THĂNG TRẦM CỦA
“RỒNG PHU NHÂN” TRẦN LỆ XUÂN
“Miệng lưỡi độc ác và dữ dội của Bà Ngô Đình Nhu đã đưa đến thảm họa và đẩy nưóc Mỹ vào vũng lầy chiến tranh Việt Nam”
Bài viết “Rise and Fall of the Dragon Lady”
của PETER BRUSHViệt dịch của LND, Hình ảnh từ
Tác giả Peter Brush là một cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, đã từng đóng quân ở Quảng Trị trong 2 năm 1967 và 1968. Sau chiến tranh, ông đi học trở lại và tốt nghiệp Thạc sĩ Chính trị học. Hiện nay, ông là Quản thủ Thư viện của Đại học Vanderbilt, tiểu bang Tennesse. Ông còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu giá trị khác về Việt Nam.
Trong lịch sử ngắn ngủi của
Nam Việt Nam, một người đàn bà đầy mưu mô tên là “Lệ Xuân” đã dùng tất cả mánh
lới để đưa mình lên đĩnh cao của quyền lực. Trong tiến trình đó, bà đã châm
ngòi thù hận tôn giáo, ban hành những luật
lệ đạo đức khắt khe, âm thầm nuôi dưỡng tham nhũng và làm cho người Việt lẫn các nước bạn đồng minh công phẫn đến mức
suốt đời bà bị gán hỗn danh là “Rồng Phu Nhân”. Đây là tên của một nhân vật
nữ qủy quái một cách tuyệt vời do họa sĩ Milt Caniff tạo ra năm 1934 trong loạt
chuyện tranh bằng hình “Terry and the
Pirates” nổi tiếng của Mỹ. Người thiếu phụ trẻ tuổi Trần Lệ Xuân đã trở
thành một bà Ngô Đình Nhu cố chấp, giữ vai chính trong một vỡ kịch phức tạp và
huyền bí làm cho nước Mỹ bị lôi vào một bẫy sập. Bà cũng cho thấy trước những vị cay đắng của một thập niên tàn khốc
tiếp theo sự ra đi của bà.
Trên cương vị là một người em dâu của Tổng
thống độc thân Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, bà Ngô Đình Nhu tự coi mình là
“Đệ Nhất Phu Nhân” và là người đàn bà nổi tiếng và nhiều quyền uy nhất nước. Bản
tính không ngại ngùng những điều dị nghị và thích thú với tiếng tăm, Bà Nhu
được Tổng thống Diệm ủng hộ tối đa nhưng cũng bị Tổng thống John F. Kennedy và
chính quyền nước Mỹ quá sức chán ghét. Cuộc đời lên bổng xuống trầm của Bà Nhu đã tượng trưng cho một bãi lầy
mà chính sách ngăn chận Cộng sản của Mỹ tại Đông Nam Á đã được xây dựng trong
những năm đầu thập niên 1960.
Sinh năm 1924, cô Trần Lệ Xuân ra đời và
lớn lên từ một trong những gia đình giàu có và quý phái nhất Việt Nam. Gia tài
kếch sù của họ đã được xây dựng từ nhiều năm phục vụ cho chính quyền thực dân
Pháp. Cô ta có 20 người hầu hạ trong căn nhà ở Hà Nội, nơi mà thân phụ của cô
hành nghề luật sư. Cô Lệ Xuân là một học sinh tầm thường nhưng giỏi tiếng Pháp
mặc dù không viết được tiếng Việt và không học hết bậc trung học. Cô không có
một tuổi thơ vui vẻ vì cảm thấy không có được tình thương của Mẹ, từ đó cô
thường tranh cãi với Mẹ. Cô đã muốn lấy chồng sớm để thoát ly khỏi vòng kềm tỏa
của gia đình.
Ông Ngô Đình Nhu tuổi ngoài 20 ở Paris, học về văn hoá và thư
viện. Gia đình nhà Ngô đã đổi qua đạo Công Giáo từ thế kỷ 17. Thân phụ của ông
Nhu đã từng là cố vấn (Phụ Chính Đại Thần - LND) cho Hoàng đế của Việt Nam. Đầu
những năm 1940, ông Nhu trở về Hà Nội làm quản thủ thư viện Đông Dương. Thời kỳ
nầy, ông trở thành một người ngưỡng mộ Mẹ của cô Lệ Xuân qua phòng khách văn
chương của bà (là nơi, bắt chước theo phong cách người Pháp salon litéraire, các nhà trí thức tụ họp
để thảo luận những đề tài văn nghệ – LND). Trong khi ông Nhu đem sách vở đến và
dạy kèm tiếng La-Tinh cho cô Lệ Xuân thì cô gái 19 tuổi này lập ra một kế hoạch
để thoát khỏi vòng kềm kẹp của gia đình. Mặc dù nhỏ hơn ông Nhu 14 tuổi, và
cũng không yêu, bà đã đổi qua đạo Công Giáo và lấy ông này năm 1943.
