Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 29 April 2019



Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ – chợ nổi đẹp, sầm uất nhất miền Tây


0
166

“Cần Thơ có bến Ninh Kiều, có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân. Cuộc đời luống những phù vân, trở về bến cũ cố nhân xa rời”. Với nhiều người, có lẽ bốn câu thơ này sẽ không gì xa lạ khi nội dung chỉ rõ đến một điểm rất nổi tiếng của thành phố Cần Thơ. Và đó không đâu khác, chính là bến Ninh Kiều. Tuy nhiên, khi đã nhắc đến bến Ninh Kiều thì phải nhắc đến một điểm nữa mà bốn câu thơ đây sẽ đề cập đến: “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng, ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn, em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng; Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”. Đó là Cái Răng, một chợ nổi nổi tiếng nhất nhì miền Tây Nam Bộ về độ sầm uất, nhộn nhịp. Một chợ nổi mà với ai khi về miền Tây nói chung và đến Cần Thơ nói riêng đều phải ghé thăm một lần.

Đôi điều về chợ nổi Cái Răng Cần Thơ

Chợ nổi Cái Răng hiện tọa lạc trên trục đường sông Cần Thơ (trục đường chiến lược về kinh tế của cả thành phố), thuộc địa phận xã Mỹ Khánh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và cách bến Ninh Kiều khoảng chừng 11km đường sông, mất hơn 20 phút để di chuyển.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về văn hóa con người miền Tây, đặc biệt là các chợ nổi ở các tỉnh thành thì chợ nổi Cần Thơ được hình thành vào những năm đầu thế kỷ XX.  Cũng như bao chợ nổi khác như Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Năm (Sóc Trăng) hay Ngã Bảy (Hậu Giang). Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) hình thành dựa trên nhu cầu thiết yếu của con người nơi đây khi cuộc sống gắn liền với địa hình sông nước cửu long. Chính từ điều này mà văn hóa nơi đây đã tạo nên một nét đặc trưng rất đặc biệt trong phong tục, tập quán và cách thức sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó tạo nên một bức tranh, một sắc màu không trùng lẫn với bất kỳ nơi đâu.
Vốn dĩ, chợ có tên gọi là Cái Răng vì được giải thích theo hai giả thuyết. Một giả thuyết gắn liền với con thủy quái trên sông. Một giả thuyết gắn liền với cái Karan của người Khmer Nam Bộ. Cụ thể, …
Thời xa xưa tại khúc sông Cần Thơ, gần chợ nổi Cái Răng bây giờ, có một con cá sấu rất lớn trôi dạt vào đây, răng của nó không biết vì sao mà lại cắm thẳng vào đất sông này. Nhiều lần thuyền qua, tàu lại. Nó vẫn nằm bất động mà không cục cựa gì. Thời gian thấm thoát trôi qua, phù sa phủ lên người nó mỗi lúc một nhiều rồi nó chết đi. Thế là khi thành lập chợ, người ta dùng sự việc này rồi dùng tên gọi Cái Răng đặt tên cho chợ luôn.

Một góc nhỏ nơi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Còn theo cuốn “Tự vị, tiếng nói miền Nam” của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì nói rằng. Cái Răng có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “karan”, nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi để phục vụ trong việc bếp núc hàng ngày. Họ bán rất nhiều tại khu vực sông nước Cần Thơ này. Do từ khó đọc mà lâu dần, người Việt đã phát âm của chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng. Sự phát âm này là do thói quen dùng từ theo ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Cũng từ đó mà người ta lấy tên Cái Răng để đặt tên cho chợ nổi này, ý chỉ chợ nổi bán rất nhiều Cà ràng bởi người Khmer xóm Tri Tôn.
Nhất trí với ý kiến của  nhà nghiên cứu Vương Hồng Sểnh, một cuốn sách của nhà nghiên cứu người Pháp tên Le Cisbassac và nhiều sách khác từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: tức nói rạch Cái Răng, nay cứ lấy điểm này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.
Qua hai giải thích thì có thể kết luận rằng, tên gọi Cái Răng của chợ nổi Cái Răng có nguồn gốc xuất phát từ cái “cà ràng”  của người Khmer, mà người việc gọi đó là ông Táo.

