rất đa dạng và đầy biến động. Chương trình đào tạo chuyên môn
hẹp không thích hợp với nền kinh tế tri thức đòi hỏi kiến thức rộng liên
ngành và năng lực đổi mới.
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay,
giáo dục đại học Việt Nam tất yếu phải hòa vào dòng chảy chung của giáo
dục đại học thế giới, do đó có dấu hiệu Giáo dục khai phóng phục hồi.
Các trường đại học hiện đại nhất ở Việt Nam, như Đại học Fulbright và
Đại học Việt - Nhật đã mở đầu tuyên bố áp dụng Giáo dục khai phóng trong
chương trình đào tạo của mình. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ lan tỏa ra các
trường đại học khác, vì không thể nào khác nếu muốn đào tạo sinh viên
thành những công dân toàn cầu trong thời đại mới.
Vấn đề đau đầu nhất?
BBC: Vấn đề 'đau đầu'
nhất đối với giáo dục của Việt Nam hiện nay là gì? Trong những vấn đề
ấy, đi tìm, xác định và xây dựng triết lý giáo dục đúng đắn, phù hợp có phải là một câu hỏi hay không và tại sao, thưa ông?
GS. Lâm Quang Thiệp:
Tôi nghĩ, đối với giáo dục phổ thông, có lẽ vấn đề khó nhất là làm sao
thực sự thay đổi mục tiêu và phương pháp giáo dục, từ xu hướng nhồi nhét
kiến thức biến học sinh thành con người vâng lời thụ động thành con
người biết suy nghĩ, chủ động, sáng tạo.
Đối với giáo dục đại học
và nghề nghiệp, có lẽ cần quyết tâm xây dựng thành một hệ thống nhất
quán, liên thông, phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ cao, không
để tình trạng cát cứ, phân tán như hiện tại.
Triết lý giáo dục
cho một nền giáo dục quốc gia là rất cần thiết. Tuy nhiên đối với Việt
Nam cho đến nay vấn đề này vẫn còn bị treo lơ lửng. Có lẽ do những định
hướng lớn hơn của hệ thống. Trước mắt, tôi nghĩ có thể dựa vào triết lý
về học tập chung của UNESCO: học để biết, học để làm, học để cùng chung
sống, học để làm người.
Từ nhận thức đến giải pháp
BBC: Mới đây truyền thông Việt Nam có giới thiệu một cuốn sách về thiết chế giáo dục Đại học của tác giả Tiến sỹ Nguyễn Xuân Xanh. Từ trước dường như đã có nhiều công trình, sách vở, báo chí về đề tài này ở Việt Nam, có gì mới và đáng nói từ công trình này theo Giáo sư?
GS Lâm Quang Thiệp:
Trong những năm qua đã có nhiều sách về giáo dục đại học đã ra đời ở
Việt Nam, đặc biệt từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ
Chí Minh.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Xanh, một tác giả, dịch giả, chủ
biên, đồng chủ biên của một dòng sách, bên cạnh rất nhiều bài Essays, về
Lịch sử khoa học, Giáo dục và Khai sáng, trong đó có Nước Đức Thế kỷ
XIX (2004), Einstein - Thuyết tương đối hẹp và rộng (2014), 400 Năm
Thiên văn học và Galilei (2009), 150 Năm Thuyết tiến hóa và Darwin
(2009) v.v..., cũng như nhiều sách về Cải cách Minh Trị nhân kỷ niệm 150
năm (2018), và nhiều trí thức có tiếng cũng đã đóng góp xuất bản cuốn
sách kỷ niệm 200 năm Đại học Humboldt (1810-2010).
Với mạch suy nghĩ đó về giáo dục đại học, vừa qua TS. Nguyễn Xuân Xanh vừa cho ra đời cuốn "Đại học - Định chế Giáo dục cao thay đổi Thế giới, từ Trung cổ đến Hiện đại".
Theo tôi, đây là một công trình công phu, cho thấy rõ các triết lý về
giáo dục đại học, các sứ mạng nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ xã hội
của trường đại học. Cuốn sách cung cấp cho người đọc một bức tranh khá
đầy đủ, phong phú, nhiều màu sắc của giáo dục đại học đương đại của châu
Âu, Hoa Kỳ và cả châu Á.
Qua một số giải bày tâm huyết trong cuốn
sách có thể thấy nỗi xót xa của tác giả về sự lạc hậu của giáo dục đại
học nước nhà và niềm kỳ vọng cháy bỏng về một nền giáo dục đại học tương
lai của đất nước thật sự hội nhập với thế giới, là điệu kiện quan trọng
hàng đầu cho sự hưng thịnh của dân tộc.
Tôi nghĩ giáo chức đại
học, các nhà quản lý giáo dục đại học và các nhà lãnh đạo và quản lý đất
nước nói chung rất nên đọc công trình này.
BBC: Theo Giáo sư, ở Việt Nam hiện có cần minh định lại vai trò của giáo dục đại học và nhất là xác định các giải pháp để phát huy hệ thống này một cách hiệu quả, hợp lý nhất trong tổng thể giáo dục và cải cách giáo dục hay không, nếu đây thực sự là một nhu cầu?
GS Lâm Quang Thiệp: Đối với giáo dục đại học, tôi nghĩ, trước hết phải tổ chức lại hệ thống.
Theo thông lệ quốc tế, hệ thống giáo dục đại học, với nghĩa là hệ thống
giáo dục sau trung học, phải gắn kết thành một khối để tác động hỗ trợ
nhau.
Hiện nay hệ thống các trường đại học và các trường cao đẳng
tách rời nhau, vì chúng được thiết kế theo kiểu cát cứ, phụ thuộc vào
các cơ quan quản lý chúng.
Hơn nữa, tư tưởng giáo dục mở phải
được thể hiện trong thiết kế, hệ thống phải được liên thông, có nhiều
lối ra và lối vào, thuận lợi cho người học.
Hệ thống học liệu mở
phải được tận dụng, phải tranh thủ công nghệ thông tin và truyền thông
mới để khắc phục sự lạc hậu, yếu kém của đất nước. Điều quan trọng nhất
trong giảng dạy đại học là dạy cách học, muốn thế phải nâng cao năng lực
của đội ngũ giảng viên đại học.
Giáo sưLâm Quang
Thiệp là chuyên gia về giáo dục đại học và khoa học đo lường trong giáo
dục. Ông nhận bằng Tiến sĩ (1968) và Tiến sĩ khoa học (1982) về khoa
học tự nhiên (Địa vật lý) tại Đại học Quốc gia Moscow. Ông từng là Vụ
trưởng Vụ Đại học tại Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (1988-1997), Giáo
sư thỉnh giảng tại Đại học Bang New York (SUNY), Buffalo theo chương
trình trao đổi học giả Fulbright.
No comments:
Post a Comment