Triết học nào cho thế kỷ 21
Đặng Phùng Quân
Trong những năm 1957-1963, Đặng Phùng Quân
viết văn, làm thơ với bút hiệu Trường Dzi trên những tạp chí Sáng Tạo
(hiện còn giữ được truyện ngắn Tuổi Trẻ trong số đặc biệt Hà Nội), Thế
Hệ (Xuyên Sơn làm Tổng thư ký), Tiểu thuyết tuần san (Nguyễn thiện Dzai
làm Chủ nhiệm), trang Văn Nghệ (Hồ Nam /Vương Tân phụ trách)v.v..Bỏ viết
từ đó cho đến 1969.
Hiện nay, ngoài tên thật còn viết với bút hiệu V.T.D.
Các
sách biên khảo đã xuất bản: L'existence d'autrui et la fidelite dans
l'oeuvre de Gabriel Marcel (1967), Hiện hữu tha nhân với G. Marcel
(1969), Triết học và Khoa học (1972), Chân dung triết gia (1973), Triết
học và Văn chương (1974), Văn chương và Lưu đày (1985), Hành trạng tư
tưởng giữa hai thế kỷ (2002) [trong sách này có một bài tổng quan về
tình hình triết học và văn chương 100 năm qua (tức thế kỷ XX), một bài
chuyên khảo về 2 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của Trần Đức Thảo
(Phenomenologie et Materialisme Dialectique và Recherches sur l'origine
du langage et de la conscience)], Phê phán hệ tư tưởng Mac-xit (2002)
[bàn về những vấn đề tha hoá, tư bản, ý thức hệ của Marx và Engels, vấn
đề vật hoá (Verdinglichung) của Georg Lukács, vần đề lịch sử của Louis
Athusser v.v.].
Một
số tập truyện ngắn đã xuất bản (in chung hoặc in riêng): Miền thượng
uyển xưa (1983), Một dặm tương thân (1987), Tự truyện (1997).
Những dự án nghiên cứu đang xúc tiến: Cơ sở tư tưởng thời quá độ, Phê phán lý trí văn chương…
dangphungquan.com
Thế kỷ XXI đã qua năm thứ chín -
đối với những người sinh vào nửa
đầu thế kỷ XX thật là một hành trình dài,
kinh qua những cuộc chiến tự sát và tiêu diệt.
Những khái niệm bạo động, khủng bố,
cách mạng dường như không còn ý nghĩa của
điều ác, những mục tiêu dân chủ, độc
lập, nhân quyền, tự do cạn kiệt những ý
nghĩa về thiện. Thời đại của nghi
hoặc có một quá trình vô tận. Trước sự
băng hoại to lớn ấy, không chỉ là hiện
tượng kinh tế suy thoái toàn cầu, mà cả một
cuộc phá sản tư tưởng, khởi sự là ý
thức hệ cộng sản.
Trong cuộc khủng hoảng ấy, triết học
đi đến đâu? Câu hỏi có quá vô tình trước
những thảm họa nhân loại đang chịu
đựng không? Hay vấn đề cấp thiết,
trước một thế giới thiếu sinh lực
động não?
Tiểu luận này sẽ bắt đầu bằng
ba chặng:
1/ nhìn lại 100 năm triết học của thế
kỷ vừa qua.
2/ những bước ngoặt ở
cuối-thế-kỷ.
3/ thời quá độ
1/ nhìn lại 100 năm triết học
Năm 1900: mở đầu một thế
kỷ. Die Traumdeutung của Sigmund Freud xuất
bản vào năm này, với tầm quan trọng trong
việc đóng góp cho khoa tâm lý học (ngự trị qua hai
thế kỷ) cũng như trong khoa học mới - phân
tâm học - và chính Freud nhận định nó chứa
đựng những cái giá trị nhất trong những khám
phá ông đã may mắn thực hiện vì nhận thức
sáng suốt như vậy rớt vào số phận một
người nhưng chỉ xảy đến một
lần trong suốt cuộc đời. Một tác
phẩm khác Logischen Untersuchungen của Edmund Husserl
cũng xuất bản vào năm này. Mục tiêu của
những nghiên cứu nhằm soi sáng những vấn
đề cơ bản của lý luận về nhận
thức và lĩnh hội phê phán về luận lý như
một khoa học.
Freud và Husserl đã mở ra những con
đường cho phân tâm học và hiện tượng
luận ảnh hưởng trên nhận thức con
người trong suốt quá trình của thế kỷ.
Tuy nhiên, trước hết đặt
vấn đề nhìn lại 100 năm. Tại sao nhìn
lại? nhìn lại thường để kiểm
điểm, tổng kết, phê phán những thành quả
đắc thủ, những tồn tại, tuy nhiên quá trình
không diễn ra trên một cương tuyến liên tục
mà có những cách quãng nhảy vọt ( như Bachelard hay
Althusser quan niệm, là những bước cắt tri
thức). Nhìn lại còn hàm ngụ sự khủng hoảng
tất yếu khi một thời đại đã cáo chung,
đến bước quá độ.
Có thể xác định thời quá
độ ? Lấy tình hình triết học tư
tưởng tây phương làm mẫu mực: Nếu
như những Nietzsche, Kierkegaard chấm dứt thế
kỷ của Hegel trước khi bước chuyển
tiếp cho những trào lưu hiện tượng
luận, phân tâm học và hiện sinh xác định thế
kỷ hai mươi, thì với sự phê phán chủ
nghĩa Mác, hậu hiện đại, hậu cấu trúc
luận, sự gặp gỡ giữa triết học (quen
gọi là) lục địa truyền thống với
triết học Anh-Mỹ (ít ra là sự đối
đầu giữa triết học phân tích, chủ nghĩa
thực chứng và thuyết hủy tạo) có thể là
dấu mốc của thời quá độ.
Có thể xác định thời quá
độ vì chuyển tiếp của thế kỷ, không
hẳn theo niên biểu, nhưng những vấn đề
đặt ra chưa chứng thực là những dấu
hiệu của thế kỷ kế tiếp. Sự kế
thừa những di sản của giai đoạn hậu
hiện đại, hậu cộng sản, hậu thuộc
địa cũng như quá trình tiến hóa hậu công
nghiệp đã đưa ra những vấn nạn về
sự cáo chung của lịch sử (chỉ khác biệt
ở chỗ khủng hoảng của thời hậu
thế chiến thứ hai dẫn tới viễn cảnh
bi quan về cái chết của con người, còn sự
khủng hoảng của thời hậu lịch sử là
tuyệt lộ của tư tưởng ?)
Như đã chỉ ra ở tiểu
đề, một trăm năm triết học. Nhưng
triết học nào ?
Ngày nay người ta có thể nói
đến triết học châu Mỹ La tinh (ít ra là tư
tưởng thời tiền thuộc địa), triết
học (falsafâ) Ả rập, triết học Ba tư
thời tiền Hồi đến đoàn nhóm sufi, triết
học châu Phi. Tuy vậy ảnh hưởng giao lưu
văn hóa rõ ràng đã xóa bỏ những phân định,
nếu không muốn nói đến là cơ sở tư
tưởng vẫn là sự thống nhất giữa
những mặt khác biệt. Cho nên khi đề cập
đến những vấn đề như những
vấn đề trong một triết học, như
triết học Nhật bản chẳng hạn, không
phải chỉ chuyển nhập từ triết học/philosophia
qua tetsugaku, công trình của Nishi Amane, mà là sự
thống nhất ngôn ngữ trong tác động thông giao
của con người nói chung.
Không thể bỏ qua những cơ hội
lịch sử xác định : thế chiến thứ
Nhất đánh dấu sự phân hóa cùng cực của
nền văn hóa châu Âu, thế chiến thứ Hai với
hội chứng Auschwitz thúc đẩy làn sóng di dân từ
cựu lục địa sang châu Mỹ làm thay đổi
hẳn quan niệm về sự cách biệt giữa hai
nền triết học. Những vận động trí
thức từ châu Âu đã đem đến nước
Mỹ một luồng gió mới như những
người siêu thực trong những năm 40, những
thành viên của Học viện Nghiên cứu xã hội ở
Frankfurt (Institut für Sozialforschung) lưu đày sau khi
đảng Quốc xã lên cầm quyền. Trong thời
Chiến tranh Lạnh, những hiện tượng samizdat
và tamizdat nổi lên tại những xứ sở
đảng Cộng sản nắm chính quyền đưa
ra một hình thức văn chương mới chống
lại cái văn chương “chính thống” ở trong
nước. Những phong trào giải thực đã hóa
giải những lý luận sai lạc về văn hóa khác
biệt và tạo điều kiện cho những nền
văn chương đa dạng ở châu Phi, châu Á và châu
Mỹ La tinh. Sự sụp đổ toàn diện khối
Cộng sản Liên Xô và Đông Âu không phải chỉ
một sớm một chiều màø là thành quả của
một hệ tư tưởng tan rã qua thử thách phê
phán.
Tôi không nhằm đưa ra một bức
tranh toàn cảnh về triết học thế giới mà
giới hạn vào mộït vấn đề: cơ sở
của ý nghĩa hành trạng triết học và trong
một thế kỷ vừa kết thúc.
Đặt vấn đề như vậy
có thể như hỏi chung cuộc của triết
học trong cái chung cuộc của con người và
lịch sử.
Cho nên tôi sẽ không phân định
những trào lưu tư tưởng như Ludwig Landgrebe,
J.M. Bochenski, Mikel Dufrenne hay Paul Ricoeur , chỉ kể một
vài tiêu biểu. Tôi chỉ đề ra một số
những thảo luận trong quá trình vận động
của tư tưởng thông qua những sở cứ
triết học và văn chương để thử tìm
xem những hạn chế về tri thức của con
người trong một thế kỷ. Dường như
sự cáo chung của triết học, sự thất
lạc của chủ thể, sự vắng mặt
của tác giả, cái chết của hiện diện là
những ẩn số của một nền tảng siêu
hình dấu mặt của con người về cả hai
bộ diện tri thức luận và bản thể luận
?
Những vận động tư
tưởng không phải không hàm ngụ bạo
động, nghĩa là muốn biến đổi tự
căn để. Cho nên khi chỉ ra con đường
hiện tượng luận, Husserl đề xuất một
phương pháp giảm trừ ý tượng - eidetische
Reduktion - muốn vượt lên khỏi phương pháp quy
nạp thông thường của kinh nghiệm khoa học,
điều mà ông gọi trực giác như nguyên lý của
mọi nguyên lý trong Ideen I :
“Mọi trực giác đã có tự
nguyên ủy là cội nguồn chính đáng (Rechtsquelle)
của tri thức/daß jede originär gebende Anschauung eine Rechtsquelle
der Erkenntnis sei.”
Tuy nhiên vào gần cuối đời, lý
tưởng đeo đuổi xây dựng hiện
tượng luận một triết học như thể
khoa học nghiêm xác của Husserl chỉ như một
giấc mộng đã qua (der Traum ist ausgetraumt).
Giấc mộng đã dẫn Heidegger đi
vào con đường Hỏi về Hữu đồng
thời cũng là Hỏi về Chân lý (Aletheia), khởi
từ đó chỉ ra Hữu thể luận cơ bản
với nhiệm vụ triệt hủy lịch sử
hữu thể luận :
“Vấn đề hữu thể
chỉ đạt được tính cụ thể
thực khi chúng ta thể hiện sự triệt hủy
truyền thống hữu thể/in der Durchführung der
Destruktion der ontologischen Überlieferung gewinnt die Seinsfrage ihre
wahrhafte Konkretion.”
Hủy triệt căn để đưa
đến vấn nạn về quan hệ giữa ý
nghĩa về Hữu trong tư tưởng Heidegger
với phong trào Quốc xã trong những năm 80. Vấn
nạn kéo theo những tranh luận không lối thoát với
nhiều khuôn mặt quen thuộc của triết học
đương đại.
Ở vào những năm đầu thập
niên 20, Nicolai Hartmann đã chỉ ra mối quan hệ
giữa tri thức luận và hữu thể luận khi xác
quyết tri thức luận phải xây trên cơ sở
hữu thể luận, phân biệt hai phương thức
cơ bản của Hữu (Seinsweisen):
“Mọi tính thể (Sosein) cũng
như mọi hiện thể (Dasein) có được
sự xác định trên cơ sở toàn chuỗi những
xác định, và chính những chuỗi xác định này
cấu thành toàn bộ thực tại (Realzusammenhang). Đặc
tính cô lập của những sự vật cá thể
chỉ là trừu tượng. Thế nên cái hiện thực
là thực cũng thực sự khả hữu và tất
yếu, ngay trong những đặc trưng của nó; nhưng
nó có thực khả hữu và tất yếu là trên cơ sở
những phức thể điều kiện bao dung tòan
diện của một sắp đặt cấu trúc
thực (Realkollokation) trong bất kỳ thời gian
nhất định nào/Wie alles Dasein,so hat auch alles Sosein seine
Bestimmtheit auf Grund von Determinationsketten, und diese eben sind es, die
den Realzusammenhang ausmachen. Isolierte Beschaffenheit eines
Einzeldinges ist eine Abstraktion. Was real wirklich ist, das ist auch bis in
seine letzen Sonderzüge hinein real möglich und real notwendig; beides aber ist
est auf Grund von Bedinungskomplexen, welche die ganze Breite der jeweiligen
Realkollokation umfassen.”
Toàn bộ thực tại - ở đó không
biệt phân giữa hữu và tính - mở ra con
đường cấu trúc luận sau này, cũng như
thành tựu trong quá trình và tiến bộ của tri thức
khoa học.
Chính nhìn ra quan điểm ấy, vào
cuối đời Georg Lukács khi nói đến hữu
thể luận đã chỉ ra chính Hartmann là người
đầu tiên đưa ra vấn đề hình thái sơ
cấp của hiện thể là phức thể, cho nên
người ta phải nghiên cứu phức thể như
là phức thể và phải đi từ phức thể
đến những thành tố chứ không phải (như
khoa học nói chung tin tưởng) là trước hết
tìm ra một số thành tố rồi cấu tạo
những phức thể nhất định này từ tác
động qua lại giữa những thành tố (das
Komplexe das primär Existierende ist, wobei man den Komplex als Komplex zu
untersuchen und vom Komplex zu seinen Elementen und Elementarprozessen zu
kommen hat - und nicht (wie die Wissenschaft im allgemeinen meint), daß man
gewisse Elemente finden muß und aus dem Zusammenwirken der Elemente bestimmte
Komplexe aufbaut).
Có thể nói Heidegger như cái gạch
nối giữa triết học và văn chương không
phải vì “giai đọan sau” ông đi lý giải
những tác phẩm thơ của Holderlin, Trakl hay Rilke,
nhưng qua thông diễn học, ông đã phát hiện “Ngôn
ngữ là căn nhà của Hữu thể”, và nghệ
thuật cũng như triết lý là con đường “khai
mở Hữu như một tổng thể chân lý”.
Hartmann như cái gạch nối giữa triết học và
khoa học khi quan niệm những khoa học tự nhiên
không thể đọan lìa với nền tảng siêu hình,
trong khi nỗ lực đi tìm những minh chứng khoa
học cho những nguyên lý và đa tầng của hữu
(Seinsschichten).
Như đã nói ở trên, đề
cương của bài viết này đưa ra một cái
nhìn tổng quan về ý nghĩa hành trạng của
triết học trong một trăm năm, ở đó
những mặt đối lập diễn ra :
Những biên giới địa chí như
giữa hai nước (chẳng hạn Pháp và Đức,
tinh thần nhận thức khác biệt), môi trường
trí thức (trong và ngòai Đại học, lấy ví dụ
trường hợp Marx hay Bergson - tư tưởng Marx
khi xâm nhập xã hội đã không ảnh hưởng trong
Đại học, triết học Bergson lôi cuốn
tầng lớp trí thức ở Collège de France đã không
ảnh hưởng tới sự giảng dạy tại
Sorbonne), triết học Đại lục châu Âu với
triết học Anh Mỹ, tư tưởng Đông
phương và Tây phương.
Những biên giới xã hội-chính trị
như sự phân cách nhất định giữa mẫu
quốc và thuộc địa trong giai đọan thực
dân, sự đọan tuyệt thông giao giữa khối
Cộng sản với bên ngòai (triết học nói chung và
triết học Diamat, hủy triệt sự phát triển
của những trường phái văn học như
chủ nghĩa Hình thái hay Vị lai..), sự chênh lệch
giữa những nước phát triển và Thế giới
thứ Ba. Đó là chưa kể đến những mâu
thuẫn nan giải về mặt tôn giáo.
Những mặt đối lập kể
trên ngày nay phần nào đã hóa giải dựa trên những
biến đổi thể chế hoặc giao lưu văn
hóa.
Tuy vậy cũng cần phải xác
định là những phân định đó chỉ
tương đối hoặc biểu kiến vì xu
hướng gọi là triết học Anh Mỹ không
hẳn chỉ giới hạn ở ngòai đại
lục, hay tư tưởng Đông Tây không triệt
để khu biệt.
Ngay trên lục địa châu Âu, tư
tưởng của Wolfgang Stegmuller, phần lớn xu
hướng triết học Phần lan, Ba lan hay Nam tư
là triết học phân tích, mặt khác nguồn cội
truyền thống thực nghiệm Anh từ lý luận
của Frege và những nhà thực chứng Áo, Karl Popper,
Wittgenstein và xa hơn là ảnh hưởng của Brentano,
Bolzano và Meinong. Ở Pháp trong những năm chủ
nghĩa hiện sinh thống trị, những triết gia
như Cavaillès, Jules Vuillemin, Gilles Granger vẫn tiếp
tục con đường luận lý thực nghiệm
mặc dầu khoa luận lý bị coi là thứ yếu.
Mặt khác triết học phân tích dựa trên phương
pháp phân tích ngữ học cũng như quan niệm ngôn ngữ
thường tục là phần sơ cấp của
triết học hãy còn xa lạ với những ưu tư
siêu hình đang được coi như tiên quyết.
Phải đợi tới giai đọan hậu cấu
trúc, một thế hệ mới với những Francis
Jacques, Denis Zaslawsky mới đưa những vấn
đề của Peirce, Quine, Austin vào cuộc thảo
luận. Jacques Bouveresse làm quen với tư tưởng
của Wittgenstein, Deleuze và Guattari đến gần với
những vấn đề của chủ nghĩa thực
dụng trong tác phẩm Mille Plateaux, Paul Ricoeur khi
rời châu Âu qua Mỹ đã đưa ra những
đối thọai giữa thông diễn học và triết
học phân tích .
Mối quan hệ giữa hai nền
triết học phương Đông và phương Tây trong
thế kỷ này không còn xa lạ với nhiều triết
gia. Trong Dẫn vào triết học, Karl Jaspers
khẳng định:
“Triết học trong phong cách
lớn và tòan bộ hệ thống đã hiện hữu
từ hai thiên niên kỷ rưỡi ở phương Tây,
Trung quốc và Ấn độ”.
Trong bộ Die grossen Philosophen,
ông thảo luận về những nhà tư tưởng
lớn như Lão, Khổng, Thích Ca, Long Thọ bên cạnh
những Sokrates, Jesus, Nicolaus Cusanus…
Dẫn lời Jean-Pierre Faye trong La raison
narrative, hai tác giả Deleuze và Guattari chỉ ra là
những triết gia như những người khách
lạ đến từ phương Đông. Tuy nhiên,
ảnh hưởng của phương Đông in dấu
ấn đậm nét nơi một nhà tư tưởng
lớn nhất thế kỷ này là Martin Heidegger. Trong hai tác
phẩm Trên đường tới Ngôn ngữ
và Nguyên lý Đồng nhất, Heidegger đã
nói đến từ then chốt (Đạo) trong tư
tưởng của Lão tử “có lẽ ẩn trong từ
“con đường” Đạo là huyền nhiệm trên
mọi huyền nhiệm của Ngôn từ đầy
vẻ tư duy…tất cả là Đạo”. Otto Pöggeler,
một học giả Đức uy tín chuyên về Heidegger
đã chỉ ra là triết học phương Đông
nơi Lão tử và Trang tử đã ảnh hưởng
từ sớm vào tư tưởng Heidegger, không phải
chỉ qua hai tác phẩm dẫn trên, khi liên kết Logos
với Đạo, khái niệm tương hữu (Mitsein)
với ngụ ngôn của Trang tử. Một học
giả Đức khác, Reinhard May cũng chỉ ra những
ảnh hưởng Á đông như Đạo học và
Thiền học trong tư tưởng Heidegger trong nỗ
lực vượt và hủy triệt truyền thống
siêu hình học tây phương. Heidegger cũng đã cùng
với một học giả Trung hoa, Paul Shih-yi Hsiao
cộng tác thử dịch một số chương trong
Đạo đức kinh.
