Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 25 January 2014

JOHN KERRY * *HOA KỲ KHÔNG THOÁI


John Kerry: 'Hoa Kỳ đang không thoái lui'

Kim Ghattas
BBC News, Davos
Cập nhật: 22:30 GMT - thứ bảy, 25 tháng 1, 2014
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã phản ứng mạnh trước những chỉ trích rằng chính quyền Obama đang thoái lui khỏi thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos , Ông Kerry khẳng định rằng "sự biện luận này không có gì thêm từ sự thật".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ dành 37 phút liệt kê thực tế rằng Hoa Kỳ bằng nhiều cách đã và đang tham gia một cách sâu rộng trên toàn thế giới, từ cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria cho tới thúc đẩy giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine, và đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.
Ông đã vượt ra ngoài phạm vi Trung Đông để chứng tỏ qui mô các chủ đề Hoa Kỳ quan tâm như việc Washington làm việc với Bắc Kinh để đối phó với Bắc Hàn, những nỗ lực cho một lệnh ngừng bắn ở Nam Sudan và gia tăng hợp tác ở Tây bán cầu .
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cũng đã dành một số bài phát biểu của mình để phản bác quan điểm cho rằng Mỹ đang rút lui.
Giới chỉ trích sẽ lập luận rằng khi các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ cần phải biện luận rằng Hoa Kỳ không rút lui, thì có lẽ việc này đang thực sự xảy ra.
'Suy yếu dần'
"Tôi đi khắp nơi trên thế giới và tôi nghe người ta nói cùng một ý nghĩ rằng Hoa Kỳ đang rút lui và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang suy yếu dần "
Thượng nghị sỹ John McCain
Việc thảo luận về sức mạnh và sự suy yếu của Hoa Kỳ là mang tính chu kỳ, nhưng việc người ta đưa ra các cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Hoa Kỳ là đáng chú ý hơn so với những lần trước đây do Tổng thống Barack Obama quyết định hủy cuộc tấn công Syria bằng hỏa tiễn.
Bước đi này khiến các đồng minh của Mỹ - như Pháp - bị lỡ chớn, và làm những nước khác như Ả rập Saudi tức giận trong khi làm xoa dịu các kẻ thù của Hoa Kỳ như chính phủ Syria và Iran, bởi quyết định này tạo sự nghi ngờ đối với khả năng Tổng thống Hoa Kỳ sẵn sàng dùng vũ lực.
Trong một cuộc Hội luận của BBC World tại diễn đàn Davos, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói rằng quyết định của tổng thống Hoa Kỳ đối với Syria "đã có tác dụng làm chệch hướng'' trên toàn thế giới " và rằng các đồng minh của Mỹ cảm thấy họ "không thể còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ được nữa".
"Tôi đi khắp nơi trên thế giới và tôi nghe người ta nói cùng một ý nghĩ rằng Hoa Kỳ đang rút lui và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang suy yếu dần cũng như những điều xấu sẽ xảy ra, và chúng đang xảy ra," ông McCain nói.
Bài phát biểu nồng nhiệt của ông Kerry tại Davos đã được đón nhận tích cực - nhưng đối với những người chỉ trích chính quyền Mỹ, bài phát biểu này trái ngược với những gì mà họ cho là cách tiếp cận kín đáo hơn của Tổng thống Barack Obama đối với sức mạnh của Hoa Kỳ.
Ông McCain nói "người bạn'' John Kerry của mình có rất nhiều việc phải làm "chừng nào chúng ta có một vị tổng thống không tin vào chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ ''.
Cam kết ngoại giao
"Chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên dùng ngoại giao như công cụ để tiếp cận của Mỹ và cách tiếp cận này có qui mô và chiều sâu như bất cứ lúc nào trong lịch sử của chúng tôi"
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry
Một phần của cuộc tranh luận là việc bàn về các cách tiếp cận khác nhau đối với việc định nghĩa và triển khai quyền lực.
Ông Kerry nói sự "ngộ nhận" rằng nước Mỹ đang thoái lui dường như dựa trên "giả định đơn giản rằng công cụ ảnh hưởng duy nhất Hoa Kỳ là quân sự của chúng tôi, và nếu chúng tôi không có sự hiện diện quân đội lớn ở đâu đó hoặc chúng tôi không múa võ dương oai dùng vũ lực thì kể như chúng tôi vắng mặt tại đấu trường."
Nhưng các đồng minh của Washington, trong đó có một số nước đã từng công khai chỉ trích sự ngạo mạn của Hoa Kỳ và việc can thiệp bằng quân sự, vẫn chưa thích nghi với cách tiếp cận này.
"Sau một thập niên mà không may là có nhiều người có quan điểm rằng Hoa Kỳ là nước duy nhất dựa vào vũ lực để phân định, chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên dùng ngoại giao như công cụ để tiếp cận của Mỹ và cách tiếp cận này có qui mô và chiều sâu như bất cứ lúc nào trong lịch sử của chúng tôi," ông Kerry nói.
Chính quyền Obama cũng xác định lợi ích của mình một cách hẹp hơn mà không nhất thiết phù hợp với lợi ích của các đồng minh của Washington.

Ả rập Saudi lo ngại uy thế bị ảnh hưởng khi Hoa Kỳ và Iran tái lập quan hệ.
Washington xem một thỏa thuận hạt nhân với Iran như ưu tiên hàng đầu trong nghị trình an ninh quốc gia, một thỏa thuận trong đó có thể có thể cho phép Hoa Kỳ điều chỉnh thế đứng quân sự của mình trong khu vực.
Các đồng minh như Ả rập Saudi băn khoăn điều này gây tác động tiêu cực với tình thế hiện tại trong khu vực, và lo lắng rằng bất kỳ việc tái lập quan hệ nào giữa Iran và Hoa Kỳ có thể làm suy yếu vị trí của vương quốc này trong vùng.
Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu rủ ro chính trị liệt kê "các đồng minh của Hoa Kỳ đang gặp khó khăn" như rủi ro số một cho toàn cầu năm 2014.
"Đồng minh của Mỹ nhìn nhận Hoa Kỳ có một vai trò thiếu rõ ràng và suy giảm nhiều trên thế giới", công ty cho biết trong báo cáo của mình.
"Đồng minh của Hoa Kỳ đặt câu hỏi về những giả định cũ đối với các cam kết của Mỹ và lo lắng về việc Washington miễn cưỡng triển khai vốn quân sự, kinh tế và ngoại giao. "
Những lời đảm bảo mạnh mẽ của ông Kerry rằng Hoa Kỳ đang tham gia đầy đủ về mặt ngoại giao đã được hoan nghênh tại Davos, nhưng nhiều người trong số các đồng minh của Washington sẽ cho rằng ngoại giao chỉ thực sự có kết quả nếu nó được hậu thuẫn bằng vũ lực.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/01/140125_kerry_us_foreign_policy_davos.shtml

No comments:

Post a Comment