Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 2 March 2020

Vì sao virus corona lây quá nhanh?

02/03/2020 08:09 GMT+7

TTO - Nhìn lại hành trình di chuyển tới nay của virus corona chủng mới, không thể không lo ngại trước tốc độ và quy mô tác động quá nhanh, quá nguy hiểm của nó.

Vì sao virus corona lây quá nhanh? - Ảnh 1.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Sau khi xuất hiện tại một chợ hải sản đầu mối ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12-2019, chỉ trong hơn 2 tháng, virus corona chủng mới đã lây lan khắp thế giới, tới tận những thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Ý và một điểm hành hương lớn của tín đồ Hồi giáo ở Iran.
Con virus này cũng đã phát tán theo cấp số nhân từ một nhà thờ của giáo phái ở Hàn Quốc và khiến hàng trăm người đổ bệnh trên một du thuyền đậu ngoài khơi Nhật Bản.
Có một thực tế, chỉ vài tuần trước, nhiều nước còn chưa hề nghĩ họ sẽ phải ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nhưng hiện tại đã nhận ra họ không thể ngăn nó bên ngoài lãnh thổ trong một thế giới siêu kết nối như hôm nay.
Virus corona chủng mới đã xuất hiện ở rất nhiều nơi khác nhau, đôi khi không rõ mối liên hệ dịch tễ nào với nguồn khởi phát dịch ban đầu ở Trung Quốc.
Theo báo Wall Street Journal, việc tăng cường đi lại và tăng cường hoạt động giao thương trong vài thập kỷ qua đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh toàn cầu.
Kể từ năm 2003, lưu lượng khách đi lại đường không toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi. Năm 2003 là thời điểm phát sinh dịch SARS làm 8.100 người nhiễm và 774 người chết.
Dẫu thế, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh rốt cuộc vẫn sẽ tùy thuộc vào cách thức lây lan cũng như mức độ nguy hiểm chết người của nó. Song đáng lo ngại khi những yếu tố này của virus corona chủng mới hiện vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Trên thực tế, chính sự thiếu hiểu biết chắc chắn về những yếu tố này là nguyên nhân khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn.
Ngay lúc này, số ca nhiễm bệnh tăng lên chủ yếu thông qua những kẽ hở lây lan chưa được nhận biết và kiểm soát. Bởi thế virus corona chủng mới đang lan ra trên toàn thế giới với tốc độ nhanh hơn so với việc áp dụng hay cập nhật/làm mới các biện pháp tầm soát dịch.
Chủng virus mới đang trở thành thách thức lớn với các nhà chức trách y tế tại nhiều nước vì những người nhiễm bệnh và đang lây bệnh cho người khác có thể chỉ biểu hiện những triệu chứng không nghiêm trọng, thậm chí chưa có biểu hiện triệu chứng. Điều này khiến việc phát hiện rất khó khăn, cũng vì thế virus corona chủng mới lây dễ dàng hơn.
Theo học giả Nils Daulaire thuộc Trường y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan - nguyên trợ lý bộ trưởng các vấn đề toàn cầu tại Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ, các dịch bệnh COVID-19 tại Ý, Iran và Hàn Quốc đều bắt đầu chỉ với một vài ca bệnh và rồi lan ra rất nhanh, cho thấy nhiều ca bệnh nhẹ đã góp phần vào tốc độ lây lan dịch mà không thể biết.
"Giờ là lúc gần như chắc chắn dịch bệnh sẽ lan tới mọi ngõ ngách trên thế giới và tác động tới mọi quốc gia", bác sĩ Daulaire nói.
Ngoài ra, bất kể việc các hệ thống y tế công toàn cầu đã cải thiện thời gian qua, song nhiều nước vẫn còn chưa có đủ lực lượng nhân viên y tế cũng như công nghệ phòng thí nghiệm đạt chuẩn để nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh.
Những vấn đề về xét nghiệm chẩn đoán cho thấy nhiều người bị nhiễm bệnh có thể đã không được kiểm tra. Nhiều nước thiếu trang thiết bị y tế để giải quyết một số lượng lớn người bệnh bị COVID-19 đồng thời cần được chữa trị.
Tại sao tỉ lệ tử vong do virus corona ở Iran cao nhất thế giới? Tại sao tỉ lệ tử vong do virus corona ở Iran cao nhất thế giới?
TTO - Với 593 người nhiễm, 43 người chết tính đến sáng 1-3, Iran hiện là quốc gia có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới (hơn 8%), cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu hiện nay là 3,4%. Hiện tượng này do đâu?
ĐẮC LUÂN

Bình luận (2)
  • Huỳnh GiaRất đáng lo ngại. Việt Nam nên giảm số nước miễn visa vào VN. Năng lực y tế tính riêng ở TP.HCM, một thành phố lớn nhất nước mà chỉ có 900 giường để trị Covid là quá ít so với khu vực. Số lượng nhân...+
  • Vương Bảo TrânCon người ngày nay đang phải đối diện với quá nhiều thách thức của câu chuyện: hạn hán, cháy rừng, bão lũ, nước biển dâng, ... bệnh dịch, ... và chiến tranh.

No comments:

Post a Comment