Nguyễn Thái Học là con cả của
một gia đình trung nông thuộc làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh
Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh
Phúc). Thổ Tang vốn là một làng trù phú, dân làng vừa làm ruộng, vừa
buôn bán nên nhìn chung đời sống kinh tế tương đối khá hơn các làng lân
cận.
Thuở
nhỏ, Nguyễn Thái Học được gia đình cho học chữ Hán. Sau đó ông theo học
trường phổ thông Pháp - Việt tại tỉnh lỵ Vĩnh Yên. Ngay từ lúc mới 15,
16 tuổi Nguyễn Thái Học thường được thế hệ cha anh kể cho nghe chuyện về
Đội Cấn và một số phong trào chống Pháp nên đã sớm giác ngộ lòng yêu
nước. Ông ngầm nuôi ý chí đánh đổ chế độ thực dân Pháp, giải phóng dân
tộc và trả thù rửa hận cho các chiến sĩ yêu nước đã bị thực dân Pháp
giết hại.
Sau khi tốt nghiệp
Trường Cao đẳng Tiểu học, năm 1921, Nguyễn Thái Học thi đỗ vào Trường
Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian gần 3 năm học ở trường này,
Nguyễn Thái Học đã nhiều lần công khai phản đối thái độ và hành vi phân
biệt, miệt thị người bản xứ của một số giám thị và giáo viên người Pháp.
Trùm mật thám Louis Marty từng nhận xét: "Nguyễn Thái Học là một học sinh bướng bỉnh, hay cãi lại thầy giáo".
Sau khi tốt nghiệp
Trường Cao đẳng Sư phạm (1924), Nguyễn Thái Học có tham dự kỳ thi tuyển
công chức của chính quyền thực dân, nhưng sau khi thi đỗ ông lại không
nhậm chức mà nộp đơn xin học Trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học
Đông Dương. Trong thời gian Nguyễn Thái Học học tập tại Đại học Đông
Dương (1925 - 1927) đã diễn ra nhiều chuyển biến rất quan trọng trong
phong trào yêu nước Việt Nam. Trước đó, từ cuối năm 1923 những bài diễn thuyết sục sôi của Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, rồi tờ báo La Cloche fêlée
(Chuông rè) của ông đã góp phần mạnh mẽ thức tỉnh tinh thần yêu nước
của thanh niên, sinh viên cả nước. Năm sau, ngày 19.6.1924 tiếng bom Sa
Diện của Phạm Hồng Thái trong cuộc mưu sát hụt toàn quyền Đông Dương
Martial Merlin và tấm gương hy sinh dũng cảm của người thanh niên yêu
nước này đã làm chấn động toàn cõi Việt Nam, thúc giục các tầng lớp nhân
dân, nhất là thanh niên hăng hái dấn thân vào con đường cứu nước.
Tháng
11.1925, mật thám Pháp bí mật bắt cóc Phan Bội Châu tại Thượng Hải.
Chúng đưa cụ về giam ở Hoả Lò (Hà Nội), định bí mật thủ tiêu. Khi tin
tức về sự kiện này lọt ra ngoài, lập tức một phong trào đấu tranh sục
sôi của nhân dân cả nước đã bùng nổ, đòi thực dân Pháp phải đưa cụ Phan
ra xét xử công khai và cuối cùng, phải tuyên bố ân xá nhà yêu nước lão
thành này. Đầu năm sau, Phan Chu Trinh, một lãnh tụ lớn khác của phong
trào yêu nước từ đầu thế kỷ XX, đã trở về Sài Gòn sau nhiều năm lưu trú ở
nước ngoài. Ngày 24.3.1926 Phan Chu Trinh tạ thế ở Sài Gòn. Ngay sau
đó, một phong trào để tang cụ được nhân toàn quốc hưởng ứng mạnh mẽ.
Cũng
trong những năm này ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng Trung Quốc, đặc
biệt là học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn cũng dội mạnh vào Việt Nam
và được nhiều thanh niên, trí thức nhiệt liệt đón chào. Cuối năm 1924,
Nguyễn Ái Quốc về tới Quảng Châu (Trung Quốc) liên lạc với nhóm thanh
niên Việt Nam yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã và lập ra Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên (6.1925), ra tờ báo Thanh niên
kêu gọi thanh niên trí thức yêu nước hăng hái đứng lên lãnh đạo quần
chúng nhân dân đấu tranh đập tan gông xiềng nô lệ thực dân, giải phóng
dân tộc.
Trong
bối cảnh đó, hàng nghìn thanh niên, trí thức đã hăng hái dấn thân, tham
gia tích cực vào các hoạt động yêu nước. Nguyễn Thái Học là một trong
những người sớm tham gia tích cực và đi đầu trong làn sóng đấu tranh đó.
