BPSOS: Các dường dây buôn người rất ‘tinh vi’ và ‘tàn ác’
Các đường dây buôn người, vốn bị cáo buộc là thủ phạm đằng sau thảm
kịch 39 người chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh, có ‘hoạt động hết sức
tinh vi’ nhằm đưa nạn nhân vào tròng và ‘kiếm được rất nhiều tiền’, một
chuyên gia về phòng chống buôn người nói với VOA.
Thảm họa 39 người xảy ra vào cuối tháng 10 ở Essex, Anh quốc, khi
người ta phát hiện trong một chiếc xe container đông lạnh có thi thể của
39 người nhập cư lậu. Mặc dù phía Anh vẫn chưa kết luận về quốc tịch
các nạn nhân nhưng nhiều khả năng phần đông trong số này là người Việt
Nam đi từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
‘Đường dây nhiều mắt xích’
Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức Ủy ban
Cứu người Vượt biển (BPSOS) có trụ sở ở tiểu bang Virginia, Mỹ, nhận
định rằng 39 người này là nạn nhân của nạn buôn lậu người (human
smuggling) hoặc buôn người (human trafficking).
Theo lời ông Thắng giải thích thì những người này từ đầu đã đi theo
đường dây buôn lậu người, tức là chỉ đưa người nhập cư lậu từ nước này
sang nước khác. Nếu như họ còn sống và được đưa vào Anh trót lọt thì rất
có thể họ sẽ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, tức là bị bóc lột,
bạo hành và lạm dụng.
“Nạn nhân buôn người là những người cư trú bất hợp pháp. Họ hoàn toàn
không được sự bảo vệ của luật pháp, không có công ăn việc làm, hoàn
toàn bị khống chế,” ông giải thích.
“Họ đã vay nợ rất nặng ở Việt Nam nên phải làm việc trả nợ. Họ phải
lao động quần quật theo lệnh chủ, nếu không người nhà của họ ở Việt Nam
sẽ bị xiết nợ và bị mất hết nhà cửa,” ông nói thêm.
Ông mô tả các đường dây buôn người/buôn lậu người này là hoạt động
theo nhiều tầng: thấp nhất là cò, rồi đến môi giới và cuối cùng là đường
dây vận chuyển người xuyên biên giới.
‘Cò’ là những người sâu sát nhất ở các làng xóm, thôn quê. “Họ đi vào
các làng, gặp gỡ những người quen biết rồi rỉ tai, rủ họ đi qua bên Anh
kiếm việc chẳng hạn,” ông nói.
Một khi nạn nhân đã mắc bẫy của còn thì họ sẽ được chuyển qua cho cấp
môi giới vốn là ‘người đứng ra điều động tất cả mọi chuyện’, theo ông
Thắng.
“Trong các đường dây xuất khẩu lao động thì môi giới là người làm
việc chính thức với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động còn trong các
đường dây buôn người thì môi giới chính là bọn xã hội đen,” ông giải
thích.
Đến khi nạn nhân nộp tiền xong thì những kẻ môi giới này ‘sẽ kết nối
với đường dây lo cho họ đi từng chặng’. Mỗi chặng có một đường dây vận
chuyển, thường là một tổ chức tội phạm ở nước đó, đứng ra chịu trách
nhiệm, chẳng hạn như từ Việt Nam sang đến biên giới Trung Quốc, rồi
đường dây ở Trung Quốc, đường dây ở Nga, đường dây ở Ukraine…, ông Thắng
giải thích.
Do tổ chức theo kiểu mắt xích ‘hàng ngang’ không có sự lãnh đạo, điều
hành thống nhất nên ông Thắng gọi là ‘rắn không đầu’ mà theo ông ‘rất
khó diệt’.
“Tiêu diệt trọn vẹn mạng lưới buôn người này đòi hỏi phải có sự hợp
tác, liên lạc của nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nga và
Ukraine mà điều này rất hiếm khi xảy ra,” ông cho biết. “Trong mỗi quốc
gia này chúng đều có sự bảo kê của giới chức’.
“Ngay như ở Việt Nam chẳng hạn nếu chúng ta chặn được đầu này thì
ngay lập tức sẽ có các nhóm khác tái lập lại đường dây để móc nối sang
Trung Quốc,” ông giải thích.
Tung hỏa mù
Các nạn nhân, nhất là người dân quê thiếu hiểu biết, rất dễ trở thành
nạn nhân của bọn buôn người vì phương thức lừa đảo ‘rất tinh vi’, ông
Thắng nói.
