TOÀN CẦU
HÓA NGÔN NGỮ
TS Mai Thanh
Truyết
Danh từ toàn cầu hóa đã trở thành
một từ quen thuộc trong ngôn ngữ của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nói đến
toàn cầu hóa, đa số đều liên tưởng đến sự toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị, kỹ
thuật, phát triển và môi sinh... Nhưng còn một yếu tố thiết nghĩ cần phải nhấn
mạnh thêm trong lãnh vực văn hóa là vấn đề ngôn ngữ. Do đó, nội dung của bài
viết nầy nói lên một vài mối quan tâm về sự toàn cầu hóa ngôn ngữ, hay đặc biệt
hơn nữa, Anh ngữ trong hiện tại là một sinh ngữ quốc tế có khả năng áp đặt và
ảnh hưởng lên văn hóa của các quốc gia trên toàn thế giới.
Trên thế giới, hiện có khoảng
trên dưới 500 triệu người đang sử dụng tiếng Anh như là một quốc ngữ, và khoảng
phân nửa dân số dùng Anh ngữ như là một ngôn ngữ thứ hai. Hiện tại, số lượng
người đang học tiếng Anh tại các quốc gia tăng dần và theo dự báo sẽ có phân nửa
nhân loại sẽ thông thạo tiếng Anh năm 2050. Sụ áp dụng tiếng Anh vào chương
trình giáo dục của các quốc gia đã trở thành một nhu cầu cần thiết trước tiến
trình toàn cầu hoá ngày hôm nay.
Dù phải chấp nhận hay phủ nhận, Anh
ngữ hoàn toàn đã được xem như một “linga franca” (ngôn ngữ giao tiếp) cho truyền
thông toàn cầu. Câu “Anh ngữ là một sinh ngữ quốc tế” đã được Brian Paltridge
phát biểu đầu tiên trong kỳ hội nghị về ngôn ngữ tại Đông Tây Học viện thuộc đại
học Hawai năm 1978. Từ đó, có rất nhiều thảo luận đã được khơi mào về tính chất
phức tạp trong việc xử dụng Anh ngữ như là một ngôn ngữ của thế giới. Tính phức
tạp nầy thể hiện trong cả hai phần lý thuyết và thực hành. Và cũng bắt nguồn từ
đó, có rất nhiều bài viết trong các đại học lưu ý và cảnh báo về tính áp đặt của
Anh ngữ. Dư luận quần chúng khắp nơi cũng bắt đầu lưu tâm đến vấn nạn nầy vì
quan niệm rằng sự dung nạp Anh ngữ vào chính quốc có thể làm xói mòn các giá trị
văn hoá của dân tộc.
Nói cho rốt ráo, việc sử dụng Anh
ngữ đã tăng trưởng và dự phần trong hầu hết các lãnh vực như hội nghị, thương
mãi, giáo dục, nghiên cứu, điện ảnh, âm nhạc, du lịch, và ngay cả trong các
ngành đặc biệt như hàng không, hàng hải, tin học và truyền thông. Hiện tượng nầy
đã xảy ra khắp toàn cầu từ các thành phố văn minh ở Âu châu cho tới các vùng
thôn dã của các quốc gia ở Phi châu hay Á châu. Cho dù ở bất cứ nơi nào, cho dù
có nhiều dị biệt về văn hóa, phong tục và tôn giáo, Anh ngữ cũng đã được sử dụng
nhuần nhuyễn dưới hai dạng nói và viết để thông đạt đến các mục tiêu truyền
thông. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới một góc độ khác, nhiều người đã bắt đầu nghi ngờ
sự tiện dụng của Anh ngữ sẽ trở thành một nhân tố tiêu cực trong tiến trình toàn
cầu hóa của sinh ngữ nầy.
Kể từ các thế kỷ trước, và tương tự
như các sinh ngữ thực dân như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh ngữ cũng được
sử dụng như một sinh ngữ chính ở các xứ thuộc địa. Học sinh ở những quốc gia
không nói tiếng Anh, đã được cổ súy và khuyến khích học Anh ngữ song hành với
các ngoại ngữ khác để được tiếp cận với văn minh và văn hóa Tây phương.
