Nhạc cụ cổ truyền VN – Song Loan/Song Lang
Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nhạc cụ “TỔ” (Song Loan/Song Lang) của người Việt/Kinh.
Song Loan, hay Song Lang, là một loại nhạc cụ họ tự thân vang chi gõ đặc trưng của người Việt/Kinh.
Là một loại mõ nhỏ bằng gỗ cứng hình tròn dẹt, Song Loan/Song Lang có hình dáng bé nhỏ nhất so với các nhạc cụ khác, một mảnh gỗ tròn chưa bằng miệng chén, đường kính 7 cm, cao 4 cm, được xẻ miệng sâu vào thân khoảng 1/3 để thoát âm. Có một cần gõ bằng sừng trâu uốn mỏng hoặc lá thép có độ đàn hồi cao, trên đầu cần có gắn miếng gỗ nhỏ để gõ xuống thân của nó, tạo ra âm thanh đều đặn “Cốp ! Cốp !”.
Song Loan/Song Lang vốn dùng để giữ nhịp không để độc tấu. Từ khi nhạc tài tử xuất hiện, thì Song Loan/Song Lang có vị trí cơ bản trong Dàn nhạc tài tử và cải lương. Tuy là nhạc cụ quan trọng, nhưng về nhân sự trực tiếp thì không cố định. Có nghĩa là, mỗi nhạc cụ trong dàn nhạc là do một nhạc công đảm trách, còn Song Loan/Song Lang thì không; bất cứ nhạc công nào cũng có thể sử dụng nó, nhưng phải là người có năng lực chỉ huy dàn nhạc, tức là nhạc trưởng.
Âm thanh Song Loan/Song Lang có tần số cực lớn với một âm vực rộng vang rất xa, không cần qua hệ thống khuếch đại mà khán thính giả có thể nghe rõ hơn các nhạc cụ khác trong Dàn nhạc tài tử – cải lương. Tần số của nó được một chuyên gia vật lý đánh giá có cao độ khoảng trên 3.000 MHz.
Khi sử dụng Song Loan/Song Lang người ta dùng tay hoặc chân đập vào dùi gõ, dùi gõ đập vào Song Loan/Song Lang tạo ra âm thanh… Song Loan/Song Lang được sử dụng để cầm nhịp trong Nhạc tài tử Nam Bộ, trong Dàn nhạc sân khấu Cải lương và trong Ca Huế.
Song Loan/Song Lang giữ vai chính trong Dàn nhạc tài tử và cải lương, nhiệm vụ của nó là giữ trường canh cho các nhạc cụ khác theo đó mà giữ tiết tấu nhịp điệu của mình trong lúc hòa tấu. Trước năm 1975 nhạc công nắm giữ Song Loan/Song Lang đều là thầy đàn sử dụng đàn Nguyệt. Kể từ sau năm 1975 chúng ta thường thấy nhạc công chính (nhạc trưởng) sử dụng guitar phím lõm là nhạc công giữ Song Loan/Song Lang. Dù vậy, có một số nơi Song Loan/Song Lang vẫn được giữ bởi nhạc công sử dụng đàn Nguyệt. Tất cả nhạc công trong dàn nhạc đều phải nghe theo tín hiệu Song Loan/Song Lang của người nhạc trưởng để giữ trường canh tiết tấu cùng với báo hiệu trước khi kết thúc một giai điệu trong một chương trình diễn tấu.
Trên thế giới cũng có loại nhạc cụ tương tự như Song Loan/Song Lang là Castanets của dân tộc Tây Ban Nha.
Dưới đây mình có các bài:
– Vì sao gọi Song Loan là “TỔ” ?
– Đờn ca tài tử – vẻ đẹp và sức sống trong cộng đồng
Cùng với 10 clips diễn tấu Song Loan/Song Lan trong Đờn Ca Tài Tử, Ca Huế, và Hát Xẩm để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Đặc biệt mình giới thiệu đến các bạn 1 clip điệu múa Flamenco với nhạc cụ Castanets truyền thống (Castanets – Flamenco Dance, Seville, Spain) của dân tộc Tây Ban Nha.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Vì sao gọi Song Loan là “TỔ” ?
