Võ Kỳ Điền – Rêu phong mấy lớp
Võ Kỳ Điền tên thật Võ Tấn Phước sanh ngày 31.10.1941 tại
Dương Đông, đảo Phú Quốc. Từ nhỏ đến lớn sống ở Bình Dương. Tốt nghiệp
Đại học Sư phạm ban Việt Hán. Dạy Việt văn các trường trung học Hoàng
Diệu, Ba Xuyên và Trịnh Hoài Đức, Bình Dương.
Bắt đầu viết văn ở hải ngoại. Cộng tác với các báo Dân Quyền, Văn và Làng Văn.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
-Kẻ Đưa Đường, Tập truyện ngắn, nxb Việt Productions. 1986. Canada
-Pulau Bidong Miền Đất Lạ, Tập truyện dài. nxb Xuân Thu. 1992. USA
-Câu Hỏi Kiếp Người, Tuyển tập truyện ngắn. nxb Nhân Ảnh. 2018. USA
RÊU PHONG MẤY LỚP
Đình thụ bất tri nhơn khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.
Sáng hôm nay ông Năm nhấp nhỏm ngồi đứng không
yên. Hết ngồi xuống lại đứng lên. Ông bước chầm chậm lại gần cửa kiếng
lớn phía sau nhà, nghiêng mình nhìn xéo qua cái hàn thử biểu để ngoài
trời. Ông nhướng mắt rán nhìn cái màu đỏ của thuỷ ngân, coi nó lên xuống
tới mức nào. Có thấy gì đâu, cái lằn đỏ nhỏ xíu, lờ mờ. Tức mình ông
lẩm bẩm, cằn nhằn cái thằng con trai út, đã biểu gắn sát sát bên trong
cho dễ đọc, để tuốt đằng xa ai mà thấy. Cái xứ gì, thiệt tình! Lạnh gì
mà lạnh dữ, hổng biết xuống tới bao nhiêu độ rồi!
Nói xong ông đứng áp lại gần cánh cửa để nhìn cho
rõ hơn. Cánh tay trái đụng phải khung cửa nhôm lạnh ngắt như một khối
nước đá, ông rút tay về, quay lại chậm chạp từng bước, từng bước trở về
ngồi trên chiếc ghế thấp. Cặp mắt hấp háy nhìn ra ngoài bầu trời xám
xịt. Ông thấy cái sân cỏ xanh đã trở thành một bãi tuyết trắng mênh
mông. Có chỗ phẳng phiu trắng xoá, có chỗ được xe xúc tuyết ủi gò cao
lên như những đụn cát. Cây cối biến đi đâu mất tiêu hết. Mấy bụi hồng
bông đỏ như nhung, mấy bụi mẫu đơn bông lớn bằng cái chén kiểu màu trắng
màu hường, cái hàng rào bằng cây trắc bá diệp cao cả thước xanh um của
mùa hè vừa qua, tất cả hiện giờ bị chôn vùi dưới những đống tuyết.
Ở bên kia rào tu viện, chỉ còn sót lại duy nhứt
một gốc bạch dương to lớn sừng sững, chơ vơ một mình giữa đám tuyết
trắng quạnh hiu, đưa những cành khô thêu lêu lên trời. Bên ngoài gió hú
từng cơn, tiếng nghe vù vù như có đoàn xe chạy hết tốc lực. Từng lọn
tuyết trắng đổ xuống, hột bay ngang, hột bay dọc, hột quay cuộn tròn,
lấm tấm bay đầy trời như có ai đó cắc cớ tung một thúng lông ngỗng ra
trước gió. Tuyết đã rơi đều đều như vậy từ giữa đêm qua cho tới sáng
nay, liên tục không dứt. Chỗ nào cũng một màu thạch cao trắng bạch. Ngồi
chưa yên chỗ, ông lại đứng lên đi về phía trước, mắt ngước nhìn cái mái
nhà ở phía bên kia sân đã bị tuyết phủ đầy, miệng láp dáp:
-Cái điệu nầy có nước sập nhà. Đồ cái thứ tiền
chế, làm bằng cây thông bở rệu với vách bằng cạc tông nhét bông gòn, làm
sao chịu nổi… làm sao chịu nổi…
Ông thở dài rồi nhìn trời, dáng lo lắng, rồi ngồi xuống:
-Nó mà rơi hoài rơi hũy như vầy, chắc phải sập.
