Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 17 January 2014

TIN TỨC TRUNG QUỐC-VIỆT NAM

 

   Trung Quốc đang nuôi mộng bá quyền?

Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc

Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
Cập nhật: 16:04 GMT - thứ sáu, 17 tháng 1, 2014
Một khái niệm mới – hay một đường lối mới – được ông Tập Cận Bình khởi xướng, quảng bá kể từ khi trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc từ hơn một năm nay là ‘Giấc mơ Trung Hoa’.
Cụm từ này được ông Tập dùng khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 11 năm 2012 và trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng Ba năm 2013 ông lại nhấn mạnh nó. Mới đây, trong thông điệp đầu năm (2014), ông cũng đề cập đến ‘Giấc mơ Trung Hoa’.
Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, ông Tập muốn Trung Quốc tiến hành ‘công cuộc phục hưng vĩ đại’ để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự.
Mơ ước – và quyết tâm biến – đất nước mình giàu mạnh là một điều tốt đẹp, chính đáng và bất cứ lãnh đạo hay người dân của một quốc gia nào cũng muốn có, nên làm.
Nhưng với những động thái khá hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc gần đây – như dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông – một câu hỏi được đặt ra là phải chăng quốc gia này đang ôm ấp giấc mộng bá quyền, bá chủ khu vực?

Cường quốc quân sự

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng trong 
nhiều năm qua.
Không ai có thể phủ nhận những thành công vượt bậc về kinh tế của Trung Quốc trong những thập niên vừa qua.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1980 với chỉ hơn 189 tỷ đôla (Mỹ), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ bằng 17.4% của Nhật (1087 tỷ) và 6.6% GDP của Mỹ (2863 tỷ).
Nhưng 32 năm sau, với khoảng 8227 tỷ, GDP của Trung Quốc đã vượt qua GDP của Nhật (5960 tỷ) và bằng 50.6% GDP của Mỹ (16245 tỷ). Và mới mức tăng trưởng cao hiện hành, giới dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ thu ngắn cách biệt – và thậm chí có thể vượt qua Mỹ – về GDP trong 15 hay 20 năm tới.
Theo các số liệu mới nhất, Trung Quốc cũng đã – hoặc ít ra trong thời gian ngắn tới sẽ – soán ngôi số một của Mỹ về thương mại.
"Trong hai bài phát biểu sau khi được bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ông Tập đều nhấn mạnh việc hiện đại hóa quân đội."
Vì vậy, dù GDP per capita (theo đầu người) của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ – chẳng hạn, theo Ngân hàng thế giới năm 2012, GDP tính theo đầu người của Trung Quốc là 6091 đôla, trong khi đó ở Mỹ là 51749 đôla – giới lãnh đạo và người dân nước này có cơ sở để ‘mơ’ về một Trung Quốc giàu mạnh hay tiến hành một cuộc phục hưng vĩ đại như ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Quốc hội nước này vào ngày 17/03/2013.
Nhưng việc ông Tập khởi xướng ‘một giấc mơ theo cách của người Trung Quốc’ lúc này chắc làm không ít quốc gia khu vực cảm thấy lo lắng vì nhờ những phát triển vượt bậc về kinh tế và đặc biệt qua việc quyết tâm hiện thực hóa ‘giấc mơ’ ấy, ông đang muốn biến Trung Quốc thành ‘một quốc gia hùng mạnh’ với ‘một quân đội hùng mạnh’.
Trong hai bài phát biểu sau khi được bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ông Tập đều nhấn mạnh việc hiện đại hóa quân đội.
Và kể từ khi lên nắm hai chức vụ quan trọng, đầy quền lực ấy, ông đã nhiều lần tới thăm các lực lượng vũ trang và các cơ sở không quân, hải quân của Trung Quốc và thúc giục họ nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng.

 Ước mơ – hay có thể nói, tham vọng – biến Trung Quốc thành một siêu cường về quân sự cũng được thể hiện qua việc Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng ngân sách quốc phòng.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ đôla – lớn hơn GDP của Việt Nam năm 2012 vì theo Ngân hàng thế giới, năm 2012 GDP của Việt Nam chỉ có 155 tỷ đôla.

