Xuôi dòng ký ức
Gởi anh Hoàng chị Vy
13 tháng 9 năm nay là ngày giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Khi
nhận lời chăm sóc blog “Rừng & Cây” trên mạng VOA tiếng Việt, tôi
đã quyết định sẽ tiếp tục tinh thần “Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu” trên
sân chơi của mình như là một nhắc nhở thường xuyên về anh, nhà văn và
cũng là “người bạn của các nhà văn,” một cách gọi để diễn tả sự mến mộ
mà các ngòi bút khác dành cho anh. Vậy mà tôi lại cảm thấy rất khó khăn
khi nói về anh. Bởi vì, có điều gì tôi muốn nói về Nguyễn Xuân Hoàng mà
không có ai đó đã nói/viết ra trước đó?
So với một số nhà văn cùng thời, Nguyễn Xuân Hoàng viết không nhiều.
Anh có khoảng 10 tác phẩm đã xuất bản, và không có nhiều công trình
nghiên cứu dài hơi về các tác phẩm của anh. Về hiện tượng này, tôi đã có
nhận xét như sau trong bài tham luận đọc tai buổi hội thảo “Hai mươi
năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” tổ chức tại Nam California (USA) vào
tháng 12 năm 2014:
"Hồi tháng 8 năm ngoái (2013), trong khi thu thập tài liệu cho chuyên đề 'Nguyễn Xuân Hoàng, Trong và Ngoài Văn Chương'
của tạp chí Da Màu, tôi nhận ra, với một tên tuổi vô cùng quen thuộc
như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, số lượng bài biên khảo dành cho tác phẩm
của ông quả thật khiêm nhường. Chợt nghĩ ra ông thuộc về thế hệ của
những người làm văn nghệ kém may mắn. Nhóm người này bắt đầu văn nghiệp
của họ trong giai đoạn 54-75 ở miền Nam Việt Nam. Nền văn học non trẻ
nhưng đa dạng và cởi mở này chưa kịp có thì giờ nhìn lại để đánh giá một
cách đầy đủ những thành tựu của tập thể và của mỗi cá nhân tác giả thì
đã chết tức tưởi vào một ngày cuối tháng Tư năm 1975."
Như là một người đọc, nếu được hỏi về văn chương Nguyễn Xuân Hoàng,
tôi xin thưa rằng tôi hoàn toàn bị thuyết phục với những truyện ngắn của
anh. Tuy vậy, phải nói là tôi cũng rất thích đọc Sổ Tay của anh, và
đồng thời, cùng với Nguyễn Quí Đức, đã chòng ghẹo anh nhiều lần vì cái
“tật” thích đưa những sinh hoạt “không văn chương” như ngồi Starbucks
với bạn bè (phần đông trong giới viết lách) vào “Sổ Tay!” Đó là Nguyễn
Xuân Hoàng, ngay cả cái blog trên VOA Tiếng Việt cũng là nơi anh muốn
kéo thân hữu vào chơi càng đông càng tốt, không phải vậy hay sao?
*
Cho đến ngày anh ra đi vĩnh viễn, giữa nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và
tôi đã có khoảng 20 năm quen biết. Thật ra, quãng thời gian này không
thấm vào đâu so với mối quan hệ anh có với nhiều người khác, những người
bạn cùng thời của anh, đặc biệt những cây bút tiếng tăm của Văn học
miền Nam (VHMN) giai đoạn 1954-1975. Phần đông những mối quan hệ bền bỉ
này đã tiếp tục rất lâu, cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng!
Tôi gặp anh lần đầu ở tư gia nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhân buổi họp
mặt tất niên 1994 – 1995 của tạp chí Văn Học (Califoria, USA) cùng với
một số tên tuổi khác của Văn học miền Nam và Hải ngoại, kể cả những bậc
lão thành như Nghiêm Xuân Hồng và Võ Phiến. Tất nhiên là tôi choáng
ngợp. Đây là những tên tuổi gạo cội của một thế giới trước đây tôi chưa
hề có cơ hội bén mảng đến. Được gặp gỡ, trò chuyện với một người trong
số họ cũng đã là hiếm hoi, huống chi với nhiều người trong cùng một lúc.
Chính là nụ cười hiền và cái bắt tay chặt chẽ, thân tình của Nguyễn
Xuân Hoàng đã giúp tôi thở dễ dàng hơn. Vào thời điểm này, anh có tên
trong Ban biên tập tạp chí Văn Học, nhưng theo chỗ tôi biết, công việc
chính của anh là làm báo Người Việt. Không lâu sau lần gặp gỡ đầu tiên,
vào năm 1996, anh có thêm “job” mới khi nhà văn Mai Thảo, với sức khỏe
ngày càng suy sụp, giao lại cho anh trách nhiệm duy trì và phát triển
tạp chí Văn mà ông đã xây dựng và cáng đáng từ năm 1982 tại Hải ngoại.
