Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 20 March 2020

Du học sinh Việt ở Mỹ trong mùa dịch: ‘Ở đâu cố gắng ở đấy’



Một máy bay từ vùng dịch về đang được khử trùng ở Hà Nội
Mặc dù có du học sinh cho rằng Việt Nam là nơi an toàn hơn Mỹ để trú ẩn giữa dịch Covid-19, một số du học sinh Việt khác ở Mỹ quyết định không về nước lúc này vì việc học hoặc vì họ xem việc đi về lúc này là ‘rủi ro’ cho việc học tập, sức khỏe của bản thân và người thân ở Việt Nam.
Theo số liệu tính đến ngày 20/3, toàn nước Mỹ có trên 16.600 ca nhiễm virus corona và 225 ca tử vong, xếp thứ 6 trên thế giới. Việt Nam báo cáo có 91 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào. Hầu hết các ca dương tính với COVID-19 mới phát hiện ở Việt Nam đều là du học sinh trở về từ các nước Anh, Pháp, Mỹ.
Vào lúc này, mỗi ngày có hàng ngàn người Việt về đến các cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài từ các nước có dịch. Theo quy định mới của chính quyền Việt Nam thì bắt đầu từ nửa đêm ngày 21/3 bất cứ ai về từ bất cứ nơi đâu trên thế giới sẽ bị đưa đi cách ly tập trung 14 ngày.
VOA đã liên lạc một số du học sinh Việt Nam ở vùng quanh thủ đô Washington D.C. để tìm hiểu về phản ứng của họ.
‘Về mang theo bệnh’
Anh Nam Đoàn, hiện đang học cao học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Marrymount, tiểu bang Virginia, nói sau khi cân nhắc kỹ, anh quyết định không về Việt Nam vào lúc này.
Lý do anh đưa ra là anh không muốn gây nguy hiểm cho bố mẹ anh ở Hà Nội cũng như không muốn gây khó khăn cho công việc chống dịch của Việt Nam.
“Bây giờ tất cả mọi người từ tâm dịch đổ về Việt Nam cũng có thể là mang theo mầm bệnh,” anh nói. “Ở Việt Nam ít người có bệnh, chủ yếu là ở nước ngoài có bệnh rồi về làm lan ra xung quanh.”
“Bố mẹ em cũng lớn tuổi rồi nên nếu em về mà bị bệnh chẳng hạn thì sẽ gây nguy hiểm cho bố mẹ,” anh nói thêm.
Anh nói khả năng lây nhiễm lớn là khi anh ‘ra sân bay và lên máy bay gặp người này người kia có thể bị lây bệnh’.
“Mình ở đâu thì cố gắng ở đấy và tự bảo vệ bản thân thay vì đi về (Việt Nam) rồi lây cho những người nhà,” anh nói.
Tình hình dịch bệnh giữa Mỹ và Việt Nam, theo anh Nam, thì Mỹ ‘chắc chắn đáng lo hơn’.
Tuy nhiên, anh sinh viên cao học này nói mặc dù số ca của Mỹ đã lên đến gần 17.000 nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở các bang New York, Washington, California và New Jersey và chưa lan nhiều ra những nơi khác như nơi anh ở là bang Virginia.
“Nếu dịch bùng phát mạnh ở bang Virginia thì có thể em sẽ về, nhưng hiện tại chưa đến mức,” anh Nam cho biết và nói anh hy vọng dịch ‘sẽ không bùng phát trên khắp nước Mỹ’ vì Mỹ ‘đã bắt đầu phản ứng nghiêm túc hơn’ và ‘có những biện pháp để chặn dịch lan rộng’.
Tuy nhiên, anh Nam cũng nói anh sợ rằng lúc đó ‘không về được’ vì ‘các chuyến bay rất hạn chế’ trong bối cảnh các nước đóng cửa biên giới để chống dịch.
