100 năm cải lương là năm nào?
05/08/2018 10:57 GMT+7
TTO - LTS: Năm 2018 được xem là mốc đánh dấu 100 năm ra đời sân khấu cải lương. Tuy nhiên, tác giả Trần Nhật Vy góp thêm những tư liệu về cái mốc 100 năm này xuất phát từ đâu, và có cần những nghiên cứu đủ đầy hơn nữa về lịch sử cải lương?
Tháng 12-1966, Trường quốc gia Âm nhạc Sài Gòn tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập nghệ thuật cải lương. Tại buổi lễ kỷ niệm này, một diễn giả đã khẳng định cải lương ra đời năm 1916!
Cuối năm đó, tạp chí Tin Văn do nhà văn Nguyễn Ngọc Lương bút danh Nguyễn Nguyên ra số đặc biệt, số 13, để "Kỷ niệm nửa thế kỷ sân khấu cải lương"!
Vậy cải lương ra đời năm 1916?
Gốc gác của năm 1918
Không!
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nói "quý vị mặc tình muốn đặt năm
sanh của cải lương vào năm nào tùy ý mỗi người" (Vương Hồng Sển, 50 năm
cải lương, Tủ sách Nam Chi Sài Gòn 1968, trang 18).
Năm
1997, nhạc sĩ Kiều Tấn trong luận án làm tại Berlin, Đức "Cây đàn ghita
phím lõm" quả quyết: "Đến năm 1918, nghệ thuật sân khấu cải lương được
chính thức ra đời tại Mỹ Tho bởi gánh hát Thầy Năm Tú của Châu Văn Tú
với vở Kim Vân Kiều đầu tiên của Trương Duy Toản, tự Mạnh Tự" (Kiều Tấn,
Cây đàn ghita phím lõm, Berlin 1997, trang 29).
Năm
2007, Tuấn Giang trong tác phẩm Lịch sử cải lương phổ biến trên mạng
Internet tỏ ra chắc chắn: "Sự ra đời sân khấu cải lương, số đông các nhà
nghiên cứu thống nhất vào ngày 15-11-1918, hoặc năm 1918 là năm ra đời
sân khấu cải lương.
Có hai ý kiến cho rằng sân khấu cải
lương ra đời năm 1919, sau khi so sánh nhiều nguồn tư liệu tôi đồng tình
với nhận định của các nhà nghiên cứu và giới báo chí Sài Gòn lấy năm
1918 xuất hiện nghệ thuật cải lương.
Người đầu tiên
trương biển hiệu "hát cải lương" là ban ca kịch của ông Châu Văn Tú, ông
luyện tập hai vở: Kiều Nguyệt Nga và Kim Vân Kiều, nhưng khi công diễn
chọn vở Kim Vân Kiều. Người đầu tiên phát minh ra trò diễn carabộ là cô
Ba Đắc.
Tác giả đầu tiên của trò diễn carabộ có tính cải
lương là ông phó Mười Hai. Tác giả đầu tiên có vở diễn cải lương diễn
trọn tác phẩm Kim Vân Kiều, ba đêm mới hết là ông Trương Duy Toản".
Thế
nhưng, ngược dòng lịch sử thì thấy rằng năm 1918, Thầy Năm Tú (tên thật
là Châu Văn Tú, còn gọi là Pierre Tú vì có quốc tịch Pháp) chưa có gánh
hát mà chỉ mới cất rạp chiếu phim; ông Trương Duy Toản chưa thoát án
"an trí" còn bị bó chân ở Cần Thơ và chưa có tuồng Kim Vân Kiều với bài ca vọng cổ.
Theo
Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, "bản Dạ cổ hoài lang được ông (Cao Văn Lầu)
sáng tác năm 1919" (Vọng mãi bản Dạ cổ hoài lang, Sở VH-TT&DL Bạc
Liêu, 2008, trang 7). Dạ cổ hoài lang sau này được gọi là bản vọng cổ.
Nhà
nghiên cứu Vương Hồng Sển trong 50 năm cải lương ghi rõ "mấy buổi diễn
của gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho lên Sài Gòn hát tại rạp Modern cinema ở
đường D’Espagne số 212 đêm thứ bảy 11 và chúa nhựt 12 Novembre 1922.
Skip
Hát
cải lương tuồng Kim Vân Kiều. Hát hai hồi. Hồi thứ nhứt Túy Kiều du
thanh minh ngộ Kim Trọng. Hồi thứ nhì - Kiều nữ mại thân cứu phụ...
Tuần
tới ngày thứ bảy 18 và chúa nhựt 19 Novembre 1922 sẽ hát tuồng Kim Vân
Kiều tiếp theo: Hồi thứ ba Kiều nhập thanh lâu và thứ tư Hoạn Thơ ghen
bắt Túy Kiều" (Vương Hồng Sển, sách đã dẫn, trang 226-227).
