Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 28 March 2019

Võ Phiến, nhìn bởi những người viết


Nhà văn Võ Phiến.
Trưa Chủ Nhật ngày 4 tháng 10 năm 2015. Chiếc quan tài sơn màu nâu đỏ trôi đi giữa hai hàng người nghiêm trang chào kính. Cuối cuộc hành trình ngắn ngủi từ nhà quàn số một là lò thiêu của Peek Family Funeral Home. Ở đó, nhà văn Võ Phiến sẽ trở về với cát bụi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi, cùng với niềm thương tiếc, mừng là mình đã có cơ hội đến tận nơi đây để từ biệt ông, lần cuối.
Cũng ở nhà quàn số một ngày hôm trước, thứ Bảy 3 tháng 10, nhiều khuôn mặt quen thuộc trong giới viết lách đã đến để chia sẻ với nhau những suy nghĩ của mình về người đang nằm trong quan tài, giữa khói hương nghi ngút. Dưới đây là một số ý kiến quan trọng trích từ phát biểu của bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn kiêm dịch giả Trịnh Y Thư, nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, và nhà văn Đặng Thơ Thơ.
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Võ Phiến là nhà văn, viết tùy bút, truyện dài, truyện ngắn và truyện thật ngắn. Ông là nhà thơ có ý tưởng siêu hình, đôi khi ngộ nghĩnh mà luôn luôn thâm trầm như chúng ta có thể được thấy ở lời Tạ Từ ông đã viết sẵn từ mùa Thu năm 1998 trong bài “Đến”. Ông là tay phê bình mà cũng là nhà biên khảo đã để lại cho chúng ta nhiều công trình quý giá về văn học khi nước nhà gặp cảnh đốt sách sau năm 1975. Võ Phiến còn là cây bút nghị luận chính trị với sự sáng suốt thông tuệ về chế độ cộng sản mà nhiều nhà bình luận ngày nay còn phải đọc lại để học, ít ra nhìn từ kinh nghiệm của bản thân chúng tôi.
[…]
Trong một bài mang tựa đề là “Thẫn Thờ”, xuất hiện vào đầu năm 2006 tại Quận Cam này, Võ Phiến khơi khơi giải thích một cách cực kỳ đơn giản - một sự đơn giản tích tụ từ kinh nghiệm sống và viết của người đã bát tuần - rằng:
“Viết, đại khái có cái sáng tác, cái suy tưởng. Sáng tác – như thơ, truyện, tùy bút – thuộc về một phía. Còn suy tưởng, tra cứu, biên khảo, thuộc về phía khác. Một bên là nghệ thuật, một bên là học thuật; nên tách ra mà nói.” Nhờ Võ Phiến, chúng ta có một cách xếp loại Võ Phiến: Về nghệ thuật lẫn học thuật, Võ Phiến là một đỉnh cao của chữ nghĩa Việt Nam.
Mà ông lại rất tỉnh táo biết rằng với nhiều người thưởng ngoạn, chuyện sáng tác chỉ là đồ chơi! Đây là chữ của Võ Phiến khi đầu đã bạc: “Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại, là đồ chơi cả”. Vậy mà ông vẫn miệt mài, và còn dạy rằng “Thực ra, không phải cái chơi nào cũng giống cái chơi nào”. Có mấy ai miệt mài và cười cợt với văn chương như Võ Phiến không?
Trịnh Y Thư
Những tác phẩm ông (Võ Phiến) để lại là khối gia sản văn hoá vô cùng quý giá, mãi mãi nằm trong kho tàng văn hoá dân tộc cho dù chúng bị đối xử tàn tệ bởi một tập đoàn thống trị phi nhân bản. Đó là những tác phẩm khi đọc lại ở bất kì không gian thời gian nào cũng thấy thú vị, lôi cuốn, và đôi khi còn bật ra những khả thể mới lạ không thấy lúc mới đọc lần đầu. Ông là nhà văn của thời đại, một thời đại cực kì nhiễu nhương và tang tóc của dân tộc, và ông đã hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn của nhà văn là nói được tiếng nói của thời đại mình. Thế nhưng bên cạnh cái yếu tố thời đại bàng bạc trong mỗi tác phẩm, ông còn để lại cho hậu thế những suy ngẫm sâu sắc mà một trong điều này là định nghĩa thế nào là một nhà văn. Đối với ông “nhà văn là kẻ ‘phải lòng’ với cuộc sống và bất cứ giờ phút nào cũng bị cuộc sống thu hút, lấy sự cảm nhận mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh làm cái sinh thú của mình.” Chẳng riêng gì nhà văn, bất cứ ai muốn cuộc sống mình thăng hoa, phong phú hơn đều nên áp dụng câu nói này của ông vào bản thân.