Mặc dù không về Việt Nam vào lúc này nhưng anh Nam nói anh ‘thông cảm’ với các du học sinh trở về từ châu Âu.
“Việt Nam hiện thực hiện cách ly rất chặt chẽ, cung cấp đầy đủ ăn ở cũng như chữa bệnh miễn phí nên việc du học sinh trở về nước là điều có thể hiểu được,” anh nói thêm và chỉ ra việc Việt Nam truy lùng hết những người tiếp xúc trực tiếp (F1) cũng như gián tiếp (F2) của các bệnh nhân dương tính – điều mà anh cho là ‘Mỹ không làm được’.
Nếu trong trường hợp bị nhiễm bệnh thì anh nói anh sẽ về Việt Nam vì ‘sẽ có khả năng được chữa trị cao hơn’.
Theo lời anh thì vào lúc này, cả anh và bố mẹ anh đều lo lắng cho nhau.
“Bố mẹ em đã lớn tuổi. Rủi bị nhiễm bệnh thì kể cả ở Việt Nam có chữa trị kịp thời thì khả năng được chữa khỏi là rất thấp. Đó là điều em không mong muốn nhất vào thời điểm này,” anh nói và cho biết anh đã khuyên bố mẹ không đi ra ngoài, kể cả đi dạo.
Trong khi đó, bố mẹ anh cũng rất lo cho anh, anh cho biết, ‘vì các ca bệnh ở Mỹ đang leo thang rất nhanh’.
“Em không muốn giờ đi về rồi dang dở việc học mai mốt qua lại rất khó. Bố mẹ khuyên em cố gắng hạn chế đi lại và giao tiếp với người khác,” anh nói.
Hiện giờ anh đang học trực tuyến cho đến hết mùa hè, bỏ luôn việc tập thể hình cũng như đi đến nhà thuốc lấy thuốc vì ‘ở đó toàn người bệnh’, theo lời anh. Riêng lương thực và nhu yếu phẩm thì anh đã ‘mua thủ sẵn’ trong nhà ngay khi Virginia phát hiện những ca bệnh đầu tiên.
Nỗi lo của du học sinh
Trao đổi với VOA, anh Nguyễn Trần Trí, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Tự động hóa thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ và hiện đang cư ngụ ở tiểu bang Maryland, cho biết anh bị ‘kẹt’ vì sắp đến hạn trình luận án nên không thể về Việt Nam tránh dịch được.
“Đây là kỳ cuối nên tôi phải ở lại để bảo vệ luận án tiến sỹ, tháng sau tôi sẽ bảo vệ trực tuyến. Bảo vệ xong tôi sẽ về Việt Nam luôn,” anh nói và cho biết hiệu trưởng trường anh đã thông báo ông bị dương tính với virus corona sau chuyến đi châu Âu về.
Nếu khi đó tình hình trở nên phức tạp hơn nữa khiến cho việc đi lại thêm khó khăn thì anh Trí nói anh ‘sẽ ở lại Mỹ chờ đến khi nào về được sẽ về’.
“Tôi bị bệnh hô hấp, bị hen suyễn nên nếu mắc thêm bệnh Covid-19 nữa thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều,” anh giải thích lý do muốn về Việt Nam. “Về Việt Nam còn được điều trị chứ ở đây sẽ bị cách ly ở nhà.”
“Giả sử vô tình mình mắc bệnh thì việc đầu tiên là mình phải tự cách ly ở nhà chứ không được đến bệnh viện như Việt Nam.”
Anh nói một phần lý do anh vẫn ở lại Mỹ vì ‘tình hình ở Mỹ không đến mức như ở châu Âu’.
“Nếu tình hình ở đây nghiêm trọng như ở châu Âu thì tôi sẽ về,” anh nói và cho biết nhiều bạn bè của anh ở Anh, Tây Ban Nha hay Thụy Sỹ ‘đều đã về Việt Nam’.
