Có thật Bắc Kinh “không bận tâm” khi tàu sân bay Mỹ ghé thăm Đà Nẵng?
Chuyến
ghé thăm và giao lưu tại cảng Đà Nẵng giữa thuỷ thủ và nhân viên trên
tàu sân bay USS Theodore Roosevelt với phía Việt Nam hồi đầu tháng 3 như
là một minh chứng cho bước phát triển của quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ.
Bỏ qua
những khác biệt về chính thể cũng như ý thức hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ có
thể được coi là “các đồng minh tự nhiên”, khi tìm thấy quan điểm chung
về việc duy trì hoà bình và an ninh trên khu vực biển Đông, đồng thời
cùng đối mặt trước một nhân tố gây bất ổn tại khu vực biển này, đó chính
là Trung Quốc.
Cũng chính
vì mối đe doạ qua các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông,
đặc biệt giai đoạn từ 2007 tới nay, quan hệ Việt - Mỹ đã có bước phát
triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cản trở từ Trung Quốc,
quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn chưa đạt đến những bước đi như mong đợi.
Nhận xét về
chuyến viếng thăm này của tàu USS Theodore Roosevelt, có nhiều ý kiến
khác nhau. Có nhà nghiên cứu người Nga cho rằng “Bắc Kinh không bận tâm”
vì điều này quá bình thường.
Vậy quả thực Bắc Kinh thực sự không bận tâm trước vì điều này theo Trung Quốc xảy ra là bình thường?
Tờ Global
Times, một ấn phẩm phụ bản của Nhân dân Nhật báo, chuyên thể hiện quan
điểm “diều hâu”, có bài viết của chuyên gia Cheng Hanping từ Đại học Nam
Kinh viết về vấn đề này: “Mỹ và Việt Nam có hệ tư tưởng cực kỳ khác
nhau và giữa họ tồn tại nhiều tranh cãi về nhân quyền, dân chủ và tự do
ngôn luận. Điều này không thể đột ngột thay đổi vì tìm thấy một mục tiêu
chiến lược chung. Quan hệ đối tác Mỹ-Việt sẽ không giống như quan hệ
đối tác mà Mỹ có với Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Philippines. Và
có lẽ sẽ không bao giờ được như vậy”. Trong một ấn phẩm khác của Global
Times, Li Haidong thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc viết: “Chuyến thăm
của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam sẽ khó có thể thay đổi chính sách hợp
tác của Việt Nam với Trung Quốc. Với sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị,
hợp tác kinh tế và hội nhập khu vực, một bên thứ ba sẽ khó có thể tác
động đến mối quan hệ ổn định chung giữa Bắc Kinh và Hà Nội”.
Trung Quốc
đã chính thức xác nhận những bình luận của chuyên gia Li Haidong trên
trang China Military Online: “Tăng cường kết nối quân sự Mỹ-Việt là một
hiện tượng bình thường, nhưng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn, thể hiện
trong chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, sẽ không thay đổi
chính sách hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc”.
Như vậy,
quan điểm của Trung Quốc được thể hiện là việc tàu sân bay thăm Việt Nam
không phải là điều đáng ngại? Sự đáng ngại (nếu có) là việc thay đổi
quan hệ Việt - Trung, mà điều đó khó có thể xảy ra vì nhiều lý do.
Thêm nữa, trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Mark Valencia viết rằng “Liên minh chiến lược Mỹ - Việt khó mà tồn tại lâu”.
Mark Valencia là một trường hợp khá đặc biệt vì ông ta là một nhà nghiên cứu tên tuổi của người Mỹ.