Chợ nổi Cái Răng và nét văn hóa đặc sắc miền sông nước

Khác với những ngôi chợ, khu chợ họp trên đất liền của người Việt hay những ngôi chợ họp giữa lưng chừng núi của các đồng bào dân tộc thiểu số. Chợ nổi miền Tây nói chung và chợ nổi Cái Răng của thành phố Cần Thơ nói riêng là cả một câu chuyện, một vấn đề dài không có hồi kết. Câu chuyện đó, vấn đề đó không chỉ là nét đặc trưng văn hóa, phong tục sinh hoạt mà còn là một tiến trình lịch sử hình thành lên vùng đất miền Tây Nam Bộ.
Vốn dĩ nói như vậy là thật khó có thể ngờ rằng, chợ nổi Cái Răng lại có nhiều điều đặc sắc và thú vị đến như vậy. Điều đặc sắc và thú vị này đến nỗi làm nhiều khác khi chứng kiến phải ngỡ ngàng và thốt lên với bao điều bất ngờ.

Khu cảnh chợ nổi Cái Răng mùa nước nổi
Để minh chứng cho điều này, không cần phải tận mắt chứng kiến mà chỉ qua các hình ảnh, video, phim tư liệu là có thể thấy rõ. Hoặc, chỉ qua bốn câu thơ mà Godidigo.com đã đề cập trên phần mở bài thì du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều.
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”.
Thật chất là như vậy, chợ nổi Cái Răng họp từ rất sớm. Sớm đến độ gà chưa kịp gáy, mặt trời chưa dạy là trên sông đã ầm vang tiếng nổ của máy ghe, máy tàu. Xen lẫn với tiếng máy nổ là tiếng người cười nói rơm rả để giao thương, mua bán và trao đổi hàng hóa với nhau.
Trong quá trình diễn ra các hoạt động giao thương, mua bán này, có một cái hay rất đặc biệt mà chắc chắn chỉ có ở chợ nổi miền Tây mới có. Đó chính là hình ảnh nhận diện của các thương buôn với các con tàu, chiếc ghe, chiếc thuyền đang chở mặt hàng đến trao đổi. Mặt hàng này của chiếc ghe này, chiếc tàu này không phải kêu to, nói trước cho đối phương biết mà được treo lên cây bẹo (Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng. Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ).

Hình ảnh thân quen trên chợ nổi Cái Răng
Cây bẹo là hình ảnh rất nổi bật trong bức tranh chợ nổi. Nếu muốn biết chiếc tàu đó đang trao đổi hay mua bán mặt hàng gì thì chỉ cần nhìn cây bẹo là biết. Ví dụ, bán bí đỏ thì treo trái bí, bán thơm (dứa) thì treo trái thơm, bán xoài thì treo trái xoài, … Nếu bán một món hàng thì treo một món, còn nhiều món thì treo nhiều món. Tuy nhiên, có những thứ hàng hóa không treo, và có treo thì không có bán, đặc biệt là treo cái này bán cái khác. Điều này gắn liền với một câu nói vui rất nổi tiếng của chợ nổi: Cái gì treo không bán? Cái gì bán không treo? Cái gì treo cái này nhưng bán cái kia? Godidigo.com xin đố bạn.
Hình ảnh của cây bẹo và câu đố này chính là những yếu tố tạo nên nét đặc sắc của chợ nổi miền sông nước. Cụ thể, cái gì treo không bán chính là quần áo, giày dép. Cái gì bán không treo chính là các hàng quán đồ, thức uống ăn như hủ tiếu, bún mắm, cơm, cafe, …Cuối cùng cái gì treo cái này bán cái kia chính là treo lá dừa nhưng thật chất là bán tàu, ghe, xuồng và thuyền.
Giải thích cho những điều này là vì khi khai hoang, sinh sống rồi lập nghiệp ở đất cửu long. Thay vì nhiều người không sống trên đất liền do nhiều vấn đề mà chuyển xuống tàu, xuống thuyền sống. Và họ coi đó là nơi ăn, nơi ở của mình như một cái nhà trên đất liền. Họ không sống cố định và di chuyển theo con nước để làm nhiều công việc khác nhau như: đánh bắt thủy sản, mua bán – trao đổi hàng hóa từ nhiều vùng miền. Chính vì vậy mà hình ảnh cây bẹo treo quần áo là thể hiện cho nét sinh hoạt hàng ngày, còn treo lá dừa là bán mái ấm của mình.

