Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 19 January 2014

TIN BIỂN ĐÔNG

   

  Diều hâu Trung Quốc và hội chứng đánh chiếm Trường Sa

Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã chính thức đưa vào sử dụng ngày 25/9/2012.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã chính thức đưa vào sử dụng ngày 25/9/2012.
REUTERS/Xinhua/Zha Chunming

Trọng Nghĩa
Trong những ngày qua, báo chí Trung Quốc rồi Philippines liên tục loan tin về một kế hoạch của quân đội Trung Quốc nhằm đánh chiếm một hòn đảo lớn do Philippines trấn giữ trong vùng quần đảo Trường Sa. Hư thực của kế hoạch này còn trong vòng tranh cãi, nhưng chắc chắn đây là những thông tin đến từ giới diều hâu Trung Quốc, từ lâu nay luôn luôn bị ám ảnh bởi mong muốn đánh chiếm toàn bộ Biển Đông, đến mức có thể gọi đây là một hội chứng.

Trước cái gọi là kế hoạch đánh Philippines để chiếm lấy đảo Thị Tứ (tên Philippines là Pag-asa, tên Trung Quốc Trung Nghiệp đảo), báo chí Trung Quốc vào giữa năm ngoái 2013 từng đưa ra một chiến lược rửa nhục « mất nước » của họ khi tiết lộ 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc tất yếu phải thắng trong vòng 50 năm tới đây. Trong số các cuộc chiến này, Biển Đông được xếp thứ hai trong thứ tự ưu tiên, chỉ sau Đài Loan. 
Về kế hoạch đánh chiếm đảo Thị Tứ, nhật báo The Philippine Star, ngày 14/01/2014 dẫn lại bài viết tiếng Hoa đăng trên báo mạng Tiền Chiêm (Qianzhan) – tức là Triển vọng - của Trung Quốc, và được báo mạng China Daily Mail cũng của Trung Quốc dịch qua tiếng Anh. 
Theo tác giả bài này, thì Hải quân Trung Quốc đã vạch kế hoạch tác chiến chi tiết để tấn công và chiếm giữ đảo Thị Tứ, bị Bắc Kinh cho là đang bị Philippines chiếm đóng trái phép. Chiến sự chỉ giới hạn ngoài Biển Đông, chứ không lan vào lãnh thổ Philippines. 
Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa, hiện đang do Philippines kiểm soát, đặt trên đấy cả một sân bay, cư dân bao gồm cả lính và thường dân khoảng 200 người. Đảo này hiện có 4 bên tranh chấp chủ quyền : Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan. 
Tờ báo mạng Trung Quốc Tiền Chiêm dẫn một số nguồn tin cấp cao cho biết là kế hoạch dự trù trước tiên việc sẽ ra tối hậu thư buộc Philippines rút nhân sự, cơ sở khỏi đảo Thị Tứ rồi mới triển khai Hạm đội Nam Hải xua quân chiếm đóng.
Cuộc chiến được dự báo sẽ chỉ kéo dài trong 2 giờ đồng hồ và hải quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng thiết lập cơ sở phòng thủ trên đảo nhưng sẽ không « tiến sâu vào lãnh thổ Philippines ».Tờ báo cũng cho biết là phía Trung Quốc cũng đã chuẩn bị đối phó nếu Mỹ hỗ trợ đồng minh Philippines, dùng Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải để chặn Hạm đội 7 của Mỹ không cho tiến gần khu vực Trường Sa. 
Chính phủ Philippines phản ứng rất bình tĩnh trước các thông tin này, cho biết là sẽ xem xét thực hư trước khi ra tuyên bố chính thức. 
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà giới diều hâu tại Trung Quốc tung ra nào là chiến lược, nào là kế hoạch nhằm tấn công chiếm lại những vùng lãnh thổ, biển đảo, hiện do các láng giềng kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc cho là trước đây đã thuộc chủ quyền của họ. 

  Đáng chú ý nhất trong các chiến lược, kế hoạch này là tiết lộ hồi mùa hè năm 2013 vừa qua về các cuộc chiến mà Trung Quốc phải khởi động trong vòng nửa thế kỷ tới đây, với những mốc thời gian cụ thể. 
Kế hoạch này xuất hiện trong một bài báo tiếng Hoa ngày 18/07/22013 đăng trên tờ Văn Hối Báo (Wenweipo) thân Bắc Kinh tại Hồng Kông, mang tựa đề « Trung Quốc vị lai 50 niên lí tất đả đích lục tràng chiến tranh », tức là « Sáu cuộc chiến mà Trung Quốc tất yếu phải đánh trong 50 năm sắp tới ». Bài này sau đó đã được nhiều trang mạng dịch ra tiếng Anh dưới tựa : Six Wars China Is Sure to Fight In the Next 50 Years. 
Theo thứ tự thời gian, bài báo nêu lên các cuộc chiến sau đây :
1. Thống nhất Đài Loan (2020-2025)
2 . Tái chinh phục các quần đảo ở Biển Đông (2025-2030) từ tay các nước Đông Nam Án với đối tượng cần đánh phủ đầu là Việt Nam. 
3 . Tái chinh phục vùng Nam Tây Tạng (2035-2040) bằng cách tăng cường giúp đỡ kẻ thù của Ấn Độ là Pakistan, qua đó thúc đẩy sự phân rã của Ấn Độ. 
4 . Tái chinh phục từ tay Nhật Bản các quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) cũng như chuỗi đảo Ryukyu (có đảo Okinawa) trên Biển Hoa Đông (2040-2045) 
5 . Thống nhất vùng Ngoại Mông (2045-2050), cho phép Trung Quốc đưa quân đến sát biên giới Nga, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thứ sáu. 
6 . Khôi phục các lãnh thổ bị Nga chiếm đoạt (2055-2060). 
Liên quan trực tiếp đến Việt Nam trong danh mục trên đây là cuộc chiến tranh thứ 2 nhằm chiếm quần đảo Trường Sa. Theo tác giả bài báo, cuộc chiến này đặt tiền đề trên khả năng các quốc gia Đông Nam Á run sợ sau khi Trung Quốc thống nhất được với Đài Loan bằng võ lực. 


Bài báo viết :
« Sau khi thống nhất Đài Loan (vào năm 2025), Trung Quốc sẽ nghỉ ngơi trong hai năm. Trong thời gian dưỡng sức, Trung Quốc sẽ gửi tối hậu thư cho các nước xung quanh quần đảo Trường Sa với thời hạn chót là năm 2028. Các nước có tranh chấp chủ quyền quần đảo có thể thương lượng với Trung Quốc để bảo tồn các phần đầu tư của họ tại Trường Sa, nhưng phải từ bỏ đòi hỏi lãnh thổ. Nếu không, một khi Trung Quốc tuyên chiến với họ, phần đầu tư và lợi ích kinh tế của họ tại Trường Sa sẽ bị Trung Quốc tịch thu ».
Tác giả bài báo giả định rằng trước uy lực của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á sẽ ngồi vào bàn đàm phán, nhưng sẽ không muốn từ bỏ lợi ích của họ. Do đó, họ sẽ có thái độ chờ thời, và tiếp tục trì hoãn không đưa ra quyết định cuối cùng. Họ sẽ chần chờ, phân vân giữa hòa bình và chiến tranh cho đến khi Trung Quốc hành động. 


Về khả năng Mỹ can thiệp, tác giả bài báo cho rằng sau khi bất lực không ngăn được Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan trong cuộc chiến trước đó, Hoa Kỳ sẽ tránh trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, mà tìm cách ngấm ngầm giúp các nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines.
Theo tác tác giả bài viết, trong số các nước quanh Biển Đông, chỉ có Việt Nam và Philippines là dám thách thức sự thống trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước này sẽ suy nghĩ hai lần trước khi lao vào cuộc chiến với Trung Quốc, trừ khi họ thất bại trên bàn đàm phán và chắc chắn được hỗ trợ quân sự từ Mỹ.


Về chiến thuật tấn công, bài báo không một chú mơ hồ : « Lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc là tấn công Việt Nam trước, vì Việt Nam là quốc gia mạnh nhất trong khu vực. Đánh bại được Việt Nam là có thể đe dọa được các nước còn lại. Trong khi cuộc chiến tranh với Việt Nam diễn ra, các nước khác sẽ không động đậy, và nếu Việt Nam bị thua, các quốc gia sẽ trao trả các đảo lại Trung Quốc vì nếu không, họ sẽ tuyên chiến với Trung Quốc ».
Điều đáng ghi nhận là tính chất không tưởng của kế hoạch trên đây, vì xuất phát trên tiền đề là tất cả các nước bị Trung Quốc tấn công đều ngồi yên để cho Trung Quốc đánh, trong lúc cộng đồng quốc tế cũng lặng thinh không nói gì. Kịch bản đánh chiếm đảo Thị Tứ do Philippines vừa được tung ra cũng xem nhẹ phản ứng từ bên ngoài. Dẫu sao, khi đã gọi là hội chứng, thì phần logic không cần thiết.
tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Lãnh thổ - Philippines - Tranh chấp - Trung Quốc - Trường Sa - Việt Nam - Xung đột
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140120-dieu-hau-trung-quoc-va-hoi-chung-danh-chiem-truong-sa

 

Tướng lãnh Trung Quốc hô hào tiến hành chiến tranh ở Biển Đông

Một tướng lãnh nổi tiếng của Trung Quốc mới đây đã hô hào cho việc tiến hành chiến tranh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa lúc có tin đồn là trong năm nay Trung Quốc sẽ đánh chiếm một hòn đảo đang do Việt Nam kiểm soát.

Trong cuộc phỏng vấn hồi gần đây trên tờ Tham Khảo Quốc phòng, Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng quân đội nước ông đang có một “cơ hội chiến lược” để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Vị tướng nổi tiếng nhờ chủ trương “Tây Bộ Luận” này cho rằng việc tận dụng và nắm bắt các cơ hội như vậy sẽ giúp quân đội Trung Quốc có được sức mạnh ngang hàng với Hoa Kỳ.

