Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 29 August 2019

TÁC PHẨM CỦA GS DƯƠNG THIÊU TỐNG








1- Thầy giáo không phải công cụ thu tiền
2-Trời và đất trong chiếc bánh ngày xuân
3- Một mô hình giáo  dục trung học 41 năm về trước
4- Tôi vẫn còn có một người thầy!
5- Chỉ số giáo dục Việt Nam: cao hay thấp?
6- Trước khi hỏi mình là ai, phải biết đại học là gì
7- Nỗi lo về thi cử theo lối trắc nghiệm
8- Làm sao để chấn hưng giáo dục?

 

1-Thầy giáo không phải công cụ thu tiền


(VietNamNet) - Trên 80 tuổi, nằm trên giường bệnh ở nhà nhưng GS Dương Thiệu Tống vẫn vừa học vừa viết sách…Trong lúc trò chuyện với PV VietNamNet về câu chuyện người thầy, đôi lúc ông phải dừng lại để… thở bằng oxy.


Thời nào cũng vậy, quân chủ phong kiến hay cơ chế thị trường, đối tượng của giáo dục chung quy cũng chỉ là học trò, con em mình. Đối tượng xã hội phải phục vụ là con em, không phải là hiệu trưởng…
Càng ngày, vai trò của trẻ em càng được tôn trọng. Trong 60 năm nghề giáo, tôi rút ra một điều: “Đối tượng của giáo dục là con em mình, còn đối tượng của xã hội tạo điều kiện vật chất và tinh thần để làm được đúng chức năng của mình là thầy giáo. Thầy giáo không phải là công cụ thu tiền của học trò”.
Việc thị trường hóa và tư nhân hóa giáo dục ở một mức độ nào đó có thể là tốt nếu ta quan niệm đó là một thứ lợi ích công. Quan niệm “Giáo dục là hàng hoá” trong lúc này không cần thiết bằng việc cố gắng tìm ra một chiến lược hữu hiệu để chống lại khuynh hướng biến giáo dục trở thành một hoạt động kinh doanh, chỉ đem lợi ích cho một số người “cung cấp hàng” giàu có nhưng đồng thời lại tạo nên sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng về cơ hội giáo dục cho những “khách mua hàng“ nghèo khổ trong xã hội.
60 năm dạy học, GS Dương Thiệu Tống nổi tiếng là một trong số các chuyên gia giáo dục hàng đầu ở VN. Ông xuất thân từ một gia đình nho học, 9 đời làm nghề giáo.
Ông từng giữ chức Hiệu trưởng nhiều trường nổi tiếng như Quốc Học (Huế), trường Trung học Thủ Đức (TP.HCM), Phó Trưởng khoa Văn khoa ĐH Vạn Hạnh... Từ khi về hưu, ông viết hơn 10 cuốn sách về phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, thống kê giáo dục, trắc nghiệm và đo lường trong giáo dục, về văn hoá giáo dục Việt Nam, văn học Việt Nam...
Thời nào cũng vậy, người ta đòi hỏi thầy giáo ở 2 điều: Tâm và Tài. Thầy giáo ở thời buổi mới vừa phải có cái Tâm và cái Tài tức là phải học mãi. Nhất là trong thời nay, trẻ em tiếp thu nhanh, thầy càng phải "học mãi, học mãi”. Có Tâm, có Tài rồi nhưng phải tân tiến mới mới theo kịp thời đại. Ở tuổi trên 80, mặc dù nằm trên dường bệnh, tôi cũng vẫn đang phải… học.
Nếu như còn trẻ và đứng trên bục giảng, tôi muốn học trò phải trung thực và người thầy lạc quan, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Hồi xưa dạy học, tôi chỉ biết dạy, không thu tiền, không dạy thêm, để thì giờ đến từng nhà học sinh trung bình kém, tìm hiểu hoàn cảnh, rồi bàn bạc với phụ huynh.

Bây giờ dạy học khó lắm! Chương trình quá nặng, dạy thấu đáo trong lớp là hết giờ, lại còn dạy thêm tiết, ôn thi, làm hồ sơ… thì giờ đâu mà thăm học sinh? Tôi còn trẻ cũng khó hoàn thành nhiệm vụ, nên tôi rất thông cảm với thầy, cô giáo hiện nay!

Trường học không phải là nơi dành riêng cho những nhân tài, và phương pháp dạy học chỉ tốt khi người thầy quan tâm đến những học sinh chậm nhất, kém năng khiếu nhất, và điều chỉnh công việc giảng dạy của mình cho phù hợp, chứ không phải chỉ tập trung nỗ lực vào việc đào luyện "học sinh giỏi" như "những con gà nòi" để ganh đua về thành tích.

Khái niệm rất xưa cổ trong truyền thống văn hoá Việt Nam “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” vẫn còn hấp dẫn đối với nghề dạy học học thời hiện đại.
Nghĩ cho kỹ, điều này cũng không có gì lạ trong nền văn hoá Việt Nam, vì chữ “Tâm” ấy luôn tàng trong từng nếp suy nghĩ, nếp sống của người Việt Nam. Nó chỉ chờ cơ hội để trỗi dậy một cách mạnh mẽ, nếu có sự kích thích nào đó.
Tôi nói chữ "Tâm" bằng trăm chữ “Tài” là nói theo kinh nghiệm bản thân. Bởi vì bản thân tôi, cách đây khoảng 60 năm cũng như hầu hết các đồng nghiệp bấy giờ, đã bước vào nghề nhà giáo chỉ với chữ Tâm làm hành trang mà thôi, còn cái Tài thì lúc ấy không có được bao nhiêu, và ngày nay dù đã được học hỏi thêm đôi chút, nhưng trước sự bùng nổ kiến thức và sự tiến bộ như vũ bão của khoa học, cái Tài của bản thân tôi xét ra còn quá bé nhỏ, cho nên phải đẩy mạnh cái “Tâm” lên một trăm lần thì may ra còn có thể giúp ích được phần nào cho đời!