Ba năm sau khi hai người thành vợ chồng,
chiến tranh bùng nổ giữa Việt Minh và Pháp. (1)
Anh em nhà ông Nhu chống Cộng một cách
mạnh mẻ. Một người anh, là ông Ngô Đình Diệm, bị Việt Minh bắt giam và nhốt tù
một thời gian ngắn; một người anh khác, là ông Ngô Đình Khôi, bị Việt Minh giết.
Ông Nhu đã tìm cách tránh được chuyện bị bắt giữ nhưng bà Nhu thì không thoát
được. Bà và người con gái mới sinh (Lệ Thủy) bị Việt Minh bắt tháng 12 năm 1946
và giữ bốn tháng trong một ngôi làng hẻo lánh. Sau khi quân thực dân Pháp tiến
chiếm vùng này, gia đình bà được giải thoát và đoàn tụ với gia đình rồi dời về
sống trong thành phố nghỉ mát Đà Lạt trên Cao nguyên Trung phần. Tại đây, ông
bà Nhu đã ra một tờ báo và bắt đầu tổ chức yểm trợ cho ông Diệm, khi đó được
coi như là một lãnh tụ quốc gia chống Cộng đang lưu vong ở Mỹ.
Năm 1953, ông Nhu dọn vào Sài Gòn. Ông tổ
chức biểu tình chống Pháp thực dân và Cộng sản. Ông cũng mưu đồ kế hoạch để phá
hoại những ủng hộ cho Hoàng đế Bảo Đại hầu nâng cao uy tín của phong trào quốc
gia do ông Diệm lãnh đạo. Ông Diệm khi ấy ở Pháp và đang tiếp xúc với cộng đồng
đông đúc người Việt đang lưu vong ở Paris. Vào tháng 3 năm 1954, khi một lực
lượng Việt Minh hùng hậu đang đe dọa quân thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, vua
Bảo Đại - bị phần lớn dân Việt coi như bù nhìn của thực dân Pháp - nhận ra là
thực dân Pháp có thể sắp phải rời khỏi Việt Nam. Tháng 6 năm 1954, dựa trên sự
ủng hộ ông Diệm của quần chúng Việt Nam, Bảo Đại phong ông Diệm giữ chức Thủ
tướng cho vua Bảo Đại.
Năm sau, ông Nhu tạo ra một kế hoạch giúp
ông Diệm thắng ông Bảo Đại trong cuộc tranh giành quyền lực: Tổ chức một cuộc
trưng cầu dân ý để dân chúng chọn một trong hai người. Lúc nầy, ông Nhu đã nắm
quyền chỉ huy mật vụ để từ đó có thể quyết định kết qủa cuộc trưng cầu dân ý
ngày 25 tháng 10 năm 1955. Với kết qủa
thắng khủng khiếp 98.2 %, ông Diệm đã “thắng” cuộc bầu cử và bắt đầu thủ tục
loại vua Bảo Đại, tuyên bố thành lập một nền Cộng hòa, tự xưng Tổng thống và
bắt đầu một chế độ độc tài. Vì kịch liệt chống Cộng sản, ông Diệm được chính
quyền Eisenhower sẵn sàng ủng hộ và viện trợ hàng trăm triệu Mỹ kim. Với ông
Nhu ở bên cạnh, ông Diệm đã hạ bệ tất cả các kẻ thù chính trị và xây dựng quyền
hành của ông trong vài năm sau đó.
Bệnh sùng bái
lãnh tụ: Hình ông Diệm được cho phép
bày bán chung
với hình Phật, Chúa và Đức Mẹ trên đường phố
Ông bà Nhu dọn vào Dinh
Độc Lập và kiểm soát mọi tiếp xúc của ông anh Tổng thống. Quyền lực của hai ông
bà Nhu trở nên vô giới hạn. Ký giả David Halberstam đã làm một so sánh tương
quan quyền lực này nếu ông Diệm làm Tổng thống Mỹ thì ông Nhu sẽ có quyền kiểm
soát tất cả báo chí của 50 tiểu bang,
ông sẽ cầm đầu các cơ quan C.I.A., F.B.I. và Quốc hội; ông sẽ cầm đầu cả hai Bộ
Tư pháp và Ngoại giao; ông cũng là người viết tất cả báo cáo cho Toà Bạch Cung (2).
Cả hai ông và bà Nhu đều là dân biểu Quốc hội năm 1956, nhưng rất ít khi cả hai
ông bà đi họp. (3)
Vì ông Diệm không có vợ, Bà Nhu làm nhiệm
vụ “Đệ Nhất Phu Nhân” với tất cả rình rang và uy quyền của chức vụ này. Năm
1956, bà bắt đầu một chiến dịch quan trọng để thay đổi mối liên hệ gia đình
Việt Nam một cách sâu đậm. Sau khi Luật Gia Đình 1958 của Bà Nhu được bầu thành
luật thì đa thê, ly dị và ngoại tình trở nên bất hợp pháp. Đàn bà được bình
quyền với đàn ông trong nhiều lãnh vực. Nhiều ông Dân biểu trong Quốc hội không
đồng ý với những luật nầy của Bà Nhu và họ đã lên diễn đàn để đối chất. Bà Nhu
đã giễu cợt ông Chủ tịch khối đa số và gọi ông ta là “một con heo”. (5)
Chính sách đàn áp của chính quyền đã giúp
chế độ ông Diệm được vững mạnh nhưng làm cho dân chúng dần dần xa lánh chế độ -
và Việt Cộng đã khai thác cái ác cảm này trong người dân. Cuối thập niên 1950,
ảnh hưởng Việt Cộng đã lan rộng đến mức tạo thành những khủng hoảng chính trị
cho miền Nam.