Những kiến thức về Đạo
học và Thiền học của Heidegger một phần
dựa trên những tư liệu chuyển qua Đức
ngữ (Thuyết và ngụ ngôn của Trang tử
do Martin Buber tuyển chọn xb. năm 1910, Lão tử
của Wilhem xb năm, 1911), mặt khác do sự tiếp
cận với những học giả đến từ
Nhật như Tanabe Hajime, Kuki Shùzò, Nishitani Keiji, Yuasa
Seinosuke, Tezuka Tomio (nhân vật trong đối thọai
với Heidegger luận về ngôn ngữ dẫn nơi
trên). Trong hội thảo ở Le Thor, một trong những sở
cứ cơ bản của triết học Heidegger là khái
niệm Vô (das Nichts), sợi chỉ đỏ xuyên suốt
tư tưởng của ông đã được
định nghĩa như “biểu thị (Kennzeichnung)
của Hữu”. Một triết gia lớn nhất
của Nhật, Nishida Kitarò đã phát biểu trước
đó vào năm 1939: Hữu tức vô, vô tức hữu.
Tanabe Hajime, Nishitani Keiji là những môn đệ của
Nishida Kitaro, nên người ta có thể ngờ rằng
Heidegger đã làm quen với tư tưởng của ông
chịu ảnh hưởng Thiền học (tác phẩm
chính của Nishida - Hỏi về điều Thiện
(Zen no kenkỳu) - đã xuất bản vào năm
1911). Trong tác phẩm này, khi luận về ý thức, Nishida
viết “hữu được coi như phát sinh từ
vô”.
Biến hóa tương liên giữa triết
học chịu ảnh hưởng Tây phương và
bắt nguồn từ Thiền học là sự gặp
gỡ giữa Đông và Tây trong tư tưởng Nishida.
Trong lời tựa tác phẩm từ Hành động
đến thị kiến (Hataraku moro kara miru, 1927),
ông viết:
“Không cần phải nói cũng
thấy là nhiều điều được đánh giá và
học hỏi từ sự phát triển của văn hóa
tây phương, coi hình tượng (eidos) là hiện hữu
và hình thành là thiện. Tuy nhiên ở cơ sở của
văn hóa Á châu đã nuôi dưỡng tiền nhân ta từ
bảy ngàn năm qua, có một điều có thể
gọi là nhìn hình tượng của cái vô hình và nghe âm thanh
của cái vô thanh…Tôi muốn đưa ra một cơ
sở triết lý cho yêu cầu này”.
Thông thường người ta có
định kiến là khoa siêu hình học không phát triển
ở Á đông. Nishida bác bỏ lối nhìn này khi ông
khẳng định là “dầu không có khoa siêu hình học rõ
rệt cũng không có nghĩa là không có tư tưởng
siêu hình. Khi một nền văn hóa đặc thù phát
triển tới mức độ nào đó thì có thể xét
bằng những từ siêu hình. Mỗi văn hóa có một
cái nhìn về đời sống. Ở cơ sở của
nhân sinh quan phải có một lọai tư tưởng siêu
hình, dầu không được nghĩ đến một
cách ý thức”. Khi đi sâu vào những đặc tính
của mỗi nền văn hóa, Nishida cũng nhìn ra sự
đối lập bổ xung. Chẳng hạn như Ý
tượng của Platon là hình, nhưng không có nghĩa là
hình trạng vật lý, theo nghĩa tri giác mà có một ý
nghĩa ngược lại, có thể gọi là đối
tượng của lý trí, như vậy có thể coi là vô
hình. Tư tưởng thiên chúa giáo thời trung cổ
như Augustin coi thực tại không là một ý
tượng mà là một nhân vị, thiên chúa là Nhân vị
tuyệt đối,vượt khả năng nhận
thức của con người, Thiên chúa là Deus absconditus. Xem
như vậy, nếu triết học hy lạp
được coi là một triết học về hữu
thì triết học thiên chúa giáo mang ý nghĩa của một
triết học về vô.
Kuki Shùzò, triết gia Nhật
được nhắc trong Trên đường
tới Ngôn ngữ của Heidegger đã từng
dự lớp của Husserl tại Freiburg vào năm 1927 và
Heidegger ở Marburg, với tác phẩm Triết học
Heidegger (Haideggà no tetsugaku) xuất bản năm 1933 có
thể coi như công trình đầu tiên viết về
tư tưởng Heidegger. Kuki trong thời gian dừng
lại Paris đã gặp một sinh viên trường Cao
đẳng Sư phạm và nói về hiện tượng
luận Đức cho người này, về sau trở
thành triết gia sáng tạo ra chủ nghĩa hiện sinh
Pháp, Jean Paul Sartre.
Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre
chỉ là một tư trào nổi lên sau năm 1945, bắt
nguồn từ hiện tượng luận Đức (mà
Kuki thực sự là một người Á đông
đầu tiên đã dẫn khởi cho Sartre trước
cả R. Aron và Levinas) và triết học hiện sinh
Đức với K. Jaspers và M. Heidegger. Khi Sartre đưa
ra tuyên ngôn: chủ nghĩa hiện sinh là một chủ
nghĩa nhân bản thì điều đó chỉ có nghĩa :
“con người không là gì ngòai điều con người
tự tạo” (l'homme n'est rien d'autre que ce qu'il se fait).
Ông coi đó là nguyên lý thứ nhất của chủ
nghĩa hiện sinh, có nghĩa là tính chủ thể. Chính
trong chiều hướng này, ông dẫn giải “hiện
hữu có trước yếu tính” và hiểu từ Dasein
của Heidegger là ”thực tại con người” (la réalité
humaine - H. Corbin là người dịch Heidegger đầu
tiên tại Pháp đã dùng từ này). Một quan niệm
về nhân bản như vậy đã không phản ảnh
đúng tư tưởng của Heidegger, nên Heidegger đã
phản bác trong Thư về chủ nghĩa nhân bản,
coi Sartre chỉ đảo ngược một diễn
từ siêu hình và thay thế bằng một diễn từ
khác. Thật vậy triết học hiện sinh với
Heidegger, Jaspers, G. Marcel và M.Merleau-Ponty có chung một số
vấn đề cơ bản như vấn đề thân
xác, nhập thể, tha nhân trong phản ứng vượt
lên trên triết học duy tâm kiểu Kant hay Descartes.
Chủ nghĩa chống nhân bản thực
sự là một tuyên ngôn của một tư trào triết
lý nổi lên chung quanh thập niên 60 dưới một hình
thái mới mệnh danh là cấu trúc luận, với
những tên tuổi tiêu biểu như Claude Lévi-Strauss,
Roland Barthes, Jacques Lacan, Michel Foucault và Louis Althusser trong những
lĩnh vực khác nhau. Từ ngữ cấu trúc (structure)
bắt nguồn từ tiếng La tinh struere có nghĩa là xây
dựng. Ngay trong Sein und Zeit, Heidegger đã dùng từ “cấu
trúc quan tâm”(Sorgestruktur) ở đó hiện thể là mục
tiêu của tư duy hữu thể, khi đặt
định vấn đề tìm hiểu yếu tính của
con người có liên hệ cấu trúc với chân lý
của Hữu. Có thể nói Heidegger là một trong bốn
nguồn suối tư tưởng (Marx, Nietzsche, Freud)
của tư trào chống nhân bản này. Michel Foucault trong
tác phẩm Những từ ngữ và sự vật (Les
mots et les choses) đã đặt vấn
đề “con người” chỉ xuất hiện trong tri
thức qua ba mặt: ngôn ngữ, đời sống và lao
động, nói khác đi chỉ là một phụ
tượng trong những khoa ngữ học, sinh học và
kinh tế học mới hình thành trong thế kỷ 19 và
đi đến câu hỏi: một khi những điều
kiện tri thức này thay đổi, lúc đó con
người cũng cáo chung. Trong những giòng kết tác
phẩm, M. Foucault viết “con người có thể
bị xóa bỏ giống như một khuôn mặt vẽ
trên cát bên bờ đại dương”. Jacques Lacan
cũng xác định trong phân tâm học khởi từ
Freud “cái trung tâm thực của con người giờ
đây không còn cùng chỗ như cả một truyền
thống nhân bản gán cho nó nữa”. Những quan
điểm tương tự có thể tìm thấy ở J.
Derrida, J.F. Lyotard hay Louis Althusser.
Luc Ferry và Alain Renaut trong Tư tưởng
68: Luận về chủ nghĩa chống nhân bản hiện
đại (La pensée 68: Essai sur l'anti-humanisme contemporain)
nhận định rằng triết học Pháp của giai
đoạn '68 kiên quyết chọn vị thế chống
nhân bản. Lời phê phán này không có gì quá đáng và còn áp
dụng chung cho hòan cảnh một thế giới ở vào
giai đọan phân hóa cùng cực: Chiến tranh Lạnh
vẫn ở cao điểm, cuộc chiến Việt nam,
cuộc chiến Algérie, cao trào sinh viên tại nhiều
nơi trên thế giới, ảnh hưởng của Lý
luận phê phán (từ những triết gia di dân từ
Đức qua Mỹ trong thời Quốc xã như Max
Horkheimer, Theodor Adorno và nhất là Herbert Marcuse với tác
phẩm Con người một chiều kích/One dimensional
Man nhằm phê phán kỹ thuật giảm thăng áp
chế của những xã hội công nghiệp trong thời
đại kỹ học cùng với hệ tư
tưởng thống trị của những nước
phát triển cao cấp nhằm nô dịch mọi công dân;
quan điểm này thích ứng với nhu cầu sinh viên
trong giai đọan này), sự tấn công bằng bạo
lực xe tăng của Liên xô vào những nước trong
quỹ đạo đang khao khát độc lập dân
chủ.
Triết học trong thời kỳ này là
triết học khái niệm thay thế cho triết học
ý thức để có thể đi tới một học
thuyết về khoa học, như Cavaillès tiên đóan
trước đó và Deleuze-Guattari sau Nietzsche khẳng
định nhiệm vụ của triết học là sáng
tạo những khái niệm mới.
Lý luận về một vị thế phi
chủ thể phản ảnh trong triết học và
văn chương rõ rệt: sự xuất hiện
của phong trào Tiểu thuyết mới (Nouveau Roman) ở
Pháp ngay từ thập niên 60, phong trào Tiểu thuyết
thực nghiệm (Experimental Novels), Phá thể tiểu
thuyết ở Mỹ, luận điểm cái chết
của tác giả trong phê bình văn học nơi những
nhà phê bình mới như R. Barthes, M. Foucault, Gérard Genette
(viết là ẩn dấu, là đeo mặt nạ),
thuyết hủy tạo (Deconstruction) của Derrida xâm
nhập văn học Mỹ, thuyết quá trình phi chủ
thể của L. Althusser nhằm lý giải quan điểm
khoa học của Marx đối nghịch với ý
thức hệ khi đề ra khái niệm về
phương thức sản xuất trong lịch sử.
Một nét đặc thù của thế
kỷ hai mươi là phê bình luận văn chương
trở thành một khoa học - nhà phê bình phải trang
bị những kiến thức triết học và ngữ
học. Cuộc cách mạng Nga 1917 đã dẫn khởi hai
nguồn phê bình luận văn chương quan trọng:
chủ nghĩa Hình thái với Shklovsky, Eikhenbaum, Tomashevsky,
Tynjanov và Mikhail Bakhtin tuy cả hai lý luận này bị áp
chế ngay tại đất nước của nó và
chỉ phát triển vào nửa thế kỷ sau tại Tây
Aâu cùng với sự xuất hiện cấu trúc luận.
Đóng góp chủ yếu của cấu trúc luận là khai
mở những dấu chỉ, trong vận động
văn chương có thể tóm trong một nhận
định của nhóm Tel Quel Pháp: Phân tích đến
tận cùng, chúng ta không là gì hết ngòai hệ thống
viết/đọc của chúng ta (Nous ne sommes rien d'autre,
en dernìere analyse, que notre système écriture/lecture).
Chủ nghĩa Mác trong thế kỷ
chứng thực sự thất bại về mặt lý
luận qua những bế tắc của Lukács, Althusser và
những người một thời tham gia đã từ
bỏ như Bourdieu, Baudrillard, J.F. Lyotard, về mặt
thực tiễn khởi từ sự sụp đổ
bức tường Berlin vào năm 1989 đánh dấu
sự sụp đổ tòan diện chủ nghĩa xã
hội.
Chủ nghĩa thực chứng luận lý
xuất phát từ trường phái Vienne vào nửa
đầu thế kỷ với tham vọng xây dựng
một khoa học thuần nhất (Einheitwissenschaft) đã
thất bại trong tham vọng lý giải khoa học thay
cho khoa học. Mặt khác chủ nghĩa thực dụng
khởi từ công trình ngữ học của Peirce,
Wittgenstein, triết học về ngôn ngữ thông tục, lý
luận ngôn tác (speech act) của John Austin, Searle, Dieter
Wunderlich, Utz Maas, lý luận văn bản (texttheorie) của
S.J. Schmidt, đến những tranh luận thực
chứng trong những công trình của H. Albert, Karl-Otto Apel, Jürgen
Habermas, Richard Rorty, Richard Bernstein trong quan niệm thực
tại không những được xây dựng về
mặt xã tính mà còn về mặt ngữ tính, trong khi đi
khai phá cấu trúc của ngôn ngữ, tác động và thông
giao cũng không ra khỏi những bế tắc của
cấu trúc luận. Chỉ có sự khác biệt, đó là
nỗ lực trở về chủ thể, như Apel quan
niệm “làm mới câu hỏi của Kant về những
điều kiện của khả năng và tính giá trị
của kiến thức khoa học như là một câu
hỏi liên quan đến khả năng của một
đồng thuận liên chủ thể về ý nghĩa và
chân lý của những câu hay hệ thống những câu”.
Trong chiều hướng đi tìm một
kiểu mẫu mới (new paradigm) vào những thập niên cuối-thế-kỷ
này, những dự phóng của Michel Serres (liên kết
văn chương với những kỹ học mới
như thông tin học), Jean Baudrillard (những hệ quả
biến đổi của những hình thái vật chất
và tượng trưng trong khoa học kỹ thuật
hiện đại), Bruno Latour (Nghị hội của
sự vật: Nếu chúng ta không biến đổi chung
cư, chúng ta sẽ không hội nhập những văn hóa
khác mà chúng ta không còn thống trị nữa vào trong nó, và
chúng ta cũng sẽ mãi mãi không thể thích nghi môi sinh mà
chúng ta không còn kiểm sóat được nữa. Không
phải Thiên nhiên hay Tha nhân trở thành hiện đại
mà chính là tùy vào chúng ta có biến đổi đường
lối biến đổi của chúng ta.)
Quan điểm này có thể là mối ưu
tư của nhiều người trong thời quá
độ sang một thiên niên kỷ mới, khi vấn
đề cáo chung của triết học hay văn
chương không hẳn như cáo chung của lịch
sử, hoặc phục hưng của một thời
đại Ánh Sáng ở cuối đường hầm
của nền văn minh khoa học kỹ thuật hậu
hiện đại ?
2/ những
bước ngoặt ở cuối-thế-kỷ
Từ thập niên 60
của thế kỷ 20, phong trào tư tưởng cấu
trúc luận bùng xuất mạnh mẽ, tạo một
chấn động lớn trong việc xét lại mọi
mặt, từ cơ sở, phương pháp đến
vị thế khoa học, xét lại ý nghĩa của
lịch sử và biện chứng pháp, ý thức và vô
thức, con người và chống con người (như
trong khoa học tự nhiên, vật chất và phản
vật chất) - điều quan trọng nhất là
phải chăng triết học cáo chung, nhường
chỗ cho những khoa học nhân văn?
Tại sao vậy?
Thử xét những tư trào cấu trúc luận ở hai
vùng khác biệt, như Pháp và Anh/Mỹ: ở Pháp những
đại biểu chính của cấu trúc luận như R.
Jakobson là một nhà ngữ học, C. Lévi-Strauss là một nhà
nhân loại học, M. Foucault là một triết gia
chuyển biến tri thức luận, J. Lacan là một nhà
phân tâm học, R. Barthes là một nhà phê bình văn học;
ở Anh/Mỹ, E. Leach là một nhà nhân loại học
(chịu ảnh hưởng Lévi-Strauss, ví như Ernest Jones
đối với Freud), sự phát triển cấu trúc
luận bắt nguồn từ tổng hợp những lãnh
vực đa biệt, từ dân tộc học/folklore (du
nhập từ lý luận của nhà nghiên cứu
người Nga Troubetzkoy), bác ngữ học/philology
Đức và triết lý phân tích, học thuyết Charles
Sanders Peirce, Lewis H. Morgan, ngữ học với Zellig Harris và
Noam Chomsky. Xét trên bình diện quốc tế, vị thế
của Lévi-Strauss, Foucault, Barthes có tầm ảnh
hưởng rộng lớn đến độ nói
đến cấu trúc luận không thể vượt qua
những nhân vật này, bất kể ranh giới
địa chí. Có thể nói, những biến động
lịch sử từ áp lực bạo chế phát-xít
tạo một cơ hội di chuyển chất xám sang vùng
đất mở rộng đón làn sóng trí thức lưu
đày là đất Mỹ đã dậy lên tinh thần siêu
quốc khởi từ trước và sau Thế chiến
Hai. Morgan (1818-1881) và Peirce (1839-1914) thật ra là những nhà
tư tưởng của thế kỷ 19, song khái niệm về
quan hệ hỗ tương trong hệ thống liên hệ
thân tộc của Morgan và khái niệm cấu trúc là cái mà
sự vật phụ thuộc hơn là sở hữu là
những khái niệm cấu trúc luận lấy lại trong
thời đại mới này. Về mặt cấu trúc
ngữ học Mỹ cũng phân biệt với
trường phái Pháp ở chỗ nghirên cứu cấu trúc
dựa trên những ngôn ngữ đặc thù thay vì phổ
quát. Những công trình nhân loại học, ngữ học
của Victor Turner, Harold Scheffler và Floyd Lounsbury, Clifford Geertz,
Kenneth Pike, J. Culler, René Girard đánh dấu đa hiệu
thay vì phụ thuộc vào một phong trào.
Sự khác biệt
về mặt triết học giữa cấu trúc luận
và hiện tượng luận rõ rệt ở chỗ,
cấu trúc luận chú trọng đến những quan hệ
hơn là yếu tố, đến cấu trúc hơn là là
bản thể, đến cơ sở ngoại tại
hơn là nội tại, giải thích/erklären hơn là lý
hội/aufklären tuy nhiên không phải giải thích sự
kiện mà là giải thích tại sao sự kiện có ý
nghĩa. François Wahl trong dẫn nhập tác phẩm tập
thể về cấu trúc luận xác định: nếu
danh xưng cấu trúc luận đáp ứng điều gì,
chính là một cách thế mới đặt để và
khai thác những vấn đề trong những khoa học
khảo ký hiệu: một cách thế khởi đầu
với ngữ học Saussure.
Khi luận về làm
thế nào nhận biết cấu trúc luận, Gilles Deleuze
xác định không chỉ riêng Saussure, mà cả
trường phái Moskva và Pra-ha cũng là nguồn của
cấu trúc luận. Theo ông, cái biểu tượng cùng
với cái thực và cái tri tuởng là tiêu chuẩn khai phá
cấu trúc luận; biểu tượng là một nhân
tố của cấu trúc. Tương phản với
triết học phi lý, chủ yếu thiếu ý nghĩa,
cấu trúc luận chỉ ra quá thừa ý nghĩa, siêu
sản xuất, siêu xác định ý nghĩa luôn luôn sản
xuất quá thừa qua sự phối hợp những
chỗ trong cấu trúc. Những nhân tố biểu
tượng hay những thống nhất vị thế
dựa vào cái gì? Lévi-Strauss chỉ ra “vị thế” trong
nghĩa cấu trúc, tức là trong một không gian thực
sự cấu trúc/tọa hình học. Những nhà tư
tưởng khác như Foucault khi xác định những
tất định như chết, dục vọng, lao
động cũng coi theo vị thế, trong trật
tự của cấu trúc, Althusser khi xác định cấu
trúc kinh tế coi chủ thể thực trước
hết ở trong một không gian tọa hình xác định
bởi những quan hệ sản xuất (đó là lý do ông
quan niệm có một “quá trình phi chủ thể” trong
chủ nghĩa Mác).