Cả nửa thước tuyết đè trên nóc, nặng lắm chớ! Cái xứ nói là văn minh, kỹ
nghệ tiến bộ, mà sao kỳ cục quá! Nhà cửa phải làm cho kỹ kỹ chớ. Tại
sao không chịu xây cất cho nó đàng hoàng một chút. Tuyết mà rớt thêm
chừng vài giờ nữa thì thế nào cũng sập…
Bà Năm dáng người nhỏ nhắn, đang chăm chú theo dõi chương trình ti-vi, chừng như không chịu nổi nữa, bèn cự nự:
-Ừ, ừ, sập đâu sập phứt cho rồi. Hồi sáng mơi tới giờ, nghe ông nói tới nói lui, tôi mệt quá!
Ông Năm biết là vợ trả lời mình nhưng không rõ bà
nói gì. Cái lỗ tai đã nghểng ngảng đâu từ mấy năm về trước, tuy có đeo
máy nghe nhưng khi tỏ khi không. Ông đưa tay phải lên điều chỉnh cái nút
phát âm gắn sát vành tai, miệng hỏi:
-Bà nói cái gì vậy, tôi nghe không rõ?
Bà gằn giọng. Tuổi đã quá già nên khi nói tiếng run run, cái đầu lắc lắc:
-Hổng có nói cái gì hết á!
Rồi như chừng chưa hết cơn bực bội, bà tiếp:
-Mùa đông ở đây thì có tuyết, chớ có gì lạ đâu mà ông cứ nói hoài, nói hoài!
Ông bèn phân trần, giọng nói thều thào, lẫn trong tiếng xệu xạo của hàm răng giả:
-Thì bà cũng phải để cho tôi nói chớ. Bà coi nè,
từ đầu hôm cho tới giờ, ổng cứ rớt hoài, rớt hoài, hột nào hột nấy lớn
bằng ngón chưn cái… Cái mái nhà bằng cạc tông làm sao chịu nổi. Bê tông
cốt sắt còn chưa chắc, nói gì tới nhà tiền chế. Tôi nói mà, thế nào cũng
sập!
Bà Năm hứ một tiếng rồi xây lưng qua coi ti-vi, không thèm nghe. Ông tiếp tục lẩm bẩm một mình:
-Gió lớn quá. Ở gần Bắc Cực nên thổi mạnh dữ. Tại
có gió nên tuyết rơi mới nhiều. Mà nó rơi nhiều thì nó chất đầy trên
mái nhà. Trời ơi! nguy quá, cái điệu nầy… Phải chi xây bằng bê tông cốt
sắt.
Ông e bà vợ cự nự nữa, nên chỉ dám nói tới đây
thì ngừng ngang, cái điệp khúc “thế nào cũng sập” bị bỏ dở nửa chừng.
Nếu không có bà Năm ở đó mà là thằng tư, thằng sáu hay thằng út, những
đứa con trai ở gần gũi, thì ông sẽ tiếp tục một cái điệp khúc khác, có
thay đổi chút đỉnh. Nhà mình ở Việt Nam cất bằng bê tông cốt sắt chắc
lắm, tao tính ít ra phải ở được năm ba trăm năm, mối mọt mưa nắng gì
cũng không sợ. Mỗi lần nhắc tới câu “cái nhà mình” ông Năm nhìn ra xa,
tuốt trên ngọn bạch dương, lên tận đám mây trắng xám trên trời, cặp mắt
đờ đẫn, ngẩn ngơ. Trong tròng đen lờ mờ, hình như có vương một làn lệ
mỏng. Không phải ông khóc đâu. Đã trên tám mươi tuổi rồi, tuyến nước mắt
hầu như cạn khô. Trong đầu ông hình ảnh căn nhà vuông vuông, xinh xắn
hiện ra, rõ ràng từng nét. Căn nhà mà ông đã gom góp công sức, tiền của,
mồ hôi, nước mắt, suốt đời cực nhọc mới thực hiện được. Nó không đồ sộ,
nguy nga, lớn lao gì nhưng nó là của ông. “Nhà mình” ôi! hai cái chữ
tầm thường đó có tác dụng như nhát búa đập mạnh vào tim vào óc, ông nghe
như tê liệt toàn thân. Ông đứng lên hết muốn nổi, ngồi bệt xuống ghế.