Nhà thơ Đặng Hiền và tôi được Nguyễn Xuân Hoàng “chiêu mộ” để giúp anh
về mặt kỹ thuật, đứa phần cứng đứa phần mềm. Cũng hơi tréo cẳng ngỗng,
đứa [phần] cứng thì mềm mà đứa [phần] mềm thì cứng, nhưng phải nói Đặng
Hiền và tôi đã có những khoảnh khắc vui vẻ với nhau trong thời gian giúp
anh Nguyễn Xuân Hoàng mang tờ Văn đến với bạn đọc kịp lúc. Và ngày vui
thì chóng tàn.
*
Tôi gặp anh lần cuối cùng không lâu trước ngày anh đi xa. Sau chuyến
đi dài bằng xe buýt từ quận Cam, tôi được các nhà thơ Hải Phương và Lữ
Quỳnh đón ở trạm đến và đưa ngay đến nhà anh. Gầy ốm, xanh xao, anh chào
đón chúng tôi với nụ cười cũng xanh xao không kém. Thay vì ở tiệm
Starbucks gần nhà anh mỗi khi có dịp đi San Jose, còn được gọi là Thung
lũng Hoa Vàng, nơi anh cư ngụ đã nhiều năm, tôi uống với anh ly cà phê
cuối cùng cạnh giường bệnh của anh. Khi anh thấm mệt và nhanh chóng rơi
vào cơn mê thiếp, hai nhà thơ đưa tôi về cái lữ quán vắng vẻ cạnh bến xe
buýt. Tôi trở lại quận Cam ở miền Nam bang California trên chuyến xe
buýt sớm nhất sáng hôm sau và bay suốt chiều ngang nước Mỹ để về lại
miền Đông vào ngày kế tiếp. Cuộc gặp gỡ quá ngắn cho một chuyến đi quá
dài, nhưng tôi cảm thấy “vui” là mình đã đến và đã được anh dành cho một
phần quý báu trong số những giờ phút ít ỏi còn lại của anh. Chỉ tiếc là
tôi đã không có cơ hội gặp chị Vy trong chuyến đi này!
Nói về Nguyễn Xuân Hoàng thì không thể không nhắc đến người bạn tình
một đời của anh, Trương Gia Vy, thường được bạn bè “âu yếm” gọi là Vy,
và với tôi, chị Vy. Tôi có nhiều cơ hội chiêm ngưỡng mối tình của hai
người qua hình ảnh người thiếu nữ xinh đẹp, chói ngời hạnh phúc bên cạnh
Nguyễn Xuân Hoàng trong những tấm hình hoặc màu hoặc đen trắng được chị
trưng bày trong căn nhà nhỏ của hai người. Tôi nghĩ rằng người đàn bà
còn rất trẻ trong hình đã phải đánh đổi nhiều lắm để có thể bước vào
những khung hình này. Chị Vy là một trong số những người phụ nữ hiếm hoi
sở hữu một ý chí mạnh mẽ ít người có được. Từ nhiều năm qua, đeo đẳng
bởi một căn bệnh hiểm nghèo, mỗi ngày chị buộc phải trải qua một chế độ
trị liệu nghiêm ngặt, không được rời khỏi giường nằm hàng nửa ngày, và
thường xuyên ra vào bệnh viện cấp cứu còn nhiều hơn cả đi ăn hamburger ở
tiệm ăn nhanh McDonald’s. Vậy mà cứ mỗi lần tưởng như sinh mệnh đã
không còn phương cứu vãn, chị gượng dậy, từ chối làm nạn nhân, “điểm
phấn thoa son lại” và khoác lên người bộ xiêm y rực rỡ nhất, sánh vai
Scarlett O’Hara bước ra chinh phục thế giới!
*
Tôi, cũng như với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, bên cạnh những điều
chung, có những tao ngộ rất riêng tư với anh Nguyễn Xuân Hoàng. Đó là
những mảng ký ức mà tôi mong sẽ còn giữ được mãi cùng năm tháng. Một
trong những kỷ niệm quý giá này là lần chúng tôi hẹn gặp nhau ở “thị
trấn giữa đàng” Buttonwillow dọc con đường xuyên bang số 5 để cùng đi dự
tang lễ anh Nguyễn Mộng Giác hồi tháng 7 năm 2012.
Rất lâu sau này, khi mà những kỷ niệm tôi có về Nguyễn Xuân Hoàng,
người bạn lớn, nhà văn, người bạn của các nhà văn, sẽ rời bỏ tôi vì lý
do này hay lý do khác, điều tôi muốn níu giữ, nếu còn có thể, nhất định
phải là hình ảnh người đàn ông tóc trắng bước xuống từ xe đò Hoàng, băng
qua đường để bước vào quán cà phê Starbucks duy nhất của thị trấn
Buttonwillow bụi bặm. Ở đó, ông đặt mua không phải một mà hai ly cà phê,
mang đến chiếc bàn nhỏ ở một góc quán rồi bình thản ngồi xuống, không
hề bồn chồn, chờ đợi. Bởi vì tôi sẽ đến, như đã hứa. Tôi nhất định sẽ
đến, không thể nào khác đi được.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment