Mạng Xã Hội “WeChat” bị dân Trung Hoa kiện tập thể
“Một xã hội lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói” - Bác sĩ Li Wenliang
Ls Đặng Thanh Chi (Danlambao)
- Ngày 6 tháng 2 năm 2020 sự ra đi vĩnh viễn của bác sĩ Li Wenliang đã
thức tỉnh người dân Trung Quốc về tầm quan trọng của quyền tự do ngôn
luận. Nếu sự thật không bị đảng CS Trung Quốc bưng bít, bóp méo, che đậy
thì ngày nay sinh mạng và cuộc sống của hằng triệu người dân Trung Quốc
và của cả thế giới đã không phải đối diện với sự đe dọa chưa từng thấy.
Trong một xã hội tự do dân chủ, tinh thần trách nhiệm và lương tâm của
vị lương y này chắc chắn đã được vinh danh như một anh hùng, thế nhưng
tại một nước độc tài cộng sản, Bác Sĩ Li Wenliang đã bị ghép tội và đối
xử như một tội phạm. Kết cuộc bi thảm của ông đã bắt đầu khi ông gõ trên
bàn phím những giòng báo động gửi trên WeChat: “Có 7 trường hợp SARS
được xác nhận tại chợ hải sản Huanan... Tin mới nhất vừa được xác minh
là họ đã nhiễm vi khuẩn Coronavirus”.
WeChat là mạng xã hội hiện có hơn 1 tỉ dân sống ở Trung Quốc sử dụng và
ước chừng 100 đến 120 triệu người sống ngoài Trung Quốc sử dụng hằng
ngày. Chính vì thế, WeChat được xem là công cụ của nhà cầm quyền CS
Trung Quốc để giám sát chặt chẽ mọi suy nghĩ của người dân. Lực lượng
công an mạng hùng hậu và dư luận viên đóng quân thường trực trên WeChat
có nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát và toàn quyền đóng các tài khoản đăng
những thông tin “nhạy cảm”, những tuyên bố “bất hợp pháp”, “phạm luật”
và tùy tiện ngăn chận không cho tiếp cận các “thông tin”, “lời nhắn”
giữa các nhóm trao đổi trên mạng xã hội nằm “trong tầm ngắm” của chế độ.
Song song đó, dư luận viên và công an mạng còn kiêm nhiệm vụ “hướng
dẫn” dư luận, tẩy não người dân theo chỉ thị và hướng dẫn của lãnh đạo.
Ngoài ra, WeChat còn được thiết bị để giữ nhiều chức năng khác như lưu
trữ thông tin cá nhân, mua bán hàng hóa, thanh toán tiền bạc, các dịch
vụ y tế, đặt mua vé du lịch và khách sạn v.v... Nôm na, WeChat có khả
năng theo dõi mọi ý nghĩ, lời nói, thái độ, hành động, sinh hoạt và mọi
mặt đời sống của mọi người, mọi nơi, mọi lúc.
Mạng xã hội WeChat bắt đầu hoạt động năm 2011 và là thành phẩm của tập
đoàn Tencent Holdings Ltd., vốn là công ty công nghệ viễn thông lớn nhất
tại Trung Quốc thành lập năm 1998. Sau khi kiến tạo nên WeChat, định
giá vốn thị trường vào cuối năm 2017 của Tencent là $530 tỉ USD, vượt
qua Facebook thời bấy giờ và đoạt vị trí thứ 5 trong số các tập đoàn lớn
nhất thế giới lúc đó. Tencent được niêm yết tại Sở Giao Dịch Chứng
Khoán Hong Kong với ticker code 0700.hk,
và giao dịch chứng khoán trên NASDAQ ở Hoa Kỳ, dưới dạng ADR (“American
Depository Receipt”) với cổ phiếu ticker TCEHY. TCEHY giao dịch trên thị
trường chứng khoán New York và phải tuân theo các quy luật của Hiệp Hội
Chứng Khoán Hoa Kỳ (American Securities Association). Khi ghi danh tại
Hoa Kỳ dưới dạng ADR, Tencent không muốn công khai mối quan hệ với chính
phủ Trung Quốc nhằm che đậy các rủi ro chính trị cho giá trị cổ phiếu
của mình. Yếu tố này tạo nên nguy hiểm cho các nhà đầu tư. Hiện có hơn
700 công ty con của tập đoàn Tencent, trong số đó có hàng chục công ty
được liệt kê tại Hoa Kỳ. Đa số chúng ta biết đến những sản phẩm của
Tencent qua các trò chơi video games như Riot Games, (League of
Legends), Supercell (thuộc nhà sản xuất Clash of Clans) v.v... Tencent
cũng bỏ tiền đầu tư vào các công ty lớn như Epic Games (Gears of War) và
Activision Blizzard (Overwatch và Destiny).
Tencent lợi dụng vốn capital của Mỹ để phát triển và tham gia vào việc
khai triển hệ thống giám sát dân chúng của đảng CS Trung Quốc. Bên cạnh
việc cải thiện hơn nữa cơ chế giám sát gắt gao của WeChat, Tencent còn
nỗ lực rất lớn vào việc phát triển các công nghệ khác nhằm trấn áp chính
trị triệt để quần chúng trong nước. Những công nghệ này bao gồm hệ
thống nhận dạng, và các phương pháp giám sát khác sử dụng trí tuệ nhân
tạo. Tại Trung Quốc, ngoài việc độc quyền mạng xã hội, Tencent còn cung
cấp 1 số ứng dụng truyền thông xã hội và nhắn tin bao gồm QQ và QZone.
Tencent cũng tung ra thị trường trợ lý kỹ thuật số với tên gọi Xiaowei
có thể trả lời các câu hỏi về thời tiết hoặc giao thông (tương tự như
Alexa, Google Home) cho quần chúng Trung Hoa sử dụng. Số lượng ứng dụng
và dịch vụ mạng internet của Tencent ở Trung Quốc dường như là vô tận,
trải dài từ dịch vụ trả tiền di động của hệ thống TenPay, đến dịch vụ
lưu trữ dữ liệu cloud storage Weiyun, thậm chí hãng phim Tencent
Pictures v.v...
Trước khi xảy ra dịch bệnh Coronavirus (nCovid-19), WeChat áp dụng 1 cơ
chế kiểm tra nội dung đăng tải trên mạng xã hội với tên gọi “Một APP,
Hai Hệ Thống” (“One APP, Two Systems”). Hệ thống này kiểm duyệt những
người sử dụng WeChat trong nước và ngoài nước qua hai hệ thống riêng
biệt để tránh né luật pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở các quốc gia
dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây, Tencent đã áp dụng “Một APP,
Một Hệ Thống” cho cả người dân Trung Hoa trong cũng như ngoài nước.
Thông tin của nhiều người dùng WeChat ở nước ngoài cũng bị kiểm duyệt
tương tự hoặc thậm chí còn khắc nghiệt hơn so với những người sử dụng
trong nước. Trình duyệt tích hợp của WeChat ngăn chận một số trang mạng
không cho người từ ngoài Trung Quốc tiếp cận. Càng ngày số lượng người
dùng WeChat từ bên ngoài Trung Quốc bị chận càng nhiều, cũng như họ
không thể nhận những tin nhắn từ trong nước gửi ra, đặc biệt là những
thông tin liên quan đến Coronavirus càng bị kiểm duyệt gắt gao. Do
WeChat cung cấp thông tin, người dân Trung Quốc bị công an vũ trang quấy
rối, đe dọa, đàn áp. Các nhà đấu tranh nhân quyền Trung Hoa đang sống ở
các nước tự do cho biết do mạng xã hội WeChat mà danh tính và dữ kiện
cá nhân của họ bị lộ và gia đình họ sống ở Trung Quốc bị công an truy tố
vì các hoạt động của họ ở nước ngoài.
Cái chết của bác sĩ Li Wenliang và những đau khổ, mất mát, khó khăn kéo
dài đến nay của đại dịch Coronavirus đã đánh động một số thành phần quần
chúng trong nước về tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận và cái ác
của đảng CS cầm quyền khi bưng bít thông tin gây ra hằng ngàn cái chết
của dân vô tội. Khai thác sự nhận thức của quần chúng lần đầu tiên trong
xã hội Trung Quốc qua biến cố của đại dịch, các nhà đấu tranh, trí thức
trong và ngoài nước đã quyết định khởi kiện WeChat tại Hoa Kỳ và Trung
Quốc. Đây sẽ là một vụ kiện tập thể cho những người sử dụng WeChat trong
và ngoài nước và của cổ đông của WeChat / Tencent tại Hoa Kỳ. Một đội
ngũ các luật sư Trung Hoa và Hoa Kỳ đang phối hợp để thu thập các dữ
kiện pháp lý từ các nạn nhân và chia làm 4 trường hợp:
1. Các trường hợp nạn nhân bị nhà cầm quyền CSTQ truy tố vì đã đăng tải
những thông tin trên mạng xã hội và do hệ thống kiểm duyệt của WeChat
cung cấp cho tòa án.
2. Các trường hợp bị tổn thất tài chính nghiêm trọng vì WeChat tự tiện
đóng tài khoản cá nhân do đăng các thông tin bị cho là “nhạy cảm”, “sai
lạc”, “gây tổn hại” cho nhà nước.
3. Các trường hợp bị tổn thất về tinh thần và vật chất do WeChat vi phạm quyền riêng tư.
4. Các trường hợp các nhà đầu tư và cổ đông bị thiệt hại do việc Tencent che giấu mối quan hệ với chính phủ Trung quốc.
Theo các luật sư cho biết, từ những dữ kiện thu thập được từ các nạn
nhân, họ sẽ chọn lọc những trường hợp có cơ sở pháp lý mạnh nhất với
những thiệt hại nghiêm trọng nhất để lập án khởi kiện chính thức. Họ sẽ
bắt đầu với các trường hợp nạn nhân là công dân Mỹ hoặc là thường trú
nhân tại Hoa Kỳ. Đồng thời, các luật sư cũng phối hợp hành động với nhóm
người Hoa sử dụng WeChat trong nước, để hỗ trợ họ cùng khởi kiện tập
thể trên 1 quy mô rộng lớn hơn. Bác sĩ Li Wenliang chắc chắn không phải
là nạn nhân duy nhất bị truy tố vì sự giám sát gắt gao của WeChat. Ngoài
ông, chúng ta hẳn chưa quên trường hợp của cựu chủ tịch của Cục Kiểm
Tra và Giám Sát của Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Tân Cương, kiêm
cựu Trưởng Khoa của Đại Học Y Khoa Tân Cương, Halmurat Ghopur. Ông bị
buộc tội bày tỏ “khuynh hướng dân tộc” trên WeChat, và bị kết án tử hình
vì tội “chia rẽ đất nước” và “tuyên truyền cực đoan”. Và ông Zhang
Haitao, 1 nạn nhân công giáo, đã bị kết án 19 năm tù vì gửi tin nhắn
trên WeChat với nội dung ủng hộ nhân quyền. Và còn rất nhiều những nạn
nhân khác do WeChat cung cấp dữ kiện để bộ máy công quyền CSTQ sử dụng
làm bằng chứng để truy tố mà hy vọng nhóm luật sư hành động vì công lý
sẽ phơi bày trước ánh sáng công luận quốc tế.
Các nhà đấu tranh Trung Hoa cho rằng Tencent đang là gông cùm công nghệ
cho đảng CSTQ khóa chặt quyền tự do của người dân. Những gì tập đoàn này
đã và đang làm trong nước và ngoài nước Trung quốc vi phạm nghiêm trọng
quyền làm người, vi phạm hiến pháp Trung Quốc, luật pháp Hoa Kỳ cũng
như luật pháp quốc tế. WeChat vi phạm các quyền riêng tư, quyền tự do tư
tưởng, tự do bày tỏ, tự do tiếp cận thông tin, và tùy tiện đóng tài
khoản của người sử dụng, gây tổn hại quyền lợi kinh tế, thất thoát tài
chánh. WeChat còn có thể bị truy tố vì khả năng liên hệ đến các hoạt
động gián điệp, thu thập nhiều loại thông tin của người dùng WeChat bất
cứ lúc nào và sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, không có sự đồng ý
hoặc hay biết của người sử dụng.
Các tổn thất và tác hại tiềm ẩn do WeChat/Tencent gây ra khó ước tính
cho thực hết. Đại dịch Coronavirus tiếp tục vượt biên giới gieo rắc đại
họa khắp toàn cầu chỉ vì sự thật bị kiểm soát. Qua đại dịch này, người
dân Trung Quốc ý thức được rằng: Tự Do Ngôn Luận nếu được thực thi không
gây nguy hiểm chết người, nhưng chính sự cưỡng bức im lặng của đảng
CSTQ đã khiến hằng ngàn người phải mất mạng. Mong rằng vụ kiện tập thể
nhắm vào WeChat / Tencent này sẽ thành công tại Hoa Kỳ để oan hồn của
hằng ngàn người Trung Hoa ở Vũ Hán và nạn nhân ở các địa phương bị phong
tỏa, bức tử khác cũng sẽ được an ủi phần nào. Xin cầu chúc cho các
phong trào đấu tranh dân chủ trong và ngoài Trung Quốc ngày càng tạo
thêm khó khăn càng nhiều trên các mặt trận đa dạng để làm suy yếu thêm
các cột trụ quyền lực của chế độ bạo tàn. Năm 2020 là năm đại họa cho
đảng CSTQ vì tứ bề thọ địch.
29.02.2020
No comments:
Post a Comment