Trong đầu ông, không còn gì để đáng nhớ. Mặc kệ mùa đông Canada với gió
bão lạnh lẽo gào thét bên ngoài cửa kiếng, mặc kệ cây bạch dương chết
cóng đứng run rẩy ngoài sân tu viện quạnh hiu, mặc kệ những đụn tuyết
lem luốc, cao ngùn ngụt bên kia vệ đường, mặc kệ những cây cối, bông hoa
rữa mục bị chôn vùi, ông quên quên hết. Chỉ còn một hình ảnh duy nhứt
mà ông nhớ rất rõ. Rất rõ, từng nét. Cái hình ảnh “căn nhà mình” hiện
lên với từng góc cạnh. Những cục đá nghiêng, những viên gạch bể, những
lằn nứt nẻ, răn reo ở góc tường, những ổ cắm điện cháy đen, những vòi
nước rỉ, những vết loang mốc meo trên trần nhà mưa dột … ông làm sao
quên. Chính tay ông tạo ra nó mà, cũng chính tay ông sửa chữa mà… Trong
cơn mơ mơ, màng màng ông chợt tỉnh, lò dò, đứng dậy đi vô phòng, cái
lưng còng xuống, cái chưn bước thật chậm. Ông đưa tay run run mở cánh
cửa. Có tiếng đồ vật va chạm, tiếng lục lọi giấy tờ, sổ sách. Hồi lâu,
có tiếng ông hỏi vọng ra:
-Hôm đi ra Tân Sơn Nhứt, cái xấp hình tôi soạn
cất trong cái hộp sắt tây, tụi nhỏ nó dẹp đâu rồi, tôi không thấy! Coi
chừng mất hết đa!
-Làm sao mà mất được. Ông để đâu thì còn ở đó. Tụi nó đâu có lấy làm gì mấy tấm hình cũ xì, đen thui!
Tiếp theo, bà bèn bình luận :
-Cái gì của ông cũng quí hết! Thử đem liệng ngoài đường suốt ngày coi có ai thèm lượm không?
Nghe vợ nói, ông tức mình cãi lại:
-Ai mà dại gì liệng bậy liệng bạ vậy bà! Từ Việt
Nam tôi cắc ca cắc củm đem qua đây có bao nhiêu đó! Làm mất của tôi là
không được đa!
Bà Năm lùng thùng trong cái áo ấm bằng len xám
dầy mo, đứng dậy vói tay tắt ti-vi, xỏ chưn vô đôi dép nhung đỏ bầm, lê
bước lẹp xẹp vô phòng bên cạnh, miệng hỏi vói:
-Để tôi vô kiếm lại thử coi tụi nó có dẹp ở đâu không! Mà ông muốn kiếm tấm hình nào?
Ông Năm rán nói lớn để cho vợ nghe:
-Thì cái hình chụp “căn nhà mình” đó, tôi muốn coi lại một chút!
Rồi ông chép miệng thở dài:
-Tính ra mình đi được vừa đúng một năm. Không
biết bây giờ ở bển ra sao rồi! Mấy chậu kiểng không ai tưới, chắc chết
khô hết!… Ờ, ờ, bây giờ đang mùa đông, còn một tuần nữa là tới Tết. Cây
mai ngoài sân…rồi ai lặt lá…để cho nó ra bông đây?
