Cuối đời khốn khó của những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời
15:00 24/04/2015
Vì nhiều lý do khác nhau, cuộc sống về già của một số nghệ sĩ cải lương diễn ra trong cảnh nghèo khó, bệnh tật, cô đơn. Khi còn trẻ, họ từng thành công, giàu có và nổi tiếng.
Nghệ sĩ cải lương xoay xở tìm kế sinh nhai
Cải lương từng là hình thức giải trí được ưa chuộng ở miền Nam trước
năm 1975. Thời kỳ đỉnh cao, nghệ sĩ cải lương được ví như minh tinh màn
bạc. Theo hồi tưởng của nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: "Mỗi ngày, tôi nhận
được vài chục lá thư của khán giả khắp nơi gửi về xin ảnh".
Đầu thập niên 1990, sân khấu cải lương bắt đầu thưa vắng khán giả,
nhiều đoàn hát phải giải thể. Những suất diễn thưa thớt dần, không chỉ
nhân viên hậu đài, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng vất vả tìm kế sinh nhai.
Ở tuổi gần đất, xa trời, nhiều nghệ sĩ vẫn ở nhà thuê, nhặt ve chai,
bán vé số mưu sinh.
Nhiều năm nay, người dân ở chợ Rạch Ông, quận 8, TP Hồ Chí Minh đã
quen thuộc với hình ảnh nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân mưu sinh bằng
nghề bán vé số và nhặt ve chai. Trước đó, nữ nghệ sĩ từng trải qua
những công việc như bán bắp dạo, giặt quần áo thuê, bưng bê, phục vụ
quán cơm...
Trang Thanh Xuân bán vé số tại chợ Rạch Ông. |
Thời kỳ những năm 1970, bà thường được nhắc đến trên những trang báo
lớn với tư cách là một đào trẻ đang lên. Ở tuổi 20, Thanh Xuân đã hát
chính trên một số sân khấu. Tên tuổi bà chỉ đứng sau các nghệ sĩ nổi
tiếng thời đó như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ...
Cô đào Trang Thanh Xuân được nhắc đến nhiều nhất với vai Bạch Thanh
Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa hát chung với Minh Tâm, Vũ Linh. Hào
quang đã lùi vào dĩ vãng, hiện tại, nữ nghệ sĩ sống lay lắt với thu nhập
vài chục nghìn đồng một ngày từ những tờ vé số.
Nữ nghệ sĩ còn phải cưu mang người em Thanh Đào, cũng là một nghệ sĩ
cải lương. Hai chị em hiện sống trong một căn phòng trọ chật hẹp, dành
dụm vài chục nghìn mỗi ngày để xoay xở tiền cơm, tiền nhà, tiền trả món
nợ vay lãi hơn 10 triệu đồng dùng để mổ dạ con cho bà Thanh Đào vài năm
trước đây.
Nghệ sĩ Phi Hùng từng là kép chính của đoàn cải lương Hậu Giang, Tây
Đô. Ông từng đứng chung sân khấu với bậc tiền bối Diệp Lang, Minh
Cảnh... Năm 1991, Phi Hùng giã từ nghiệp hát, mưu sinh bằng đủ nghề khác
nhau rồi trụ lại với nghề bán vé số sau một biến cố lớn về sức khỏe. Ở
tuổi ngoài 80, ngày ngày, nghệ sĩ già vẫn chống nạng đi bán từng tờ vé
lẻ, kiếm vài chục nghìn tiền lời để lo cho bản thân và người vợ đau ốm
nằm nhà.
Hơn 10 năm nay, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh chọn công việc sơn móng dạo làm
kế sinh nhai. Bà từng là đào chính của các đoàn cải lương Việt Nam Minh
Vương, Tấn Tài, Hoa Đăng. Tên tuổi Hoa Mỹ Hạnh thời đó chỉ đứng sau Minh
Vương, Lệ Thủy, Phương Bình...
