Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 29 August 2019

SƠN TRUNG * TÔI VÀ GIÁO SƯ DƯƠNG THIỆU TỐNG

TÔI VÀ GIÁO SƯ DƯƠNG THIỆU TỐNG
SƠN TRUNG  



 I. QUÁ TRÌNH DẠY ANH VĂN TẠI VIỆT NAM TRƯƠC 1975


Trươc khi quân Mỹ vào Viêt Nam , người Việt Nam it ai có chuyên môn về tiếng Anh. Hầu hết là giáo sư dạy Pháp văn, thiếu người dạy anh Văn nên được cắt cử dạy môn này.Tài liệu là các quyển Anglais Vivant.

Image result for anglais vivant

Công việc của các thầy là dịch tiếng Anh sang tiếng Việt.Lúc này Việt Nam còn theo giáo dục Pháp chuyên dịch Anh Việt-Việt Anh chứ chưa có mục đich là Đối Thoại, cho nên học tiếng Anh ba xí ba tú mà chẳng nói được một câu tiếng Anh.Sau này Mỹ sang, phương pháp đối thoại bắt đầu có lẽ là do  Hội Việt Mỹ tại Saigon.
Như trên đã nói, các thầy dạy Anh Văn lúc ấy chuyện dạy dịch Việt Anh-Anh Việt. Đi thi cũng là dịch Việt Anh-Anh Việt.
 Tôi học ban Triết học-Sinh Ngữ tại Quốc Học Huế. Về Triết có LM Cao Văn Luận. May mắn thay thầy dạy Anh Văn là Giáo sư Dương Thiệu Tống, vừa tốt nghiệp ở Mỹ về.
Lúc này lực lượng giáo sư Anh Văn cũng khá hùng hậu với giáo sư Nguyễn Đình Hòa cũng ở Mỹ mới về.
Khoa trưởng Nguyễn Đình Hòa là một hiện tượng. Một giáo sư người Pháp tới thăm DHVK Saiogn, rất ngạc nhiên khi thấy tại đây một ông khoa trưởng trẻ như vậy mà trong trí tưởng của ông phải là các cụ Nghè râu tóc bạc phơ. Trước Nguyễn Đình Hòa còn có Nguyễn Huy Bảo dân tây làm khoa trưởng cũng hách lắm.
 Giáo sư Dương Thiệu Tống dạy Anh Văn tại DHSP Saigon, không dạy Văn Khoa. Giáo sư thâu thái giáo dục Mỹ thiên về thực dụng nên đã mở trường Thủ Đức.


Sau 1975, Việt Cộng xâm chiếm miền Nam, giáo sư Dương Thiệu Tống còn ở lại trường DHSP. Một ông phu trường nói  "tụi trẻ đi hết rồi, ông ở lại làm gì!


Lớp học salon tại nhà thầy Tống


(xem bài gốc ở đây)

Tóm tắt – Suốt đời gắn bó thiết thân với giáo dục bằng cả tâm huyết và trí tuệ, thầy Dương Thiệu Tống bắt đầu dạy học từ năm 20 tuổi (mùa thu năm 1945) và dạy suốt đến khi từ giã cuộc đời (mùa thu năm 2008): thâm niên 63 năm! Trong thời gian đó thầy đã áp dụng mọi hình thức tổ chức dạy học, trong đó có một hình thức thật đặc biệt, kéo dài 1/3 thế kỷ: “lớp học salon” – “lớp học phòng khách” nhà thầy.

Đúng như tên gọi, lớp học này diễn ra trên salon tại phòng khách nhà thầy, thật ấm áp, thật thân thiện! Lớp học bắt đầu từ cuối thập niên 1970 đến đầu thế kỷ 21, đến tận những ngày cuối đời của thầy, quy tụ trên 10 học viên vốn là những giáo viên, giảng viên đại học, kỹ sư, bác sĩ… Thầy trang bị cho các học viên đủ loại kiến thức khác nhau như: toán – thống kê, đo lường, đánh giá, giáo dục, cách thức dạy học, phương pháp nghiên cứu khoa học – giáo dục, trắc nghiệm, thực nghiệm và cả… kinh nghiệm giáo dục… Cứ thế, hết môn này đến môn khác, hết kiến thức này đến kiến thức khác, hết năm này qua năm khác… kéo dài suốt 30 năm trời đằng đẵng. Từ không khí ấm áp thân thương này, lớp học salon góp phần đào tạo nên một PGS-TS, một thạc sĩ công tác ở Bỉ, năm tiến sĩ, một thạc sĩ đang công tác tại TP.HCM và rất nhiều kẻ sĩ mọi miền đất nước, mọi lĩnh vực khoa học…

Đặc biệt lớp salon này còn đón tiếp một học viên nước ngoài, ông Mc Hugh, PGS (Associate Professor) – TS Hoa Kỳ đang công tác ở Nhật. Sau thời gian tham gia lớp học salon tại nhà thầy Tống, ông Mc Hugh được phong giáo sư thực thụ (full professor).