Trước hết, họ có người làm ‘chim mồi’ đi trước để làm bằng chứng dẫn
dụ những người khác tin theo, ông Thắng mô tả. Họ lôi kéo một nạn nhân
nào đấy đã qua được Anh vào đường dây của họ. Người đấy sẽ viết thư, gửi
tiền về cho gia đình thông báo về cuộc sống mới của họ bên Anh.
“Người cò sẽ lấy đó mà đi nói với mọi người trong làng rằng ‘Đấy thấy
chưa, gia đình đấy có con đi rồi đây này, nó kiếm được mấy ngàn đô la
một tháng. Quý vị đi theo đi’,” ông Thắng nói.
“Người dân quê đâu có biết gì. Họ thấy có người gửi tiền về xây nhà
cao cửa rộng thì đinh ninh rằng gia đình mình cũng có thể được như vậy
mà đâu biết rằng chính gia đình ấy hay người con của gia đình ấy cũng
nằm trong đường dây buôn người.”
Trong bài viết “Những cái chết đến từ thôi thúc ‘thoát nghèo’” đăng
trên VOA, tác giả trích dẫn từ cuốn sách Poor Economics từng được dịch
sang tiếng Việt là ‘Hiểu Nghèo Thoát Nghèo’ của hai kinh tế gia Abhijit
Banerjee và Esther Duflo. Cuốn sách nói về những điều chính yếu về người
nghèo và sự nghèo. Trong đó hai điều đầu tiên là: Người nghèo thường
thiếu thông tin cấp thiết và dễ tin vào những điều không thật. Niềm tin
không đúng sẽ dẫn đến những lựa chọn sai lầm với những hệ lụy bất lường.
Thứ nhì là người nghèo phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, đời
sống và công việc bấp bênh và phải tự lo toan mọi chuyện so với người
giàu có.
Hai kinh tế gia Abhijit Banerjee và Esther Duflo vừa được giải thưởng Nobel Kinh Tế năm nay cho nghiên cứu của mình.
Trở lại với vấn nạn buôn người. Theo giải thích của tiến sĩ Nguyễn
Đình Thắng, những nạn nhân đầu tiên sau đó lại ‘trở thành thủ phạm’. Họ
gia nhập vào đường dây buôn người và lấy mình làm mồi để nhử thêm những
người khác ở trong làng, thậm chí ở trong họ của mình, ông Thắng nói và
cho biết ông ‘biết rất nhiều trường hợp như vậy’.
“Đó là cách mà họ kiếm thêm được thu nhập, có ăn chia để họ có tiền
mà trả nợ,” ông nói và giải thích rằng những ‘nhà cao cửa rộng’ ở các
làng quê Việt Nam mà dân làng Việt Nam thấy là ‘của những người tham gia
vào đường dây buôn người’ còn thu nhập lên đến vài ngàn đô la một tháng
mà những kẻ buôn người hứa hẹn ‘là không thể nào có được’.
Khi được hỏi tại sao những người sang đến bên Anh trở thành nạn nhân
của nạn buôn người không thông báo tình trạng của họ về cho gia đình ở
Việt Nam biết để cảnh tỉnh những người khác, ông Thắng nói rằng hoặc là
‘họ bị mất liên lạc’ hoặc ‘họ đâu dám lên tiếng’.
“Nếu lên tiếng thì họ sẽ bị thủ tiêu ngay, còn thân nhân của họ ở
trong nước cũng có thể bị sách nhiễu vì bọn môi giới, bọn xã hội đen sẽ
cử người đến đe dọa,” ông nói. “Còn nếu không tiếp tục làm việc, nếu bỏ
trốn thì không có thu nhập để trả nợ. Cả dòng họ có thể sẽ bị mất hết
tài sản vì họ đã thế chấp toàn bộ nhà cửa ruộng vườn để có tiền ra đi.”
Ông cũng nói rằng chỉ cần 1, 2 người trong làng gửi tiền về ‘cũng đủ làm chim mồi rồi’.
Có sự bảo kê?
Về vai trò của chính quyền trong con đường di dân lậu ồ ạt này, ông
Thắng khẳng định ‘chắc chắn có sự bảo kê’ với mục đích là ‘được chia
chác’ trong miếng bánh lợi ích quá lớn.
“Chính quyền cộng sản Việt Nam theo dõi rất kỹ lưỡng vấn đề lưu trú,
đi lại của người dân, nhất là ra khỏi biên giới quốc gia,” ông phân
tích. “Đi cả 100 người có khi cả ngàn người một lúc thì không thể không
có bảo kê (của chính quyền địa phương).”
