Nắng Sài Gòn!
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…….(Nguyên Sa)
Sài Gòn, cái tên của một thành phố đã từng là ước mơ của
Lý Quang Diệu, là sự khởi đầu cho lẽ sống của hơn một triệu
người miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam năm 1954 và cũng là nơi
mầm móng tự do kết thúc. Sài Gòn, tụ điểm nuôi dưỡng những
nét văn hóa miền nam riêng biệt, những ước mơ lãng mạn, ảo
vọng, cuồng nộ một thời của tuổi trẻ miền nam, là nỗi ám
ảnh trong trí nhớ của những đoàn quân viễn chinh ngoại quốc,
đã đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới như một biến cố đẫm
máu và nước mắt. Sài Gòn, cái tên của một thành phố cần
phải xóa bỏ, theo quyết định của bên thắng cuộc, và thay bằng
cái tên thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 30.04.1975, cái tên Sài Gòn đã vượt biển theo dòng
người tỵ nạn, cùng có mặt khắp nơi trên thế giới. 44 năm trôi
qua, Sài Gòn vẫn là biểu tượng của hy vọng, của sức sống năng
động mãnh liệt, của một miền đất hứa. Cái tên Thành phố Hồ
Chi Minh chỉ thấy trên các văn bản, giấy tờ hành chánh vô hồn.
Nền văn hóa cá biệt của miền Nam được cấu thành do hoàn cảnh địa lý, sự giao thoa văn hóa các dân tộc và chính sách giáo dục.
Nền văn hóa cá biệt của miền Nam được cấu thành do hoàn cảnh địa lý, sự giao thoa văn hóa các dân tộc và chính sách giáo dục.
Miền Bắc, kẻ chiến thắng, sau bao cố gắng tìm cách hủy
hoại nền văn hóa này, cuối cùng vẫn phải học hỏi, thu
nhập.Giá trị của nó được xác định qua thử thách của thời
gian dù đã bị sự góp sức tàn phá của con người. Một nền văn
hóa phong phú và đa dạng với một kho tàng sách báo, văn học,
nghệ thuật…. đã tìm lại được chỗ đứng của mình.
Miền Nam, với sự ưu đãi của thiên nhiên và môi trường sống,
đã sinh ra những con người chân thật, thẳng thắn, phóng khoáng,
năng động và thực tiễn. Triết lý giáo dục giáo dục với 3
nguyên tắc căn bản nhân bản, dân tộc,khai phóng*đã sinh ra những
lớp người tự trọng, lương thiện, yêu gia đình, quê hương và sự
tự do. Dù có những hạn chế, khuyết điểm trong việc quản trị,
đào tạo và xây dựng do hoàn cảnh chiến tranh, nền giáo dục
này vẫn chứng tỏ được nó là một thực thể độc lập trong cơ
cấu tổ chức chính trị miền Nam.
Mô hình tự trị đại học là một ví dụ. Công việc giáo dục
được hướng dẫn, điều hành bởi những chuyên gia, nhà giáo có
tâm tận tụy trong ngành. Thành hình với một triết lý giáo
dục, nền giáo dục này đã góp phần vào việc tạo dựng một
nền văn hóa nuôi sống tâm hồn và bồi đắp tri thức độc lập cho
nhiều thế hệ thanh thiếu niên miền Nam.Tâm hồn yêu người, yêu quê
hương, dân tộc.Tri thức độc lập khao khát tìm tòi học hỏi
nhưng không chấp nhận sự áp đặt tư tưởng.Tình tự dân tộc, tính
nhân bản thể hiện rõ nét qua văn chương và âm nhạc.
Chúng vượt lên trên những hận thù mang danh chủ nghĩa và các thủ đoạn chính trị.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…..Một mâu thuẫn kỳ lạ và
ngộ nghĩnh.Cái nắng gay gắt, chói chan của Sài Gòn trở nên
mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Một kết hợp đi ngược lý
luận bình thường nhưng lại đập mạnh vào tâm hồn người đọc, dù
chỉ bằng sự mềm mại của tấm áo lụa, vì xuất phát từ nỗi
lòng u uẩn và từ những mất mát tiếc nuối vô bờ.