Anh ngữ tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc và thời
gian lập quốc chỉ vừa hơn 220 năm. Quốc gia nầy thể hiện một tính đa văn hóa
thực sự. Hơn bất cứ quốc gia nào trên quả địa cầu, Hoa Kỳ đã hiện có 85 ngôn ngữ
khác nhau đang được giảng dạy trong hệ thống giáo dục trong nước. Các ngoại ngữ
lần lần chiếm giữ vai trò quan trọng tùy theo mật độ dân cư ngoại quốc cư ngụ
trong từng học khu giáo dục. Sự nhìn nhận Hoa kỳ là một melting pot cách đây hơn
nửa thế kỷ có lẽ không còn thích hợp cho ngày hôm nay.
Vì, xã hội Hoa Kỳ hiện tại không còn
là một xã hội thuần nhất và cuốn hút văn hóa của các sắc dân di dân nữa. Xã hội
Hoa kỳ hiện tại là một xã hội đa văn hóa. Chính sự đa dạng văn hóa nầy làm cho
Hoa Kỳ tiến nhanh và tiến tự nhiên theo tiến trình toàn cầu hóa. Sống ở Hoa Kỳ
lần lần ta không còn cảm thấy mất cội nguồn, mà ngược lại, những nét đặc thù
tinh túy của dân tộc lại càng thêm khởi sắc vì sự chung đụng giữa các văn hóa dị
chủng khác nhau. Tiến trình tòan cầu hóa tại Hoa Kỳ chẳng những không biến các
bản sắc văn hóa của các di dân thành một, mà là một tập hợp các dị biệt văn hóa
của từng sắc dân. Sau cùng tất cả quy tụ lại thành một khối đa văn hóa, tuy khác
biệt nhưng không mâu thuẩn, tuy đặc thù nhưng vẫn sống hài hòa trong một xã hội
thực sự đang tiến vào kỷ nguyên mới của toàn cầu. Hoa Kỳ là hình ảnh nhỏ minh
họa cho sự toàn cầu hóa: nhiều dân tộc Đại Hàn, Việt Nam, Trung Hoa, Phi, Ấn, Á
Rập, Mễ, Trung Mỹ, Đông Âu, v.v...sống chung đụng nhau. Melting pot là hình ảnh
táo, nho, xoài, mận, cam quit để chung lại quậy tán nhỏ thành một melting
pot, là dân Mỹ. Đó là hình ảnh không còn nền văn hóa gốc. Khoảng hai thập niên
gần đây, người ta hình dung lại Hoa Kỳ là một salad bowl, rau cải, cà rốt, tô
mát, hành, ngò,...ở bên nhau, vẫn giữ những mùi vị đặc thù của chúng, nhưng vẫn
có cái chất kết hợp như dầu, dấm, tiêu, muối,...để làm nên một salad
bowl.
Tại Hoa kỳ, các di dân, một nguồn
nhân lực đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào kinh tế của quốc gia nầy,
được giảng dạy Anh ngữ như một sinh ngữ thứ hai (English as a second
language_ESL) trong tiến trình hội nhập vào đời sống và văn hóa địa phương. Tuy
có để ý đến nguồn gốc của người di dân, nhưng chính sách trên có mục đích duy
nhất là giúp người di dân sớm hội nhập vào dòng chính của xã hội Mỹ, và dĩ
nhiên, sau đó người di dân ít có điều kiện để sử dụng ngôn ngữ của nguyên quốc
nữa. Có chăng là chỉ xử dụng trong phạm vi gia đình và các ngôn từ của quốc gia
gốc sẽ lần lần bị quên lãng (trường hợp của trẻ em Việt Nam sống tại Hoa
Kỳ).
Hơn nữa, với tư cách thượng phong và siêu cường, Hoa kỳ đã làm cho người Mỹ có thái độ cao ngạo, tự cao tự đại trong việc tiếp cận với các nền văn hóa khác trên thế giới. Việc học một sinh ngữ khác Anh ngữ đối với người Hoa Kỳ không là một nhu cầu cần thiết. Trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ ở bậc trung học, chỉ có một vài ngoại ngữ được ghi vào chương trình học như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Nga... và học sinh chỉ cần hoàn tất bốn lục cá nguyệt để đạt được tiêu chuẩn tốt nghiệp. Ngược lại, trong hầu hết các hệ thống giáo dục Âu châu và Á châu, học sinh cần phải trải qua bốn niên học để hoàn tất học trình sinh ngữ.