Khuynh hướng cai trị độc tài của Tổng
thống Diệm nếu đã không gia tăng nhanh chóng là vì ông còn phải dựa vào những
anh em trong gia đình ông. Cả bốn người anh em của ông đều nắm những vai trò
quan trọng trong việc điều khiển Nam
Việt Nam. Mặc dù nắm giữ uy quyền tối
quan trọng, ông bà Nhu không có một chức vụ chính thức gì trong chính phủ của
Tổng thống Diệm. Chức vụ chính thức của ông Nhu là Cố vấn của Tổng thống. Bà Nhu cầm đầu Phong trào Phụ nữ Liên đới và
chịu trách nhiệm về mọi vấn đề phụ nữ một cách tổng quát. Dù vậy, càng ngày,
ảnh hưởng và quyền lực của ông bà Nhu càng gia tăng đến mức mà nhiều quan sát
viên đã cho là ông Nhu có nhiều quyền hơn cả ông Diệm vì ông có ảnh hưởng rất
mạnh lên những suy tư của ông anh Tổng thống. Một số quan sát viên khác thì cho
rằng chính Bà Nhu mới là nhân vật thống trị trong gia đình nhà Ngô. Càng ngày
bà càng tìm cách dính dự vào những chuyện đi ra ngoài địa hạt của chuyện phụ nữ
và tìm cách để được ngang hàng với ông Tổng thống. (6)
Nhà ngoại giao John Mecklin, làm việc với
cơ quan USIA (Phòng Thông Tin Mỹ) ở Việt Nam từ 1961 đến 1962, đã có cơ hội
được biết Tổng thống Diệm và ông bà Nhu một cách thân mật. Theo ông thì cả gia
đình này đều bị bệnh thần kinh. Thật như vậy, vì nhiều hành vi của họ lạ lùng
đến mức người ta phải nghĩ là họ muốn chết. Theo ông Mecklin, “một cách cơ bản, ông bà Nhu là thuốc độc đã
giết chết chế độ.” Bà Nhu là một “người
đàn bà dễ nổi nóng” muốn áp đặt giải pháp cho những vấn đề chính trị nhưng
hầu như bà luôn luôn kéo những vấn đề ấy theo chiều hướng đầy tai hại. Những
cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến quốc gia làm cho bà Nhu bị khích động một cách
mạnh mẽ, nhưng phản ứng của bà làm cho
chuyện trở nên tệ hại hơn. Bà không đẹp nhưng có một bề ngòai gây ấn tượng, đầy
nghị lực và có những sở thích quá độ. Thích phô diễn và cũng có máu khôi hài
nên bà Nhu là một người có sức nói chuyện thu hút, có khả năng diễn đạt. Theo
Mecklin, cách bà Nhu nói chuyện như “như
súng liên thanh nổ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.” (7)
Trong khi nổi bất mãn với chính quyền ông
Diệm càng ngày càng gia tăng, toà Bạch Cung không có cách nào khác hơn là thúc
đẩy ông Diệm cải tổ để nới rộng sự ủng hộ của quần chúng. Năm 1959, Đại sứ Mỹ
Elbridge Durbrow cố gắng thuyết phục ông Diệm tách bỏ ông Nhu và đem vào chính
quyền những nhân vật mới. (8) Tháng 11 năm 1960, các quân nhân thuộc
binh chủng Nhảy Dù của quân đội VNCH tổ chức đảo chánh ông Diệm cũng có cùng
một mục đích như vậy. Một trong những đòi hỏi đầu tiên của lực lượng Nhảy Dù là
bà Nhu phải dời ra khỏi Dinh Tổng thống. Theo một bản tin của tuần báo Time, bà Nhu đã hãnh diện khi biết được
đòi hỏi nầy. (9) Trong những giây phút đầu tiên của cuộc đảo chánh,
Tổng thống Diệm và hầu hết phụ tá trong Dinh Độc Lập đều muốn chấp nhận những
đòi hỏi phải thành lập một chính phủ mới. Chỉ một mình bà Nhu đã bác bỏ tất cả
những đề nghị thỏa hiệp và khăng khăng đòi chiến đấu chống đảo chánh đến cùng.
