Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 1 March 2020

Dịch COVID – 19: nguyên liệu các ngành sản xuất cạn kiện, doanh nghiệp tìm nguồn ở đâu?

Hình minh họa. Hình chụp hôm 24/5/2019 tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội
Hình minh họa. Hình chụp hôm 24/5/2019 tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội
AFP
Tại cuộc họp đánh giá tác động dịch bệnh COVID-19 đối với sản xuất trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam loan báo nguyên liệu trong các ngành điện, điện tử và dệt may chỉ còn đủ cho sản xuất đến hết tháng  3/2020 mà thôi.
Vẫn theo Bộ Công Thương, nguyên liệu dệt may, da giày, túi xách cũng gặp  tình trạng tương tự, nghĩa là chỉ đủ cho tháng Ba hay chậm lắm là đầu tháng Tư, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Giải thích về việc này, Bộ Công Thương cho biết vì Trung Quốc là nước xuất khẩu nguyên liệu lớn nhất cho các ngành công nghiệp trên thế giới, nay đang bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến các ngành sản xuất, vận tải, hậu cần, phân phối, dịch vụ…qua Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều bị tác động.
Bên cạnh đó, tình hình COVID-19 tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ngày càng phức tạp khiến nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ hai nước này vào Việt Nam cũng sẽ bị giảm sút.
Số liệu mới nhất từ Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp- Thương Mại, Bộ Công Thương cho thấy năm 2019  gần 30% hàng nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hình minh họa. Hàng hóa ở cửa khẩu Hữu Nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc hôm 20/2/2020
Hình minh họa. Hàng hóa ở cửa khẩu Hữu Nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc hôm 20/2/2020 Reuters