Tại lớp học salon này thầy trò còn đối thoại về những chủ đề khoa học và cả về đời thường! Thầy thường nói những trao đổi ấy là những “món ăn nhẹ” – “ăn chơi!”. Tuy là “ăn chơi” nhưng đối với chúng tôi rất bổ thực và quý thực, vì chúng tôi khó học được tri thức đời thường ấy trong lớp chính quy. Chính từ những tâm tình này mà chúng tôi hình thành nên lý tưởng giáo dục, đạo đức làm thầy và văn hóa sư phạm.

Và lớp học salon 30 năm mà chưa mãn khóa!

Đúng như lời thầy dạy: suốt đời phải học! Học không có chỗ dừng!

Xin mượn những dòng hồi ức này như một nén hương lòng hướng về thầy, nhớ đến thầy và lĩnh hội bài học lớn từ cuộc đời thầy – cuộc đời của một nhà giáo dục lớn, một nhân cách đẹp!

VÕ VĂN NAM

_______________

Tìm bạn:

Một trong những vấn đề nghiên cứu mà tôi theo đuổi là tìm hiểu các lớp học và gây dựng nên những khung khái niệm về mô hình lớp học. Những khung khái niệm này mô tả chức năng, nội dung – phương pháp dạy học, cách người ta sử dụng nguồn lực vật chất (không gian, thời gian và công nghệ), tính cách và nền tảng xã hội của những người tham gia, mối quan hệ quyền lực giữa họ, bối cảnh chính trị của mô hình lớp học cũng như sự tương tác giữa các yếu tố kể trên. Nếu bạn biết có lớp học nào hay, hãy giới thiệu với tôi!
 VẠN MỘC chú
Tôi đã có tiến sĩ I Văn Khoa nhưng cũng theo học Cao Học Giáo Dục vì tôi vốn là sinh viên Sư Phạm.Tôi nghĩ học nhiều thầy sẽ có bề dầy nghiên cưu Văn Chương và Giáo dục. Vì vậy mà tôi đến với giáo sư Tống. Phu nhân của giáo sư phàn nàn rằng tôi chẳng biếu xén gì cả...(Theo Gs Tống kể lại). Nhưng giáo sư bảo phu nhân rằng tôi sẽ luôn đến thăm giáo sư tại nhà ). Thật vậy, dù nghèo, tôi đã là giáo sư DHVK Saigon lẽ nào không mua nổi vài cái bánh giá 15-20 đồng  ở Eden Saigon, hay Passage TAX. Nhưng tôi nghĩ " hăm hở trả ơn cũng là một thứ bội bạc" .Vì vậy tôi đã chọn phương thức luôn đến thăm thầy tại nhà! Ngày GS mất, tôi ở Canada!