Ông Lưu nói rằng những vùng biên giới mà Trung Quốc từng chiến đấu để giành được đều ổn định và hòa bình hơn, còn những vùng mà Bắc Kinh có thái độ nhún nhường thì có nhiều tranh chấp, căng thẳng.

Phát biểu của Tướng Lưu Á Châu đã gặp phải sự phê phán của một số các nhà phân tích ở Trung Quốc. Những người này cho rằng chủ trương của ông Lưu là “cực đoan”, sai lầm và không phản ánh đường lối chính thức của Trung Quốc.

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) trích lời ông Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Ma Cao, nói rằng phát biểu của ông Lưu có mục đích bênh vực cho những hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông sau khi Bắc Kinh loan báo thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển này hồi cuối năm ngoái.

Ông Dong nói rằng “Phát biểu của ông Lưu chắc chắn là nhắm tới mục đích làm vui lòng Chủ tịch Tập Cận Bình vì ông Tập cũng cần phải chứng tỏ là việc loan báo vùng phòng không có được sự ủng hộ của quân đội.”

Một chuyên gia hải quân ở Thượng Hải, ông Nghê Lạc Hùng, cũng không tán thành ý kiến là quân đội Trung Quốc cần kinh nghiệm chiến đấu để “thử lửa” của ông Lưu Á Châu.

Ông Nghê nói, “Chiến thắng trong các cuộc chiến với Liên Sô cũ, Việt Nam và Ấn Độ đã không mang lại hòa bình thật sự cho Trung Quốc, mà những cuộc thương thuyết chính trị và ngoại giao sau đó mới nắm giữ vai trò then chốt cho sự ổn định của Trung Quốc trong những thập niên qua.”

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan, ông Dương Niệm Tổ, cho rằng cuộc phỏng vấn của ông Lưu Á Châu nhắm tới việc tăng cường sĩ khí của quân đội và thúc đẩy họ tiến hành các biện pháp cải cách, như đòi hỏi của ông Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012.

Ông Dương cho rằng phát biểu của ông Lưu không có nghĩa là “Bắc Kinh sẽ có hành động quân sự ngay lập tức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, vì điều này không phù hợp với chiến lược quốc phòng và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.”

Lời hô hào của Tướng Lưu Á Châu được đưa trong lúc dư luận Việt Nam đang xôn xao trước những thông tin nói rằng trong năm nay Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo Thị Tứ, một hòn đảo tương đối lớn thuộc quần đảo Trường Sa, hiện đang do Philippines kiểm soát.

Hồi đầu năm nay, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc trích lời ông Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia, nói rằng mục tiêu chính của Trung Quốc trong năm 2014 là tăng cường điều mà ông gọi là “sự hiện diện được bình thường hóa” ở Biển Đông.

Nguồn: South China Morning Post / Thanh Nien
 
 

Thượng tướng Trung Quốc: "Xung đột Biển Đông là cơ hội để thử sức"?!

16/01/14 13:30
(GDVN) - Lưu Á Châu nhận xét, xung đột trên Biển Đông và Hoa Đông sẽ cung cấp cơ hội cho quân đội Trung Quốc thử sức và Bắc Kinh cần nắm bắt nó.
Lưu Á Châu, lon Thượng tướng không quân Trung Quốc.
Bưu điện Hoa Nam ngày 16/1 dẫn lời một viên Thượng tướng từ đại học Quốc phòng Trung Quốc Lưu Á Châu nhận xét, xung đột trên Biển Đông và Hoa Đông sẽ cung cấp cơ hội cho quân đội Trung Quốc thử sức và Bắc Kinh cần nắm bắt nó.

Ý kiến "cấp tiến", hiếu chiến của Lưu Á Châu không phản ánh chính sách chính thức của giới cầm quyền Bắc Kinh, các nhà phân tích quân sự khác nói với Bưu điện Hoa Nam trong khi ông Châu khẳng định, muốn sánh ngang với quân đội Mỹ thì Bắc Kinh không nên bỏ qua những cơ hội thử nghiệm trên Biển Đông, Hoa Đông.

"Một quân đội thất bại để giành chiến thắng chẳng có gì đáng nói. Ở các khu vực biên giới nơi quân đội Trung Quốc giành được chiến thắng đã trở nên hòa bình, ổn định hơn, nhưng cũng có những nơi Trung Quốc đã quá nhút nhát với những tranh chấp", Lưu Á Châu nói với tạp chí Quốc phòng tham khảo.

