Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 29 February 2020

Niềm ray rức muộn màng


< A >
Điệp Mỹ Linh (Danlambao) - Trong nỗi quạnh hiu tại phòng 212 của Sugarland Senior Living, bà Nhi chỉ biết nhìn qua khung kính cửa sổ để tìm sự liên hệ còn sót lại giữa Bà và thế giới bên ngoài! Thế nhưng không thể nào bà Nhi cảm nhận được sự liên hệ từ những hình ảnh tấp nập, xô bồ, vội vàng bên kia cửa sổ và khung cảnh vắng lặng đến rợn người trong căn phòng sang trọng này! Hôm đầu tiên được con đưa đến đây để xem và chọn nơi dưỡng già, lúc mở cửa xe, bước ra, tự dưng bà Nhi cười như mếu, nói:
- Cánh cửa cuối cùng trong đời Măng đã mở!
- Tự Măng muốn vào ở đây chứ tụi con có bắt Măng đâu!
- Đúng. Chính đây là sự lựa chọn của Măng; vì, sau khi “ông Già” - danh từ thân thương các con của bà Nhi thường dành cho Bố - qua đời, trong ngôi nhà cũ, mỗi ngày Măng cũng phải trực diện với sự trống vắng, sự quạnh hiu mà Măng lại phải trả tiền thuế thổ trạch, tiền cắt cỏ, tiền bảo hiểm, v.v... Đó là chưa kể vấn đề an ninh. 
- Vấn đề an ninh tụi con đã cho người gắn hệ thống báo động và hệ thống thu hình rồi. Măng muốn “chạy trốn dĩ vãng”, phải không? Không được đâu. Dĩ vãng sống hay chết là do mình. Bởi thế, khi Măng muốn tìm chỗ ở khác, tụi con hiểu và đồng ý ngay; vì những gì trong ngôi nhà của một người lớn tuổi đều như là một trường thiên tiểu thuyết hoặc là một phim tình cảm đầy hỷ nộ.
- Đúng. 
- Tại sao Măng không chịu sống với tụi con hay là với mấy đứa con khác của Măng?
Vì kỷ niệm buồn ngày xưa phải sống với gia đình chồng, nhưng Bà chỉ cười buồn, không đáp.
Mỗi khi nhớ lại mẫu đối thoại với con, bà Nhi lại nhìn qua cửa sổ để chiêm nghiệm về cuộc đời của Bà. Tình cảm của Bà vui hay buồn đều do những hình ảnh, những kỷ niệm, hoặc dòng nhạc chợt đến chợt đi từ tâm thức của Bà.
Đến tuổi này bà Nhi mới nhận thức được rằng kỷ niệm thường “đi” nhiều hơn “đến”. Nhưng, không hiểu tại sao một kỷ niệm thời thơ dại của Bà gần ba phần tư thế kỷ qua thì cứ mãi hoài “ở lại” trong tâm tưởng của Bà! Mỗi lần kỷ niệm này trở mình thức giấc, bà Nhi tưởng như có thể thấy được đứa bé gái tên Hoàng Nhi. 
Sáng nào cũng vậy, sau khi bà vú cho ăn điểm tâm xong, Hoàng Nhi được Mẹ thay đồ ngủ bằng áo đầm, mang giày và chải tóc, thắt hai chiếc nơ đỏ hai bên. Trong khi Mẹ chải tóc, Hoàng Nhi thường bắt chước Ba, hai tay lên xuống nhịp nhàn, y như mỗi khi Ba hướng dẫn các Bác các Chú hòa đàn rồi Hoàng Nhi hát bài Au Clair de la Lune của Mister Toony do các Sơ ở trường Domain de Marie dạy:
“Au clair de la lune,
Mon ami Pierrot,
Prête- moi ta plume
Pour écrire un mot...”
Một sáng mùa Hạ, trong khi Mẹ đang chải tóc và Hoàng Nhi vừa bắt chước Ba đưa tay đánh nhịp vừa hát líu lo: “...Au clair de la lune...” thì người bạn của Mẹ đi ngang, gọi:
- Đi chợ không, chị Hai?
- Bà giúp việc đi rồi.
