Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 23 August 2019

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Những rổ tép khô

4
Khi trộm cướp đã trở thành phương cách sống cho một nhóm người trong xã hội, chả chóng thì chầy, họ sẽ tự tạo ra một hệ thống pháp lý và luân lý để hợp lý hoá và vinh danh đạo tặc.
Frederic Bastiat
Tôi bước vào tuổi dậy thì cùng với những sáng tác đầu tay của của Trịnh Công Sơn:
Gọi nắng
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay…
Trong căn nhà vắng – sau giấc ngủ trưa muộn màng – nằm lắng ghe Hạ Trắng bỗng thoáng thấy buồn, và không dưng tôi hiểu ra thế nào là nỗi buồn vô cớ. Giữa đêm (những đêm dài giới nghiêm) ngồi ôm đàn hát mỗi mình, trên sân thượng – nhìn hoả châu rơi, loé sáng ở chân trời – rồi chợt biết thèm muốn một cuộc sống bình an:
Ta đã thấy gì trong đêm nay 
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
 Rừng núi loan tin đến mọi miền 
Gió Hoà bình bay về muôn hướng …
Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn
Ruộng đồng Việt  Nam lên những búp non đầu tiên
Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng…

Chinh chiến rồi tàn. “Gió hoà bình bay về muôn hướng” nhưng người dân trên những đoàn tầu Thống Nhất, tiếc thay, không mấy ai cảm thấy hồ hởi hay phấn khởi gì. Kẻ lo bị móc túi, nếu có tí tiền. Người lo hàng hoá bị tịch thu, nếu là dân buôn bán. Và tất cả đều sợ bị đá ném vào đầu. Những hòn đá xanh, to bằng nắm tay, được trẻ con dọc hai bên đuờng thi nhau ném vun vút vào cửa sổ.
Những con tầu rất bất an (trên đường sắt Bắc/Nam) đã không hớn hở hú còi, và cũng không hân hoan “nhả khói ấm hai bên rừng,” như dự tưởng của người nhạc sĩ tài hoa!
Hành khách Trần Thành Nam tường thuật:
Ở mỗi ga, khoang tàu biến thành cái chợ hay hàng ăn, tùy vào thời điểm. Ngoài sự nghèo đói, lộn xộn, mất vệ sinh và nói chung là kém văn hóa là đặc trưng của những gì xảy ra trên chuyến tàu đó hay cho cả đất nước ta thời đó, điều tôi nhớ nhất và thất vọng vô cùng là: từ Nam ra Bắc tôi hầu như không thấy một nụ cười trên gương mặt một ai cả…
 Ở một ga miền Bắc Trung bộ, tôi không nhớ ở đâu, hình như ở xứ Thanh, có một cô bé khoảng 14-15 đội lên tàu bán một rổ tép khô. Do đông người đi lại bán hàng va chạm, rổ tép khô của cô bé bị rơi đổ hết xuống sàn tàu, ngay trước mắt tôi và cách chỗ tôi ngồi chừng 1-2 mét.
 Cô bé hốt hoảng lo sợ, luốn cuống quì xuống gom vội tép lại. Theo bản năng “ga lăng”, tôi lao ngay ra giúp cô bé vơ tép khô lại thành từng đống nhỏ. Cùng lúc đó, nhiều người xung quanh cũng đều xông vào, đa số cũng là những người bán hàng trên tàu như cô bé, xúm lại làm như tôi: vơ tép khô của cô bé gọn lại. Tôi cười nhìn mọi người và nghĩ: “Ồ, mọi người tốt quá! Thế mà mình đã nghĩ dân ta bây giờ không yêu quí nhau như trước nữa…”
Chưa kịp nghĩ hết ý trên thì tôi đã đớ người ra khi nhìn thấy mọi người không bốc tép khô vào rổ cho cô bé như tôi mà cho vào những cái túi riêng của họ! Một loáng, sàn tàu đã sạch trơn không còn tí tép khô nào! Và mọi người thản nhiên bỏ đi với những túm tép khô vơ vét được của họ, như không có gì xảy ra…
