Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 15 August 2019

GIẢI NGHĨA CÂU CA DAO " Ở ĐỜI CÓ 4 CÁI NGU :...."



Các cụ xưa có câu: 
“Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”

Thực ra trong cuộc đời này có tới hàng trăm, hàng ngàn cái ngu chứ đâu chỉ có bốn cái ngu. Tại sao ca dao không nhắc đến những cái ngu khác mà chỉ nhắc tới có 4 cái ngu: Làm Mai, Lãnh Nợ, Gác Cu, Cầm Chầu? Theo tôi, từ cái ngu nhỏ đến cái ngu lớn chả có cái ngu nào giống cái ngu nào cả. Lúc nhỏ đi học làm bài trượt thì bị thầy mắng ngu, về nhà làm việc hỏng cũng bị mọi người mắng ngu, khi lớn lên dù có thành đạt nhưng bị sơ xuất một việc gì đó rồi cũng bị mắng ngu... Có lẽ cái ngu cũng được lớn dần thao tuổi tác và thời gian vì tuổi càng cao thì cái ngu càng lớn và càng bị nhiều người chửi rủa nhiều hơn. Làm một con người thì không tài nào tránh cho khỏi cái ngu, chỉ có điều ngu về cái gì? ngu ra sao và ngu lúc nào? mà thôi. Nếu xét cho cùng, trong xã hội này ai cũng khôn ngoan thì xã hội sẽ trở thành một sự tranh giành lẫn nhau bởi toàn những kẻ khôn và lúc đó kẻ nào thất bại sẽ lại trở thành kẻ ngu. Do vậy cái khôn chính là con để của cái ngu và ngược lại cáo khôn lại để ra cái ngu. Nói tóm lại, nói về cái ngu thì ai cũng có, nhưng trong phạm vi bài này chỉ bàn về 4 cái ngu được các cụ cho xếp vào bậc ngu nhất thiên hạ. 