Nghề sơn móng dạo đem lại cho nghệ sĩ thu nhập từ vài chục đến hơn
một trăm ngàn mỗi ngày. "Những tháng mùa mưa tôi hầu như ăn cơm trắng vì
không có khách", nữ nghệ sĩ cho biết. Với thu nhập thất thường và ít ỏi
kể trên, mỗi ngày, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh phải trả hơn 100 nghìn đồng số
tiền vay lãi vài năm trước để trị bệnh cho anh trai cùng tiền nhà hơn 1
triệu đồng mỗi tháng. Cuộc sống của bà luôn trong tình cảnh thiếu trước,
hụt sau.
Nghệ sĩ Lý Lắc từng là một kép độc, nổi tiếng với những tiết mục tấu
hài của đoàn cải lương Phùng Hảo, Lý Dạ Hương. Ít ai ngờ, người đàn ông
gầy gò trông coi nghĩa trang nghệ sĩ với thù lao hơn trăm nghìn đồng một
tháng từng nhận cát - xê lên tới vài cây vàng ở thời kỳ đỉnh cao của
cải lương. Cuối đời đơn độc, ốm đau, nghèo khó, ông nương tựa vào chùa
nghệ sĩ, sống qua ngày nhờ những đồng bạc lẻ từ lòng hảo tâm của khách
vãng lai đến thăm chùa.
Ở tuổi ngoài 70, Lý Lắc như một người không quê hương, có nhà nhưng
không dám về do ngại va chạm với những người em cùng cha khác mẹ. "Khi
bố dượng tôi mất, ông có dặn các em là chăm lo và để phần cho tôi trong
ngôi nhà. Lúc tôi còn lừng lẫy, vinh quang, họ nhiệt tình săn đón. Giờ
tôi già cả, nghèo khó, bệnh tật, họ chẳng mảy may quan tâm. Buồn quá,
tôi nương nhờ tuổi già nơi cửa Phật", nghệ sĩ già chia sẻ.
Tuổi già khốn khó vì bệnh tật
Không phải mưu sinh vất vả, một số nghệ sĩ khác lại chịu cảnh bệnh
tật hành hạ khi về già. Nghệ sĩ Thanh Thế, người từng dìu dắt nhiều
nghệ sĩ trẻ như Kim Tử Long, Thoại Mỹ đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang,
nay gần như suy sụp sau ba lần nhập viện mổ tim.
Cô đào Thanh Thế nổi tiếng một thời với các vở Tình sử A Nàng, Chung
Vô Diệm, Bùi Thị Xuân... giờ là một bà già gầy ốm, quanh quẩn cả ngày
trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
"Giọng của tôi xuống lắm rồi. Dù ham hát, lâu lâu tôi chỉ dám nhận suất
diễn cúng đình, miếu cho thỏa đam mê chứ thù lao chẳng đáng là bao",
nghệ sĩ cho biết.
Những người trông coi chùa nghệ sĩ từng là những danh ca cải lương nức tiếng một thời. |
Được mệnh danh là "nữ tướng múa gươm", NSƯT Diệu Hiền từng khiến khán
giả say mê với những vai võ tướng trong các vở Nhụy Kiều tướng quân, Nữ
tướng cờ đào. Ở tuổi 70, nữ tướng Triệu Thị Trinh múa gươm như gió trên
sân khấu năm xưa, giờ là một bà lão lưng còng bởi di chứng của bệnh tim
và bệnh gai cột sống. Cả đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương, cuối
đời, bà sống trong một căn phòng chật hẹp ghá tạm ngoài ban công một căn
hộ tập thể có đến 9 người cùng chung sống.
Độc giả Kim Thuận bày tỏ sự đồng cảm với nữ nghệ sĩ: "Đời nghệ sĩ
thật hẩm hiu. Khi xưa bà oai phong, lẫm liệt trên sân khấu, nay về già
sống khổ hạnh trong căn phòng chật hẹp". Những ngày gần đây, bệnh trở
nặng, Diệu Hiền nằm bất động mà không ngồi dậy dược.
Bà luôn mong muốn hình ảnh của mình mãi đẹp trong lòng khán giả nên
từ chối nhã ý viếng thăm của người hâm mộ. "Tôi cảám ơn tấm lòng của
khán giả. Cả tuần nay tôi bệnh nặng, không ngồi được để đón tiếp chu đáo
mọi người. Tôi không muốn những người yêu mến tôi thấy tôi trong hình
hài một bà già đau yếu, xấu xí", nghệ sĩ nói trong xúc động.