 Tôi chẳng thấy nét mặt ai mừng rỡ hay buồn hay ái ngại gì cả, bình thường… Còn cô bé đứng dậy co dúm thút thít khóc bên cạnh rổ tép khô nay chỉ còn một vốc. Tôi cứ đứng bên cạnh cô bé, ngơ ngác và lòng rưng rưng với nắm tép khô còn chưa kịp đưa vào rổ của cô bé, và không hiểu tại sao mọi người làm như thế! Còn những hành khách trong toa tàu, trong đó có mẹ tôi, đã chứng kiến toàn bộ chuyện đó, cũng làm ngơ, không ai phản đối gì, cho là chuyện bình thường…
 Cho đến hôm nay tôi vẫn còn khinh ghét con người mình vì lúc đó đã không làm được việc mình muốn làm nhất là gào thét lên: “Mọi người! Hãy trả lại tép khô cho cô bé!”
Cô bé bán tép – có lẽ – là một trong những “dân oan” đầu tiên của đất nước, kể từ khi Nam/Bắc hòa lời ca. Với thời gian, số lượng dân oan lên đến hằng chục triệu người (vật vạ, la lết, lang thang, vất vưởng) ở khắp mọi nơi.
Mất tép hay mất đất, tự bản chất, chả khác chi nhiều. Rổ tép đang cầm thì vẫn còn là của mình nhưng sau khi lỡ tay, hoặc trượt chân, làm đổ thì mớ tép khô (bỗng) thuộc “quyền sở hữu của toàn dân.” Bất cứ ai đang có mặt tại chỗ cũng có quyền vơ vét, cất giữ như của riêng tư.
Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai” như Hiến pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao.Cho dù, từ thập niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980…
Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Nói cho nó gọn lại là luật pháp của Nhà Nước Cách Mạng đã khiến cho tài sản ruộng đất của bao người trở thành một rổ tép khô, có thể bị hất đổ tung toé bất cứ lúc nào,  tùy vào dự án của các doanh nghiệp và lòng tham của đám quan chức địa phương. Họ hành xử cũng tồi tệ chả khác gì đám hành khách có mặt trên con tầu năm nọ: Một loáng, sàn tàu đã sạch trơn không còn tí tép khô nào! Và mọi người thản nhiên bỏ đi với những túm tép khô vơ vét được của họ, như không có gì xảy ra… Còn cô bé đứng dậy co dúm thút thít khóc bên cạnh rổ tép khô nay chỉ còn một vốc.
Có bao nhiêu người dân oan Lộc Hưng đang đứng khóc thút thít bên những căn nhà đổ nát của họ. Có bao nhiêu người dân oan Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Dak Nong … đang “co dúm thút thít” trên mảnh đất (còn lại) mà diện tích chỉ đủ dựng một túp lều, kỳ dư đã bị thu hồi với giá đền bù “mỗi m2 bằng giá một… cốc bia” – theo như ghi nhận của blogger Đào Tuấn.
Ảnh: internet
Mà nào có riêng chi ruộng đất. Dưới mắt của giới quan chức hiện nay thì qũi bảo hiểm xã hội cũng thế, cũng có khác chi một rổ tép khô:
Rõ ràng chả cần đến lúc rổ tép đổ, cả đám quan chức vẫn cứ (nháo) nhào vào giật tới tấp và giật tự nhiên như chốn không người. Lịch sự hơn chút xíu là cách “giật tép” của qúi vị chuyên trị “mảng” Doanh Nghiệp Quốc Doanh, vay vốn ưu đãi từ những Ngân Hàng Nhà Nước, và tìm mọi cách để kinh doanh thua lỗ:
Tuy khó đòi nhưng trước sau gì cũng có người phải trả, và số tiền này được báo Thanh Niên số ra ngày 17 tháng 8 năm 2018 tính gọn như sau: “Bình quân mỗi người gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017.” Với thời gian, con số nợ công (tất nhiên) sẽ không dừng ở đó vì dưới mắt quan chức của chế độ hiện hành thì mọi tài sản và tài nguyên của đất nước có chả khác chi cái rổ tép khô trên tay một em bé gái quê đâu.

Giỗ đầu Bùi Tín – Và chưa chi chiều

No comments:

Post a Comment