Dù vẫn còn thua xa Mỹ, Trung Quốc hiện là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Ngân sách của phòng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều chi phí quốc phòng của Nhật, Ấn Độ và Nam Hàn – ba nước Đông Á khác được SIPRI liệt kê vào 15 quốc gia có chi phí quốc phòng lớn nhất – cộng lại.
Sự kiện Trung Quốc vừa thử thành công tên lửa siêu tốc có gắn đầu đạn hạt nhân và có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại được báo chí đưa tin trong những ngày qua cũng là một ví dụ khác về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như tham vọng trở thành cường quốc quân sự của quốc gia này.
Cùng với việc tăng cường và phô trương sức mạnh quân sự, trong thời gian đây Bắc Kinh có những tuyên bố đơn phương và hành động ngang ngược liên quan đến chủ quyền biển đảo làm các nước khu vực thêm quan ngại.

Tham vọng bá chủ?

 Có một thuật ngữ mà giới phân tích, học giả thường dùng để diễn tả thái độ, hành động của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực nói chung và tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông nói riêng trong những năm 1990 là ‘chiến thuật
Hoa Kỳ mới đây điều pháo đài B-52 bay qua vùng nhận dạng phòng không TQ tuyên bố.
tiến ba bước, lùi hai bước’ (three-steps-forward, two-steps-back strategy).
Theo chiến thuật đó, Bắc Kinh thường thực hiện một hành động khiêu khích, lấn chiếm nào đó trên Biển Hoa Đông và khi các nước khu vực lên tiếng chỉ trích, Trung Quốc tỏ ra hòa giải, nhân nhượng, rút lui. Tuy vậy, thay vì rút lui hoàn toàn ‘ba bước’ họ đã tiến, Trung Quốc chỉ lui lại hai bước.
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh thực hiện chiến thuật đó một phần vì giai đoạn ấy với chủ trương ‘trỗi dậy hòa bình’, họ không muốn cộng đồng quốc tế và đặc biệt các nước trong vùng quan ngại về sự trỗi dậy của mình. Mặt khác, về kinh tế và đặc biệt quân sự, Trung Quốc lúc ấy chưa đủ mạnh để ‘tiến’ hay ‘bành trướng’ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông như họ muốn.
Nhưng khi đã vượt qua các nước khu vực về cả kinh tế lẫn quân sự và đang nuôi mộng trở thành siêu cường, có thể cạnh tranh hay thậm chí vượt qua Mỹ, xem ra Trung Quốc giờ chỉ biết ‘tiến’ và ‘tiến’ nhiều bước và quyết không ‘lùi’ dù Mỹ và các nước khu vực lên tiếng chỉ trích những hành động ấy của họ.
"Trung Quốc đã và đang muốn thay đổi trật tự khu vực và công khai phô bày không chỉ giấc mộng bá quyền mà còn cả tham vọng bá chủ khu vực của mình"
Cụ thể, trong thời gian gần đây Trung Quốc đã có một loạt tuyên bố rất khiêu khích và những hành động rất ngang ngược nhằm kiểm soát, bành trướng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Chẳng hạn, bất chấp công luận, chỉ trích của các nước khu vực và luật pháp, công ước quốc tế, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra đường lưỡi bò, áp đặt vùng cấm bay và quy định vùng đánh bắt cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước khác như Việt Nam, Philippines, Nhật hoặc khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Qua việc dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền trên các vùng biển ở Đông Á, Trung Quốc đã và đang muốn thay đổi trật tự khu vực và công khai phô bày không chỉ giấc mộng bá quyền mà còn cả tham vọng bá chủ khu vực của mình.
Điều này cũng chứng tỏ rằng trong ‘ước mơ Trung Hoa’, ít hay nhiều có ‘ước mơ’ bá quyền, bá chủ.

‘Ác mộng’ khu vực?