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi còn tại thế có lần nói: “Không có chút gì thái quá nếu chúng ta bảo các nhân vật của Võ Phiến đã dồn hết sinh lực vào thị giác.” Chẳng những thị giác thôi mà tất cả các giác quan khác đều được ông tận dụng để kiến dựng một thế giới mà trong đó âm thanh, hình ảnh xói sâu vào tâm hồn người đọc. Thật ra cái thế giới ấy – được miêu tả chi li tưởng như soi bằng kính hiển vi – chỉ là phần ngoại cảnh, chẳng có gì hệ trọng. Chính những rung động tâm hồn, những cảm xúc nội tại mới là cái gì đáng nói. Ông bảo, “mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.” “Nó phải đi vào tâm hồn người đọc, phải gây cảm xúc nơi người đọc.” “Cái nhìn [lên sự vật] biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ, cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.” “Người ta không rung động, không đắm đuối vì trái xoài, vì trận mưa; người ta chỉ rung động đắm đuối trước một biểu hiện tâm hồn.”
Ẩn giấu bên trong con người “thàng hậu” ấy là một tâm hồn sâu thẳm cực kì bén nhậy và tinh tế. Đọc tác phẩm của ông tức là gián tiếp tiếp cận với tâm hồn ấy, và bởi thế chẳng bao giờ chúng ta biết chán.
Bùi Vĩnh Phúc
[…] Cái nhìn của Võ Phiến tinh sắc, thông minh. Chữ nghĩa của ông duyên dáng, sống động, hóm hỉnh. Và kiến thức rộng rãi của ông bao gồm nhiều mặt, kể cả các mặt về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, xã hội, dân tộc học, và văn học. Với vốn liếng như thế, vậy thì để nói về những tình cảm, ý tưởng và thiết tha của mình cho người và cho đất, ông đã viết về những điều gì?
Có thể nói, để diễn tả cái tình yêu, sự thiết tha ấy, Võ Phiến có thể viết về bất cứ điều gì có liên quan đến khung cảnh, con người và đất nước Việt. Chẳng hạn về những đám khói, những đám khói ở chân trời miền đồng quê Kiến Tường, một miền đồng không mông quạnh, "vài đám khói ùn lên, chậm chạp, toả cao và rộng. (...) Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông", rồi "những đám khói ấy lại đùn lên trong giấc mơ. Và trong giấc mơ, không gian mênh mông càng vắng lặng, khói toả càng chậm, càng bát ngát". Và ông viết về một xóm quê của ông, về làng ông, về Bình Định quê nhà ông, về một quán ăn ở Cần Thơ, về một không gian ở Gia Nghĩa, tiếng gió trong không gian quê hương, tiếng ve kêu rỉ rả thâm trầm, tiếng gà gáy e é "vọng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia", tiếng lá rụng.
Ông viết về hình ảnh, về phong thái những đám mây, về những con chim én bay liệng giữa trời không, cũng ở Gia Nghĩa (Ôi, những con chim én của Võ Phiến, "vào những tháng xuân tháng hạ, buổi sáng chúng bay thấp tua tủa như ong; trưa xế, chúng lên thật cao, tản mạn, tơi tả, tan tác đầy trời; đến chiều, chúng lại hạ thấp như một niềm vui rộn ràng quấn quít trên nóc chợ..."). Và một lũ én khác, trong một đêm ở Phan Thiết: "Tiếng kêu rối rít, điệu bay rối rít làm bấn loạn cả ruột gan. (...) Bên ngoài, én vẫn ríu rít trong tiếng mưa đêm". Rồi, ở một chỗ khác, một lúc khác, ông viết về tiếng cây gãy trong khung cảnh u tịch của rừng núi, và lại tiếp tục có những đụn khói, những lằn khói đốt rẫy lờ đờ, "uể oải, như đang mải miết trầm ngâm hồi tưởng về trăm nghìn câu chuyện huyền hoặc của cuộc sống núi rừng".
