CÁC LÝ THUYẾT PHÊ BÌNH VĂN HỌC (5): Các lý thuyết Mác-xít
|
Lời tác giả:
Phần tóm lược dưới đây chỉ nhằm cung cấp cho
bạn đọc một tấm ‘bản đồ’ của các lý thuyết văn học lớn trên thế giới từ
đầu thế kỷ 20 đến nay, chủ yếu để giúp bạn đọc dễ theo dõi các bài viết
về lý thuyết và phê bình văn học đăng tải trên Tiền Vệ. Khi đọc, xin
bạn đọc lưu ý cho một điểm: không có một lý thuyết nào có thể được tóm
lược một cách trung thành và trung thực, do đó, tấm ‘bản đồ’ này chỉ nên
được sử dụng như một cơ sở để tham khảo, từ đó, đọc thêm, hơn là để
đánh giá các lý thuyết ấy.
Với mục đích ‘giới thiệu’, tôi chỉ chọn một số những lý thuyết chính và có ảnh hưởng nhất mà thôi. Ðó là:
Hình thức luận của Nga (Formalism)
Phê Bình Mới của Anh và Mỹ (New Criticism)
Cấu trúc luận (Structuralism)
Hậu cấu trúc luận / Giải cấu trúc (Poststructuralism/Deconstruction)
Các lý thuyết Mác-xít (Marxist Theories)
Thuyết người đọc (Reader Theory)
Phân tâm học (Psychoanalysis)
Nữ quyền luận (Feminism)
Thuyết lệch pha (Queer Theory)
Chủ nghĩa hậu thực dân (Postcolonialism)
Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism)
Chủ nghĩa tân duy sử (New Historicism) và Chủ nghĩa duy vật văn hoá (Cultural Materialism)
Về tài liệu tham khảo, tôi chỉ ghi những tác phẩm chính, mới và dễ tìm nhất, chủ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Nguyễn Hưng Quốc
___________________
CÁC LÝ THUYẾT MÁC-XÍT
Các lý thuyết văn học Mác-xít có thể được chia thành hai
nhóm chính: chính thống và bàng thống (para-Marxism). Nhóm được xem hay
tự nhận là chính thống tập trung quanh lý thuyết hiện thực xã hội chủ
nghĩa khởi phát tại Liên xô và sau đó lan rộng sang tất cả các quốc gia
theo chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Dòng bàng thống có
các lý thuyết phổ biến ở các quốc gia Tây phương với những đại biểu nổi
bật như Pierre Macherey và Lucien Goldmann ở Pháp, Theodor W. Adorno,
Walter Benjamin và nhóm Frankfurt ở Ðức, Fredric Jameson ở Mỹ, Raymond
Williams và Terry Eagleton ở Anh, Mikhail Bakhtin ở Nga, và đặc biệt
Georg Lukacs tuy sống và làm việc ở Hungary, một quốc gia theo chế độ xã
hội chủ nghĩa nhưng tác phẩm chủ yếu lưu hành ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Sự
khác biệt giữa hai nhóm là, một, nhóm đầu chủ yếu dựa vào quan điểm xem
văn học như một bộ phận trong guồng máy chính trị của Lenin trong khi
nhóm sau chủ yếu dựa vào quan điểm cho tính khuynh hướng trong văn học
càng kín đáo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu của Engels; hai, nhóm đầu chịu
sự lãnh đạo và kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trong khi nhóm sau
được tự do - hoặc cố giành cho mình cái quyền tự do - tìm tòi và phát
biểu. Những sự khác biệt ấy dẫn đến hai sự khác biệt nữa: thứ nhất,
trong khi nhóm đầu chỉ dừng lại ở một số tín điều cứng nhắc thì nhóm sau
phát triển lý thuyết văn học Mác-xít một cách sáng tạo và rất đa dạng;
thứ hai, trong khi nhóm đầu chỉ còn là một di tích lịch sử thì nhóm sau
vẫn còn ảnh hưởng khá sâu rộng trong sinh hoạt lý thuyết văn học và trí
thức nói chung trên thế giới.