Cuối cùng ông Diệm kêu được những lực lượng vẫn còn trung thành với ông và chấm
dứt được cuộc đảo chánh của binh chủng Nhảy Dù. Hậu qủa của cuộc đảo chánh gần
thành công nầy là ảnh hưởng của bà Nhu đã gia tăng một cách mãnh liệt làm mất
tinh thần những kẻ thù của bà. Bàn về sự kiện này, bà Nhu đã tóm tắt một cách
châm biếm: “Trước đây thì họ không coi
tôi ra gì. Nhưng bây giờ thì họ bắt đầu để ý đến tôi. Và mỗi lần tôi nói điều
gì thì họ lại lo âu.”
Trong khi xãy ra cuộc binh biến đó, Đại sứ
Durbrow đã đề nghị mời bà Nhu qua trú ẩn ở Toà Đại sứ Mỹ. Lời mời này của ông
Đại sứ đã làm cho bà Nhu đâm ra nghi ngờ có bàn tay đồng lõa của Mỹ mặc dầu
người Mỹ đã không bảo trợ cuộc đảo chánh nầy. Càng lúc ông Diệm và ông Nhu càng
trở nên hoang tưởng làm cho chế độ càng lấy thế phòng thủ và quần chúng càng
trở nên xa lánh. Theo ký giả Halberstam của nhật báo New York Times “Tất cả chuyện gì sai quấy đều đổ tội lên đầu
ông bà Nhu” và bà Nhu “đã trở thành
mục tiêu của càng nhiều căm thù.” (10). Còn theo sử gia Joseph Buttinger
thì “Nhu và vợ là hai người bị thù ghét
nhất Nam Việt Nam” (11).
Với Luật Gia Đình năm 1958, bà Nhu vẫn coi là chưa đủ để bảo vệ đạo đức
của người Việt Nam. Luật Bảo vệ Luân Lý năm 1962 của Bà Nhu nhắm tấn công một
số lớn hành vi khác như ngừa thai, thi hoa hậu, cờ bạc, nhẩy đầm, đánh võ quyền
Anh, đá gà và đá cá. Trẻ vị thành niên bị cấm coi một vài loại phim hay kịch.
Phù thủy và đồng bóng bị loại ra ngoài vòng pháp luật. Đĩ điếm bị cấm (12). Dân
chúng càng thích những điều bị cấm đoán thì những đạo luật này càng làm cho bà
Nhu bị ghét bỏ. Theo ký giả Malcolm Browne của cơ quan thông tấn Associated
Press (AP) tại Sài Gòn, bà Nhu còn tuyên chiến với cả gia đình của chính bà.
Năm 1962 bà đã làm cho chị của bà (Trần Lệ Chi) phải tìm cách tự tử. Năm 1963,
bà tuyên bố từ bỏ cha mẹ của bà. (13)
Mặc dù bà Nhu hãnh diện đã được để ý trong
vụ đảo chánh năm 1960, bà lại trở nên giận dữ khi bà và ông Nhu trở thành mục
tiêu trong vụ phản loạn thứ hai. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai phi công, đã
được huấn luyện ở Mỹ, thuộc Không Quân VNCH lái hai chiếc khu trục AD-6 cất
cánh từ căn cứ Biên Hoà ở ngoại ô phía Bắc Sài Gòn. Trung úy Nguyễn Văn Cử đã
cố ý nhắm thả một trái bom ở cánh trái Dinh Tổng thống, nơi sinh sống của gia
đình ông bà Nhu. Khi bom nổ, ông Diệm đang đi trong một hành lang và gần như bị
hơi bom kéo đi một quãng dài. Ông Nhu không bị gì, Bà Nhu chỉ bị trặc chân vì
té cầu thang. Người đồng chí của Trung úy Cử là Trung úy Phạm Phú Quốc bị súng
phòng không bắn hạ máy bay (trên sông Sài Gòn) và bị bắt làm tù binh.
Trung úy Cử đã dùng bom lửa (napalm) và
chất nổ để tấn công Dinh Độc Lập xong bay thẳng qua Cao Mên và được hưởng quy
chế tỵ nạn chính trị. Sau đó ông đã tuyên bố là lòng căm thù làm cho ông tấn
công Dinh Độc Lập đã đến từ gia đình ông Diệm nhiều hơn là từ chính ông Diệm.
Trung Úy Quốc bị giam cho đến khi cuộc đảo chánh thứ ba xẫy ra mới được trả tự
do. Sau đó cả hai phi công đều trở lại nhiệm sở phi công cũ của họ. (14)
Ông Diệm biết là ông cần viện trợ Mỹ để giữ vững ghế
Tổng thống, nhưng ông và ông bà Nhu muốn một loại viện trợ vô điều kiện. Nhà
Ngô không bằng lòng với sự hiện diện ngày càng lan rộng của người Mỹ trong nước
họ - Bà Nhu gọi một cách đanh đá là “chủ
nghĩa Mỹ quốc đáng sợ” – và họ sẵn sàng hành động để giới hạn chuyện nầy.