Áo lụa Hà Đông không dừng lại như một bài thơ tình. Nó vượt
qua dòng sông Bến Hải, nối dài những ước mơ đã bị chia cắt.
Nó dẫn người đọc trở về những hình ảnh thơ mộng, thanh lịch
của một Hà Nội ngày xưa, xa lắm.Nó đã đập vào trí tưởng
tượng, làm rung động biết bao trái tim người miền Nam, dù họ
chưa một lần đặt chân đến thành phố đó. Và rồi mãi mãi vẫn
chỉ là một cuộc tình đã mất của nhà thơ và sự hoài tưởng
trong giấc mộng dài của người đọc.
Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn trở lại bên này
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
(Trích:Người đi đâu..Bùi Giáng.)
Ở bên kia nhìn trở lại bên này
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
(Trích:Người đi đâu..Bùi Giáng.)
Áo Lụa Hà Đông mở đầu như một nghịch lý. Người Đi Đâu kết
thúc như nỗi đớn đau vì những bàn tay thô bạo, những tàn nhẫn,
vô minh. Mở đầu bằng thực tại. Kết thúc bằng tâm thức đánh
động lương tri con người.
Tình người là đặc điểm trong các sáng tác âm nhạc miền Nam.
Nó luôn nở hoa trên đống tro tàn.Tình thương bên cạnh hận thù.
Hy vọng bên cạnh tuyệt vọng. Xây dựng bên cạnh đổ nát. Hồi sinh
bên cạnh cái chết. Những sáng tác của các nhạc sĩ như Phạm
Duy,Trịnh Công Sơn,Trần Thiện Thanh,Duy Khánh,Nguyễn Văn Đông,
Nhật Ngân, Lam Phương v..v….. đã được phổ biến khắp nước, trong
hang cùng ngõ hẻm,ngoài tiền tuyến cũng như hậu phương.Chúng đi
vào tâm hồn người Việt thuộc mọi tầng lớp xã hội một cách
tự nhiên, không cần rao giảng, cổ vũ tuyên truyền. Chúng phản
ảnh nỗi sợ hãi chiến tranh, tình tự dân tộc, tình nghĩa đồng
bào, chán ghét sự lừa bịp chủ nghĩa đã đẩy dân tộc vào một
cuộc chiến tàn khốc phi nghĩa.
Tính nhân bản là yếu tố chính để giải thích lý do tại sao
loại nhạc vàng được yêu thích ở Việt Nam hiện nay. Đó là
quyền lực mềm làm cái ác, sự lừa dối luôn phải lo sợ, tìm
cách đối phó. Các cuộc tranh luận về thể điệu Bolero trong
thời gian vừa qua rất vô ích.Sự thành công của một ca khúc là
đi được vào lòng người. Bản hòa tấu Bolero của Maurice Ravel cứ
mỗi 15 phút lại phát lên ở đâu đó trên quả địa cầu là một
thí dụ điển hình, trong khi chính ông lại phủ nhận gíá trị âm
nhạc của nó: I have written a masterpiece. Unfortunately, there is
no music in it.
Trước hết phải hiểu được những gì người khác đang hiểu nếu
muốn giúp đỡ họ, theo Søren Kierkegaard, triết gia người Đan
Mạch. Điều này có nghĩa là phải hiểu tại sao có những người
tôn trọng, đề cao giá trị văn hóa hay tôn giáo của họ, nếu ta
muốn thay đổi quan điểm của họ. Nếu không thì chỉ nói chuyện
với những lỗ tai điếc.Tuy vậy cũng nên nhớ rằng chính mình
cũng có thể sẽ bị thay đổi qua cuộc thảo luận. Bàn tròn cúa
lý trí cũng giống như cảm tính của con người vậy. Bài học
đầu tiên của lịch sử là cần sự khiêm tốn. Câu nói của Will
Durant, sử gia người Mỹ, là lời khuyên cho tất cả những ai đang
tham gia vòng quay lịch sử.
Hoàng Thủy Ngữ (Tác giả gửi đăng)
——————————————-
* Nguồn: Nền giáo dục ở miền Nam 1954 – 1975.Nguyễn Thanh Liêm.
——————————————-
* Nguồn: Nền giáo dục ở miền Nam 1954 – 1975.Nguyễn Thanh Liêm.
No comments:
Post a Comment