Các nhà phân tích nói với Bưu điện Hoa Nam, ý kiến hiếu chiến của Lưu Á Châu có thể phản ánh suy nghĩ của một số tướng lĩnh lãnh đạo quân đội Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ, nhưng nó đi ngược lại những chiến lược của Bắc Kinh và có thể gây tổn hại lâu dài đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu.
"Phát biểu của Lưu Á Châu chỉ đại diện cho quan điểm của ông ta hay một số quan chức quân sự cấp cao, nhưng không phải là cả quân đội Trung Quốc", Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng về hưu nhận xét.
"Ông Lưu Á Châu phát biểu những điều này chắc chắn nhằm mục đích lấy lòng Tập Cận Bình và ông Bình cũng cần nó để làm nổi bật khu nhận diện phòng không được quân đội hỗ trợ", Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự Macau nhận xét.
Lưu Á Châu đang tìm cách bảo vệ các hoạt động leo thang quân sự hung hăng của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông.
Viên Thượng tướng này cho biết, Trung Quốc đã không tham gia cuộc chiến tranh nào kể từ năm 1979 tấn công Việt Nam trong khi quân đội Mỹ đã chỉ huy nhiều chiến dịch phức tạp trong những thập kỷ gần đây.
Dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, quân đội  Trung Quốc đã từng chiến đấu với lính Mỹ tại bán đảo Triều Tiên những năm 1950, xung đột biên giới Trung - Ấn năm 1962, một trận chiến với Liên Xô tại đảo Damansky năm 1969.
 

Một số học giả, tướng tá Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hiếu chiến. Hình minh họa.
Lưu Á Châu cho rằng hiện tại quân đội  Trung Quốc đã có "một cơ hội chiến lược" để tăng cường khả năng quân sự của mình để bảo vệ yêu sách "chủ quyền" vô lý và phi pháp của họ ở Biển Đông, Hoa Đông.
Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh nhận xét, an ninh biên giới của Trung Quốc không thể dựa vào sức mạnh quân sự bởi Trung Quốc có hơn 20 quốc gia láng giềng  và lập luận của ông Châu rằng quân đội Trung Quốc đã mang lại hòa bình và ổn định cho tuyến biên giới của mình là một sai lầm.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tổ cho biết, nhận xét của Lưu Á Châu nhằm kích thích tinh thần quân đội Trung Quốc vượt qua các bài tập cường độ cao đi kèm với cải cách quân sự để thực hiện yêu cầu của Tập Cận Bình khi lên nắm quyền.
Tuy nhiên ý kiến của Lưu Á Châu không có nghĩa là Bắc Kinh lập tức sẽ có hành động quân sự để giải quyết vấn đề lãnh thổ vì điều này không phù hợp với chiến lược quốc phòng và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, ông Dương Niệm Tổ cho biết.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thuong-tuong-Trung-Quoc-Xung-dot-Bien-Dong-la-co-hoi-de-thu-suc-post137361.gd

 Trung Quốc làm Biển Đông dậy sóng trở lại
NEXT
Nghe
Thêm vào danh mục của tôi
Tải về
Embed
Các chiến đấu cơ Hoa Kỳ trên chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington, ngoài xa là tuần dương hạm USS Cowpens, trong chuyến thăm hữu nghị các nước tại vùng Biển Đông. Ảnh chụp ngày 3/9/2010.
Các chiến đấu cơ Hoa Kỳ trên chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington, ngoài xa là tuần dương hạm USS Cowpens, trong chuyến thăm hữu nghị các nước tại vùng Biển Đông. Ảnh chụp ngày 3/9/2010.
Reuters
Trọng Nghĩa
Sau gần một năm tương đối êm lặng, vào cuối năm 2013 sắp kết thúc, Biển Đông lại có dấu hiệu nổi sóng khi hai tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc suýt đâm vào nhau. Hầu hết các nhà phân tích đều quy cho Trung Quốc là thủ phạm khuấy động Biển Đông, sau khi chính Bắc Kinh đã gây sóng gió trên Biển Hoa Đông với việc áp đặt một vùng nhận dạng phòng không trùm lên các khu vực đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Vấn đề đáng ngại là dù bị phản đối kịch liệt về quyết định đơn phương của họ trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã không loại trừ việc thiết lập một vùng phòng không tương tự trên Biển Đông.
Vụ hai chiến hạm Mỹ và Trung Quốc « suýt va chạm » vào nhau trên Biển Đông xẩy ra hôm 5/12/2013, khi chiếc USS Cowpens, tuần dương hạm Mỹ có trang bị tên lửa dẫn đường, bị buộc phải bẻ lái khẩn cấp để tránh va đụng vào một tàu đổ bộ Trung Quốc đã đột nhiên cắt ngang đường tiến của chiếc tàu Mỹ.
Giới quan sát đã ghi nhận là vụ việc này xẩy ra đúng vào lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chuẩn bị lên đường công du hai nước Đông Nam Á đang ở trên tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc : Việt Nam và Philippines.
Sau một thời gian im lặng, để cho báo chí của mình liên tục nã pháo vào Mỹ, Chính quyền Trung Quốc, thông qua Bộ Quốc phòng nước này, đã chính thức xác nhận sự vụ đã được phía Mỹ tiết lộ ít lâu sau khi vụ việc xẩy ra. Bắc Kinh đã giảm nhẹ hẳn tầm mức nghiêm trọng của sự kiện mà bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ gọi là một cuộc « gặp gỡ » trên Biển Đông.
Khác với lời lẽ hòa dịu của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã không ngần ngại đánh giá rằng hành vi « cắt đường » của tàu hải quân Trung Quốc là một điều « không thể chấp nhận được ».
Dẫu sao thì diễn biến trên đây liên quan đến tàu Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc đã khuấy động Biển Đông trở lại sau nhiều tháng trời bể lặng sóng yên.

