Kỳ quan địa chất siêu thực ít người biết đến ở Mỹ
Mê cung như sao Hỏa
Ở giữa sa mạc trên cao nằm về tây bắc tiểu bang New
Mexico, Hoa Kỳ, Vùng hoang dã Bisti/De-Na-Zin - được biết đến nhiều hơn
với tên gọi 'Vùng đất Cằn cỗi Bisti' - là một kỳ quan địa chất siêu thực
đầy ấn tượng được hình thành trong khoảng 70 triệu năm.
Mê cung
rộng lớn giống như sao Hỏa này gồm các tháp đá tự nhiên, đền thờ, tháp,
lâu đài, cầu và lối đi, tạo thành một trong những vùng đất cằn cỗi ngoạn
mục nhất trên Trái Đất.
Bối cảnh khoa học viễn tưởng bị bỏ hoang?
Khám phá vùng đất Bisti cằn cỗi bị cô lập không cây
cối này giống như bước vào một thế giới ngoài Trái Đất với những khối đá
hình thù kỳ quái vừa lạ lùng vừa quyến rũ. Các đĩa sa thạch nằm cân
bằng trên bệ tro núi lửa. Một thung lũng có những tảng đá hình quả trứng
mọc lên từ mặt đất. Những khúc gỗ hóa đá đồ sộ nhô lên từ mái bằng trên
cùng của đá bùn. Và các khe núi hẹp biến mất trong các lỗ núi lửa cổ
đại.
Đi
qua vùng hoang dã như ở thế giới khác này đem đến những ngạc nhiên ở
mọi góc, nhưng nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Có phải ở đây từng xảy ra
tận thế? Những khối đá lạ lùng này nhô lên sau thời gian ngủ yên dưới
lòng đất? Và tại sao phim 'Star Wars' không được quay ở đây?
Vùng đất rộng 45.000 mẫu không người ở
'Bisti' là một từ của bộ tộc Navajo có nghĩa là 'nằm
giữa các cấu tạo bùn đất'. Ngày nay, hậu duệ của bộ tộc Navajo cổ đại
vốn từng sống giữa những cấu tạo này 15.000 năm trước đây hiện cư ngụ
cách vùng đất cằn cỗi này khoảng 95 dặm về phía tây trong lãnh thổ Quốc
gia Navajo.
Địa hình như hành tinh khác của Bisti đã được cấp
chính quyền liên bang bảo vệ vào năm 1984. Vào năm 1996, Quốc hội Mỹ đã
kết hợp hai vùng đất liền kề Bisti và De-Na-Zin lại với nhau tạo thành
vùng hoang dã Bisti/De-Na-Zin (De-Na-Zin có nghĩa là 'chim hạc đứng'
trong tiếng Navajo - nhắc đến các bức tranh khắc đá cổ mô tả các loài
chim).
Không nước, ít bóng râm và thưa dân cư
Vùng đất hoang dã rộng 45.000 mẫu này nằm heo hút
cách Farmington, New Mexico 40 dặm về phía nam, nơi có một biển báo bị
mòn vì mưa nắng dọc xa lộ NM-371 chỉ hướng đông, về phía vùng lòng chảo
tự nhiên lỗ chỗ những vết nứt.
Lối vào chính của công viên là
điểm bắt đầu Đường mòn Alamo Wash, vốn không có gì ngoài một bãi đậu xe
trên sỏi và một quầy thông tin. Từ đây, một con đường mòn dài năm dặm
dẫn du khách đi qua các hẻm núi, các rãnh núi và bãi bồi vốn đòi hỏi các
nhà thám hiểm phải leo lên những tảng đá.