Trước hết, bà Nhu ra lệnh cho cảnh sát bắt những người đàn bà Việt Nam đi ngoài
đường với người Mỹ. (15) Theo ký giả Halberstam, nguyên tắc chính
trị của bà Nhu khá đơn giản: Nhà Ngô luôn
luôn đúng, họ không bao giờ nên thỏa hiệp và không bao giờ cần để ý đến những
chỉ trích. (16) Về một mặt khác, người Mỹ nghĩ họ đang là người
nuôi dưỡng chế độ, đang huấn luyện cảnh sát và quân đội VNCH, và cố vấn Mỹ bắt
đầu chết vì chế độ Diệm ở ngoài mặt trận. Người Mỹ nghĩ là họ có quyền đưa ra
những lời khuyên và họ chờ đợi chế độ Diệm nghe theo lời khuyên của họ.
Nhờ vào viện trợ của Mỹ, quân lực VNCH đã
tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng đồng thời, quân số và hoạt động của Việt Cộng
cũng tăng trưởng nhanh chóng theo. (17)
Và chính các phần tử của quân đội VNCH đã tấn công Dinh Tổng thống hai lần.
Trong mối nghi ngờ lòng trung thành của quân đội, ông Diệm bắt đầu áp dụng
những chiến thuật quân sự để làm yếu khả năng đảo chánh của quân đội hơn là để
chiến đấu chống Cộng sản một cách hữu hiệu. Theo ký giả Halberstam, cách hành
xử của bà Nhu đã làm cho mối liên hệ với các sĩ quan cao cấp càng trở nên tệ
hại, khi bà ở trong Dinh Tổng thống và ra lệnh cho họ như “người làm trong nhà.” Bà thường đối xử với những người này như tôi
tớ của nhà bà. (18)
Tổng thống Diệm và ông Nhu theo đạo Công
giáo trong khi đa số dân Việt Nam theo đạo Phật. Vì tình trạng đảng phái đối
lập ở miền Nam bị cấm đoán (giống như chế độ Cộng sản ở miền Bắc), đạo Phật trở
thành một phương tiện để cho những bất mãn được phát lộ. Anh của Tổng thống
Diệm là ông Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục địa phận Huế, thành phố trung tâm của
đạo Phật ở Việt Nam. Khoảng đầu năm 1963, người ta tổ chức một lễ mừng 25 năm
(Ngân Khánh – LND) ông Thục lên chức Tổng Giám mục. Cả hai lá cờ Công giáo
Vatican và cờ quốc gia Việt Nam đều đã được treo khắp nơi. Đây là một sự vi
phạm luật đương thời chỉ cho phép cờ quốc gia được treo ở những nơi công cộng.
Một thời gian ngắn sau đó là lễ mừng Phật Đản Sanh thứ 2,587 và Phật tử ở Huế
muốn treo cờ Phật giáo. Khi chính quyền ông Diệm ra lệnh cấm treo cờ, hàng ngàn
Phật tử biểu tình phản đối và chín người đã bị quân của chính quyền bắn chết.
Sau biến cố này, Đại sứ Mỹ William Trueheart đã thúc dục ông Diệm hãy làm hòa
với các Phật tử bằng cách chấp nhận lỗi lầm, đền bù cho gia đình những nạn nhân
và công khai xin lỗi về chuyện này. Thay vì làm như vậy, chính quyền đã đổ lỗi
cho Việt Cộng. Khi Phật tử tiếp tục xuống đường phản đối, chính quyền ra lệnh
cấm biểu tình. Và đó là khởi đầu của cuộc khủng hoảng Phật giáo làm nghiêng
ngữa chế độ.
Sau khi nhận thấy
những phản ứng của chính quyền không thỏa mãn những đòi hỏi của Phật giáo, một
số tăng ni bắt đầu một loạt phản đối bằng cách tuyệt thực. Phong trào phản đối
ở Huế trở nên bạo động và quân của chính quyền chống trả trở lại. Những cuộc
biểu tình của Phật tử chống chính quyền càng lúc càng lan rộng một cách nhanh
chóng trên toàn quốc. Ngày 11 tháng 6 năm 1963, một vị sư già ngồi xuống trên
một ngả tư đường gần chùa Xá Lợi. Một vị sư khác đổ xăng lên người ông ta, vị
sư già châm một que diêm, và ngọn lửa bùng lên trên thân thể ông. Đó là Hoà
thượng Thích Quảng Đức, người đầu tiên trong bảy vị sư đã tự thiêu để phản đối
chế độ Ngô Đình Diệm.
