Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 3 November 2019

“Em phải đến nước Anh trồng cần sa”!

Hình minh họa. Ông Bùi Phan Chính, cha của Bùi Phan Thắng ở Hà Tĩnh, một trong những người nghi ngờ nằm trong số 39 nạn nhân trên xe container vào Anh hôm 23/10/2019. HÌnh chụp hôm 29/10/2019
Hình minh họa. Ông Bùi Phan Chính, cha của Bùi Phan Thắng ở Hà Tĩnh, một trong những người nghi ngờ nằm trong số 39 nạn nhân trên xe container vào Anh hôm 23/10/2019. HÌnh chụp hôm 29/10/2019
AFP
Tại sao có một tỷ đồng không ở Việt Nam làm ăn mà lại đi?
Tại sao đã đến Ba Lan, Đức, Pháp… không ở đấy làm ăn mà lại đi (đến Anh)?
Tại sao bao nhiêu nghề không làm mà lại đi trồng cần?
Tại sao biết nguy hiểm chết người vẫn cứ đi?
Cách đây nhiều năm, tôi có dịp đi qua vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình-ba địa phương nổi bật nhất trong số những tỉnh có nhiều người nhập cư bất hợp pháp sang châu Âu, mà điểm đến cuối cùng là Anh, và công việc cuối cùng là trồng cần sa.
Hai địa phương kia là Quảng Ninh và Hải Phòng, thuộc dạng khác.
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nổi tiếng với đặc sản gió Lào; riêng Quảng Bình có thêm combo “cát trắng-gió Lào”, đến nỗi ngày xưa khi an táng thì ngôi mộ trên cát phải dằn hàng chục cục đá lên, kẻo sau một mùa gió thổi cát bay lộ cả xương trắng.
Gió Lào là trải nghiệm kinh khủng. Nó là thứ hơi nóng quần quật như bốc lên từ chiếc chảo rang khổng lồ mà con người chỉ là những hạt bắp bị đảo lộn xoay vần. Hơi nóng xoáy cuồn cuộn hầm hập hút khô mọi sinh lực, tóe lên trong không khí những quầng lửa sáng lóa liên tục. Chúng tôi phải hủy lộ trình định sẵn vì bị lả đi trong cái hỏa diệm sơn đó. Chỉ có thể ngồi gục xuống trong một cái quán dọc đường, đeo kính mát bảo vệ mắt, đắp khăn lên trán, uống nước liên tục và cố gắng không nhìn ra ngoài trời để khỏi lóa mắt và đau đầu. Chờ cho đến khi nắng chiều nguội hẳn, chúng tôi mới dám lên đường.
Những ngày trong mùa gió Lào, tôi nghĩ chỉ còn ở thành thị nơi có nhà cao che chắn và những chiếc máy lạnh còn có thể mang lại niềm an ủi cho dân công sở. Ở những vùng giáp biên giới, đồi chè, đồng ruộng… mùa gió Lào dường như sự sống chỉ bắt đầu khi tắt mặt trời.
Hình minh họa. Bà Hoàng Thị Ái, ông Hoàng Văn Lanh cùng chị gái của nạn nhân Hoàng Văn Tiếp ở Diễn Châu, Nghệ An hôm 28/10/2019
Hình minh họa. Bà Hoàng Thị Ái, ông Hoàng Văn Lanh cùng chị gái của nạn nhân Hoàng Văn Tiếp ở Diễn Châu, Nghệ An hôm 28/10/2019 Reuters
Sinh ra ở những vùng khí hậu khắc nghiệt như vậy, ai lớn lên mà chẳng khát khao rời khỏi? Đến nỗi có những động từ xuất hiện phổ biến theo từng giai đoạn lịch sử. Thời “xây dựng xã hội chủ nghĩa” là “thoát ly”, và mấy chục năm nay, cụ thể hơn, là “xuất khẩu lao động”.
Cách đây sáu bảy chục năm, thoát ly phần nhiều bằng con đường đi du học bằng học bổng Nhà nước, trở về làm các chức to trong các cơ quan Nhà nước-hồi ấy chỉ tập trung ở Hà Nội. Sau đó là bằng con đường đại học, hoặc theo chồng, theo vợ rời bỏ quê hương, sống ở các địa phương khác có điều kiện tự nhiên ưu đãi hơn, có nhiều việc làm hơn. Quảng Ngãi ở miền Trung, Nghệ An ở miền Bắc có truyền thống đoàn kết, có câu đùa là cứ có bằng tiếng Nghệ hay tiếng Quảng thì được nhận vào làm.
Xuất khẩu lao động, rộ lên từ khoảng 20-30 năm nay, là con đường vất vả hơn nhưng kết quả lại nhanh chóng và rỡ ràng hơn.