Khi nghe câu ca dao chắc không mấy người đã hiểu hết về ý nghĩa hàm thực của nó. Trong câu ca dao này ý muốn nói con người ta chỉ vì cái tính tùy hứng, cả lể muốn làm một việc tưởng như giúp đỡ, làm phúc và từ thiện cho người khác, nhưng thực ra là một việc làm sai lầm để tự gánh nợ vào thân vì đó là một việc làm không mấy hậu hĩnh, chẳng được lợi lộc gì mà chỉ có bận tâm và thiệt bản thân mà thôi. Còn nếu hậu quả xảy ra thì không biết trách ai được và càng ngẫm lại càng thấy mình qủa là dại dột để làm những việc đó. Trong cái dại đã làm nếu không nói ra thì bản thân ấm ức mà nói ra thì mọi người cho mình là ngu và cũng chẳng thể có cơ hội nào để mình khôn hơn và chỉ biết ngậm đắng nuốt cay.
1. "Làm mai" là gì? 
Chắc ai cũng biết là: “làm mai” tức là làm mối cho 1 người này lấy người khác. Từ xưa ông cha ta vẫn có cái truyền thống “bà mối”làm mai làm mối cho nhau khi trai đến tuổi hỏi vợ, gái đến tuổi gả chồng. Nhưng vì sao “làm mai” lại ngu? Bởi vì, trong thực tế người làm mai chẳng được gì, nếu mà 2 người được làm mai sống với nhau hạnh phúc thì không sao, nhưng nếu họ sống không hạnh phúc hoặc có chuyện gì đó xảy ra thì họ thường lấy người làm mai làm mối ra mà trách mà chửi, do đó các cụ gọi việc “làm mai” là cái ngu thứ nhất.
2. "Lãnh nợ"là gì? 
Là việc cả nể ai đó mà trả nợ dùm hoặc vay tiền cho họ trả nợ cũng như cho mượn tiền để họ làm một việc khác khi chưa hiểu về nhau, hiện nay ngoài đời thường sau khi trả nợ dùm họ sẽ cãi bỏ hoặc lỳ ra không thèm trả nợ mình thậm chí còn tránh mặt và hoặc đối xử với ta một cách phũ phàng, trong khi đó ta bị vướng nợ, đôi khi bị hạ cả uy tín vì bảo lãnh cho họ. Với câu nói này hàm ý muốn nói đừng bao giờ nên dại dột vì cả nể mà tự dưng lãnh nợ cho người khác, nghĩa “lãnh nợ” này được hiểu về tất cả các mặt cả về tiền bạc hay 1 vấn đề nào đó kể cả lấy uy tín của mình để đứng ra bảo lãnh cho họ hoặc hy sinh danh dự, chính trị để làm một việc giúp họ trong hoàn cảnh bê bối nhưng thường là không được sự mang ơn đáp lại, đại loại như là "không ăn ốc mà phải đi đổ vỏ". Vì thực ra thời buổi nào cũng vậy thôi, những người biết mang hoặc trả ơn thì rất ít mà người trả oán và quên ơn lại rất nhiều. Do đó ý muốn nói ai có nợ phải tự trả, đừng có dại mà lãnh nợ dùm, do vậy việc “lãnh nợ” được các cụ xếp vào “cái ngu” thứ hai. 
3. "Gác cu"là gì? 
Ngày xưa và cả bây giờ, “gác cu” là một trong những thú vui đồng ruộng của người dân Việt Nam. Nghĩa cổ của từ “gác cu” nghĩa là thú vui bẫy và chơi chim cu. Để bẫy được chim cu, người “gác cu” phải tốn khá nhiều công, nhiều của và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng được 1 con chim mồi của mình để làm mồi bẫy con chim khác. Đại loại như: Xem tướng chim cho kỹ, nhất là hàng cườm trên cổ để bảo đảm có tiếng gáy dài. Lúa phải xát cho sạch mày để khỏi làm hư họng chim tạo không tốt cho tiếng gáy, đồ đựng nước phải đảm bảo thật vệ sinh, trông chừng không cho chim dẫm vào phân của chính nó, nếu dẫm phải thì sẽ bị liệt giò và thường xuyên phải “tập gù” với chim để luyện giọng và giữ nhịp tiếng gáy thật tốt có như vậy mới quyến rũ được các con chim khác sa bẫy.v.v. tất cả các bước như vậy là quá trình rất vất vả của người “gác cu”. 
Nhưng vấn đề ở chỗ không phải ở cái vất vả, mà vì 1 lý do khác nếu không cẩn thận chim sẽ “sổ lồng” và bay mất mà không hề “ngoảnh lại” để nhớ lại cái công của người chăm sóc nuôi dưỡng nó. Trước cái tính vô ơn, bạc nghĩa của chim cu khíến người nuôi bị mang tiếng là “ngu”. Câu ca dao này cũng muốn nói con người ta cũng không nên quá “ôm rơm mà rặm bụng” vì ở đời có nhiều người vì tình cảm con cháu mà cưu mang độ thế qua nhiều, nhưng thử hỏi khi chúng lớn khôn, có của ăn của để chưa chắc đã nhớ tới người chăm no nuôi dưỡng, nếu người nuôi dưỡng chỉ vì một sơ xuất nhỏ thì kẻ vong ơn bội nghĩa sẽ sẵn sàng chê trách hoặc quay lưng lại với chính chúng ta, người nuôi dưỡng lúc đó sẽ trở thành “công cốc” và chẳng thể trách ai. Chính vì lẽ đó mà các cụ đã gọi người “gác cu” là cái ngu thứ ba.
4. "Cầm chầu"là gì? 
Theo dân gian, “cầm chầu” là người thủ vai đánh cái trống chầu để khen, chê khi phường hát chèo hát bội đến diễn. Việc này thuở xưa khi làng nào có đám lại gọi phường hát đến diễn mua vui nếu hay thì thưởng tiền. Họ được trả công tuỳ theo tài hát của gánh hát, nhưng người đánh trống phải là người của làng được chọn ra và có vai trò quan trọng phải dùng tiếng trống chầu để điều hành và cổ vũ phường hát. Nếu người đánh trống đánh “cắc” có nghĩa là chê phường hát dở, còn nếu đánh nhiều nhịp “tùng” là ý khen phường hát tốt. Nếu người cầm chầu khen nhiều quá thì làng phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu làng chi ít tiền thì người cầm chầu phải bỏ tiền túi mình ra mà chi cho phường hát. Nếu người cầm chầu khen ít thì lại bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến danh dự của phường hát và như vậy họ sẽ không được hội làng và người thưởng thức cho tiền, lúc đó phường hát bội có thể thông qua vai diễn để châm biếm đả kích nguyền rủa người đánh trống. Vì vậy mà người đánh trống khó mà làm vừa lòng cả 2 được. 
Qua hình ảnh người đánh trống chầu để nói lên cái vô lợi của người “làm dâu trăm họ” để chẳng mang lại cái gì cho bản thân, phường hát hay thì được thưởng tiền còn kẻ đánh trống chẳng được gì mà còn bị thiệt đi hoặc thiên hạ chê cười. Do vậy ở đời này nhiều cái quả thật là bất công, vô ơn và khó nói, nhất là những ai cứ bỏ công bỏ sức để giúp kẻ khác nhưng không được mang ơn, nên ở đời việc gì cần tránh thì nên tránh, vì vậy các cụ coi việc “cầm chầu” là cái ngu thứ tư.
Qua câu ca dao này, mỗi chúng ta cần tự suy nghẫm cho mình cần phải làm gì và không nên làm gì? Theo tôi, đây cũng là một phần kinh nghiệm trong cuộc sống đã được các cụ đúc rút, còn nếu ai không sợ “ngu” thì có lẽ cũng không cần bàn luận làm gì và cứ thế thực hiện./
Quang Tuyển

No comments:

Post a Comment