Người bạn của Mẹ đến, ngồi cạnh, than:
- Chị sống với ông bà Ngoại bé Nhi, sướng thiệt! Tôi sống với ông bà già chồng, có người giúp việc mà bả cũng “đày” tôi đi chợ nấu ăn.
- Thôi, kệ! Chị cũng nấu cho chồng con của chị ăn luôn mà.
- Mai mốt bé Nhi lấy chồng, chị nhớ buộc bên chồng nó không cho nó làm dâu thì chị mới gả, nhen!
Hoàng Nhi tỏ thái độ bực dọc:
- Bác nói kỳ cục. Con hỏng lấy chồng đâu. Con ở với Ngoại, với Ba Mẹ thôi.
Bác “bẹo” cằm Hoàng Nhi:
- Nhớ đó nhen, con! Cái mặt mày như vầy, lớn lên thằng nào “tha” cho mày được mà mày nói mày không lấy chồng!
Hoàng Nhi hết nhìn Bác rồi nhìn Mẹ, chẳng hiểu Bác nói gì. Bác tiếp:
- Nhỏ này giống chị như đúc.
Nghe bảo giống Mẹ, Hoàng Nhi cười “toe toét”; vì Hoàng Nhi nghe ai cũng khen Mẹ đẹp. Bất ngờ Mẹ hỏi:
- Năm nay chị bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, 28 rồi đó, chị.
Hoàng Nhi “xía” vô trước khi Mẹ đáp lời Bác:
- Ý da! Bác... già quá rồi!
Mẹ vội bịt miệng bé:
- Con nói tầm bậy! Khoanh tay xin lỗi Bác đi!
Chẳng hiểu tại sao câu nói của mình là tầm bậy, Hoàng Nhi thụng mặt, khoanh tay, nhìn Bác:
- Dạ, con xin lỗi Bác.
Bác cười, chưa kịp nói gì, Hoàng Nhi xoay qua hướng khác, xòe bàn tay trái ra, đếm:
- 28, 29, 30... Ý da! Ba mươi... già quá! Con hổng sống tới 30 tuổi đâu, Mẹ!
Mẹ vội ôm Hoàng Nhi sát vào lòng - dường như Mẹ ngại, nếu Mẹ ôm không chặt thì bé Nhi sẽ “bay” mất - giọng đầy thảng thốt:
- Con! Con đừng nói tầm bậy, con ơi!
Giữa lúc Hoàng Nhi không thể hiểu được tại sao Mẹ lại hoảng hốt đến tột độ như vậy thì Mẹ cúi xuống, ghì mặt của Hoàng Nhi sát vào mặt của Mẹ như muốn chuyền tất cả tình thương sang cho Bé. Bất ngờ Hoàng Nhi cảm thấy một bên má của Bé ươn ướt. Quay nhìn Mẹ, thấy mắt của Mẹ sủng nước, Hoàng Nhi hoang mang, không hiểu gì cả!
Bây giờ, từ sự cô quạnh trong căn phòng này, bà Nhi chợt nhớ đến phim xi-nê, tựa đề Lonely Are The Brave do Kirk Douglas - tài tử “ruột” của Bà - thủ vai chính. Suy nghĩ mãi, bà Nhi cũng không thể nhớ được nội dung của phim này. Nhưng bà Nhi lại nhớ, dạo sống với Ngoại, Ba Mẹ thường đưa bé Nhi đi xem xi-nê, phim Tây, phim Mỹ ở rạp Ngọc Hiệp, Lang Biang tại Dalat; không bao giờ xem phim Ấn Độ, Việt Nam hoặc Trung Hoa. Bé Nhi hỏi. Ba giải thích:
- Nước mình nghèo, lạc hậu, hãy tìm đến những dân tộc văn minh như Pháp, Mỹ và Âu Châu mà học hỏi; còn “tụi” Tàu có gì đáng cho mình học ngoài bản tính ác độc và ở dơ; riêng về nghệ thuật thứ Bảy thì Ấn Độ và Việt Nam còn xa lắm.
Ông Ngoại bất bình:
- Con đừng “vơ đũa cả nắm”. Người Tàu Chợ Lớn và người Tàu ở đây chí thú làm ăn chứ có làm gì ác độc đâu, con.
- Dạ. Con sơ ý. Ba nói đúng. Con chỉ muốn nói “tụi” Tàu bên Trung Hoa thôi. 