Người ta
biết nhiều đến Mark Valencia khi ông ta là đồng tác giả trong cuốn sách
rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu biển Đông: “Chia sẻ tài nguyên biển
Đông” (Sharing the Resources of the South China Sea). Mark
Valencia cũng được mời tham dự rất nhiều lần các Hội thảo biển Đông do
Học Viện Ngoại Giao tổ chức ở Việt Nam. Có một lần trong bữa tiệc chia
tay ở Hội thảo như vậy, người ta nghe thấy Mark Valencia phàn nàn việc
ông ta xin một số tiền để phục vụ việc nghiên cứu một đề tài nào đó,
nhưng không được phía Mỹ chấp thuận. Và cơ hội đã đến với ông ta, Viện
Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc với Viện trưởng, cũng là một quan chức
Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn (Wu Sicun) đã cung cấp một học bổng nghiên cứu
hậu hĩnh cho Mark Valencia. Và từ đó, quan điểm của Mark Valencia luôn
đả kích Mỹ và ủng hộ Trung Quốc.
Trong bài
viết của Mark Valencia thể hiện rõ một số điểm nguỵ biện. Một trong
những điểm nguỵ biện đó là việc khẳng định quan hệ Mỹ - Việt là liên
minh chiến lược. Việt Nam đã nhiều lần thể hiện một cách chính thức về
chính sách “Ba không”, mà mới nhất là trong Sách trắng quốc phòng được
xuất bản vào hồi tháng 11 năm 2019. Theo đó, Việt Nam không tham gia
liên minh quân sự nào, không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài tại
Việt Nam và không đi với nước này để chống nước kia. Có lẽ đối với người
quan tâm, chính sách “Ba không” này dường như là “lời nhắn gửi” từ Việt
Nam đối với Trung Quốc.
Trung Quốc
từ lâu không giấu diếm tham vọng chiếm hữu gần như toàn bộ biển Đông.
Cho dù họ không thể đưa ra các bằng chứng cũng như các cơ sở pháp lý cho
việc chiếm hữu ấy.
Có thể nói,
duy nhất chỉ có Hoa Kỳ là có đủ sức để ngăn chặn sự bành trướng trên
biển của Trung Quốc. Và cũng chính vì vậy, Trung Quốc luôn muốn “gạt”
Hoa Kỳ ra ngoài khu vực biển Đông, với lý do “vấn đề biển Đông thì để
cho các quốc gia khu vực biển Đông tự giải quyết”.
Việt Nam
cũng là “cái gai” trong con mắt của Trung Quốc khi nhìn về biển Đông.
Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm luôn chống lại tham vọng lãnh thổ
cường quyền của Trung Quốc, và nay, Việt Nam luôn chống lại tham vọng
độc chiếm biển Đông từ Trung Quốc.
Chính vì vậy, việc quan hệ Việt - Mỹ phát triển, Trung Quốc không thể không “khó chịu”.
Trong thực
tế, Trung Quốc luôn muốn thực hiện chính sách “Phần Lan hoá” đối với
Việt Nam. Nghĩa là giống như Phần Lan trước kia bị Liên Xô khống chế về
chính sách đối ngoại. Trung Quốc muốn rằng, các vấn đề trong nước sẽ để
Việt Nam tự quyết định, nhưng về đối ngoại, phải được sự chuẩn thuận từ
Bắc Kinh.
Chúng ta
đều biết, mỗi khi một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Mỹ, thì
luôn luôn trước đó, hoặc là chính lãnh đạo đó hoặc một lãnh đạo cao cấp
khác được phái sang để “trao đổi” với Bắc Kinh.
Và chính vì
vậy, trước các tín hiệu cho thấy sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ không
thể là thứ mà Bắc Kinh không quan tâm. Mà sự thực, Trung Quốc đang rất
chú ý đến vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao độ Mỹ -
Trung. Trung Quốc vẫn luôn coi Việt Nam như một “chư hầu” nằm trong vùng
ảnh hưởng truyền thống của mình. Có chăng, Bắc Kinh đang dùng truyền
thông, thông qua các luận điệu này, đánh đòn tâm lý để cảnh báo Việt Nam
không nên đi quá xa, vượt ngoài sự cho phép của “thiên triều”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ý kiến
(8)
No comments:
Post a Comment