Sau Biển Hoa Đông sẽ đến lượt Biển Đông ?
Một số nhà quan sát đã tự hỏi rằng sự cố nói trên liệu có phải là tín hiệu dự báo tình hình căng thẳng trở lại trong thời gian sắp tới đây hay không, nhất là khi nhiều quan chức Trung Quốc đã không loại trừ khả năng là Bắc Kinh, sau khi lập ra một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, sẽ có một quyết định tương tự tại Biển Đông, nơi mà chiếc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng với đội tàu hộ tống hùng hậu đã được phái đến nơi chuẩn bị tập trận.
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông, thì hai sự kiện tưởng như tách biệt với nhau là việc áp đặt vùng phòng không trên Biển Hoa Đông với sự cố giữa hai chiếc tàu Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, trong thực tế có liên quan với nhau, thể hiện ý đồ lấn lướt của Bắc Kinh đối với các láng giềng.
Trong tình hình đó, cho dù đã có rất nhiều chuyên gia phân tích khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không dám thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông tương tự như những gì họ đã làm trên Biển Hoa Đông, giáo sư Long không loại trừ khả năng Trung Quốc ngang nhiên thách thức các nước khác.

Theo Giáo sư Long, việc tàu Trung Quốc khiêu khích tàu Mỹ là dấu hiệu Biển Đông bắt đầu nổi sóng trở lại, khởi đầu bằng việc Bắc Kinh cho tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông.
Nhận định chung về sự can dự của Mỹ vào hồ sơ Biển Đông mà trong thời gian qua có dấu hiệu lơ là, giáo sư Long cho rằng không có lý do gì mà Mỹ lại bỏ rơi một chính sách mà họ đã dày công xây dựng.


Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
 
26/12/2013
by Trọng Nghĩa
Vụ tàu Cowpens : Không phải là sự cố mà là sự cố tình
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Long trước hết xác định rằng vụ hai chiến hạm Mỹ và Trung Quốc suýt đụng nhau trên Biển Đông đầu tháng 12 này là một sự cố tình, nhằm mục tiêu thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ sau khi đã nắn gân Mỹ lần đầu tiên nhân vụ « Vùng nhận dạng phòng không » trên Biển Hoa Đông.
Ngô Vĩnh Long : Đây không phải là sự cố mà là một sự cố tình của Trung Quốc để chứng minh với dân chúng của họ rằng Trung Quốc thách đố Mỹ, và cũng là để thăm dò phản ứng của Mỹ đối với Việt Nam hay Philippines khi Ngoại trưởng John Kerry đến thăm hai nước này...

Chúng ta nên nhớ rằng trước khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sang châu Á, Trung Quốc đã đưa ra cái gọi là « vùng nhận dạng phòng không », để xem thử phản ứng của phía Mỹ như thế nào.
Do đó, tôi nghĩ đây là một hành động cố tình, mà khi nói đến « sự cố tình », thì vấn đề Biển Đông quan trọng hơn là Biển Hoa Đông. Trung Quốc đưa ra vấn đề vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông chính là để thăm dò Mỹ, nếu phản ứng của Mỹ không mạnh, thì Bắc Kinh sẽ lấn tới ở Biển Đông.
Tôi nghĩ rằng hai vấn đề này có quan hệ rất mật thiết.
RFI : Giáo sư đánh giá như thế nào về phản ứng của Mỹ liên quan đến vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông ?


Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng phản ứng của Mỹ lúc ban đầu không đủ mạnh, không đủ rõ ràng, làm cho Trung Quốc thử thách Mỹ một lần nữa trên Biển Hoa Nam, tức là Biển Đông.
Khi Trung Quốc đưa ra vùng nhận dạng phòng không, Hoa Kỳ chỉ phái hai chiếc B-52 không võ trang đi vào đó, nhưng sau đó lại nói với các hãng hàng không Mỹ rằng khi đi qua vùng phòng không này, thì nên báo cho Trung Quốc biết.
Sự kiện Trung Quốc lập ra vùng phòng không - và nói rằng nước nào có máy bay đi qua phải báo cho Trung Quốc biết - là điều chưa từng có trong luật pháp của thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc đã chống lại, và Tokyo đã nói với các hãng hàng không của họ là không cần báo cáo. Thế mà Mỹ, một nước đồng minh của Nhật, lại có một thái độ do dự như vậy !
Lẽ dĩ nhiên tôi hiểu là Mỹ muốn tình hình ổn định, và muốn thăm dò Bắc Kinh trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Biden, nhưng thái độ của Mỹ như vậy đã thúc Trung Quốc thử nắn gân Mỹ thêm một lần nữa xem như thế nào.
Và chúng ta cũng nên nhớ rằng : Cùng lúc với việc đưa ra vùng phòng không trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng đưa hàng không mẫu hạm vào Biển Đông. Cho nên, như tôi vừa nói, hai vấn đề (Biển Hoa Đông và Biển Đông) có quan hệ mật thiết với nhau, và vụ việc ở Biển Đông là một sự cố tình, chứ không phải là sự cố.
Một hình thức "nắn gân" lần thứ hai
RFI : Vụ « suýt nữa va chạm » giữa tàu Trung Quốc và tàu Mỹ trên Biển Đông là biện pháp « nắn gân » Mỹ thứ hai của Trung Quốc sau vụ vùng phòng không trên Biển Hoa Đông ?
Ngô Vĩnh Long : Vâng. Chúng ta có thể nói như vậy, và chúng ta cũng có thể nói là vụ đó giống như vụ suýt đụng tàu Impeccable của Mỹ ở đảo Hải Nam, rồi sau đó Trung Quốc cho tiềm thủy đỉnh đi theo tàu John McCain từ Việt Nam sang đến Philippines năm 2009, rồi tới vụ cắt giây cáp.
Đây là một vấn đề cố tình, và theo tôi, Mỹ phải có một phản ứng rõ ràng, phải nói rõ cho Việt Nam và Philippines biết là chính sách của Mỹ như thế nào đối với khu vực, bởi vì nếu không, Việt Nam sẽ ẫm ờ, và điều đó không giúp ích gì cho quan hệ đối với Mỹ, cũng như không giúp ích gì nhiều cho việc thúc đẩy các nước khác trong ASEAN chống chính sách bành trướng và thách thức của Trung Quốc.

RFI : Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông khả thi hay không ?
Ngô Vĩnh Long : Khả thi hay không thì không biết, nhưng nếu xem là Trung Quốc có thể tiến đến vấn đề đó hay không thì tôi nghĩ là có thể lắm, bởi vì Trung Quốc đã đưa ra vùng lưỡi bò chiếm hơn 80% Biển Đông, rồi khi tàu đánh cá của Việt Nam, của Philippines, của các nước khác đi qua, thi Trung Quốc đe dọa bắt ngư dân, rồi bắn tàu của họ… Trung Quốc như vậy đã thi hành điều này trên biển rồi.
Bây giờ họ có thể đưa ra chính sách, nói rằng « Đường lưỡi bò này là của chúng tôi rồi, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra từ bao nhiêu năm rồi - từ năm 2009 - thì bây giờ vấn đề thành lập vùng nhận diện phòng không bên trên vùng biển đó của chúng tôi cũng là điều hợp lý thôi ! »
Khả năng Trung Quốc lập vùng phòng không trên Biển Đông như vậy không phải là không có.
Mà Trung Quốc làm vấn đề đó để làm gì ? Để cho các nước khác phải đi gặp Trung Quốc, phải thương lượng…, và Trung Quốc qua đó làm áp lực trên nước này, nước kia để buộc họ nhượng bộ Trung Quốc.
Và dù cho không đạt được nhượng bộ, chính phủ Trung Quốc cũng có thể chứng tỏ với dân chúng họ là bây giờ họ mạnh rồi, dám thách thức Mỹ, dám thách thức đồng minh của Mỹ như là Nhật, như là Hàn Quốc, như là Philippines. Việc đó sẽ đánh lạc hướng dân chúng Trung Quốc trong việc tranh đấu, đòi hỏi thêm quyền lợi trong lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị.
Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc cố tình làm việc này, vì không có lợi mặt này, thì cũng có lợi mặt khác cho họ...
Trung Quốc có thể thành lập vùng phòng không trên toàn bộ Biển Đông, hay chỉ trên những khu vực mà hiện họ đang chiếm lĩnh như Hoàng Sa và một số đảo khác ở Trường Sa.
Tuy nhiên, chúng ta không nên coi thường vấn đề là Trung Quốc có thể lập vùng phòng không trên Biển Đông, vì vấn đề chính của Trung Quốc là muốn « gây gổ » để làm các nước khác bận rộn và phải thương lượng với họ, được hay không là vấn đề khác,
Họ cố ý làm sinh chuyện để làm cho dân chúng họ mất định hướng, và nhìn vào vấn đề một cách không đúng. 
RFI : Sự dấn thân của Mỹ vào hồ sơ Biển Đông thời Kerry-Hagel có kém hơn thời Clinton-Panetta ?
Ngô Vĩnh Long : Bề ngoài thì có vẻ như vậy, vì trong năm qua, Trung Quốc lại ra vẻ đường mật với các nước Đông Nam Á. Thấy là Tổng thống Mỹ Obama không sang được Đông Nam Á, Trung Quốc đã đến các cuộc họp rồi đưa ra những lời đường mật thế này thế kia…
Mỹ họ cũng thấy điều đó, nhưng nếu Trung Quốc không thách thức, thì Mỹ không đẩy vấn đề này làm gì, vì mục tiêu là làm sao có ổn định trong khu vực, có ổn định tạm thì cũng được, để lo cho vấn đề lâu dài.