Lúc đó không thể nào bé Nhi hiểu được lời của ông Ngoại và Ba; nhưng bé Nhi lại biết tên vài tài tử mà bé thích, như: Grace Kelly, Yul Brynner, Burt Lancaster, John Wayne, Kirk Douglas, v.v... Bây giờ, nhớ đến Kirk Douglas, bà Nhi vội rời khung cửa sổ, đến bàn computer, mở computer, tìm.
Màn hình vừa sáng lên, bà Nhi đổi ý, muốn đọc tin tức trước, vội “bấm” vào CNN. Thấy tin Kirk Douglas từ trần vào tuổi 103, bà Nhi không ngạc nhiên, chỉ lặng yên, tự hỏi: Có phải “thần giao cách cảm” hay không mà tự dưng Bà lại nhớ phim Lonely Are The Brave rồi bây giờ thấy tin Kirk Douglas từ trần? Bà Nhi nhìn chăm chăm vào ảnh của Kirk Douglas như nhìn vào cõi xa xăm nào đó để tìm lại chính Bà.
Trước đây mấy phút, bà Nhi tưởng như được thấy lại bé Hoàng Nhi ở tuổi Thần Tiên và chuỗi ngày thơ dại dưới mái trường Domain de Marie, Dalat. Giờ đây, nhìn hình của Kirk Douglas, bà Nhi tưởng như thấy lại được những tối cuối tuần Ba Mẹ đưa các con đi ăn tại nhà hàng Dân Thiêng trên đường Độc Lập hoặc La Frégate, gần Bưu Điện, Nha Trang.
Thời điểm đó, Ba là Trưởng Ban Kế Toán Khu Công Chánh Nha Trang. Trưởng Khu Công Chánh là kỹ sư Nguyễn Văn Thưởng, tốt nghiệp tại Pháp và rất yêu thích văn nghệ. Chính ông Thưởng - sau khi vô tình biết được Ba là Trưởng Ban ca nhạc Bình Minh, chuyên phụ trách văn nghệ cho đài phát thanh Nha Trang - đề nghị và xuất ngân quỹ để Ba mua nhạc cụ, thành lập ban văn nghệ Khu Công Chánh. 
Ban văn nghệ Khu Công Chánh gồm có ban kịch, ban ca và ban nhạc; được đặt dưới sự điều hành của Ba. Khi nào ban văn nghệ Khu Công Chánh trình diễn tại các rạp Tân Tân, Tân Quang, Minh Châu - để lấy tiền cứu trợ nạn nhân thiên tai hoặc nạn nhân chiến tranh – Ba cũng yêu cầu ban Bình Minh tăng cường.
Về sau, ông Nguyễn Văn Thưởng thành hôn với con gái của ông bà Võ Đình Dung – một thương gia nổi tiếng của Nha Trang. Cô này cũng du học bên Pháp về; bà Nhi không nhớ tên.
Hôm tiệc cưới, tại ngôi biệt thự đồ sộ của ông bà Võ Đình Dung, cạnh bờ biển, nhân sự của ban Bình Minh và ban văn nghệ Khu Công Chánh đến sớm để Ba, ông Thưởng và cô dâu hội ý về những ca khúc nào ông Thưởng và cô dâu thích.
Mọi người trong ban văn nghệ Khu Công Chánh, ban Bình Minh cũng như Hoàng Nhi rất ngạc nhiên khi nghe ông Thưởng, cô dâu và Ba bàn luận với nhau bằng tiếng Pháp. Sau đó, Ba giải thích rằng ông Thưởng cảm thấy thoải mái và tin tưởng hơn khi được thuộc cấp trình bày - bất cứ chủ đề nào - bằng tiếng Pháp. 
Những ca khúc ngoại quốc rất thịnh hành lúc bấy giờ như: Histoire d’un Amour, La Fontaine des Amours, La Vie En Rose, Tous Les Garçons et Les Filles, L’amour C’est Pour Rien, Qui Sai Qui Sait, v.v... được các anh chị đơn ca hoặc song ca; vài bản hòa tấu như La Cumparsita, La Paloma, Flots du Danube, v.v... và không thể nào thiếu Le Beau Danube Bleu. Riêng Hoàng Nhi độc tấu Accordéon nhạc khúc Etoile des Neiges... 