Những vụ tự thiêu làm choáng váng các viên
chức Mỹ và họ đã áp lực ông Diệm hãy tìm một cách nào để dàn xếp cuộc khủng
hoảng. Muốn chứng tỏ mình là một người sắt đá, bà Nhu vênh váo kêu gọi cần phải
đập các nhà sư “mười lần hơn nữa” và
miệt thị những cuộc tự thiêu là “những
màn nướng sư” (monk barbecue show) (19) Bà Nhu còn châm thêm dầu
vào lửa với lời nhạo báng: “Nếu các Phật
tử muốn có thêm một cuộc nướng thịt, tôi sẽ hân hoan cung cấp dầu xăng và một
que diêm.”(20) Cuối cùng, người Mỹ cũng ép được ông Diệm đi gặp
các lãnh tụ Phật giáo và ông đã đưa ra một thông cáo hoà giải chung. Ngay khi
biết được chuyện này, bà Nhu đã chê ông Diệm là hèn nhát và mềm như “con sứa”, dù ông chỉ quyết định đi điều
đình với các Phật tử.(21)
Mặc cho những lời tuyên bố của ông Diệm,
lập trường của hai bên trở nên cứng rắn hơn. Khởi đầu, những phản đối của Phật
giáo có tính cách tôn giáo nhưng càng lúc càng trở nên chính trị và càng được
quần chúng ủng hộ. Ông Nhu nói các Phật tử là những người nổi loạn và phong
trào của họ bị Cộng sản xâm nhập. Tổng thống Diệm và ông bà Nhu muốn nghiền nát
phong trào Phật giáo nhưng bị người Mỹ kềm chế. Người Mỹ bày tỏ lòng tin vào tự
do tín ngưỡng và thúc dục chính quyền ông Diệm cần phải cải tổ. Cuộc khủng
hoảng Phật giáo ngày càng trầm trọng cho đến mùa thu năm 1963. Ông bà Nhu than
phiền là Tổng thống Diệm quá mềm yếu với Phật giáo.và tin đồn loan ra là quân
đội – và cả ông bà Nhu – đang âm mưu những kế hoạch đảo chánh để đẩy ông Diệm
ra khỏi chính quyền.
Đêm 21 tháng 8 năm 1963, ông Nhu, vốn xem Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) như
là đạo quân riêng của ông ta, đã ra lệnh cho hàng trăm lính LLĐB dùng súng, lựu
đạn và lựu đạn cay tấn công chùa Xá Lợi. Phật tử đã phòng thủ phía trong chùa
nhưng sau hai giờ chống trả, hơn 100 nhà sư đã bị bắt và đem giam ở một nơi
khác. Trong một cuộc phỏng vấn ngày hôm sau cuộc tấn công chùa này, ký giả
Halberstam đã mô tả bà Nhu “ở trong một
trạng thái hớn hở, nói năng ào ào như một nữ sinh sau một buổi nhảy đầm.”
Bà nhởn nhơ nói với người phóng viên là chính quyền đã nghiền nát nhóm “Phật tử
Cộng sản” và cho biết là vụ tấn công này là “ngày vui nhất đời tôi kể từ ngày chúng tôi nghiền nát nhóm Bình Xuyên
năm 1955.” (22)
Nhưng vụ này không phải là ngày vui nhất
đời của người Mỹ vì họ là những người cung cấp tiền và huấn luyện Lực lượng Đặc
biệt Việt Nam để được dùng trong công tác chống lại quân phiến loạn Cộng sản
chứ không phải để tấn công chùa chiền. Đến thời điểm này, các viên chức Mỹ bắt
đầu thảo luận về khả năng của một cuộc đảo chánh tổ chức bởi những tướng lãnh
bất đồng chính kiến.
Ngày 10 tháng 9, bà Nhu khởi đầu một
chuyến công du đi Âu châu và Mỹ quốc để giải thích “âm mưu kỳ quái của Cộng sản
để bóp nghẹt Việt Nam Cộng Hòa.” Bà cũng chế nhạo những báo cáo nói là Mỹ có
thể giảm bớt viện trợ để phản đối sự đàn áp của chính quyền nhà Ngô. (23)
Khi chính quyền Kennedy thực sự cắt đứt ngân khoản 3 triệu Mỹ kim dành cho Lực
Lượng Đặc Biệt cho đến khi họ trở ra mặt trận, bà Nhu tố cáo điều đó là “một hành động phản bội.” (24)
Ngày 22 tháng 9, khi đến La Mã (Roma, thủ đô nước Ý) bà gọi một cách chế nhạo
các sĩ quan cố vấn Mỹ ở Việt Nam là
những “lính đánh thuê con nít.” (25)
Ngày 7 tháng 10, khi bà đến Nữu Ước, không có một quan chức liên bang, tiểu
bang hay thành phố nào ra đón tiếp. Ngày 18 tháng 10, khi đến thủ đô Hoa Thịnh
Đốn, bà tố cáo chính quyền Kennedy giảm thiểu viện trợ cho Viêt Nam Cộng Hòa là
phản bội. (26)
Trong khi đó tại Sài Gòn, các tướng lãnh
dưới quyền lãnh đạo của tướng Dương Văn Minh, sau khi đã được các viên chức Mỹ
bảo đảm là sẽ không can thiệp, đã tổ chức một cuộc đảo chánh lần thứ ba vào ngày
1 tháng 11 để lật đổ Tổng thống Diệm. Lần nầy [lần thứ ba của quân đội], cuộc