• GS. DƯƠNG THIỆU TỐNG - Cam Lu (ghi)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2005/11/513037/

2- Trời và đất trong chiếc bánh ngày xuân

Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân.... nếu lấy gạo nếp gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho ngon; bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý nói ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được ..(Trích Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp)
Hình vuông của đất và hình tròn của trời, như trong đoạn văn trích dẫn trên, phát xuất từ hai tài liệu cổ xưa nhất của dân Lạc Việt là Lạc Thư (hình tròn của trời) và Hà Đồ (hình vuông của đất).

Cả hai hình vẽ Hà Đồ và Lạc Thư đều gồm những chuỗi "rỗng" và "đặc" (O và ), giống như những chuỗi "rỗng" và "đặc" nối kết nhau trên hầu hết các trống đồng Đông Sơn của dân Việt. Hà Đồ và Lạc thư đều nói lên sự hình thành của trời (Lạc Thư), đất (Hà Đồ) và vạn vật. Trống đồng Ngọc Lũ cũng nói lên sự hình thành của trời, đất, vạn vật (chim, hươu, người) theo quan điểm y hệt như vậy. Tất cả đều đặt căn bản trên nguyên lý "rỗng" (dương), "đặc" (âm), tương sinh, tương khắc, tương hoà.

Như vậy, sở dĩ vua Hùng trao ngôi báu cho Lang Liêu ắt không phải vì Lang Liêu đã dâng một loạt bánh ngon cho vua Hùng, mà chính vì Lang Liêu đã nắm được ý nghĩa của sự hình thành trời đất, vạn vật, tức là hiểu được cách giải quyết mâu thuẫn giữa đất và trời, giữa người và vạn vật, giữa con người và nhân quần xã hội. Và như vậy Lang Liêu xứng đáng được trao ngôi báu và chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tiếng nói của thần nhân chính là tiếng nói của lương tâm, nhắc nhở cho Lang Liêu cái nguyên lý sinh thành ấy để làm sao cai trị dân cho hợp với "lẽ trời đất" và lòng người. Tinh thần "vuông tròn" ấy của thời đại vua Hùng được sử gia Lê Tung mô tả như sau: "Vua thì lấy đức trị dân, giũ áo khoanh tay (tức là chỉ theo phép thường mà trị nước, không bày đặt chính lệnh phiền nhiễu dân); dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về nhà thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm Đế ư ?". Phan Huy Chú cũng cho biết: "Vua tôi cũng đi cày, cha con tắm cùng sông, không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền thứ bậc".

Tư tưởng đoàn kết, bình đẳng giữa các con người, sự hoà hợp các mâu thuẫn, tượng trưng bằng các hình thể vuông tròn của đất và trời, theo quan niệm "vạn vật nhất thể" của Lạc Thư và trống đồng ảnh hưởng hàng nghìn năm sau đến chính sách của các vua nhà Lý trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các vua, chúa, quần thần, giữa người dân trong nước, và giữa dân Việt với các dân tộc khác ở biên thuỳ.

Việc vua Hùng ưu chuộng chiếc bánh trưng, bánh dày của Lang Liêu hơn các của ngon vật lạ của các công tử khác phản ánh tinh thần ưu chuộng thực tế của dân Việt, mà điều thực tế nhất là "cơm gạo để nuôi dân", đặt lên trên sự xa hoa, phù phiếm.

Có lẽ do tinh thần ấy mà thời đại vua Hùng, mặc dầu đã hình thành một nhà nước sơ khai, đã qua thời kỳ đồng thau, đồ sắt mà vẫn không để lại cho ta ngày nay một di tích nào của các đền đài, lăng tẩm, dù nhỏ bé. Điều nay khiến cho một số người tỏ ý hoài nghi về lịch sử bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc ta. Nhưng nếu ta nhìn trở lại lịch sử của các dân tộc đã từng xây dựng những kỳ quan thế giới do công sức của hàng vạn dân công nô lệ, như các kim tự tháp của các vua Pharaon xứ Ai Cập hay vườn treo của các bà hoàng xứ Assyria - ... thì ta thấy rằng đó cũng là những cái mốc đánh dấu sự bắt đầu sụp đổ của các triều đại, mở đầu cho các cuộc xâm lăng liên tiếp dẫn đến sự đồng hoá, phân tán hay tiêu diệt các dân tộc nguyên thuỷ.

Hai phạm trù "trời" và "đất", như trong lời dạy của thần nhân, nói lên sự quí chuộng đất đai, cây cỏ, lòng tin tưởng và lạc quan của một dân tộc đã từng phát hiện kỹ nghệ trồng trọt sớm nhất trên thế giới, theo như thuyết của Carl Sauer (1952) và được xác nhận bởi các công trình nghiên cứu của Chester Gorman, Hamilton Parker và nhiều người khác từ 1963-1966 trong vùng Đông Nam á. Đó là niềm tin tưởng lạc quan của nhà nông với công việc làm không đem đến hiệu quả tức thì. Gặp thời tiết nhất định trong một năm, tuỳ theo vị trí của ngôi sao đã định, họ bắt đầu làm đất gieo hạt giống, rồi kiên nhẫn chờ đợi. Tình cảm sâu đậm giữa con người và đất đai do dó nảy sinh và được khơi dậy. Hàng năm vào những ngày Tết qua hình thù và ý nghĩa của chiếc bánh trưng, và cả qua những điều cấm kỵ liên quan đến việc sử dụng đất đai vào những ngày đầu năm.

Cuối cùng, nhưng không phải là kém quan trọng, qua hình dáng bánh trưng, bánh dày, ta không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta. Thì ra phát xuất từ quan niệm nguyên thuỷ về sự sinh thành, các tổ tiên ta đã khép lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn". Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau theo lẽ "trời đất phát dục vạn vật" như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu. Đó là "lẽ vuông tròn" nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du:

Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng ?

hay câu:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Vậy thì hai chữ "vuông tròn" có lẽ là lợi chúc tụng đầu xuân súc tích và tốt đẹp nhất dành cho tất cả mọi người khi năm mới sắp đến ...

