Nạn đói năm 1945: Người còn sống kể chuyện
LSVNO - “Ở Hà Nội suốt
mấy dãy phố từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, hàng mấy trăm ăn mày, thất tha
thất thểu lũ lượt kéo nhau đi xin. Trên bờ hè, trên đám cỏ, đâu đâu
chúng ta cũng thấy những bó chiếu, bó lá ở trong văng vẳng ra những
tiếng rên kêu đói rét não nùng”, Báo Bình Minh, ngày 29/3/1945 ghi chép
lại.
Hà
Nội hồi bấy giờ là trung tâm kinh tế của cả xứ Đông Dương do thực dân
Pháp lập ra, địa giới hành chính chủ yếu là 4 quận nội thành, với số dân
119.700 người vào năm 1943, chủ yếu là buôn bán hoặc làm việc cho chính
quyền thực dân.
Hà Nội – "điểm hẹn" của người đói
Cuối năm
1944, nạn đói bắt đầu diễn ra trên khắp miền Bắc, và lên đến đỉnh điểm
vào đầu tháng 3/1945. Những người bị đói ở các vùng Thanh – Nghệ, Thái
Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc… lũ lượt kéo về Hà Nội những mong kiếm được
miếng ăn để nuôi thân. “Tập trung chủ yếu quanh các phố cổ bây giờ, các
khu chợ, khu Bờ Hồ”, ông Đỗ Như Khánh (94 tuổi, phường Kim Ngưu, quận
Hai Bà Trưng) cho biết.
Trại Giáp Bát – một trong những nơi tập trung người đói năm 1945 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Vào thời
điểm năm 1945, gia đình ông Khánh ở phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái
Học) thường xuyên chứng kiến cảnh những chiếc xe kéo chất đầy xác chết,
bên trên phủ manh chiếu rách, chân tay người chết thừa ra ngoài đi trên
các con phố của Hà Nội.
Cũng theo
ông Khánh, cảnh cướp bóc, tranh giành nhau miếng ăn không thiếu, nhiều
người do nhịn đói lâu ngày đến khi kiếm được miếng ăn cũng lăn ra chết.
Nhưng ông Khánh vẫn nhớ nhất cảnh lính Nhật giết hại dân mình.
“Hồi đó,
Nhật đưa vào Hà Nội giống ngựa Mông Cổ cao to hơn cả đầu người, chúng
mua cám của người dân cho ngựa ăn. Nhiều người đã trộn mùn cưa, đất vào
cám để bán kiếm thêm lời, ngựa ăn phải lăn ra chết. Bọn lính Nhật đánh
chết người bán cám, mổ bụng ngựa moi hết nội tạng ra rồi cho người vào
khâu lại đem chôn. Dù nhân dân ta chết đói rất nhiều, nhưng thức ăn thừa
của lính Nhật được chúng gom lại đem chôn hết”. Ông Khánh nói.
Dù phố
phường Hà Nội ngập tràn những người chết đói ở các nơi tìm đến, nhưng
hoàn cảnh của những người vốn sinh ra và lớn lên ở đây cũng chẳng khá
hơn là bao. Hồi đó, thực dân Pháp có chính sách cấp thẻ mua gạo cho
những người có khẩu ở Hà Nội, tuy không đủ no, nhưng cũng sống tạm qua
ngày và ít bị chết đói.
Gia đình
bà Lâm Thị Bốn (87 tuổi, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) lúc đó ở
gần ga Yên Viên (Gia Lâm), nhà bán cơm cho khách đi tàu: “Cuộc sống gia
đình tôi lúc đó cũng chẳng dư giả gì, nhà bốn chị em gái, nhưng bố mẹ
lúc nào cũng dặn các con phải tiết kiệm, bớt chút cơm gạo để cứu những
người đói. Mỗi ngày nhà tôi nấu một nồi cháo loãng đem chia cho những
người ốm yếu, mong họ sống được qua ngày. Hồi đấy nhiều nhà tham gia từ
thiện lắm, họ góp từ manh chiếu, cái áo, đến cái dây buộc ủng hộ cho hội
tế bần, hay ăn dè để bớt chút gạo cứu đói. Tôi biết có người nhờ những
húp cháo loãng đấy mà sống sót được qua nạn đói”.
Bà Lâm Thị Bốn: “Nhờ những bát cháo loãng mà nhiều người thoát chết trong cơn đói”.
Sức người
có hạn trước hàng nghìn người đói lê lết khắp phố xá, theo bà Bốn thì
cảnh cướp bóc, tranh giành nhau miếng ăn thường xuyên diễn ra. Các gia
đình ở gần đường đến bữa ăn phải đóng cửa lại, nếu không người đói xông
vào tận nhà cướp miếng ăn ngay trên miệng.
