Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 29 April 2019

Vương Ông có oan hay không trong vụ “thằng bán tơ”?

Cuộc tiễn Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, mãi đến giữa trưa hôm đó, hai người mới chia tay (Dùng dằng chưa nỡ rời tay / Vầng đông đâu đã đứng ngay nóc nhà”). Khi đã chia tay rồi,“Kiều còn đứng tựa hiên tây /Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ”. Đến khi “Tần ngần dạo gót lầu trang” thì cũng vừa lúc:

Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về

Hàn huyên chưa kịp dãi dề

Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.

Như vậy, khi bọn sai nha ập đến, lúc ấy mới chừng quá trưa. Thoạt đầu vào, chúng bắt trói luôn hai cha con Vương ông và Vương Quan rồi tỏa đi khám xét cướp phá:

Già giang một lão một trai

Một dây vô loại buộc hai thâm tình

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh

Rụng rời khung cửi, tan tành gói may

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Chúng ta tạm cho rằng, cuộc khám xét tra tấn xẩy ra trong vòng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, thì Thúy Kiều nảy ra ý định bán mình chuộc cha và nàng dõng dạc tuyên bố trước tất cả mọi người: “Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”.


Đặt vấn đề ra như vậy để chúng ta cùng nhau trao đổi một việc chính trong bài viết này là: Trong vụ “thằng bán tơ”, Vương ông có oan hay khồng?” .
alt


I- Vương ông có trong hội buôn bán tơ lụa hay không?


Trước tiên chúng ta cần phải xem xét xem Vương ông có buôn bán tơ lụa hay không? Theo chúng tôi, Vương ông là người có buôn bán tơ lụa, biểu hiện ở 2 bằng chứng sau đây:

1- Vương ông có buôn bán tơ lụa, có quan hệ với thằng bán tơ thì nó mới biết ông để khai tên ông ra.

2- Gia đình Vương ông có 5 nhân khẩu. Nếu chỉ trông vào việc dệt lụa của 3 mẹ con Vương bà +Thúy Kiều + Thúy Vân thì tiền công chỉ đủ cho cả nhà ăn cơm độn ngô khoai mà thôi, vì công sá của người lao động trồng dâu nuôi tằm và dệt gấm lụa là rất rẻ mạt . Với một danh vị “Viên ngoại” có mức sống “thường thương bậc trung” mà trong nhà lại có “Thời trân thức thức sẵn bày”, trong khi đó Vương ông lại không có ruộng phát canh thu tô, không thấy nói có một nguồn thu nào khác, rồi còn phải có tiền cho Vương Quan đi học “Nối nghiệp nho gia”cũng khá tốn kém. Vậy thì lấy ở đâu ra, nếu Vương ông không có việc buôn bán tơ lụa? Ở Trung Hoa thời xưa, việc buôn bán tơ, gấm lụa rất phát đạt, chẳng những trong nước mà còn bán ra rất rộng rãi trên trường quốc tế (con đường tơ lụa về phương tây và nhiều chiếc thuyền đắm chở gấm vóc và đồ sứ trên biển Đông là minh chứng rõ nét nhất cho điều này).

II- Vương ông có oan hay không? Chúng tôi cho rằng không oan!

Bằng chứng:

1/-Với Vương ông:

Khi Thúy Kiều xướng lên ý định: “Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” trước đông đủ mọi người, Vương ông chắc hẳn cũng có nghe thấy, mặc dầu đang bị treo ngược trên sà nhà, nhưng ông không hề nói gì, cả cho đến khi Chung công nhẩm tính “Tính bài lót đó luồn đây / Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, rồi đến khi mọi việc đã chính thức được quyết định, Chung công đã yêu cầu Thúy Kiều “quy liệu trong đôi ba ngày”, rồi ông ta quyết định giải cha con Vương ông đi và cho tại ngoại “Hãy về tạm phó giam ngoài”, Vương ông vẫn không hề hé răng. Nếu là oan thật, thì trong hoàn cảnh ấy, ông phải quyết gạt chuyện bán mình của Thúy Kiều đi, và tin rằng mình sẽ được minh oan trong khi xử án.

Sau khi Thúy Kiều đã chính thức ngã giá với Mã Giám Sinh và Mã Giám Sinh ghi canh thiếp hẹn ngày giao tiền, thì gia đình kiều được tạm lĩnh Vương ông về nhà. Lúc này ông mới thấy đau lòng về sự hợp tan và định “gieo đầu tường vôi” tự tử. Sự việc này chứng tỏ, lúc này ông mới thực sự ân hận vì việc làm sai trái trong vụ buôn bán tơ lụa của mình:

Vì ai rụng cải rơi kim

Để con bèo nổi mầy chìm vì ai!

Hai từ “Vì ai” ở đây thực mơ hồ, không hẳn để chỉ thằng bán tơ? Hai từ “vì ai” như đồng nghĩa với chữ “vì ta”vậy!