...Đang đắm hồn vào dĩ vãng, bà Nhi giật mình vì điện thoại reng. Bà Nhi “allo”. Tiếng Hằng Như - con gái đầu lòng của Bà - từ đầu giây bên kia:
- Măng! Măng đang ở nhà, phải không? 
- Ờ. Con cần gì?
- Dạ không. Con sắp đến Măng rồi; nhưng con quên đem chìa khóa phòng của Măng.
- Hôm nay mới thứ Tư...
Biết bà Nhi sắp phàn nàn, Hằng Như nói:
- Mommy! Con ghé Măng được lúc nào thì con ghé. Măng đừng có lo. Okay!
Không phải là cuối tuần mà được con ghé thăm, bà Nhi rộn ràng vui, nhìn ra bãi đậu xe, có vẻ ngóng chờ. Kia rồi, Hằng Như đi cạnh một bé gái; vì mắt kém quá, bà Nhi chưa thể nhận ra được cô bé ấy là đứa cháu nào! Vài phút sau, chuông cửa reng. Mở cửa, thấy Heather, bà Nhi reo lên:
- Hi, Heather! Sao hôm nay con không đi học? 
- Hi, bà “Woại”! Con có hẹn để nha sĩ lấy “niềng răng” của con ra.
- Con cười để khoe với Bà hàm răng đẹp đi!
Heather cười, vừa nhìn bà Nhi vừa bước cạnh Bà, vào phòng. Hằng Như trao cho bà Nhi bao thức ăn:
- Con mua thức ăn cho Măng nè.
Chợt nhớ đã bị “chìm” vào kỷ niệm, quên ăn trưa, bà Nhi cười:
- Cảm ơn con. Đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”.
- Ủa, Măng buồn ngủ sao không ngủ trên giường mà tìm chiếu?
Bà Nhi cười, giải thích cho Hằng Như hiểu. Bà Nhi và Hằng Như đi vào phòng bếp. Hằng Như để Laptop lên bàn ăn. Heather ngồi ở phòng gia đình, dùng iPhone. Vừa cho thức ăn vào microwave hâm nóng, Hằng Như vừa hỏi:
- Măng có gì lạ không?
- Tuổi này chỉ mong “một ngày như mọi ngày” thôi, con. Ủa, sao con chỉ mua một phần ăn vậy?
- Dạ, con với Heather ăn rồi.
Im lặng. Hoàng Thu chợt thấy nét buồn thoáng nhanh trong mắt bà Nhi. Vừa để tô bún bò và đôi đũa trước mặt bà Nhi, Hoàng Thu vừa hỏi:
- Sao đang không Măng buồn vậy?
Bà Nhi thở dài. Ngại bà Nhi hiểu lầm, Hằng Như giải thích:
- Lúc nãy, Heather bảo Heather muốn điện thoại, mời Măng ra nhà hàng dùng trưa với tụi con. Nhưng con không muốn Măng lái xe đến chỗ lạ, khó tìm đường.
- Măng không buồn gì con đâu. Măng buồn cho Măng.
- Tại sao?
- Dạo ông bà Ngoại được bảo lãnh sang đây, chưa bao giờ Măng dành cho ông bà Ngoại những giây phút đầm ấm như con đã dành cho Măng. Măng cảm thấy bị ray rức, ăn năn!
- Măng đừng nghĩ như vậy. Con, cháu, đứa nào lo gì được cho Ông Bà, Cha Mẹ thì lo; đứa nào không lo được thì thôi. Mỗi người một hoàn cảnh. Lúc ông bà Ngoại qua đây chỉ mới mình con ra trường; Ba Măng phải “cày” để lo cho mấy đứa em. Ông Bà Ngoại không trách Măng đâu.
- Cũng may, dạo đó, cuối tuần vợ chồng con lo cho ông bà Ngoại giùm Măng.
- Chuyện qua rồi, nhắc làm gì? Thôi, Măng ăn đi.
- Thật ra, dạo đó, Măng cũng vẫn không nghĩ là ông bà Ngoại già. Trong mắt và trong tim của Măng, lúc nào ông bà Ngoại cũng “ngon lành”. Nhưng bây giờ – ở vào tuổi của ông bà Ngoại – Măng mới hiểu được những trăn trở của ông bà Ngoại! 
