(TBKTSG Xuân) - Dân gian có câu “Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh
nợ, gác cu, cầm chầu”. Làm mai, lãnh nợ thì hiện nay nhiều người còn
biết, cầm chầu thì ít người biết hơn và đặc biệt là gác cu thì không còn
mấy người biết, thậm chí trong các tài liệu ghi chép lại ý này cũng
chưa được diễn giải chính xác.
Hồi trước, ĐBSCL đất rộng người thưa, kinh tế chưa phát triển, nên việc
giao lưu gặp gỡ giữa các cộng đồng làng xóm rất hạn chế. Do đó, trai
gái khi lớn lên cũng ít có cơ hội làm quen, thế là xuất hiện người làm
mai mối. Người làm mai là người biết rõ gia đình cả hai phía đàng trai
và đàng gái. Không những thế, người làm mai còn “thấy” được những điểm
ưu việt của người con trai và con gái và tin tưởng là họ sẽ rất phù hợp
nhau. Nhưng ở đời ai chẳng biết chuyện gia đình cũng có lúc “cơm không
lành, canh không ngọt” nhưng người ta vẫn cứ lôi người làm mai ra mà
trách móc là “tại sao lại giới thiệu cho tôi người như thế”.
Cũng tương tự như chuyện làm mai, người lãnh nợ là người quen biết cả
hai phía người vay và người cho vay. Và nếu người vay chuồn mất biệt thì
xem như người lãnh nợ phải nai lưng ra mà trả nợ thay, vậy mới gọi là
ngu!
Chuyện cầm chầu thì cần phải phân biệt là chầu lễ hay chầu thường. Chầu
lễ là do các vị chức sắc trong làng, dùng tiếng trống để ra lệnh cho
các nhóm khác nhau thực hiện nghi thức lễ lộc. Người cầm chầu lễ phải
học tập rất công phu và là người có uy tín nhất trong làng xã nên không
thể gọi là ngu được! Trái lại dân cầm chầu thường lại là dân tay ngang,
chẳng học hành bài bản gì ráo, khi có đoàn hát về làng xóm biểu diễn thì
người ta dùng tiếng trống để làm cho không khí xôm tụ. Ví như khi đào
kép hát một đoạn hay, diễn một động tác khó, hay có đoạn đối đáp ví von
thì người cầm chầu đánh một hồi trống theo kiểu thay cho câu mà các diễn
viên thời nay hay nói là “xin quí vị cho tràng pháo tay đi ạ!”. Để rồi
sau buổi diễn người cầm chầu thế nào cũng nhận những câu phê phán của
khán giả như “hát dở ẹc mà cũng đánh trống liên tục”, hay của phía đào
kép quở trách “hát mùi mẫn như vậy mà không biết đánh trống cho ra hồn”,
tức là đằng nào thì cũng bị mắng, như vậy sao mà không mang tiếng ngu
cho được!
Riêng chuyện gác cu mà bị gọi là ngu thì khá phức tạp. Để hiểu cặn kẽ
chuyện này, chúng ta có thể hình dung là ĐBSCL có ba vùng sinh thái nước
ngọt rất đặc thù là vùng ngập sâu, vùng ngập trung bình và vùng không
ngập. Dĩ nhiên là trên mỗi vùng này, người dân đã biết chọn lựa các
giống lúa và kỹ thuật canh tác phù hợp. Vùng ngập sâu thì có giống lúa
mùa nổi và kỹ thuật sạ khô, tức là lúa giống được gieo lúc đất còn khô,
để khi có mưa thì hạt lúa nảy mầm, rễ ăn sâu vào trong đất, rồi khi nước
đổ về thì cứ nước dâng tới đâu thì cây lúa ngoi lên tới đó, đến khi
nước rút đi thì cây lúa dài đến ba bốn mét nằm rạp trên mặt đất và mỗi
mắt lên một hai chồi mới để rồi sau đó các chồi này ra hoa kết hạt. Vùng
không ngập thì sử dụng các giống lúa mùa thông thường, gieo mạ rồi nhổ
cấy ra ruộng, hiện nay nhiều vùng còn áp dụng kỹ thuật này cho những
giống lúa ngắn ngày. Riêng vùng ngập trung bình thì người dân cũng sử
dụng các giống lúa mùa thông thường, nhưng thuộc nhóm cao giàn hơn, đặc
biệt là họ sử dụng kỹ thuật cấy hai lần. Đầu tiên mạ được “tỉa” trên
cạn, rồi nhổ cấy xuống nước lần thứ nhất gọi là cấy giăm, sau đó mới
bứng lên (bứng lúa cây) và đem cấy ra ruộng lần thứ hai. Mục đích chính
của việc cấy hai lần là làm cho cây mạ (mạ lúa cây) cao giàn và cứng cáp
hơn nhằm thích nghi với lớp nước trên ruộng lúc này đã sâu gần cả mét.