Mua bán trên sông Cái Răng
Mua bán trên sông Cái Răng
Ngày trước, khi chợ nổi Cái Răng còn mang đậm nét hoang sơ, chưa bị thương mại hóa như ngày nay. Hình ảnh cây bẹo treo lá dừa được bắt gặp rất nhiều, từ chiếc xuồng nhỏ cho đến chiếc ghe hay chiếc tàu lớn. Thấp thoáng, đi một vòng chợ có thể gặp khoảng hơn 10 chiếc. Nhưng nay, kinh tế, xã hội và văn hóa có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là du lịch thì hình ảnh chiếc ghe, chiếc tàu treo là dừa trên cây bẹo không còn nhiều nữa.
Song cùng với hình ảnh cây bẹo, cái mà để nói về nét đặc sắc trong văn hóa sông nước miền Tây trên chợ nổi chính là phong tục, tập quán và sinh hoạt hàng ngày. Nét phong phục, tập quán và sinh hoạt này được thể hiện qua những câu chuyện trong đời sống, những hoạt động giao thương, những hình ảnh con người với chiếc thuyền lên trên mặt nước hay những lời bình của người khách lần đầu đến tham quan chợ nổi. Và thật sự, chỉ có ai tận mắt chứng kiến những gì diễn ra ở chợ nổi vào những lúc hối hả, tấp nập đến lúc bình yên, lắng đọng thì mới có thể hiểu và cảm nhận hết.
Mặc dù hôm nay có nhiều sự thay đổi mạnh về văn hóa, kinh tế và xã hội. Phần nào sự thương mại hoá cũng lấy đi đôi điều nét hoang sơ vốn có của một chợ nổi trên sông. Nhưng với những con người miền Tây, bao năm sống lênh đênh trên sông nước với bản tính chân chất, hào sảng, phóng khoáng rất thật thà. Thì nét hoang sơ đó được họ thể hiện ngay qua hành động, cử chỉ và lời nói mỗi khi chào đón khách phương xa.

Chợ nổi Cái Răng – chợ nổi thương mại và du lịch sầm uất nhất miền Tây

Không chỉ là nơi giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước của con người miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng. Mà chợ nổi Cái Răng còn là nơi được quý như một trung tâm thương mại trên sông và hoạt động du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và nước ngoài nước đến khám phá và trải nghiệm.
Có được điều này là do thành phố Cần Thơ là thành phố duy nhất ở miền Tây nam Bộ trực thuộc trung ương, đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Đặc biệt là nhờ vị trí chợ nổi Cái Răng nằm ngay trên trục đường thủy sông Hậu – kênh xáng Xà No chiến lược nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng Đồng bằng sông cửu long. Chính vì vậy mà hàng ngày ở đây, có hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán hàng hóa rất tấp nập với hàng chục mặt hàng khác nhau. Từ các mặt hàng phục vụ trong đời sống như: hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu; lá lợp nhà, chiếu, than đước, … cho đến  thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá; hay các mặt hàng nông sản, thủ công, gia dụng, thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn,… cần loại nào là có loại đó.

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Cũng chính nét sầm uất trong thương mại này mà đã vô tình tạo nên một điểm nhấn trong du lịch của chợ nổi Cái Răng. Cụ thể, nó được thể hiện qua sự thích thú, hiếu kỳ của du khách quốc tế khi một chiếc thuyền chở khách du lịch đi tham quan chợ nổi. Trên đường đến chợ, họ bất ngờ khi có ba, bốn chiếc thuyền chở trái cây, nước uống, cafe, thậm chí là các chiếc xuồng với những nồi nước lèo, nồi cơm to bán nhiều món ăn cập vào với những lời chào hàng, mời gọi ngọt như mía lùi. Còn với du khách người Việt thì lại xem đây là một cái hay mà lần đầu họ thấy sau bao lần xem qua phim ảnh hoặc trong các sách báo.
Không những vậy, trong khoảng thời gian thuyền đưa du khách đi tham quan một vòng chợ nổi. Những hình ảnh đời thực trên sông của nhiều gia đình, thương buôn đang loay hoay với các công việc mưu sinh của mình bỗng làm họ thêm háo hức vì phần nào cảm nhận được đặc trưng văn hóa của vùng đất chín dòng cửu long. Và đặc biệt là để lại trong suy nghĩ nhiều ấn tượng đẹp về con người miền Tây nói chung và người xứ Tây Đô nói riêng.

Khách nước ngoài trải nghiệm thưởng thức trái cây trên chợ nổi Cái Răng
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế này. Chợ nổi Cái Răng đã được tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”. Song cùng với Rough Guide, website youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, mà chợ nổi Cái Răng là một tiêu điểm.
Bên cạnh những đánh giá của các tạp chí quốc tế, tại Việt Nam vào ngày 10 tháng 3 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công nhận  chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL. Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/7/1960 – 09/7/2016), ngày 9 tháng 7 năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Cái Răng đã tổ chức “Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng”, kết hợp với lễ đón nhận Quyết định công nhận văn hóa Chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đánh giá bài viết

Đâu đó tôi đã từng nghe một câu nói vô cùng nổi tiếng của một nhà viết tiểu luận, một nhà thơ, một nhà triết gia người Mỹ khi ông nói về những chuyến đi: ”Đừng quá nhút nhát và đắn đo trong hành động. Cuộc sống là thử nghiệm”.

No comments:

Post a Comment