“Chắc chắn giới chức trong xã ấy, trong làng ấy đều biết nhưng họ vẫn
cho đi bởi vì có sự trao đổi này kia về quyền lợi,” ông nói thêm và lưu
ý rằng cho mỗi chuyến đi mỗi nạn nhân phải trả phí từ 30.000 đến 60.000
đô la Mỹ tùy theo dạng đi thường hay đi VIP.
Qua thảm kịch ở Essex, ông Thắng nói rằng nếu chính quyền Việt Nam
thật sự muốn điều tra mạng lưới buôn người thì ‘đó là điều rất dễ’.
“Chỉ cần truy từ những người cò trở lên là ra hết đường dây thôi vì
cò phần lớn là người ở địa phương,” ông nói. “Chúng tôi còn biết huống
hồ các cơ quan công lực ở Việt Nam lại không biết à?”
“Qua vụ 39 người này, dư luận cần phải lên tiếng ép chính quyền Việt
Nam từ trung ương đến địa phương phải khui ra tất cả các đường dây buôn
người này. Tất cả các quan chức dính líu phải bị xử trị, các thủ phạm
phải bị đi tù và tài sản của họ phải bị tịch thu để bồi thường cho các
nạn nhân đã chết,” ông yêu cầu.
‘Kế hoạch toàn diện’
Ông Thắng cho biết tổ chức BPSOS của ông đã từng ‘dự đoán trước nhiều
người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành nạn nhân buôn người
sau thảm họa môi sinh hồi năm 2016 (do tập đoàn Formosa xả thải gây
ra)’.
“Ngư nghiệp hoàn toàn không thể khôi phục. Nhiều người bán hết tàu
thuyền đánh cá của họ. Họ làm ruộng không được chứ đừng nói lên thành
phố làm những việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà họ hoàn toàn không có.
Họ phải sống làm sao đây,” ông nói.
“Khi đó họ thấy có đường dây hứa hẹn rất nhiều. Tuy đóng 60.000 đô la
nhưng chỉ một năm là trả hết nợ sau đó còn có tiền dành dụm để gửi về
giúp gia đình. Do đó, họ vay nợ, gom góp tiền bạc của thân nhân và vay
nặng lãi với lãi suất có chỗ đến 60% một năm để đi nước ngoài,” ông nói
thêm.
Ông chỉ trích chính quyền là ‘không đền bù thỏa đáng’ sau thảm họa
Formosa, ‘không tạo công ăn việc làm cho người dân mà để họ tự lo’.
“Đó là lỗ hổng để bọn xã hội đen nhảy vào khai thác,” ông cho biết và
nói rằng ngay sau sự cố Formosa tổ chức của ông ‘đã báo động cho các
giáo xứ ở Nghệ An, Hà Tĩnh biết’ để đề phòng ‘kẻ gian trục lợi’.
“Các vị linh mục biết nhưng không có đủ năng lực và không có kinh nghiệm để đưa ra chương trình (phòng chống).”
“Nếu không làm gì sẽ có thêm nhiều nạn nhân nữa,” ông nói và kêu gọi
các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự cùng hành động để ‘tìm cách giải
cứu và phá vỡ tất cả các đường dây buôn người và buôn lậu người’.
Ông Thắng nói một trong những việc cần làm ngay là ‘giáo dục người dân, nói cho họ hiểu’.
Ông cũng đưa ra những lời khuyên cho người dân để tránh thành con mồi của bọn buôn người.
“Thứ nhất, nếu được rủ rê đi lao động bên Anh nhưng là đi lén đi lậu
bằng thị thực du lịch chẳng hạn thì chắc chắn mình bị lừa vì đi xuất
khẩu lao động phải có hợp đồng đâu ra đó,” ông nói.
Lời khuyên thứ hai mà ông Thắng đưa ra là ‘phối kiểm những chỗ hay
công ty mà người dân được hứa hẹn sẽ cho họ chỗ làm việc’ và cho biết
BPSOS có thể giúp phối kiểm nhờ vào mạng lưới cộng tác viên của họ ở
khắp nơi trên thế giới.
“Thứ ba trước khi lên đường phải nắm được một số địa chỉ, email,
facebook, số điện thoại cầu cứu nếu mọi việc không như dự tính,” ông nói
thêm. “Thân nhân cũng phải nắm các đầu mối liên lạc này để phòng khi
người thân mình bị mất liên lạc hay bị bóc lột thì thậm chí có thể liên
lạc ngay để nhờ giải cứu.”
Diễn đàn Facebook