°°°
Cái mặt trời ban sáng còn lấp ló trong mây, chưa
lên khỏi nóc nhà ở phía bên kia đường. Cảnh vật còn nhập nhoà tranh tối
tranh sáng. Trên các ngọn cỏ bên đường còn mờ mờ sương đọng. Các căn nhà
ở hai dãy phố chợ Bình Dương vẫn còn đóng cửa im lìm. Trên đường đã có
người gánh hành ra chợ bán, những gánh khoai nặng trĩu, những gánh rau
cải, xanh um, tươi mát. Vài chiếc xe ngựa chở đầy bạn hàng máng đầy
những gióng gánh ngổn ngang, móng sắt nhịp lọc cọc, lọc cọc trên mặt
đường nhựa đen. Tiếng người nói chuyện, tiếng guốc, tiếng dép, tiếng xe
kéo…vang vang trong trong cái im mát của buổi sáng. Sau một giấc ngủ
ngắn, phố xá tỉnh lỵ bắt đầu vươn mình trở lại cái sinh hoạt ồn ào hàng
ngày.
Trong nhà ông, bà Năm đã thức sớm hơn thường lệ. Ông đi ra đi vô, coi đồng hồ, miệng thúc giục:
-Coi chừng loay hoay, trễ hết ngày giờ. Ông thầy
đã dặn đi dặn lại, tuổi tôi với tuổi bà, năm nay mà cất nhà thì phải
cúng vào giờ Thìn, để qua giờ khác là xấu lắm. Cả năm nay chỉ có được
ngày nầy là tốt thôi. Qua cái giờ đó là phải chờ năm tới!
Rồi ông thúc hối:
-Mấy đứa nhỏ chuẩn bị nhang đèn, bông hoa đủ chưa?
Trong bếp tiếng nước sôi rì rào, tiếng dao chặt
thịt lụp cụp, tiếng dĩa chén chạm nhau, mùi cà phê bốc lên ngào ngạt. Có
tiếng bà Năm nói với con gái:
-Con luộc cho má miếng thịt ba rọi để trong dĩa,
nhớ bỏ luôn cái hột vịt theo. Còn tôm thì để khi gần xong chỉ cần nhúng
vô cho chín rồi lấy ra liền… Cúng thần thánh phải đủ bộ tam sênh mới
được.
Quay qua thằng con trai lớn, bà dặn:
-Con đi lấy cái lục bình, rửa sạch để cắm bông cúng. Mà, giờ Thìn là mấy giờ vậy ông?
Ông Năm lẩm bẩm:
-Giờ Thìn, giờ Thìn…một giờ của Tàu là hai giờ
của Tây… Ừ, ừ, dễ mà! Giờ Ngọ là mười hai giờ trưa. Mình tính trở ngược
lại, Thìn, Tỵ , Ngọ…. vậy là đúng tám giờ sáng.
-Tới tám giờ sáng lận hả! Phần tôi coi như xong
rồi. Thôi, ông lo mặc quần áo, khăn nón đi là vừa… Nhớ khấn vái cho kỹ.
Thằng tư với thằng sáu, hai đứa bây khiêng cái bàn qua bên đất, để ở
chính giửa, rồi bày biện đồ để cúng. Hôm nay cúng đất đai dương trạch để
cất nhà mới. Phải thành tâm kỹ càng nghe con…thì mới ăn ở bình yên, làm
ăn khá giả. Nhứt là tao mong cho nó vững bền… để lại tới đời tụi bây,
rồi tới đời con tụi bây…
Thằng tư cười khì khì:
-Má lo xa chi cho mệt vậy. Bền vững chắc chắn thì
có ông kiến trúc sư tính kỹ rồi, má ơi! Còn muốn hoà thuận, yên vui thì
tụi nầy không oánh lộn nữa, vậy là huề…. Thôi khỏi cúng, mắc công quá
mà. Cái bàn làm bằng thứ cây gì mà nặng quá sức, khiêng muốn cụp xương
sống đây nè!