2- Với Thúy Kiều:

Thúy Kiều là một cô gái rất thông minh, đọc nhiều biết rộng. Có lẽ trong khi bọn sai nha khám nhà và tra tấn cha và em trai, nàng đã dự cảm thấy là cha mình có tội, mà là tội nặng. Nàng lại biết thời ấy bọn quan nha rất hám tiền, chỉ cần có tiền thì “dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”, Mà muốn có tiền chuộc cha thì chỉ có con đường duy nhất là bán mình mà thôi!

Sau này, tạm lĩnh Vương ông về nhà, Vương ông đã toan “Gieo đầu tường vôi”, nàng đã nêu 2 tấm gương nàng Oanh dâng thư xin chịu tội thay cho cha và ả Lý bán mình chuộc cho mẹ. Vậy sao nàng không theo hai tấm gương ấy, làm đơn kêu lên quan trên hoặc lên vua mà đã vội quyết định bán mình lấy tiền chuộc như thế? Như trên tôi đã nói, vì nàng biết rằng tội của cha là khá nặng lại thêm bọn quan nha thời đó chỉ muốn ăn tiền mà thôi. Nếu chậm chễ, sự việc được đưa ra xử với những hình thức gia hình roi vọt thì rất khó tránh khỏi phải tự xưng ra, tất cha và em phải tù tội thì tan nát gia đình! So với nàng Oanh và ả Lý thì nàng có thừa bản lĩnh, nhưng thời đại khác nhau, sự việc khác nhau thì hành xử cũng không thể cứ bắt chước nhau được!“Phải tùy thế mà ra tay kinh tế” (Nguyễn Công Trứ).

3- Với Vương Quan:


Vương Quan là người ít nói. Nhưng trong việc buôn bán tơ lụa của cha thì chắc chắn Vương Quan hiểu hơn ai hết. Chắc chắn, chàng cũmg có góp một phần nhỏ những khi cha sai đi lấy tơ lụa, hoặc thanh toán tiền...

Điều đáng hỏi ở Vương Quan là: Tại sao việc Chung công chạy án cho Vương ông đã được chi tiền sòng phẳng theo yêu cầu một cục là 300 lạng, vậy mà khi Vương Quan đỗ đạt, được bổ làm quan lại lấy con Chung công làm vợ để «Ơn trả nghĩa đền». Đây là một hành vi khó giải thích mà chỉ Vương quan mới trả lời được mà thôi! Có lẽ Vương Quan tự thấy, nếu không phải là Chung công thành thạo nhiều trong việc chạy án và quen biết nhiều trong giới quan nha, lại rất có thiện cảm với gia đình chàng, nếu mà công việc giao cho người khác thì khó có thể xong được! Chàng biết rõ hơn ai hét trọng tội của cha mình, nên ân sâu ghi tạc.

4-Với Nguyễn Du:

Nguyễn Du là người kể chuyện, ông đã thuật lại trung thực cảnh nhà Vương ông hôm bị khám nhà:

Hỏi ra sau mới biết rằng

Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ

Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ

Tiếng oan dậy đất, oán ngờ lòa mây

Trong hoàn cảnh ấy thì dù ai có tội cũng đều kêu oan là lẽ tất nhiên. Nhưng sau đó Nguyễn Du có một câu bình phẩm rằng:

Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!

Như vậy, với Nguyễn Du thì việc làm của Vương ông là “đen” và nhờ có đồng tiền bán Kiều mà đã đổi ra thành “trắng”. Vậy thì Nguyễn Du cũng thấy được là Vương ông có tội. Nhưng để cho khách quan ông không tiện nói trắng ra mà thôi!

5- Với đời sau:


Trong bài thơ Vịnh Kiều của Nguyễn Khuyến có hai câu kết:

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ

Đời trước làm quan cũng thế a?

Câu thứ 2, cho ta thấy thời của Nguyễn Khuyến rất nhiều tham quan, cho nên ông ngạc nhiên là thời của Thúy Kiều cũng có quan tham? Thì ra bất cứ thời nào, bọn người làm quan cũng đều tham tiền cả! Chúng tim mọi thủ đoạn đục khoét, cướp bóc của nhân dân! Thụt két của nhà nước!

Câu thứ nhất có hàm ý là Nguyễn Khuyến cũng cho rằng Vương ông có mắc tội trong việc buôn bán tơ, cho nên, ông rất ngạc nhiên là “có tiền việc ấy mà xong nhỉ”. Theo ý nghĩa nội hàm của câu thơ thì Nguyễn Khuyến đã coi việc phạm tội của Vương ông là quá lớn đến thế, mà đồng tiền cũng có thể giải được! Thế mới thấy rõ sức mạnh của đông tiền lớn đến mức nào!


Ngần ấy dẫn chứng, tưởng đã là quá đủ để thấy được: Vương ông có mắc tội thật, thằng bán tơ khai ra ông chẳng hề vu khống chút nào!

Hà Đông ngày 28 tháng 8 năm 2017

Hoài Yên

0988 895 738

Bài cũ hơn:

No comments:

Post a Comment