- Dương Thiệu Tống -


3- Một mô hình giáo  dục trung học 41 năm về trước


TS Dương Thiệu Tống


Khách tham quan một lớp học đang học đánh máy của môn học doanh thương năm 1970 - Ảnh tư liệu
Chúng ta cần phải quan tâm đến việc cải tổ bậc trung học trước khi đổi mới nền giáo dục đại học...

Mọi khó khăn, dù lớn lao đến đâu, cũng có thể vượt qua nếu có tinh thần đoàn kết, bất vụ lợi của những người làm giáo dục.

Từ năm 1945, khi bắt đầu giảng dạy bậc trung học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn, cho đến ngày nay tôi vẫn có một niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng nền giáo dục tiểu học và trung học VN phải do người VN xây dựng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và văn hóa VN, chứ không thể trông cậy các nhà giáo dục nước ngoài và cũng không thể bứng trồng nền giáo dục của một nước nào khác, dù là tân tiến nhất.

Mãi đến khi có cơ hội du học ở Anh (1956) và ở Mỹ (1963) tôi mới nhận ra ngoài nền giáo dục Pháp mà chúng ta rất quen thuộc, còn có nhiều nền giáo dục khác trên thế giới cũng tiến bộ không kém, đặt căn bản trên triết lý giáo dục phù hợp với nền văn hóa, xã hội, kinh tế riêng của từng nước. Tôi biết được điều này qua các môn học về giáo dục đối chiếu (comparative education) và giáo dục quốc tế (international education) mà tôi đã có dịp học tập và nghiên cứu lúc bấy giờ.

Sau khi du học trở về, tôi mong muốn tha thiết rằng nền giáo dục VN được đổi mới và tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ vào sự thay đổi ấy. Tôi nhớ lúc ấy vào khoảng tháng 3-1965, tức bảy tháng trước khi Trường trung học Kiểu mẫu (THKM) Thủ Đức được khai giảng khóa đầu tiên, tôi đệ trình ông khoa trưởng ĐH Sư phạm Trần Văn Tấn một bản dự án thành lập Trường THKM trực thuộc ĐH Sư phạm Sài Gòn.

Trong một môi trường xã hội không mấy thuận lợi, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mô hình giáo dục trung học mới chưa từng có tại VN, với một chương trình học đặt căn bản trên triết lý, mục tiêu và điều kiện riêng của nhà trường (school-based curriculum), sự phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp, việc thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho HS phổ thông, việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn (guidance) và khải đạo (counseling), việc áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập lấy HS làm trung tâm (student-centered teaching and learning), việc sử dụng trắc nghiệm khách quan trong việc đánh giá học tập, tìm hiểu tâm lý và tuyển sinh...

Tất cả các hoạt động ấy chưa từng có tại bất cứ trường trung học nào ở VN vào thời ấy, kể cả một trường mới cũng mang tên là THKM nhưng được đặt tại Huế, hay loại trường trung học tổng hợp mà bộ giáo dục của chế độ cũ đang chuẩn bị thiết lập vào lúc ấy với sự góp sức của các chuyên gia Mỹ.

Sự táo bạo ấy của chúng tôi đã mang đến kết quả tốt đẹp không ngờ: Trường THKM Thủ Đức được khai giảng vào tháng 10-1965 nhờ sự quyết tâm của toàn thể ban giảng huấn và nhân viên văn phòng, với sự hỗ trợ về mọi phương diện của Trường ĐH Sư phạm và nhất là sự đóng góp bất vụ lợi của hội cha mẹ HS. Chỉ qua một niên học đầu tiên, Trường THKM đã trở thành một trung tâm giáo dục mới khá nổi tiếng, tiếp đón các phái đoàn giáo dục trong nước và quốc tế đến tham quan, và cuối niên học ấy nhà trường đã nhận được rất nhiều quà biếu làm phần thưởng cho HS.

Qua kinh nghiệm nói trên, tôi nghĩ trong lĩnh vực giáo dục, bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua nếu có sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí của toàn thể giáo viên và cha mẹ HS, nhất là khi mọi người thực tâm chăm lo giáo dục con em với tinh thần bất vụ lợi hoàn toàn. Nhà trường không thu học phí, không có “quĩ đen”.

Hiệu trưởng và các thầy giáo Trường THKM Thủ Đức chỉ ăn lương nhà nước, không có thì giờ dạy thêm ở nhà hay bất cứ nơi nào khác. HS cũng chỉ học ở trường là đủ, không cần phải học thêm ở bất cứ nơi nào. Thật là một điều khó tưởng tượng được ngày nay, nhưng các đồng nghiệp của tôi tại Trường THKM Thủ Đức lúc bấy giờ chỉ xem nó như là một chuyện rất bình thường.

Ngày nay, đa số HS Trường THKM Thủ Đức đều thành đạt vẻ vang trong nước và ngoài nước, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Điều này được chứng tỏ qua các cuộc họp của gia đình THKM tại TP.HCM vào tháng mười hằng năm.

 Tuổi Trẻ

http://www.vietducinfo.com/show_article.php?id=21844&PHPSESSID=5759aaabdab62bbfe54dcfa6d15b9767

4- Tôi vẫn còn có một người thầy!

Biết thầy đang ở Sài Gòn nhưng không đến thăm thầy được, em cảm thấy bứt rứt lắm... nhưng chắc thầy cũng thông cảm vì học trò cũ nào cũng nhớ đến thầy, mỗi người theo cách riêng của mình... Đó là một đoạn trong lá thư điện tử mới nhận được sáng hôm qua của anh T.T.T., một học sinh cũ của tôi từ 45 năm về trước.

