Tội ác đã đẩy hàng trăm ngàn người ra ngoài biển khơi
Harrison E. Salisbury * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch
- Những câu chuyện buồn nhất trong tất cả các câu chuyện ở cuộc hội
thảo là những câu chuyện của chính những người Việt. Họ nói nước Mỹ thua
cuộc chiến. Chúng tôi mất nước.
Giọng nói trầm của họ hầu như không truyền xa quá chiếc micro, nhưng câu
chuyện của họ quả là bi thảm. Tại sao Mỹ đến Việt Nam nếu Mỹ không tôn
trọng những cam kết với đồng minh nhỏ bé? Mục đích của Mỹ ở Việt Nam là
gì? Phải chăng Mỹ thực sự mang lại tự do và dân chủ cho Đông Nam Á?
Những tiếng nói này không chỉ là những tiếng nói của những người ủng hộ
chính phủ cuối cùng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Những tiếng nói này
còn là những tiếng nói đối lập với chính quyền ông Thiệu, nhiều người
trong họ đã ở lại vì họ tin vào thống nhất và hòa giải. Nhưng khi những
chiếc trực thăng cuối cùng bay khỏi Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ta tưởng
như Việt Nam đã bị xóa tên trên bản đồ Mỹ. Việt Nam bị phó mặc để cho
chìm vào sự hoang tàn của miền đất bị khai quang, vào sự căm thù và đau
thương của cuộc chiến kinh hoàng, vào mưu đồ bất thành của chế độ Cộng
sản bất tài và đôi khi bất cần.
Buồn nhất là những lời của thuyền nhân. Họ nói trước đây chưa từng có ai
phải rời bỏ quê hương Việt Nam. Chưa từng có ai bỏ nước ra đi trong
lịch sử tự hào của Việt Nam. Chưa từng có ai bỏ nước ra đi trong hai
ngàn năm đấu tranh chống Trung Quốc, bất chấp sự đô hộ rất tàn bạo. Chưa
từng có ai bỏ nước ra đi trong nạn đói vào năm 1945, khi ngoài Bắc có
rất nhiều người chết, và cuộc chiến tranh chống Pháp càng làm cho nạn
đói trở nên khốc liệt hơn. Dù vậy người ở ngoài miền Bắc cũng không vào
miền Nam, nơi lương thực dồi dào. Hai triệu người chết đói.
Bây giờ, và chỉ bây giờ, mọi người mới rời bỏ Việt Nam-bất kỳ ai có thể vượt biên bằng thuyền hay trốn đi bằng mọi cách.
*
Tiếng nói của người Việt
Một người tỵ nạn Việt Nam:
Hàng triệu người tỵ nạn đã trốn khỏi Việt Nam. Đặc biệt những ai liều
mình ra đi bằng thuyền đã bỏ lại sau lưng tất cả, gia đình và quê hương,
để đến thế giới tự do. Nếu quý vị nghĩ rằng họ đến đây vì bất kỳ lý do
gì ngoại trừ lý do Việt Nam hiện nay không có nhân quyền thì cho phép
tôi chỉ ra rằng vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, khi có nạn đói ở miền Bắc
Việt Nam, hàng triệu người chết mà đã không tìm cách trốn khỏi miền Bắc
Việt Nam, hay thậm chí vào Nam, nơi nguồn thực phẩm dồi dào. Họ không
ra đi chỉ vì sự ràng buộc gia đình rất mạnh. Nhưng bây giờ, dưới chế độ
Cộng sản, họ đã bất chấp tất cả để trốn thoát cho được. Thậm chí họ từ
bỏ mọi quan hệ gia đình, bởi lẽ chính quyền hà khắc không tôn trọng con
người. Họ không ra đi để có cuộc sống tốt đẹp hon ở xứ người. Không có
nhân quyền chính là nguyên nhân phong trào người tỵ nạn tìm đến thế giới
tự do. Nói rằng bất kỳ chính quyền nào xuất hiện ở Việt Nam sau chiến
tranh cũng đều như vậy thì thật không đúng.
Một người tỵ nạn Việt Nam:
Những gì xảy ra sau chiến tranh đã biện minh cho sự tham chiến của quân
đội Mỹ tại Việt Nam, vì quân đội Mỹ đã thực sự giúp nhân dân chúng tôi
bảo về tự do của chúng tôi-dẫu không thành, nhưng họ đã làm hết sức
mình. Chính bao tội ác đã đẩy hàng trăm ngàn người ra ngoài biển khơi đã
biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Nguồn:
Trích dịch từ tác phẩm "Vietnam Reconsidered: Lessons From A War" của
Harrison E. Salisbury, nhà xuất bản Harper & Row, 1984, trang 214
& 240. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
No comments:
Post a Comment