Thật ra, ngay trong nhóm gọi là ‘Mác-xít bàng thống’ cũng
có rất nhiều dị biệt. Nguyên nhân chính là tất cả đều dựa vào một nền
móng rất mơ hồ: hai người sáng lập ra chủ nghĩa Mác là Karl Marx và
Engels lại không chuyên về văn học và viết rất ít về văn học. Từ những
phát biểu ít ỏi ấy, để khai triển thành những lý thuyết văn học hoàn
chỉnh, những người tự xem là đệ tử của Marx phải vận dụng nhiều nguồn
khác nhau: hoặc các quan điểm về triết học của Marx, hoặc thậm chí, của
Hegel qua sự diễn dịch của Marx hoặc quan điểm phản ánh luận của Lenin,
v.v...
Ðiểm chung của các lý thuyết văn học Mác-xít có thể tóm
gọn vào mấy điểm chính: Một, khác các nhà Hình thức luận, cấu trúc luận
hay Phê Bình Mới chỉ tập trung vào văn bản, các nhà Mác-xít tập trung
chủ yếu vào mối quan hệ giữa văn bản và những yếu tố ngoài văn bản.
Nhưng khác với các nhà phân tâm học nhấn mạnh đến đời sống bên trong của
tác giả, các nhà Mác-xít lại nhấn mạnh đến bối cảnh hiện thực xã hội
chung quanh tác giả. Khác các nhà xã hội học khác, các nhà Mác-xít lược
quy cái gọi là ‘hiện thực xã hội’ này chủ yếu vào cuộc đấu tranh giữa
các giai cấp vốn gắn liền với các phương thức sản xuất nhất định, và vào
mô hình cấu trúc gồm hai phần: hạ tầng và thượng tầng, trong đó, hạ
tầng là yếu tố quyết định. Cái gọi là “quyết định” này được nhiều người
diễn dịch theo nhiều cách khác nhau dẫn đến những quan điểm khác hẳn
nhau: một số người bị xem là ‘dung tục’ cho hạ tầng hoàn toàn quyết định
thượng tầng; một số người khác cho phần thượng tầng cũng có ảnh hưởng
ngược lại phần hạ tầng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ấy như thế nào lại
là một đề tài tranh luận dằng dai và gay gắt khác. Bản thân Marx và
Engels thì lại quan niệm văn học - một bộ phận của kiến trúc thượng tầng
– ít chịu ảnh hưởng của hạ tầng kinh tế và có thể phát triển hoặc duy
trì giá trị độc lập với các phương thức sản xuất hay quan hệ xã hội.
Louis Althusser sau này theo gót Marx và Engels, phản đối tính tất định
của cơ sở kinh tế và quan niệm một số lãnh vực trong kiến trúc thương
tầng, như văn học nghệ thuât, ít nhiều có tính chất tự trị. Có lẽ đây là
một trong những điểm yếu lớn nhất của chủ nghĩa Mác khiến cho các lý
thuyết gia Mác-xít, một mặt, khó thống nhất với nhau; mặt khác, cũng khó
xây dụng được một hệ thống lý thuyết thật chặt chẽ và nhất quán.