Kỹ thuật cấy hai lần đã biến mất từ rất lâu trên toàn bộ vùng ĐBSCL.
Từ chuyện cấy hai lần này nên phải “tỉa” mạ trên đất liếp. Liếp được
chọn phải bằng phẳng, cao ráo, đất tơi xốp; hạt lúa được ngâm ủ cho nhú
mầm, rồi dùng chày tỉa tạo ra các hố sâu khoảng hai lóng tay, gieo một
lớp mỏng hạt lúa vào và ngụy trang bên trên bằng một lớp trấu, lớp trấu
này vừa để giữ ẩm cho hạt lúa nảy mầm vừa để đánh lừa lũ chim chuột. Mặc
dù vậy, chuyện ngụy trang này chỉ có thể đánh lừa lũ chim se sẻ, chim
dòng dọc mà không thể qua mặt được lũ chim cu. Chúng thường đáp từng
đàn, đông hàng trăm con và chỉ lựa các hạt lúa giống mà không làm xáo
trộn lớp trấu ngụy trang bên trên. Vì vậy, khi nhìn thì không phát hiện
nhưng đến khi lúa mọc lên thành mạ chỉ thấy còn lưa thưa thì xem như mọi
việc đã an bài!
Cũng vì chuyện lũ chim cu tinh quái ấy mà khi làm đất để tỉa mạ thì hai
ba nhà ở cạnh nhau cùng làm một chỗ để dễ bề canh gác. Tất nhiên là nhà
nào có thanh niên trai tráng thì phải xung phong trong chuyện gác cu.
Để rồi nếu liếp mạ nhà mình mà lên đều hơn liếp mạ nhà hàng xóm thì sẽ
lãnh câu “nhận gác cu mà chỉ biết lo cho liếp mạ nhà mình”, còn nếu mạ
nhà mình lên kém hơn mạ nhà hàng xóm thì là “thứ khôn nhà dại chợ, liếp
mạ nhà mình mà không lo, chỉ biết lo cho nhà hàng xóm”, đằng nào cũng bị
chửi, chưa kể nếu liếp mạ nhà hàng xóm lên quá tệ thì phải chia mạ nhà
mình cho họ, quả là ngu thật!
Như vậy trong cả bốn cái ngu nêu trên, tất cả đều có cùng một điểm
chung là “tự nguyện” và “gánh lấy hậu quả” dù không phải chính mình gây
ra lỗi lầm! Ấy vậy mà vẫn có người nhiệt tình làm mai làm mối, sẵn sàng
đứng ra lãnh nợ, hao công tổn sức thức ngày thức đêm để gác cu, và nhận
lời quở mắng của mọi người khi cầm chầu đánh trống. Những chuyện như vậy
không phải chỉ xảy ra một lần mà là nhiều lần, thậm chí là thế hệ này
qua thế hệ khác!
Liệu trong số những người làm những việc để rồi phải mang tiếng ngu ấy
có chút suy nghĩ đắn đo gì trước khi thực hiện những việc ấy không? Và
cái tiếng ngu ấy có ảnh hưởng gì đến danh dự và cuộc sống hàng ngày của
họ không?
Thật ra những người được mọi người cậy nhờ làm mai mối hay lãnh nợ đều
là những người rất có đạo đức và uy tín trong cộng đồng; việc vợ chồng
cãi nhau cùng đổ lỗi cho người làm mai mối là cứu cánh để cho họ còn có
dịp làm lành với nhau, bởi vì “lỗi không phải tại anh, cũng không phải
tại em, tại người làm mai mối, nên chúng mình cãi nhau!”, hay “thằng Ba
nó gấp đi làm ăn xa nên nó nhờ tau trả nợ cho bây!” để giữ gìn nguyên
vẹn tình cảm của người cho vay và người đi vay.