Biển Đông đang nổi sóng trở lại
Nhưng theo tôi, tình hình tạm yên, không có nghĩa là Biển Đông sẽ không nổi sóng thêm lên, và Mỹ họ cũng biết như vậy, thành ra họ muốn dùng thời gian đang êm lặng này – và theo tôi Việt Nam cũng làm như vậy – để tổ chức, để thiết lập những chính sách phòng ngừa sự kiện Biển Đông nổi sóng trở lại, và tôi nghĩ là Biển Đông đang nổi sóng.
RFI : Những dấu hiệu Biển Đông đang nổi sóng ?
Ngô Vĩnh Long : Những dấu hiệu đang nổi sóng là việc Trung Quốc đưa hàng không mẫu hạm của họ và một số tàu bảo về vào Biển Đông. Đây là lần đầu mà Trung Quốc làm như thế, nên tôi cho đây là một sự đe dọa. Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường sự thách đố của họ ở Biển Đông.
Mỹ không tốn công đề ra một chính sách rồi bỏ ngang
Nhưng mà chính sách của Mỹ thường được làm một cách rất bài bản. Theo kinh nghiệm của tôi, đã hoạt động ở bên Mỹ và đã có chân trong nhiều nhóm làm chính sách, tôi thấy rằng Mỹ không thể bỏ bao nhiêu công sức để thiết lập ra một chính sách như vây để rồi sau đó rút đi. Không phải như vậy.
Nhưng mà nếu muốn Mỹ làm gì thêm, thì ít nhất là Việt Nam phải năng động hơn, để giúp Mỹ có thể năng động hơn, bằng không, nếu mà tình hình tạm yên thì Mỹ cũng để như vậy thôi. Cho nên vấn đề là các nước trong khu vực có giúp Mỹ để thúc đẩy vấn đề này cho nó mạnh thêm hay là không.
RFI : Nhưng mà Philippines đã có dấu hiệu rất năng nổ trong vấn đề lôi kéo Mỹ nhập cuộc ?
Ngô Vĩnh Long : Vâng, Philippines không chỉ năng nổ trong vấn đề kéo Mỹ, mà còn lôi kéo cả Nhật và Úc, nhất là Nhật. 

Đe dọa lớn nhất với Nhật là ở Biển Đông chứ không phải ở Hoa Đông
Và Nhật cũng muốn có một vai trò lớn hơn ở trong khu vực, bởi vì thực ra, đe dọa lớn nhất đối với Nhật là những gì xẩy ra ở Biển Đông chứ không phải là ở Biển Hoa Đông : Năng lượng từ Trung Đông đến Nhật đi qua Biển Đông, hàng xuất khẩu của Nhật phần lớn cũng đi qua Biển Đông.
Từ xưa đến giờ, Nhật có chính sách là để vấn đề ngoại giao cho Mỹ lo. Nếu mà Nhật lại lo vấn đề ngoại giao, quân sự thì sẽ mất rất nhiều tiền bạc, công sức, cho nên họ để vấn đề an ninh cho Mỹ lo, họ chỉ lo vấn đề kinh tế.
Nhưng bây giờ Nhật đã thấy rằng, nếu tiếp tục như vậy, Trung Quốc sẽ càng ngày càng dọa nạt, gây áp lực trên Mỹ. Vì dẫu sao nước Nhật phần nào cũng vẫn là nước « tạm chiếm » - hay nói nhẹ hơn là nước đàn em - của Mỹ…
Lẽ dĩ nhiên không ai muốn Nhật tái quân sự hóa, nhưng nếu Nhật không cương quyết như họ đang biểu lộ, thì Nhật sẽ bị ép mãi, mà Nhật bị ép, thì các nước chung quanh cũng sẽ bị ép, cho nên theo tôi, Nhật giờ đây đã tỏ thái độ kiên quyết, thì ngoài việc giúp Mỹ có chính sách thích hợp hơn ở trong khu vực, Việt Nam và các nước trong vùng cũng nên giúp Nhật có vai trò năng động hơn.
RFI : Việt Nam cũng mở về phía Ấn Độ, Nhật Bản, và vừa rồi thì cũng nghênh tiếp Tổng thống Nga. Đó phải chăng cũng nằm trong chiều hướng tăng cường năng lực quốc phòng, đối phó với Trung Quốc ?