Không có mấy du khách
đến nơi này; không có dịch vụ, nước, cũng không có những đường mòn được
duy tu; và không có mấy bóng râm, mạng di động đáng tin cậy cũng không
có. Vào mùa hè, nhiệt độ thường đạt tới 110 độ F (43 độ C), trong khi
vào mùa đông, nhiệt độ thường xuyên giảm xuống ở mức dưới 10 độ F (âm 10
độ C). (Ảnh: Ted Alan Stedman)
Cô lập giữa sa mạc
Mãi đến tương đối gần đây, Bisti vẫn là một bí mật
chỉ dân địa phương trong số các tay nhiếp ảnh và người đi bộ địa hình ở
khu Bốn Góc - tức là điểm các tiểu bang Arizona, New Mexico, Colorado và
Utah gặp nhau - mới biết được. Khi những hình ảnh về cảnh quan ấn tượng
của sa mạc được lan truyền, nhiều du khách và người cắm trại dạo chơi
đã bắt đầu đổ vào những vùng đất cằn cỗi như Mặt Trăng này. Tuy nhiên,
hầu hết không mạo hiểm đi quá một dặm từ điểm khởi đầu đường mòn Alamo
Wash. Cách khỏi đường mòn này và tại lối vào phía đông của Vùng
Bisti/De-Na-Zin Hoang dã, bạn sẽ rất có thể nhìn thấy chuột, thằn lằn,
chim ưng và quạ nhiều hơn là nhìn thấy người. (Ảnh: Ted Alan Stedman)
Tuyệt diệt vì thiên thạch
Lịch sử tự nhiên của Bisti là một câu chuyện tận thế
qua các thời đại. Sa mạc này từng là đồng bằng sông mênh mông trên bờ
của Vùng biển Nội hải Bắc Mỹ (còn gọi là Đường biển Phấn trắng hoặc
Đường biển Western Interior) vốn bao phủ phần miền tây nam Hoa Kỳ và
chia đôi Bắc Mỹ. Các lớp trầm tích được hình thành từ nhiều thế hệ thực
vật, khủng long và động vật có vú cổ đã chết dọc theo bờ đầm lầy.
Sau
đó một thiên thạch chết chóc được cho là đã xuất hiện, quét sạch nhiều
loài khủng long 66 triệu năm trước đây. Vụ đâm thiên thạch này đã khiến
bầu trời tối sầm, khí hậu biến đổi, núi lửa phun ra một lượng tro khổng
lồ và Vùng biển Nội hải Bắc Mỹ mất đi trong khi Dãy núi Rocky nhô lên.
Sáu ngàn năm trước, Kỷ Băng hà cuối cùng kết thúc và những dòng sông
băng tan chảy đã làm lộ diện sa thạch, đá bùn, tro, đá phiến, than đá,
các hóa thạch tiền sử và cây hóa đá. Ngày nay, cảnh quan vùng Bisti có
được là nhờ vào lớp trầm tích nhô lên và sau đó bị xói mòn. (Ảnh: Ted
Alan Stedman)
Cấu trúc đá tan chảy
"Vùng Bisti Cằn cỗi đã từng là một đầm lầy ven biển
và là nơi có nhiều cây cối lớn, các loài bò sát, khủng long và động vật
có vú nguyên thủy," Giáo sư Karl Karlstrom từ Khoa Khoa học Trái Đất và
Hành tinh, Đại học New Mexico, nói. "Những gì du khách nhìn thấy ngày
hôm nay là bằng chứng được giữ gìn của đầm lầy thời tiền sử này. Tro và
sa thạch lắng đọng từ các dòng sông và tụ lại thành các lớp chống xói
mòn. Các loại đá khác nhau bị xói mòn khác nhau và điều đó tạo ra các
hình dạng đáng kinh ngạc."
Quá trình này, Karlstrom giải thích, đã
nhào nặn ra các mỏm đá, đỉnh nhọn, vườn đá siêu thực và các cấu tạo kỳ
dị khác. "Tôi muốn nói rằng đá đã tan chảy," ông nói. (Ảnh: Ted Alan
Stedman)
Cột đá, người lùn và quỷ lùn
Một đặc điểm độc đáo ở Bisti là sự phong phú các cột
đá hoodoo - những ngọn tháp cao, hẹp với đá trên đỉnh để che chắn cho
đá mềm bên dưới khỏi bị xói mòn. Chúng có khắp nơi ở đây, nhưng tập hợp
nổi bật nhất trong số mũ nấm thất thường này là những khu vực của Thành
phố Nấm và Vườn Hoodoo, mỗi nơi cách Bisti khoảng 1,2 dặm từ điểm đầu
Đường mòn Alamo Wash.
Nằm trên cùng những bệ đá thấp là các phiến
sa thạch và đá trầm tích trông giống như nấm, đĩa hay cánh bị méo mó.
Vào lúc hoàng hôn, khi khu vực này được tắm trong ánh sáng ấm áp và
những chiếc bóng trải dài kích thích trí tưởng tượng, các binh đoàn
hoodoo ở Bisti có thể trông giống như một vùng đất thích hợp cho người
lùn và quỷ lùn. (Ảnh: Ted Alan Stedman)
Não người khổng lồ
Từ những điểm cao từ đỉnh đồi, như phía bắc của
Alamo Wash nhìn về phía nam, quang cảnh toàn cảnh của Bisti như điềm
báo. Vô số khe và đất bồi đá sa thạch được khai quật trong vòng thiên
niên kỷ qua dường như tạo thành bộ não người khổng lồ trải dài hàng dặm.