Chính tôi cũng đã nhiều lần cảm thấy bứt rứt như vậy, vì trong suốt cuộc đời đi học, tôi có hàng chục người thầy mà đến nay tôi vẫn mong được gặp lại, dù chỉ một lần. Và tôi cũng có cách riêng của tôi mỗi khi nhớ đến họ.

Trong mỗi bước thành công trên đường đời, dù chỉ là một sự thành công nhỏ nhặt, người đầu tiên mà tôi nghĩ đến là cha mẹ tôi, tiếp đó là các thầy của tôi - tất cả các thầy, từ bậc tiểu học lên đến bậc sau đại học. Tôi chắc chắn không ai có thể phân biệt được người thầy nào đã đóng góp nhiều nhất vào sự thành công của mình trên đường đời, vì nó là kết quả của một công trình tập thể, mỗi người đều có một phần đóng góp riêng mà ít ai có thể phân tích để nhận ra được. Tuy thế, sự đóng góp ấy của họ luôn luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta, trong suy nghĩ cũng như trong việc làm.

Thế nhưng, tôi tự cho mình là người may mắn vì ngày nay tôi có thể hãnh diện nói rằng cho mãi đến gần đây tôi vẫn còn có một người thầy cũ yêu thương, theo dõi, dìu dắt, khuyến khích tôi từ lúc tôi bước chân vào trường trung học cho đến khi tôi gần sang tuổi tám mươi. Người thầy ấy là thầy Hà Thúc Chính.

Hồi ấy, vào khoảng năm 1937, thầy mới du học ở Pháp và Anh về, và là một trong số vài ba thầy giáo người VN đầu tiên dạy tiếng Anh ở bậc trung học Pháp. Thầy còn rất trẻ, rất đẹp trai với đôi kính gọng vàng đắt tiền và bộ comlê mang vẻ chững chạc quí phái của thành phố sương mù. Lớp học của thầy rất sinh động vì thầy rất vui tính, và trong suốt một năm học với thầy, tôi không hề thấy thầy la rầy hay giận dữ ai. Điều tôi nhớ nhất ở thầy là tiếng cười của thầy rất to, giọng nói rất khỏe và những câu chuyện khôi hài dí dỏm, có duyên mà thầy thường xen vào giữa các bài giảng.

Tám năm sau, tôi không ngờ lại được làm học trò của thầy trong một lớp tu nghiệp giáo viên tiếng Anh đầu tiên cho nền trung học VN được tổ chức tại Huế vào tháng 7-1946. Khi khóa tu nghiệp ấy chấm dứt, thầy đã gọi riêng tôi ra một nơi và nói: “Anh đừng mặc cảm là mình chưa được tốt nghiệp một trường sư phạm nào, vì sư phạm là một khoa học nhưng nó còn là một nghệ thuật nữa. Về khoa học sư phạm, anh sẽ phải học suốt cả cuộc đời, nhưng về nghệ thuật thì tôi tin chắc anh đã có sẵn. Nghệ thuật đòi hỏi người ta phải biết yêu cái đẹp và truyền lại cái đẹp ấy cho mọi người bằng tất cả tình yêu và một tấm lòng!”.

Thế rồi 30 năm trời sau đó vừa làm thầy giáo vừa là sinh viên, phải trải qua ba trường đại học tại hai nước trên thế giới tôi mới dần thấm thía ý nghĩa của chân lý nghề dạy học mà thầy đã dạy tôi từ lúc 20 tuổi. Quả thực, tôi đã thu thập được khá nhiều kiến thức về khoa học sư phạm từ các thầy tôi, từ sách vở, nhưng còn phải tiếp tục học mãi đến ngày nay để khỏi phải dạy lớp đàn em những kiến thức lạc hậu, sai lầm. Nhưng đối với tôi, khoa học sư phạm chỉ là những chất liệu khô khan, có thể rất ích lợi và cũng có thể vô dụng, như đất và đá, còn cần phải có bàn tay nhào nặn của nhà nghệ thuật để thổi cho nó một cái “hồn” bằng tất cả tinh thần sáng tạo và một tấm lòng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, người thầy cũ đầu tiên mà tôi mong mỏi được gặp mặt chính là thầy. Tôi không chắc thầy còn nhớ tên tôi hay không trong số hàng nghìn học sinh đã thụ giáo với thầy trong gần nửa thế kỷ. Nhưng thật không ngờ, chính thầy đã tìm đến gặp tôi tại nhà riêng và khuyến khích tôi bằng một câu mà tôi đang rất cần trong hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ: “Không những tôi chưa quên tên anh mà trong suốt thời gian kháng chiến, tôi đã theo dõi các hoạt động giáo dục của anh trong nước và ngoài nước.

Thậm chí tôi đã nghe tiếng nói của anh qua lời phát biểu về giáo dục VN trên đài phát thanh nước ngoài trong thời gian anh du học... Tôi rất mừng vì dù trong hoàn cảnh nào anh vẫn giữ vững được cái tâm trong sạch của một nhà giáo...”. Từ đó về sau, mãi đến khi thầy nhắm mắt, ngày 26-7-2001, thầy và cô thường xuyên chủ tọa những buổi gặp mặt hằng năm của cựu học sinh Quốc Học, Đồng Khánh và Providence. Đó là niềm vinh dự đối với tất cả cựu học sinh. Riêng với tôi, sự hiện diện của thầy và cô là một niềm hãnh diện, vì tôi có thể chứng minh bằng mắt và bằng âm thanh rằng: “ Ở vào tuổi gần tám chục, tôi vẫn còn có một người thầy!”.

Nếu trong đời người, mọi sự gặp gỡ may mắn đều là do “duyên phận” thì có lẽ tôi đã có cái duyên được gặp thầy. Riêng thầy chắc không thể nào ngờ rằng một trong những cậu học trò bé nhỏ của thầy năm xưa nay đã trở thành một ông già gần tám chục được hân hạnh đại diện lớp học sinh đầu tiên quì lạy trước linh cữu của thầy với nước mắt tràn trề dưới đôi lông mày đã nhuốm bạc.