Anh ngữ tại Pháp.
Người Pháp đã từng hãnh diện về văn
minh, văn hóa của họ. Họ vẫn còn đang tự hào về một sắc dân thuần chủng gaulois,
văn minh nhất thế giới ở thế kỷ 21 nầy. Họ cũng đã phủ nhận Anh ngữ như là một
ngôn ngữ của toàn cầu. Hậu quả, dân Pháp là một trong những dân tộc kém ngoại
ngữ trên thế giới. Với những suy nghĩ trên và cung cách tiếp cận còn khép kín
trong hành xử và trong tư tưởng, với tâm khảm đầy tự hào và tự mãn dân tộc,
người Pháp từ ở thế cường quốc số một trên thế giới từ thế kỷ 19, đã đi xuống và
tuy vẫn được xem là một cường quốc nhưng tiếng nói của nước Pháp bớt được lắng
nghe.
Với tầm quan trọng của Anh ngữ trước
tiến trình toàn cầu hóa, cũng như cảm nhận được tính cực đoan và bảo thủ của dân
Pháp. Người Pháp, trong lãnh vực internet, cố gắng dịch thuật các từ thông dụng
trên truyền thông tin học ra Pháp ngữ mà đôi khi không hiểu rõ ý nghĩa thực sự
của các từ đó. Đại để như CD rom ra Cédérom, start-up ra jeunes pousses, hoặc
stock option ra option sur titre. Quốc gia nầy đã thể hiện hai luồng tư tưởng
hoàn toàn trái ngược và có cung cách hành xử không giống ai trước sự toàn cầu
hóa ngôn ngữ. Hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thật rõ ràng. Chính
quyền và người dân Pháp không đi cùng một hướng. Kể từ tháng 2/2000, chính phủ
Pháp đã đề ra trong luật an toàn không lưu về việc sử dụng Anh ngữ khi đi và đến
phi trường De Gaulle (Paris). Nhưng phi công Pháp vẫn không chấp hành luật trên
và vẫn dùng Pháp ngữ trong trao đổi. Năm 1994, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Claude
Allègre yêu cầu các nhà nghiên cứu, khoa học gia trình bày bằng Anh ngữ trong
khi viết khảo luận hay báo cáo; kết quả cho thấy rằng tuyệt đại đa số các tài
liệu nghiên cứu từ Pháp vẫn hoàn toàn được soạn thảo bằng Pháp ngữ.
Anh ngữ áp dụng cho các quốc gia
trên thế giới
Trên thế giới ngày nay, người Hoa Kỳ
không gặp khó khăn trong khi giao dịch thương mãi hay đi du lịch vì họ biết rằng
Anh ngữ sẽ được xử dụng bất cứ nơi nào họ định đến. Ngược lại, du khách khi nhập
cảnh vào Hoa Kỳ phải cần thông dịch viên hay phải có một trình độ Anh ngữ để
trao đổi với người Mỹ trong mọi dịch vụ. Trên thế giới, tất cả phi công thương
mãi đều được huấn luyện bằng Anh ngữ để được thống nhất thi hành các quy luật an
toàn không lưu. Trong truyền thông, công nghệ tin học, Anh ngữ cũng được sử dụng
cùng khắp. Tại Liên Hiệp Quốc, mặc dù Anh ngữ chỉ là một trong bốn sinh ngữ
chánh được dung trong các văn kiện chính thức trong đó có Pháp, Nga, và Hoa ngữ,
nhưng tiếng Anh vẫn được hầu hết các đại biểu dùng để trao đổi lẫn
nhau.
Đức Quốc: Trước hết, Đức quốc với
chủ nghĩa dân tộc cực đoan trước đây đã làm náo động thế giới qua hai cuộc đại
chiến và làm tê liệt thế giới một thời gian. Ngày nay, lãnh đạo Đức đã nhận thức
được sự sai lầm trên và lần lần điều chỉnh kể từ sau thế chiến thứ hai. Ngôn ngữ
chính là Đức ngữ đã được tiếp thu thêm nhiều từ mới từ Anh và Pháp ngữ. Hiện
tại, người dân Đức đã học và trao đổi với thế giới bên ngoài bằng Anh ngữ và
phát sinh ra một ngôn ngữ đặc trưng gọi là Denglisch, một điều thật hiếm hoi so
với người Đức bốn thập niên về trước. Đức là một cường quốc đứng thứ tư trên thế
giới hiện tại trên bảy cường quốc đứng đầu.
