Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 30 April 2019

Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng)

Share This
”…Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc chiến đấu thực sự xứng đáng để chiến đấu. Đó là cuộc chiến đấu để thực sự giải phóng mọi người Việt Nam, để tôn vinh quyền làm người, quyền được làm chủ đời mình để xây dựng hạnh phúc cho mình và đóng góp cho hạnh phúc chung của dân tộc…”

Ba ngày trước cuộc bầu cử quốc hội Espana, thắng lợi của Đảng Nhân Dân của thủ tướng José-Maria Aznar được coi là chắc chắn, tự nhiên và xứng đáng. Trong vòng tám năm họ đã phục hồi Espana một cách ngoạn mục, biến nó từ một nước trì trệ nhất châu Âu trở thành nước phát triển mạnh nhất.

Cuộc khủng bố rùng rợn của nhóm Hồi giáo quá khích thân Al Qaeda ngày 11-3-2004 ngay tại thủ đô Madrid đã thay đổi tất cả. Đảng của Aznar thảm bại, Đảng Xã Hội thắng lớn một cách không ngờ và tuyên bố sẽ rút quân Espana khỏi lực lượng đồng minh với Hoa Kỳ tại Iraq. Cánh hữu Espana thất bại, Hoa Kỳ bối rối vì mất một đồng minh trung kiên. Al Qaeda đã thắng lớn.

Nếu muốn đi vào chi tiết thì còn nhiều điều đáng nói. Nhưng điều chắc chắn là người Espana sẽ bỏ phiếu cho đảng của Aznar nếu không có biến cố này.

Vụ khủng bố tại Madrid cũng như những vụ khủng bố tại nhiều nơi khác, những khó khăn của Mỹ và đồng minh tại Iraq và Afghanistan, của Nga tại Chechnya, của Do Thái, của Nam Dương chứng tỏ một điều: ngay cả với một so sánh lực lượng một ngàn chống lại một cũng khó chống lại được khủng bố. Nếu tương quan lực lượng chỉ là mười chống một thì không làm gì được quân khủng bố. Với một tỷ lệ thấp hơn thất bại là chắc chắn. Khủng bố không phải chỉ là một chiến thuật, tự nó cũng là một vũ khí, một vũ khí có hiệu lực và sức tàn phá ghê gớm.

Nhận xét này cho phép chúng ta nhìn lại cuộc chiến thắng của quân cộng sản trong cuộc chiến kết thúc ngày 30-4-1975 một cách nghiêm chỉnh hơn. Trong cuộc chiến này, nếu tạm giới hạn trong thời gian 1960-1975, chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã phải đương đầu với một lực lượng khủng bố đông đảo hơn và có kinh nghiệm hơn mình, trong hai năm cuối cùng nó còn thua cả về hoả lực.

Nhưng không phải chỉ có thế. Nếu ngày nay khủng bố bị cả thế giới văn minh lên án thì chúng ta cũng không được quên là vào các thập niên 1960 và 1970 nó không những không bị lên án mà còn được ngưỡng mộ như là một biểu hiện của sự dũng cảm cách mạng. Tâm lý của thời kỳ đó là một cứu cánh đẹp có thể biện minh cho mọi phương tiện, và chủ nghĩa Mác được coi là mà chủ nghĩa đẹp. Triết gia Jean-Paul Sartre cùng với triết gia Bertrand Russell và nhiều trí thức lỗi lạc bậc nhất thế giới lập "Toà án Bertrand Russell" để xét xử "tội ác đế quốc Mỹ tại Việt Nam" và hoàn toàn không thắc mắc gì về những hành động khủng bố của cộng sản Việt Nam như cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế. Jean-Paul Sartre tuyên bố trên đài truyền hình Pháp như sau: "Tôi không chấp nhận và toàn bộ toà án cũng không chấp nhận việc đặt ngang hàng bạo lực cách mạng và bạo lực đế quốc". Che Guevara là một thần tượng của thanh niên lúc đó. Các tổ chức khủng bố của thanh niên và trí thức bị cám dỗ bởi tính lãng mạn của bạo lực mọc lên như nấm tại khắp nơi. Sinh viên và trí thức xuống đường rầm rộ hô tên của Che Guevara, Castro, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.

Về bản chất thì mọi đảng cộng sản đều là những lực lượng khủng bố. Khủng bố toàn diện và trắng trợn khi giành chính quyền, khủng bố có phương pháp và có hệ thống khi đã nắm được chính quyền. Một huyền thoại cần được đánh đổ: mặc dầu những khẩu hiệu "xoá bỏ giàu nghèo", "chuyên chính vô sản" của nó, chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ lôi kéo được quần chúng. Chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào. Sức mạnh của các đảng cộng sản không phải là quần chúng. Bí quyết thành công của mọi đảng cộng sản là dùng một thiểu số có quyết tâm để khống chế và điều khiển quần chúng. Cũng cần lưu ý là chưa có một chính quyền cộng sản nào đem lại phồn vinh cho một dân tộc nào. Những tiến bộ gần đây tại Trung Quốc và Việt Nam không được làm người ta quên rằng đó là hậu quả của sự kiện chủ nghĩa cộng sản bị gác lại nhường chỗ cho một chính sách tư bản rừng rú. Các đảng cộng sản không được thành lập để giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử và giữ được chính quyền nhờ quản trị đứng đắn. Họ cướp chính quyền bằng khủng bố và duy trì chính quyền bằng bạo lực. Sức mạnh của họ là ở chỗ họ bất chấp tất cả mọi qui luật và giá trị trói buộc các đối thủ của họ. Họ sử dụng tất cả mọi phương tiện cần thiết và xoá bỏ mọi thông tin khách quan để che đậy tội ác. Đó là sự khủng bố toàn diện và tinh vi, một vũ khí gần như vô địch. Lenin từng định nghĩa đạo đức một cách ghê rợn: "Những gì có lợi cho cách mạng là hợp đạo đức, những gì có hại cho cách mạng là vô đạo đức". Các chế độ cộng sản đã chỉ sụp đổ sau một thời gian dài cầm quyền, khi những qui luật tự nhiên của cuộc sống dần dần được phục hồi và lá bùa "cách mạng" đã trở thành nhàm chán.

Đảng Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn nằm trong khuôn mẫu của một tổ chức khủng bố, như mọi đảng cộng sản khác. Ta có thể chia lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam làm ba giai đoạn khủng bố. Hãy tạm gác qua giai đoạn chót, giai đoạn của khủng bố nhà nước, để chỉ bàn về hai giai đoạn khủng bố đầu tiên dẫn đến chiến thắng 30-4-1975.

Giai đoạn Hồ Chí Minh, từ 1945 đến 1960, là giai đoạn khủng bố trắng trợn toàn diện và tuyệt đối, trong đó vô số người đã bị giết vì bị tình nghi một cách vớ vẩn. Các đảng phái quốc gia bị tàn sát, những vụ thủ tiêu người trong đêm tối xảy ra khắp nơi và mỗi ngày. Không khí kinh hoàng bao trùm.

Tôi còn nhớ rất rõ một cảnh hãi hùng vào lúc tôi mới khoảng 5 hoặc 6 tuổi. Một thanh niên đẹp trai, mặc quần áo mới, đi qua làng tôi bị bắt vì tình nghi là Việt gian, anh ta bỏ chạy, bị du kích đuổi theo bắt được tại sân nhà tôi và bị đánh chết tại chỗ. Chiều hôm đó người ta được biết anh ta là người làng bên cạnh, ngày hôm đó cưới vợ nên mặc quần áo đẹp, bất ngờ bà mẹ lâm bệnh, anh ta hăng hái đi mua thuốc cho mẹ. Cô vợ trở thành goá phụ ngay ngày cưới. Không có ai bị khiển trách sau vụ này cả vì nó chỉ là một trong những chuyện hàng ngày.

Chiếm được miền Bắc, ông Hồ Chí Minh, còn nắm tất cả thực quyền cho tới năm 1960, đã cho thi hành đợt cải cách ruộng đất tàn sát hàng chục ngàn người vô tội. Người ta cũng không thể quên vụ Nhân Văn - Giai Phẩm. Đó chỉ là những đợt khủng bố có tên gọi trong một xã hội tràn ngập khủng bố. Nguyễn Tuân còn để lại một câu làm chứng cho giai đoạn này: "Tớ còn sống được nhờ biết sợ". Đã có nhiều tài liệu về Hồ Chí Minh, nhưng theo tôi nét chính của ông chưa được nhấn mạnh: ông là một trong những lãnh tụ khủng bố man rợ nhất thế giới.

Giai đoạn 1960-1975, giai đoạn của cuộc chiến Nam-Bắc do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ điều khiển, là giai đoạn chiến tranh khủng bố có đối tượng. Không còn những hành động khủng bố ngu xuẩn và xô bồ như thời đại Hồ Chí Minh nhưng cũng không kém hung bạo. Hàng chục ngàn xã trưởng, trưởng ấp, giáo viên các vùng nông thôn đã bị bắt cóc và thủ tiêu. Những vụ đánh bom, đặt mìn là một thông lệ. Các vụ ám sát sinh viên và giáo sư chống cộng đã gây kinh hoàng ngay tại Sài Gòn. Một người thân của tôi, có anh em giữ chức vụ lớn trong chính quyền miền Nam, mướn một người làm. Khi khám phá ra cô người làm này là cán bộ cộng sản, anh ta sợ mất vía, không dám báo cho ai cả, chỉ tìm cách khéo léo cho cô ta nghỉ việc.

Cũng không thể quên một yếu tố quan trọng là, như mọi đảng cộng sản, Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện khủng bố ngay trong nội bộ của họ và chính sự khủng bố nội bộ này đã giúp cho đội ngũ của họ luôn luôn vững chắc, đặc biệt là quân đội của họ có kỷ luật và khả năng chiến đấu. Sau ngày 30-4-1975 tôi đã gặp rất nhiều người lính cộng sản ở mọi cấp bậc. Họ không hăng say chiến đấu như người ta có thể tưởng tượng. Họ cũng rất sợ, chỉ mong được về với gia đình. Nhưng họ không có chọn lựa. Họ bị đảng kiểm soát chặt chẽ và ở trong thế phải chọn lựa giữa sự liều lĩnh bắt buộc và tai họa chắc chắn.