Nói chung, những nhà
cấu trúc luận gặp nhau ở chỗ xét mọi
sự trên bình diện những quan hệ, dầu là
dưới dạng những dãy (hiểu theo nghĩa toán
học), hay cấu trúc đơn giản nhất, hoặc
khu biệt (hiểu theo nghĩa tích phân trong toán học).
Tác phẩm Phê phán
lý trí biện chứng của Sartre xuất hiện vào
1960 (sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu) đã là cung
đàn lạc điệu trong thế giới cấu trúc,
ngoài hai mục đích: một, để định
vị chủ nghĩa hiện sinh như một giai
đoạn cá thể nằm trong tổng thể là chủ
nghĩa Mác (ông đưa ra ba thời kỳ sáng tạo
triết học, thời của Descartes và Locke, thời
của Kant và Hegel, sau cùng là thời của Marx, và xác
quyết những triết học sau Marx, chống Marx hay
vượt Marx chỉ là trở lại thời tiền
Marx - cho nên để hợp lý, chủ nghĩa hiện sinh
của ông nằm trong chủ nghĩa Marx), hai, để
thanh toán với những ràng buộc kế thừa tư
tưởng là Kierkegaard (khi vay mượn ngôn ngữ ký
hiệu học hiện đại trong so sánh quan hệ
ngữ ý/ngữ thái nơi Kierkegaard và Hegel) và Jaspers (khi còn
là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, Sartre
và mấy người bạn như Nizan toan tính dịch
bộ Allgemeine Psychopathologie/Tâm bệnh học tổng
quát của Jaspers đánh dấu bước đầu
vào tư tưởng hiện sinh của Sartre). Chủ ý
của Sartre khi nêu ra: “người Đan mạch
[để chỉ Kierkegaard - ĐPQ] tái xuất hiện vào
đầu thế kỷ XX, khi người ta [để
chỉ tư tưởng tư sản - ĐPQ] tính kích bác
biện chứng pháp mác-xít qua việc chống lại nó
bằng những chủ nghĩa đa nguyên, những hàm
hồ, những nghịch lý nghĩa là vào thời
điểm tư tưởng tư sản lần
đầu tiên thu giản vào phòng vệ. Sựï xuất
hiện một chủ nghĩa hiện sinh đức,
giữa hai cuộc chiến, chắc chắn tương
ứng, ít ra là nơi Jaspers, với một ý chí âm
hiểm/sournoise volonté là làm trỗi dậy cái siêu việt”.
(Để không tự mâu thuẫn trong hành trạng tư
tưởng của mình, Sartre tránh không phê phán người
thày khi viết: trường hợp Heidegger phức tạp
nên không thể trình bày ở đây được). Aûnh
hưởng của cấu trúc luận vào thập niên 60
này, như chính Sartre phải vay mượn, mạnh
đến nỗi Sartre phản bác bằng luận
điệu của một cán bộ chính trị khi cho rằng
cấu trúc luận nhằm cấu thành một hệ tư
tưởng mới, be bờ sau cùng mà giai cấp tư
sản còn có thể dựng lên chống lại Marx (trong
tạp chí L'Arc số 30, 1966 phần Jean-Paul
Sartre répond).
Sartre nói đến
lịch sử khi phê phán Foucault, đó cũng là nhan
đề bài viết về quan hệ lịch sử và
biện chứng của Claude Lévi-Strauss trong chương IX
tác phẩm La pensée sauvage, 1962 để phản
bác Sartre. Ông dẫn ra cái lúng túng của Sartre về hai quan
niệm của lý trí biện chứng: khi thì Sartre
đối lập lý phân tích với lý biện chứng
như giữa giả và chân, khi thì cho hai lý này có vẻ
bổ túc cho nhau như hai con đường khác biệt
dẫn đến cùng những chân lý, mà tác phẩm mệnh
danh Phê phán lý trí biện chứng là kết quả của
thao tác bởi chính tác giả trong lý phân tích của ông khi
định nghĩa, phân biệt, xếp loại và
đối nghịch. Lévi-Strausse hỏi: làm thế nào lý phân
tích có thể áp dụng vào lý biện chứng và nhằm xây
dựng nó, nếu cả hai lý được xác
định bởi những đặc tính loại trừ
lẫn nhau? Ngược lại, nếu rốt cuộc cả
hai lý dẫn đến cùng những kết quả, và
những chân lý của chúng nhập vào một chân lý duy
nhất, thì dựa vào cái gì để đối lập
chúng, và nhất là cho rằng cái này ưu việt hơn cái
kia? Trong trường hợp thứ nhất, công việc
của Sartre tỏ ra mâu thuẫn, ở trường
hợp thứ hai tỏ ra hời hợt.
Những người
tham gia vào cuộc tranh luận này như Jean Pouillon và Raymond
Aron đưa ra những nhận xét: Theo Pouillon, cả hai
nhà tư tưởng khởi từ cùng kinh nghiệm
hiện sinh, nói rõ hơn là thiết lập thông giao giữa
mọi xã hội, đặc biệt là giữa những xã
hội thường gọi là nguyên thủy và xã hội công
nghệ, phát triển của chúng ta; từ kinh nghiệm
chung này, Lévi-Strauss nghĩ về sự đa biệt
của các xã hội trên cùng một mức độ
bằng nhau như thể mọi biến thiên cùng loại,
trong khi Sartre nghĩ về chuyển biến của Nhân
loại thông qua nhận thức hỗ tương những
tổng thể xã hội của mỗi nhóm cho đến
khi đạt tới một Chân lý toàn diện. Theo Aron,
điểm hội tụ giữa Lévi-Strauss và Sartre ở
chỗ họ nhìn nhận dây liên lạc giữa cấu trúc
của đối tượng và phương pháp hay
bản tính của nhận thức: một đằng
ở Sartre, ý thức bao gồm thực tiễn vì
đối tượng biểu hiện cùng một cấu
trúc biện chứng như chủ thể, không thể lý
hội được biện chứng của thực
tại nếu như thực tại không có tính biện
chứng; một đằng ở Lévi-Strauss, những
cấu trúc của những sự kiện nhân chủng
học như trao đổi vợ, hay đối lập
nhị thứccủa huyền thoại tái sinh sản ra
cấu trúc của thực tại xã hội hay tinh thần
con người. Cả hai nhà tư tưởng đều
cùng hướng là đi tìm cái toàn thể hay tổng
thể hóa, cái toàn thể hệ thống những
đối lập nơi Lévi-Strauss hay cái tổng thể hóa
của thực tiễn trong mỗi kinh nghiệm sống cá
thể cũng như của xã hội chung nơi Sartre.
Sự khác biệt
thực ra vẫn ở vấn đề triết lý về
mặt hữu thể học, đó là ý thức cá thể
hay thực tiễn cá thể nơi Sartre là thực tại
chủ yếu, có trước, cho nên mọi nhận
thức phải trở về kinh nghiệm sống này
cấu thành lý trí, còn nơi Lévi-Strauss phân tích cấu trúc là
phương thức nhận thức khoa học chính,
nghĩa là những hệ thống nhị thức
đối lập có trước, là những quy luật cho
mọi chức năng xã hội.
Ở vào nửa sau
thế kỷ XX có một hiện tượng chưa
từng nhận thấy trong lịch sử tư
tưởng về trước, đó là những chủ
nghĩa hậu/post- với hậu hiện đại
luận, hậu cấu trúc luận, hậu siêu hình học,
hậu phân tích, hậu công nghiệp, hậu thực dân,
hậu cộng sản v.v.. (không nghe nói đến hậu
hiện tượng luận, hậu hiện sinh, hậu
siêu thực v.v..?). Tại sao vậy? Có những khúc quanh
tư tưởng, từ khúc quanh ngữ học/linguistic
turn đến khúc quanh hủy tạo/deconstructive turn
đánh dấu những chuyển biến quan trọng trong
thời đại này. Thực ra khái niệm khúc quanh/Kehre
là một dấu chỉ trong hành trạng của mỗi nhà
tư tưởng, của mỗi tư trào: như
trường hợp Heidegger I và II (khái niệm thủ
đắc/Ereignis, để phân chia giai đoạn
thực hiện một quyển sách Aristote/Aristotlesbuch,
hay từ hiện tượng luận sang thông diễn
luận, hay từ Sein und Zeit đến Zeit und Sein?),
như trường hợp triết học phân tích, theo
Michael Dummett khai sinh từ khi có khúc quanh ngữ học (Frege
là người tiền bối của triết học phân
tích, khi chỉ ra sự khác biệt giữa ý nghĩa và tham
chiếu), như trường hợp Michel Foucault quá
độ từ cấu trúc luận qua hậu cấu trúc
luận (Peter Tepe trong Postmoderne/Poststrukturalismus, 1992
phân chia ba giai đoạn Foucault 1, Foucault 2 và Foucault 3,
sớm nhất là từ Les mots et les choses đến L'archéologie
du savoir, giai đoạn giữa từ Surveiller et
punir đến La volonté de savoir (Histoire de la sexualité
I) và giai đoạn sau cùng là dự án 2 trở đi
của bộ lịch sử tính dục).
Cấu trúc luận
với Lévi-Strauss và Lacan đã loại bỏ hay đóng
triết học lại, trong khi diễn ngôn của Foucault
hay Derrida mở ra những vấn đề như đồng
thể/tha thể, nhất thể/phức thể, chủ
thể/khách thể, vơi/đầy v.v… Nếu Saussure là
khuôn mẫu cho cấu trúc luận, thì Nietzsche trở
lại trong những tác phẩm của Foucault (ảnh
hưởng sâu sắc của phân tích quyền
lực/Macht-Analytik), Deleuze và Derrida. Bốn khuôn mặt chính
hậu cấu trúc thường được nói
đến là Lyotard. Derrida, Deleuze, Foucault, tuy nhiên khác
biệt cũng sâu sắc. Lyotard và Derrida khởi cuộc
hành trình từ hiện tượng luận, trong khi Deleuze và
Foucault chống hiện tượng luận, có thể nói
họ khởi đi từ duy nghiệm luận.
Hậu cấu trúc
luận xét lại những sai sót của cấu trúc
luận qua những giả định mới, cũng
như phê phán Saussure và Lévi-Strauss. Chẳng hạn tham
luận Cấu trúc, dấu chỉ và phép chơi
trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn Derrida
viết cho Hội thảo quốc tế của
đại học John Hopkins vào tháng Mười năm 1966,
khi nhận xét cấu trúc luận mệnh danh phê phán duy
nghiệm luận “song cùng lúc, không một quyển sách hay
một nghiên cứu nào của Lévi-Strauss không tỏ ra là
một tiểu luận duy nghiệm mà những thông tin khác
luôn có thể bổ xuyết hay bài xích”.
Những khuôn mặt
lớn của cấu trúc luận như Barthes, Lévi-Strauss,
Althusser xuất thân là những người mác-xít, cho nên
luận cứ dẫn trên của Sartre vô căn cứ, và
một nhà hậu cấu trúc như Foucault vào năm 1968 trên
La Quinzaine littéraire đã phản bác; tôi đã ở
trong đảng cộng sản Pháp một thời gian vài
tháng…và vào lúc đó Sartre đối với chúng tôi
được xác định như thành lũy cuối
cùng của chủ nghĩa đế quốc tư sản…
cho nên thật ngạc nhiên thích thú là thấy câu này ngày nay
lại thấy từ ngòi bút của Sartre mười
lăm năm sau. Tình huống này sau giai đoạn 1968
chỉ để muốn nói đến sự thất
bại của cấu trúc luận đã dẫn đến
khúc quanh tư tưởng, vào lúc hệ tư tưởng
mác-xít rơi vào chỗ bế tắc, đảng CS Pháp trì
nõa trước biến động lịch sử, sự
ra đời của một dòng ý thức hệ mệnh
danh là “tân triết học” với Bernard-Henri Lévy, André
Glucksmann, Jean-Marie Benoist, Jean-Paul Dollé, Michel Guérin, Christian
Jambet, Guy Lardreau v.v… chịu ảnh hưởng sâu xa
hậu cấu trúc luận trong phê phán Marx của Foucault hay
Lyotard.
2/ những
bước ngoặt ở cuối-thế-kỷ (tiếp theo)
Như đã nói
nơi trên, vận động tư tưởng ở
nửa cuối thế kỷ 20 đánh dấu qua những
bước ngoặt:
a. trước
hết là bước ngoặt ngữ học chỉ ra
những vấn nạn triết học là những vấn
đề về ngôn ngữ; nói như vậy có nghĩa là
người ta không đi tìm ở những triết gia
như Descartes, Kant hay Hegel với những tranh luận không
ngừng về cùng những vấn đề mà phát
hiện ra ở một truyền thống khác mệnh danh
là “truyền thống
Hamann-Herder-Humboldt” (như lối nói của Charles Taylor, nhà
triết học Gia nã đại trong vùng triết học
Anh-Mỹ). Truyền thống này được tiếp thu
và khai triển sâu xa ở giai đoạn II trong hành
trạng tư tưởng Heidegger, mở đầu
một định hướng tư tưởng vào
thời kỳ này là thông diễn luận nơi Gadamer
với Chân lý và Phương pháp/Wahrheit und Methode,
xuất bản năm 1960, cùng thời điểm với
cao trào cấu trúc luận.
b. bước
ngoặt ngữ học trong vùng triết học Anh-Mỹ
khởi từ một truyền thống khác, từ hai
nguồn thực chứng luận lý học Áo và duy
nghiệm luận Locke, Hume. Sự khác biệt giữa hai
định hướng ngữ học, một đi vào
khoa học văn chương, một đi vào khoa học
thực nghiệm.
Gustav Bergmann là nhà
triết học đầu tiên đã sử dụng từ
ngữ “bước ngoặt ngữ học” trong ý nghĩa:
mọi triết gia ngữ học nói về thế giới
qua những phương tiện nói về một ngôn
ngữ thích hợp, đó là bước ngoặt ngữ
học, bước đầu cơ bản như đối
với phươg pháp, dựa vào ngôn ngữ thông
thường và lý tưởng nào mà các triết gia
đồng thuận; ông kể ra ba lý do: một là những
từ được dùng hoặc thông thường
hoặc có tính triết lý, hai là phần đông nghịch lý,
phi lý, tối nghĩa của triết học tiền
ngữ học bắt nguồn từ chỗ không phân biệt
giữa việc nói và nói về việc nói, ba là cách chính
đáng nói về những sự việc mà ngôn ngữ có
thể là nói về cú pháp và lý giải ngôn ngữ. Wittgenstein
chủ trương đưa từ ngữ từ siêu hình
học về lại theo cách sử dụng hàng ngày. Tranh
luận gữa triết học của ngôn ngữ lý
tưởng với triết học của ngôn ngữ hàng
ngày trong triết học Anh-Mỹ khởi sự từ góc
nhìn này.
c. bước
ngoặt hủy tạo khởi từ tranh luận giữa
triết học và văn chương, trên cơ sở tu
từ đã bắt nguồn từ định kiến lâu
đời, thường gán cho Platon trong quan niệm triết
học đắc thủ những chân lý mà văn
chương làm ẩn khuất vì ngôn ngữ và hư
cấu, hủy tạo chính là phản ứng văn
chương về tính chính xác triết lý của nó.
Do sự phát triển
phương pháp hủy tạo trong nghiên cứu phê bình
văn học, nhiều nhà triết học thực
nghiệm và phân tích xem những tác phẩm của Derrida
như chỉ luận về những vấn đề
ngoài phạm vi triết học. Song chính tranh cãi về
triết học ngôn ngữ sau Saussure xác định vị
trí hủy tạo trong chiều hướng hậu cấu
trúc luận.
Bức tranh toàn
cảnh sinh hoạt triết học ở nửa sau
thế kỷ 20 bày ra theo lối nói của Foucault như
một khán trường triết học/Theatrum
Philosophicum: những đặc tính của thời
đại này không thấy ở những giai đoạn
về trước như lối viết hợp
đồng của hai hay nhiều tác giả (chẳng
hạn Deleuze và Guattari, Lacoue-Labarthe và Nancy, Renaut và Ferry
v.v..), những công trình nghiên cứu chuyên sâu của tác
giả xuất xứ từ phương Tây về
triết học phương Đông hay ngược
lại, mở ra những viễn cảnh mới
(người ta có thể thấy một Trang tử,
Khổng tử, Vương Phu Chi, Karl Marx như một
người đồng thời), ảnh hưởng
của triết học, lý luận Pháp/French theory (như lối
gọi của người Mỹ) vào khoa học văn
chương (bành trướng và biến đổi sinh
hoạt trí thức Mỹ châu, chẳng hạn).
Lý giải lẫn nhau
là một đặc sắc của tri thức hậu
cấu trúc, nói lên trao đổi thông giao hiếm có trong sinh
hoạt triết học. Tôi muốn nói đến tranh biện
thân hữu, như những nhà triết học vào thời
kỳ này viết về nhau, giữa Foucault (1926-1984) và
Deleuze (1925-1995).
Michel Foucault đã
viết Theatrum Philosophicum trên tạp chí phê bình Critique
năm 1970 thảo luận về hai tác phẩm chủ
đạo của chính tư tưởng Deleuze vừa
mới xuất hiện vào năm 1969 Différence et
répétition/Khu biệt và diễn tập và Logique du
sens/Luận lý của giác. Lời mở đầu
của Foucault là một ca ngợi dự báo người
bạn triết lý của mình: một ngày kia, thế kỷ
này có lẽ sẽ là của Deleuze/un jour ce siècle sera peut-être
deleuzien. Tất nhiên, ta không nên coi câu nói này là xưng
tụng lẫn nhau, vì chính Deleuze xác định nhận xét
của người bạn là một lời nói đùa, có nghĩa
là làm cho những người nào thích họ có dịp
cười thích thú và làm cho những người khác
giận bầm gan tím mật. Triết học, với
những người theo Nietzsche, không nên coi nghiêm trọng.
Tám năm sau, Foucault nhắc lại điều đó không
ngăn trở việc nhìn nhận Deleuze là một triết
gia quan trọng.
Những lý giải
của Foucault trong bài viết chỉ ra bước
ngoặt ngôn ngữ trên hành trạng tư tưởng
diễn ra nơi triết học, không phải tư
tưởng, mà trên khán trường của Deleuze, hay
của Foucault: một khán trường của kịch
điệu bộ với những cảnh tự phát, phù
du, phức hợp trong đó những biểu hiện
cử chỉ mù lòa báo hiệu lẫn nhau.
Triết học
như một sân khấu thì đầy cảnh
tượng hoạt náo, như Foucault mô tả ở đó
tiếng cười nổ ra từ những nhà quiû
biện xé toạc mặt nạ của Socrate, những
phương pháp của Spinoza dẫn về một
điệu nhẩy man dã trong vòng tâm lệch trong khi bản
thể xoay quanh nó như một hành tinh điên rồ,
một Fichte khập khiễng công bố “cái Tôi rạn
nứt ? cái ngã phân hủy”, một Leibniz đã leo tới
đỉnh kim tự tháp, có thể nhìn xuyên suốt màn
đêm thấy nhạc trời thực sự là một
bản ca chu trình của Schoenberg gọi tên Pierrot lunaire,
một Duns Scotus thò đầu qua vòm cửa sổ trong chòi
gác Công viên Lục xâm bảo, để ria mép đầy
ấn tượng, vốn thuộc về Nietzsche (chân dung
Nietzsche luôn luôn họa một người có bộ ria
xồm), hóa trang như thể Klossowski.
Bút pháp triết học
từ Deleuze hay Derrida đã biến đổi truyền
thống nghị luận, như Logique du sens, 1969
của Deleuze, hay Glas, 1974 của Derrida (sẽ nói
đến ở sau). Cho nên Foucault ví Logique du sens có
thểø đọc như một quyển sách lạ
lẫm nhất có thể tưởng được so
với Phénoménologie de la perception, 1945 của Merleau-Ponty.