Nghệ sĩ Phượng Hải nằm cấp cứu ở Bệnh viện 115 vì chứng suy tim. Nghệ
sĩ Vũ Linh Vương phải cắt bỏ cả hai chân vì di chứng của bệnh tiểu
đường, nghệ sĩ Minh Hùng chạy thận tại bệnh viện Thống Nhất. Nghệ sĩ
Mộng Lành, một trong "tứ đại mỹ nhân" của tuồng cổ khi xưa, sau cơn tai
biến "thập tử nhất sinh" giờ đi lại run rẩy trong khu dưỡng lão nhờ
chiếc gậy gỗ.
Ấm áp tình nghệ sĩ
Có nhiều lý do khiến các nghệ sĩ lâm vào cảnh khốn khó khi về già.
Thanh Thế, Hoa Mỹ Hạnh ngoài làm ăn thua lỗ còn phải gồng gánh chi phí
chữa bệnh nan y cho người thân. Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân không hề có
tích lũy do tuổi trẻ làm được bao nhiêu, bà đưa hết cho cha mẹ cất giữ.
NSƯT Diệu Hiền một mình cáng đáng cả gia đình, gặp biến cố, bệnh tật
cũng trở nên trắng tay ở những năm tháng cuối đời.
Nghệ sĩ Lý Lắc cho hay, không chỉ riêng ông, nhiều nghệ sĩ cải lương
thời đó, ngoài phần phụ giúp gia đình, số còn lại đều đem tiêu xài phung
phí vào cờ bạc, rượu mạnh và chuyện tình cảm trai gái. Lối sống phóng
túng là một trong nhiều nguyên nhân khiến tuổi già của nhiều nghệ sĩ cải
lương gạo cội bị sự nghèo khó, cô đơn, bệnh tật đeo bám.
Hoàn cảnh éo le về già của nhiều nghệ sĩ nhận được nhiều chia sẻ của
đồng nghiệp thế hệ sau. Nghệ sĩ Thanh Thế có chi phí trang trải cho ba
ca mổ tim nhờ hơn 100 triệu đồng do đồng nghiệp quyên góp. Ca sĩ Lệ
Quyên, Đàm Vĩnh Hưng trích một phần đóng góp của nhiều nghệ sĩ trẻ trong
hai đêm nhạc được tổ chức gần đây để ủng hộ nghệ sĩ Trang Thanh Xuân 25
triệu đồng.
Mới đây, Hoa Mỹ Hạnh đổ bệnh đột ngột phải nhập viện cấp cứu. Không
người thân thích, ruột thịt, bà phải viện tới sự giúp đỡ của khán giả để
có tiền trị bệnh xơ vữa động mạch. Nhờ số tiền quyên góp lên tới gần 80
triệu đồng (trong đó, 40 triệu có được từ đêm nhạc Tình nghệ sĩ do Lệ
Quyên, Đàm Vĩnh Hưng tổ chức), nữ nghệ sĩ đã có tiền trị bệnh và dành
một ít dưỡng già.
"Tôi không bao giờ nghĩ có ngày mình lại được cho nhiều tiền đến thế.
Mẹ tôi, con trai tôi đã chết, chỉ còn họ hàng xa nhưng chúng tôi không
nhìn mặt nhau hơn 10 năm nay. Với số tiền này, tôi thấy tuổi già của
mình đã bớt cô đơn và lo sợ", Hoa Mỹ Hạnh chia sẻ.
Danh hài Hoài Linh đang dốc sức hoàn thành việc xây nhà Tổ. Ngoài mục
đích thờ Tổ nghề, làm nơi quy tụ nghệ sĩ, Hoài Linh còn dành một phần
không gian để cưu mang những nghệ sĩ già neo đơn, cơ nhỡ. "Những nghệ sĩ
lớn tuổi không có nơi nương tựa, tôi sẽ đưa các cụ lên trên đó. Nghệ sĩ
nào mất mà không có nhà, tôi sẽ mang về nhà thờ đó", anh cho biết.