Trước công chúng, lãnh đạo VN-TQ vẫn khẳng định ý nghĩa của ổn định và hòa bình khu vực.
Nếu đúng vậy, ‘Giấc mơ Trung Hoa’ có thể sẽ trở thành ‘ác mộng’ đối với các nước tại Đông Á.
Lịch sử xưa và nay cho thấy rằng khi một quốc gia mới nổi có tham vọng bành trướng, muốn thay đổi trật tự hiện hành – và bất chấp mọi luật pháp, nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đơn phương dùng sức mạnh của mình để thực hiện ý đồ đó – các nước khu vực và có thể cả thế giới rơi vào bất ổn, xung đột, chiến tranh.
Nước Đức dưới thời Adolf Hitler là một ví dụ điển hình. Vì tham vọng ngông cuồng, Hitler đã tiến hành xâm chiếm một loạt nước châu Âu láng giềng và cuối cùng không chỉ đưa châu lục này vào một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu mà còn dẫn đến Thế chiến thứ hai.
Nhưng trường hợp của nước Đức dưới thời Hitler cũng chứng minh rằng dù một quốc gia có mạnh đến đâu nếu bất chấp luật lệ, công ước quốc tế và tiến hành những cuộc bành trướng, xâm lăng phi pháp, phi nghĩa thì cuối cùng cũng bị đánh bại.
"Nếu giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc làm theo và làm đúng những gì ông Tập nhìn nhận, không chỉ Trung Quốc mà cả Đông Á sẽ ổn định, phát triển, hòa bình trong những thập niên tới."
Trái lại, như trường hợp của chính nước Đức sau Thế chiến thứ hai cho thấy, nếu biết dùng dùng sức mạnh kinh tế của mình một cách chính đáng, nếu biết coi trọng quyền lợi của các nước giềng, một quốc gia có thể đóng vai trò lãnh đạo một khu vực, giúp khu vực ấy phát triển, ổn định.
Từ một nước bại trận với một nền kinh tế kiệt quệ sau Thế chiến thứ hai, nước Đức đã trở thành nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và trong hơn 60 năm qua – cùng với Pháp – luôn đóng vai trò lãnh đạo trong việc tái thiết đại lục này cũng như trong tiến trình hội nhập, phát triển của cộng đồng chung châu Âu (EU).
Trong thông điệp đầu năm, khi nói đến ‘giấc mơ Trung Hoa’, ông Tập Cận Bình cũng ý thức được rằng có ‘hơn 7 tỷ người đang sống trên địa cầu. Chúng ta cùng đi trong một con thuyền nên cần phải dựa vào nhau để cùng phát triển. Người Trung Quốc chúng ta cần thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, làm khởi sắc dân tộc Trung Hoa, và cũng chúc người dân ở mọi nước biến giấc mơ của họ thành hiện thực’.
"Hung hăng"
Nếu giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc làm theo và làm đúng những gì ông Tập nhìn nhận, không chỉ Trung Quốc mà cả Đông Á sẽ ổn định, phát triển, hòa bình trong những thập niên tới.
Nhưng với những động thái ngang ngược – nếu không muốn nói là hung hăng, trắng trợn – gần đây của Trung Quốc, xem ra mọi chuyện không như ông Tập nói vì chưa nói đến việc tôn trọng ‘giấc mơ’ riêng của các nước khác, Trung Quốc càng ngày càng vi phạm hay cướp đi các quyền lợi rất căn bản, thiết thực, chính đáng của các nước láng giềng được luật pháp quốc tế hiện hành công nhận.
Hơn nữa, chính những hành động của Trung Quốc đã và đang góp phần làm căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước khu vực. Và nếu chúng vẫn được tiếp tục, khu vực Đông Á sẽ rơi vào đối đầu, xung đột.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nghiên cứu viên tại tổ chức Global Policy Institute tại Anh Quốc.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140117_china_dream_dxl.shtml


Triệu Tử Dương vẫn còn gây cảm hứng

Cập nhật: 11:37 GMT - thứ năm, 16 tháng 1, 2014
Ông Triệu Tử Dương
Ông Triệu Tử Dương từng đảm bảo với sinh viên về dân chủ ở Hong Kong


 Ở Hong Kong, lãnh thổ bán tự trị thuộc Trung Quốc nhưng có hệ thống luật pháp riêng, đang diễn ra một cuộc chiến ồn ào và công khai về tương lai của phổ thông đầu phiếu.
Lần đầu tiên, các cử tri đang kỳ vọng có quyền tự bầu chọn người làm chức chủ tịch đặc khu hành chính, chức vụ cao nhất của thành phố, vào năm 2017.
Nhưng gần đây, giới chức Trung Quốc đề nghị rằng chỉ một người nào đó trung thành với chính quyền Bắc Kinh mới được lãnh đạo Hong Kong.
Nhiều nhà dân chủ của thành phố tin rằng đó là một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo của Đảng Cộng sản hiện nay sẽ không bao giờ cho phép có nền dân chủ thực sự trên đất Trung Quốc.
Chiến dịch cải cách chính trị của các nhà dân chủ được thúc đẩy từ việc phát hiện một lá thư từ lâu của cựu Thủ tướng Triệu Tử Dương.
Liên đoàn Sinh viên Đại học Hong Kong vừa tìm được một bức thư, trước đây được coi là đã thất lạc, do ông Triệu Tử Dương gửi sinh viên vào tháng 5/1984.
Vào thời điểm đó, Bắc Kinh và London đang đàm phán về tương lai của Hong Kong, khi đó còn là thuộc địa của Vương quốc Anh.
"Với bức thư vừa được tìm lại, ông Triệu như đã lên tiếng từ nấm mồ ở bên kia thế giới và hậu thuẫn phong trào dân chủ hôm nay của Hong Kong"
Hai bên chỉ còn cách vài tháng trước ngày ký Tuyên bố chung Trung - Anh, một dạng thức "giải quyết ly hôn", văn bản phác thảo các điều khoản xác định cách thức trả Hong Kong trở lại để Trung Quốc cai quản.
Giới sinh viên vào thời điểm ấy đã viết thư cho ông Triệu hỏi về tương lai của phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.
Với ngôn ngữ đơn giản đời thường, ông Triệu Tử Dương đã phúc đáp, nói rằng bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân là một nguyên tắc cơ bản của Chính phủ.
Ông đảm bảo với các sinh viên rằng sẽ hưởng chế độ dân chủ ở Hong Kong.