Con đường cần sa

Con đường thứ tư-con đường cần sa, trở thành những người “chuyên cần”, theo các báo cáo của tổ chức chống buôn người, cũng hình thành từ độ hai, ba chục năm nay.
Tại sao 90% người Việt nhập cư lậu vào Anh đều trở thành công nhân trồng cần sa, sau đó lên level thành chủ trại?
Theo các báo cáo của các tổ chức chống buôn người và tường trình từ những người trong cuộc, các trại trồng cần sa thu hút người đến vì hai lý do: chủ động và bị động. Chủ động là từ những mối quen biết từ Việt Nam, người cùng làng, cùng xã, cùng họ… đã đi trước và đang “hành nghề” ở Anh, dẫn người đi sau sang. Mấu chốt là lòng tin để đảm bảo một công việc nguy hiểm và bất hợp pháp được diễn ra an toàn, trót lọt.
Hình minh họa. Những căn nhà được xây mới ở Đô Thành, Nghệ  An
Hình minh họa. Những căn nhà được xây mới ở Đô Thành, Nghệ An Reuters
Bị động, thì đang là thắc mắc của không ít người là tại sao có khoản tiền lớn như vậy, hoặc, đã sang được Anh sao không làm nghề hợp pháp, mà đâm đầu đi trồng cần?
Thực ra, họ không đâm đầu mà bị bắt phải đâm đầu. Theo các báo cáo chống buôn người của IOM, các đường dây luôn luôn vẽ ra tương lai chắc chắn và giàu có cho những con mồi.
Một bài báo Việt Nam trích lời một phụ nữ nhập cư lậu sang Anh bằng đường bộ, nghe nói làm nail được 1-2 ngàn euro mỗi tháng đã thốt lên ”Sao ít thế?”. 1.000 euro hơn 30 triệu đồng tiền Việt, ở Việt Nam, đó là lương cấp leader công ty lớn, trưởng phòng, phải ăn học năm năm trời cùng nhiều kỹ năng khác, làm việc miệt mài ít nhất 5 năm nữa mới có được. Một bác sĩ mới ra trường lương chỉ có ba bốn triệu đồng thôi. Nhưng một bà nông dân mới rời cái cuốc hôm qua, không có kỹ năng nào lại dám chê ba mươi mấy triệu là ít, là vì đã quá tin vào mức lương 8.000-9.000 euro mà đường dây vẽ ra.
Được hứa hẹn và đảm bảo, thêm những tấm gương sát nách đi hai năm gửi tiền tỷ về xây biệt thự, những người mới dám thế chấp đất đai để có cả tỷ bạc đưa con em sang Anh.
Cái bẫy của bọn buôn người tiếp tục giăng ra ở đây. Báo cáo của Pacific Link Foundation chỉ ra: Sang đến nơi nhưng không có việc làm vì cư trú bất hợp pháp không thể ký hợp đồng, bọn buôn người sẽ tìm việc cho họ, với “phí tuyển dụng” cực cao. Không có tiền trả? Bọn chúng cho vay, dĩ nhiên cũng với lãi suất cực cao. Vòng luẩn quẩn bắt đầu và tiếp diễn. Cuối cùng, cái đích đến mà có lẽ nhiều người ban đầu không nghĩ đến, hoặc tự tin cho rằng mình có thể né tránh, vẫn là làm công nhân trồng cần (theo lời giới thiệu). Để được có chỗ ăn ngủ, trả nợ và sống tiếp.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi những người vượt biên có đáng thương xót không?
Tôi thì có. Vì họ chủ động bước vào con đường nguy hiểm này, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của nó.
Nhưng những hệ lụy lớn hơn không chỉ xảy ra với chính những người đang bán thân đổi lấy tiền.

Mầm họa của những cộng đồng điểm đích

Những ngôi làng biệt thự miền Trung, dựng lên từ tiền “xuất khẩu lao động” theo cả hai nghĩa, về hình thức tuy đã đổi thay đến lột xác, nhưng tôi ngờ rằng trong ruột nó không được huy hoàng như thế.
Chủ nhân của chúng hầu hết họ đi từ làng quê nghèo đến một tòa nhà trồng cần bịt bùng, ăn thức ăn đông lạnh, không dám ra ngoài và kết bạn, sống cô độc trong lo sợ luật pháp, nợ nần và ham muốn giằng xé. Không mấy ai được trải nghiệm cuộc sống văn minh ở xứ người hay thu nhận được khối kiến thức nhân loại rộng lớn. Thậm chí sống ở nước ngoài nhưng họ không có cả cơ hội học ngoại ngữ.
Trong những năm đó, con cái họ chủ yếu sống với ông bà, lớn lên thiếu tình cảm gia đình, thiếu sự giáo dục của cha mẹ. Quãng thời gian đó sẽ tạo ra những mất mát không thể bù đắp được trong sự phát triển bình thường của chúng.
Tôi đọc trên mạng xã hội một bài viết, trong đó người viết nói làng họ chỉ còn người già và trẻ con; lứa thanh niên, trung niên đã ở Anh gần hết. Cũng chỉ trồng cần. Cách đây 20 năm con em trong làng thi nhau vào đại học. Bây giờ không còn ai học đại học nữa, cứ hết lớp 9 là đi nước ngoài.
Rất rõ là những đứa trẻ này tiếp tục đi bằng con đường bất hợp pháp, vì cha mẹ chúng cũng vẫn đang sống phận bất hợp pháp ở nước ngoài. Với vốn liếng vào đời như vậy, rồi thế hệ này cũng sẽ tiếp tục cuộc đời tối tăm theo một cách khác. Phần đời trước của chúng không có cha mẹ ở bên vun đắp tình cảm và giáo dục, phần đời sau lại là sống và làm ăn chui lủi phi pháp, luôn lo sợ bị trục xuất hoặc trộm cướp, luôn dùng tiền mua các mối quan hệ, mua sự an toàn, cộng với những cú sốc văn hóa chắc chắn xảy ra.
Tiền (có thể, hoặc chưa chắc) nhiều, nhưng giá trị đời sống và giá trị làm người thì lao dốc.
Và nhìn ở góc độ rộng hơn, lối sống đó chính là mầm họa cho bất cứ cộng đồng xã hội nào mà họ đến. Họ là nạn nhân, nhưng cũng chính là tội nhân.
Cho nên thương, và xót. Nhưng không thể chấp nhận hoặc đồng tình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ý kiến (0)
Sharehttps://www.ebay.ca/sch/%E2%80%9CEm%20ph%E1%BA%A3i%20%C4%91%E1%BA%BFn%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20Anh%20tr%E1%BB%93ng%20c%E1%BA%A7n%20sa%E2%80%9D!

No comments:

Post a Comment