(Đổ Dũng)
Đây là một thắc mắc rất chính đáng và không đơn giản. Bởi lẽ, các nhà nghiên cứu âm nhạc của dòng nhạc Ngũ cung quá ít và chưa hệ thống đưọc nguyên lý của nó. Những đúc kết đã qua vẫn mang tính kinh nghiệm, các phát hiện đưa ra khái niệm và định lý hãy còn rời rạc, ít nhiều ảnh hưởng chủ quan. Có lẽ phương pháp tiếp cận và xác định đối tượng để nghiên cứu vẫn còn quá mờ nhạt với nhiều nguyên nhân. Chúng tôi cũng chỉ dựa vào kiến thức qua kinh nghiệm và căn cứ một vài tài liệu tương đối, hy vọng rằng phần nào đáp ứng sự thắc mắc của các bạn.
Như chúng ta đã biết, dòng nhạc Ngũ cung (năm âm – thất thanh) có từ rất lâu đời trong dân gian nước ta, nhưng khi phát hiện và tương đối được định hình là thời kỳ phong kiến, có thể tính từ cái mốc đầu triều Nguyễn. Nhạc Lễ từ dân gian tự phát, sau đó các vua chúa tổ chức thành qui củ, đưa vào cung đình để phục vụ cho vua chúa và các đại lễ trong Quan – Hôn – Tang – Tế, nên gọi là Nhã Nhạc cung đình Huế (triều Nguyễn xây dựng cung đình ở cố đô Huế). Trong cơ cấu dàn nhạc cung đình, được tổ chức thành một hệ thống nhạc cụ: bộ kéo, bộ khảy, bộ hơi, bộ gõ. Mỗi bộ được kết cấu nhiều loại nhạc cụ cùng thuộc tính và đồng nhất tính năng. Song loan, là một trong những nhạc cụ nằm trong bộ gõ.
Trong hệ thống nhạc lễ, ngoài song loan còn có các nhạc cụ như: trống, bạc sừng trâu, thanh tre, đấu, chập chõa…. thì song loan là một loại nhạc cụ thứ yếu mà thôi, trống lễ mới giữ vai trò chủ yếu và giữ giềng mối trong tổng thể của nó. Nhưng từ khi nhạc tài tử xuất hiện, thì song loan được cơ cấu trong dàn nhạc tài tử cải lương. Nó là một nhạc cụ có chức năng và vai trò rất quan trọng, nhưng về nhân sự trực tiếp gắn kết với nó thì lại không được biên chế chính thức. Có nghĩa là, mỗi nhạc cụ trong dàn nhạc là do một nhạc công đảm trách, còn song loan thì không cố định, bất cứ nhạc công nào cũng có thể sử dụng nó, nhưng phải là người có năng lực chỉ huy dàn nhạc, tức là nhạc trưởng.
Song loan có hình dáng bé nhỏ nhất so với các nhạc cụ khác, một mảnh gỗ tròn chưa bằng miệng chén, được xẻ miệng sâu vào thân khoảng 1/3 để thoát âm, có cần gõ bằng sừng trâu uốn mỏng hoặc lá thép có độ co bật, trên đầu cần có gắn miếng gỗ nhỏ để gõ xuống thân của nó, tạo ra tiếng kêu – âm thanh “Cốp ! Cốp !”. Âm thanh của song loan có cao độ lớn nhất và âm vực rộng vang rất xa, không cần qua hệ thống khuếch đại mà từ xa ta có thể nghe rõ hơn các nhạc cụ khác trong dàn nhạc tài tử – cải lương. Nó có tần số cực lớn, theo một chuyên gia vật lý đánh giá, khả năng tần số của nó trên 3.000 MHz.
Song loan là một biểu trưng trong dàn nhạc tài tử cải lương, nó có vai trò rất quan trọng trong việc giữ trường canh cho các nhạc cụ khác theo đó mà giữ tiết tấu nhịp điệu của mình trong hòa tấu. Người giữ song loan ngày xưa phải là thầy đờn (đờn Kìm), từ sau 1975 thì người giữ song loan là Guitar chánh, nhưng gần đây một số nơi ở SKCL, người đờn Kìm lại giữ song loan, còn đờn ca tài tử thì đờn Kìm phải giữ song loan. Tất cả các nhạc công phải hướng theo tín hiệu song loan mà giữ trường canh tiết tấu theo nhạc trưởng (người giữ song loan) và báo hiệu để kết thúc một giai điệu.