==


Thầy trò

Tháng 2 năm 2010, khi vào nhà bác ở tp Hồ Chí Minh để chuẩn bị sang Campuchia dự một hội thảo, tôi đã cầm lên và đọc cuốn “Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” của Dương Thiệu Tống– cảm thấy sung sướng vì gặp được một tấm lòng, tìm thấy được một sự đồng cảm.
“Người học trò cũ trên đất Mỹ” là chương XXV của cuốn sách (tr. 193-200), nằm trong “Phần III: Người thầy và trò trong truyền thống Việt Nam và trong quá trình hiện đại hóa”. Cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, vào năm nào tôi không rõ. Sách chưa tái bản, tôi chỉ có một cuốn photo không đầy đủ các thông tin.
NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ TRÊN ĐẤT MỸ
Dương Thiệu Tống
Những ngày Tết của tôi trong các năm du học ở nước người gợi cho tôi những nỗi nhớ thương da diết, vì tôi đã phải trải qua nhiều cái Tết ở nước ngoài trong sự thờ sơ, cô đơn gần như hoàn toàn, nhất là khi tôi phải sống trong những thành phố đại học (university town) mà không có bóng dáng một người Việt Nam nào.
Thế nhưng cái Tết tại New York trong năm 1967 ấy đã đem đến cho tôi một niềm vui bất ngờ và để lại trong ký ức tôi một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời dạy học của mình.
Năm ấy (1967), cuộc họp mặt do Hội sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ tổ chức tại một hội trường mượn của nhà thờ Sacred Heart ở Bronx [1]. Từ nhà tôi ở trên đường số 122 đến Bronx không xa, chỉ cần xuống xe điện ngầm đi chừng mấy phút là đến nơi, nhưng vì phải đi bộ thêm một quãng đường dài quanh co để tìm địa điểm họp nên khi tôi đến nơi thì mọi người đã họp đông đủ và đang giới thiệu từng người hay từng nhóm người một. Hội trường đông ngoài sức tưởng tượng của tôi, khó mà tìm được một chỗ ngồi. Tôi đang đứng ngơ ngác tìm chỗ thì một anh trong ban tổ chức nhận ra tôi, nhường cho tôi một chỗ ngồi ngay ở dãy đầu, có lẽ vì tôi là người sinh viên lớn tuổi nhất trong cuộc họp này. Lúc ấy tôi đã 43 tuổi, ở một tuổi mà ít ai còn đi học vào thời bấy giờ. Đến lúc ban tổ chức giới thiệu tôi là sinh viên đang theo học tại trường Columbia thì có tiếng xì xầm nổi lên ở cuối hội trường. Có lẽ một người nào đó đã nhận ra tôi vì cách đó bốn năm, tôi đã theo học tại đại học Ohio University để lấy bằng Master, và lần này là lần thứ hai tôi đến nước Mỹ. Đột nhiên, tôi thấy một người có vẻ lớn tuổi, vóc to lớn, mang một bộ râu quai nón rất rậm, từ ở cuối hội trường băng qua mấy hàng ghế, đi thật nhanh lên hàng ghế đầu, chỗ tôi đang đứng để được giới thiệu. Thoạt tiên tôi tưởng anh là một người Mỹ được mời đến chung vui, như một số bạn ngoại quốc có mặt tại hội trường hôm ấy. Nhưng không phải như vậy. Anh chạy đến chỗ tôi đang đứng, ôm choàng lấy tôi, rồi quay mặt về phía hội trường, nói lên thật to bằng tiếng Việt:
– Xin giới thiệu với các anh chị, đây là thầy tôi! Rồi anh quay về phía tôi: Thầy còn nhớ em không? Em là Huỳnh Kim Khánh, học trò của thầy ở lớp Đệ Ngữ trường Ngô Quyền đây mà!
Tôi nhìn mặt anh thật kỹ, cố tìm một nét quen thuộc nào đó quanh bộ râu quai nón màu đen và rất rậm. Từ vóc người đến khuôn mặt, hầu hết đều rất xa lạ trong ký ức tôi, nhưng ánh mắt và nụ cười thì tôi không thể lầm lẫn được. Anh đúng là HKK, học sinh ngồi ở đầu bàn thứ tư trong lớp Đệ Ngũ của tôi tại trường Ngô Quyền 15 năm về trước! Trong cuộc đời dạy học của tôi, có hai loại học sinh mà tôi có thể nhớ rất lâu dài, một là loại học sinh giỏi, hai là loại học sinh tinh nghịch nhất lớp. Anh HKK thuộc loại học sinh thứ nhất, vì môn sinh ngữ anh vượt trội tất cả các bạn đồng học lúc bấy giờ. Ngoài ra, anh đặc biệt có lối học gần giống như anh Hĩm Su mà tôi đã có dịp kể lại trong cuốn “Thuở Ban Đầu” (Tập I), nghĩa là anh rất ham học và hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau để có một kiến thức tổng quát rất rộng, ngoài môn sinh ngữ mà tôi giảng dạy cho anh lúc bấy giờ.
