Trung Quốc lên giọng cứng rắn trước cuộc gặp Trump-Tập
Trung Quốc có giọng điệu cứng rắn với Mỹ trước thềm cuộc gặp thượng
đỉnh Trump-Tập và một số nhà phân tích cho rằng thời gian đang đứng về
phía họ nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài nên họ không vội đạt được
một thỏa thuận với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự
kiến sẽ có cuộc gặp song phương vào trưa ngày 29/6 bên lề thượng đỉnh
G20 ở Osaka ở Nhật Bản, sự kiện được cả thế giới theo dõi sát sao với hy
vọng nó sẽ phá vỡ thế bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế
giới.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business Network hôm
26/6, ông Trump tiếp tục có giọng điệu cứng rắn khi đe dọa rằng ông sẵn
sàng áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, nếu nước này
không đồng ý ký vào một thỏa thuận thương mại.
“Kế hoạch B của tôi là nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, tôi
sẽ đánh thuế và có thể không ở mức 25%, nhưng có thể là 10%,” ông Trump
cho biết và nói thêm rằng Hoa Kỳ có thể ‘ngày càng bớt làm ăn với Trung
Quốc’.
Tuy nhiên, lời đe dọa của ông Trump dường như không làm cho Bắc Kinh
thay đổi lập trường mà trái lại họ còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn nữa
ngay trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
“Người dân Trung Quốc không sợ bất kỳ kẻ xấu hay áp lực nào. Chúng
tôi sẽ không chấp nhận lời đe dọa này", ông Cảnh Sảng, người phát ngôn
của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ
hôm 27/6 khi ông nhắc đến lời đe dọa của ông Trump.
Không mong có thỏa thuận?
Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nổi tiếng với lập trường diều hâu của
Đảng Cộng sản Trung Quốc, không đặt hy vọng vào triển vọng đạt được thỏa
thuận trong cuộc gặp Trump-Tập tại G20.
“Có khả năng hai nhà lãnh đạo ra về mà không đạt được bất kỳ đột phá
nào”, ông Tống Quốc Hữu, giám đốc Trung tâm Ngoại giao Kinh tế của Đại
học Phúc Đán, được Hoàn cầu Thời báo dẫn lời và lưu ý rằng đe dọa của Mỹ
làm xấu đi triển vọng của cuộc gặp và các cuộc đàm phán thương mại sau
đó.
Theo tờ báo này, cuộc gặp Trump-Tập diễn ra ‘theo yêu cầu từ phía Mỹ’, chứ không phải từ Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng
chính Trump là người đang cần một thỏa thuận hơn ai hết vì nền kinh tế
Mỹ đang tổn thương.
“Trump đang hứng chịu đau đớn, đó là lý do tại sao ông ấy muốn nói
chuyện với Trung Quốc”, ông Lương Hải Minh, viện trưởng khoa Viện Vành
đai và Con đường tại Đại học Hải Nam, người theo theo dõi các cuộc đàm
phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, được dẫn lời nhận định.
Tại một cuộc họp báo hôm 28/6, ông Cao Phong phát ngôn nhân Bộ Thương
mại Trung Quốc, nói rằng 96% đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chống lại
đề xuất thuế quan của Hoa Kỳ trong các phiên điều trần đang diễn ra và
cho rằng chúng có thể gây thiệt hại 1 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa
Kỳ, cũng theo tờ báo Trung Quốc có tinh thần dân tộc chủ nghĩa này.
Tờ báo này cũng cho biết ‘toàn xã hội Trung Quốc đang nỗ lực để chuẩn
bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ’ và ‘tình cảm chống Mỹ
và tinh thần yêu nước đang tăng cao ở Trung Quốc’.
“Đối với Trung Quốc, kịch bản tồi tệ nhất đã được dự báo và nó sẽ
không trở nên tồi tệ hơn nữa,” ông Lương được dẫn lời nói và lưu ý rằng
nền kinh tế Trung Quốc đủ kiên cường để chịu được áp lực.
Thời gian đứng về phía Trung Quốc?