-Cái thằng làm biếng nhớt thây, ăn nói tầm bậy
tầm bạ hết sức, hổng nên nghe con, lẹ lẹ đi cho kịp giờ. Ba mầy đóng bộ
xong hết rồi kìa…
Ông Năm đi rảo một vòng, nhìn miếng đất trống
phẳng phiu, quang đảng, trong bụng vừa ý hết sức. Phía trước mặt là công
viên thành phố, khoảng khoác, xinh xắn. Phía sau hơi xa là một dãy đồi
cao, thấp thoáng qua các rặng cây sao, cây dầu cao vút, là nóc toà hành
chánh với dinh tỉnh trường lờ mờ… Y như cảnh núi Khu Tượng, nơi mà ông
đã sống qua thời thanh xuân. Ông “đụng” bà Năm ở đó, rồi sanh được ba
đứa con đầu lòng ở bên bờ sông Dương Đông. Đảo Phú Quốc ở vịnh Xiêm La,
cái hòn đảo nhỏ, bốn bề sóng vổ rì rào. Tụi nhỏ đã hít thở cái không khí
nồng mặn của muối, đen đủi phong sương giữa nắng gió trùng dương. Quanh
nhà toàn là những thân dừa cong vẹo, ngả nghiêng, tàu lá xơ rơ vì gió
bão. Cái giếng nước phía sau đỏ lờ lợ vì nước rể dừa tiết ra. Những ngày
mưa dai dẳng nhìn lên dãy Khu Tượng thấy dạng núi lờ mờ trong sương
khói, giống như hình con voi nằm phục. Trước là đầu voi với cái vòi cong
vòng, sau là đuôi voi với hai chưn sau quỳ xuống, cái lưng mập phình ra
mà dài. Trên đó người ta làm rẫy, trồng tiêu với trồng sầu riêng… Đất
đai trù phú, phong thổ phì nhiêu, đẹp đẽ như vậy, vì thời cuộc ông phải
đành đoạn bỏ hết mà đi.
Bây giờ về đây cư ngụ, ông phải gầy dựng lại tất
cả với hai bàn tay trắng. Đất cũ đãi người mới. Ông lời hơn vì có được
thêm năm đứa con nữa. Thôi, đời ông vậy là yên nơi yên chốn rồi, không
phải đi đâu nữa. Nhứt định ở luôn tại cái tỉnh nhỏ nầy. Ông phải tiện
tặn, dành dụm, làm việc siêng năng, để mong cất được một căn nhà làm cái
tổ ấm cho gia đình. Phòng của ông bà ở chính giữa, tám phòng của tám
đứa con phải ở chung quanh, để tụi nó lúc nào cũng quây quần, xum họp
bên ông. Bàn thờ của tổ tiên dòng họ ở trên lầu. Con cháu ông sẽ nối
tiếp cái công trình nầy dài lâu một trăm năm, hai trăm năm…
Ông mỉm cười tươi tỉnh, trang nghiêm, bật hộp
quẹt, đốt đèn cầy, cắm trên hai cái chưn bên lư hương bằng đồng sáng
trưng. Ông đưa tay lấy bó nhang mới, xé bao lấy ra ba cây. Thật khoan
thai, ông châm vào ngọn lửa. Mùi nhang trầm thơm, toả ra, quyện vào mùi
long não hăng hắc của chiếc áo dài đen nổi bông hình chữ thọ, cái khăn
đóng bằng sa mỏng, vấn thành nhiều vòng vừa lấy ra trong tủ áo. Nắng đã
chiếu sáng cả khu đất trống. Từng tia nắng vàng chanh quét trên đám cỏ
dại um tùm, mùi đất hăng hăng. Ông thoáng thấy chú hai Lung, người cai
thầu và đám thợ vừa tới. Xe cộ, dụng cụ ngổn ngang, nào xẻng cuốc, nào
dây nhợ, người ta chất đầy chật cả lối đi.