- Dù sao thì ông bà Ngoại cũng biết được nước Mỹ nó ra làm sao; còn ông bà Nội không biết gì về nước Mỹ thì sao?
- Đó cũng là một trong những lý do Măng không dám lo cho ông bà Ngoại nhiều; vì ngại “ông Già” buồn tủi, phân bì. Nhưng, Măng nghĩ, lý do chính là Măng không thể chịu đựng hoặc chấp nhận được tình trạng thể chất của ông bà Ngoại bị tàn phai!
- Tại sao hồi đó “ông Già” không bảo lãnh ông bà Nội sang, Măng?
- “Ông Già” muốn lắm chứ; nhưng ông bà Nội bảo ông bà Nội qua Mỹ thì ông bà Nội phải sống với Ba Măng - vì “ông Già” là trưởng nam, phải có bổn phận phụng dưỡng ông bà Nội – chứ ông bà Nội không chịu ở riêng.
Hằng Như chuyển đề tài:
- Măng quen ai trong này chưa?
- Măng ngoại giao không khéo, vì tính “thẳng như ruột ngựa”, dễ bị mếch lòng. 
- Măng quen với khung cảnh sống ở đây chưa?
- Bảo quen thì cũng khó. Nhưng Măng nghĩ, dù gì đi nữa thì cuộc đời của Măng cũng khá hơn nhiều người lắm đó, con! Ông Bà mình thường nói: “Nhìn lên mình chẳng bằng ai; nhìn xuống ít ai bằng mình.” Nếu còn ở Việt Nam, không thể nào Măng có thể sống đến tuổi này; vì Măng không thể chấp nhận cảnh người thân của Măng bị cộng sản Việt Nam đọa đày; không thể sống được ở kinh tế mới; không thể gánh vài nải chuối, mấy khúc mía, vài trái bắp, trái ổi đi bán dạo như các Cụ Bà ở Việt Nam.
- Tại vì hồi nhỏ Măng được ông bà Cố và ông bà Ngoại cưng quá đó mà.
Bà Nhi cười buồn. Hằng Như tiếp:
- Theo dõi tin tức thế giới Măng thấy có gì lạ không?
- Thì cũng chuyện mấy “lão” Tàu bên Trung cộng ở dơ, sinh bệnh dịch Coronavirus thôi.
- Lúc nào Măng cũng chê người Tàu ở dơ; coi chừng bị người Tàu “cự nự” là kỳ thị đó. 
- Sự ở dơ của người Trung cộng, thiệt... hết biết! Con nhớ hồi vợ chồng con cho “ông Già” và Măng đi Tàu chơi hay không? 
- Măng muốn đề cập đến ông Tàu đang làm hoành thánh, xoay sang một bên, tay cầm mũi, hỷ “cái rột” rồi - không rửa tay, không quẹt tay vào đâu cả – xoay qua bốc thịt làm hoành thánh tiếp. Từ đó Măng không ăn hoành thánh; dù tiệm mì đó trên đất Mỹ, phải không?
- Ô, Măng kể rồi à? Sorry, Măng quên!
- Từ đó tụi con cũng không ăn hoành thánh nữa. Nhưng, cũng tội cho người Tàu. Bây giờ, bệnh dịch lan khắp thế giới; người Tàu bị kỳ thị nặng lắm! 
Bà Nhi có vẻ bực dọc. Hằng Như ngạc nhiên:
- Tại sao Mommy có vẻ bực mình?
Bà Nhi vội xoay Laptop của Hằng Như về hướng của Bà, mở ra, vừa tìm bản tin vừa nói:
- Ông Xi “cà chớn”! 
- Sao vậy, Mommy?
- Lúc đầu Mỹ muốn giúp để chận đứng Coronavirus, ông Xi “làm ngon”, phớt lờ, không thèm trả lời. Tiếp đến là ca sĩ Justin Bieber donates to Chinese Charity for Coronavirus - Yahoo News không nêu số tiền – thì không ai thấy ông Xi “đếm xỉa” gì cả. Bây giờ ông Bill Gate và bà Linda Gate tặng $100 triệu để thế giới lo về bệnh dịch COVID- 19 thì ông Xi viết thư cảm ơn. Đúng là “ba Tàu”, thấy tiền thì nhào vô!