Trung Quốc: Gần chúng ta nhất là
Trung Quốc, một quốc gia hầu như đi ngược lại hoàn toàn với Hoa Kỳ trên phương
diện toàn cầu hóa. Từ ngàn xưa, xã hội Trung Quốc là một xã hội phong kiến lấy
nông nghiệp làm nền tảng. Hơn 50 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với biết bao
kế hoạch nhảy vọt trên giấy tờ...Trung quốc vẫn còn bị xếp vào hạng các quốc gia
đang phát triển. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn cho phép người Trung Hoa suy
nghĩ với một cung cách tự mãn và chính họ vẫn tự công nhận xuất thân từ nguồn
gốc của một dân tộc thượng đẳng “con trời” (Thiên tử) và tổ quốc Trung Hoa là
trung tâm của nhân loại. Họ vẫn còn tự ru ngủ với những áng văn chương tuyệt
tác, những bài đường thi tứ tuyệt vượt thời gian và không gian...của Lý Bạch, Đỗ
Phủ, Thôi Hiệu...
Và cuối cùng họ chơi vơi, chới với
trước tiến trình toàn cầu hóa. Xã hội Trung Quốc, tuy đã mở nhiều so với hai
mươi năm trước đây, nhưng vẫn chưa đủ mở vì các lực cản của chế độ chuyên chính
đang áp đặt lên đất nước Tàu.
Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây,
Trung Quốc đã áp đặt Anh ngữ vào chương trình giáo dục từ lớp ba bậc tiểu học.
Hiện tại, có khoảng trên dưới 100 triệu người Trung Hoa có khả năng tiếng Anh
trong giao dịch.
Iceland: Tại quốc gia ốc đảo
Iceland, mặc dù toàn thể dân chúng đều thông thạo Anh ngữ, nhưng dưới mắt của
Mary William Walch, Icelandic là một ngôn ngữ ái quốc (patriotic language) bất
khả xâm nhập và thay thế. Nhưng trên mạng lưới truyền thông internet, Anh ngữ
vẫn được sử dụng và Microsoft đã “vứt vào sọt rác ngôn ngữ Icelandic” (lời của
M.W. Walch). Microsoft cũng đã từ chối chuyển window 98 ra ngôn ngữ ái quốc của
quốc gia nầy. Trước hiện trạng trên, Iceland cố gắng chuyển ngữ các từ trên
window thành ra các từ Icelandic mới với mục đích bảo tồn ngôn ngữ của chính
quốc. Điều nầy đã làm cho giáo sư Arnason ở đại học Iceland không đồng ý và căm
phẩm, vì dưới mắt ông đây là một nguy cơ to lớn vì “học sinh cầm máy computer,
và ngôn ngữ của computer sẽ trở thành ngôn ngữ được áp dụng cùng khắp ngay cả
nơi nhà bếp”. Do đó vấn nạn nầy sẽ đưa đến một nguy cơ khác là làm thế nào để
cho trẻ con Iceland trong tương lai còn nói được tiếng Icelandic.
Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, và Hoà
Lan: Ngược lại, các quốc gia vừa nêu đã dung hợp được các khuynh hướng đối
nghịch cực đoan và chấp nhận những từ Anh ngữ như là những ngôn từ mới của Na Uy
và làm giàu thêm kho tàng danh từ khoa học và truyền thông cho quốc
gia.
Ghana: Tại Ghana (Phi châu), dân số
của quốc gia nầy khoảng 9 triệu người và có khoảng hơn 50 ngôn ngữ khác nhau
được sử dụng trong mọi dịch vụ. Hiện tượng đa ngôn ngữ nầy làm cho Anh ngữ trở
thành một thứ ngôn ngữ trung gian ở cấp giáo dục trung học, đại học và các dịch
vụ công cộng. Đa số báo chí nơi đây ấn hành bằng Anh ngữ. Đài phát thanh quốc
gia chuyển đạt tin tức cũng bằng Anh ngữ ngay cả ở nông thôn.