Mặt tươi tỉnh hy vọng, ông cầm nhang chắp hai tay lên đầu, miệng khấn lâm râm:
-Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật… Nay
tôi khấn đất nước ông bà trong kiểng sở làng Phú Cường nầy, gồm Thổ
Công, Thổ Trạch, Thổ Địa, Thổ Thần, Chúa Xứ, Sơn Thần, Thuỷ Thần…
Vái tới đây tự nhiên ông thấy lằn khói nhang xám
trắng đương bốc vươn lên cao, bỗng cuộn tròn rồi tạt ngang. Một luồng
gió ở đâu đó thổi qua lạnh ngắt, ngọn đèn cầy nhỏ lại lờ mờ như muốn
tắt. Ông sợ quá, khom lòng bàn tay che gió. E rằng chưa đủ, ông kêu lên:
-Chú hai, chú hai gió lớn quá, lại phụ tôi một tay!
Chú hai Lung chạy lại, đứng chắn lấy làn gió nghịch. Ngọn đèn từ từ lớn hơn và sáng tỏ trở lại. Ông Năm bình tâm khấn tiếp:
-Tôi vái tất cả năm vị ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ,
Hoả, Thổ. Đông phương Giáp Ất Mộc, Nam phương Bính Đinh Hoả, Trung ương
Mồ Kỷ Thổ, Tây phương Canh Tân Kim, Bắc phương Nhâm Quí Thuỷ, tám vị bát
quái Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài… Quí ông thực như phong,
hành như võ…
Câu khấn vái dài quá, ông ngừng lại một hơi để
thở. Cả không gian chung quanh, ông quên quên hết. Trong đầu chỉ còn một
niềm thành kính vô biên. Sau câu khấn, trong ánh sáng lung linh của cặp
nến đỏ, mùi trầm ngào ngạt của khói hương, ông như cảm thấy tất cả
những vị thần linh mà ông vừa nhắc, tề tựu đông đủ. Có người mặt đỏ,
người mặt đen, mặt trắng, mặt xanh, với áo bào, mũ mãng sặc sỡ, uy nghi.
Tất cả tọa ngự ở trên bàn thờ, nhìn xuống ông yêu thương triều mến,
dáng vẻ sẵn lòng bảo hộ, giúp đỡ, lắng nghe lời cầu nguyện. Ông sung
sướng quá, rán mà nhớ những điều mong ước hầu nói lên hết cho đủ. Các vị
nầy sẽ giúp ông cho được như ý… Ông lâm râm khấn tiếp, giọng rõ ràng
hơn:
-Ngũ hành phân bát quái, tám hướng định quân
thần. Hoả Thần làm chủ tể, ấm lạnh nhờ ông. Nay tôi xin phép để cất một
cái nhà trên miếng đất nầy, để cho vợ chồng tôi, cùng mấy đứa con ở, làm
ăn bình yên mạnh giỏi…
Khấn tới đây, ông bỗng nhớ tới lời bà Năm dặn dò, ông lập lại:
-cho vợ chồng tôi cùng mấy đứa con, rồi mấy đứa
cháu, …rồi tới cháu của cháu tôi, nối tiếp hoài hoài… không dứt… được ăn
ở bình yên mạnh giỏi, vô tai tịnh sự, điều lành đem tới, điều dữ lánh
xa, quan thương dân chuộng, kẻ yêu người trọng, tà ma kinh khiếp, quỉ mị
kiêng oai…
Khấn tới đây, ông thấy đã là quá đủ, không nên
đòi hỏi xin xỏ nhiều hơn nữa. Cũng như mọi người, ông cũng mong ước được
giàu sang, phú quí, con cái hiển đạt, làm quan làm quyền… Nhưng ông
nghĩ cúng kiếng với thần linh, cầu được bình yên mạnh khoẻ là quá đáng
rồi, không nên để thần thánh khi dễ vì mình quá tham lam. Ông bèn xá ba
xá, cắm nhang vô một cái ly nhỏ đựng đầy gạo trắng. Ông lùi ra sau vài
bước, phủ phục xuống lạy ba lạy. Không gian như lắng đọng xung quanh.