Theo lời anh Trí thì nếu về Việt Nam vào lúc này thì chắc chắn anh sẽ bị đưa đi cách ly ngay trong 14 ngày ở cách doanh trại quân đội, nhưng điều đó đối với anh không là vấn đề.
“Cha mẹ tôi cũng lo nhiều và dặn dò nhiều, thúc giục tôi đi chợ mua đồ dự trữ và dặn không được đi ra ngoài,” anh nói.
Khi dịch chớm xuất hiện ở bang Maryland thì anh ‘đã đi chợ mua đồ hết rồi’ nên anh ‘không đi ra ngoài trong vòng 10 ngày nay, anh cho biết. Do đó anh không lo lắng gì hết mà chỉ ở trong nhà không đi ra ngoài.
‘Nhiều rủi ro’
Về phần mình, cô Ngô Tăng Thu Hà, sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật Y sinh cũng thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ có cùng quan điểm với anh Nam Đoàn là về Việt Nam bây giờ ‘sẽ rủi ro và tạo sức ép đối với hệ thống chống dịch trong nước’.
Theo cô thì ‘cách tốt nhất là mọi người ở đâu thì nên ở đấy’ và gọi việc di chuyển từ nơi có dịch đến nơi ít dịch là ‘chắp vá’ vì ‘dịch xảy ra ở khắp nơi’.
“Em không nghĩ chắp vá thế này có lợi cho việc chống dịch,” cô nói. “Ở đâu cũng như nhau cả. Cách tốt nhất là tự giữ gìn sức khỏe.”
“Em không muốn vì cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến những người đang chống dịch ở Việt Nam,” cô nói thêm về lý do cô không muốn về quê nhà của cô là Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng giống như anh Nam, cô Thu Hà chỉ ra nguy cơ của việc bị lây nhiễm khi đi máy bay vào lúc này là ‘khá cao’.
“Em không sợ bị nhiễm virus mà chỉ sợ là em sẽ mang virus về lây cho những người già vốn có nguy cơ tử vong cao.”
Một rủi ro nữa của việc về Việt Nam lúc này, theo lời người sinh viên năm nhất này, là ‘khó xin thị thực trở lại Mỹ’ trong bối cảnh Mỹ đã hủy tất cả mọi cuộc hẹn xin thị thực thông thường đối với tất cả các nước trên thế giới.
Khác với anh Nam và anh Trí, cô Thu Hà cho rằng hiện tại ở Mỹ ‘an toàn hơn’ ở Việt Nam.
Cô giải thích rằng mặc dù con số lây nhiễm cao nhưng tỷ lệ nhiễm trên tổng số dân Mỹ ‘không có bao nhiêu’ và rằng chăm sóc y tế ở Mỹ khi nhiễm bệnh ‘sẽ tốt hơn ở Việt Nam’ trong khi ‘tất cả sinh viên ở Mỹ đều có bảo hiểm’.
“Ngay cả khi hệ thống y tế ở Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch hơn nhưng khi phát sinh số lượng nhiễm cả ngàn người thì Việt Nam cũng không có năng lực để xử lý,” cô giải thích.
“Nếu toàn bộ du học sinh về Việt Nam thì làm sao Việt Nam chắc chắn chỉ có bao nhiêu đó ca nhiễm?” cô nói thêm.
“Hiện giờ em vẫn được trường cho ở lại ký túc xá nên mọi thứ vẫn ổn. Em đang rất lo là không biết đến mùa hè họ có cho ở lại hay không,” cô nói thêm.
Theo lời cô thì nhiều bạn bè cô đã phải về Việt Nam vì nhà trường đóng cửa và không cho sinh viên ở nội trú nữa để ngăn dịch.
“Mỹ hành động muộn hơn những nước khác nhưng bây giờ cũng bắt đầu làm quyết liệt,” cô nói thêm.

Diễn đàn Facebook

No comments:

Post a Comment