Trong tác phẩm của Merleau-Ponty, cơ chế thân thể
ràng buộc với thế giới qua một mạng
lưới những ý nghĩa cơ bản, phát sinh từ
tri giác sự vật, trong khi theo Deleuze, những ảo
tượng hình thành mặt bằng những cơ thể
không thể xuyên thủng và vô thể. Tác phẩm của
Deleuze là một khảo luận siêu hình, không hiểu theo
nghĩa siêu hình học lãng quên hữu thể, nhưng nói
về ngoại hữu, diễn ngôn về những sự
vật vô thể, như ảo tượng, ngẫu
tượng, giả tượng.
Logique du sens viết dưới dạng
(toán học) ba mươi bốn chuỗi/cấp số nói
về những nghịch lý, về chuyển biến
thuần túy, khởi từ phạm trù sự biến (như
Deleuze xác định khai phá bản tính của sự
biến trong mọi sách của ông), những nghịch lý
nơi Lacan, Lévi-Strauss, và tìm ra từ tiểu thuyết Alice
và Through the Looking-Glass của Lewis Carroll, nghịch lý
là khẳng định cùng lúc hai nghĩa, hai chiều
hướng. Deleuze gọi quyển sách này của ông là
một thử nghiệm tiểu thuyết luận lý và phân
tâm học.
Sự biến và
ảo tượng, những vấn đề mà theo Deleuze
và Foucault triết học đã xao nhãng từ nhiều
thế kỷ, chính là đối tượng trong cuộc
thử nghiệm của Deleuze. Cũng như Heidegger, và trước
đó là Nietzsche, với Deleuze và Foucault, triết học
đến kỳ cùng đều toan tính quay lại hay
lật nhào chủ nghĩa Platon, vì như Heidegger có nói rõ
siêu hình học (phương tây) từ đầu
đến cuối là chủ nghĩa Platon. Lật
ngược chủ nghĩa Platon, hay chống-Platon, có
phải là khởi đầu với Aristote, hay với
những Quỉ biện gia, hay với những nhà Khắc
kỷ? Khoa ảo tượng luận Platon có phải
nhằm phân biệt cái giả/vờ vịt với cái công
chính/không pha trộn, không phải từ phát hiện
luật chân giả nhưng tìm một khuôn mẫu sao cho
với hiện diện của nó, cái phù phiếm giả
tạo chỉ còn là vô hiện hữu. Deleuze không tìm cái
độc đáo trong sự đối lập giữa
bản chất và ảo hiện nơi Platon, hay một
thế giới cao hơn trần gian này, như mặt
trời chân lý với bóng tối hang động, mà ở
vận động trước khi phát hiện bản
chất, vì nó đòi hỏi thế giới của bản
chất trong sự phân rời những ảo giả
với muôn vàn những ảo hiện. Cho nên không phải
lật nhào chủ nghĩa Platon bằng cách dựng lại
quyền của những ảo hiện, phú cho chúng ý
nghĩa và củng cố chúng, hay đưa chúng xích gần
lại với những hình thái cơ bản: thật vô
dụng, vì chúng chẳng thể vươn lên đứng
thẳng, hay trở thành Lý niệm không bao giờ thủ
đắc. Chúng ta chỉ có một quần tụ giả
nhái và kêu vang ầm ĩ trước cửa. Chỉ có
sự biến, nhận chìm ảo hiện và phá hủy hôn
ước với bản chất, vô thể phát tán tỷ
trọng vật chất, một cố chấp phi thời
gian phả hủy cái vòng bắt chước vĩnh
cửu, một dị dạng khó xuyên thủng tự
tước đoạt cái lây lan của chính bằng qua
thuần khiết, cái giống thực sự của ngẫu
tượng củng cố tính giả của ảo
hiện giả. Nhà quỉ biện chồi lên, thách
đố Socrate chứng tỏ y không là người soán
đoạt phi pháp. Lũng đoạn Platon là đứng
về phía những người quỉ biện khinh
thị, những người khuyển sĩ thô bạo,
những người khắc kỷ lý sự, những
người khoái lạc viễn quan lãng đãng. Deleuze
bướcvào lịch sử triết học, viết
về những triết gia cho chính triết học của
mình. Ông không chỉ viết những tiểu lục về
Hume, Bergson, Spinoza, Kant, Nietzsche mà còn khai phá tự Epicure,
khắc kỷ, Zénon, Lucrèce, Chrysippus, và đọc Diogène Laërce,
Lewis Carroll, Nietzsche, Proust.
Đọc Nietzsche
để khai thác phương pháp đạt tới
một điểm sâu hiểm ở đó cùng một
sự vật là dật sự của đời và cách ngôn
tư tưởng; đọc Diogène Laërce trong những trang
hay nhất như thể ông linh cảm phương pháp này
trong những cách ngôn sinh động cũng là những
dật sử của tư tưởng - hành tích triết
gia; ở Marcel Proust dự tưởng triết học
cấu thành phương pháp từ một điểm nhìn
nhất định, đi tìm chân lý có thể dễ
nhất và tự nhiên nhất, chỉ cần quyết
định vượt lên những ảnh hưởng bên
ngoài làm tinh thần sao lãng khỏi thiên chức khiến
lấy giả làm thực; đọc Lewis Carroll theo
bước vận hành của nhà quỉ biện và biện
sĩ lấy hoạt kê như một vũ khí triết lý
chống lại phản chứng Socrate, với nhà khắc
kỷ hoạt kê như một biện chứng, mà ông
lấy đó thực hành trong tác phẩm của mình
những sự biến trong khu biệt với những
hữu và sự vật. Tái phát kiến khắc kỷ,
như tôi đề cập trong Chân dung triết gia, 1973,
hướng đi mới của tư tưởng mang ý
nghĩa: không có chiều sâu, cũng chẳng có chiều cao;
Deleuze nói về ba hình tượng triết gia, Apllon trên cao,
Dionysos dưới vực và Hercule tọa thị trên
mặt đất liền. Sự nghiệp của
Hercule/nhân vật khắc kỷ là sự nghiệp ở
đời.
Trong lời Tựa
tập Différence et répétition, Deleuze xác định
lịch sử triết học chính là tái sinh triết
học; trong lịch sử triết học tường
trình hành động như một phó bản thực sự
và đem theo biến đổi tối đa riêng cho phó
bản (cứ tưởng tượng một Hegel râu
xồm về mặt triết lý, một Marx
nhẵn nhụi về mặt triết lý chẳng khác
nào như một nàng Joconde để ria). Có thể kể
một quyển sách triết học quá khứ xem như
một quyển sách tưởng tượng, giả
đò.
Cũng như Michel
Foucault, Gilles Deleuze đã viết nhiều về
người bạn quen biết vào khoảng năm1962, khi
Foucault vừa hoàn tất hai tác phẩm Raymond Roussel và Naissance
de la clinique. Quyển sách Deleuze sưu tập lại
những bài viết hầu như suốt hành trạng
tư tưởng Foucault từ L'archéologie du savoir
đến Histoire de la sexualité thành quyển sách mang tên Foucault,
1986 sau khi ông này mất. Ông mệnh danh Foucault là một
nhà quản thủ văn khố, một người
vẽ đồ bản, một nhà tư tưởng
lớn mà tư tưởng luôn xảy ra những khủng
hoảng, dao động như một điều kiện
cho sáng tạo, một điều kiện có mạch
lạc tận cùng. Theo Deleuze, người ta có thể
tạo chân dung một tư tưởng như thể
tạo chân dung một con người, chính vì thế ông
muốn phác họa một chân dung triết học của
Foucault - đam mê, bạo động, tư tưởng
của Foucault đối với ông ta như một bộ
máy chiến tranh. Foucault khởi sự tác phẩm lớn
đầu tiên là Histoire de la folie à l'âge classique, 1961 song
vấn đề điên cuồng thực sự đã
trải suốt tác phẩm của ông, thay vì kinh nghiệm
hiện tượng luận, ông chọn một tri thức
luận, ở đó điên cuồng được nhận
biết qua một “tri
thức” khác biệt
tùy thuộc vào hình thành lịch sử. Tư tưởng
về điên cuồng không phải là một kinh nghiệm
về điên cuồng, nhưng về tư tưởng,
nó chỉ trở nên điên cuồng trong suy sụp. Deleuze
dẫn lời Leibniz (được nhắc lại trong
tácphẩm viết chung với Guattari sau này Qu'est-ce que la
philosophie? 1991) trong một tuyên ngôn tuyệt vời: “sau
khi đã thiết lập mọi sự, tôi tưởng
tới bến, nhưng khi suy niệm về hiệp
nhất linh hồn với thân thể, tôi lại cảm
thấy như bị thẩy ra giữa biển khơi”, để minh họa tư
tưởng Foucault không phải tiến hóa, mà dẫn
khởi từ những khủng hoảng. Lịch sử
điên cuồng chắc hẳn đã thành tựu từ
một khủng hoảng, khai triển một quan niệm
tri thức trong Khảo cổ luận tri thức, 1969
là một lý luận về những phát biểu/énoncés,
như khởi từ một khủng hoảng mới,
cuộc khủng hoảng '68. Từ sự biến này
phơi trần mọi quan hệ quyền lực khắp
nơi, mang dấu ấn trong tác phẩm Surveiller et
punir/kiểm sát và trừng phạt, 1975 chuyển từ
tri thức qua quyền lực, dẫn đến La
volonté de savoir/Ý chí tri thức, 1976 - lại một
khủng hoảng khác, sâu kín hơn như cảm nhận
đang vào ngõ cụt. Quả thực Foucault trong tiến
trình tiếp diễn lịch sử tính dục, khai phá
những hình thành lịch sử, song chính là những vấn
đề của đời sống, đó là cách thế
muốn ra khỏi cuộc khủng hoảng mới này.
Như Deleuze nhận xét, luận lý của một tư
tưởng, là toàn bộ những khủng hoảng kinh
qua. Cho nên Foucault không phải tìm trở về với
người hy lạp (trong Lịch sử tính dục 2 L'usage
des plaisirs/Quyền sử dụng lạc thú nói
đến khoa tình dục như nghệ thuật ứng
xử qua lại của đàn ông và thiếu niên trong quan
hệ yêu đương ở xã hội cổ hy lạp và
3, Le souci de soi/Quan tâm bản thân khởi từ bản
văn Yếu quết của những giấc mộng
của Artémidore đến những bản văn của
Soranus, Rufus d'Ephèse, Musonius, Sénèque, Plutarque, Epictète, Marc Aurèle
ở thời Khắc kỷ) mà theo Deleuze, quan tâm
đến chúng ta ngày nay, nghĩa là tìm hiểu đâu là cách
thế sống, khả năng sống hay tiến trình
chủ thể hóa, phong thái tạo ra bản thân, bên ngoài tri
thức và quyền năng. Deleuze cũng dẫn lời
một nhà tư tưởng đương thời, François
Châtelet đưa ra chủ điểm thực dụng
của Foucault trong nguyên tắc “quyền năng như thao tác, tri thức
như quy tắc”,
để nhận xét: những khoa học về con
người không tách rời khỏi những quan hệ
quyền lực tạo cho chúng khả hữu, và thúc
đẩy những tri thức khả dĩ có thể
vượt qua ngưỡng cửa tri thức luận hay
hình thành một nhận thức, chẳng hạn quan hệ
kẻ phạm tội-thày rửa tội trong khoa học
tính dục, hay những quan hệ trừng giới trong tâm
lý học. Ngược lại, những quan hệ lực
lượng vẫn mang tính ngoại thi, bất ổn, tiêu
thất, hầu như tiềm thế, bất tri nếu
như chúng không thực hiện trong những liên hệ hình
thành hay thành tằng cấu tạo ra những tri thức.
Trong Triết học và khoa học (1972) tôi đã tóm
lược điểm nhìn trong suốt hành trạng tri
thức luận của Foucault xác định những khoa
học về con người (trong khuôn khổ con
người sống, nói và sản xuất) như vậy
thực sự không phải là về vấn đề con người,
nhưng phân tích trong chiều hướng của vô
thức, quy pháp, quy tắc những toàn bộ mang ý nghĩa
khai mở cho ý thức những điều kiện về
nội dung và hình thức của chúng. Deleuze dường
như đã thâu tóm điểm chung của những nhà
tư tưởng đương thời cùng chí
hướng mở ra một chiều kích mới trong Foucault
(1986), đó là đăng quang của một hình thái
mới, không phải Thượng đế, cũng không
phải con người, song người ta có thể kỳ
vọng ở đó không tệ hơn hai nhân vật kể
trên.
Hình thái mới ấy
chính là siêu nhân nơi “những
người theo Nietzsche”
(trong một thời khoảng ở Pháp - như lối nói
của Vincent Descombes), để phân biệt với
những người “không
theo Nietzsche” (thật
ra, đã có hai cuộc hội luận quốc tế về
Nietzsche trong nửa sau thế kỷ này, một vào năm
1964 ở Royaumont, không phải chỉ quy tụ những
đại biểu chính của chủ nghĩa theo Nietzsche
như Descombes nghĩ, một vào năm 1972 ở
Cerisy-la-Salle với nhiều khuôn mặt mới). Derrida nói
về Nietzsche trong “một giai đoạn mới của
một quá trình lý giải hủy tạo, có nghĩa là
khẳng định”, đánh dấu bước ngoặt
hủy tạo của thập niên '70. Trong hội luận
quốc tế về Nietzsche năm 1972, Derrida đã
chọn đề tài Những bút pháp/văn phong của
Nietzsche : vấn đề bút pháp theo Derrida luôn luôn là
kiểm tra, trọng lượng của một vật
nhọn, đôi khi chỉ là của một ngòi bút sắt,
chùy đao, dao găm, nhờ chúng mà chắc chắn
người ta có thể tấn công một cách hung bạo
cái gì mà triết học gọi nó dưới cái tên vật
chất hay tử cung, để ấn vào đó một
dấu vết, để vào đó một dấu ấn hay
một hình thể, song cũng để nẩy lại
một hình thức dọa nạt, giữ không cho lại
gần nó, trấn áp nó, đề phòng nó - rồi gấp
xếp hay cuốn lại, trốn chạy, sau những màn
che…Nietzsche dùng đủ mọi thứ màn. Bút pháp tiến
lên như thể mũi nhọn/éperon (trong tiếng Anh là
spur, tiếng Đức cổ là sporo, tiếng Aùi nhĩ
lan cổ là spor) chẳng hạn như mũi nhọn
ở đầu tàu của một tàu buồm, phần nhô
ra xông lên trước, bẻ tan cuộc tấn công chém
văng mặt đối phương; cũng để
gọi trong tiếng hàng hải là mũi đá rẽ
phăng sóng để vào hải cảng. Bút pháp cũng dùng
mũi nhọn của nó để bảo vệ chống
lại sự dọa nạt khủng cụ, mù quáng và
chết người của cái gì tự hiện, cho nhìn
thấy trong cương ngạnh: hiện diện, nội
dung, chính sự vật, ý nghĩa, chân lý - trừ phi đã
là vực sâu mất thanh tân trong vén mở khác biệt này.
Nhưng, đúng ra vấn đề bút pháp/mũi nhọn
chỉ để nói về chủ đề chính, vấn
đề đàn bà/ihre Wirkung in die Ferne, như Nietzsche nói:
vẻ duyên dáng mãnh liệt nhất của người
đàn bà/der Zauber und die mächtigste Wirkung der Frauen, chính là
cảm thấy có khoảng cách xa (kính nhi viễn chi?)/eine
Wirkung in die Ferne, như Derrida dẫn cách dịch của
Pierre Klossowski: une opération à distance, và nói theo kiểu các
triết gia, đó là một hành động cách xa/actio in
distans. Văn tự của Nietzsche đã phỏng theo
khoảng xa/Dis-tanz này, một lối văn phong chia cách
giữa lời dẫn tiếng La tinh nhái ngôn ngữ
triết gia và dấu than, cái gạch treo lửng từ Distanz.
Khoảng xa là nhân tố quyền lực quyến rũ
của người đàn bà. Quyến rũ, e ấp
như mọi hiệu quả khác của tấm màn che,
chỉ để nói đời là đàn bà, chân lý là đàn
bà, cái chân lý là đàn bà, triết gia tin, tin và giáo
điều, vào chân lý cũng như tin vào đàn bà,
triết gia chẳng hiểu gì hết. Đó là mở
đầu Bên kia thiện ác/Jenseits von Gut und Böse
của Nietzsche: Giả sử chân lý là đàn bà, liệu
người ta có chỗ để ngờ là mọi
triết gia, trong trường hợp họ là những
kẻ giáo điều, khó hiểu nổi đàn
bà?/Vorausgesetzt, daß die Wahrheit ein Weib ist -, wie? Ist der
Verdacht nicht
gegründet, daß alle Philosophen, sofern sie Dogmatiker waren, sich
schlecht auf
Weiber
verstanden?
Như Derrida đã
thông báo ngay từ đầu, lý giải của ông là lý
giải hủy tạo - những trưng dẫn Nietzsche qua
Le Gai Savoir, Au-delà du bien et du mal, Le crépuscule des idoles…
trong tham luận này, hay ở những tác phẩm khác
của ông chỉ ra chân lý, những vũ khí của đàn
bà như quyến rũ, e thẹn, xé rách tấm mạng
đó, những chữ nghĩa đó, là văn tự và
khu biệt/l'écriture et la différence, từ
người đàn bà-chân lý, đàn bà quên mình như bị
thiến hoạn, ông nhắc đến cái quan hệ
với sự thiến hoạn đó bị treo lửng,
như thuật ngữ épokè/έποχή
của hiện tượng luận, cái mô-típ thiến
hoạn như trong bản văn của Nietzsche, chính là
hướng về ẩn ngữ của phi-hiện
diện của chân lý. Derrida dẫn qua những bản
văn Le crépuscule des idoles (những khung văn Histoire
d'une erreur, Moral als Widernatur) của Nietzsche chỉ ra
Cơ đốc giáo là một chủ nghĩa thiến
hoạn/Kastratismus , nhổ răng, móc mắt như Nietzsche
nói là những hành vi/opérations Cơ đốc, hô hào: il faut
tuer les passions/phải tiêu diệt mọi đam mê -
nhưng tấn công tận diệt mọi đam mê
đến tận gốc, chính là tấn công tận gốc
rễ đời sống: thực tiễn của Giáo
hội (Cơ đốc) tỏ ra thù nghịch đời
sống/lebensfeindlich. Đến đây, qua Nietzsche-Derrida
đã tấu cùng một nhịp với những nhà tư
tưởng đương thời, như đã chỉ ra
nơi trên. Điểm đặc sắc của riêng ông,
đó là đánh dấu bước ngoặt hủy tạo.
Ngay trong vấn đề đàn bà, thiến hoạn, bi
kịch, quên lãng hữu thể, chân lý… Theo Derrida, Nietzsche
đã góp phần vào việc giải phóng ngữ thái/signans
ra khỏi lệ thuộc vào logos và khái niệm liên hệ
đến chân lý hay ngữ ý/signatum tối sơ, như khi
Nietzsche viết: phần đông các nhà tư tưởng
viết dở là vì họ không bằng lòng chỉ thông tri
những tư tưởng của họ, mà họ muốn
thông tri cả cách tư tưởng về những tư
tưởng này/das Denken der Gedanken. Cuộc tranh luận
giữa thông diễn luận Gadamer (mãi đến năm 60
tuổi, mới xuất bản tác phẩm chính Wahrheit und
Methode, 1960) và thuyết hủy tạo Derrida vào năm
1981, như tôi nói đến trong Cơ sở tư tưởng
thời quá độ (2007) chỉ ra thông giao tư
tưởng qua biên giới, như Jürgen Habermas viết Diễn
ngôn triết lý của Hiện đại/Der philosophische
Diskurs der Moderne (1985) để đối thoại
với Derrida, Bataille, Foucault v.v..; nhiều tác phẩm
viết về những nhà tư tưởng hậu
cấu trúc như Peter Tepe viết về Lyotard, Derrida,
Deleuze, Foucault trong Postmoderne/Poststrukturalismus (1992), tác
phẩm nhiều người viết về triết
học Derrida trong Einsätze des Denkens (1997) do Hans-Dieter
Gondek và Bernhard Waldenfels biên tập, Reflektierte Vernunft (1995)
về triết học Foucault của Thomas Schäfer, Macht,
Moral, Wissen (1998) của Wolfgang Detel về Foucault và
triết học cổ đại v.v..