Tôi chưa kịp hỏi anh đang theo học trường đại học nào ở Mỹ thì ban tổ chức đã lên tiếng giới thiệu anh oang oang trong hội trường:
– Xin giới thiệu anh HKK, Ph.D., hiện là Giáo sư môn Political science tại trường Western Ontario, Canada!
Thì ra anh đang là một Giáo sư đại học và là một nhà nghiên cứu lịch sử chính trị Đông Nam Á. Tôi cảm thấy vừa vui sướng vừa hãnh diện vì một học sinh của tôi ngày nay đã vượt tôi rất xa và đã trở thành giáo sự đại học một trường lớn ở Canada, trong khi tôi còn là một sinh viên đang bận rộn với bài vở và lo lắng về thi cử và luận án. Nghĩ đến lời anh HKK tự giới thiệu vừa rồi, bất giác tôi nghĩ đến câu chuyện trong sách Quốc văn Giáo khoa thư tôi được học từ hồi tiểu học về một ông tướng nổi danh về thăm thầy cũ và tự giới thiệu với thầy: “Thưa thầy, con là Carnot đây!”. Không ngờ, bây giờ đây, chính tôi lại được cái vinh dự của ông thầy tiểu học trong cuốn sách nọ!
Lúc anh vừa trở lại chỗ ngồi cũ ở cuối hội trường, anh B., một nhân viên Văn phòng Quan sát viên Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hiệp Quốc [2], quay lại phía tôi nói nhỏ: “Anh coi chừng đấy nhé! Tên này (HKK) là một tay chống chiến tranh Việt Nam hạng nặng đấy!” Tôi mỉm cười tự nhủ: Việc gì mà tôi phải “Coi chừng”? Có người Việt Nam nào mà lại muốn chiến tranh tàn phá đất nước mình, cả miền Bắc lẫn miền Nam! Huống chi tôi đang học ở trường Columbia, một trường mà lúc bấy giờ cả thầy lẫn trò đều chống chiến tranh Việt Nam, và chính ở nơi đây lần đầu tiên tôi thấy bóng dáng của lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được sinh viên Mỹ vác đi diễu hành ngay trước pho tượng “Alma Mater” giữa khuôn viên của nhà trường.
Cuộc họp mặt vừa giải tán, tôi đến tìm ngay anh HKK và mời anh về nơi trọ học của tôi gần trường Columbia để thầy trò cùng nhau “ăn Tết” và để mừng cuộc gặp gỡ bất ngờ. Tôi lên chiếc xe hơi nhỏ mà anh đã dùng để thực hiện cuộc hành trình từ Ontario đến New York và trở về. Đó là một chiếc xe cũ hiệu Volvo mà anh đã mua trước khi lên đường vì giá của nó cũng chỉ bằng giá vé máy bay vừa đi vừa về từ Canada, và khi về đến nhà anh còn có thể bán lại tại các “Chợ trời xe hơi” để bù lại mọi chi phí dọc đường.
Nơi trọ học của tôi là một căn phòng rất nhỏ, chỉ dành cho một người, trong một tòa nhà có nhiều phòng cho thuê dành cho sinh viên đại học Columbia và có khi cho các khách đến thăm trường. Trong mỗi dãy phòng có bếp nấu ăn, với tủ lạnh, bếp lò gas chung cho bốn phòng, nhưng lúc nào cũng trống vì sinh viên Mỹ không mấy khi tự nấu lấy mà thường đến ăn tại các Cafeteria của nhà trường. Các căn phòng trong tòa nhà này tuy nhỏ nhưng cũng có khá đủ tiện nghi, có lò sưởi bằng hơi nước nóng, nên mặc dầu trời bên ngoài đang có tuyết rơi, phủ trắng xóa và dày đến lút giày trên đường phố, ở trong nhà vẫn ấm áp như thường. Vì vậy, tôi không ngại mời anh HKK đến ngủ với tôi một đêm, mặc dù với tư cách của một giáo sư đại học, có lẽ anh đã quen với những khách sạn đắt tiền, hơn là một căn phòng đơn sơ, bé nhỏ của một sinh viên. Tôi gợi ý thuê một căn phòng khác, gần phòng tôi để anh ngủ qua đêm, nhưng anh từ chối, nói rằng chỉ muốn ở chung với tôi một đêm để thày trò có thể cùng vui với nhau một cái Tết xa quê hương.