Có thể có người cho rằng tôi đã sống với quá nhiều tình cảm, nhất là ở lúc tuổi già “hạt lệ như sương”. Điều đó có lẽ đúng và cũng là “điểm yếu” của tôi trong một số trường hợp, nhưng riêng trong suốt cuộc đời nhà giáo, tôi tự cho rằng đó là “điểm mạnh”, vì nếu tôi không có thứ tình cảm trong “nghĩa thầy trò” ấy thì có lẽ tôi không còn là người VN và có lẽ không còn tồn tại trong nghề thầy giáo cho đến ngày hôm nay.
TS DƯƠNG THIỆU TỐNG


http://mauthoigian.org/home/news.php?IDF=17&IDT=15764

5- Chỉ số giáo dục Việt Nam: cao hay thấp?
 

31/07/2004


Tỉ lệ biết chữ ở bậc THPT trở lên càng cao thì mới càng đáng mừng. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Tỉ lệ biết chữ không phải chỉ là tỉ lệ biết đọc, biết viết như ta thường quan niệm cách đây trên nửa thế kỷ, mà thật sự nó là một loại đo lường mức dân trí của một nước, được phản ánh qua chỉ số giáo dục. Chỉ số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định chỉ số phát triển con người (HDI).
Hiện tại, nó là một trong các loại chỉ báo (indicator) cho biết nền giáo dục của một nước có khả năng tạo nên sản phẩm thích ứng với sự hội nhập quốc tế về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội hay không.
Báo Tuổi Trẻ đã công bố chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của VN, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, đồng thời nêu lên “sự suy giảm đáng kể” ở nước ta về chỉ số giáo dục, về tỉ lệ biết chữ trong năm 2004 so với năm 2003.
Trước khi bàn về chỉ số phát triển con người nói chung và chỉ số giáo dục VN nói riêng, ta cần phải lưu ý rằng các chỉ số được đăng trên báo gần đây không phải là những chỉ số của năm 2004 hay 2003, mà là của các năm 2001 và 2002 được công bố vào các năm 2003, 2004.
Hơn nữa, ta cần phải biết rằng các chỉ số khác biệt giữa năm này với năm kia không nói lên sự tăng hay giảm, vì cách tính toán các chỉ số ấy luôn thay đổi theo từng năm.
Vì vậy một báo cáo về HDI trong năm 2004 (Health Systems Trust, 21-7-2004) đã cảnh giác rằng ta không nên so sánh năm này với năm kia mà chỉ cần so sánh chỉ số của các quốc gia với nhau theo cùng thời kỳ và từ cùng một nguồn xuất xứ mà thôi.
Như vậy ta không thể nói tỉ lệ biết chữ của người lớn ở VN đã giảm từ 92,7% (2003) xuống còn 90,3 % (2004), từ đó kéo chỉ số giáo dục của VN từ 0,83 xuống chỉ còn 0,82 (2004).
Điều mà ta có thể rút ra từ các dữ liệu thống kê về HDI được công bố năm 2004 là: so sánh chỉ số giáo dục (education index) tại các nước châu Á, chúng ta thua kém Hàn Quốc (0,97), Nhật Bản (0,94), Singapore (0,91), Philippines (0,89), Brunei (0,87), Hong Kong (0,86), Malaysia (0,83), Thái Lan (0,86), Trung Quốc (0,83) và chỉ cao hơn Indonesia (0,80), Campuchia (0,66), Myanmar (0,73) và Lào (0,64) mà thôi.
Nhưng chỉ số giáo dục là gì? Theo các báo cáo phát triển con người, chỉ số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định HDI: sống lâu, sống khỏe, có kiến thức và có mức sống đầy đủ.
Chỉ số giáo dục được xây dựng trên tỉ lệ biết chữ của người lớn (từ 15 tuổi trở lên) và trên tỉ lệ ghi danh theo học các bậc tiểu học, trung học và đại học gộp lại.
Nhưng tỉ lệ biết chữ chiếm 2/3 hệ số, trong khi tỉ lệ ghi danh ở tiểu, trung và đại học chỉ chiếm 1/3 mà thôi. Nói cách khác, căn bản quan trọng để tính toán chỉ số giáo dục giữa các quốc gia là tỉ lệ biết chữ.
Tỉ lệ biết chữ này của VN trong năm 2002 là 90,3, nghĩa là dưới Trung Quốc (90,9), Singapore (92,5), Thái Lan (92,6), Philippines (92,6), Hong Kong (93,5), Brunei (93,9) và Hàn Quốc (97,9).
Tỉ lệ biết chữ là gì? Tỉ lệ biết chữ không có nghĩa đơn giản là tỉ lệ biết đọc biết viết.
Theo định nghĩa khái niệm “kỹ năng biết chữ của người lớn” trong cuộc khảo sát quốc tế về tình trạng biết chữ của người trưởng thành được thực hiện từ 1994 - 1998 (IALS, International Adult Literacy Survey), nó có nghĩa là “sự hiểu biết và khả năng sử dụng thông tin để có thể vận dụng một cách hiệu quả các kiến thức đòi hỏi trong một xã hội tri thức của thế kỷ 21”.
Nói cách khác, biết chữ có nghĩa là kiến thức và kỹ năng xử lý thông tin mà con người cần phải có khi đọc các tài liệu thường gặp hằng ngày trong công việc làm, ở gia đình hay trong cộng đồng.
Khi thực hiện cuộc khảo sát này để tính tỉ lệ biết chữ của một nước, người ta không đo lường cá nhân về kiến thức lý thuyết hay khả năng nhớ thuộc lòng các thông tin, mà chỉ khảo sát khả năng triển khai và giải thích ý nghĩa của các tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau: văn xuôi, văn vần, các tài liệu hướng dẫn, các thông báo, biểu mẫu xin việc, bảng biểu thống kê, tài liệu định lượng, các tính toán...
Căn cứ trên điểm số các thang đo lường ấy, người ta phân chia dân chúng trong mỗi nước theo các mức biết chữ và tính tỉ lệ trong từng mức, từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất).
Mức 3 đòi hỏi kỹ năng tương đương với tốt nghiệp THPT và năm đầu đại học.
Mức 4 và 5 đòi hỏi kỹ năng xử lý thông tin cao hơn, tương đương với trình độ đại học.
Như vậy, nếu tỉ lệ biết chữ ở nước ta là 90,3% (2002), tức vào hàng thứ 8 trong 14 nước châu Á, điều này cũng chưa đủ để nói lên chất lượng nền giáo dục nước ta, nếu ta chưa biết được tỉ lệ phần trăm số người ở mỗi mức biết chữ, trong năm mức nói trên, ở lớp tuổi 15 - 65.
Hiện nay, dường như chưa có dữ kiện thống kê nào cho biết được các tỉ lệ này ở nước ta. Điều mà ta mong mỏi đạt tới không phải là tỉ lệ biết chữ 92,7% như trước năm 2002, hay thậm chí 97,9% như ở Hàn Quốc, nếu tỉ lệ ấy gồm đa số người dân ở mức 1, nghĩa là mức biết chữ thấp nhất.
Điều mà ta mong mỏi là tỉ lệ cao ở mức biết chữ từ bậc 3 trở lên, tức là trình độ học vấn tương đương THPT. Đó là mức dân trí cần thiết mà các nước đang cố gắng đạt đến trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Thế nhưng nhìn trở lại bảng dữ kiện về chỉ số phát triển con người trong báo cáo 2004, ta thấy tỉ lệ phần trăm ghi danh theo học từ bậc tiểu học lên đến đại học ở nước ta chỉ là 64%, tức đứng vào hàng 11 trong 14 nước châu Á!
Nếu tình trạng thu nhận học sinh và sinh viên theo từng lớp tuổi ở nước ta không được cải thiện, nhất là ở bậc THPT và đại học, trong tương lai dù tỉ lệ biết chữ có tăng lên kéo theo sự gia tăng chỉ số giáo dục, nhưng đa số dân chúng còn ở mức độ biết chữ thấp, điều đó cũng không khiến ta lạc quan và cũng không nói lên được sự gia tăng về chất lượng của nền giáo dục nước ta, hay khả năng đáp ứng của nó trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.