Tìm được bản tin trên Yahoo, bà Nhi tiếp:
- Măng đọc cho nghe để con biết là không phải Măng không ưa Trung cộng rồi Măng nói tầm bậy đâu. Đây rồi: Beijing (AFP) - Chinese President Xi Jinping has written a letter expressing thanks to the Bill & Melinda Gates Foundation for the organisation's "generosity" and support tackling a deadly virus epidemic, state media said Saturday. [...] Earlier this month the Bill and Melinda Gates Foundation committed up to $100 million for the global response to the outbreak.

"I deeply appreciate the act of generosity of the Bill & Melinda Gates Foundation and your letter of solidarity to the Chinese people at such an important moment," Xi wrote in the letter, according to official news agency Xinhua.
Nghe xong, Hằng Như cười:
- Măng ăn đi kẻo nguội.
Biết Hằng Như không xem những “tin lá cải” này, bà Nhi vừa ăn vừa tìm bản tin mới nhất, với dụng ý để Hằng Như đề phòng cho các cháu. Đây rồi:
- Hậu quả của bệnh dịch này khó lường lắm. Con nên nghe bản tin mới nhất nè: 
Harvard scientist predicts coronavirus will infect up to 70 percent of humanity.

Tim O'Donnell. The Week February 24, 2020, 1:58 PM CST

Harvard University epidemiologist Marc Lipsitch is predicting the coronavirus "will ultimately not be containable" and, within a year, will infect somewhere between 40 and 70 percent of humanity, The Atlantic reports. But don't be too alarmed. Many of those people, Lipsitch clarifies, won't have severe illnesses or even show symptoms at all, which is already the case for many people who have tested positive for the virus. 

That's precisely why he doesn’t think the virus can be stopped...
- Măng đừng để những chuyện như thế này làm Măng lo lắng. Không tốt đâu!
- Đây, đây! Tin mới nhất trên CNN lúc 4:06 P.M. ET, Feb. 28- 2020: 
What it means for coronavirus outbreak to be at the WHO’s “highest level of alert”. From CNN’s Jacqueline Howard: “The coronavirus outbreak has reached the ‘highest level’ of risk for the world, the World Health Organization announced today...”
Bà Nhi vừa đọc đến đây, Heather xuống bếp, nói:
- Mommy! Chiều rồi. Mai con phải thi.
Đậy Laptop, bà Nhi chợt nhớ một chuyện vui, vội nói bằng tiếng Anh để Heather cùng hiểu:
- Hôm qua Măng nhận được cách giải mã chữ COVID-19. Vui lắm!
Vừa xách Laptop Hằng Như vừa hỏi:
- Sao mà vui, Măng?
- Cơ quan WHO - World Health Organization – đã đặt tên cho bệnh dịch này là COVID-19. Đúng không?
- Dạ.
- Chú Lạc, bạn cùng khóa Thủ Đức với cậu Linh, chuyển đến Măng câu giải thích của Joshua Wong - nhà lãnh đạo trẻ của các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông cách nay không lâu - về COVID- 19 như thế này: “If we can’t name it as Wuhan virus, here is my understanding on COVID- 19: C for China; O for Originated; V for Virus; I for In; D for December; 19 for 2019!”
Ba người cùng cười, cùng đi ra cửa.
******
Qua khung cửa sổ, nhìn nhân dáng thân thương của Hoàng Thu và Heather xa dần, bà Nhi cảm thấy nỗi buồn vời vợi vừa gợn lên trong lòng. Bà Nhi thở dài, tự hỏi: Không biết khi nào Bà mới có được những giờ phút đầm ấm, hạnh phúc như những giờ phút vừa qua? Bất giác bà Nhi xoay nhìn lên tấm ảnh của Ba Mẹ và ông Phú - chồng của Bà - trên tủ thờ. Bất ngờ hình ảnh không thể nào quên của buổi sáng năm xưa, tại Nha Trang, sống dậy trong lòng Bà.
Sáng hôm đó, trong khi Mẹ đưa Hoàng Nhi đến nhà thương để sinh đứa con đầu lòng thì Ba nhờ người đến đơn vị tin cho Phú hay.