Ngoài Trung Quốc, quyết định của ông Trump tiến hành chiến tranh
thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn đã làm suy yếu vị thế của
nước này trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là
tại G20, nơi chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế vẫn là chủ đề
chính, các nhà phân tích Trung Quốc được dẫn lời cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business, Trump không chỉ nhắm vào Trung
Quốc mà còn đả kích ‘gần như tất cả các quốc gia trên thế giới này’ mà
ông cho là đã ‘lợi dụng nước Mỹ một cách khủng khiếp’. Các đồng minh
thân cận của Mỹ ở châu Âu và châu Á không hề được Trump bỏ qua.
“Tôi không nghĩ rằng thế giới có thể chấp nhận điều này từ [Trump]
nữa”, ông Lương nói thêm và lưu ý rằng khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử
Tổng thống, ‘thời gian đang đứng về phía Trung Quốc’.
Theo tờ báo này thì những yêu cầu của Trung Quốc đối với Mỹ trong các
cuộc đàm phán thương mại đã được giới chức nước này công khai: gỡ bỏ
toàn bộ thuế quan, Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ phải ở mức hợp lý
và câu chữ trong thỏa thuận thương mại phải tôn trọng phẩm giá và chủ
quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với công ty viễn thông
Trung Quốc Huawei như một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại tiềm
năng nào.
“Trừ khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước những yêu cầu then chốt,” tờ báo này viết.
‘Rủi ro đối với Trump’
Đài NBC dẫn lời một số phân tích gia của Mỹ cũng cho rằng ông Trump
sẽ không thực sự hành động như những lời nói mạnh miệng của ông ấy.
“Câu hỏi thực sự về việc liệu chính quyền Mỹ có thực sự sẵn sàng áp
tất cả các thuế quan này hay không - tôi nghi ngờ vì điều này sẽ có
nghĩa là áp thuế đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của
Trung Quốc,” ông Mike Jakeman, chuyên gia kinh tế cao cấp tại PwC, công
ty kế toán và tư vấn có trụ sở ở London, được NBC dẫn lời nói.
“Điều đó sẽ dẫn đến lạm phát trong nước và đột nhiên anh sẽ thấy
những người tiêu dùng giận dữ tại sao giá chiếc iPhone mà họ mua mới lại
tăng đáng kể, ông nói.
“Và trong năm bầu cử, khi Trump đã nói rất nhiều về thành tựu kinh tế của mình, có lẽ ông ấy không muốn có rủi ro đó.”
Trêm Twitter, ông Trump ca ngợi thành công kinh tế của Mỹ mỗi ngày,
từ số lượng việc làm kỷ lục đến chỉ số cao trên thị trường chứng khoán.
Và chính gia tài về kinh tế đó đã cho phép ông đối xử với Trung Quốc
theo kiểu chính sách đối ngoại, chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế,
Jakeman nói thêm.
“Một điều đáng chú ý là Trump đã đi được gần 3/4 chặng đường trong
nhiệm kỳ của mình mà không thực sự có một quyết định khó khăn nào về nền
kinh tế - ông đã có một lợi thế thực sự vững chắc vốn cho phép ông theo
đuổi chiến lược chính sách đối ngoại của mình,” ông Jakeman nói.
Còn đối với Trung Quốc, tranh chấp thương mại với Mỹ cũng là vấn đề tự hào dân tộc như thành công kinh tế.
Và theo James McGregor, một tác giả, nhà báo và doanh nhân người Mỹ
đã sống ở Trung Quốc hơn 25 năm và hiện là chủ tịch của công ty tư vấn
APCO Worldwide, Trung Quốc có thể có nhiều thời gian hơn Mỹ, mặc dù kinh
tế trong nước chậm lại.
“Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhớ: Tập Cận Bình không cần phải tái đắc
cử vào năm 2020. Nhưng Donald Trump thì cần. Và khi có thêm thuế quan và
chúng thực sự làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán
sẽ lao dốc, Trump muốn thị trường chứng khoán tăng trở lại trước cuộc
bầu cử,” ông phân tích.
“Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc có thể kiên nhẫn hơn Mỹ trên vấn đề này,
bởi vì bây giờ nó bị bao trùm chặt chẽ trong tinh thần dân tộc Trung
Quốc vì vụ Huawei, ông nói với ý nhắc đến tập đoàn viễn thông khổng lồ
của Trung Quốc vốn đã bị cấm mua thiết bị của các công ty Mỹ.
(Theo NBC, Global Times)
No comments:
Post a Comment