Việc sử dụng Anh ngữ đã mang lại
nhiều kết quả tích cực trong giáo dục, truyền thông, và hiệu năng trong
việc điều hành quốc gia, nhưng ngôn ngữ nầy cũng đã bắt đầu đưa đến nhiều mối
quan ngại cho chính quốc Ghana. Dòng sóng ngầm của chủ nghĩa đế quốc có thể xảy
ra bất cứ lúc nào từ sự áp đặt ngôn ngữ trên vì hiện tại dù muốn dù không, Ghana
cũng không thể nào tách rời được hấp lực chính trị-kinh tế của Hoa Kỳ. Hiện
trạng phân liệt do hai yếu tố chính trị và xã hội đã chia người dân Ghana làm
hai loại công dân. Đa số người Ghana nói được tiếng Anh có thái độ hống hách, tự
cao tự đại và tỏ vẻ khinh miệt các đệ nhị công dân Ghana không nói được tiếng
Anh. Tình trạng nầy có thể làm hủy diệt các thổ ngữ của Ghana trong tương
lai.
Nhật Bản: Qua trường hợp Nhật bản,
việc xâm lấn của Anh ngữ đã thể hiện một hình thức rất khác biệt. Nicholas
Christof đã nhận định trong một bài viết trên báo New York Times rằng giới trung
niên và bô lão Nhật bản lộ rõ hai trạng thái tâm lý phiền não và bất ổn. Họ phải
trực diện với nhiều thách đố trong sinh hoạt hàng ngày như phải nhận diện các
bảng chỉ đường mới, khó khăn trong việc chọn lựa món ăn trong các thực đơn ở
hàng quán hay truy tìm các quán ăn có nhà vệ sinh. Hơn nữa, họ gặp thêm nhiều
cản ngại trong việc đọc sách, xem truyền hình, theo dõi tin tức, sử dụng máy
điện toán và trầm trọng hơn cả là việc tiếp cận và thông cảm thế hệ trẻ của Nhật
bản.
Trong một quốc gia có truyền thống
dân tộc cao như Nhật mà hầu hết mọi diễn đạt được trình bày bằng Anh ngữ hay “ba
rọi” làm người Nhật lớn tuổi không hài lòng. Các từ du nhập từ Anh ngữ như
Sutaato botan thay thế cho Start button, Kurikku thay thế cho Click, Paati
menyuu cho Party menu, Ruijiana sutairu kurabukeeki cho Louisiana-style crab
cakes... thể hiện tính thời thượng ở giới thượng lưu nhưng rất “cà chớn” về
phương diện ngôn ngữ học. Lứa tuổi trung niên quan ngại cho tương lai của Nhật
bản. Tuổi trẻ Nhật bản ngày càng chìm đắm trong khuynh hướng chấp nhận Anh ngữ
làm ngôn ngữ chính cũng như ngôn ngữ Japlish (tiếng Anh-Nhựt) ngay cả trong điều
kiện họ có khả năng diễn đạt nhuần nhuyển bằng ngôn ngữ của chính quốc. Ảnh
hưởng của tiếng Anh càng hiện rõ thêm qua sự phân biệt hai thế giới sống khác
biệt áp dụng cho lớp trẻ và lớp già tuy cùng nhau chia một mái nhà Nhật
bản.
Nhật bản phải chịu ở thế bại trận
năm 1945 khi đất nước hoàn toàn bị tàn phá về đủ mọi mặt. Nhưng người Nhật chấp
nhận sự nhục nhã, chấp nhận đi theo bước chân Mỹ để khôi phục lại kinh tế cho
đất nước. Họ tự cởi trói, thoát khỏi những tập tục cổ truyền không còn thích hợp
với tiến bộ mới. Họ chấp nhận sự du nhập một số “văn hóa Hoa kỳ” vào văn hóa dân
tộc cực đoan, từ bỏ không luyến tiếc những tập tục có thể gây trở ngại cho đà
phát triển theo chiều hướng toàn cầu. Họ đã chấp nhận Anh ngữ là một ngôn ngữ
chính thức sau Nhật ngữ trong hành chánh và trao đổi quốc tế. Và Nhật, ngày nay
là một trong số cường quốc hàng đầu trên thế giới.