Phòng của tôi tuy nhỏ, nhưng tôi có thiết lập một bàn thờ Phật và thờ cha mẹ, rất đơn sơ trên một chiếc bàn nhỏ kê ở một góc phòng. Có lẽ tôi là người du học sinh Việt Nam duy nhất ở New York có một bàn thờ ở trong phòng trọ, vì vậy tiếng đồn đã lan đi trong cộng đồng Việt Nam ở thành phố này lúc bấy giờ, đến nỗi, một hôm, có hai vị sư Việt Nam, không hề quen biết, tìm đến tận nhà trọ của tôi để thăm hỏi và tìm hiểu. Một trong hai vị ấy là một Thượng tọa đang làm luận án Tiến sĩ ở California, còn vị kia là một Hòa thượng vừa mới ở Việt Nam sang tham quan nước Mỹ. Cả hai vị đều quì xuống tụng kinh trước chiếc bàn thờ Phật quá đơn sơ của tôi, khiến tôi thầm nghĩ giá như tôi có khả năng dựng một ngôi chùa rất lớn ở trong nước thì chưa chắc gì có thể mời hai vị ấy đến làm lễ an vị.
Tôi nhắc đến câu chuyện trên đây vì ngay lúc anh HKK bước vào căn phòng trọ của tôi, anh đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động bằng một cử chỉ mà tôi ít khi thấy ở nước nhà và chưa bao giờ thấy ở nước Mỹ xa xôi này. Anh đến ngay trước bạn thờ cha mẹ tôi, đốt đèn nến và thắp hương kính cẩn vái ba vái. Sau đó anh quay lại nói:
– Chắc thầy cũng đã biết, em theo đạo Tin lành từ nhỏ, nhưng cha mẹ của thầy cũng như là cha mẹ của em nên xin phép thầy làm lễ hai cụ nhân ngày Tết.
Thì ra con người Việt Nam, dù ở đâu, cũng không quên các phong tục và truyền thống tốt đẹp của đất nước, và càng xa quê hương họ lại càng ý thức được nhu cầu bảo tồn bản sắc dân tộc nhiều khi còn hơn cả người dân trong nước.
Sẵn các món thịt đông, dưa chua và một dĩa thịt kho tàu mà tôi đã tự làm để cúng cha mẹ tôi hôm giao thừa, tôi bày tất cả mọi thứ đồ ăn, cả Việt lẫn Mỹ lên bàn, còn anh HKK thì loay hoay nấu cơm trong gian bếp chung kế cận.
Tối hôm ấy, chúng tôi trải qua một cái Tết đầy ý nghĩa, riêng tôi thì đó là một cái Tết vui vẻ, ấm cúng nhất trong cuộc đời du học của tôi, khác hẳn với hồi còn đi học ở Anh, trong một thành phố đại học xa Luân Đôn và các cộng đồng Việt Nam, cô đơn trong một căn phòng ký túc xá với một xoong cơm và hai quả trứng luộc chấm muối để gọi là có chút hương vị Tết quê hương!
Riêng chỉ có vấn đề ngủ là hơi khó khăn, vì trong phòng tôi có một chiếc giường chỉ vừa đủ cho một người nằm. Anh HKK đề nghị lấy chiếc nệm ra đặt xuống sàn nhà để anh nằm, còn tôi thì nằm trên cái đệm lò xo (mattress) còn lại, có phủ một lớp xốp khá êm. Nhưng tối hôm ấy, chúng tôi khôngngủ được vì mải mê ôn lại với nhau những kỷ niệm cũ tại trường Ngô Quyền, Hải Phòng. Anh còn nhớ từng cử chỉ, từng câu nói của tôi trong lớp Đệ Ngũ anh học năm ấy, và hát lên những bài hát bằng sinh ngữ mà tôi dạy anh lúc bấy giờ. Tất cả những câu chuyện giữa chúng tôi đêm hôm ấy chỉ tập trung vào các thầy giáo, bạn bè ở trường Ngô Quyền, mà anh còn nhớ rõ tên hơn tôi. Hầu như anh không nói gì về những thành tích anh đã đạt được ở Canada và Mỹ trong những năm qua. Mặc dầu vậy, lượm lặt những chi tiết xen kẽ trong câu chuyện, tôi biết anh đã đi du học sau khi học xong bậc trung học ở Việt Nam, cách đó chừng 10 năm, và anh đang làm Giáo sư diễn giảng khoa Chính trị học (political science) ở Ontario, đã từng được mời làm giảng sư và nghiên cứu tại đại học Berkeley, một trong những trường nổi tiếng nhất nước Mỹ ở California.