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam và chủ một công ty may mặc ở  Đồng Nai từ chối bình luận về tình trạng này với RFA.
Vấn đề được doanh nhân Diệp Thành Kiệt, chuyên gia May Mặc & Da Giày, phân tích:
“Cái đó hoàn toàn đúng. Bộ Công Thương một mặt dựa trên số liệu mà Bộ được báo cáo, một mặt dựa trên tổng hợp ý kiến các ngành, các hội, cho nên thông tin đó khá là chính xác”.
“Dĩ nhiên là tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp, có thể họ bị sớm hơn hoặc trễ hơn. Nhưng nói chung là nếu với tình hình như hiện nay, tức là chốt lại những điều kiện hiện nay ở Trung Quốc là mới mở cửa khoảng trên 50% các nhà máy, rồi Hàn Quốc hiện rơi vào dịch, nếu tình hình không cải thiện thì việc Bộ Công Thương công bố khoảng tháng Ba các doanh nghiệp, kể cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, đều sẽ gặp khó khăn. Cái đó hoàn toàn đúng”.
Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc công ty phần mềm BKAV và điện thoại di động ở Hà Nội, đồng ý với thông tin của Bộ Công Thương rằng việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu sản xuất là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra:
“Hiện nay chuỗi sản xuất của các nhà sản xuất trên toàn thế giới đều có sự phụ thuộc lẫn nhau. Một sản phẩm bây giờ thì linh kiện của nó có mặt ở rất nhiều nước. Ngay như Nhật Bản, nơi sản xuất rất nhiều linh kiện cho các thiết bị điện tử mà nếu tình hình COVID-19 cứ diễn biến xấu thì chắc chắn điều Bộ Công Thương nói là đúng”
“BKAV thì có nhiều mảng sản xuất và kinh doanh khác nhau. Mảng phần mềm thì không chịu ảnh hưởng rồi, thế còn phần cứng sản xuất điện tử chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có sẵn linh kiện dự trữ, có thể không đến mức phải đóng cửa. Nhưng Bộ Công Thương nói thiếu đây là nói chung cả ngành trong quãng thời gian như vậy. Tất nhiên không doanh nghiệp nào là không lo lắng trong tình trạng như thế này. Phải chấp nhận thôi, tùy theo tình hình mà đối phó, mà chọn giải pháp tốt nhất”.
Về phía doanh nghiệp, ông Diệp Thành Kiệt nói tiếp, bên cạnh nỗi lo về nguyên liệu đầu vào thiếu hụt thì còn nỗi lo khác là đầu ra của sản phẩm:
Có lẽ nhiều doanh nghiệp cũng sẽ dần dần thấy được cái khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Chứ còn thực ra đối với đầu vào của sản phẩm, tức là nguyên liệu, thì không chỉ Việt Nam hay một số nước khác mà kể cả Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi vì nếu không có biện pháp khắc phục thì chính sản xuất của Trung Quốc sẽ bị đình đốn trước”
Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tác động của COVID-19 đối với sản xuất ở Việt Nam trong giai đoạn  này, ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công Nghiệp, cũng cho biết thêm là nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Trung Quốc đang ngừng sản xuất. Nếu còn hoạt động, ông nói tiếp, lượng nguyên phụ liệu sản xuất ra rất ít.
Vẫn theo lời ông, nếu dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc nối lại sản xuất thì giá thành nguyên vật liệu có thể sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước.
Cái mà chúng tôi lo ngại là hiện COVID-19 đã lây lan đến khu vực thị trường. Tức là trước đây nó nằm chủ yếu ở khu vực cung ứng mà đặc biệt là Trung Quốc, thì bây giờ nó đã lan đến nơi tiêu thụ  rồi - Ông Diệp Thành Kiệt
Điều này được doanh nhân ngành May Mặc& Da Giày Diệp Thành Kiệt giải thích bổ sung:
Cái mà chúng tôi lo ngại là hiện COVID-19 đã lây lan đến khu vực thị trường. Tức là trước đây nó nằm chủ yếu ở khu vực cung ứng mà đặc biệt là Trung Quốc, thì bây giờ nó đã lan đến nơi tiêu thụ  rồi, thí dụ như Ý rồi một số nước Châu Âu. Chưa cần nó có thể lan ra khắp Châu Âu và Mỹ, nhưng với tâm lý hiện nay là người ta rất ngại tập họp đông và người ta giảm chuyện mua sắm đi, thì cái lo lớn hiện nay của chúng tôi là đầu ra của sản phẩm. Nói nôm na là thị trường tiêu thụ sẽ bị sút giảm. Đó là cái đáng lo mà tôi nghĩ cũng nên báo động để các doanh nghiệp phải lo tính toán ngay từ bây giờ”.
Bộ Công Thương có thể đề ra biện pháp gì trong lúc này nhằm giúp các doanh nghiệp ngành điện, điện tử, dệt may, vốn có tổng lượng nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và nguyên vật liệu từ ngoài vào khoảng trên dưới 50%. Theo chuyên gia May Mặc & Da Giày Diệp Thành Kiệt, các biện pháp của chính phủ không thể giải quyết được toàn bộ nhưng có thể giải quyết từng phần. Ông góp ý:
Thứ nhất là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất nguyên liệu lên.  Như đã nói thực sự mỗi ngành đều có một tỷ lệ nội địa hóa nhất định, vẫn có khả năng sản xuất ra nhất định chứ không phải là không có gì cả”
“Tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng ta không cạnh tranh được với nguyên liệu nhập là do giá thành sản xuất của chúng ta cao hơn, hoặc do những điều kiện mua hàng, thí dụ khi doanh nghiệp mua nhập về xuất khẩu họ chỉ trả giá bán của bên người mà họ mua hàng, nhưng về đây họ không chịu các khoản thuế nhập khẩu hay là thuế VAT.
“Còn trong trường hợp nếu nguyên liệu đó mà mua ở trong nước, khi mua thì doanh nghiệp bán hàng đã xuất hóa đơn có VAT. Việc này tôi nghĩ Bộ Công Thương đang có sự nghiên cứu có thể là dời lại, hoãn lại hay cho phép chậm, đó cũng là cách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mua nguyên liệu trong nước, và các doanh nghiệp trong nước sẽ sản xuất ra nguyên liệu để bán cho trong nước”
Thứ hai là tìm giải pháp giữa Việt Nam với Trung Quốc bởi phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam nhập từ Trung Quốc:
“Làm sao để bàn về một cơ chế thông quan như thế nào mà nó thông thoáng hơn, trên tinh thần vừa bảo đảm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch vừa bảo đảm được sự phát triển của kinh tế như thủ tướng chính phủ Việt Nam đã chỉ thị
Mặt khác, ông Diệp Thành Kiệt khẳng định, đương nhiên các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước.
Ông Nguyễn Tử  Quảng nhận định về giải pháp cho các doanh nghiệp:
Thề còn những công việc bị ảnh hưởng thì mình phải tìm các kênh khác nhau, chẳng hạn như hàng linh kiện thì phải chuyển đổi các nguồn khác nhau”
“Tuy nhiên điều đấy không hề dễ vì cả 3 nước có nhiều kinh kiện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, 3 nước đã cung cấp phần lớn rồi. Kể cả như các linh kiện của Mỹ thì cũng đặt sản xuất ở Trung Quốc, nên là cả ngành này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn. Mà không chỉ Việt Nam đâu, tất cả các công ty sản xuất công nghệ sẽ đều có vấn đề như vậy”.
“Hoặc các doanh nghiệp bán nội địa nên nhân cơ hội này mà chào hàng mạnh lên với các doanh nghiệp đang cần hàng, đó là cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để mà khắc phục chứ không thể nói nó sẽ trở lại như bình thường được
Theo ông Diệp Thành Kiệt thì mỗi ngành có cơ cấu nhập nguyên liệu khác nhau. Lấy thí dụ ngành Da Giày, đối với những nguyên liệu cao cấp thì phải mua từ bên ngoài nhiều hơn, còn với loại sản phẩm cấp trung hoặc thấp hơn một chút thì nhiều doanh nghiệp có thể chủ động khoảng hơn 65% và chỉ nhập khoảng 30 hay 40% mà thôi:
Nhưng mà có những doanh nghiệp lệ thuộc nước ngoài từ khâu thiết kế đến khâu nguyên liệu thì có khi họ phải nhập đến 70 hay 80%. Ngành điện tử thì nói thẳng là chúng ta nhập rất nhiều, từ các con chip các linh kiện… Ở đây chúng ta chỉ làm được những phụ kiện bằng plastic, vỏ mộc hay là hộp thôi, chứ còn gần như nhập hết”.
Nên chăng từ lúc này Việt Nam hãy hướng tới đa dạng hóa nguồn nguyên liệu  nhập vào từ bên ngoài, là gợi ý của kinh tế gia Phạm Chi Lan.
Theo nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, với những FTA đã có cũng như EVFTA mới đây, hy vọngViệt Nam sẽ tự chủ được vấn đề sản xuất nguyên liệu cho chính mình, không tùy thuộc quá nhiều vào bất cứ một nguồn cung ứng nhất định nào nữa.

Nội dung

Tin Việt Nam
Tin Quốc tế

No comments:

Post a Comment