Tim ông đập manh hơn bình thường. Hai lòng bàn tay ông ướt đẫm mồ hôi.
Ông sung sướng trong niềm xúc động bồi hồi. Ánh nắng vàng tươi sáng rờ
rỡ, chan hoà trên mọi lối. Nhìn lên bàn thờ ông thấy các thần thánh cùng
ông bà tổ tiên trong dòng họ như nhìn ông mỉm cười, gật đầu chấp nhận
lời khấn nguyện.
Năm nay ông vừa đúng năm mươi tuổi, cái tuổi mà
Đức Khổng Tử cho là biết được mạng trời. Trời quả đã thương ông thiệt
tình! Cha mẹ mất sớm, lăn lóc ra đời trong lứa tuổi còn nhỏ xíu, ông đã
trải qua biết bao nhiêu cay đắng và khổ nhục. Con đã đông mà nhà lại
nghèo, ông và vợ lo trong lo ngoài, tiện tặn dành dụm, mãi cho tới nay
mới đủ tiền cất một cái nhà để ở. Cái nhà ước mong của cả một đời người…
Ừ, phải, cả một đời người! Ông đứng dậy mặt sáng rạng rỡ. Quay qua
người cai thầu, ông nói:
-Chú hai, chú hai! chú cũng nên khấn với quí vị
thần hoàng bổn thổ để cho công việc xây cất trôi chảy, thợ thuyền được
phò hộ bình yên!
Chú hai Lung nghiêm trang gật đầu, đứng vào chiếu
đốt nhang, cung kính. Ông Năm bước ra phía ngoài đường cái, đứng bên
cây cột đèn, nhìn trở vô coi đám thợ đương đóng cọc giăng dây để đào
móng. Bà Năm đứng kế đó, gặp ông bèn hỏi:
-Ông khấn vái cúng kiếng xong hết rồi hả?
-Ừ, ừ, xong rồi, đủ hết! Bà mỉm cười, mãn nguyện
sung sướng. Bất thình lình bà nghĩ tới một chuyện thế nào ông cũng không
để ý, lo quá bà níu lấy tay áo dài của ông:
-Ông có trình với quí vị ông tên gì, mấy tuổi, cư ngụ ở đâu không?
Ông Năm vỗ trán bối rối, kêu lên:
-Thôi rồi, lo nói đủ thứ chuyện mà quên mất việc trình tên trình tuổi, tôi không có nói chỗ đó!
Bà Năm dậm cẳng cằn nhằn:
-Có bao nhiêu đó mà cũng quên, rồi làm sao mấy
ổng biết ai mà phù hộ. Thành ra mấy lời khấn vái kể như bỏ. Công trình
mẹ con tôi cực khổ từ khuya cho tới giờ…
Ông Năm thất vọng, buông xuôi hai tay, không nói
không rằng, đứng nhìn xe cộ người ta xuôi ngược trên đường. Hồi lâu, ông
quay qua nói như an ủi bà nhưng thiệt ra là cho ông:
-Chắc không sao đâu bà. Thần thánh linh thiêng,
các ngài biết hết. Tôi có nói xin phép cất nhà cho cả gia đình tôi ở…
Mấy ổng phải biết tôi là ai chớ, nếu không biết sao gọi là thần, bà khỏi
lo. Bà thấy tôi nói có đúng không?
-Không đúng cũng phải đúng. Ông nói cái gì cũng
phải hết. Tôi cãi đâu có lại ông. Mà ông có nhớ khấn xin ở cho được lâu,
thiệt lâu không? Mặt ông Năm tươi rói:
-Có chớ, không có sao được. Tôi nói chỗ đó rõ lắm
mà, tới hai lần. Tôi cầu cho cả gia đình ăn ở mạnh giỏi, tới đời con,
đời cháu, đời chắt, đời chít… Bà yên tâm đi!