TS DƯƠNG THIỆU TỐNG (Từ TTO)


6- Trước khi hỏi mình là ai, phải biết đại học là gì

Môi trường đại học?

ĐH không chỉ là nơi đào tạo nghề nghiệp, không phải chỉ là một loại trường dạy nghề cấp cao mà nó là biên giới của kiến thức, trong đó thầy và trò có nhiệm vụ... cùng nhau mở rộng “biên giới” ấy để đóng góp vào kiến thức chung của nhân loại. Đến trường ĐH không phải để được đào tạo thành một người làm công, làm thuê hay một chuyên gia, mà ĐH là trung tâm nghiên cứu, một cơ sở chuyên môn hướng dẫn, phục vụ các hoạt động xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa của đất nước... Khi quan niệm đúng về chức năng của ĐH mới có thể đặt vấn đề “SV là ai?”.

SV học không chỉ để thu nhận kiến thức, học không chỉ để biết đúng như Vũ Duy Thức đã viết trên diễn đàn ngày 9-1-2004. Nếu chỉ là học, thi và lấy bằng thì rõ ràng SV chưa biết ĐH là gì và bản thân mình là ai. Vấn đề của cái học ngày nay không phải chỉ là thu nhận kiến thức có sẵn từ bên ngoài mà phải biết tìm tòi, vận dụng, triển khai kiến thức, khám phá và sáng tạo những điều mới.

Ở ĐH, thầy và trò không phải như chủ và tớ mà họ đều là những thành viên của ban giảng huấn, cùng “cộng học” (chữ của Khổng Tử), tức học chung với nhau, vì bất cứ ai - kể cả người thầy, bất cứ lúc nào - kể cả lúc đầu bạc răng long - cũng đều phải học và có cái để mà học cả. Ý thức được nhiệm vụ của mình, SV mới hiểu rằng mình không phải là học trò cấp IV - một thực trạng mà Trương Lê đề cập (8-1-2004).

SV sẽ nhận thức được rằng việc tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi kiến thức bằng tất cả phương tiện mà mình có là một nhu cầu của bản thân, do ý chí tự nguyện của mình chứ chẳng cần ai bắt buộc... hay đòi hỏi, cũng chẳng phải để thỏa mãn yêu cầu của người khác. Tự mình phải kiếm lấy những phương tiện và điều kiện để học tập, tự mình tạo ra những cơ hội để tiến thân, không than vãn vì hoàn cảnh, không đổ lỗi cho môi trường.

Huống chi với những phương tiện thông tin hiện đại, những điều kiện giúp ta tìm kiếm, xử lý thông tin, trau dồi và vận dụng kiến thức không phải là hiếm hoi. Điều quan trọng đối với SV là tinh thần vượt khó. Không có một người thành đạt nào hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh để tiến lên cả, cũng không có ai thành công mà không trải qua nhiều thất bại.

Hiểu được như vậy người SV mới nhận thức được giá trị của bản thân mình; mới biết rõ mình là ai và vị trí của mình trong cộng đồng ĐH; mới không bị mặc cảm, tự tôn hay tự ti, không còn có ý tưởng ỷ lại vào bất cứ ai, dù là gia đình, cha mẹ hay thầy giáo, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay môi trường...