Cuộc chiến 1960-1975 là một cuộc chiến tranh khủng bố trong đó phe khủng bố vừa mạnh hơn trong so sánh lực lượng khách quan vừa được hậu thuẫn của thế giới. Sự thất bại của Việt Nam Cộng Hoà không có gì đáng ngạc nhiên dưới ánh sáng của những gì người ta thấy hiện nay.

Nói như thế không có nghĩa mà muốn biện hộ cho chế độ Việt Nam Cộng Hoà mà chính tác giả bài này đã phục vụ. Đương đầu với một lực lượng khủng bố với tương quan lực lượng bất lợi như thế, và trong một bối cảnh tâm lý như thế, chế độ Việt Nam Cộng Hoà chỉ có thể sống sót nếu tìm được một cách tự vệ thông minh và độc đáo. Nhưng đây là điều mà những người lãnh đạo phía Việt Nam Cộng Hoà không có và cũng không bao giờ nghĩ tới. Hy vọng duy nhất của Sài Gòn là giương cao ngọn cờ dân chủ tự do đồng thời mở ra một cuộc tranh luận lớn về bản chất hèn nhát và man rợ của khủng bố. Có nhiều hy vọng là như thế Việt Nam Cộng Hoà sẽ được nhiều người và nhiều chính phủ dân chủ trên thế giới hỗ trợ, bởi vì nó là thử nghiệm dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đã có thể là cuộc cách mạng lớn nhất từ ngày dựng nước. Nhưng những người lãnh đạo miền Nam do Hoa Kỳ áp đặt hoàn toàn không ý thức được điều này. Tất cả đều rất ghét dân chủ và luôn luôn coi nó như một gánh nặng. Nguyễn Cao Kỳ còn tuyên bố ái mộ Hitler. Miền Nam cũng cần có một đội ngũ cán bộ nòng cốt, được đào tạo, có kinh nghiệm và được duy trì. Trên thực tế, miền Nam đã chỉ có những người lãnh đạo kém cỏi, không viễn kiến, không bản lãnh, với một nhóm tay chân ô hợp và tạm bợ gồm gia đình và bè bạn.

Người Việt tàn sát lẫn nhau và tàn phá đất nước một cách mê muội, một bên nhân danh những khái niệm tự do dân chủ mà họ không hiểu và cũng không muốn, một bên nhân danh một chủ nghĩa mà họ coi là đỉnh cao trí tuệ nhưng thực ra chỉ là sự bịp bợm trí thức lớn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới. Ở giữa là đa số quần chúng bất lực bị lôi kéo vào thảm họa. Phe thua đã rất xứng đáng để thua, nhưng phe thắng thì hoàn toàn không xứng đáng để thắng. Dân tộc Việt Nam đã thua to, đã tổn thất nặng nề về nhân mạng, và bị chấn thương trong trí tuệ và tâm hồn. Chỉ có đảng cộng sản, bạo lực và khủng bố đã thắng. Cuộc chiến hổ nhục này không cho phép một người có liêm sỉ nào hãnh diện cả.

Và cũng đừng lầm lẫn chiến thắng với chính nghĩa và vinh quang. Nếu như thế thì nhân loại đã phải vinh danh Alexander, Attila, Tần Thuỷ Hoàng và Thành Cát Tư Hãn thay vì Socrates, Plato, Jesus Christ và Phật Thích Ca. Lịch sử thế giới không thiếu gì trường hợp những kẻ hung bạo đã thắng và cũng không thiếu những nền văn minh bị huỷ diệt bởi những đạo quân dã man.

Ngày hôm nay chúng ta đang theo đuổi cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ. Đây là cuộc chiến đấu rất mới và vinh quang nhất trong lịch sử nước ta. Từ trước đến nay Việt Nam đã chỉ có các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực thống trị, hay những cuộc chiến chống ngoại xâm mà mục đích, xét cho cùng, cũng chỉ là để đổi một ách nô lệ của ngoại bang lấy một ách nô lệ của người bản xứ. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc chiến đấu thực sự xứng đáng để chiến đấu. Đó là cuộc chiến đấu để thực sự giải phóng mọi người Việt Nam, để tôn vinh quyền làm người, quyền được làm chủ đời mình để xây dựng hạnh phúc cho mình và đóng góp cho hạnh phúc chung của dân tộc. Cuộc chiến đấu này không cần bạo lực. Nó không giết ai, không bách hại ai và cũng không tàn phá. Nó đưa người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Chiến thắng này mới thực sự vinh quang.

Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận, số 180 Th.4/2004)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng

Tags
Share This


 https://www.thongluan.blog/2016/12/nhin-lai-chien-thang-cong-san-ngay-30-4.html

No comments:

Post a Comment