Nhớ Thầy Dương Thiệu Tống
Nhớ Thầy Bàn Thạch Dương Thiệu Tống
Trần Nam Bình
Giáo sư Dương Thiệu Tống đã
vĩnh viễn giã từ chúng ta ! Từ
nay trên các diễn đàn cải tổ
giáo dục chúng ta sẽ không còn
nghe tiếng nói, các lời khuyến cáo
uyên bác và cương trực của
Ông nữa. Sự ra đi của một người
đầy tâm huyết và năng lực
như Giáo sư thật là mất mát
lớn lao cho nền giáo dục nước
nhà, nhất là trong khi hành trình
cải cách còn dài và còn
nhiều chông gai.
Tôi biết đến Giáo sư Tống
qua ba mối liên hệ khác nhau. Thứ
nhất, Giáo sư Tống đảm nhiệm
chức Hiệu trưởng trường Trung học
Kiểu Mẫu Thủ Đức khi trường
khai giảng lần đầu niên khóa
1965-66. Đó cũng là năm mà
tôi vào học lớp 6 trong trường. Thứ hai, Thầy Tống cũng là thân
phụ của anh bạn học cùng lớp chí
thân với tôi, từ năm lớp 6 đến
đến năm lớp 12, cũng như sau khi
chúng tôi cùng đi du học Úc năm
1972. Thứ ba, Thầy Tống là nhà khoa
học chuyên ngành giáo dục và
tôi cũng quan tâm đến bộ môn
này, mặc dù hai Thầy trò chúng
tôi đến với giáo dục từ hai
quan điểm khác nhau : giáo dục (Thầy)
và kinh tế (tôi). Vì ba mối liên
hệ này mà tôi đã có
nhiều dịp quan sát, gặp gỡ, liên
lạc, trao đổi với Thầy cũng như
theo dõi các quan điểm, việc làm
của Thầy trong hơn 40 năm qua.
Là một nhà giáo, Thầy Tống đã
tận tuỵ cống hiến cho nền giáo
dục nước nhà trong suốt hơn sáu
thập kỷ vừa qua. Thầy đã đào
tạo, đỡ đầu rất nhiều thế
hệ học sinh và sinh viên. Các học
trò cũ của Thầy ngày nay đều
rất thành đạt và sinh sống khắp
nơi trên thế giới. Dùng lối ví
von mà Thầy hay dùng lúc sinh thời,
Thầy là một ông chèo đò
tận tâm và chung thủy. Tất cả
học trò cũng như đồng nghiệp
của Thầy đều rất kính ngưỡng
nếp sống trong sạch, thanh bạch và lối
làm việc hăng say, nhiệt thành của
Thầy. Sĩ khí và nhân cách của
Thầy quả là tấm gương soi cho các
học trò cũ nói riêng và giới
trí thức nói chung.
Là một nhà quản lý giáo dục,
Thầy Tống đã từng làm Hiệu
trưởng hai trường trung học hoàn
toàn khác biệt nhau. Trường thứ
nhất là Quốc Học Huế, một trường
lâu đời với hơn 100 năm lịch
sử và trên 3000 học sinh. Trường
thứ hai là Kiểu Mẫu Thủ Đức,
một trường rất non trẻ, khai giảng
năm 1965-66 với vỏn vẹn trên dưới
280 học sinh. Cùng với trường Trung
học Kiểu Mẫu Huế, Kiểu Mẫu Thủ
Đức là nơi đầu tiên thử
nghiệm chương trình giáo dục tổng
hợp. Rất tiếc cuộc thử nghiệm
này đã bị ngưng lại sau 10 năm
vì chuyển biến lớn lao của lịch
sử.
Là một học giả chuyên ngành
giáo dục, Thầy đã để lại
nhiều đóng góp quý báu. Thứ
nhất, Thầy luôn đi tiên phong trong đổi
mới giáo dục. Có lẽ một di sản
to lớn nhất của Thầy là chương
trình giáo dục trung học tổng hợp
mà Thầy đã soạn thảo khi làm
Hiệu trưởng trường Kiểu Mẫu
Thủ Đức. Đây là một chương
trình giáo dục tiên tiến với ba
chủ đích : thực hiện giáo dục
tổng quát giúp mọi học sinh đạt
một trình độ phổ thông, cũng
như có một thái độ sống
thích hợp trong gia đình và xã
hội trong truyền thống dân tộc, thực
hiện giáo dục hướng nghiệp giúp
cho một số học sinh có cơ hội
phát triển năng khiếu cá nhân,
tài khéo thực dụng đế có
thể chuẩn bị trong nghề nghiệp khi
không thể học lên cao, và thực
hiện giáo dục hướng học giúp
cho một số học sinh chuẩn bị con đường
hậu trung học trong cũng như ngoài nước. Nếu biết khôi phục, điều chỉnh
cho hợp lý và khéo léo tận
dụng, giáo dục tổng hợp chính
là những vật liệu vô cùng quan
trọng và quý báu cho việc xây
dựng một mô hình giáo dục trung
học thích hợp cho Việt Nam trong bối
cảnh toàn cầu hóa, toàn vùng
hóa hiện thời. Thầy cũng là
người đi tiên phong trong việc áp
dụng phân tích thống kê để
nâng lối thi trắc nghiệm lên thành
một phương pháp khảo sát hệ
thống, khách quan và khoa học tại
Việt Nam.
Thứ hai, Thầy là một nhà khoa học
chân chính và khả kính. Cuốn
sách tập hợp những bài Thầy
viết về giáo dục ở Việt Nam là
một ví dụ điển hình(1).
Văn phong của Thầy điềm đạm,
chừng mực, hợp lý và luôn luôn
được dẫn chứng bằng các số
liệu do chính Thầy thu thập và phân
tích. Do đó, chúng ta không ngạc
nhiên khi rất nhiều chuyên gia đã
xem Thấy là người nghiên cứu về
giáo dục khoa học nhất hiện nay. Phong thái khoa học nghiêm túc của
Thầy có lẽ được hun đúc
qua truyền thống gia đình, các cơ
hội học tập nghiên cứu hậu đại
học tại Anh và Mỹ, cũng như tinh
thần phóng khoáng, tự học suốt
đời của Thầy. Nhờ thế, tuy Thầy
và tôi đến với giáo dục từ
hai quan điểm khác biệt, chúng tôi
có rất nhiều điểm chung và dễ
dàng thông cảm nhau. Cách làm
nghiên cứu của Thầy đúng là
khuôn mẫu cho các nhà nghiên cứu
về giáo dục tại Việt Nam ngày
nay.
Trong những lần đi công tác tại
Việt Nam, tuy quỹ thời gian rất eo hẹp,
tôi luôn luôn tranh thủ đến thăm
Thầy. Những lần đầu, Thầy tiếp
tôi tại phòng khách. Sau này, vì
lý do sức khoẻ, Thầy không xuống
nhà dưới nữa và tiếp tôi
trên lầu. Lúc nào Thầy cũng say
sưa thảo luận về các đề tài
giáo dục với lối trình bày
minh bạch, kiến thức uyên bác và
lý luận sắc bén. Lần về Việt
Nam gần đây nhất, tôi tham dự Hội
thảo Hè Nha Trang đầu tháng 8 vừa
qua. Nhân dịp ghé ngang Thành Phố,
tôi cùng Tiến sĩ Sử học Nguyễn
Nhã đến viếng thăm Thầy. Tuy
không khoẻ, Thầy vẫn nói chuyện
rất hăng say với chúng tôi. Không
ngờ, đó cũng là lần cuối mà
chúng tôi còn được diện
kiến và học hỏi nơi Thầy.
Tôi nghĩ Thầy ra đi rất nhẹ nhàng
và mãn nguyện. Nhẹ nhàng bởi
vì Thầy đã trả xong nợ với
cá nhân, với gia đình và với
đất nước. Mãn nguyện vì
Thầy đã để lại nhiều di sản
tinh thần cho các thế hệ mai sau. Ước
mong rằng các học trò cũ của
Thầy, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn
phấn đấu và phát huy tinh thần
giáo dục nhân bản, dân tộc và
khai phóng đã hấp thụ được
từ Thầy. Ước mong hơn nữa là
các nhà lĩnh đạo, các nhà
làm chính sách giáo dục cũng
như các nhà quản lý các trường
học sớm tìm hiểu và thực thi
phần nào các kiến nghị, các đề
xuất cải tổ của Thầy để đưa
nền giáo dục nước nhà tiến
lên ngang tầm các nước bạn trong
khu vực. Đó là phần thưởng
có ý nghĩa nhất cho nhà giáo
dục Bàn Thạch Dương Thiệu Tống,
người luôn hằng mong giáo dục sẽ
giúp Việt Nam “ xây nền hạnh phúc
tiến với thế giới ”.
Trần Nam Bình
UNSW, Sydney, Úc
(1) Suy nghĩ về
giáo dục truyền thống và hiện đại, Nhà xuất bản Trẻ
& Công ti Phương Nam, 2003, 400 trang.
No comments:
Post a Comment