Học để tồn tại

Các SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trong giờ thí nghiệm hóa vô cơ - Ảnh: Q.Linh
Người SV cũng còn phải đặt câu hỏi: Khi ra đời, mình sẽ là ai? Phải có ước vọng (chứ không phải ảo vọng), như những trường hợp “theo đuổi mục đích” mà Đinh Ngọc Quỳnh Như trình bày (29-12-2003). Nhưng đừng đặt ước vọng quá cao so với khả năng và hoàn cảnh mà mình có.
Cố nhiên người SV có thể đặt tham vọng trở thành một vị tổng thống, một vị lãnh tụ, một nhà khoa học, nhà kinh doanh thành đạt... nhưng trước hết cần phải đặt câu hỏi: Những ước vọng ấy đòi hỏi ở ta những điều kiện gì, ta phải làm gì trong hiện tại và tiến từng bước như thế nào trong tương lai? Quan trọng hơn nữa là phải cố gắng tìm hiểu và suy nghĩ về sự phát triển của xã hội mình đang sống và dự kiến nhu cầu của đất nước mình trong thế kỷ mới.

Xã hội tương lai chắc chắn không thích hợp với những người chỉ có bằng cấp mà không có thực tài. Cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin ngày nay đang và sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách học, cách suy nghĩ và cách làm. Ta không thể lôi sách vở cũ ra ứng dụng ở đời nữa mà phải khai thác, tìm tòi, vận dụng thông tin để trau dồi kiến thức và kỹ năng mới, nhằm giải quyết những vấn đề mới đặt ra do những biến động và bất trắc, đặc trưng của nền kinh tế thị trường.

Kinh tế tri thức toàn cầu đòi hỏi người ta phải học suốt đời. Không phải học để có bằng cấp mà phải học để tồn tại, để theo kịp những tiến bộ của thế giới, để đáp ứng với những sự thay đổi trong khoa học và kỹ thuật sản xuất do sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu.

Đạo đức quyết định sự thành bại

Nhưng trong thế kỷ 21, các “kiến thức và kỹ năng chiến lược”, như nói ở trên, chưa đủ để giúp con người thành công nếu ta quên đi một yếu tố căn bản, có vẻ xưa cũ nhưng tối cần thiết trong cuộc sống hiện đại, đó là vấn đề đạo đức.

Yếu tố này rất lớn và rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi con người trong cuộc sống, nhưng trong thực tế lại là vấn đề mà cả trường học lẫn SV của ta ngày nay dường như ít quan tâm đến. Ta không thể nào không nhắc đến hai thứ “đạo đức công cụ” cần thiết vào mọi thời đại, cho mọi ngành nghề, đó là tính trung thực và lòng can đảm.

Có trung thực với bản thân mới có thể trung thực với đất nước. Có can đảm mới có khả năng đổi mới và tự đổi mới. Nhờ nó ta mới không mặc cảm, vượt qua những khó khăn, dám làm những điều mình cho là phải, đấu tranh những điều cho là trái, xóa bỏ lề thói xưa cũ, lạc hậu để tiếp thu cái mới.

Hai đức tính căn bản ấy có mối liên hệ mật thiết với nhau: trung thực chính là tính can đảm của trí tuệ và can đảm là tính trung thực của ý chí.

ĐẶNG TƯƠI ghi


7- Nỗi lo về thi cử theo lối trắc nghiệm

Ban đào tạo ĐH Quốc gia TP HCM đã cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh 2001: “Dù chỉ mới tiếp xúc lần đầu với thi trắc nghiệm, chỉ cần một số hướng dẫn cụ thể ở mặt sau của phiếu trả lời và giải thích thêm của cán bộ coi thi, thí sinh hoàn toàn có thể tiếp thu nhanh các quy cách điền những thông tin cần thiết vào phiếu trả lời. Theo kinh nghiệm quá khứ, tôi cũng thấy đúng như vậy".

Với lối thi cũ, sau mỗi môn thi thí sinh có thể vui mừng hay lo lắng vì biết mình đã làm đúng hay sai, điều này có thể ảnh hưởng đến các môn thi tiếp theo, nhưng với trắc nghiệm thì không thế. Không thí sinh nào có thể chắc chắn mình làm đúng bao nhiêu câu sau mỗi môn thi, vì có quá nhiều câu hỏi và với những câu trắc nghiệm tốt, thí sinh phải vận dụng tối đa kiến thức của mình để chọn câu trả lời, chứ không thể biết chắc chắn 100% mình đã làm đúng hay sai. Do đó, sau mỗi môn và sau khi kỳ thi hoàn tất, họ có tâm trạng thoải mái hơn để làm các bài thi kế tiếp và chờ đợi kết quả.

Thi trắc nghiệm (hay nói chung là thi cử) nhằm đến mục đích khảo sát khả năng học sinh sau một quá trình học tập, nhưng nó còn một mục đích quan trọng hơn thế nữa là phục vụ cho việc giảng dạy. Theo nguyên tắc, thi cử phải phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, chứ không phải giảng dạy và học tập phải phục vụ cho thi cử. Thế nhưng, những kỳ thi lớn như tú tài hay tuyển sinh, dù muốn dù không, cũng ảnh hưởng đến công việc giảng dạy của thày giáo. Vì vậy, đối với người làm giáo dục, cải tiến thi cử có thể xem như là một bước chiến lược nhằm cải tiến chất lượng giảng dạy trong tương lai. Những bài thi trắc nghiệm tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy; những bài thi và bài tập trắc nghiệm dở sẽ gây tác hại đến kết quả của thí sinh và cho chất lượng giảng dạy đến mức không thể nào sửa chữa nổi.

Điều mà phụ huynh học sinh phải quan tâm là làm thế nào con em họ được học tốt ở trường học, theo nghĩa rộng, chứ không phải là “học tốt cho thi cử”. Chính các kỳ thi phải hướng dẫn cho thày giáo làm tốt nhiệm vụ ấy. Như vậy, người phải lo âu nhất về thi cử, và có trách nhiệm nặng nề nhất, không phải là học sinh mà chính là những người có trách nhiệm tổ chức thi cử, soạn thảo đề thi để làm sao không gây những tác hại xấu đến việc giảng dạy và học tập.

Thi trắc nghiệm nếu thực hiện đúng nguyên tắc, có thể làm giảm nhẹ nỗi lo lắng của thí sinh về "học tài thi phận".
15/1/ 2002

8- Làm sao để chấn hưng giáo dục?