Tuồng
Kim Vân Kiều tôi có do nhà in Saigon Nguyễn Văn Viết in vào tháng
3-1926 thì gồm 3 tuồng. Muốn coi hết Kim Vân Kiều phải mất ba đêm diễn!
Cải lương là gì?
Cải
lương được các chánh trị gia, nhà báo thời ấy dùng phê phán các chánh
sách thay đổi nửa vời, thay đổi chút chút của chánh quyền thực dân. Lần
lần hai chữ này thành quen miệng với dân chúng khi thấy cái gì đó thay
đổi nhưng không hoàn toàn.
Nghệ thuật cải lương đã "chiếm" hai chữ cải lương khi các gánh hát "cải lương" ra đời.
Thuở
ấy, trước áp lực của người thưởng thức nghệ thuật, sân khấu đòi hỏi có
cái gì đó mới hơn hát bội, ca tài tử trong phòng trà, lạ hơn kịch Tây
thì các sân khấu cải lương ra đời.
Tuồng
tích gần với người Việt (hát bội đa số tuồng tích Tàu, kịch thì tuồng
Tây hoặc nói toàn tiếng Tây), ăn mặc bình thường, có thoại (nói) giống
kịch Tây lại có ca như ca tài tử có ra bộ (gọi là carabau = carabộ), có
hát nhạc Tây, dàn nhạc êm ái hơn, lời thoại gần với đời sống.
Các
tuồng hát như vậy gọi là tuồng cải lương. Từ năm 1922, cải lương có
thêm bài ca Vọng cổ hoài lang viết theo nhịp bài Dạ cổ hoài lang của Cao
Văn Lầu.
Nhà báo hát cải lương
Năm 1916, có phong trào "cải lương hát bội" tức phong trào chấn hưng lại nghệ thuật hát bội đang chết dần.
Người
đứng đầu phong trào này là nhà báo Lương Khắc Ninh khi ông lập luôn
gánh "cải lương hát bội", diễn thường trực tại rạp Cầu Muối, đường Hồ
Văn Ngà (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm).
Cũng thời điểm ấy, Hội khuyến học Long Xuyên thành lập nhóm "Cải lương kịch xã" để diễn thoại kịch hoặc hí kịch.
Ngày
14-7-1917, nhóm Cải lương kịch xã đưa tuồng Vì nghĩa quên nhà bằng hai
thứ tiếng Việt - Pháp do đốc phủ Lê Quang Liêm và đốc phủ Hồ Văn Trung
(tên thật của nhà văn Hồ Biểu Chánh) hợp soạn, lên sàn diễn tại Long
Xuyên.
Tuồng tạo được tiếng vang nên Cải lương kịch xã được mời lên Sài Gòn diễn tại rạp hát bóng Eden vào hai ngày 11 và 12-9-1917.
Năm
1918, dưới sự cổ võ của toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault, giới trí
thức nhân sĩ của Sài Gòn và Nam Kỳ tổ chức cuộc hát cải lương quyên góp
giúp người Pháp tái thiết sau Thế chiến thứ I.
Cuộc hát
do Hội báo chương Nam Kỳ (tương tự Hội nhà báo hiện nay) đứng ra vận
động với người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Của, huyện hàm, chủ nhà in,
tổng lý Nam Trung Nhựt Báo và là chủ tịch Hội báo chương Nam Kỳ.
Tuồng
cải lương hát bội biểu diễn là tuồng Pháp Việt nhứt gia do hai nhà báo
Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều hợp soạn. Diễn viên hầu hết là nhà
báo.
Buổi diễn đầu tiên vào đêm 20-10-1918 tại nhà hát
Tây (Nhà hát thành phố hiện nay), qua đêm 21-10 diễn tại rạp Eden trong
Chợ Lớn, đêm 22-10 diễn ở rạp Hội đồng Ngàn trong Gò Vấp. Sau đó, gánh
hát đã đi Lục tỉnh biểu diễn cho đến hết tháng 11-1918 mới rã.
Năm
1919, tại Sa Đéc, ông Lê Văn Thận còn gọi là Andre Thận - nguyên là "cò
tàu" (kiểm soát viên tàu bè) - mời một số người trong hội Sadec Amis
lập gánh hát xiệc lấy tên Sa Đéc Tâm Chơn Ban, sau đó đổi thành Tân Nam
Việt, dân chúng quen gọi là gánh hát xiệc Thầy Năm Thận.
Gánh
này trình diễn lần đầu tại Sa Đéc vào tháng 8-1918 với các tiết mục hát
bóng, hát xiệc, ảo thuật, đờn ca và chưng bươm bướm (múa theo kiểu Tây
phương, diễn viên mặc áo lụa mỏng có thêu kim tuyến).
Sau
một thời gian, gánh của Andre Thận được gọi là gánh "hát xiệc cải
lương" vì có một số bài bản carabộ do ông Trương Duy Toản viết.