Hai, giống như hầu hết các lý thuyết tiền-cấu trúc luận,
kể từ Plato và Aristotle trở đi, tất cả các lý thuyết Mác-xít đều quan
niệm văn học là một sự phản ánh hiện thực. Tuy hiên, trong khi Lenin và
những người theo Lenin cho văn học phản ánh hiện thực theo kiểu gương
soi, Lukacs lại cho việc phản ánh ấy được lọc qua một tiến trình sáng
tạo phức tạp, trở thành một thứ kiến thức về hiện thực, và đã là kiến
thức thì không có sự tương ứng một đối một giữa những gì tồn tại trong
thế giới khách quan và những gì người ta đang có trong đầu nữa. Với
Theodor Adorno, tác phẩm văn học không phải là một thứ kiến thức về hiện
thực hay một phản ánh từng chi tiết của hiện thực mà nó xuất hiện từ
bên trong hiện thực, bộc lộ tất cả những mâu thuẫn nội tại của hiện
thực; hay nói theo lời ông, “nghệ thuật là thứ kiến thức tiêu cực của
thế giới hiện thực”. Với Louis Althusser, hiện thực, khi được phản ánh
vào tác phẩm văn học, chịu sự chi phối của trí tưởng tượng, khả năng,
một mặt, giúp chúng ta hiểu được thực tại, mặt khác, đẩy chúng ta ra xa
khỏi thực tại. Với Pierre Macherey, tác phẩm văn học là một sản phẩm lao
động trong đó hiện thực chỉ là một trong nhiều yếu tố và bị nhào nặn
lại trong quá trình ‘sản xuất’ phần lớn diễn ra ngoài tầm ý thức của nhà
văn. Với Terry Eagleton, văn học có thể không trực tiếp phản ánh hiện
thực nhưng lại không thể không phản ánh ý thức hệ của thời đại hiểu theo
nghĩa là toàn bộ hệ thống biểu hiện (như tôn giáo, thẩm mỹ, pháp lý,
v.v...), những yếu tố tác động mạnh mẽ lên cách nhìn hiện thực của từng
cá nhân.
Ba, hầu hết lý thuyết văn học Mác-xít, xuất phát từ luận
điểm của Marx cho các triết gia chỉ diễn dịch thế giới trong khi nhiệm
vụ chính là phải cải tạo thế giới, đều nghiêng về tính chất quy phạm hơn
là thuần mô tả. Nói cách khác, các lý thuyết gia không phải chỉ mô tả
văn học mà phần lớn, với những mức độ khác nhau, đều đòi văn học phải
tham dự vào cuộc đấu tranh trong xã hội hoặc ít nhất xác lập một hệ
thống giá trị trong đó nhấn mạnh đến chức năng dấn thân của văn học. Nếu
quan hệ giữa văn học (như một bộ phận của kiến trúc thượng tầng) và
hiện thực (như một biểu hiện của cơ sổ hạ tầng) là khâu yếu nhất của chủ
nghĩa Mác thì tính chất quy phạm này là một trong những nguy cơ lớn
nhất của các lý thuyết văn học Mác-xít khiến người ta có thể nghi ngờ sự
khác nhau căn bản giữa hai nhóm chính thống và bàng thống, thật ra, chỉ
là sự khác nhau giữa một bên ở tư thế cầm quyền và một bên thì không.
Nói cách khác, nếu có quyền lực sẵn trong tay, tính chất quy phạm rất dễ
biến thành mệnh lệnh và do đó, lý thuyết rất dễ bị biến thành giáo
điều, khuynh hướng nghiêng về Engels sẽ biến thành khuynh hướng nghiêng
về Lenin.
Cả ba đặc điểm chung vừa kể khá mơ hồ để có thể tập kết
các lý thuyết gia Mác-xít vào một trường phái rõ rệt. Hậu quả là phần
lớn các lý thuyết Mác-xít đều vừa là Mác-xít lại vừa là một cái gì khác,
từ đó, chúng ta có những nhà Mác-xít theo khuynh hướng cấu trúc luận
như Goldmann, Althusser hay Macherey, hoặc khuynh hướng hậu cấu trúc
luận như Eagleton và Jameson, v.v...
Tài liệu tham khảo thêm:
Marxism and Literature của Raymond Williams (1977), Oxford: Oxford University Press; Marxists on Literature do David Craig biên tập (1975), Harmondsworth: Penguin; A Theory of Literary Production của Pierre Macherey do G. Wall dịch (1978), London: Routledge; The Meaning of Contemporary Realism của Georg Lukács, London: Merlin Press; The Hidden God của Lucien Goldmann (1964), London: Routledge & Kegan Paul.
-----------
Đã đăng:
|
No comments:
Post a Comment