2. Những
bước ngoặt ở cuối-thế-kỷ (tiếp theo)
Jean-François
Lyotard (1924-1998) là một trong bốn kiện tướng
triết học Pháp trong nửa sau thế kỷ 20 (cùng
với Michel Foucault, Gilles Deleuze, Jacques Derrida) và tự
chọn cho mình một đường hướng tư
tưởng mới: chủ nghĩa hậu hiện
đại. Ông khởi sự triết học với
quyển sách nhập môn Hiện tượng luận
xuất bản năm 1954 song phải đợi tới
thập niên '70 mới thực sự tung ra một loạt
những tác phẩm chính biểu hiện con
đường triết lý qua Discours, Figure (1971), Dérive à
partir de Marx et Freud (1973), Économie libidinale (1974), Les transformateurs
Duchamp (1977), La condition postmoderne (1979), Le différend (1983), Le
postmoderne expliqué aux enfants (1986), L'enthousiasme. La critique kantienne
de l'histoire (1986), Heidegger et “les juifs” (1988), L'inhumain (1988) v.v…
Điểm
gặp gỡ chung của những nhà triết học
kể trên là chỉ ra mối quan hệ triết học và
văn chương, xây dựng một khoa học văn
chương, chung một nhịp với hướng phê
bình mới như Blanchot và Barthes, từng đứng trong
hàng ngũ Mác-xít rồi từ bỏ rất sớm. Lyotard
khởi đi từ hiện tượng luận như
Derrida, khác với Foucault và Deleuze là những người bác
hiện tượng luận, gần với duy nghiệm
luận và triết học phân tích. Tuy nhiên điểm
độc đáo của riêng Lyotard không chỉ ở
những phân tích ý nghĩa học văn chương và
mỹ học, nhưng ở quan điểm hậu hiện
đại và xã hội học qua hai tác phẩm Điều
kiện hậu hiện đại với tiểu
đề Tường trình/báo cáo về tri thức/La
condition moderne. Rapport sur le savoir và Heidegger và “những
cái thuộc về do thái”/Heidegger et “les juifs”.
Tác phẩm
xuất bản năm 1979 mở đầu bằng xác
định “nghiên cứu này có đối tượng là
điều kiện của tri thức trong những xã
hội phát triển nhất” có những chỉ dấu
như:
- mệnh
danh là “hậu hiện đại”, một từ ngữ
quen dùng ở lục địa Mỹ trong giới phê bình
và xã hội học để chỉ thị “tình trạng
văn hóa sau những biến đổi ảnh
hưởng đến những qui tắc trong cuộc khoa
học, văn học và nghệ thuật khởi từ
cuối thế kỷ 19”. Phải chăng ở đây
Lyotard nhắc nhở đến xu hướng “khoa học
văn hóa/Kulturwissenschaft” của những người
như Heinrich Rickert truyền thụ vào khoa nhân học xã
hội và sử học?
- mệnh
danh là khoa học, nguyên thủy xung đột với
những trần thuật/récits song muốn hợp thức
hóa những quy luật trong cuộc, gọi là triết
học phải nại tới những trần thuật
lớn lao như phép biện chứng Tinh thần, thông
diễn học về giác – “hậu hiện đại” là
bất khả tín đối với những siêu trần
thuật, một hậu quả của tiến bộ khoa
học, do đó triết học siêu hình cũng như
những định chế đại học tương
ứng trong khủng hoảng. Theo Lyotard, chức năng
trần thuật mất những năng tố/foncteurs như
anh hùng, hiểm nghèo, mục tiêu, hải trình…
- điều
kiện hậu hiện đại tuy vậy xa lạ
với sự thất vọng/tỉnh ngộ, cũng
như với tính tích cực mù quáng của giải trừ
hợp thức; tri thức hậu hiện đại theo
quan điểm Lyotard không chỉ là công cụ của
những quyền năng mà còn tinh luyện khả giác tính
của chúng ta đối với những khu biệt và
tăng cường khả năng hỗ trợ cái phi thông
ước của chúng ta. Vấn đề vẫn còn
đặt ra là hợp thức hóa mối liên hệ xã
hội, một xã hội công chính liệu có thực
tiễn theo một nghịch lý tương tự như
nghịch lý trong hoạt động khoa học? Nghịch
lý này dựa trên cái gì?
- mệnh
danh là phi thông ước/incommensurable vì “mỗi con
người chúng ta sống giữa ngã ba đường
của những giá trị/valences thực dụng tự
sinh” do chuyên chở của nhiều yếu tố ngôn
ngữ chỉ sự, thuyết thoại, miêu tả, không có
những phối ngẫu ngôn ngữ bền vững
thiết yếu, mà cả những ngôn ngữ chúng ta tổ
hợp được cũng không thiết yếu thông
giao. Có nhiều lối chơi chữ/sử dụng
ngữ khác nhau biểu thị dị tính của những
yếu tố, cho nên hợp thức hóa trong việc
thiết lập công lý xã hội hay chân lý khoa học là
việc phải chọn những thực hiện hệ
thống nào tốt nhất mà áp dụng tiêu chuẩn này là
chọn lựa , hoặc thi hành được, hoặc
biến đi.
Đến
đây lộ rõ quan điểm của Lyotard khác với
những người đồng thời, như Habermas, vì
theo ông tiêu chuẩn khả thi có tính kỹ thuật, không
nhất thiết trì chú để phán đoán cái thực, cái
đúng, cho nên tìm sự đồng thuận trong tranh
biện như Habermas nghĩ là vi phạm dị tính của
những cuộc chơi ngôn ngữ.
Lyotard cũng
xác định bản viết của ông mang tính thời
thế, tường trình về tri thức trong những xã
hội phát triển nhất, đước góc nhìn của
một nhà triết học, không phải của một
chuyên gia - chuyên gia biết điều gì ông ta biết và
không biết, triết gia thì không; chuyên gia đưa ra
những kết luận, triết gia đi tra hỏi, hai
cuộc chơi ngôn ngữ khác nhau.
Cho nên trong
một báo cáo như vậy, nhà triết học giới thiệu
mọi mặt chữ nghĩa: ngữ âm học và những
lý luận ngữ học, những vấn đề thông
giao và điều khiển học, tân đại số
học và thông tin học, máy điện toán và ngôn ngữ
của chúng, những vấn đề dịch thuật
ngôn ngữ và nghiên cứu khả năng kiêm nhiệm
của ngôn ngữ điện toán, những vấn
đề xếp trong bộ nhớ và trữ liệu
dữ kiện, khoa viễn thông và hoàn thành những cực “truyền
tin”, nghịch lý luận - cùng với một số
lượng thư tịch tham chiếu như Grundzüge der
Phonologie (Troubetzkoy), Cybernetics and Society (Wiener), La formalisation
des systèmes cybernétiques (Bellert), Le tournant informatique (Moch), Les
applications avancées de l'informatique (Joyeux), Pragmatics of Human
Communication (Watzlawick, Helmick-Beavin, Jackson) v.v…
Báo cáo của
Lyotard về điều kiện hậu hiện đại
thực sự phản ảnh thời đại thông
tin/điện toán, tuy nhiên ông cũng chỉ rõ ra là “tri
thức khoa học không phải là toàn bộ tri thức”, có
tương tranh, đối nghịch với một
loại tri thức khác, có thể gọi đơn giản
là thuyết thoại. Không phải thuyết thoại toan tính
lấn lướt, song mẫu hình của nó gắn bó
với những ý quân bình tự tại và sống vui
hợp quần/convivialité (từ ngữ này, Lyotard tín
nhận từ Ivan Illich trong Tools for conviviality, 1975 -
một nhà thần học tiến bộ với phê phán xã
hội công nghiệp) mà theo Lyotard, tri thức khoa học
quả thật mờ nhạt so với những ý
tưởng này, vì tri thức khoa học bị
người sử dụng hiện tại làm tha hóa còn
bạo hơn quá khứ. Vấn đề cốt lõi
của thời đại này là vấn đề hợp
thức, với Lyotard có tầm rộng hơn vấn
đề tranh luận của những nhà tư
tưởng Đức hiện đại nghĩ (như
Habermas, Luhmann), về mặt luật lệ dân sự (quá
trình của nhà làm luật được phép ban hành
luật như một quy tắc), cũng như về
mặt khoa học (quá trình qui định những
điều kiện để một phát biểu dự
phần trong diễn ngôn khoa học, được
cộng đồng khoa học cứu xét). Cho nên ngôn
ngữ khoa học đi đôi với ngôn ngữ
đạo đức và chính trị , chỉ ra hai mặt
của một vấn đề: ai quyết định cái
gì là tri thức và ai biết cần phải quyết
định cái gì? trong thời đại điện toán,
tri thức khoa học phụ thuộc vào quyền lực.
Trong viễn tượng hậu hiện đại,
bản nhiên của dây liên lạc/ràng buộc xã hội không
như hai mẫu hình đối nghịch, giữa
trường phái xã hội học Talcott Parsons xem xã hội
như một toàn bộ chức năng với
trường phái mác-xít phân chia xã hội thành hai (có phân
rẽ nhiều xu hướng, song cùng quan niệm về
nguyên tắc đấu tranh giai cấp, và phép biện
chứng như đối tính tạo thống nhất xã
hội). Cả hai hình thái diễn ngôn này đều
thừa kế tư tưởng thế kỷ 19: một
đằng là chủ nghĩa chức năng coi xã hội
là một toàn bộ hữu cơ, đồng hóa xã hội
với một hệ thống tự điều hợp,
tương ứng với những nền kinh tế
tăng trưởng và những xã hội trù phú ổn
định; một đằng là chức năng của
nguyên lý đấu tranh giai cấp trong lý luận xã hội
của Marx và những nhà Lý luận “phê phán” (trường
phái Frankfurt) dựa trên nhị nguyên luận của nguyên lý,
bất chấp những tổng hợp và hòa giải,
chủ trương một mô hình xã hội khác (trong
những nước tự do, tiến bộ thì những
cuộc đấu tranh và những bộ phận của
chúng biến đổi thành những cơ chế
điều hợp của hệ thống, trong những
nước cộng sản thì trở lại mô hình toàn
diện với những hậu quả toàn trị của
nó, đấu tranh không có quyền tồn tại). Phê phán
kinh tế chính trị học và phê phán xã hội tha hóa
được sử dụng làm những nhân tố trong
thảo chương hệ thống; cái cơ sở xã
hội/assise sociale trong nguyên lý phân rẽ là đấu tranh
giai cấp chỉ còn là hy vọng, là không tưởng. Theo
Lyotard, không thể theo giải pháp như vậy, vì nó không
giải quyết gì ngoài phụ thuộc vào một tư
tưởng bởi những đối lập không
tương ứng với những phương thức
sinh động nhất của tri thức hậu hiện
đại. Vấn đề liên hệ xã hội là một
cách vận dụng ngôn ngữ, tra vấn, định
vị, tham chiêu, quan trọng trong một xã hội mà thành
phần thông giao là một thực tế. Tuy nhiên ở
đây Lyotard phê phán hai điều, ám chỉ lý luận thông
giao của Habermas không nói đến: một là những
thông điệp có những hình thái và hậu quả khác nhau
(tùy thuộc vào ngữ cảnh như hàm thị, mệnh
lệnh, đánh giá, thi hành v.v..) không thể giản
lược vào riêng chức năng thông tin (vì chính bộ máy
điều khiển học đi tới thông tin, từ
những phát biểu mệnh lệnh và đánh giá), hai là lý
luận thông tin trong phiên dịch điều khiển
học tầm thường đã bỏ quên mặt bất
khả tri (mỗi đối thủ ngôn ngữ bị
chuyển dịch vì những đòn giáng, không chỉ ở
chỗ nhận, tham chiếu mà còn như chỗ gửi
đi). Cho nên để hiểu những quan hệ xã
hội, không phải chỉ có lý luận thông giao mà còn
một lý luận dự cuộc, bao gồm bất khả
tri luận trong những tiền giả định.
Như đã
giới thiệu ở trên, tác phẩm 1979 của Lyotard là
một báo cáo mưu tìm điều kiện của tri
thức, sau khi đã bác những trần thuật lớn,
phân giải tính thực dụng của tri thức trần
thuật với tri thức khoa học về mặt nghiên
cứu và giảng dạy, chức năng trần thuật
và hợp thức tri thức. Chẳng hạn đối
với khoa học hiện đại, khi đặt
vấn đề hợp thức, trước hết
phải giải đáp vấn nạn: làm thế nào
chứng thực chứng nghiệm? Hay khái quát hơn: ai
quyết định những điều kiện của
cái thực? Nếu không muốn sa vào chỗ đi tìm siêu
hình học về một chứng lý đầu tiên hay
một thẩm quyền siêu việt, phải nhìn nhận
những điều kiện của cái thực, nghĩa là
những quy luật của cuộc chơi khoa học
đã tự tại ngay trong cuộc chơi. Tri thức
những trần thuật trở lại ở phương
Tây để đưa ra một giải pháp cho sự
hợp thức những thẩm quyền mới; như
vậy lại hỏi: ai có quyền quyết định
trong xã hội? Cái gì là chủ thể của những
mệnh lệnh đã trở thành quy phạm cho những
kẻ bắt tuân thủ? Lối tra vấn tính hợp pháp
chính trị xã hội này phối hợp với một thái
độ khoa học mới mà danh xưng nhân vật đó
là nhân dân, chỉ dấu hợp pháp là hiệp
điều/nhất trí/consensus, phương thức quy
tắc hóa là bàn định. Nhân dân thì tranh luận với
nhau về cái gì là công bình và bất công cũng như cộng
đoàn những nhà bác học thì bàn bạc với nhau
về cái gì đúng và sai, tích lũy thành những luật dân
sự cũng như những quy luật khoa học. Nói
về hợp thức hoá, Lyotard chỉ ra hai thoại
lớn của trần thuật, một đằng là chính
trị, một đằng là triết học, cả hai có
tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử hiện
đại, nhất là về tri thức và những
định chế của nó. Một đằng chỉ ra
chủ thể là nhân loại như thể người hùng
của tự do, có quyền về khoa học; một
đằng chỉ ra quan hệ giữa khoa học, quốc
gia và Nhà nước. Ông nhận xét chủ nghĩa Mác,
cũng như Heidegger (mà Lyotard coi bài Diễn văn 1933
để nhận làm Viện trưởng đại
học Thời Đức Quốc xã như một phần
(đời) khốn khổ của hợp thức) dao
động trước hai phương thức hợp
thức trần thuật nói trên là những tiêu biểu cho
bất kiên định về mặt lý luận, mang âm
vọng tàn khốc…Lyotard cũng phê phán nguyên lý hiệp
điều như là tiêu chuẩn của hiệu lực hóa
cũng không đủ, điển hình nơi hai nhà tư
tưởng xã hội đương thời như Habermas
(xem như thỏa hiệp của những người
như thể những tri năng nhận thức với
những ý chí tự do qua phương tiện đối
thoại, mà theo Lyotard, quan niệm này dựa trên hiệu
lực tính của trần thuật giải phóng/validité du
récit de l'émancipation) hay Luhmann (xem như điều
động bởi hệ thống như một trong
những thành tố duy trì và cải thiện nhũng
thực hiện của hệ thống, là đối
tượng của những thủ tục hành chính, mà
Lyotard coi chỉ có giá trị như phương tiện cho
cứu cánh thực, cứu cánh hợp thức hóa hệ
thống, quyền năng).
Cho nên Lyotard
đặt vấn đề là xem một hợp thức
hóa có phải khả hữu nhờ vào võng luận/paralogie?
Trong tiết cuối thứ 14 của báo cáo này, khi tranh luận
về hiệp điều/bất đồng ý, về
nguyên thức/paradigme (hiểu theo nghĩa của Thomas Kuhn
(1922-1996), triết gia khoa học Mỹ), về khởi sinh
hình thể của René Thom (1923-2002), triết gia khoa học
Pháp, tranh luận về lý chứng của Niklas Luhmann
(1927-1998), nhà xã hội học Đức chung quanh hai
luận điểm, một là hệ thống chỉ có
thể hoạt động khi giảm thiểu phức
tạp, nó phải kích động chấp nhận những
nguyện vọng (expectations - JFL) cá nhân cho những
mục đích riêng của nó; hai là có thể hướng
dẫn những nguyện vọng cá nhân bằng một
tiến trình “hầu như học nghề”, “không bị
mọi nhiễu loạn” ngõ hầu trở nên tương
hợp với những quyết định của hệ
thống. Những kỹ thuật viễn thông/télématiques
ở trong viễn tượng của những thủ
tục hành chính dẫn trên, với những chức năng
thực dụng về lý chứng, quản trị chứng
cớ, truyền đạt cái đã phát kiến, từ
học nghiệp đến tri tưởng. Với
những kỹ thuật viễn thông (trong thời
đại chuyên gia trị/technocratie mà Lyotard ám thị là
nỗi kiêu hãnh của “những chuyên gia trị tuyên bố
không thể tin cậy vào điều gì xã hội chỉ
thị như những nhu cầu của nó, họ “biết”
là chính xã hội không thể nhận ra những nhu cầu
vì chúng không là những biến số độc lập
của những kỹ thuật cao cấp mới”, và ông
dẫn chứng E.E. David, cố vấn khoa học của
tòa Bạch Ốc ghi nhận vào năm 1972 là xã hội
chỉ có thể nhận biết những nhu cầu nó
chứng thực trong hiện tình môi trường kỹ
thuật hiện đại), tự thị của
những kẻ quyết định, biểu thị
ứng xử kiểu khủng bố, khoa học càng khu
biệt, trong thực dụng tạo ra cái phản mẫu
hình của hệ thống bền. Vấn đề
hợp thức hóa nói chung đặt ra: đâu là quan
hệ tương ứng giữa cái phản mẫu hình do
thực dụng khoa học đề ra với xã hội,
có thể ứng dụng vào muôn vàn mây mờ của
chất liệu ngôn ngữ tạo ra xã hội, vai trò
của nó trong liên lạc xã hội, có thể là lý
tưởng chấp nhận được trong cộng
đồng cởi mở, hay ngược lại, là
khước từ hợp tác với quyền lực,
đi tới chỗ chống văn hóa, có thể dẫn
đến tiêu diệt mọi khả năng nghiên cứu
vì thiếu tín dụng?
Lyotard cũng
nhấn mạnh chỗ khác biệt thực dụng
giữa những trò chơi ngôn ngữ, như hàm thị
tứcthuộc về nhận thức, hay mệnh lệnh,
tức thuộc về hành động (thực dụng khoa
học tập trung trên những phát biểu hàm thị, song
đòi hỏi những quy tắc, lại thuộc về
mệnh lệnh, hay gọi là siêu mệnh lệnh,
để tránh lẫn lộn) thế nên hoạt
động khu biệt, thuộc tri tưởng hay võng
luận trong thực dụng khoa học hiện đại
có chức năng làm xuất hiện những siêu mệnh
lệnh này và yêu cầu tham gia phải chấp nhận
những mệnh lệnh khác, mà chỉ có hợp thức
duy nhất có thể nhận được là sản sinh
ra những ý tưởng, tức những phát biểu
mới. Thực dụng xã hội lại không đơn
giản như vậy, nên Lyotard gọi nó như một quái
vật mang những mạng loại phát biểu dị hình
như hàm thị, mệnh lệnh, trình diễn, kỹ
thuật, đánh giá v.v..cho nên không thể xác định
những siêu mệnh lệnh chung cho các trò chơi ngôn
ngữ, hay một hiệp điều có thể bao trùm toàn
bộ những siêu mệnh lệnh, chỉ ra suy
đồi của những trần thuật hợp
thức, bỏ mất niềm tin nên “ý thức hệ
của “hệ thống” vừa có toan tính toàn trị,
vừa diễn đạt chủ nghĩa vô sỉ bởi
tiêu chuẩn thực hiện của nó”. Do đó Lyotard quan
niệm không thể có sự phát triển vấn đề
hợp thức trong chiều hướng đi tìm một
hiệp điều/nhất trí phổ quát như Habermas
nghĩ, nhờ vào cái mà Habermas gọi là “đối
thoại của những luận chứng” (trong Der
philosophische Diskurs der Moderne, 1985).