Thanh niên trai tráng mà xung phong gác cu hay cầm chầu cũng đều là
những người lanh lợi, được cả cộng đồng tin tưởng và yêu mến. Nên mặc dù
họ bị quở trách chuyện mạ trúng mạ thất, đánh trống chầu xôm tụ hay
không, thì đều được mọi người tha thứ và thông cảm, chẳng ai nỡ để bụng
hay oán trách bao giờ!
Hóa ra những chuyện ngu đó không ám chỉ ý nghĩa là ngu dốt, mà nó ẩn
chứa một tinh thần hào hiệp, theo kiểu “mình vì mọi người”. Làm mai là
để giúp người tìm được hạnh phúc, lãnh nợ là cách tương trợ vốn liếng
làm ăn, gác cu là chia sẻ khó khăn trong sản xuất và cầm chầu là góp vui
trong những dịp hội hè. Vì những lẽ đó mà dù biết là ngu nhưng không ai
ngại dấn thân, nó là chất keo kết dính giữa các cá nhân trong cộng đồng
làng xóm, là một phần văn hóa của những người dấn thân đi mở mang bờ
cõi. Ngày nay, cái văn hóa thâm thúy đó đang bị mai một, mai một như
chính mình chưa hiểu hết cặn kẽ cả bốn cái ngu! LỜI BÌNH CỦA SƠN TRUNG Ông này không hiểu gác cu là gì.Người gác cu có một cái chuồng chim cu, bên trong có con chim thường là chim trống vì gáy hay, phiá ngoài là thóc đậu, cóng nươc và cái bẫy.Người này ngồi trong bụi cây chờ chim cu nghe tiếng gáy của con chim trống trong lồng nhảy tới để ăn uống rồi sập bẩy. Người ta chê dại vì phải ngồi im trong lùm cây mà có khi chẳng được gì cả. Muốn con chim cu của mình gáy , chủ nhân phải cho cu đi học gáy.Mấy tay chơi chim cu thường mỗi sáng phải cho chim cu đến một quán cà phê, nơi đây có sẵn những tay chơi chim cu. Họ treo lồng chim lên cây rồi con nọ bắt chươc con kia mà gáy! Sơn Trung 12VIII 2020
BỐN CÁI NGU Các cụ dạy: Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu
Bốn cái ngu xếp hàng ngang nên chả biết được cái ngu nào ngu hơn cái
ngu nào, gạch ra thế kia là theo chiều tăng hay chiều giảm của độ ngu. 1. Làm mai
Cái ngu đầu tiên – làm mai, nghĩa là làm ông mai bà mối, mà ở đây là
làm mai mối nghiệp dư, toàn người thân quen với nhau, chứ không phải
dịch vụ mai mối ăn tiền. Người ta nên duyên chồng vợ thì không sao, thậm
chí hầu như chẳng ai biết ơn người làm mai; ngược lại lỡ mà không nên
chuyện, người làm mai cũng khó ăn nói với đôi bên, gặp nhau sẽ có đôi
chút sượng sùng, thậm chí còn phải chịu tội, bị nguyền rủa. Nên duyên
chồng vợ xong cũng chưa hẳn là xong. Đến chồng bát chồng đĩa còn có lúc
chạm nhau nữa là chồng vợ. Những lúc đó, người ta có khi lại nghĩ đến
mình mà mắng thầm cũng nên. Đã lỡ đi làm mai cho người khác là dại rồi. 2. Lãnh nợ
Là việc cả nể ai đó mà trả nợ dùm hoặc vay tiền cho họ trả nợ cũng như
cho mượn tiền để họ làm một việc khác khi chưa hiểu về nhau, hiện nay
ngoài đời thường sau khi trả nợ dùm họ sẽ cãi bỏ hoặc lỳ ra không thèm
trả nợ mình thậm chí còn tránh mặt và hoặc đối xử với ta một cách phũ
phàng, trong khi đó ta bị vướng nợ, đôi khi bị hạ cả uy tín vì bảo lãnh
cho họ. Tự dưng đang yên đang lành lại đứng ra bảo lãnh cho người ta vay
nợ nhau, người đòi nợ đòi mãi không được cũng phiền, mà người nợ bị đòi
riết cũng phiền. Tự nhiên vì mấy đồng vặt mà anh em bạn bè nhìn nhau
bằng đôi mắt khác, không còn tự nhiên như trước được nữa. Đôi khi lãnh
dùm số tiền nợ của người khác, đứng tên dùm cho một người đi vay ngân