[…]
Tóm lại, ông viết về bất cứ thứ gì có liên quan đến đất nước, quê hương, mà ông có dịp cảm nhận, nghĩ về, hoặc trông thấy, nghe thấy. Và điều quan trọng, làm nên cái chất Võ Phiến, khiến ông trở thành một người phát ngôn lôi cuốn, một cây bút tài tình của Việt Nam, chính là ở những gì ông chọn để nói, cũng như ở chính cách nói của ông.
Đặng Thơ Thơ
Nhiều tác giả có một đời sống sáng tác vô cùng sung mãn, nhưng người ta chỉ nhắc đến những tác phẩm đầu tiên của họ. Những gì viết sau đó chỉ là bóng của một sự nghiệp đã thiết lập quá sớm. Có những trường hợp như nhà văn J.D. Salinger qua đời năm 2010, lúc 91 tuổi, cuốn sách người ta nhắc đến như tiêu biểu cho sự nghiệp của ông là cuốn Bắt Trẻ Đồng Xanh xuất bản năm 1951. Tức là 59 năm trước đó. John Updike cũng than phiền rằng cho dù ông có cố gắng hết mức, để tự thay đổi cho những tác phẩm về sau, thì những cuốn đầu tiên vẫn cứ bị dùng làm nhãn hiệu gán cho ông, và những cuốn sau vẫn bị đem ra so sánh một cách vô cùng bất lợi, với những cuốn đầu tiên đó.
Nhưng đó không phải là trường hợp của nhà văn Võ Phiến.
Ở nhà văn Võ Phiến và tác phẩm của ông, đây là một hành trình hơn sáu mươi năm của một sự nghiệp bền bỉ, năng động, không ngừng, đa dạng, sáng tạo, từ Văn Học Miền Nam đến Văn Học Hải Ngoại, một vị thế phải nói là duy nhất.
Năm 2009, khi xuất bản cuốn Võ Phiến Cuối Cùng, Nhà văn Võ Phiến, trong một nhìn lại quá trình viết, đã tự vấn qua tùy bút “Thẫn Thờ”:
“Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?
Hai tiếng được gì hàm ý chọn lựa. Thế nào là “được”. Thế nào là chưa “được”. Khó thay. Tự nó, cái viết có giá trị gì, có tầm quan trọng nào chăng? Cũng khó nói quyết.”
Nhiều lúc nhà văn Võ Phiến gọi những tác phẩm của ông là đồ chơi, ông ví von sự vô dụng của những điều ông viết như sự vô dụng của cái gọi là tâm hồn:
“Không ai dùng tâm hồn làm cái gì cả. Hồn bất khả dụng, hồn vô sở dụng; nhưng là cái sở cứ. Có thể căn cứ vào nó để hiểu người xưa. Nghệ phẩm là những tài liệu, những chứng tích, chứng liệu. Nghệ phẩm không hữu dụng, nó hữu ích.
A, nghệ thuật!”
“Không là đồ dùng, chỉ là đồ chơi. Chơi cho khoái thôi. Cho thỏa thích mê tơi thôi.”
Điều này cũng là phát biểu chung của mọi ngành nghệ thuật. Những giây phút con người một mình chơi với chính họ, lúc một mình một căn gác riêng, lúc con người lặng lẽ nhìn vào, phát hiện, và đem ra ánh sáng những điều mới mẻ ẩn náu bên trong họ,… là những khoảnh khắc của nghệ thuật. Vì vậy, trong tùy bút “Hạ Hồi” của cùng tuyển tập, Võ Phiến đã nói đến cái nghệ thuật mà ông sử dụng trong những lúc chơi với chính mình. Đó là “Viết cho sâu vào, sâu tuốt vào tiềm thức”.
Trong tiềm thức của nhà văn, ý tưởng về thời gian, cái chết, cuộc đời, và những gì còn lại của một cuộc đời, luôn là quan tâm và ám ảnh. Và những ám ảnh này luôn tìm cách tự thể hiện trên những trang viết của ông trong Võ Phiến Cuối Cùng. Chẳng hạn nói về nhân vật Cô Sáu trong “Hình Bóng Cũ”:
“Một cốt cách ở đời nó loáng thoáng khó bắt. Cái còn lại của một cốt cách: ít oi quá, mong manh quá.”
Ông than thở như vậy cho người khác. Nhưng chẳng ai có thể than thở điều đó cho ông.
Cái cốt cách của một nhà văn, của nhà văn Võ Phiến, nó dày đặc, nó chồng chất, nó là cả ngàn trang sách, đủ mọi thể loại: truyện dài, truyện ngắn, truyện cực ngắn, ký, thơ, tùy bút, tạp luận, phiếm luận, nhận định, phê bình, biên khảo, dịch thuật. Cả một hệ suy tưởng nằm trong một nhân cách nhất quán và chính danh.