Ví dụ, điệu Xuân tình, Phụng Hoàng, hay giai điệu nào đó, cải lương không sử dụng hết bản mà chỉ một số câu một số lớp nhất định, thì khi gần chấm dứt, song loan báo hiệu bằng cách gõ đúp hai cái “Cốp ! Cốp !” liên tục và hai nhịp sau đó ca đờn ngưng một lượt. Nhờ vào đó, người đờn diễn tấu tự tin một cách độc lập, phóng túng ngón đờn chữ nhạc một cách bay bướm, người ca thể hiện cảm xúc qua ca từ đi vào tâm trạng nhân vật hoặc sử dụng kỹ thuật luyến láy, lạng lách mà không lo ngại chênh nhịp.
Vậy, có thể nói song loan là nền tảng của nhịp điệu cho cả nhạc và ca, nhất là các bản ngắn trong cải lương “ca nói” của các diễn viên đạt yêu cầu là nhờ có tính hiệu của song loan. Vì thế, trong giới cải lương tôn vinh song loan như “Tổ” là vậy.
Đờn ca tài tử – vẻ đẹp và sức sống trong cộng đồng
(Lệ Hoa-VOV-ĐBSCL)
Đờn ca tài tử không chỉ được coi như ‘đặc sản’ của người dân Nam Bộ mà còn là nét giá trị văn hóa thu hút nhiều bạn trẻ quốc tế.
Những ngày này, cả nước cùng vui chung với Nam Bộ trong 1 sự kiện lớn, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – 2014 đang diễn ra tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Sự kiện này chính thức khẳng định tầm vóc của một loại hình nghệ thuật độc đáo, là tài sản tinh thần và trí tuệ của người dân phương Nam vừa được UNESCO công nhận là tài sản chung của nhân loại.
Mặc dù có nguồn gốc là nhạc lễ cung đình Huế và những di sản âm nhạc lâu đời từ phía Bắc, do đoàn người tiên phong đi mở đất mang vào phương Nam, nhưng đến nay Đờn ca tài tử đã trở thành đặc sản văn hóa riêng của vùng đất này.
PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, người tham gia lập hồ sơ Đờn ca tài tử để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với số phiếu 100% cho biết: “Người miền Nam có một năng khiếu rất đặc biệt là phát triển Đờn ca, từ những bản ngắn phát triển dần dần thành các bản dài hay những âm điệu còn cứng, chẳng hạn như các bạn có hình dung rằng bản dạ cổ hoài lang cách đây 100 năm người ta không hát giống bây giờ, người ta hát đơn giản. Còn bây giờ, có những luyến láy kiểu của người Nam Bộ. Chính sự phát triển đó làm cho âm điệu của bài bắt đầu mang âm điệu Nam Bộ”.
Bây giờ ở đâu, lúc nào, người dân Nam Bộ cũng tự hào về tài sản tinh thần chung – Đờn ca tài tử. Họ nói những âm điệu quê hương ấy đã chảy trong huyết quản của họ để thành “máu đờn ca”. Nghe bạn ca, ai cũng có thể gật gù theo tiếng song loan gõ nhịp, thưởng thức cung bậc bổng trầm, cảm câu ca, chữ nhạc và đánh giá tổng hòa bằng lời suýt soa “mùi quá”, “đã quá” hoặc cười xòa khi người thể hiện bị dớt nhịp.
Dù là loại hình văn hóa phi vật thể đầu tiên của vùng đất được UNESCO vinh danh nhưng người dân Nam Bộ lại có niềm tự hào riêng, vì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật duy nhất vừa có được sự sang trọng, công phu của thể loại nhạc thính phòng, vừa có sức lan tỏa trên phạm vi rộng lớn nhất và ngay trong cuộc sống đương đại hôm nay, nó vẫn là loại hình yêu thích của đông đảo công chúng.