Từ
năm 1921 trở đi, nhiều gánh hát ra đời và có sự cạnh tranh. Andre Thận
phá sản, ông cho rã gánh sau buổi diễn ngày 19-3-1922. Số đào kép của
Andre Thận được sang lại cho thầy Năm Tú để lập gánh hát Thầy Năm Tú.
Như vậy, việc chọn một tiêu chí "cải lương" để kỷ niệm 100 cải lương có thể cần thêm nhiều cuộc bàn thảo.
Nếu
chọn kỷ niệm cải lương là lúc có đoàn hát hoặc vở diễn đầu tiên thì là
năm 1917, thời điểm ra đời tuồng Vì nghĩa quên nhà của nhóm Cải lương
kịch xã ở Sa Đéc.
Nếu chọn gánh hát ra đời đầu tiên thì
phải là gánh của thầy Năm Thận ra đời năm 1919. Hoặc chọn tuồng có bài
ca vọng cổ, phải chọn Kim Vân Kiều của gánh Thầy Năm Tú thì là năm 1922,
tức là năm 2022 sắp tới.
Ai là tác giả tuồng Kim Vân Kiều?
Lâu nay, nhiều người cho rằng tác giả tuồng Kim Vân Kiều là ông Mạnh Tự Trương Duy Toản.
Trương Duy Toản (1885-1957) là một nhà cách mạng, một nhà văn, một nhà báo từ đầu thế kỷ 20, từng đi nhiều nơi trên thế giới và là thơ ký của Kỳ ngoại hầu Cường Để.
Năm 1913, ông bí mật xuất cảnh sang Thượng Hải rồi sau đó cùng Cường Để sang Paris. Tại đây ông bị Pháp bắt giam đến năm 1916, bị đưa về an trí ở Nhơn Ái, Phong Điền (Cần Thơ).
Đến năm 1919, nhờ Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Văn Của can thiệp ông mới được thong thả và trở lại nghề báo.
Nhưng làm thế nào trong thời gian bị quản chế ở Phong Điền, ông Toản có thể làm "thầy tuồng" cho gánh hát Thầy Năm Tú vào năm 1918?
Trong khi xưa các gánh hát thường không có đạo diễn, một tuồng hát lên sàn diễn, tác giả kiêm đạo diễn ngồi sau cánh gà để chỉ đạo cho diễn viên diễn xuất.
Kim Vân Kiều nếu đúng là của Trương Duy Toản thì ông phải ngồi trong cánh gà, mà thời điểm này ông là chánh trị phạm bị quản thúc ở Phong Điền làm sao có mặt ở Mỹ Tho?
Tác giả của tuồng Kim Vân Kiều chúng tôi có trong tay là ông Trương Quan Tiền, một nhà báo thời ấy, sau chuyển sang viết tuồng cải lương.
Và tuồng cải lương "có bản vọng cổ đầu tiên" là Kim Vân Kiều của tác giả Trương Quan Tiền do gánh hát Thầy Năm Tú diễn buổi đầu tiên ở rạp Modern sau chợ Sài Gòn vào tháng 11-1922.
Bìa tuồng Kiều ngộ Từ Hải - Ảnh tư liệu tác giả
Trương Duy Toản (1885-1957) là một nhà cách mạng, một nhà văn, một nhà báo từ đầu thế kỷ 20, từng đi nhiều nơi trên thế giới và là thơ ký của Kỳ ngoại hầu Cường Để.
Năm 1913, ông bí mật xuất cảnh sang Thượng Hải rồi sau đó cùng Cường Để sang Paris. Tại đây ông bị Pháp bắt giam đến năm 1916, bị đưa về an trí ở Nhơn Ái, Phong Điền (Cần Thơ).
Đến năm 1919, nhờ Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Văn Của can thiệp ông mới được thong thả và trở lại nghề báo.
Nhưng làm thế nào trong thời gian bị quản chế ở Phong Điền, ông Toản có thể làm "thầy tuồng" cho gánh hát Thầy Năm Tú vào năm 1918?
Trong khi xưa các gánh hát thường không có đạo diễn, một tuồng hát lên sàn diễn, tác giả kiêm đạo diễn ngồi sau cánh gà để chỉ đạo cho diễn viên diễn xuất.
Kim Vân Kiều nếu đúng là của Trương Duy Toản thì ông phải ngồi trong cánh gà, mà thời điểm này ông là chánh trị phạm bị quản thúc ở Phong Điền làm sao có mặt ở Mỹ Tho?
Tác giả của tuồng Kim Vân Kiều chúng tôi có trong tay là ông Trương Quan Tiền, một nhà báo thời ấy, sau chuyển sang viết tuồng cải lương.
Và tuồng cải lương "có bản vọng cổ đầu tiên" là Kim Vân Kiều của tác giả Trương Quan Tiền do gánh hát Thầy Năm Tú diễn buổi đầu tiên ở rạp Modern sau chợ Sài Gòn vào tháng 11-1922.
No comments:
Post a Comment