Hiện tại, Ban ái hữu Hội Nghệ sĩ thành phố đang cưu mang gần 100 nghệ
sĩ cải lương có hoàn cảnh khốn khó với nguồn trợ cấp ít ỏi là 10kg gạo
cùng 150 nghìn đồng mỗi tháng.
Minh Châu
Sân khấu cải lương và đời sống của nghệ sĩ đều khó khăn
VOV.VN - Hiện nay mặc dù các bên đã rất cố gắng, nhưng sân khấu cải
lương vẫn thiếu sức sống, đời sống của các nghệ sĩ theo bộ môn này còn
rất khó khăn.
Nhân kỷ niệm
100 năm sân khấu cải lương (1918-2018), sáng nay (7/12), Hội Sân khấu
TPHCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học
quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu cải
lương”. Tại đây, nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ cải lương cho rằng, bộ
môn nghệ thuật truyền thống này cần có nhiều chính sách thiết thực, đồng
bộ hơn để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Cải lương là
một loại hình nghệ thuật sân khấu hình thành và phát triển trên vùng đất
Nam Bộ. Trong quyển “Hồi ký 50 năm mê hát”, học giả Vương Hồng Sển cho
rằng, cải lương chính thức đến với công chúng Nam Bộ vào ngày 16/11/1918
khi vở “Gia Long tẩu quốc” được trình diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn. Từ
đó đến nay, cải lương đã trải qua 100 năm lịch sử và trở thành một loại
hình nghệ thuật sân khấu gắn bó mật thiết vời đời sống tinh thần của
người dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.
Giai đoạn
1955-1975 được giới sân khấu coi là thời kỳ hoàng kim của cải lương với
sự xuất hiện của rất nhiều tác giả giỏi, kịch bản tốt, những gánh hát
nổi tiếng với đông đảo nghệ sĩ tài năng. Đây cũng là giai đoạn mà sân
khấu cải lương thu hút được rất nhiều soạn giả, nghệ sĩ trẻ đam mê cống
hiến và thành danh. Tuy nhiên, sau thập niện 50, 60, nghệ thuật cải
lương rơi vào giai đoạn khó khăn khi có thời kỳ 100 người đầu tư cho các
gánh hát thì đến 98, 99 người trắng tay. Sự xuất hiện của đa dạng loại
hình văn hóa trong giai đoạn thoái trào khiến cải lương mất dần chỗ đứng
trong đời sống tinh thần của đông đảo người dân.
Tại tọa đàm,
nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay mặc dù các
bên đã rất cố gắng, nhưng sân khấu cải lương vẫn thiếu sức sống, đời
sống của các nghệ sĩ theo bộ môn này còn rất khó khăn. Sân khấu không
sáng đèn, nghệ sĩ phải hát tại những địa điểm không phù hợp với bộ môn
này để có chi phí trang trải cuộc sống nếu muốn bám nghề. Giới trẻ mất
dần sự quan tâm với cải lương khi ngày càng hiếm những kịch bản cải
lương chất lượng trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, để
khôi phục lại sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương, bên cạnh việc
đổi mới loại hình, phong cách, nội dung biểu diễn, cần có những chính
sách tầm vĩ mô mới có thể giải quyết những bất cập đang tồn tại hiện
nay. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, giảng viên khoa Văn hóa học, Trường Đại
học Trà Vinh, cần có những giải pháp đồng bộ tập trung kết nối lĩnh vực
văn hóa với giáo dục để tạo nền móng vững chắc trong giới trẻ với bộ môn
cải lương.
TS Mai Mỹ Duyên nói: “Giải
pháp của những giải pháp chính là giải pháp quản lý. Chỉ khi nào các
giải pháp này được giải quyết thì các chính sách về giáo dục, văn hóa,
truyền thông mới đồng bộ được. Nếu như có một giải pháp đồng bộ như thế
thì nhạc cải lương, nhạc tài tử phải đưa vào dạy từ tiểu học vì nền tảng
của kịch hát là phải hiểu âm nhạc trước. Đây là điều rất đáng suy
nghĩ.”./.
No comments:
Post a Comment