Ngay khi còn đang là sinh viên Đại học Đông Dương, cuối năm 1926, cùng
với một số thanh niên trí thức yêu nước khác như Phạm Tuấn Lâm, Phạm
Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch v.v., ông đã lập ra Nam Đồng thư xã ở Hà Nội. Cũng
giống như Cường học thư xã của nhóm thanh niên yêu nước do Trần Huy
Liệu đứng đầu lập ra ở Sài Gòn, Nam Đồng thư xã vừa giống như một
nhà xuất bản, một hiệu sách đồng thời như một nhóm biên soạn, tập trung
vào việc biên soạn, dịch thuật, phát hành sách báo phổ biến các tư
tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng Tôn Trung Sơn, ca ngợi các tấm
gương nghĩa liệt, những anh hùng cứu quốc là người Việt Nam và nước
ngoài. Thông qua đó, Nam Đồng thư xã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào yêu
nước, chống thực dân Pháp, và trên thực tế Nam Đồng thư xã đã trở thành
một trong những nơi quy tụ thanh niên, trí thức yêu nước ở Bắc Kỳ.
Cũng
trong thời gian là sinh viên của Đại học Đông Dương, từ năm 1925 đến năm
1927, Nguyễn Thái Học đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre
Varrenne một số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành một
loạt cải cách tiến bộ ở Việt Nam. Sở dĩ Nguyễn Thái Học gửi những đề
xuất cải cách của mình cho A. Varrenne vì ông ta vốn là một đảng viên
của Đảng Xã hội Pháp, vừa mới tới nhậm chức toàn quyền đã quyết định ân
xá Phan Bội Châu và hứa hẹn nhiều cải cách rộng lớn ở xứ thuộc địa Đông
Dương. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa suông, và ông ta không bao giờ
quan tâm, trả lời những bức thư đầy tâm huyết của Nguyễn Thái Học.
Hoàn
toàn thất vọng về con đường cải cách, Nguyễn Thái Học và các đồng chí
của ông đi đến quyết định là: con đường duy nhất để mở ra cơ hội phát
triển cho dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường dùng vũ trang lật đổ
chế độ thực dân Pháp, sau đó tự mình tiến hành công cuộc kiến thiết đất
nước. Nguyễn Thái Học và nhóm Nam Đồng thư xã khẩn trương chuẩn bị để
lập ra một tổ chức yêu nước bí mật. Ông đành thôi học và dành toàn bộ
thời gian cho việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho công cuộc cứu
nước mới.
Sau
một thời gian chuẩn bị, đêm ngày 24.12.1927 một hội nghị đã được tổ chức
tại Hà Nội với nòng cốt là nhóm Nam Đồng thư xã, đã quyết định lập ra Việt Nam Quốc dân Đảng. Nguyễn Thái Học được Hội nghị bầu làm Chủ tịch đảng.
Sau
khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Quốc dân
Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển cơ sở trong các tầng lớp
dân chúng trên cả nước, nhất là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đảng đã liên lạc và
sáp nhập thêm tổ chức Việt Nam dân quốc ở Bắc Giang do Nguyễn
Khắc Nhu đứng đầu. Gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng còn có thêm các nhóm
nhân sĩ và trí thức yêu nước ở Bắc Ninh do Nguyễn Thế Nghiệp tổ chức,
nhóm khác ở Thanh Hoá do Hoàng Văn Đào đứng đầu, một nhóm ở Thái Bình do
Hà Đình Điển tổ chức và một nhóm ở Sài Gòn do Trần Huy Liệu đứng đầu.
Cơ sở tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng phát triển tương đối nhanh
trong năm 1928 và đầu năm 1929, thu hút hàng nghìn thanh niên trí thức,
công chức và binh lính Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp. Việt Nam
Quốc dân Đảng cũng cử người bắt liên lạc với Hội Việt Nam Kách mệnh
Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng để bàn thảo việc thống nhất về tổ
chức và phối hợp hoạt động vì mục đích giải phóng dân tộc.
Trong
quá trình hoạt động, nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng đã bị
ảnh hưởng của tư tưởng anh hùng cá nhân, phiêu lưu, mạo hiểm. Ngày
9.2.1930, nhóm đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng ở Hà Nội đã tổ chức ám
sát trùm mộ phu đồn điền Bazin làm chấn động dư luận Pháp, khiến cho
chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương hoang mang. Để đối phó, thực dân
Pháp đã mở một chiến dịch đàn áp, truy quét gắt gao các chiến sĩ yêu
nước và cách mạng. Do tổ chức khá lỏng lẻo, cơ sở tổ chức của Việt Nam
Quốc dân Đảng bị đánh phá nghiêm trọng, hàng trăm đảng viên bị bắt hoặc
bị giết. Riêng đối với Nguyễn Thái Học, linh hồn của Việt Nam Quốc dân
Đảng, thực dân Pháp treo giải thưởng 5.000 đồng bạc Đông Dương cho ai
bắt hoặc giết được ông.
Trong
tình hình khẩn trương như vậy, tại Hội nghị lãnh đạo Việt Nam Quốc dân
Đảng ngày 1.7.1929, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã
quyết định không thể ngồi chờ thực dân Pháp lùng bắt, giết hại, phá tan
đảng, mà phải gấp rút chuẩn bị và tiến hành một cuộc "tổng khởi nghĩa
vũ trang" để một mặt đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu
nước trong dân chúng, củng cố uy tín của đảng, và nếu có thất bại thì "Không thành công cũng thành nhân".
Với
tinh thần quyết tử, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí, trong đó có bà
Nguyễn Thị Giang, người vợ vừa đính hôn của ông, dồn tâm sức chuẩn bị
cho một cuộc vùng lên quyết liệt. Các cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng ra
sức chuẩn bị vũ khí, đúc bom tự tạo, mua súng, tiến hành binh vận. Trong
khi đó, thực dân Pháp cũng tung hết lực lượng mật thám ra truy lùng,
cài gián điệp vào các cơ sở của đảng, quyết tâm bắt hoặc giết bằng được
Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và bộ chỉ huy đầu não của Việt Nam Quốc
dân Đảng, hòng dập tắt cuộc bạo động từ trong trứng nước.
Được
tin Việt Nam Quốc dân Đảng đang nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa
vũ trang trong điều kiện khách quan chưa chín muồi, lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc, khi đó đang hoạt động ở Bắc Xiêm (Thái Lan) lập tức lên đường đi
về nam Trung Quốc để tìm cách bắt liên lạc, bàn với Nguyễn Thái Học và
các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng hoãn cuộc bạo động lại, nhưng không
kịp.
Theo
kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra trên hai địa bàn
chính ở Bắc Kỳ vào đêm ngày 9.2.1930. Nguyễn Thái Học sẽ lãnh đạo cuộc
khởi nghĩa ở miền xuôi, trong khi Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính được
phân công chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Gần tới ngày nổi dậy, do cơ
sở ở miền xuôi tương đối yếu lại bị đánh phá nặng nề nên không chuẩn bị
kịp, Nguyễn Thái Học cử người báo cho Nguyễn Khắc Nhu hoãn cuộc nổi dậy
tới ngày 15.2. Tuy nhiên, liên lạc viên lại bị địch bắt giữa đường. Vì
vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở một loạt các địa điểm từ Sơn Tây, Phú
Thọ cho tới Yên Bái vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10.2.1930. Quyết liệt
nhất là cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái. Quân nổi dậy đã chiếm được một phần
đồn binh Pháp và làm chủ tỉnh lỵ Yên Bái trong gần hai ngày.
Do
không có sự phối hợp với các cuộc nổi dậy ở địa phương khác, cuộc khởi
nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp
và dập tắt. Tuy vậy, ngày 15.2.1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi
đã thất bại, Nguyễn Thái Học và cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn quyết
định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Cuộc vùng lên quyết liệt
nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương).
Thực
dân Pháp quyết định dùng vũ lực tối đa để đàn áp cuộc khởi nghĩa của
Việt Nam Quốc dân Đảng và khủng bố tinh thần yêu nước của dân chúng.
Chúng tung toàn bộ lực lượng mật thám, quân đội, bảo an ra lùng sục, càn
quét, hòng bắt giam và giết hại các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng.
Chúng còn cho 5 chiếc máy bay đến ném bom triệt hạ làng Cổ Am, căn cứ
của Việt Nam Quốc dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo. Đây là lần
đầu tiên trong lịch sử chính quyền thực dân của một cường quốc phương
Tây phải sử dụng tới máy bay chiến đấu để đàn áp một cuộc nổi dậy của
dân chúng bản xứ.
Được
sự che chở của quần chúng yêu nước, Nguyễn Thái Học vẫn thoát khỏi sự
truy lùng ráo riết của thực dân Pháp. Cùng với một số yếu nhân còn lại
của Việt Nam Quốc dân Đảng ông bàn bạc và dự định cải tổ lại đảng và
thay đổi phương hướng chiến lược của Đảng. Chính vào lúc công việc này
mới được khởi động thì ngày 20.2.1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ
Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ông bị Hội đồng Đề hình thực dân kết án tử
hình ngày 23.3.1930. Ngày 17.6.1930, thực dân Pháp đã hành quyết Nguyễn
Thái Học và 12 chiến sĩ khác của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái bằng
máy chém. Trước khi hy sinh, Nguyễn Thái Học còn cố hô to "Việt Nam vạn tuế!"
Cuộc
khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng tuy thất bại nhưng thực sự
là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của
nhân dân ta. Với tư cách là người sáng lập và lãnh đạo Việt Nam Quốc dân
Đảng, Nguyễn Thái Học thực sự là một trong những người tiêu biểu nhất
thuộc lớp trí thức Tây học sớm dấn thân, xả thân cứu nước trong nửa đầu
thế kỷ XX. Tấm gương hy sinh dũng cảm của ông trở thành một nguồn động
viên, cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ thanh niên trí thức yêu nước sau này
trong cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt lâu dài vì độc lập và tự do của
tổ quốc. Nguyễn Thái Học "không thành công" nhưng đã thực sự "thành
nhân". Ông được Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận là liệt sĩ
(24.2.1976) và tên của ông được đặt cho một trong những con phố lớn tại
Hà Nội./.
|
No comments:
Post a Comment