Đến gần sáng, anh HKK nổi cơn ho rũ rượi. Sờ vào trán anh, tôi thấy hơi nóng. Tôi liền lấy lọ dầu Nhị Thiên Đường mà gia đình vừa gửi sang cho tôi và xoa khắp người cho anh. Hai thầy trò lục đục xoa dầu, đun nước nóng để uống thuốc giải cảm. Lúc trời sáng tỏ thì anh cảm thấy trong người dễ chịu hơn và chuẩn bị lên đường trở về Canada. Tôi tặng anh một lọ dầu Nhị Thiên Đường còn nguyên trong gói để anh đem theo dùng trong lúc đi đường. Ra đến ngoài cửa, chúng tôi thấy chiếc xe Volvo của anh, để ở ngoài đường suốt đêm, đã bị phủ dưới một lớp tuyết dày đặc, chỉ còn nhô lên cái cột ăng ten radio. Thầy trò lại một phen vất vả cào tuyết, rồi lại phải hì hục đẩy chiếc xe một quãng đường máy mới chịu nổ. Chiếc xe thả khói trắng trên suốt con đường số 122. Tôi chỉ kịp thấy một cánh tay thò ra khỏi cửa kính để vẫy chào, rồi cả người lẫn xe đều mất dạng giữa dòng xe cuồn cuộn. Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại anh và không ngờ đó cũng là cái vẫy tay của anh chào tôi lần cuối cùng trong cuộc đời anh…
Ba mươi ba năm sau (1985), tôi ngạc nhiên nhận được từ Hà Nội ba cuốn sách tiếng Anh do anh viết với vỏn vẹn lời đề tặng: “Kính tặng thầy Dương Thiệu Tống, Paris ngày 7 tháng 2 năm 1985”. Sau đó, tôi mới được biết rằng anh đã gặp một đoàn Giáo sư Hà Nội tham dự một Hội nghị về Sử học và Chính trị Đông Nam Á tại Paris trong đó anh HKK được mời làm thuyết trình viên. Anh đã tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam và được biết tôi đang còn ở Việt Nam nên đã nhờ họ chuyển các tác phẩm nghiên cứu của anh đến cho tôi vì không biết địa chỉ. Tôi cũng không biết địa chỉ của anh nên cũng tìm mọi cách để dò hỏi, mặc dầu thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những lời ca ngợi và bình luận về các tác phẩm nghiên cứu của anh trên các đài phát thanh nước ngoài. Chỉ mới cách đây ít năm, tôi được một người bạn Giáo sư người Việt ở Canada, anh Nguyễn Trọng Lương, nguyên tốt nghiệp Đại học Cornell miền Tây nước Mỹ, cho biết anh HKK được mời đến giảng tại Cornell và mất tại đó sau một cơn đau tim…
Riêng kỷ niệm lần gặp lại anh HKK tại New York vào Tết 1967 ấy, đã khiến cho tôi phải suy nghĩ nhiều về mối quan hệ tình cảm “Thầy xưa và Trò cũ”, không những vào lúc ấy mà cả về sau này: Không có gì vui sướng và hãnh diện hơn cho một thầy giáo khi học sinh cũ của mình đã thành công vượt xa mình trên đường đời, trong đó phần đóng góp của mình chỉ là một mảng rất nhỏ, quá nhỏ, nhưng vẫn được ghi nhận. Mối tình cảm Thầy-Trò vẫn có thể tồn tại, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nếu người ta có lòng và muốn nghĩ đến. Thế nhưng, trong khi người học trò cũ có thể đối xử với thầy xưa với tất cả sự kính trọng giống như thời còn đi học và họ vui sướng với thái độ ấy, thì ngược lại người thầy giáo cũ khó có thể xem người ấy mãi mãi là người học trò của mình giống như xưa được. Dù họ là những người thành công hay không thành công trên đường đời, người thầy giáo, khi gặp lại họ về sau, chỉ có thể xem họ như là những người bạn mà mình nể trọng và quí mến, chứ không thể nào thấp hơn thế được.
Chú thích
[1] Vì hơn ba mươi năm đã trôi qua, tôi có thể nhớ lầm địa điểm tổ chức cuộc họp này với một địa điểm khác gần đó, cũng được tổ chức trong dịp Tết trong những năm tôi sống ở New York.
[2] Lúc bấy giờ (1967) chính quyền Sài Gòn không được là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc mà chỉ được có một Văn phòng Quan sát viên tại New York.

Share this:

No comments:

Post a Comment