Hai tháng chôn 2000 xác người chết đói
Ông Đặng
Văn Việt (99 tuổi, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) vốn quê gốc Nghệ
An, ra Hà Nội học Đại học Y từ năm 1942, khi Nhật đảo chính Pháp trên
toàn cõi Đông Dương vào đầu tháng 3/1945 trường học của ông phải đóng
cửa. Ông không về quê mà tình nguyện ở lại tham gia làm từ thiện giúp
đồng bào.
Bằng
những đồng tiền của chị gái cho, ông đã cùng với các bạn sinh viên trong
đội hướng đạo sinh đi thuê xe kéo, mua sắm những vật dụng bảo hộ chuẩn
bị cho việc thu gom xác người chết đói ở Hà Nội đem đi chôn. Cả đoàn lúc
đấy thuê được 10 xe ở khu vực cuối đường Đại Cồ Việt bây giờ, mỗi xe do
4 người phụ trách, ông là tổ trưởng phụ trách một xe.
Hố chôn tập thể người chết đói. Ảnh tư liệu.
“Công
việc bắt đầu từ 6 giờ sáng, mọi người tập trung ở hồ Hale, nay là hồ
Thiền Quang, xe kéo đã được xích sẵn ở đó. Đoàn quân của chúng tôi chia
nhau đi các phố như Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc
Toản, ga Hàng Cỏ, hồ Hale, hồ Hoàn Kiếm…, ở đâu có người chết là nhặt
cho lên xe. Vì bị đói lâu ngày xác chết cứ khô đét, chỉ còn xương, da
nhăn nheo, xám ngoét nhìn không giống người”. Ông Việt nói.
Ông Việt
nhớ nhất đó là trong lần đi gom xác chết bắt gặp cảnh bà mẹ bị chết đói ở
bãi cỏ gần hồ Hale, nhưng đứa con chưa đầy 1 tuổi vẫn mải miết bú bầu
vú chỉ còn lại nhúm da. Ông và các bạn phải tách đứa bé ra khỏi mẹ, đưa
về trại tế bần ở khu vực hàng Trống bây giờ để được chăm sóc.
Mỗi
chuyến xe các ông chở được 10 đến 15 xác chết, kéo theo đường Giải Phóng
bây giờ, xuôi về khu Giáp Bát, làng Tám để chôn. Tại đây đã có người
trong hội tế bần chuyên đào hố, mỗi hố rộng chừng 10-15m2,
sâu chừng mét rưỡi. Các ông khiêng xác chết xếp vào hố, hết lớp này đến
lớp khác, ông ví giống như xếp cá hộp. Mỗi hố chôn từ 100-200 người, các
ông lấy đất phủ kín, nén chặt rồi thắp một bó hương khấn cầu cho linh
hồn những người xấu số được siêu thoát.
Trung
bình một ngày mỗi xe chở được 5, 6 chuyến, với khoảng 40, 50 xác. Buổi
trưa mọi người lót dạ bằng cái bánh mì 5 xu mua dọc đường, và kết thúc
lúc 6, 7 giờ tối. Công việc hàng ngày cứ đều đặn suốt gần 2 tháng trời,
khi xác chết gần như vãn hết.
“Giờ ngồi
nghĩ lại tôi cũng không hiểu tại sao những sinh viên đang theo học trên
giảng đường lại đủ can đảm để làm việc đó, có chăng cũng chỉ vì tình
thương đồng loại với nhau. Sau mỗi chuyến, dù đã mặc đồ bảo hộ, tắm rửa
nhưng cái mùi hôi hám, tử khí vẫn không mất, vậy mà chúng tôi vẫn miệt
mài lao vào công việc”. Ông Việt chia sẻ.
Ông Đặng Văn Việt: “Vì tình thương đồng loại nên những sinh viên trẻ tuổi mới đủ can đảm làm công việc gom xác người chết đói”.
Ông Việt cũng cho biết, số người chết đói ông tự tay chôn cất sau gần 2 tháng trời khoảng 2000 người.
Với tình
cảm thương yêu đồng loại, những sinh viên như ông Việt hay chính người
Hà Nội lúc bấy giờ vẫn sẻ chia miếng cơm manh áo những mong cứu được
những kiếp người khốn khổ. Có người còn tổ chức khám bệnh cho người ốm
như bác sĩ Tôn Thất Tùng, Phạm Biểu Tâm, Hoàng Đình Cầu… Những gia đình
hảo tâm có điều kiện thì quyên góp tiền bạc, lập hội tế bần, hay xung
vào những đội tình nguyện để chung sức giúp người đói.
Trái
ngược với miền Bắc, ở miền Nam thóc gạo dư thừa, dùng để đốt lò phát
điện, đốt đầu xe lửa… “Những hình ảnh thảm thương về nạn chết đói của
đồng bào năm 1945 và hình ảnh những ngày cùng các bạn tráng sinh đi nhặt
xác chết và chôn cất 2000 đến 3000 đồng bào đã để lại trong tâm trí tôi
những vết đau mãi không phai mờ”, ông Việt nói.
Lê Hoàng
No comments:
Post a Comment