Về đổi mới giáo dục như GSTS Dương Thiệu Tống đã nói: phải bắt đầu từ trường Đại học Sư phạm, từ đầu vào tuyển dụng cho đến giáo trình học... Qua đó, tôi xin có một chút suy nghĩ cho tuyển sinh các cấp học:


- Cấp tiểu học: bắt buộc học theo phường, quận. Không phong danh hiệu cho bất cứ trường nào đạt chuẩn quốc gia. Vì trường học cần công bằng ở đâu cũng phải như nhau về chất lượng dạy và học. Còn cơ sở vật chất (trường, lớp) ở đâu còn yếu, nhà nước sẽ phải lo. Còn nếu kích cầu thì phải cho phụ huynh được biết giải trình chi trả cho kích cầu như thế nào. Làm như vậy ở trường nào cũng có học sinh giỏi và thầy cô bắt buộc cũng phải tự nâng cấp trình độ của mình lên.

Trong nhà trường không nên đặt ra những phong trào thi đua hình thức. Tránh trường hợp các cháu phải có 2 quyển vở cho một số môn học: một là vở học thật của các cháu, một là vở cô đọc cho các cháu chép thật nắn nót để đối phó với đoàn kiểm tra. Kết quả các cháu rất mất thì giờ vào công việc tào lao này. Việc làm này rất nguy hiểm vô tình ngay từ tiểu học các cô đã dạy các cháu nói dối, đối phó.

Không nên tổ chức bất cứ một cuộc thi học sinh giỏi nào cho khối tiểu học để cho các cháu còn chơi và giữ vẻ hồn nhiên cho tuổi thơ. Có chăng các cuộc thi ca hát, thể thao, vẽ....

Các cháu học 2 buổi cố gắng giải quyết bài ở lớp, không cho bài về nhà. Muốn được như vậy chương trình phải giảm tải bớt nội dung chứ không phải giảm thời gian như đã làm. Trước đây 1 tiết học 45 phút, sau giảm còn 35 phút, nhưng nội dung bài vẫn như cũ, vô hình chung đã tăng tải chứ không phải giảm tải nữa. Làm cho cả thầy lẫn trò chạy hụt hơi.

Các lớp học tăng cường tiếng Anh khi đã tổ chức thi thì cũng nên lấy kết quả đậu cho nghiêm túc, đúng số lượng và số điểm đã công bố. Còn nếu có gửi gắm thì nên lập một lớp riêng để cho sĩ số đúng 30 như đã thông báo vào mỗi đầu kỳ thi. Và lớp này sẽ phải đóng tiền nhiều hơn (vì thi không đậu).

- Cấp THCS: Theo tôi nghĩ trong trường học là môi trường bình đẳng nhất, nên chăng bỏ bán công trong trường công lập cũng như bỏ trường bán công. Chỉ nên có một trường duy nhất đó là trường THCS của nhà nước và trường tư thục. Những học sinh thi đạt điểm trung bình trong kỳ thi cuối cấp đều được đi học. Đó là chủ trương phổ cập giáo dục của nhà nước ta. Sau này trường tư thục phát triển đầu vào sẽ có cả học sinh giỏi, chứ không như hiện nay các em nghèo lại phải học trường tư thục sẽ dẫn đến bỏ học hết.

Trong trường của nhà nước: cách bố trí học sinh vẫn như trước, theo địa bàn quận (những nơi giáp ranh có thể xem xét), trừ một số trường chuyên tổ chức thi như hiện nay (số trường này cũng ít thôi).

Còn về học phí, sẽ có 2 loại học phí:

+ Học phí đóng theo qui định (bằng giá với học bán công hiện nay).

+ Học phí được giảm (bằng giá với học công lập hiện nay).

Như vậy các em sẽ được công bằng về mọi mặt: cả danh tiếng cá nhân lẫn trường lớp. Chúng chỉ khác nhau khi đóng tiền học và điều này ít ảnh hưởng đến chúng hơn. Cuối mỗi năm học có thể thay đổi học phí cho khá giỏi và ngược lại. Tôi thiết nghĩ việc này cũng không phức tạp và rắc rối. Trái lại khuyến khích các em học tốt hơn. Và các thầy cô ở các trường sẽ có đầy đủ các trình độ của học sinh, sẽ phấn đấu dạy tốt hơn. Đánh giá chất lượng trường sẽ dàn trải hơn. Cuối mỗi cấp sẽ nhìn lại đầu vào của cấp đó và đánh giá trường đó tốt hay còn yếu kém điểm nào? Chứ không như bây giờ các trường có đầu vào toàn chọn học sinh điểm cao thì tất nhiên đầu ra phải cao rồi.

Trường tư thục, nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ, hay các văn bản chặt chẽ để loại hình trường này phát triển giúp cho thúc đẩy xã hội hóa giáo dục được tốt hơn.

- Cấp THPT: Theo tôi :

+ Tất cả học sinh học ở trường THCS (đầu vào đầu cấp đã phân theo tuyến) sẽ được tuyển vào trường THPT theo tuyến (trừ một số trường chuyên tổ chức thi). Như vậy trường nào cũng có HS giỏi, thầy cô cũng phấn khởi hơn là nhận toàn học trò bình bình.

+ Điểm trúng tuyển lấy từ cao đến thấp cho đủ số mà Sở yêu cầu (mô hình bán công + công lập giống như THCS tôi đã trình bày ở trên): bao nhiêu HS cho đóng tiền bình thường, bao nhiêu HS được đóng tiền giảm.

Tôi rất vui khi Sở GD-ĐT TPHCM đã xét lại điểm cho các em ở quận 3. Cám ơn sự quan tâm của Sở, đáng ra phải lường trước được việc này thì hay hơn nhiều.

Ngân Hạnh (Thanh Niên, 22/7/2004)

   http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org

Những bài viết của GS Dương Thiệu Tống

Vietsciences        

No comments:

Post a Comment