đảo chánh đã thành công với kết qủa là cái chết thê thảm của hai ông Diệm và
Nhu. Khi nghe tin nầy, niềm vui của dân Sài Gòn bùng nổ một cách tưng bừng. Một
nhóm người dùng một dây sắt từ một tàu thủy đang đậu ngay bến tàu để kéo sập
tượng bà Nhu. (27) Theo ký giả Halberstam, nếu lúc đó mà bà Nhu còn
ở Sài Gòn, các tướng đảo chánh sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn để ngăn cản sự
cuồng nộ của dân chúng muốn treo cổ bà. (28)
Trong những ngày đó, tại Beverly Hills,
một bà Nhu quẫn trí đã kết tội một cách cay đắng chính quyền Mỹ đã kích động và
yểm trợ vụ đảo chánh. Khi được hỏi bà có muốn xin tỵ nạn chánh trị tại Mỹ, bà
đã trả lời: “Không bao giờ! Tôi không thể nào sống trong một quốc gia có những
người đã đâm vào chính quyền của tôi.” (29) Rồi bà cùng các con bay
qua La Mả sống ẩn dật trong một tu viện. Theo một bản tin trong nhật báo New
York Times, sau năm tuần công du tại Mỹ, bà đã để lại một mớ hóa đơn (khách
sạn, tiệm ăn, nhà hàng, … - LND) trị giá hàng ngàn Mỹ kim không có ai trả. (30)
Tượng Hai Bà
Trưng, vì được lệnh điêu khắc theo vóc dáng và khuôn mặt của hai mẹ con bà Nhu,
nên đã bị sinh viên và dân chúng kéo sập sau ngày 1-11-1963. Phần cái đầu của
tượng, giống khuôn mặt bà Nhu, được chở trên xe xích lô máy đi bêu diếu khắp
Sài Gòn
Những nhà lãnh đạo trong chính quyền mới ở
Sài Gòn đã hành động nhanh chóng để xóa sạch những ảnh hưởng độc hại của bà
Nhu. Ngày 15 tháng 11, chính quyền Sài Gòn vô hiệu hóa thẻ thông hành của bà,
và một tháng sau họ hũy bỏ hai bộ luật luân lý và gia đình không ai ưa của bà
Nhu. (31)
Ba tuần sau vụ đảo chánh, cảm thấy không
chịu được đời sống ẩn dật, bà Nhu bán cho một nhà xuất bản Pháp độc quyền hồi
ký của bà trên phim, trên truyền hình, trên báo chí. (32) Bà lại bắt
đầu những chỉ trích công khai đối với nước Mỹ. Bà gọi Đại sứ Henry Cabot
Lodge là một “bà vú em loạng quạng” muốn trở thành một ông “toàn quyền” của Việt
Nam Cộng Hoà. (33) Ngày 13 tháng Giêng năm 1964, bà Nhu lên tiếng yêu
cầu tổ chức Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra cuộc đảo chánh tháng 11 và tỏ ý
nghi hoặc một cách lạ lùng là chồng bà và ông Diệm vẫn chưa chết.(34).
Tháng sau đó, chính quyền Sài Gòn đặt bà ra ngoài vòng pháp luật và ra thông tư
để bắt giữ bà. (35) Tháng 3 năm 1964, bà Nhu cho lưu hành một bản
tuyên bố dài 16 ngàn chữ để tấn công Tổng thống Kennedy, người đã bị ám sát
ngày 22 tháng 11 năm 1963, và kết án nước Mỹ là Phát-xít và Cộng sản.
Tháng 6 năm 1964, bà Nhu nộp đơn xin chiếu
khán để vào thăm nước Mỹ nhưng bị từ chối theo yêu cầu của Đại sứ Cabot Lodge.
Tại La Mã, bà Nhu dọn về sống cùng một chỗ với Tổng Giám mục Ngô Đình Thục.
Trong khi tuyên bố là bà rất ghét báo chí Mỹ nhưng bà vẫn đồng ý tiếp các ký
giả theo các điều kiện: Phải trả 1,000 Mỹ-kim để chụp hình, 1,500 Mỹ kim để
phỏng vấn và chụp hình. Và khi phỏng vấn thì phải chụp hình. (36)
Trong khi nước Mỹ càng lúc càng lún sâu
vào vũng lầy của một cuộc chiến tranh nguy hiểm ở Việt Nam và những cuộc đảo
chánh lật đổ một loạt chính quyền ở Sài Gòn, hình ảnh một người đã từng một
thời là bà “Rồng phu Nhân” đáng sợ và đầy uy quyền đã trở nên nhạt nhòa, gia
sản của bà lụn bại và cuộc đời bà sa sút thành một bi hài kịch thê thảm.
Dù được sinh ra từ một trong những gia
đình quan trọng tại Việt Nam, trong thập niên 1970s, bà đã sống trong một biệt
thự tại La Mã, một căn nhà được mô tả là đã “tàn tạ”. Nhà của bà bị trộm nhiều
lần (38). Bà dành thì giờ để làm vườn và viết lách.. Dầu vậy, nhà bà cũng đã bị trộm viếng nhiều lần. Năm
1967, cô gái Ngô Đình Lệ Thủy qua đời trong một tai nạn xe hơi (ở Paris). Tháng
7 năm 1986, em trai của bà, ông Trần Văn Khiêm, bị kết tội cố sát cha mẹ già là
ông bà cựu Đại sứ Trần Văn Chương (37) tại tư gia ở thủ đô Hoa Thịnh
Đốn.