Vào lúc hoàng hôn, những tảng đá đỏ, đen và xám nhô lên trong màu đỏ
thẫm.
Sau khi Kỷ Phấn trắng kết thúc cách đây 66 triệu năm, các
lớp than dưới lòng đất được hình thành từ các chất hữu cơ bị nén lại bắt
lửa do sức nóng trong núi lửa, tạo ra những đám cháy dưới lòng đất kéo
dài hàng ngàn năm.
Đất sét bồi lắng trên than đang cháy bị nung và
biến thành những mảnh gạch tự nhiên đỏ rực, nằm rải rác khắp mặt đất
như những ngôi sao trên bầu trời đêm, làm phong phú thêm cho màu sắc
muôn vẻ ở đây gồm màu hoàng thổ, đất sienna cháy màu hung đủ, màu hơi
cam và màu tím có khắp nơi ở Bisti. (Ảnh: Ted Alan Stedman)
Vùng đất cháy cằn cỗi
Khi bạn lội bộ qua Alamo Wash có màu xám tro, những
gò đất đen trông giống đống bùn bị đốt cháy gồm đá xoắn tan chảy xuất
hiện. Phần nhiều trong số những gò đất này là tàn dư của những tảng đá
bị nung nóng quá mức bởi lửa than thoát lên trên bề mặt. Các gò đen khác
có cấu tạo than non, một loại than cấp thấp được hình thành từ cây cối
bị phân hủy hoặc than bùn, sau khi trải qua một quá trình nung áp suất
được gọi là 'than hóa'. (Ảnh: Ted Alan Stedman).
Khi sự xói mòn
bào mòn những lớp tro mềm hơn xung quanh, những gò đất có sức chống chọi
nhiều hơn với thời tiết dần xuất hiện như là vết tích kiên cường của
thảm họa dưới lòng đất thời tiền sử.
Di tích 70 triệu năm
Trong tất cả các đặc điểm kỳ lạ của Vùng đất Cằn cỗi
Bisti, cảnh tượng những khúc gỗ hóa đá nhô ra từ tường đá bùn là một
trong những hiện tượng khác thường nhất của công viên. Một khu vực cách
điểm đầu Đường mòn Alamo ba dặm được một số người đi bộ biết đến là 'Hốc
của Cây hóa đá', là nơi có những bằng chứng tuyệt vời. Những khúc gỗ
hóa đá nơi đây như ngưng đọng đúng thời điểm chúng rơi xuống khoảng 70
triệu năm trước.
Một số thân cây dài hơn 30 bộ (khoảng hơn 9 mét)
nằm cân bằng trên các bệ được cấu tạo tự nhiên. Gần đó, những gốc cây
hóa đá nhỏ hơn đang bị bào mòn thành những khối kết tinh mịn. (Ảnh: Ted
Alan Stedman)
'Trại ấp trứng của người ngoài hành tinh'
Ở rìa phía nam của Alamo Wash, cách điểm đầu đường
mòn khoảng hai dặm và bị kẹp giữa các vách đá xói mòn sặc sỡ trong một
lòng chảo bằng phẳng, là những Quả trứng Vỡ tuyệt diệu một cách khó tin,
đôi khi được gọi là 'trại ấp trứng của người ngoài hành tinh'. Đây là
điểm được chụp ảnh nhiều nhất ở Bisti và những quả cầu thuôn dài bị xói
mòn này trông giống như những quả trứng đá vôi khổng lồ đang nở ra.
Nếu có bất kỳ nơi nào để dừng chân lại ở vùng hoang mạc sa mạc này, thì đó là ở đây, giữa những cấu tạo thanh thoát nhô lên từ mặt đất này. Chiêm ngưỡng những hình dáng kỳ thú này vào lúc bình minh hay hoàng hôn là khoảnh khắc tuyệt vời nhất ở Bisti, một trải nghiệm mê hoặc sẽ khắc sâu một ký ức không thể xóa nhòa.
Nếu có bất kỳ nơi nào để dừng chân lại ở vùng hoang mạc sa mạc này, thì đó là ở đây, giữa những cấu tạo thanh thoát nhô lên từ mặt đất này. Chiêm ngưỡng những hình dáng kỳ thú này vào lúc bình minh hay hoàng hôn là khoảnh khắc tuyệt vời nhất ở Bisti, một trải nghiệm mê hoặc sẽ khắc sâu một ký ức không thể xóa nhòa.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
No comments:
Post a Comment