Hội chứng "Đổ lỗi nạn nhân" và những cái chết trong tâm hồn người Việt
Thói thường, những gì xảy ra cho mình thì thường được đổ "tại, bị,
do, bởi vì..." một điều gì đó. Nhưng nếu xảy ra cho người khác thì rõ
ràng nó phải là lỗi của họ, vì họ sai, dốt, tham, gian... hay gì đó. Đó
là một hội chứng tâm lý học, gọi là "đổ lỗi nạn nhân" khá phổ biến trong
bất cứ nền văn hóa nào. Nhưng đáng buồn hơn khi sự nhẫn tâm đã lên
ngôi đến độ người ta đổ lỗi, kết án với những nạn nhân đã chết. Và đó là
câu chuyện những người chỉ trích, lên án các nạn nhân người Việt bị
chết thảm tại Anh. Lẽ nào tâm cảm một dân tộc từng dạy nhau "bầu ơi
thương lấy bí cùng" đã xuống đến mức này?
Ngành "Nạn Nhân Học" (Victimology) thuộc khoa Tâm Lý Học và Tội Phạm
Học chuyên nghiên cứu về nạn nhân của tội ác nào đó cùng các ảnh hưởng
tâm lý nạn nhân, về mối liên hệ giữa nạn nhân và kẻ tội phạm, sự tương
tác giữa nạn nhân cùng hệ thống hình luật, thường đứng về phía nạn nhân
và tìm cách giảm nhẹ những định kiến cùng nhận thức chống lại nạn nhân,
xem họ là những người chịu trách nhiệm một phần hay toàn bộ những bi
kịch nào đó đã xảy ra với họ.
Điều thông thường gặp ở phương Tây là những đổ lỗi cho nạn nhân liên
quan đến các cuộc tấn công tình dục hay bị cưỡng hiếp, đại loại là do
nạn nhân ăn bận khêu gợi, say rượu, lả lơi hay mời chào đã kích thích
kẻ cưỡng hiếp phạm tội. Hoặc những vụ bạo hành gia đình là do nạn nhân
đã làm điều gì sai quấy nên dẫn đến sự tấn công của người phối ngẫu. Đây
là một dạng phản ứng tiêu cực của xã hội được các nhà tâm lý xã hội
học nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục. Nó bị các nhóm dân quyền phản
đối, cũng như hệ thống pháp lý không xem là yếu tố truy xét trách nhiệm
của nạn nhân hay kẻ phạm tội.
Nhưng người Mỹ hay phương Tây dường như chỉ dừng lại việc đổ lỗi nạn
nhân trong những vụ xách nhiễu tình dục như vậy. Họ không chỉ trích,
kết án những nạn nhân, đặc biệt những nạn nhân các vụ bạo lực, chết
người. Trong khi phân định rạch ròi, một kẻ cướp bị cảnh sát hạ thủ
không phải là nạn nhân, họ thương cảm, chia sẻ với nạn nhân của tai nạn,
của tội phạm, của thiên tai. Của những người di dân lậu chết ngay biên
giới cho dù đang tìm cách đi vào quốc gia của họ bất hợp pháp.
Họ không xem một thanh niên lạc tay lái là đáng bị chết vì chạy xe
nhanh, ẩu nên lạc tay lái. Họ không xem một cô bé vì vói tay selfie rớt
xuống vực là ngu dại. Họ không xem người tị nạn tìm cách vượt biên lậu
vào Mỹ và chết đuối bên sông là đáng đời. Mà họ ngậm ngùi, họ thắp nến,
đặt hoa để tưởng niệm những người mất. Bởi cái tình người với nhau. Còn
có người Việt trong chúng ta lại ‘dửng dưng’ với lời phán đến tàn nhẫn
"đáng đời".
Nhìn ảnh một số em trong số 39 nạn nhân Việt Nam bị chết tại Anh, ai
chẳng ngậm ngùi. Các em còn quá trẻ, mặt mày tươi sáng, còn cả một cuộc
đời trước mắt. Các em chẳng phải là tội phạm hay là những kẻ thủ ác đã
ra tay phạm tội tày đình nào đó. Các em chỉ là một phần rất nhỏ
trong hàng triệu, triệu người di dân lậu khắp thế giới. Ly lạc vì chiến
tranh, vì lý do chính trị, kinh tế, vì nạn buôn người. Hay đơn giản hơn,
vì đi tìm một đời sống mà họ tin sẽ tốt đẹp hơn nơi họ ra đi. Vì lý do
gì thì họ đáng thương hơn bị hắt hủi, bị giận dữ, bị kết án. Bất quá, họ
đang phạm luật nhập cư bất hợp pháp để bị trục xuất, trả về nguyên quán
nếu bị bắt.
Hồi tháng Năm năm nay, trong sứ điệp nhân Ngày Di Dân và Tị Nạn
2019, Đức Giáo Hoàng Francis đã mời gọi thế giới phục hồi lại những
chiều kích cốt lõi của tình tha nhân. Ngài bảo khi quan tâm đến người di
dân và tị nạn ở bất cứ dạng gì là chúng ta đang quan tâm đến chính
mình, vượt lên sự nghi kỵ và sợ hãi để không biến thành kẻ thiếu bao
dung, khép kín, thậm chí là sự kỳ thị.
Vậy thì lý do gì người ta lại thiếu sự cảm thông và lòng trắc ẩn với
các em? Bên dưới nhiều bài viết được đăng tải về tai nạn thương tâm này
là không ít những chỉ trích, lên án các em và gia đình bằng lời lẽ
khá nặng nề. Cả sự giận dữ vô cớ. Để lời chỉ trích của mình thêm sức
nặng, họ võ đoán rằng các em "giàu có", sang Anh chỉ để trồng cần sa. Họ
chỉ trích sang cả những người bày tỏ lòng thương cảm với các em. Không
lẽ thủ tướng, cảnh sát cho đến người dân Anh khi cúi đầu, thắp nến và
đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xa lạ từ nửa vòng trái đất cũng là
những người "đạo đức giả"? Hãy nhớ rằng 39 nạn nhân này cho dù có là
quốc tịch nào chăng nữa cũng cần được thương cảm trong tình đồng loại,
huống hồ cái tình đồng bào, chung dòng máu Việt.
Thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quan của không ít người Việt vẫn đang
diễn ra và đã được nói đến nhiều. Nhưng khi sự nhẫn tâm đến độc ác lên
ngôi, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận lại cả một xã hội. Nó không chỉ đáng
buồn mà còn đáng báo động. Bởi khi sự lạnh lùng, giận dữ bao trùm thì đó
là mầm mống của bạo lực lên ngôi.
Một nhà văn nào đó đã viết đại loại rằng, "trơ trơ
trước cái chết của người khác tức đang khóc cho cái chết của
chính tâm hồn mình". Khi càng nhiều những cái chết trong tâm hồn xuất
hiện thì đó là điềm báo tử cho giá trị đạo đức của một dân tộc đã manh
nha.
No comments:
Post a Comment