Việt Nam: Trong trường hợp Việt Nam,
ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Pháp rất quan trọng kể từ cuối thế kỷ 19. Vào
giữa thế kỷ 20 có thể nói rằng hầu hết trí thức từ Bắc chí Nam đều xử dụng Pháp
ngữ một cách rành rọt. Trong chương trình giáo dục trung học và đại học Việt Nam
thời đó, Pháp ngữ là một ngôn ngữ chính dùng cho việc giảng dạy. Nhưng cho đến
niên học năm 2000, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học trên toàn quốc với tổng số
528.380 học sinh, chỉ còn 18.006 thí sinh chọn Pháp ngữ, trong khi đó có 471.585
thí sinh chọn Anh ngữ (và chỉ trên dưới 10 ngàn chọn Nga ngữ làm sinh ngữ
chính). Nói tóm lại, Anh ngữ đã chiếm lĩnh toàn cầu trong hầu hết mọi lãnh vực
trên hành tinh nầy.
Đối với Việt Nam, tâm lý chuộng Anh
ngữ đã xâm nhập lên mọi sinh hoạt của người dân, đặc biệt nhất là ở các thành
phố lớn. Hơn bao giờ hết, xã hội Việt Nam đã cho chúng ta thấy một hình ảnh rạch
ròi nhất trong tinh thần chuộng Anh ngữ ngày hôm nay. Muốn đạt đến đỉnh cao vềø
địa vị kinh tế-chính trị-xã hội, ngoài tính “hồng hơn chuyên” người dân cần phải
“thông thạo” Anh ngữ. Hầu hết những cửa ngõ cho tương lai đều phải bắt đầu bằng
Anh ngữ. Từ đó một số bản sắc dân tộc có thể lần lần biến mất do sự du nhập vào
xã hội những “văn minh” Tây phương không phù hợp với tinh thần Việt
Nam.
Thay lời kếtĐể kết luận, dù chiếc huy chương nào cũng có hai mặt, nhưng thiết nghĩ cũng cần phải cân nhắc để có thể giữ thế thăng bằng cho xã hội. Nếu nhìn trên bình diện tích cực, hiện tượng toàn cầu hóa Anh ngữ đã giải quyết một phần nào vấn nạn nghèo đói ở một số quốc gia đang phát triển, làm cho đời sống của người dân ở các quốc gia nầy từng bước được nâng cao hơn về nhiều mặt. Nhưng nếu nhìn về một khía cạnh khác, nếu chính quyền bản xứ không sáng suốt, tâm lý và dân trí người dân không được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng thì việc tòan cầu hóa ngôn ngữ sẽ làm đão lộn cả hệ thống văn hóa-xã hội- kinh tế-chính trị của những quốc gia đang phát triển.
Việt Nam đã có truyền thống văn hóa
lâu đời và bền vững. Nhưng lịch sử cũng đã chứng minh rằng, trong thời Pháp
thuộc và trong chiến tranh gần đây xã hội-phong hóa Việt Nam đã bị ô nhiễm, đã
có nhiều rạn nứt và xáo trộn không những vì hệ lụy của chiến tranh mà cũng vì
tinh thần “vọng ngoại” trong đó Pháp ngữ ngày xưa và Anh ngữ ngày nay là một
trong những thước đo giá trị trong nấc thang xã hội Việt Nam.
Sự xâm lăng của tiếng Anh đối với
Việt Nam là một cơ hội và cũng là một nguy cơ có thể lấy mất bản chất dân tộc
Việt. Tiếng Anh đồng nghĩa với sự tiến bộ, phát triển và tiếng Việt bị hiểu là
lạc hậu, không thức thời theo suy nghĩ của một số không nhỏ người Việt ở hải
ngoại cũng như ở quốc nội. Việc du nhập tiếng Anh vào Việt Nam là một con dao
hai lưỡi. Biết sử dụng thì sẽ giúp cho đất nước tiến bộ rất nhiều, còn không sẽ
mất bản sắc dân tộc như Phi Luật Tân. Qua quá trình hội nhập tiếng Anh trong vài
thập niên gần đây, thiết nghĩ Việt Nam có nguy cơ trở thành Phi hơn là Nhật Bản.
Một khi dân tộc bị đánh mất bản sắc của mình thì chỉ còn là con rối, chờ cho
ngưới ta dựt giây mà thôi.
Mai Thanh Truyết
No comments:
Post a Comment