hàng chẳng hạn, đến khi người ta không trả thì mình lãnh đủ. Với câu nói
này hàm ý muốn nói đừng bao giờ nên dại dột vì cả nể mà tự dưng lãnh nợ
cho người khác, nghĩa “lãnh nợ” này được hiểu về tất cả các mặt cả về
tiền bạc hay 1 vấn đề nào đó kể cả lấy uy tín của mình để đứng ra bảo
lãnh cho họ hoặc hy sinh danh dự, chính trị để làm một việc giúp họ
trong hoàn cảnh bê bối nhưng thường là không được sự mang ơn đáp lại,
đại loại như là "không ăn ốc mà phải đi đổ vỏ". Vì thực ra thời buổi nào
cũng vậy thôi, những người biết mang hoặc trả ơn thì rất ít mà người
trả oán và quên ơn lại rất nhiều. Do đó ý muốn nói ai có nợ phải tự trả,
đừng có dại mà lãnh nợ dùm, do vậy việc “lãnh nợ” được các cụ xếp vào
“cái ngu” thứ hai. 3. Gác cu Một cái ngu khác là đi bẫy
cu, người xưa đi bẫy chim cu gọi là gác cu, phải nấp một chỗ mà gác. Họ
phải làm dùng 1 con cu trống để dụ chim cu đến rồi giật bẫy để bắt.
Trước khi đi bẫy chim cu, người “gác cu” phải tốn khá nhiều công, nhiều
của và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng được 1 con chim mồi của
mình để làm mồi bẫy con chim khác. Đại loại như: Xem tướng chim cho kỹ,
nhất là hàng cườm trên cổ để bảo đảm có tiếng gáy dài. Lúa phải xát cho
sạch mày để khỏi làm hư họng chim tạo không tốt cho tiếng gáy, đồ đựng
nước phải đảm bảo thật vệ sinh, trông chừng không cho chim dẫm vào phân
của chính nó, nếu dẫm phải thì sẽ bị liệt giò và thường xuyên phải “tập
gù” với chim để luyện giọng và giữ nhịp tiếng gáy thật tốt có như vậy
mới quyến rũ được các con chim khác sa bẫy.v.v. tất cả các bước như vậy
là quá trình rất vất vả của người “gác cu”. Nhưng điều khó khăn nhất
là khi bẫy cu. Con chim rừng thấy con chim mồi là kẻ xâm phạm lãnh thổ,
sẽ bay lại hót thị uy. Con chim mồi đáp lễ, con chim rừng lại hót, hai
con cứ hót qua hót lại như vậy cho đến khi con chim rừng đáp xuống tấn
công, bẫy sập. Bẫy cu mà không tinh, không khéo, thì sau khi phải tốn
công nuôi chim mồi, rồi ngồi bất động để dụ chim, mặc cho muỗi đốt, kiến
cắn, nếu không dụ được con cu đẹp, có giọng, mất công nấp kín một chỗ
cả buổi mà không nên chuyện. Lại có khi con cu rừng và con cu mồi vờn
nhau, kỳ phùng địch thủ, hót cả ngày, người gác cu nghe mê mệt đến nỗi
mất cảnh giác, bị cọp vồ. Cụ Sơn Nam cũng từng kể câu chuyện ông già gác
cu suýt bị cọp vồ là vậy. 4. Cầm chầu Giờ nói đến cái ngu
thứ tư trong bài viết này: cầm chầu. Không hiểu sao nó được xếp cuối
cùng, vì đó là cái ngu lớn nhất hay vì là cái ít ngu nhất? Để
hiểu được vì sao cầm chầu lại được xếp trên bảng vàng bốn cái ngu, trước
hết phải biết cầm chầu là gì, người cầm chầu là ai. Cầm chầu là một thú
chơi tao nhã của bậc tao nhân mặc khách; người cầm chầu còn được gọi là
quan viên. Việc cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù hoặc
hát ả đào, khi người thính giả được tham gia một cách trực tiếp vào canh
hát. Ba nhạc cụ chính của ca trù là đàn đáy, cỗ phách, và trống chầu,
thì người cầm chầu xưa thường không phải là thành viên trong đoàn hát
hay một nhạc công chuyên nghiệp, mà là người nghe có hiểu biết về văn
học, về các làn điệu ca trù qua tiếng đàn tiếng hát, khổ phách. Việc này
thuở xưa khi làng nào có đám lại gọi phường hát đến diễn mua vui, nếu