Tác phẩm
dẫn trên của Habermas chủ yếu nhằm vào
những nhà tư tưởng hậu hiện đại
Pháp như Foucault, Derrida - và điều kỳ lạ như
David Ingram nhận xét là không trực diện phê phán Lyotard;
đó cũng là vấn đề đối chiếu
Habermas với Lyotard như Richard Rorty, David Ingram đã làm,
ở thời đại này. Ingram trong The subject of justice
in postmodern discourse: Aesthetic judgement and political rationality
(in trong Habermas and the Unfinished Project of Modernity, 1996)
phân giải sự khác biệt giữa Habermas quan niệm
những lý tưởng của công lý và hợp thức
dự báo nền dân chủ trong đó mọi công dân hình
thành lý lịch của họ qua bàn bạc tập thể
trên những cứu cánh chung, ngược lại Lyotard
phủ nhận sự tất yếu và ước muốn
hiệp điều không bị gò bó như một mục
tiêu của ngôn ngữ thuần lý, mà chỉ là một trong
những mục tiêu khả hữu của ngôn ngữ
thuần lý. Rorty khi thảo luận về Habermas và Lyotard
trên vấn đề hậu hiện đại/Habermas and
Lyotard on Postmodernity (tham gia hội luận về
Habermas, in trong Praxis International, Vol.4, in lại trong sách Habermas
and Modernity, 1985) phân biệt sự khác biệt giữa
Lyotard xác định quan điểm hậu hiện
đại hoài nghi về những siêu trần thuật, theo
Rorty, sẵn sàng bỏ chính trị phóng khoáng để tránh
rơi vào triết học phổ cập /universalist philosophy
và Habermas gọi thái độ này là “tân bảo thủ”
cũng như phê phán xu hướng quan niệm “cáo chung
triết học” dưới những danh xưng hữu
thể luận nền tảng, phê phán, phép biện
chứng tiêu cực, phổ hệ mà “tấm màn rủ
những khái niệm triết lý giống như chiếc áo
choàng một cáo chung triết học che dấu vụng
về”. Rorty là đại biểu của triết học
hậu phân tích Mỹ mà tôi đã nói đến trong
chương 5 Cơ sở tư tưởng thời quá
độ, 2007. Trong bài viết dẫn trên, trích dẫn
lời Dewey “khi triết học phải cộng tác với
tác động của những sự biến và làm sáng
tỏ mạch lạc ý nghĩa của tiểu tiết hàng
ngày, khoa học và cảm xúc sẽ xâm nhập với nhau,
thực tiễn và trí tưởng sẽ bao gồm lẫn
nhau; thi ca và tôn giáo sẽ là những đóa hoa tự nhiên
của cuộc sống” nhằm minh hoạ ý định
của Dewey muốn cụ thể hoá những quan tâm
với nhưng vấn đề thường nhật
của cộng đồng con người, guồng máy xã
hội, Rorty tỏ ý toan tính thoả hiệp giữa Lyotard
và Habermas về hoài nghi những siêu trần thuật
với hiệp điều thông giao.
Không phải
mọi nhà tư tưởng đều đánh giá hiện
hữu của tư trào hậu hiện đại,
chẳng hạn như Habermas, Peter Bürger. Trong The Decline of
Modernism, 1992 (chương 3, nguyên tác tiếng Đức
in trong Adorno-Konferenz, 1983 do Habermas và von Friedeburg xuất
bản , bản dịch của David J. Parent), Bürger cho là
những từ ngữ 'hậu hiện đại',
'hậu công nghiệp' chỉ đặt tên cho thời
đại mới một cách trừu tượng; vả lại,
tuy có những biến đổi xã hội, kỹ thuật
và kinh tế sâu sắc song phương thức sản
xuất chủ yếu vẫn là sở hữu tư nhân
của giá trị thặng dư sản xuất tập
thể. Ngay trong nghệ thuật, nói đến 'hậu
hiện đại' [mặc dầu ngay từ thập niên
70 của thế kỷ 19, John Watkins Chapman đã dùng
để chỉ hội họa tiền phong hơn hội
họa phái Ấn tượng của Monet hay Renoir] theo
Bürger cũng có những nhược điểm của khái
niệm 'hậu hiện đại' trong xã hội học,
vì hiển nhiên không có một định nghĩa cụ
thể.
Tuy nhiên khái
niệm 'hậu hiện đại' vẫn được
nhiều nhà tư tưởng khác sử dụng khi
luận về cáo chung của 'hiện đại' trong
những tranh luận không chỉ hạn chế trong lĩnh
vực triết học, nhưng mở rộng trong mọi
'trường văn hóa'. Alain Touraine trong Critique de la modernité,
1992 nhấn mạnh đến sự hội tụ
của mọi phê phán 'hiện đại' đã phân tích
bốn dòng tư tưởng chính biểu hiện
đoạn tuyệt với hệ tư tưởng duy
hiện đại: Dòng thứ nhất xác định
hậu hiện đại như một siêu hiện
đại/hypermodernité, tương tự như Daniel Bell
định nghĩa xã hội hậu công nghiệp là siêu
công nghiệp. Ông dẫn nhận xét chí lý của Lyotard
về vận động hiện đại không ngừng
gia tốc, những tiền phong càng lúc càng trở nên phù du
và mọi sản xuất văn hóa trở thành tiền phong
do tiêu thụ ngôn ngữ và dấu hiệu mỗi lúc
một nhanh và tính hiện đại tự tiêu diệt. Dòng
thứ hai không phê phán chủ nghĩa hiện đại
kỹ thuật mà phê phán chủ nghĩa hiện đại
xã hội và chính trị đã sáng chế ra những
phản kiểu mẫu xã hội mà thực hiện gọi
là sự can thiệp của một quyền lực càng
tuyệt đối hơn khi đoạn tuyệt thực
hiện hoàn tất hơn; Touraine gọi tình thế này là
hậu xã hội/post social, sản phẩm của một
phân rẽ hoàn toàn giữa công cụ được quản
lý trong những xí nghiệp kinh tế chính trị cạnh
tranh lẫn nhau với ý nghĩa trở nên tuần túy riêng
tư, chủ quan. Dòng thứ ba là đoạn tuyệt
với chủ nghĩa duy sử do sự thay thế kế
tục những hình thái văn hóa bằng tính đồng
thời tồn tục của chúng; Touraine gọi chủ
nghĩa hậu hiện đại này là chủ nghĩa
hậu duy sử/post-historicisme, tương ứng với
kinh nghiệm của những người sống cùng thời
với chúng ta băng qua không gian và thời gian qua những
cuộc du hành, thăm viếng bảo tàng viện, đọc
sách, nghệ thuật, nghe những băng đĩa
nhạc khiến họ đồng cảm với những
tác phẩm có thể gần về mặt vật chất,
hay trái lại có thể xa hàng thế kỷ, ngàn dặm.
Dòng thứ tư xét đến giá trị của những
tác phẩm văn hóa (dẫu tách rời toàn bộ lịch
sử mà chúng xuất hiện) chỉ có thể xác
định bằng thị trường/marché, đánh
dấu mối quan trọng mới của thị
trường nghệ thuật, về cả hai mặt kinh
doanh và tiêu thụ trong xã hội phóng khoáng. Touraine nhận
xét vận động hậu hiện đại
đẩy hủy triệt biểu tượng duy hiện
đại của thế giới đến cùng cực, như
khẩu hiệu 'phản mỹ học' (Frederic Jameson),
loại bỏ 'thế giới hình/Weltbild' (từ ngữ
của Heidegger).
Chủ nghĩa
hậu hiện đại theo Touraine đánh dấu chung
cuộc của Nietzsche, hủy triệt sự thống
trị của kỹ thuật và lý tính công cụ. Gianni
Vattimo, nhà tư tưởng theo-Heidegger trong La fine della
modernità, 1985 đề ra việc khảo sát vấn
đề hậu hiện đại trong triết học
theo một đường lối làm sao tránh tạo
một tỷ giảo khoa trương giữa triết
học hiện tại và những nét hiển nhiên của
hậu hiện đại trong những lĩnh vực khác
như kiến trúc, văn chương và phê bình, phải
trở lại khái niệm Verwindung/vượt,tái
thẩm trong tư tưởng Nietzsche và Heidegger,
tương tự và khác biệt với khái niệm Überwindung/thắng,
vượt ngõ hầu sáng tỏ từ ngữ 'hậu'
trong khái niệm 'hậu hiện đại'. Mối quan
hệ giữa chủ nghĩa hư vô và hậu hiện
đại là vấn đề chính của Vattimo, liên
hệ đến Nietzsche và Heidegger. Không phải tình cờ,
Lyotard viết Heidegger et “les juifs” - mối quan hệ
giữa chủ nghĩa hư vô và quên lãng. Vấn
đề nêu ra những tranh luận về lịch sử
và phản lịch sử, sẽ bàn đến sau.
2/
những bước ngoặt ở cuối-thế-kỷ (tiếp theo)
Trong những tác
phẩm của Lyotard, Heidegger et “les juifs”,1988 không
được nhiều nhà chuyên khảo về ông chú ý,
dường như chỉ coi là một thái độ trong
tranh biện về vấn đề Heidegger và Quốc xã.
Song sự vụ Heidegger đối với Lyotard là một
yêu cầu cấp bách, như ông viết trong chương 15
sách dẫn trên.
Tại sao vậy?
Sự vụ Heidegger/der Fall Heidegger/le cas Heidegger/il caso
Heidegger bùng nổ sau quyển sách của Victor Farias Heidegger
et le nazisme xuất bản năm 1987 làm chấn
động giới học giả ở Pháp, nhất là
những nhà triết học theo Heidegger như Jean Beaufret và
những học trò của Beaufret trước luận án
người thày là một người phát thệ của
chủ nghĩa Quốc xã. Những tranh biện chia làm hai
phe sôi nổi tạo thành hiện tượng 'án xử
Heidegger' chỉ ở riêng nước Pháp:
Martin Heidegger
(1889-1976), một trong những khuôn mặt quan trọng
nhất của triết học đại lục châu Âu
ở thế kỷ 20 với tác phẩm thời danh Hữu
thể và Thời gian/Sein und Zeit xuất bản năm
1927 vào thời đệ Tam đế/das Dritte Reich
(1933-1945) với Đức Quốc xã/Nazi cai trị
[đệ Nhất đế/Heilige Rưmische (962-1806);
đệ Nhị đế/Deutscher Nation (1871-1918)] ông đã
gia nhập đảng và nhận chức Viện
trưởng Đại học Freiburg với diễn từ
Die Selbstbehauptung der deutschen Universität/Tự
quyết/bảo vệ của Đại học
Đức ngày 27 tháng Năm 1933, trong khoảng thời
gian từ 22 tháng Tư 1933 đến 23 tháng Tư 1934. Sau
đó ông vẫn tiếp tục công việc giảng
dạy, nghiên cứu đến khi Đức thua trận
năm 1945, chấm dứt Thế chiến Hai và Freiburg dưới sự chiếm đóng của quân đội Pháp.
Trong cuộc giải trừ Quốc xã, Heidegger bị
cấm dạy/venia legenda tại Đại học vào
năm 1947.
Sự vụ Heidegger
như một triết gia dính líu với chế độ
Quốc xã có gì mà ầm ĩ? Thật sự, ở mỗi
biến động của lịch sử kéo theo biết
bao nhiêu là hệ lụy và thân phận con người,
kể cả người trí thức. Heidegger cũng là
một trong những trường hợp đó. Tuy nhiên,
sự vụ Heidegger là một hiện tượng quan
trọng trong nửa sau thế kỷ XX vì nhiều lý do,
chỉ kể:
Thời hậu
Thế chiến Hai, trong khung cảnh điêu tàn của
những Quốc gia dân tộc/Etat-Nation và con người,
chủ nghĩa hiện sinh Pháp xuất hiện như
một tiếng thở dài - nói như Marx, và trở thành
thời thượng trong nhiều lãnh vực xã hội.
Tư tưởng Heidegger là những khái niệm lo âu/Angst,
quan tâm/Sorge, 'thực tại con người/Dasein', hư
vô/das Nichts được nói đến nhiều trong
sự phát triển tư trào về mặt phổ thông và
ảnh hưởng lớn rộng trong giới triết
học, như nhà triết học Đức Karl Löwith
nhận xét: Sự kiện Heidegger có một quần chúng
đông đảo trong giới trí thức Pháp, mà
nước Đức hiện tại từ khước,
là một triệu chứng đáng chú ý. (bài viết Les
implicationg politiques de la philosophie de l'existence chez Heidegger in
trong Les Temps modernes, 1946). Trong bốn thập niên sau,
một học giả Mỹ Tom Rockmore còn đặt câu
hỏi: làm sao mà những đầu óc tinh nhuệ và thông
minh như những trí thức Pháp lớn lao nhất từ
Sartre đến Lacan có thể rơi vào những bẫy
ẩn ngữ của một nông dân xứ Souabe, có thể
ranh quái, nhưng tự sâu xa là một đảng viên
Quốc xã? Họ cũng dựng ông ta là một triết
gia Pháp/French philosopher khi chủ trương trong năm
mươi năm qua vẫn là một người thày
tư tưởng thực sự của tất cả
nền triết học Pháp?
Hai phán đoán trên
đã được khẳng định trong tác phẩm
của nhà tư tưỏng Pháp Dominique Janicaud Heidegger en
France xuất bản vào năm đầu thế kỷ
XXI trần thuật cả một khung cảnh lạ lùng
ảnh hưởng tư tưởng Heidegger thống
trị học thuật tư tưởng Pháp (trong 12
chương sách) và những cuộc nói chuyện với
hầu hết những nhân vật hàng đầu triết
học Pháp hiện đại, như Derrida, Axelos, Courtine,
Dastur, Deguy, Escoubas, Faye, Granel, Greisch, Lacou-Labarthe, Marion, Nancy,
Munier v.v.. để vẽ lên một 'Heidegger français/Heidegger
thuộc Pháp'. Janicaud nhận xét: Khi nhận ra sau chiến
tranh, ông không còn là tiên tri của xứ sở mình nữa,
Heidegger tìm ra niềm an ủy ở người Pháp!
Số đông
những nhà tư tưởng, theo hay chống Heidegger,
cũng là phải đối diện với cái bóng lớn
của Heidegger, huyền hoặc và quyến rũ.
Cho nên không lấy
làm lạ một quyển sách Pháp như La philosophie allemande de Kant à
Heidegger xuất bản năm 1993 với 9 tác giả
(như Dominique Folschgeid/chủ trương, Dastur, Kaplan,
Marquet v.v..) viết về triết học Đức
từ Kant đến Heidegger dành những chương chính
cho Kant, Fichte, Schelling, Hegel, Kierkegaard (?), Schopenhauer, Marx,
Nietzsche, Husserl, Heidegger, nói qua về Bolzano, Brentano, Frege,
Dilthey, Weber, Simmel, Cassirer, Scheler, Jaspers và không một dòng
về Eucken, Rickert, Lask, Natorp, Nicolai Hartmann v.v.. thật
xuẩn động như một số lớn những
sách lịch sử triết học.
Cuộc chiến
giữa hai phe bênh và chống ở Pháp vào cuối thế
kỷ lại sôi nổi trong học giới Mỹ, mặc
dầu Heidegger đã qua đời từ mấy thập
niên trước: Ở Pháp, những quyển sách phê phán
Heidegger liên hệ với chủ nghĩa Quốc xã đáng
kể như L'ontologie politique de Martin Heidegger, 1988
(lần xuất bản đầu vào năm 1975) của
Pierre Bourdieu xem tư tưởng của Heidegger như
một 'hữu thể luận chính trị tiêu cực', Le
piège, la philosophie heideggerienne et le nationalsocialisme, 1994
của Jean-Pierre Faye chỉ ra tư tưởng Heidegger thao
tác trong lòng chủ nghĩa Quốc xã, Heidegger, l'introduction
du nazisme dans la philosophie, 2005 của Emmanuel Faye
xuất hiện vào đầu thế kỷ 21 này, lấy
đối tượng là tranh luận rộng rãi trên trường
quốc tế, từ chính tác phẩm của Heidegger trong
toàn bộ/Gesamtausgabe, kể cả thư từ gửi cho
vợ là Elfride (“Mein liebes Seelchen!”, Briefe Martin
Heideggers an seine Frau Elfride 1919-1970),
tác phẩm của
những người Quốc xã khác (như Baeumler, Fischer,
Jünger, Schmitt, Wolf, v.v..), những biên khảo biện hộ
cho Heidegger của J. Beaufret, F. Fédier, E. Nolte v.v.., những
phê phán Heidegger của Th. Adorno, G. Anders, J. A. Barash, V. Farias,
J.-P. Faye, D. Losurdo, A. Münster, H. Ott, T. Rockmore, R. Wolin v.v..
nhằm rọi chiếu những tia sáng mới về
chủ trương bài xích do thái tự nội
tạng/antisémitisme viscéral của chính nhân vật Heidegger,
như E. Faye xác định nhằm minh chứng vấn
đề theo Quốc xã của Heidegger không chỉ nhằm
chiêu họa chính trị của con người mà cả
những cơ sở trong giảng dạy và tác phẩm
của Heidegger, chủ nghĩa Quốc xã ăn sâu trong
căn để sách vở của ông.
Phản ứng
lập tức đối với thái độ hợp tác
chế độ Quốc xã của Heidegger thật ra đã
có ngay từ những người bạn ông như Karl Jaspers
ngay từ trước thế chiến, hay những học
trò cũ của ông, như Karl Löwith (Heidegger - Denker in
dürftiger Zeit, 1953), Herbert Marcuse (A Dialogue in Letters 1947-1948
trong Technology, War and Fascism, edited by Douglas Keller, 1998)
đòi hỏi Heidegger lên tiếng về sự vụ này.
Vào năm 1953, một nhà triết học trẻ tuổi
Jürgen Habermas (sinh năm 1926) điểm sách Đưa vào
siêu hình học/Einführung in die Metaphysik đã gây tranh
luận chung quanh việc cho in lại giáo trình giảng
dạy này từ 1935, trong đó vẫn giữ lại
lời ca ngợi chân lý nội tại và vĩ đại
cvủa phong trào chủ nghĩa Quốc xã.Năm 1962, Guido
Schneeberger kết tập những bài viết liên hệ cho
xuất bản Nachlese zu Heidegger, Dokumente zu seinem Leben und
Denken.Một năm sau khi Farias xuất bản quyển
sách dẫn trên, Hugo Ott xuất bản Martin Heidegger, Unterwegs
zu seiner Biographie, 1988 một thiên hành trạng về
tư tưởng Heidegger làm cốt lõi cho phong trào Quốc
xã.
Hai quyển sách
của Farias và Ott thực sự đã gây tranh luận ,
như Wolin nhận xét khi tư tưởng Heidegger sinh
động trở lại sau khi hai tư trào hiện sinh và
cấu trúc luận tàn tạ trên diễn đàn trí thức.
Chương French Heidegger Wars trong sách The Heidegger Controversy
Richard Wolin xuất bản năm 1993 trình bày những
cuộc bút chiến giữa hai phe biện hộ và luận
án Heidegger trong sự vụ Quốc Xã.
Cùng thời
điểm này, những công trình khác như On Heidegger's
Nazism and Philosophy, 1992 của Tom Rockmore ngay trong
đề từ đầu sách dẫn Thomas Sheehan: Vấn
đề xét lại sự tham dự của Heidegger vào
chủ nghĩa Quốc xã trước tiên không phải là
đẩy phán đoán vào quá khứ. Cũng không phải
phát sinh từ một ham muốn, như có lần Heidegger
đã dẫn là nhằm đả kích con người vì
không thể đả kích tác phẩm của ông. Thật ra
trái ngược lại. Vấn đề rõ ràng là chọn
lọc tác phẩm xem cái gì còn có giá trị với cái gì không
có giá trị. Để làm điều đó, người
ta cần đọc lại tác phẩm của ông -
đặc biệt là không phải chỉ kể những
tác phẩm từ năm 1933 trở đi - với sự
chú ý nghiêm xác vào phong trào chính trị mà chính Heidegger chọn
để liên kết tư tưởng của ông. Nếu
không làm như thế, tôi tin rằng rốt cuộc không
hiểu gì về ông cả.