Theo tin tức của báo chí, năm 1978 bà Nhu
tuyên bố là đang viết gần xong một cuốn lịch sử của VNCH “từ vị thế của một
người ở trong cuộc.” Không có ai còn sống mà có một cái nhìn tốt hơn bà Nhu về
sự thăng trầm chế độ ông Diệm và thời kỳ nước Mỹ bắt đầu dính dự vào một cuộc
chiến tranh lâu dài nhất với nhiều tranh cãi nhất. Không có người đàn bà Việt
Nam nào nhiều uy quyền hơn, tạo nhiều tranh cãi hơn và cũng bị khinh miệt nhiều
hơn bà Ngô Đình Nhu.
Khi viết bài này, Bà Nhu đang sống ở La Mã
và, đáng tiếc thay là cuốn sách của bà vẫn chưa được xuất bản.
PETER
BRUSH
Để
tìm hiểu thêm, xin đọc:
David Halberstam, The Making of a Quagmire
(NY: Random House, 1965) và John Mecklin, Mission in Torment; an Intimate Account of
the U.S. Role in Vietnam (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1965).
Cước chú:
1 Để có
thêm chi tiết về thời trẻ tuổi của Bà Nhu, xin xem “The Queen Bee”, Time, August 9, 1963, p. 22. “Ngo Dinh Nhu, Madame
(Tran Le Xuan)” by Arthur T. Frame in Encyclopedia of the Vietnam War: A
Political, Social, and Military History, Spencer C. Tucker, ed. NY: Oxford
University Press, 1998, p. 293.Edward Miller, “Vision, Power, and Agency: The
Ascent of Ngo Dinh Diem, 1945-54.” Journal of Southeast Asian Studies, Vol. 35,
No. 3, October 2004, p. 448.
2 David
Halberstam, The Making of a Quagmire
(NY: Random House, 1964), p. 57.
3 Robert
Scigliano, South Vietnam: Nation Under
Stress (Boston: Houghton Mifflin Co., 1963), p. 43.
4
Halberstam, p. 56.
5
Scigliano, p. 45.
6
Scigliano, pp. 59-60.
7 John
Mecklin, Mission in Torment: An Intimate
Account of the U.S. Role in Vietnam (Garden City, NY: Doubleday, 1965), p.
37, 43, 48.
8 Robert
Shaplen, The Cult of Diem, New York
Times, May 14, 1972, p. SM 16.
9 “The
Queen Bee,” Time, August 9, 1962, p.21.
10
Halberstam, pp. 48-49.
11 Joseph Buttinger,
Vietnam: A Political History (NY: Frederick A. Praeger, 1968), p. 447.
12 Malcolm
W. Browne, The New Face of War: A Report
on a Communist Guerrilla Campaign (London: Cassell, 1965), p. 170. New York
Times, February 4, 1962, p. 3.
13 Browne,
p. 170.
14 New York
Times, February 28, 1962, p. 1, and New York Times, March 1, 1962, p. 1.
15 Browne,
256.
16
Halberstam, pp. 65-66.
17 Andrew
F. Krepinevich, Jr., The Army and Vietnam
(Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986), pp. 58-59, 61-63.
18
Halberstam, p. 53.
19 New York
Times, August 25, 1963, p. E1.
20 Mecklin,
p. 178.
21
Halberstam, p. 212.
22
Halberstam, p. 235.
23
Washington Post, September 10, 1963, p. A9.
24 New York
Times, October 23, 1963, p. 4.
25
Washington Post, September 23, 1963, p. A28.
26 New York
Times, October 19, 1963, p. 6.
27 Seth
Jacobs, America’s Miracle Man in Vietnam
(Durham, NC: Duke University Press, 2004), p. 2.
28
Halberstam, p. 55.
29 New York
Times, November 2, 1963, p. 1.
30 New York
Times, November 16, 1963, p. 6.
31
Washington Post, November 29, 1963, p. A6.
32
Washington Post, November 16, 1963, p. A9, New York Times, December 19, 1963,
p. 9.
33 New York
Times, December 16, 1963, p. 8.
34 New York
Times, January 14, 1964, p. 3.
35 New York
Times, February 26, 1964, p. 2.
36
Washington Post, November 30, 1965, p. B3.
37
Washington Post, April 24, 1987, p. C2.
38
Washington Post, October 19, 1987, p. A1; New York Times, November 2, 1986, p.
23; “Dragon Lady”, Newsweek, June 5,
1978, p. 16.
[Source: VIETNAM, October 2009 - một vài hình
lấy từ Internet]
06/11/2010(Xem: 21695)
14/10/2010(Xem: 29343)
04/07/2013(Xem: 30198)
30/08/2011
(Trích từ Nguyệt san “VIETNAM”, số tháng 10 năm 2009).
https://thuvienhoasen.org/a16514/13-thang-tram-cua-rong-phu-nhan-tran-le-xuan-peter-brush
No comments:
Post a Comment