Ngô Vĩnh Long : Tôi mong như thế, nhưng tôi không hẳn tin như thế, bởi vì quyền lợi của một số nhóm lợi ích trong việc quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn lợi ích của đất nước và của dân tộc Việt Nam.
Dĩ nhiên là Việt Nam đang tăng cường quan hệ với Ấn Độ, với Nhật Bản, với Hàn Quốc…, nhưng tôi chưa thấy Việt Nam nhiệt tình lắm, có thể đây chỉ là biện pháp ru ngủ dân chúng, để cho thấy là Việt Nam có làm cái này, cái kia để bảo vệ đất nước, trong khi đó thì quan hệ với Trung Quốc ngày càng sâu hơn, vì quyền lợi của các nhóm lợi ích như tôi nói ở trên.
Nếu như vậy thì rất là nguy, cho nên trong vấn đề này, chúng ta phải đánh giá một cách đàng hoàng… Tôi nghĩ rằng quan hệ với Trung Quốc – cái này không phải là chống Trung Quốc – nếu mà sâu đậm như đã có trên mọi lãnh vực như hiện nay, thì càng ngày Việt Nam sẽ càng bị ép và càng ngày kinh tế, chính trị Việt Nam càng xuống dốc chứ không thể lên được.
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131226-trung-quoc-lam-bien-dong-day-song-tro-lai




Báo TQ nói VN 'đóng vai nạn nhân'
Cập nhật: 15:55 GMT - chủ nhật, 19 tháng 1, 2014 



Trung Quốc biện hộ cho quy định mới trên Biển Đông

Trung Quốc biện hộ cho quy định mới trên Biển Đông
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 19/1 “ngạc nhiên” khi Việt Nam phản đối quy định đánh cá trên Biển Đông.
Tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cũng chỉ trích Việt Nam “quen giở trò đóng vai nạn nhân”.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Quy định của tỉnh đảo Hải Nam, có hiệu lực từ hôm 1/1, đòi tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào phần lớn khu vực Biển Đông.
Hai nước có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh, Philippines và Việt Nam đã lên án quy định này của Trung Quốc và nói rằng nó vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.
Bài báo đăng trên trang mạng Thời báo Hoàn Cầu hôm Chủ nhật 19/1 khẳng định quy định mới chỉ mang tính chất địa phương.
“Đây chỉ là sửa đổi kỹ thuật trong luật đánh cá của Trung Quốc đã được thi hành hơn hai thập niên.”
“Sửa đổi có mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên cá và môi trường…Đây cũng là quy định luật pháp cho ngư dân Trung Quốc, vì các hoạt động phi pháp, như đánh cá quá mức, đã gây hại cho nhiều loài vật hiếm và hủy hoại môi trường biển.”
Theo tờ báo, Trung Quốc sẽ đặt ưu tiên thi hành quy định mới ở đảo Hoàng Sa và bãi đá Macclesfield, mà Trung Quốc lần lượt gọi là Tây Sa và Trung Sa.
“Hiện nay, hơi khó để thi hành các biện pháp” ở quần đảo Trường Sa, theo tờ báo.
Báo Trung Quốc nói không ngạc nhiên khi Philippines phản đối mạnh mẽ sau khi Manila đã kiện Bắc Kinh ở Tòa án Quốc tế về luật Biển.
Nhưng Thời báo Hoàn Cầu tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam phản đối và giải thích: “Việt Nam từ lâu đã làm dậy sóng vì các đảo mà họ đòi và quyết thúc đẩy việc quốc tế hóa tranh chấp.”
“Đóng vai nạn nhân trong bài toán khó kéo dài này là chiêu trò cũ của Việt Nam.”
Tờ báo khẳng định Việt Nam nay đang chờ xem các diễn biến sắp tới trên Biển Đông.



Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói Việt Nam phản đối quy định của Trung Quốc


“Xu hướng của họ hẳn sẽ phụ thuộc vào diễn tiến quan hệ với Trung Quốc, kết quả phán quyết của tòa về đòi hỏi của Manila, và Washington sẽ giúp đỡ bao nhiêu.”
Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị, nói quy định đánh cá và các hành động khác của Trung Quốc trong những tháng gần đây là "bất hợp pháp và vô hiệu lực" đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Tranh cãi về quy định của Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh nhiều người ở Việt Nam tưởng niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm.
Kỷ niệm
Trong một chỉ dấu thay đổi chính sách, truyền thông nhà nước được phép đăng nhiều thông tin chi tiết về trận hải chiến của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 17 đến 19/01/1974.
Tại Đà Nẵng, nơi theo luật Việt Nam quản lý Hoàng Sa, cũng đã tổ chức một số hoạt động như triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng, Hội thảo Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Dù vậy, UBND huyện Hoàng Sa đã xin lỗi khi hủy buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa dự tính tổ chức ngày 18/1.
Trả lời BBC sáng 18/1, ông Lê Phú Nguyện, Chánh văn phòng UBND huyện, xác nhận chương trình ca nhạc hát về biển đảo và thắp nến tri ân tối cùng ngày sẽ bị hủy, tuy nhiên những hoạt động khác tại Đà Nẵng kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa vẫn sẽ diễn ra bình thường.
Ông Nguyện cũng nói quyết định này không phải do 'chỉ đạo từ cấp cao hơn'.
"Một số điều kiện của chúng tôi không đảm bảo để tổ chức nên phải dừng lại, đó là những công việc nội bộ," ông nói.
"Đây là điều đáng tiếc, chúng tôi không thể nói gì thêm ngoài lời xin lỗi."
"Tôi khẳng định lại việc này là do chúng tôi chủ trì tổ chức, và do chính chúng tôi quyết định dừng lại."

No comments:

Post a Comment