Tuy phân tích mối quan
hệ giữa tư tưởng triết học và chủ
nghĩa Quốc xã của Heidegger có thể hiểu
được như một chuỗi ba khúc quanh: sơ khởi
dựa trên triết học của ông với chủ
nghĩa Quốc xã như đã hiện hữu trong đó có
những nhân tố xã hội, chính trị, lịch sử
kể cả ý thức hệ dân túy kiểu Đức
với triết học về Hữu của Heidegger, khúc
quanh thứ hai tách rời chủ nghĩa Quốc xã
hiện hữu khi Heidegger nhận ra thất bại trong
nhiệm vụ Viện trưởng, và khúc quanh thứ ba
tuy vẫn dựa trên việc chấp nhận về
mặt cá nhân cũng như triết học, định
mệnh hiển hiện của tinh thần dân túy
Đức, hướng về một hình thái lý
tưởng của chủ nghĩa Quốc xã mà ông không bao
giờ ngảnh mặt và chấp nhận này ảnh
hưởng đến tiến hóa sau này trong lý luận
về Hữu của ông, Rockmore chỉ đi đến
một kết luận: nếu không xét đến chủ
nghĩa Quốc xã trong lý giải tư tưởng triết
học và 'hậu triết học' của Heidegger thì
người ta chỉ cố gắng thân thiện với
Heidegger hơn là với chân lý, rốt cuộc đã tự
xa rời quan tâm đến chân lý.
James F. Ward viết Heidegger's
Political Thinking, 1995 có tham vọng lý giải triết
học chính trị của Heidegger để minh chứng
tư tưởng chính trị Heidegger vượt lên trên
việc nhập cuộc chính trị của ông. Miguel de
Beistegui trong Heidegger & the political, 1998 xác định
đây là quyển sách đầu tiên thuộc loại này
được xuất bản ở nước Anh,
vốn nổi tiếng thù nghịch với triết
học châu Âu hiện đại, không nói tư kiến
về những nhà tư tưởng đã có thời mang
thẻ đảng viên Quốc xã. Trong chương 6,
với tiêu đề And into Silence, Miguel de Beistegui
mở đầu viết: Heidegger vẫn giữ im
lặng. Ông không nói một tiếng nào về sự
biến vẫn luôn gắn liền với sự man rợ
Quốc xã. Ở một chỗ khác, ông viết tiếp:
Heidegger, nhà tư tưởng của hoài niệm, không dành
một khoảng nào cho kỷ niệm và ai điệu hàng
triệu người tan vào mây khói. Sự im lặng của
Heidegger nói lên như một vết thương mở toang.
Niềm im lặng này tỏa ra một bóng đen hầu
như không thể chịu nổi trong tư tưởng
Heidegger.
Im lặng ở
đây để chỉ sự biến lò thiêu người
Do thái trong những trại tập trung, đến Auschwitz. Im lặng, là tiêu đề một quyển sách trước
đó của Berel Lang Heidegger's Silence xuất bản
năm 1996: vấn đề Do thái.
Trước khi
trở lại vấn đề này đã nói ở trên
với quyển sách của Jean-François Lyotard, sự vụ
Heidegger chỉ ra một số nan đề đáng xét: những
nguồn từ Platon trong quan điểm chính trị
của Heidegger, giai thoại trở về từ Syracuse, nói
theo Gadamer 'Zurück von Syrakus', quan điểm phán xét khoa học
kỹ thuật, cái nhìn mỹ học thời hủy
triệt hay hậu/hiện đại (?) v.v..
Trong những biện
hộ cho Heidegger, Jacques Taminiaux trong tham luận Les sources
platoniciennes des vues politiques de Heidegger (trong tác
phẩm nhiều người viết về Heidegger do
Maxence Caron chủ biên, xuất bản năm 2006) luận
rằng người đọc bản văn chính trị
ai cũng biết đến là diễn từ nhận
chức Viện trưởng 1933 nếu đem so với
những chứng từ phổ biến khác của Quốc
xã hẳn ngạc nhiên là không hề có dấu tích nào trong
những đề từ của Heidegger có tính xây
đắp chế độ toàn trị đang hình thành,
kể cả về mặt hệ tư tưởng.
Luận điểm này đồng vọng với nội
dung thư của Heidegger gửi cho Marcuse, liên quan
đến sự vụ 1933, Heidegger bày tỏ kỳ
vọng chủ nghĩa Quốc xã là một cách tân về
mặt tinh thần cho đời sống trong toàn bộ,
một hòa giải những đối kháng xã hội và
giải thoát hiện thể tây phương khỏi
nhũng hiểm họa của chủ nghĩa cộng
sản.
Một sai lầm khác
về giai thoại trở lại từ Syracuse, nhằm nói
đến việc Platon thời cổ đại từ
Syracuse trở về Nhã điển sau thất bại
ứng dụng chính trị thuyết của ông với
bạo chúa Denys cũng không so sánh với Heidegger ở
đây, khi từ nhiệm Viện trưởng vì vai trò
hạn chế của ông khi tham gia Quốc xã.
Một sai lầm khác
đến từ Jean Beaufret (tông đồ thừa sai
của Heidegger tại Pháp) trong thư gửi cho Robert
Faurisson (1978-1979) bày tỏ đồng tình với ông này trong
luận thuyết cho rằng dưới thời Hitler không
hề có những trại tập trung và không có việc tiêu
diệt người Do thái, lò thiêu người chẳng qua
chỉ là 'một giáo điều lịch sử có tính gây
hấn toàn diện biểu thị cho chủ nghĩa giáo
điều'. Luận thuyết này được Roger
Garaudy lập lại (sau khi bị khai trừ khỏi
đảng Cộng sản Pháp) quay sang theo Hồi giáo
cực đoan.
Heidegger et 'les juifs' của Lyotard xuất bản
năm 1988 dễ khiến liên tưởng đến hai
quyển sách nói trên của Berel Lang và Miguel de Beistegui, cùng nói
đến sự im lặng của Heidegger trước
thảm trạng Holocaust hủy triệt người
Do thái. Tom Rockmore và Richard Wolin trong khi luận về sự
vụ Heidegger tại Pháp cũng đồng hoá quan
điểm của Lyotard với Lacoue-Labarthe, Derrida và Nancy
khi cho là những nhà tư tưởng Pháp này gặp nhau
về quan điểm đối với chủ nghĩa
nhân bản, nói khác đi xu hướng chống nhân
bản, quan niệm chủ nghĩa chủng tộc và bài Do
thái tự cơ bản là một 'chủ nghĩa mỹ
học dân tộc', quan hệ giữa 'chính trị' và
'giả tưởng'.
Thật sự, Heidegger
et 'les juifs' của Lyotard gồm hai phần: từ
chương 1 đến chương 14 là phần luận
về 'les juifs' - viết chữ thường, như
một danh từ chung, như Lyotard xác định, không
để chỉ một dân tộc, một quốc gia, danh
xưng số nhiều mang ý nghĩa không là một hình
tượng, hay một chủ thể chính trị (phục
quốc Do thái/Sionisme), tôn giáo (Do thái giáo/Judaisme), hay
triết học (Do thái), đặt trong dấu ngoặc
để phân biệt với người Do thái
thực/Juifs, bởi châu Âu không biết xử sự sao
với người Do thái thực: Cơ đốc giáo
muốn họ trở lại đạo, các vương
quốc trụ xuất họ, các nền cộng hòa
đồng hóa họ, Quốc xã tiêu diệt họ. 'Les
juifs' ở đây của Lyotard là đối tượng
của một bài xích mà đặc biệt, là người
Do thái trong thực tế mang tai họa.
Phần thứ hai
từ chương 15 đến chương 25 viết
về chủ đề Heidegger, mang tính tham dự vào
cuộc tranh luận ở Pháp, của riêng người Pháp
(như ông viết: L'affaire Heidegger est une affaire 'française'), vì
những vấn đề nêu ra tranh cãi ở bên này sông Rhin,
của những người theo Heidegger hay phê phán
Heidegger.Ông gọi sự vụ này khẩn cấp, bị
thúc bách phải nghĩ đến vì sự biến xẩy
ra trước khi người ta có thể nghĩ
đến nó. Một, phải nhìn nhận quan trọng
của tư tưởng Heidegger, nếu không sự vụ
này chỉ bình thường, hai là Heidegger liên can đến
Quốc xã không phải là dật thoại mà có những
chứng từ, có thể nghe thấy trong tĩnh lặng
của những bản văn, ba là một nan giải
nếu lý luận: nếu là một nhà tư tưởng
lớn, vậy không thể là đảng viên Quốc xã,
nếu là một người theo Quốc xã, vậy không là
một nhà tư tưởng lớn, sau cùng là người
ta không thể thỏa mãn với việc nhận biết
đơn giản là có sự đồng hiện của
hai khuôn mặt Heidegger, một khả kính và một thấp
hèn, làm sao điều trị tách rời.
Những tranh luận
tham dự sự vụ Heidegger của Lyotard sẽ không bàn
đến ở đây, vì liên hệ nhiều mặt, trong
một tranh cãi triền miên không lối ra. Chỉ nói
đến một nghịch lý: nhà thơ Do thái trẻ
tuổi Paul Celan đáp lời mời viếng thăm
của Heidegger, đã hy vọng một lời nói ra tự
sâu trong tim/mit einer Hoffnung auf ein kommendes Wort im Herzen - Lyotard
diễn tả thất vọng ấy trong những dòng
cuối: 'Celan' không phải là khở đầu hay kết
cuộc của Heidegger, nó chỉ là cái không có của ông, cái
thất lạc trong ông, cái ông thiếu, và ông không có cái
thiếu này.
Những luận
điểm riêng của Lyotatrd nêu ra trong phần thứ
nhất, không có trong cùng việc luận vấn đề
do thái của những người khác là: một chính
trị về quên lãng. Ông tự hỏi: tại sao Heidegger
nêu ra vấn đề quên lãng Hữu như cơ sở
của tác phẩm Sein und Zeit song lại không biết
đến vấn đề chính trị của quên lãng, hàm
ngụ một ký ức. Lyotard đồng tình với Lacoue-Labarthe
trong nhiều năm đã theo đuổi vấn đề
triết học về chính trị quên lãng này, và chỉ ra
tội ác của chính trị này không chỉ nằm trong
việc theo chủ nghĩa Quốc xã của nhà Viện
trưởng Đại học Freiburg , mà chính trong im
lặng trước việc người Do thái bị tiêu
diệt , niềm im lặng theo đuổi tới cuối
đời của nhà tư tưởng từ Todtnauberg. Cái
nghịch lý và cũng là nhục nhã ở chỗ: tại sao
một tư tưởng đã dâng hiến tận tụy
cho việc hồi niệm sự quên lãng Hữu thể
trong mọi tư tưởng, mọi nghệ thuật,
mọi biểu hiện của thế giới, làm sao nó có
thể không biết đến tư tưởng về
'les juifs', có nghĩa là thân phận, theo một nghĩa nào
đó, nghĩ, cố nghĩ đến , không gì khác hơn
chính sự kiện này. Cho nên chủ nghĩa bài Do thái
của Tây phương, theo Lyotard không nên lẫn lộn với
việc bài ngoại, mà chính là một trong những
phương tiện của guồng máy văn hóa ràng
buộc và biểu hiện khủng cụ nguyên ủy.
Việc tàn sát (nhân) này cố tình nhắm không để
lại dấu vết, ký ức, và thông qua nó chứng
thực có cái không thể nghĩ đến, thời gian đánh
mất vẫn còn đó, một phát giác không bao giờ
tự giác song tồn tại đó, sự lầm than.
Lyotard viết:
- Bọn SS [mật
vụ Quốc xã] làm đủ mọi điều có
thể để xóa bỏ mọi dấu vết của
tiêu diệt.
- 'Chính trị' tiêu
diệt không có thể biểu hiện trên sân khấu chính trị.
Nó phải bị lãng quên.
- Triết học
như một kiến trúc bị tàn phá, song một bản
viết về những đổ nát gìn giữ cái bị
quên lãng mà người ta cố tình quên bằng cách giết
nó, tiến trong chiều hướng bất niệm thông
qua hủy triệt biểu tượng và chứng nhân, 'les
juifs'.
- Nghệ thuật và
viết có thể khiến sự im lặng phải
được nghe, trong tiếng động và bằng
mọi phương tiện của nó, có thể tạo
tiếng động này, làm gia bội và trung tính hóa
những chữ, vì nó đã là một im lặng, chứng
thực cho niềm im lặng khác, một niềm im không
nghe thấy.
Những sự
biến diễn ra trong quang cảnh thế giới hiện
đại có khác gì?
Chỉ cần nhìn
trong những chế độ toàn trị, như Trung
Cộng, Việt nam, Myanmar, những thế lực
khủng bố diễn ra một chính trị quên lãng.
Nhà văn lưu
đày Milan Kundera trong những tiểu thuyết cuối
thập niên 70 của thế kỷ trước đã mô
tả con người sống dưới chế
độ cộng sản trong thế giới của Quên
lãng, nhân loại bị đe dọa đánh mất lịch
sử , chuyên chính muốn tước đoạt trí
nhớ của con người (Xem Văn chương và
Lưu đày, 1985).
Từ sự việc
nhỏ, như nhà cầm quyền Hà nội đòi
đục bỏ những bia kỷ niệm đánh dấu
cuộc vượt biên vĩ đại tai những
trại tỵ nạn, biểu lộ nỗi sợ hãi ký
ức lịch sử một cách hèn hạ của tập
đoàn chính trị, tới việc tập đoàn Miên
cấu kết trì hoãn việc xét xử những tội
phạm diệt chủng, mà Tuol Sleng là một chứng tích
, đến những phá hoại di tích văn hóa của
những tập đoàn cuồng giáo , chỉ ra quyền
lực xung đột với 'những thân phận lưu
đày' mà Lyotard mệnh danh là 'les juifs'.
2/ những
bước ngoặt ở cuối-thế-kỷ (tiếp theo)
Trong những
bước ngoặt vào nửa sau thế kỷ 20, như
đã nói đến bước ngoặt ngữ học,
bước ngoặt thực dụng, bước ngoặt
hủy tạo - song một bước ngoặt quan
trọng khác, đó là bước ngoặt triết học.
Điều này muốn nói đến một biến
chuyển về sự phát triển triết học tỷ
giảo, vấn đề đã xét trong chương 3 Triết
học Đông/Tây, chương 4 Triết học/Phân
tích ở sách Cơ sở tư tưởng thời
quá độ, 2007.
Như tôi đã
đề cập mối quan hệ giữa hai nền
triết học phương Đông và phương Tây trong
thế kỷ hai mươi không còn xa lạ với
nhiều triết gia ở phần 1 trên, không phải tình
cờ diễn ra vào lúc chủ nghĩa thực dân cáo chung,
hay có thể nói bước ngoặt triết học là
sự biến của thời hậu/thực
dân/post-colonial.
Triết học vào
giai đoạn hậu thực dân đã phát triển
mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, thành
quả ghi nhận trong những hội nghị quốc
tế về cả hai mặt lượng và phẩm, thông
giao và đối thoại đã mang lại những cái nhìn
mới, những trao đổi tri thức, xây dựng
những cơ sở phổ biến. Lấy một vài
điển hình: tạp chí Revue Internationale de Philosophie
trụ sở tại Bỉ đã dành những số
viết về triết học Ấn, phương pháp
luận khoa học ở Liên xô, tư tưởng triết
học Mỹ, triết học Nhật hiện đại
v.v.., tạp chí Philosophy East & West, A Quarterly of Asian
and Comparative Thought trụ sở tại Hawaii, những
báo cáo tổng quan về triết học hiện
đại/Philosophie contemporaine của Unesco và Viện
triết học quốc tế, bộ đầu 4 tập
xuất bản vào 1968-1971, dưới sự điều
hành của R. Klibansky (tập IV có phần về triết
học Đông Âu, Á châu và châu Mỹ La tinh, 1971); bộ
mới 8 tập dưới sự điều hành của
G. Fløistad xuất bản vào 1981-2003 (tập V về
triết học Phi châu, tập 7 về triết học Á
châu, tập 8 về triết học châu Mỹ La tinh);
những công trình tập thể theo hướng tỷ
giảo như Culture and Modernity, East-West Philosophic
Perspective/ Văn hóa và Hiện đại dưới những
viễn quan triết học Đông-Tây, 1991 do Eliot Deutsch
biên tập (với những tham luận của Rorty, Outlaw,
Hall, Stojanovic, Bernstein, Macintyre, Potter, Matilal, Tianji, Feher, Graham,
Kasulis, Ames, Li Zhilin, Apel, Cua, Putnam, Danto, Sakabe, Wollheim,
Chatterjee, Parkes, Al-Azmeh, Gyekye, Heller, Daya Krishna v.v..) chứng
tỏ có sự cộng tác của những nhà triết
học tên tuổi hiện đại, những chuyên gia
về Aán, Nhật, Trung, Phi châu, Islam, Handbook of World
Philosophy/Thủ sách Triết học thế giới, 1980
do John Burr biên tập, về những phát triển triết
học từ 1945 về sau (gồm sáu phần từ Tây Âu,
Uùc, Do thái, Đông Âu, Mỹ châu, Phi châu, các nước
Hồi giáo, và Á châu); bộ A Companion to World
Philosophies/Kiến giả triết học thế giới,
1997 do E. Deutsch và Ron Bontekoe biên tập ( bên cạnh
những sách dẫn vào triết học đại lục,
phụ nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, quyển sách này chủ
yếu về triết học Hoa, Ấn, Polynesia, Phi,
Phật giáo, Hồi giáo). Trong Thủ sách triết học
thế giới chẳng hạn, Tomio Ichiyanagi
tường trình về tình hình sinh hoạt triết học
tại Nhật bản phát triển trong vòng một trăm
năm trở lại đây với ý nghĩa đích
thực của tetsugaku đã đạt tới
tầm vóc quốc tế (không kể đến sắc thái
tôn giáo, như Phật giáo, Thần giáo, Cơ đốc
giáo), nói đến chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa
hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng trong thần
trí Nhật/wakon (có nghĩa là phát triển mà không đánh
mất bản sắc): lấy một ví dụ, như công
trình nghiên cứu của Ichikawa Hiroshi (sinh năm 1931)
với những tác phẩm như Seishin toshite no
shintai/thân như tâm,1975, Mi no kozò/cấu trúc thân
thể,1975, Gendai geijutsu no Chihei/tiền đồ nghệ
thuật hiện đại,1985, Bergson,1991 khi viết
về thân thể sử dụng những tư liệu sinh
học và phong tục học và tham chiếu những thành
tựu công trình hiện tượng luận của
Merleau-Ponty và Trần Đức Thảo.
Những công trình
tỷ giảo triết học nhằm hoá giải những
tư kiến về hội tụ Đông/Tây (đến
nay vẫn còn tồn tại dưới nhiều góc
cạnh khác nhau, như ý đồ bá quyền chính trị,
phân hóa chủng tộc, tín ngưỡng, nô dịch v.v..).
Chỉ xét về mặt tư tưởng, nghĩa là trong
lý luận của những học giả không bị chi
phối bởi những yếu tố vừa kể,
những tranh biện giữa một bên như F.S.C. Northrop
trong Meeting of East and West/gặp gỡ Đông Tây ngay
từ 1947 chủ trương tổng hợp hai nền
văn hóa Đông Tây trên bình diện tri thức luận qua
tổng hợp trí thực và trực quan vì con người
ở đâu cũng giống nhau, với một bên William S.
Hass trong The Destiny of Mind: East and West/Sinh mệnh tinh
thần: Đông và Tây xuất bản năm 1956 tỏ
vẻ hoài nghi vì cho rằng những hình thái ý thức
đông tây không bao giờ thống nhất khi đặt câu
hỏi: làm thế nào hai hình thái ý thức thức
đối nghịch có thể cùng hiện hữu trong
một tinh thần duy nhất? Vả lại theo ông, hoà
giải đối nghịch này chỉ có thể tìm ở
hình thái ý thức thứ ba và cao cấp hơn, mà không
thấy ở đâu cũng như khó có thể
tưởng được về mặt lý luận. Tác
phẩm tập thể The Concept of Man/Khái niệm con Người
do S. Radhakrishnan và P.T. Raju chủ biên xuất bản năm
1960 với John Wild về Hy lạp, A.J. Heschel về Do thái,
W.T. Chan về Trung hoa, Raju về Ấn độ, Ernst Benz
về Cơ đốc, Ibrahim Madkour về Islam, Mitin về
Mác-xít nhằm chỉ ra hướng đi tìm ý thức khó
tưởng ấy nơi con người, như Radhakrishnan
hoài vọng: Người trở thành khán quan của
người. Một chủ nghĩa nhân bản mới
ở phía chân trời, song vào thời điểm này nó bao
dung toàn thể nhân loại. Raju viện dẫn Hegel quan
niệm ngay chính ý thức về đối nghịch
giữa hai hình thái ý thức nói trên đã là tổng hợp
của chúng. Người là mẫu số chung của
triết học tỷ giảo.
David A. Dilworth trong Philosophy
in World Perspective 1989 (như tôi đã đề cập
trong chương 3 Cơ sở tư tưởng
thời quá độ) đã dùng thông diễn học
tỷ giảo các học thuyết lớn với phép
cấu tạo những lý luận, từ những bài
học rút ra ở Aristote, Kant, Hegel, Peirce, Walter Watson như
ông nhận xét: Thông diễn học tỷ giảo nhấn
mạnh rõ ràng đến ý nghĩa thực hiện chủ
yếu, hay hoàn tất ở đó một công trình của
triết học có thể coi như đạt tới hình
thái cao nhất và vẫn tiếp tục tạo ra những
ý nghĩa mới cho những thế hệ kế tục.
Dilt worth đưa ra bốn phương thức thuần
túy là viễn tượng, thực tại, phương pháp
và nguyên tắc (gồm những biến số cấu
tạo và những giá trị cấu tạo đặc
sắc trong một sơ đồ ông mệnh danh là 'ma
trận cấu tạo/archic matrix'), ở đó rọi
chiếu những đặc sắc hội tụ của
những học thuyết từ những trường phái
cổ đại Trung, Aán, Hy lạp đến hiện
đại như Nishida, Bradley, Bergson, Whitehead, Scheler,
Wittgenstein, Jaspers, Heidegger, Deleuze, Derrida v.v…
Từ nửa sau
thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây
chuyên sâu về triết học Nhật bản, trái với
nhận xét của một người Nhật Hasegawa Nyozekan
cho rằng “Nhật
bản có một nền văn hóa không có triết học”.
Theo Gino Piovesana, quan điểm thông tục này mâu thuẫn
với sự kiện nhiều nhà trí thức quan tâm
đến triết học và khoa triết đã thiết
lập ở Đại học Tokyo (1877) ngay sau thời
Phục hưng Minh trị. Sự phân hóa triết học
Đông Tây (tại châu Á nói chung) dường như do
việc tư tưởng phương Đông như
Khổng, Phật thường được dạy
ở các khoa khác. Mặt khác, nhiều học giả khi
tiếp thu tư tưởng phương Tây lại
chỉ chuyên khảo triết học phương Tây -
như Piovesana đan cử trường hợp Nishi Amane
(1829-1897), 'tổ phụ' của triết học Nhật
hiện đại, người đã đề xuất
từ tetsugaku để dịch chữ 'triết
học' coi như khoa học nghiên cứu minh trí, khi ông
soạn thảo chương trình khoa học này cho bộ
Giáo dục vào năm 1877. Những tác phẩm của
Nishi/Tây Châu như Hyakuichi shinron/Bách nhất Tân luận
1874; Hyakugaku renkan/Bách học liên hoàn 1877, Chichi
kimò/Luận lý khai sáng, 1874 đề ra những từ
ngữ để dịch triết học tây phương,
du nhập luận lý học, những khoa học liên ngành,
những tư trào thực chứng và thực lợi, và ông
xem triết học như một khoa học thống
nhất những liên ngành khoa học.
David Dilworth làm
luận án năm 1970 về Nishida Kitarō, the Development of
His Thought, Robert J.J. Wargo làm luận án năm 1972 the
Logic of Basho and the Concept of Nothingness in the Philosophy of
Nishida Kitarō, Robert E. Carter xuất bản năm 1989 The
Nothingness beyond God, Jacynthe Tremblay xuất bản Nishida
Kitarô, Le jeu de l'individuel et de l'universel 2000, L'être-soi et
l'être-ensemble: L'auto-éveil comme méthode philosophique de Nishida,
và Auto-éveil et temporalité: Les défis posés par la philosophie de
Nishida 2007, Michel Dalissier viết Anfractuosité et unification:
la philosophie de Nishida Kitarô 2009 là những công trình
chuyên khảo triết học Nishida (không kể nhiều
tiểu luận của nhiều tác giả trên những
chuyên san, tạp chí xuất bản ở phương Tây)
bên cạnh những học giả Nhật, Triều tiên v.v…
Dilworth còn dịch nhiều tác phẩm chính của Nishida sang
Anh ngữ như Art and Morality 1973 (chung với V.H.
Viglielmo), Fundamental Problems of Philosophy 1970, Last Writing:
Nothingness and the Religious Worldview 1987 (bản dịch sang
Pháp ngữ của Sugimura và Cardonnel: Logique du lieu et vision
religieuse du monde 2000). Jacynthe Tremblay đồng ý với
Nishitani Keiji về quan niệm “chỉ
có hai triết gia đứng hàng đầu trong nhiệm
vụ lịch sử đề ra ở thời đại
của họ là Bergson và Nishida, khởi sự với kinh
nghiệm thuần túy, nỗ lực xây dựng lên một
loại hình triết học mới đại diện cho
nửa đầu thế kỷ XX.” Theo Tremblay, kinh
nghiệm thuần túy như vậy là hình thái tiên khởi
cho trực quan cơ bản của Nishida, để thiết
lập một triết học như thể tri thức
khái niệm chính xác, cho đến ngày nay, ông vẫn
được xem như là triết học lớn nhất
của Nhật bản.
Trường phái Kyōtō
đã được giới thiệu trên diễn
đản triết học phương Tây qua hợp
tuyển The Buddha Eye, An Anthology of the Kyoto School 1982 do
Frederick Franck biên tập, với những bài viết của
Suzuki, Nishitani, Abe, Ueda, Takeuchi v.v.., L'Ecole de Kyôto với
những bài viết của Bernard Stevens, Shizuteru Ueda, Kiyoshi
Himi trong Etudes phénoménologiques 1993, hay như tác phẩm
của James W. Heisig Filósofos de la nada: Un ensayo sobre la
escuela de Kioto 2001 viết về ba khuôn mặt lớn, ba
thế hệ trong trường phái Kyoto là Nishida Kitaro, Tanabe
Hajime và Nishitani Keiji. Tác phẩm của những triết gia
này được dịch sang nhiều thứ tiếng,
như tác phẩm của những tên tuổi khác như Kuki
Shūzō, Watsuji Tetsurō, Abe Masao, Yuasa Yasuo, Takeuchi
Yoshinori, Hiroshi Kojima v.v...Những từ ngữ đặc
thù trong triết học Nhật như Zen, Sùnyatà, Iki
v.v…đã phổ cập trong thuật ngữ triết
học thế giới do ảnh hưởng của các
triết gia nói trên, trong hoài bão như Nishitani đã khẳng
định: 'thiết lập những cơ sở mới
cho một thế giới đang sinh thành, một thế
giới thống nhất vượt lên trên những khu
biệt giữa Đông và Tây'.
Tư tưởng
cổ đại Ấn độ đã du nhập vào
giới học thuật phương Tây từ sớm, liên
quan đến vấn đề ngôn ngữ, văn hóa,
văn minh, tín ngưỡng song đối với nhiều
nhà triết học Ấn, cái bóng lớn tinh thần ấy
đã khiến phương Tây quên sự hiện diện
của triết học Ấn hiện đại. Đó là
quan điểm của chính những triết gia bản
địa, tuy nhiên với một nhà triết học
phương Tây như Roger-Pol Droit lại có có cách nhìn khác,
trong tác phẩm L'Oubli de l'Inde 1989 mà ông mệnh
danh là một chứng kiện vong triết lý/une amnésie
philosophique. Ông đặt vấn đề: điều gì
xẩy ra, để những triết gia quên Ấn
độ? Lãng quên gấp đôi. Trước hết liên
quan đến vô số tài liệu do những nghiên cứu
chuyên biệt về Ấn ngày nay để mọi
người tuỳ nghi sử dụng. Không thể tin
đượclà chỉ riêng những nghiên cứu ấy,
khối lượng phi thường hay kỹ thuật
đủ để giải thích trong cái khinh thị nào, nói
chung người ta xử lý chúng. Vì lượng thông tin
phong phú, chuyên biệt hóa, bước thí nghiệm sơ
khởi do yêu cầu vận dụng cũng bị đè
nén, nếu không muốn nói là hơn thế nữa trong
những phạm vi tri thức khác. Mặt khác, quên lãng này
lạ hơn nữa là liên quan đến quan hệ của
triết học với chính nó, với quá khứ gần ,
với diễn từ của một số trong những bậc
thày, không phải là kém cỏi. Điều gì đã xẩy
ra khiến cho triết học dường như hoàn toàn
đánh mất ký ức vậy? Để trả lời những
vấn nạn ấy, Roger-Pol Droit lấy chứng
nghiệm ngay ở xứ ông, nước Pháp, đã có
truyền thống lâu đời nghiên cứu về Ấn,
ngay từ thế kỷ 19, những nhà nghiên cứu,
chuyền về Phạn ngữ, song vẫn là triết gia.
Song những ngăn cách vẫn tồn tại, giữa
những nhà bác ngữ với triết gia, giữa những
nhà triết học hiện đại, chuyên về Ấn
hay tây phương, giữa những nhà triết học
chuyên Ấn và những triết gia chỉ chú trọng
đến Tây phương của họ.
Trong tác phẩm
kế tiếp của Roger-Pol Droit Le Culte du Néant, Les
philosophes et le Bouddha 1997 ông chỉ ra lý giải
lầm lẫn của các nhà triết học phương
Tây về tư tưởng Phật giáo, từ Hegel
đến Nietzsche, qua Schopenhauer, “do luôn luôn tham chiếu
đến một Phật giáo tưởng tượng
được nói đến qua những tầng khác nhau
của chủ nghĩa hư vô: đồng nhất Hữu
thuần túy với hư vô, phủ định ý chí
sống, hiện hữu của một thế giới
những giá trị. Trong ý nghĩa này, sùng bái hư vô lập
thành một phòng thí nghiệm ẩn dấu nhằm moơ
rộng lý luận chủ nghĩa hư vô châu Âu.” Do đó,
theo Droit lịch sử “sùng bái hư vô” hỗn đồng
với lịch sử của một thế kỷ dẫn
đến thời điểm của những cuộc
thế chiến và man rợ độc tài.
Mối hoài nghi
của Droit dường như để phê phán những
tư trào đương hoạt ở địa lục
châu Âu, như Husserl, Heidegger không biết gì đến triết
học Ấn, khiến ông tự hỏi “tại sao trong những năm
1935-1936 (thời điểm xuất hiện Khủng
hoảng của những khoa học Âu châu và hiện
tượng luận siêu nghiệm của Husserl), khả
hữu của một lãnh hội triết lý Ấn lại
có thể biến mất hoàn toàn như vậy, kể
cả khi Heidegger “nghĩ đến nhũng quan hệ
huyền diêu với phương Đông” mà ông viết trong Thư
về Nhân bản luận cũng chỉ để nói
về Trung hoa và Nhật, hoàn toàn im lặng về Ấn
độ, mặc dầu Heidegger có mối quan hệ tư
tưởng với Dilthey (người rõ về Ấn) và
người học trò của Dilthey là G. Misch (tác giả Der
Weg in der Philosophie 1926 kết tập những bản
văn hy lạp tiền Socrate, những bản văn
Phạn ngữ và Hoa ngữ).
Dale Riepe trong Indian
Philosophy since Independence 1979 đã đưa ra những lý
giải tại sao ngày nay phải nghiên cứu triết
học Ấn? Một, vì sự phát triển của
triết học Ấn ngoài vòng chủ nghĩa thực dân,
thực dân mới và phong kiến, là quốc gia lãnh
đạo triết học của Thế giới thứ
Ba; hai, triết học Ấn là mối quan tâm toàn cầu;
ba, Ấn là điển hình kiểu mẫu của tư
tưởng phóng nhiệm/laissez faire trong Chiến tranh
Lạnh; bốn, ảnh hưởng của chủ
nghĩa tư bản và độc lập lên truyền
thống cổ điển và phong kiến Ấn trong
triết học rất đáng quan tâm. Sự đối
nghịch giữa phát triển triết học ở Ấn
từ lúc Độc lập vào 1947 với ở Trung hoa theo
chủ nghĩa xã hội từ 1949 chỉ ra những khác
biệt về chủ nghĩa nhất nguyên và đa nguyên,
về đường lối dân chủ đại
nghị, tự do và chyên chính toàn trị.
Sự phát triển
triết học Ấn ở nửa sau thế kỷ 20
từ Độc lập có thuận lợi ở chỗ
phổ cập bằng Anh ngữ như Mohanty nhận xét: dòng
chính những công trình triết học hầu như
suốt thế kỷ viết bằng Anh ngữ, song đa
số các nhà triết học này thủ đắc khả
năng trong nhiều trường phái triết học khác
nhau bằng Phạn ngữ. Phần lớn công trình chú
trọng đến triết học tỷ giảo, như
đối chiếu Samkara với Kant và Hegel, Ramanuja với
Hegel và những triết gia duy tâm Anh, Phật giáo với
Hume hay Whitehead, Dignaga với những nhà thực chứng
luận lý luận lý tân-Ny?ya với tân luận lý. Nhiều
học giả sử dụng lối tư duy phương
Tây lý giải những bản văn triết học Aán, qua
hai phương pháp chính là luận lý-phân tích và thông
diễn-hiện tượng luận. Những nhà triết
học như K.C. Bhattacharya, S. Radhakrishnan, Kalidas Bhattacharya,
N.V. Banerjee, Rash Vihari Das, T.R.V. Murti, Jitendra N. Mohanty, Jaswant L.
Mehta cónhững công trình độc đáo sáng tạo, kế
tục truyền thống song không bị trói buộc
bởi truyền thống. Nói chung những triết gia Ấn
hiện đại, theo Mohanty tham dự vào hai cuộc
đối thoại: đối thoại với chính
truyền thống của họ và đối thoại
với phương Tây, hợp thành cuộc đối
thoại lớn, có nghĩa là những khả năng lý
giải quá khứ không bao giời kiệt cạn. Kalidas
Bhattacharyya trong tham luận An Idea of comparative Indian
philosophy (in trong Jadavpur Studies in Philosophy 3, 1982) nói
đến loại hình nghiên cứu tỷ giảo liên quan
đến những khái niệm cơ bản của
những hệ thống triết Ấn khác nhau (hai nhóm
lớn là tự nhiên luận như Lokāyatas, Nyāya-Vaisesika,
Kỳ na, Mimāmsakas và siêu nghiệm luận như
những nhà triết học Sāmkhya-Yoga, Vedānta bao
gồm Saivas và Sakta chính thống và dị phái, Phật giáo).
Những nhà triết học như Jitendra Nath Mohanty (sinh
năm 1928) chuyên cứu hiện tượng luận
(với những tác phẩm như Phenomenology and Ontology
1970, Hussel and Frege 1982, The Possibility of Transcendental Philosophy 1985,
Transcendental Phenomenology: An Analytical Account 1989, Phenomenology,
Between Essentialism and Trancendental Philosophy 1997 ) song tinh
thần triết học truyền thống Ấn như
một sinh hoạt tâm linh tự trị thể hiện
trong The Self and Its Other , Philosophical Essays 2000 vào lúc
tuổi già, Jaswant Lal Mehta (1931-2009) trong India and the West, The
Problem of Understanding 1985 xác định cần
phải hiểu/lãnh hội cả đôi bên Đông/Tây trong
tha tính hỗ tương, học ngôn ngữ của mỗi
bên và nhập cuộc vào những đường lối
tư tưởng và nói trong tinh thần đối tác
của cả haiu thế giới, ngõ hầu chuyển
biến thành một. Ông nghiên cứu Heidegger, Bhattacharyya,
viết công trình tỷ giảo triết học Heidegger
với Vedanta.
Mohanty đề ra
bốn tín điều cần khắc phục: tín
điều về đối lập tuyệt đối,
tín điều về riêng tư của tâm linh, tín
điều về hiệu lực công cộng của ngôn
ngữ không thể giản lược và tín điều
về chân lý triết học một tầng. Ông tâm
đắc với nguyên lý bổ xung của Werner Heisenberg
trong khoa học tự nhiên với lý thuyết lượng
tử và ba động đem lại những mô tả
bổ xung cho những cấu thành vi mô của vật
chất, và đề nghị một lý luận duy thực,
tri giác những đối tượng vật chất, xác
định bản chất và lĩnh hội những
thực thể lý tưởng như những số
với một lý luận cấu thành, tất cả những
đối tượng như vậy được
cấu thành trong những tác động có ý , là những mô
tả bổ xung, không phải là những lý luận
đối lập mà nhà triết học bắt buộc
phải chọn lựa giữa chúng.
Những công trình,
như Nâgârjuna et la doctrine de la vacuité/Long Thọ và học
thuyết về tính Không 2001 của Jean-Marc Vivenza, Vacuité
(Sūnyatā) et Compassion (Karunā) dans le Bouddhisme
Madhyamaka/Tính không và Bi trong Trung quán luận Phật giáo 2002
của Ludovic Viévard, On Being and What There is, Classical Vaisesika
and the History of Indian Ontology 1992 của Wilhelm Halbíass, Authentic
Human Destiny, the Paths of Shankara and Heidegger 1998 của
Vensus A. George, Derrida and Indian Philosophy 1990 của
Harold Coward chẳng hạn là những tiêu biểu tỷ
giảo trên c0n đường nghiên cứu triết
học Ấn đánh dấu bước ngoặt triết
học.
Roland Barthes trong
những giảng khóa 27 tháng Năm 1978 và 3 tháng Sáu 1978
tại Collège de France đối chiếu khái niệm Kairos
Hy lạp và Vô vi trong Đạo đức kinh. Ông dẫn
Lão tử và Trang tử tham chiếu từ L'Esprit du Tao
1973 của Jean Grenier. Trong hai hợp tuyển Heidegger
and Asian Thought 1987 và Nietzsche and Asian Thought 1991 do Graham
Parkes chủ yếu đối chiếu Heidegger với
Lão-Trang qua những tiểu luận của Otto Pöggeler, Joan
Stambaugh, G. Parkes, Hwa Yol Jung hay đối chiếu Nietzsche
với Trang tử của Chen Guying, nghiên cứu tỷ
giảo giữa Ý chí tới quyền năng của Nietzsche
và khái niệm Đức của triết học Trung hoa
của Roger T. Ames là những bước đầu làm sinh
động tư tưởng Đạo giáo và Khổng
giáo. Những công trình của Angus C. Graham (1919-1991 với Disputers
of the Tao 1989), David S. Nivison (The Life and Thought of Zhang Xuecheng
1966, The Ways of Confucianism 1996), Roger T. Ames (Thinking through
Confucius 1987 chung với David L. Hall), Heiner Roetz (Confucian
Ethics of the Axial Age1993), Philip J. Ivanhoe (Ethics in the
Confucian Tradition 1990), không kể đến những tác
giả Trung quốc là những nghiên cứu kinh viện. Tuy
nhiên cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai nhà nghiên
cứu phương Tây Jean François Billeter và François Jullien đề
xuất ra một vấn đề mới trong góc nhìn
triết học Trung hoa về mặt chính trị. Billeter
(sinh năm 1939) học giả Thụy sĩ cũng như
Jullien (sinh năm 1951) học giả Pháp là những nhà chuyên
cứu Hán học, có nghĩa là khởi sự phải chuyên
cứu về ngôn ngữ văn tự Hán.
Billeter chuyên khảo
về Trang tử, với những tác phẩm như Etudes
sur Tchouang-tseu 2004 và Leçons sur Tchouang-tseu 2002 cho
xuất bản Contre François Jullien vào năm 2006 và
Jullien phản bác trong Chemin faisant, connaître la Chine, relancer la
philosophie đầu năm 2007 và Henry Zhao trong
điểm sách dưới nhan đề Contesting Confucius
là tiếng nói thứ ba trong cuộc tranh biện này.
(còn tiếp)
TẠP CHÍ GIO
No comments:
Post a Comment