Vào thời điểm đó, y học tại Việt Nam chưa có phương pháp và dụng cụ để biết được giới tính của thai nhi. Do đó, từ ngày Hoàng Nhi mang thai, lúc nào Phú cũng – nửa đùa nửa thật – nói ra niềm ước mơ của chàng:
- Con trai là con của “tui”; con gái là con của cô. Nhớ đó, nhen!
Lúc nghe tiếng khóc “oa, oa” rồi tiếng bác sĩ bảo “con gái”, Hoàng Nhi còn đau và mệt lã, chưa thể cảm nhận được gì cả. Khi được đưa về phòng, Hoàng Nhi thấy Mẹ vừa ôm Hằng Như – được vấn kín trong khăn, đội mũ và mang tất, chỉ chừa khuông mặt còn ửng đỏ – vừa lắc lắc đôi tay như muốn ru Bé ngủ. Vừa khi đó, Phú bước vào. Thấy Mẹ đang ôm Hằng Như, Phú chẳng thèm “ngó ngàng” gì đến Hoàng Nhi, vội đưa tay, muốn bế Hằng Như. Mẹ hất tay Phú ra:
- Cậu cứ đòi sinh con trai; đây là con gái, nó là con của tôi.
- Mẹ! Mẹ cho con bồng em bé chút mà!
- Không được! Cậu đòi con trai; đây là con gái, cậu không được “đụng” tới!
Hễ Mẹ bồng Hằng Như xoay bên nào thì Phú “xàng” theo hướng đó. Hoàng Nhi và mấy cô y tá cười khi Phú vừa cố dành em bé từ tay Mẹ vừa nói:
- Ô! Cái mặt nó “dễ ghét” quá!
Sau khi “dành” được Hằng Như từ tay Mẹ, Phú ôm Hằng Như sát vào ngực, nghiêng xuống, nhẹ nhàng tựa má bên phải của Phú lên trán Hằng Như. 
Hành động của Phú khơi giậy trong lòng Hoàng Nhi hình ảnh Mẹ ôm chặt bé Hoàng Nhi vào buổi sáng mùa Hạ năm xưa, tại Dalat. Mấy tiếng “cái mặt nó dễ ghét quá” Phú dành cho đứa con đầu lòng làm cho Hoàng Nhi cảm nhận được tình thương bao la nàng dành cho Hằng Như đang dâng lên ngập lòng. Và, chính lúc đó, Hoàng Nhi mới hiểu được tại sao ngày xưa Mẹ đã vô cùng hoảng hốt khi bé Nhi nói “Con hổng sống tới 30 tuổi”! 
Khi nào nhớ lại thái độ hoảng hốt của Mẹ, bà Nhi cũng tưởng như nghe được hai tiếng “con ơi!” rất thiết tha của Mẹ. Bà Nhi tự trách: “Ngày xưa Mẹ thương con đến như thế mà khi bảo lãnh Ba Mẹ sang đây, con chỉ biết lo kiếm tiền để trả tiền học cho con của con, trả nợ nhà, nợ xe, nợ cơm áo, v.v... quên đi Cha Mẹ già đang vò vỏ trong căn chung cư rẻ tiền!” 
Mũi lòng quá, bà Nhi nhìn ra khung trời nhiều mây. Qua màn lệ mờ, bà Nhi tưởng như thấy được hai thân người gầy guộc và hai mái tóc trắng phau của Ba Mẹ đang chờn vờn trong những áng mây nơi cuối trời! Bất ngờ tiếng Acoustic Guitar trong điệu Lento Expresito từ đâu vọng về. Chỉ một thoáng thôi, tiếng hát xưa văng vẳng rồi trở nên rõ dần, rõ dần: 

... Hò ơi! Làn mây ơi!
Nhẹ nhàng lướt cỏ nắng,
Nhạc lòng đưa hiu hắt, 
Và buồn xa buồn νắng.
Mênh mông là buồn!... 
(Tiếng Sáo Thiên Thai, thơ Văn Cao; nhạc Phạm Duy.)
Bà Nhi thở dài, cố điều tiết mắt thật kỷ để tìm lại hình ảnh hai mái tóc trắng phau của Ba Mẹ trong những áng mây xa xa; nhưng bà Nhi chỉ thấy bóng hoàng hôn chập chùng!...
29.02.2020

No comments:

Post a Comment