Truyện ngắn Nam Cao
Hôm
nay mưa rét. Mỗi khi trời mưa rét Ninh lại nhớ đến bu. Hồi bu còn sống,
những ngày mưa rét, không ra vườn hái trầu, bóc mía hay làm cỏ được, bu
hay mang cái bị giẻ và một ôm quần áo rách vào ổ rơm ngồi vá. Bu Ninh
khéo vá lắm. Những miếng vá đặt rất phẳng phiu, không răn rúm. Những mũi
kim nhỏ, đều đặn và thẳng tắp. Người vô ý trông không biết là áo vá. Mà
bu Ninh vá thật không biết gì là sốt ruột. Ai đâu mà ngồi đến tê cả
mông, mờ cả mắt cũng không thôi. Những lúc đau lưng quá, bu Ninh chỉ
ngừng kim một lát, vươn vai hoặc bẻ lưng vào cái cạnh giường kêu răng
rắc, rồi lại cúi đầu xuống vá, vá hết cái này sang cái khác. Bao nhiêu
là quần áo rách! Những cái quần trắng, áo cánh trắng của thầy, đầy nhựa
chuối. Những cái váy bạc phếch của bu. Những cái váy bằng vải to nhuộm
sồng với nhuộm bùn, dày cồm cộp. Trông cái váy, người ta tưởng như nó
bền đến thiên niên vạn đạị ấy thế mà cũng rách. Tội nghiệp, thì ra nó
đẫm nhiều nước tiểu của thằng Đật quá. Về mùa rét, cậu Đật ta đêm nằm cứ
tuồn hai chân vào lòng mẹ. Chả thế thì nó ấm mà! Nhưng tính cậu ta lại
đái dầm, càng rét càng khỏe đái. Ấy thế là cứ mỗi đêm ba bốn lần, cậu
rót tồ tồ vào váy mẹ. Chẳng sáng nào, mẹ không phải thay váy đem ra ao
giặt. Còn gì mà chẳng mục? Không mục có họa là bằng gỗ lim!... Nhưng
nhiều nhất là những quần áo của Ninh, của Đật. Cái nhuộm son, cái giãi
nâu, cái để trắng. Nhưng chẳng cái nào còn giữ trọn vẹn được cái mầu của
nó. Bởi vì cái thì mốc xanh, cái thì mốc vàng, cái thì lấm tấm hoa bèo,
cái thì trạt những nhựa chuối, những tương, những mắm, mũi dãi cùng đất
cát. Vò đến sái tay cũng không còn sạch được. Mà cái thì mất cúc, cái
thì xoạc nách, cái thì xoạc túi, cái thì rách lưng, cái thì rách vai,
cái thì rách ống tay. Chỉ tại nó nghịch quá. Không thể chưa đến nỗi.
Nhiều cái vải còn dai lắm, xé kêu xoàn xoạt. Chúng nó mặc hại quần áo
lắm. Cứ gọi là vừa mặc vừa xé áo. Bu Ninh tay vá, miệng chửi cho không
còn tai nào mà nghe...
Đật và Ninh chiếm mỗi đứa một bên cạnh
mẹ. Chúng nó nằm phục vị, đều chúi vào đít mẹ, Ninh kêu bên Ninh ấm, Đật
cãi bên Đật ấm, hai đứa cãi nhau chí chóe. Mẹ đùa con, bảo:
- Có im, không thì tao đánh cho một cái... tha hồ ấm.
Chị
em cười khành khạch rồi cãi nhau bô bô. Ninh mồm mép quá, Đật không nói
kịp. Đật òa khóc. Mẹ ngừng kim, cốc vào đầu con gái. Ninh rụt cổ lại,
ôm đầu cười hí hí. Mẹ Ninh bật cười. Ấy thế là Ninh sằng sặc cười thật
to, khiến Đật đang khóc cũng khanh khách cười... Chao ôi! những ngày mưa
rét hồi ấy vui quá nhỉ?
*
* *
Bu
chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh
cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!... Xưa kia, những
ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới
vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt
những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ
mẹ lại về với con? Ninh bâng khuâng cả người. Y như là nằm mợ ấy là Ninh
đã nguôi nguôi đấy. Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc.
Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ
họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào
không thế. Mỗi ngày hai, ba lần.
Bây giờ thì Ninh không khóc
nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm. Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía.