Từ thập niên 1960 trở đi, thế giới đã biết đến Đờn ca tài tử qua nỗ lực giới thiệu của những nhà nghiên cứu tâm huyết như GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sư Vĩnh Bảo… Nhiều năm nay, du khách khắp nơi đến miền Tây vẫn coi tiếng Đờn lời ca tài tử trong không gian sông nước miệt vườn là một đặc sản không thể thiếu cho chuyến thăm thú vùng đất này. Đặc biệt, giới trẻ và một số nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đã rất ấn tượng với tính cộng đồng và sức lan tỏa của Đờn ca tài tử khi tiếp cận sâu với nó.
Nhà văn Lê Đình Bích, giảng viên văn hóa học trường Đại học Cần Thơ, nhiều năm làm công việc giới thiệu văn hóa cho sinh viên quốc tế sang học tại Việt Nam cho biết, thậm chí đã có một giảng viên khoa Lịch sử âm nhạc và Dân tộc học của Học viện Miền Tây Michigan vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Đờn ca tài tử Nam bộ tại nước Mỹ, anh là Giáo sư Alexander M.Cannon.
Đề cập về sức hấp dẫn của nghệ thuật Đờn ca tài tử đối với sinh viên và giới nghiên cứu âm nhạc, văn hóa quốc tế, giảng viên Lê Đình Bích chia sẻ: “Chương trình mà tôi giảng dạy cho sinh viên Hoa Kỳ cũng như sinh viên Australia, Pháp và Nhật trong chương trình chung thì phần vẻ đẹp văn hóa hạ lưu sông Mê Kông là phần chính. Đây là phần học mà tất cả sinh viên các nước đều yêu thích và họ mong muốn được học các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, đặc biệt là những nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử của Nam bộ.
Trong thời gian 3 tháng lưu lại tại Việt Nam, một em sinh viên Đức đã học đàn tranh và 1 em sinh viên Hoa Kỳ đã học đàn cò… Trước đây, đã có những công trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng về Đờn ca tài tử Nam bộ của nhiều học giả, nhạc sư Việt Nam, nhưng người nghiên cứu làm luận án tiến sĩ về Đờn ca tài tử Nam bộ lại chính là một người Mỹ, đó là TS Alexander M.Cannon. Và từ điều đó, chúng ta thấy đó mới là một điều đáng quý”.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã thật sự trở thành tài sản độc đáo riêng của cư dân 21 tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Tây, tức Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Sức lan tỏa và tiềm năng phát triển của Đờn ca tài tử vẫn còn mãnh liệt trong đời sống đương đại và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất.
Người quan tâm và yêu mến Đờn ca tài tử hôm nay đang tụ hội về thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu để hiểu thêm giá trị văn hóa, học hỏi bạn tri ân, cùng bàn hướng đi cần thiết, tiếp thêm sức sống cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này mãi sống đẹp với cộng đồng và với thời gian.
oOo
Song Loan/Song Lang:
Tiếng Tơ Đồng (Kỳ 1) – Thời kỳ hình thành âm nhạc tài tử:
Tiếng Tơ Đồng (Kỳ 2) – Âm nhạc tài tử nhạc lễ Nam Bộ:
Tiếng Tơ Đồng (Kỳ 3) – Bản tổ nhạc tài tử:
Tiếng Tơ Đồng (Kỳ 4) – Ba Nam trong âm nhạc tài tử:
Tiếng Tơ Đồng (Kỳ 5) – Âm nhạc tài tử từ dân ca:
Song Loan/Song Lang và đàn Bầu, đàn Nguyệt, đàn Guitar Phím Lõm – hòa tấu “Nam Ai” trong Đờn Ca Tài Tử:
Song Loan/Song Lang và đàn Nguyệt, đàn Guitar Phím Lõm – hòa tấu
“Trăng Thu Dạ Khúc” trong Đờn Ca Tài Tử – nhạc sĩ Kiều My & Như Ý:
Song Loan/Song Lang trong Ca Huế:
Song Loan/Song Lang trong Xẩm Chợ Đồng Xuân – NSND Xuân Hoạch & NSƯT Thanh Ngoan:
Castanets – Flamenco Dance, Seville, Spain: