Câu chuyện về nghị lực phi thường của người mẫu chuyển giới Mimi Tao
"Thế này mà là đẹp
sao? Cô ta mà đẹp sao? Cái loại gò má gì vậy? Trông đen quá! Tôi không
thích cô ta! Cô ta là người chuyển giới mà?"...
"Hầu hết các lời bình luận đều là về ngoại hình và giới tính của tôi, nhưng thật tình tôi không quan tâm," Mimi cười.
"Không
ai có thể yêu bạn 100% hay ghét bạn 100% cả. Đôi khi vì bạn tỏa sáng
quá, bạn quá nổi tiếng, những người quanh bạn sẽ bị ánh sáng của bạn làm
chói mắt thôi. Tôi nghĩ nó rất bình thường. Cuộc sống mà."
Nhìn
dáng người cao ráo, mảnh khảnh, với khuôn mặt góc cạnh khó quên cùng
giọng nói dịu dàng, ít ai có thể hình dung được những biến đổi, những
sóng gió thăng trầm mà cô gái mới 26 tuổi này đã trải qua.
Mimi
Tao giờ đã không còn là một cái tên xa lạ với giới người mẫu ở New York,
nhưng mất bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, hôm nay, cô mới chính thức được
rảo bước trên sàn catwalk Bangkok Fashion Show.
Câu chuyện của
Mimi Tao, tên thật Phajaranat Nobantao, là câu chuyện của một nghị lực
phi thường, của việc dám sống đúng con người thật của mình và dám theo
đuổi ước mơ.
"Nó hoàn toàn không bình thường chút nào khi một nhà
sư lại trở thành một người mẫu chuyển giới chuyên nghiệp. Vì đó là hai
lối sống rất khác nhau. Nhưng trông tôi này. Ai mà biết được đúng
không?" Mimi bật cười nói với tôi.
Tuổi thơ biến động
Sinh
ra là người con trai thứ trong một gia đình khá giả ở miền Đông Bắc,
vùng E-san, Thái Lan, Phajaranat Nobantao (lúc ấy chưa dùng tên Mimi),
có một tuổi thơ êm đềm cùng chị gái và em trai theo học ở một trường
dòng Công giáo đắt tiền.
Nhưng khủng hoảng kinh tế năm 2000 khiến
gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Phajaranat Nobantao khi đó mới
là cậu bé 12 tuổi quyết định không cùng chị gái và em trai học ở một
trường địa phương mà nói: "Mẹ ơi, hãy để con đi học ở nhà chùa, như thế
sẽ tiết kiệm cho mẹ được nhiều tiền".
Ngôi trường tu nam sinh buộc Phajaranat Nobantao phải xuống tóc và sáu tháng sau thì cậu bé 12 tuổi đã được sắc phong.
"Với người Thái, việc trở thành một nhà sư có ý
nghĩa rất lớn, nhất là đối với một người đàn ông. Người ta nói rằng mỗi
người đàn ông Thái nên tu luyện thành một nhà sư ít nhất một lần trong
đời," cô nói.
Nhưng cũng trong chính thời gian tu hành và học tập tại ngôi chùa này, Mimi tìm thấy chính mình.
Tìm thấy bản thân
"Ở
đó rất vắng lặng, yên bình, tôi có nhiều thời gian với bản thân hơn.
Tôi nghĩ về người mà tôi muốn trở thành, và nơi mà tôi muốn đến."
"Tôi bắt đầu chấp nhận rằng tôi muốn làm một người phụ nữ," Mimi nói.
"Một
số tôn giáo khác sẽ nói tôi là tội đồ. Nhưng với tôi, Phật giáo thì
khác. Phật dạy rằng hãy chấp nhận chính mình, tôi nghĩ đó là lý do tôi
là tôi bây giờ."
Mimi có thể tuân thủ tất cả lời giáo huấn của
Phật, nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín, cô và ba người bạn đã làm
một thứ tuyệt đối không được phép làm.
"Lúc đó chúng tôi không có
gì cả nên dùng phấn rôm dặm lên mặt giả vờ như trang điểm, hay lấy bút
chì để kẻ lông mày," Mimi cười lớn khi nhớ lại.
Đám trẻ còn giả
vờ sảnh đường nơi họ sống là sàn diễn catwalk, chỉnh sửa lại tấm áo cà
sa, coi như là những bộ cánh thời trang nhất.
Đến một ngày, một trong những cậu bé đem đến viên thuốc tránh thai. Và thế là quá trình thay đổi bắt đầu…
'Tôi tự hứa rằng mình sẽ khiến mẹ tự hào'
Theo
nhiều nghiên cứu, khi một người đàn ông uống thuốc tránh thai một cách
thường xuyên trong thời gian dài, ngực của anh ta có thể phát triển lớn
hơn, tinh hoàn co lại, sự ham muốn tình dục và lượng lông mặt giảm.
Sau
một thời gian dùng thuốc, cơ thể của Mimi bắt đầu thay đổi, nhưng cô
tìm cách che giấu điều này cùng với những viên thuốc đằng sau tấm áo cà
sa vàng.
Nhưng trong một lần trở về nhà, mẹ cô đột nhiên mở cửa
nhà tắm khi cô đang tắm. Sau khi thấy thân hình nảy nở, nữ tính của con
trai, bà vô cùng tức giận, đe dọa không thừa nhận cô.
"Thế thì
con nghĩ con không còn là con trai của mẹ nữa vì con sẽ không thay đổi
quan điểm mình về việc con muốn là ai," Mimi nói.
Mẹ cô bật khóc.
Mimi bỏ về phòng nhưng lòng cô như tan nát. "Tôi cảm thấy tồi tệ khi
thấy mẹ khóc như thế. Tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi không thể để mẹ
thất vọng và sẽ khiến bà tự hào".
Sau sáu năm tại trường tu, Mimi quyết định ra đi và
đến Pattaya, thành phố bãi biển nổi tiếng với các khách du lịch nước
ngoài để theo đuổi ước mơ làm một nghệ sĩ biểu diễn tại hộp đêm - một
công việc khá phổ biến với những người chuyển giới.
Mục đích duy nhất lúc đó của cô là kiếm tiền giúp mẹ trả nợ.
12 lần cầu xin
Sau khi nhận ra công việc nghệ sĩ hộp đêm không phải thứ mình mong muốn, Mimi tại tiếp tục hành trình tìm kiếm ước mơ.
Trong
một lần tình cờ được xem một phóng sự về Rojjana "Yui" Phetkanha, cựu
siêu mẫu người Thái người đang có sự nghiệp rực rỡ thì sụp đổ vì nghiện
ma túy, giờ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, Mimi bắt đầu nảy ý tưởng
về việc làm người mẫu và hy vọng Yui có thể giúp cô.
Phải đến lần nói chuyện thứ 12, Yui mới đồng ý dạy cho Mimi với một điều kiện cô phải thực sự tập trung và nghiêm túc.
Sau
ba tháng được đào tạo bởi cựu siêu mẫu, Mimi nghĩ rằng mình đã sẵn sàng
để lao ra biển lớn, nhưng có biết bao nhiêu sóng gió mà cô không thể
ngờ đến.
'Thái Lan chưa sẵn sàng cho cô'
Trong
một đất nước khi thị trường sắc đẹp vẫn được chiếm lĩnh bởi những khuôn
mặt trái xoan, làn da trắng ngần, vòng ngực nảy nở, thì Mimi không phải
là một lựa chọn thương mại.
"Tôi đến từ vùng Đông Bắc Thái Lan,
Esan, người ở đó bị phân biệt đối xử rất nhiều. Một số người sẽ gọi họ
là 'Lào' và coi thường họ, vì họ có làn da nâu, gò má cao, khuôn hàm
rộng... giống như tôi vậy. Và như vậy thì không được cho là đẹp."
"Khi
tôi mới đến Bangkok, nhiều gọi tôi là 'Elao! Elao!' có ý khinh miệt.
Tôi không coi thường người Lào vì đúng là ở quê tôi, hầu hết chúng tôi
là người gốc Lào, chúng tôi nói tiếng Lào."
"Nhưng khi tôi đi casting thì họ sẽ nói 'Cô không đẹp. Cô trông Lào quá!'"
Còn về vấn đề giới tính, Mimi nhận được câu trả lời lạnh lùng: "Thái Lan chưa sẵn sàng cho người như cô."
Ngẫm
lại, Mimi nói với tôi: "Tôi không nghĩ chỉ có một kiểu vẻ đẹp duy nhất
trên đời. Có rất nhiều vẻ đẹp, nó phụ thuộc vào cái bạn đang nhìn thấy
và cái bạn đang tìm kiếm."
Không bỏ cuộc, Mimi bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở đất nước khác.
Hộ chiếu và chiếc toilet công cộng
Tìm được một cơ hội thử vai ở Singapore, cô mượn tiền của mẹ và bạn bè mua một chiếc vé máy bay.
Điều cô không ngờ tới rằng bộ phận hải quan Singapore câu lưu cô vì diện mạo không giống như giới tính thể hiện trong hộ chiếu.
Khi được thả, cô đã quá trễ cho buổi casting của mình, và chỉ nhận được những tin nhắn đầy giận dữ từ công ty người mẫu.
Chỉ còn $43 trong tay, Mimi dùng để mua một chai nước và sim điện thoại để gọi về cho mẹ và bạn bè.
Và
đêm đó Mimi nương náu trong một chiếc toilet công cộng, thiếp đi trước
khi được một người quen gọi điện thoại bảo rằng sẽ cho cô nương nhờ.
Không
đủ tiền quay về Thái, Mimi ngay lập tức tiếp tục tìm kiếm các cơ hội
khác ở Singapore. Cuối cùng cô tìm được một số công việc làm mẫu ảnh,
quảng cáo TV và người mẫu catwalk cho một số sản phẩm.
Dù không
được ký hợp đồng vì vấn đề giấy tờ danh tính, nhưng Mimi lại tạo được
một danh tiếng nho nhỏ trước khi trở về Thái Lan.
Trình diễn ở New York Fashion Week
Trong một lần đến Mỹ du lịch, Mimi vô tình lọt vào mắt xanh của giám đốc của một công ty người mẫu ở Los Angeles.
Hai tuần sau đó, Mimi nhận được lời mời casting cho
hãng Marco Marco, một thương hiệu đồ lót được mệnh danh là 'Victoria's
Secret' cho người chuyển giới.
Từ đợt casting thành công đó, Mimi
nhận được 21 lời mời diễn ở New York Fashion Week, nhưng chỉ thể thực
hiện được 16 vì bị trùng lịch.
Nhưng trải nghiệm làm người mẫu ở New York hoàn toàn khác biệt với những gì cô trải qua ở Thái.
"Họ
đối xử với tôi rất khác. Người ta nói Thái Lan là thiên đường cho LGBT,
cho người chuyển giới, nhưng tôi nghĩ điều đó là giả, là để thu hút
khách du lịch thôi. Người chuyển giới chúng tôi bị đối xử rất khác."
"Ở
New York, họ đối xử với tôi như một con người thực sự. Tôi không bị từ
chối chỉ vì giới tính của mình. Nhưng ở Thái Lan, tôi còn không được vào
ăn ở một số nhà hàng."
Mimi kể lại đã có lần cô cùng một nhóm bạn
đến một nhà hàng để dự tiệc sinh nhật nhưng chỉ mình cô không được vào
vì nhà hàng này "không tiếp ladyboy".
"Tôi rất buồn vì nó xảy ra ngay trên chính đất nước mình."
Lúc
đó Mimi chỉ mong ước một ngày được công nhận và cho phép trình diễn ở
Thái Lan, mặc trên mình những trang phục của các nhà thiết kế Thái Lan.
Giấc mơ thành hiện thực
"Ngày mai tôi sẽ lần đầu được diễn Bangkok Fashion Show!" Mimi thốt lên, không thể che giấu được cảm xúc háo hức.Sau 5 năm làm nghề người mẫu với hàng chục show ở New York, đây là lần đầu tiên Mimi được rảo bước trên thềm catwalk trên quê hương mình.
Cô nói giờ với ước mơ cũ đã thành hiện thực, ước mơ tiếp theo của cô sẽ là trở thành một nhà thiết kế thời trang và một diễn viên.
"Ở quê tôi, người dân rất nghèo nhưng họ biết làm những tấm vải lụa rất đẹp, nên tôi muốn làm nhà thiết kế để giúp đỡ họ. Tôi cũng nghĩ nếu tôi nổi tiếng hơn, tôi cũng sẽ có tiếng nói hơn và giúp đỡ họ được nhiều hơn."
Với những người có ước mơ trở thành người mẫu, Mimi khuyên rằng:
"Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, nếu bạn từ bỏ thì kết quả sẽ luôn là 'Không'. Còn nếu bạn không từ bỏ thì kết quả có thể là 'Không', nhưng cũng có thể là 'Thành công'.
"Và nếu bạn là người chuyển giới thì bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ, chăm chỉ hơn người khác rất nhiều. Nhưng đừng quên rằng, bạn không khác biệt, bạn đặc biệt!"
No comments:
Post a Comment