Bốn người viết, bốn cái nhìn, bốn cách tiếp cận Võ Phiến. Có những điều chung nhưng luôn luôn có điều rất riêng. Bởi vì họ đang nói về Võ Phiến của riêng họ, một Võ Phiến được xây dựng từ kinh nghiệm đọc và cảm nhận của riêng mỗi người.
Hôm qua, thứ Bảy 3 tháng 10 năm 2015, tại nhà quàn số một, không chỉ có bốn người nói về nhà văn Võ Phiến. Và không chỉ có ngày hôm qua người ta mới nói về nhà văn Võ Phiến. Người đọc sẽ nói về ông hôm nay, ngày mai, ngày mốt, và trong nhiều năm tháng trước mắt. Luôn luôn có chỗ cho người đọc để nói về Võ Phiến của họ mà không phải lập lại lời của nhau.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Phùng Nguyễn

Tin buồn: Ban Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ rất đau buồn báo tin đến bạn đọc: Nhà văn Phùng Nguyễn, người phụ trách cột blog "Rừng & Cây" trên VOA Tiếng Việt, vừa đột ngột qua đời ngày 17 tháng 11 tại bang Maryland, Hoa Kỳ. Tuy thời gian hợp tác với VOA Tiếng Việt chưa lâu, những bài viết nghiêm túc, độc đáo và đặc sắc của Nhà văn Phùng Nguyễn cũng như của những thi văn hữu được ông mời cộng tác về đề tài văn học-nghệ thuật cùng những vấn đề liên quan đã thu hút sự chú ý của - và được đánh giá cao bởi - đông đảo bạn đọc tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Sự ra đi quá sớm của Ông là một thiệt thòi khó bù đắp không những cho giới văn học mà còn cho những người đọc yêu mến Ông qua cột blog "Rừng & Cây". Ban Việt ngữ xin thành thực chia buồn cùng tang quyến Nhà văn Phùng Nguyễn trước sự mất mát to lớn này. Sự đóng góp quý báu của Ông sẽ được VOA Tiếng Việt luôn trân trọng.

Nhà văn Phùng Nguyễn đã sống và làm việc trong ngành IT ở Hoa Kỳ. Tác giả của 2 tập truyện ngắn Tháp Ký Ức và Đêm Oakland và Những Truyện Khác. Đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (damau.org) và tham gia biên tập tạp chí này từ năm 2006.



 

No comments:

Post a Comment