hay thì thưởng tiền. Những khi làng có hội, mở canh hát ở cửa đình, các
quan viên, thường là chức sắc trong làng sẽ cầm chầu. Anh ta tham gia
canh hát với tư cách thính giả, một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để
chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen – chê ca nương, kép
đàn. Họ được trả công tuỳ theo tài hát của gánh hát, nhưng người đánh
trống phải là người của làng được chọn ra và có vai trò quan trọng phải
dùng tiếng trống chầu để điều hành và cổ vũ phường hát. Người
thính giả đặc biệt này sử dụng trống để khen, chê đào, kép, cũng như
đánh dấu chấm câu sau mỗi câu hát. Nếu người đánh trống đánh “cắc” có
nghĩa là chê phường hát dở, còn nếu đánh nhiều nhịp “tùng” là ý khen
phường hát tốt. Mỗi tiếng vào tang trống là một lần tấm thẻ tre được
quẳng vào thau đồng. Cuối canh hát, người ta cứ dựa vào số thẻ tre trong
thau đồng mà tính ra số tiền phải thưởng cho đào nương, kép đàn. Chữ
Hán “trù” là “thẻ”, đó cũng là một trong những lý do tạo nên cái tên “Ca
Trù”. Vấn đề là người lãnh trách nhiệm quan viên phải biết cách
nghe, đã khen thì khen thẳng cánh, khen đúng thì không ai nhớ, nhưng
khen nhiều, lúc thưởng tiền cho ca nương kép đàn lại lên cơn tiếc. Người
cầm chầu cũng phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc, chấm câu sao cho
nhã, không đánh tống khẩu, đánh trống như đấm vào mồm ca nương. Giữa bàn
dân thiên hạ mà đánh trượt, mải ngắm đào hát mà quên chấm câu, khen chê
bừa bãi thì ê mặt lắm, xung quanh bao nhiêu kẻ cầm chầu đến mòn cả
trống đều biết. Bỗng dưng mình hóa ra kẻ chơi trèo, văn hóa lùn mà thích
phô trương. Ngay đến cả canh hát ở nhà riêng, chỉ có mình, một đôi
người bạn thân, với cô đầu mà cầm chầu không đúng cũng ê mặt như thường.
Ê mặt với bạn một, mà ê mặt với cô đầu mười. Cô đầu sẽ coi gã này như
kẻ trọc phú giàu xổi, ăn chơi nửa mùa đua đòi ra tao nhân mặc khách cho
hợp mốt mà thôi. Hơn nữa, nếu người cầm chầu khen nhiều quá thì
làng phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu làng chi ít tiền thì
người cầm chầu phải bỏ tiền túi mình ra mà chi cho phường hát. Nếu
người cầm chầu khen ít thì lại bị phường hát chê trách và cho là keo
kiệt làm tổn hại đến danh dự của phường hát và như vậy họ sẽ không được
hội làng và người thưởng thức cho tiền, lúc đó phường hát bội có thể
thông qua vai diễn để châm biếm đả kích nguyền rủa người đánh trống. Vì
vậy mà người đánh trống khó mà làm vừa lòng cả 2 được. Qua hình
ảnh người đánh trống chầu để nói lên cái vô lợi của người “làm dâu trăm
họ” để chẳng mang lại cái gì cho bản thân, phường hát hay thì được
thưởng tiền còn kẻ đánh trống chẳng được gì mà còn bị thiệt đi hoặc
thiên hạ chê cười. Do vậy ở đời này nhiều cái quả thật là bất công, vô
ơn và khó nói, nhất là những ai cứ bỏ công bỏ sức để giúp kẻ khác nhưng
không được mang ơn, nên ở đời việc gì cần tránh thì nên tránh, vì vậy
các cụ coi việc “cầm chầu” là cái ngu thứ tư. Trong số 4 cái ngu
được các cụ liệt kê, 2 cái ngu trước là mang tính xã hội, hai cái ngu
sau đầy chất cá nhân. Quan trọng là biết ngu, nhưng người ta vẫn cứ lao
vào, lao mạnh. Thế mới là con người.
(https://www.facebook.com/VietnameseCultureVanHoaVietNam/posts/918739834862817:0)
|
No comments:
Post a Comment