°°°
Ông Năm sau khi cầm tấm hình cái nhà vừa lục lọi
ra được, trở về ngồi trên cái ghế nệm. Bên ngoài bão tuyết vẫn thổi rào
rào, những hột tuyết tròn bay tung đầy trời. Ông có sá gì cái mực thuỷ
ngân lên hay xuống tới bao nhiêu đâu. Bây giờ trong đầu ông là cái miếng
đất với căn nhà ở đó có nắng ấm, có cây cối xanh tươi, có cả một đoạn
đời dài mà ông đã sống qua. Ông thương yêu nó biết bao nhiêu. Vậy mà
phải bỏ đi đành đoạn. Ông phải làm đơn để xin hiến cho nhà nước… Căn nhà
mà ông ước mong lâu bền tới đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít, được
chú hai Lung cất bằng bê tông cốt sắt, bây giờ nó chỉ còn lại có chút
xíu, nhẹ hửng. Nó còn lại trong tấm hình nhỏ bằng bàn tay, màu đen trắng
loang lổ, vàng ố, lờ mờ. Ông chỉ thấy được cái mặt tiền với hai cái
khung cửa sắt kéo nặng nề, cái lan can trên lầu có để con voi với chậu
bông sứ Thái Lan. Còn phía sau với khu vườn có cây nhãn, cây mận, cái
cổng sắt kiên cố cùng bụi tre ngà, ông không thấy gì hết. Ông rán hỏi
vói qua phía trước:
-Bà ơi! Hôm trước thằng Hoàng mới qua được đây, có nói gì về cái nhà của mình không, bây giờ nó ra sao rồi?
Giọng bà Năm trả lời, chậm chạp nhè nhẹ:
-Ờ, ờ, tôi quên nói với ông, bữa trước gặp nó, có
hỏi thăm cái nhà. Nó nói bây giờ người ta lấy làm Hợp Tác Xã than cũi,
nước mắm, dầu hôi, tèm lem tuốc luốc lắm!
Ông Năm kêu trời, than nho nhỏ:
-Rồi mấy cây nhãn, cây mận của tôi? Còn cây mai già giữa sân nữa?
Bà Năm tiếp tục nói, giọng bình thản:
-Cái vườn phía sau họ chặt trụi lũi hết, làm chỗ
đậu xe cam nhông, bụi đất mù trời. Tụi tài xế bộ đội phóng uế bừa bãi,
bà con lối xóm bực mình lắm mà không ai dám nói gì.
Ông Năm ngồi dán người xuống ghế, lỗ tai lùng
bùng. Ông thấy những biểu ngữ giăng giăng, những rừng cờ đỏ sắt máu,
những đoàn người mặt đầy hận thù tràn vào tỉnh lỵ, tiếng nhạc đập đùng
đùng chói tai. Ông thấy rất rõ những đứa con ông, những đứa cháu ông lần
lượt bị bắt giam. Ông thấy tận mắt người ta bị bắt giết, đánh đập, giam
cầm… Ông thấy những cảnh chia ly, đầy đọa, tang tóc, khổ đau. Ông thấy
được những việc, những người mà cả đời chưa bao giờ được thấy qua. Tất
cả đều quá lạ lùng, không thể nghĩ đến nổi. Xã hội mới, đất nước đổi mới
là vậy đó sao? Ông có quá lỗi thời, cũ kỹ, già nua? Cái nhà bê tông cốt
sắt trong đầu quay mòng mòng, tấm hình trong tay rơi xuống đất nhẹ đến
nổi không nghe tiếng. Bên tai, ông nghe tiếng vợ móm mém, nói văng vẳng
khi gần khi xa:
-À, nó nói cái năm mà vợ chồng mình hiến nhà cho
nhà nước để được đi đó, hồi chưa bị chặt thì cây mai trổ bông nhiều lắm,
rụng vàng cả đường đi!
Ông Năm bất động, hồi lâu tỉnh lại nói nho nhỏ:
-Tại sao mình đi mà nó lại không biết, trổ bông
chi cho nhiều vậy! Tại sao vậy? Nó không biết thương tôi với bà sao mà…
Hay là nó chưa biết nhà đã đổi chủ từ lâu!
No comments:
Post a Comment