Có lúc Ninh làm gì mà cũng không biết nữa. Ninh vừa cất con dao hay cái
chổi, giá thầy Ninh có hỏi, Ninh đã lại chẳng biết đâu mà lấy. Thầy
Ninh cũng hiểu Ninh nhớ mẹ, nên không nỡ mắng. Thầy rân rấn nước mắt. Bố
nhìn con, con nhìn bố. Hai bố con cùng cúi đầu lẳng lặng. Bố thở dài và
con thở dài...
Mẹ Ninh chết sau ngày giỗ ông nội Ninh có hai
ngày. Ninh nhớ rõ thế, bởi vì ngày giỗ ông năm ấy, hai mẹ con đã khóc
lóc với nhau từ non trưa cho đến tối. Sáng dậy thầy Ninh hâm thuốc cho
bu Ninh uống rồi thầy quét nhà, quét sân, giặt quần áo cho bu. Rồi lại
còn phải lấy gạo thổi một niêu cơm để đấy cho Ninh nữa. Xong đâu đấy
thầy cõng Đật đi ăn giỗ. Ninh phải ở nhà coi mẹ. Thầy Ninh bảo: "Con
chịu khó ở nhà với bu kẻo bu buồn, thầy cho em đi một lát, lúc về thầy
lấy phần cho một nắm xôi, vài miếng thịt, tính con thịt mỡ chỉ ba miếng
là chán ứ. Đi, con cũng chả ăn được mấy, mà ở nhà thì thầy cũng đem về
cho con. Đằng nào con cũng được ăn, nhưng bu con ốm thế, để bu ở nhà một
mình thì thầy lo lắm". "Con ở nhà với bu...". Việc gì mà thầy phải nói
nhiều đến thế? Ninh có đòi đi đâu? Thịt mỡ thì Ninh không thích thật.
Nhưng dù có thích, Ninh cũng không đi cơ mà! Đi cũng khó mà nuốt được.
Ninh thương bu lắm. Ninh thích ở nhà với bu. Thầy Ninh còn phải cúng
ông, thì thầy Ninh phải đi. Thằng Đật còn bé, dở người, không cho nó đi
thì nó khóc. Chẳng lẽ Ninh to đầu rồi mà cũng bắt chước em? Có mà đồ hư?
Không, Ninh không đi đâu, thầy ạ. Ninh không muốn đi đâu, thầy ạ! Thầy
cứ cõng thằng Đật đi kẻo muộn. Ninh ở nhà thích lắm. Thầy đừng thương
Ninh...
Nhưng thấy Ninh cứ nhìn theo thầy cõng thằng Đật đi ra
ngõ, bu Ninh lại tưởng Ninh muốn đi ăn giỗ lắm, nhưng sợ bố mà không
dám đòi đi. Bu Ninh thương hại. Bu gọi Ninh vào mà bảo:
- Con muốn đi thì cứ đi cũng được. Hôm nay bu dễ chịu.
Ôi! Không!... không!... Ninh không muốn... Ninh lắc đầu hăng hái:
- Không! Con ở nhà.
- Sao thế?
- Chẳng sao cả, nhưng con không thích...
- Nhưng ngộ bà không thấy con, bà lại hỏi...
Hỏi
gì! Bà biết thừa là bu ốm nặng. Ninh phải ở nhà để bu sai vặt chứ!...
Ninh nghĩ thầm như vậy, nhưng không nói. Ninh chỉ hơi lắc đầu. Nhưng có
lẽ bu cũng hiểu. Bu nhìn Ninh âu yếu. Mắt bu ầng ậc nước. Bu chửi yêu
Ninh:
- Bố mày!
Rồi bu lại bảo Ninh:
- Không đi thì ngồi xuống đây... Bóp tay cho bu một lúc. Tay bu buồn lắm.
Ninh
nắm lấy cái bàn tay bu, chỉ còn rặt những xương, mà lạnh giá. Nó lỏng
la, lỏng lẻo. Những ngón trông rõ từng đốt, từng đốt một. Những đường
gân xanh nổi thày lày lên. Ninh bóp tay bu nhẹ nhẹ. Ý hẳn bu thích lắm.
Mắt bu lim dim và đôi môi nhợt nhạt của bu hé mở như chực cười. Rồi tay
bu nắm lấy tay Ninh chứ không phải Ninh bóp tay cho bu nữa. Bu vừa bóp
vừa hỏi:
- Sao lớp này con gầy thế?
Ninh không đáp được. Bu Ninh soi tay Ninh lên trước mặt nhìn rồi bảo:
- Chết thôi, con ạ! Tay mày đầy những mụn. Không khéo ghẻ...
Ninh cúi mặt. Bu căng từng kẽ tay Ninh ra xem, rồi kêu lên:
- Bỏ bố mày! Đích thị mày ghẻ rồi, con ơi! Yên, tao xem nào.
Bu ngồi hẳn lên. Mắt bu tỏ ra vẻ sợ hãi. Bu vén ống tay áo Ninh lên. Cổ tay Ninh sây sứt. Bu lắc đầu:
- Bố con! Con bẩn quá! Cái cổ tay gồ lên những ghét... Hèn nào mà chả ghẻ?
Bu bắt Ninh đi múc nước. Bu rửa cho Ninh lâu lắm. Vừa rửa bu vừa bảo:
-
Sẩy mẹ ra một cái là khổ ngay, con ạ. Ấy là mới rời tao ra hơn một
tháng... Chúng mày đã gầy giơ xương, mình mẩy, chân tay thì ghẻ gún. Ngộ
tao chết thì có lẽ chúng mày rã xương ra được. Này, cái cổ tay... có
khác gì cái cẳng gà hay không?
Ngừng một lát, bu lại thở dài mà bảo:
-
Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất! Đàn ông chả mấy người biết thương
con cái. Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá dọc đàng. Mẹ mà
chết đi thì... con ơi!...
Ấy thế là nước mắt bu chảy ra ròng
ròng. Ninh cũng khóc. Hai mẹ con cứ ngồi trông nhau mà khóc đến tận lúc
thầy Ninh với Đật đi ăn giỗ về. Thầy đem về một nắm xôi đỗ con với một
cái đùi gà toàn những thịt. Bà thương Ninh nên bảo chặt để lại cho Ninh
đấy. Nhưng Ninh thương bu quá, ăn cũng chả còn biết gì là ngon...
Ồ!
Ninh cứ bảo: bây giờ nghĩ đến bu, Ninh không khóc nữa... Không khóc mà
lại có nước mắt, nước mũi Ninh đang chảy ra đây này... Đật! Đật ơi! Ô
hay! cái thằng Đật chạy đi đâu rồi?
*
* *
Đàn
ông chả mấy người biết thương con cái... Thật thế ư? Không có lẽ. Thầy
Ninh thương chị em Ninh lắm chứ!... Hồi bu mới chết, thằng Đật khóc suốt
ngày. Nó gào bu. Nó đã hiểu là thế nào đâu. Nó cứ đòi gọi bu về với nó.
Thầy phải cõng nó ra chợ mua bánh. Thầy mua cho nó nhiều bánh lắm. Thầy
mua cả cho Ninh nữa. Thầy với Ninh bày cỗ chơi với Đật. Thầy làm cho
Đật những con quay bằng những quả bưởi con, những cái giường, những cái
ghế tràng kỷ bằng cây chót. Trông thích lắm. Nhờ vậy Đật mới không khóc
nữa.
Đêm, Đật và Ninh ngủ với thầy. Ninh nằm trong cùng. Đật
nằm giữa. Thầy nằm ngoài. Thầy bảo Đật luồn chân vào lòng thầy cho thầy
ủ. Khi nó đã ngủ mệt rồi, thầy vươn tay qua người nó để sờ Ninh. Thầy
kéo Ninh nằm sát vào với Đật. Thầy co chăn, co chiếu về phía Ninh thật
nhiều, sợ Ninh giãy, trật ra ngoài, bị rét. Mùa bức thì thầy đặt hai đứa
nằm cách nhau xa cho mát. Thầy ngồi quạt. Quạt cho đến tận lúc nào con
ngủ mệt, thầy mới chịu ngả lưng xuống giường. Nhưng nằm thì nằm, thầy có
ngủ đâu. Ninh thấy thầy quạt rất khuya. Có đêm, ngủ được một giấc dài,
tỉnh dậy, Ninh vẫn còn nghe phành phạch. Thầy thở dài luôn ấy. Có khi
sụt sịt. Thì ra đêm đêm thầy vẫn khóc. Thầy nhớ bu...
Ấy, cái
hồi bu mới chết thì thế đấy. Nhưng ít lâu nay, hình như thầy đổi tính.
Thầy vẫn thương Ninh và Đật. Thỉnh thoảng thầy vẫn cho mỗi đứa vài xu ăn
quà. Nhưng thầy vắng nhà luôn. Thầy phải gửi gạo bên nhà bác Vụ để thổi
cơm cho Ninh và Đật. Bởi thầy đi từ sáng cho đến tối. Có khi tối cũng
không về. Có khi đi luôn hai, ba ngày. Chị em Ninh phải ăn nhờ, ngủ nhờ
nhà bác Vụ. Đi đâu vậy? Nào ai biết! Bác Vụ bảo thầy đến nhà cô Miện,
thầy phải lòng cô ấy. Nhưng chắc là chả phải. Nếu phải, sao cô Miện lại
đi lấy lẽ ông ký Bản? Đám cưới vừa đi qua đây hôm nọ. Ninh cõng Đật ra
tận đường, đứng xem. Từ hôm ấy thầy lại càng khỏe đi. Đi suốt ngày suốt
đêm. Mưa rét thế này, chả biết thầy đi làm gì cho khổ? Chả biết có được
ăn gì hay không? Hay là nhịn đói luôn ba, bốn ngày...
*
* *
Lại
còn cái ông Đật nữa! Đi đâu mà mãi thế này? Ý dáng lại lẩn sang nhà bác
Vụ. Còn sang làm gì? Gạo của thầy gửi đã hết từ đời nào. Bác ấy phải
cho ăn lận nhà bác ấy năm, sáu bữa. Nhà bác ấy cũng túng. Chồng chết đi,
để lại đẫy bốn con. Bốn đứa cũng lúc nhúc như Ninh và Đật. Bác ấy nuôi
được chúng nó cũng đến điều vất vả. Còn lấy gì mà nuôi cả Ninh và Đật
nữa? Bác ấy đã phải bảo Ninh: "Cháu về mà đi tìm thầy, nhà bác cũng hết
gạo rồi, nếu thầy không đưa thêm cho bác thì bác lấy gì thổi cho chúng
mày? Các anh cũng đói...". Thế là Ninh đủ hiểu. Bác ấy muốn bảo: "Chúng
mày liệu sao thì liệu, đừng ăn rình nhà tao mãi!". Ninh đưa em về. Tìm
thầy, thì biết đâu mà tìm được? Ninh chẳng tìm. Không có ăn thì nhịn!
Ninh nhịn từ bữa chiều hôm qua. Đật khóc, Ninh đi moi được một củ dong
về nướng. Đật một nửa. Ninh một nửa. Ninh bảo Đật ăn cho đỡ đói thôi,
còn cố nhịn, đợi thầy về, ăn nữa. Nhưng Đật không nhịn được. Đật chạy
sang nhà bác Vụ. Bác ấy phải lấy trộm nắm cơm tối của thằng cu Chúc nhà
bác ấy, đưa cho Đật, Đật mới ăn được một miếng thì Chúc biết. Chúc chạy
vào nhà tìm nắm cơm của nó. Thấy mất, nó biết là nắm cơm của nó đương ở
trong tay Đật. Nó chạy theo, giằng lại. Đật mất ăn, mếu xệch mồm đi,
chạy về. Ninh đứng ở hè bên này, trông rõ cả. Ninh tức lắm. Chẳng biết
tức Chúc hay tức Đật. Chỉ biết Ninh nghẹn ngào cả cổ. Vừa thấy Đật, Ninh
nhảy xổ lại, tát đen đét vào má Đật. Đật òa lên khóc. Ninh òa khóc
theo.
Một lát sau, Ninh nghĩ thương em quá, Ninh lại đi tìm
dong, nhưng hết. Ninh moi luôn một củ ráy. Ráy nước, ăn ngứa lắm. Nhưng
đói còn biết gì là ngứa? Ninh đem về nướng. Ninh gọi Đật về, lau nước
mắt cho nó, rồi chị em ăn ráy nước. Đật ăn tợn lắm, chẳng thấy kêu ca gì
cả. Ninh rơi nước mắt. Ninh dặn em: "Từ giờ đừng ăn cơm nhà thằng Chúc
nữa". Đật gật đầu. Thế mà hôm nay nó lại lần sang nhà bác Vụ. Có bực
mình hay không?
*
* *
Ninh reo lên:
- A bà! Đấy là bà ngoại Ninh. Bà ở xa xôi lắm. Hôm nay, tiện ra mạn này lấy thuốc, bà tạt vào chơi với cháu.
Bà đưa cho cháu một đùm xôi lạc.
- Bố mày đi đâu?
- Con không biết.
- Đi từ bao giờ mà mày không biết?
- Đi lâu lâu là rồi.
Bà ngồi xuống ngưỡng cửa, mặt hầm hầm như giận dữ. Ninh hơi ngượng. Bà chíp chíp mồm luôn ba, bốn cái rồi bảo cháu:
- Có phải bố mày bán nhà rồi không?
- Con không biết.
- Bán rồi! Thua xóc đĩa... Thua đâu những ngót ba trăm bạc...
Đật chạy về. Nó vồ lấy bà, nhưng trông thấy đùm xôi ở tay Ninh, lại bỏ bà ra để vồ lấy đùm xôi. Ninh hất tay nó ra, mắng:
- Làm gì thế?
Nhưng bà bảo:
- Cởi ra, chị em ăn với nhau. Để làm gì?
Đật
giằng lấy đưa cho bà cởi. Bà chia cho mỗi đứa một nửa. Hai cháu ăn. Đật
ngồm ngoàm. Ninh thong thả. Bà nhìn cháu mà ái ngại. Bà chép miệng:
- Đến chết đói thôi, các cháu ạ! Bố chúng mày không ra giống người...
Một tiếng thở dài tiếp theo...
*
* *
... Buổi sáng hôm ấy trời ấm áp. Có nắng hanh. Nắng luôn mấy hôm rồi, nên vườn khô ráo... Đật và Ninh đã chạy tung tăng được...
Bỗng
một bọn năm, sáu người, kẻ cầm lạt, kẻ cầm dùi đục, tuốn vào đầy sân.
Mồm họ nhai trầu. Họ nói chuyện toang toang như một bọn đồ tể đi bắt
lợn. Mấy người trèo lên nóc nhà nhà Ninh. Họ dỡ tranh quẳng xuống sân
rào rào. Ninh chạy về...
- Ô hay! Sao các ông phá nhà tôi?
Một người chít khăn mỏ rìu, nhe những cái răng cải mả ra cười mà bảo:
- A! Thầy mày thuê chúng tao phá đi để làm nhà tây đấy mà.
Một người nữa cười ìn ịt như con lợn, bảo:
- Chả cái này bé quá!... Và người nữa:
- Thầy mày thích làm nhà tây kia... Làm nhà bên Tây - Trúc ấy mà, mày biết không?
Cả
bọn cười ầm lên. Trông người nào cũng dữ. Họ nói như quát vậy. Ninh sợ
hãị Ninh chạy bình bịch sang nhà bác Vụ. Ninh định cầu cứu bác. Vừa bước
vào nhà bác. Ninh sửng sốt. Thầy Ninh ở đấy. Thầy Ninh nằm thườn thượt
trên một cái giường, hai tay chít lại bên dưới gáy. Ninh mếu máo:
- Thầy ơi! Thầy…
Rồi Ninh nghẹn ngào, không nói được nữa. Nước mắt ứa ra. Thầy Ninh ngồi dậy, bảo:
- Việc gì mà khóc? Thầy bán cho người ta đấy. Bán lấy tiền mua vài phiến lim về xẻ. Chuyến sau, ta làm một cái nhà toàn lim!
Thầy
nhếch mép ra cười. Cái cười vạch hai nét nhăn trên đôi má hõm. Thầy
cười thế, trông già sọm. Có lý nào thầy chóng già đi quá thế? Ninh trố
mắt lên nhìn thầy...
Bỗng từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi
đục kêu chan chát. Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã được nghe những tiếng dùi
đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết: người ta đóng cả chiếc săng
của mẹ... Vết nhăn trên má thầy Ninh sâu thêm, rộng thêm ra. Trông như
thầy Ninh mếu. Ninh òa lên khóc...
- Bu ơi là bu ơi!...
No comments:
Post a Comment