'Truyền cảm hứng'

Thông điệp này đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động trẻ khi đó cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ mới bây giờ, theo Benny Cai (Đái Diệu Đình), một cựu lãnh đạo sinh viên.
Trong một cách thức nào đó, cuộc đời của ông Benny Cai đã không thay đổi đáng kể trong ba thập niên qua.

Người hoạt động dân chủ ở Hong Kong

Ba thập niên đã qua, người Hong Kong vẫn tiếp tục tìm
 kiếm dân chủ thực sự.
Ông vẫn còn ở Đại học Hong Kong nhưng nay là giáo sư và tiếp tục kêu gọi cải cách dân chủ.
Ông Benny Cai tổ chức một chiến dịch bất tuân dân sự, gọi là Chiếm khu Trung tâm (Occupy Central), dự định kêu gọi các cử tri chặn các đường phố của khu tài chính Hong Kong để đấu tranh đòi có phổ thông đầu phiếu thực sự.
Trong chiến dịch này, nhiều người thấy có những được dư âm, đồng vọng từ những người biểu tình vì lý tưởng ở Thiên An Môn hồi năm 1989.
Chính ông Triệu Tử Dương, với một chiếc loa trên tay và ngân ngấn nước mắt, đã yêu cầu sinh viên giải tán.
Nhưng tất nhiên, ông đã không thể ngăn chặn được cuộc đàn áp bạo lực sau đó.
Sau khi thất bại trong một cuộc đấu tranh quyền lực với nhiều đối thủ cứng rắn, ông Triệu đã bị quản thúc tại gia trong suốt 15 năm cuối đời.
Với bức thư vừa được tìm lại, ông Triệu như đã lên tiếng từ bên kia thế giới và hậu thuẫn phong trào dân chủ hôm nay của Hong Kong.


'Chờ thời để thu hồi trực tiếp Hoàng Sa'

Cập nhật: 17:13 GMT - thứ sáu, 17 tháng 1, 2014

Quân đội Việt Nam
Nhà nghiên cứu nói VN nên chờ đợi thời cơ, củng cố lực lượng để 'thu hồi Hoàng Sa'.

Việt Nam có thể tính tới phương án 'thu hồi trực tiếp' chủ quyền trên Hoàng Sa khi có cơ hội, mặc dù các con đường ngoại giao và pháp lý vẫn cần thiết, theo một cựu quan chức ngoại giao từ Hà Nội.
Các động thái này là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ, mà quan trọng nhất là phải 'giáo dục ý thức thu hồi chủ quyền' này cho người dân, theo ông Dương Danh Dy, cựu Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm của thập niên 1990.
Trao đổi với BBC hôm 17/1, trong dịp Việt Nam đánh dấu 40 năm trận Hải Chiến Hoàng Sa (17/1/1974), cựu quan chức ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam cần ý thức được vấn đề 'thời cơ'.
Nói một cách hình ảnh về quan hệ với Trung Quốc, ông cho rằng cần phải hiểu rằng không ai 'mạnh được mãi' và không ai 'yếu được mãi'.
Trước hết, nhận xét về hiệu quả của con đường ngoại giao và pháp lý mà Việt Nam có thể tiếp tục tiến hành trong giải quyết vấn đề thu hồi chủ quyền trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, ông Dy nói:
"Không phải bây giờ Việt Nam yếu hơn TQ như thế này, thì sau này 5, 10 năm nữa VN vẫn yếu hơn TQ đâu, thì có thể phải thu hồi lại và phải giáo dục cho người dân Việt Nam biết cái đó"
"Quan trọng nhất Việt Nam ý thức là phải thu hồi lại Hoàng Sa, chứ còn đưa ra hội nghị (quốc tế) hoan nghênh, cần thiết đấy, nhưng chúng ta cứ xem Philippines đưa ra đã giải quyết được gì, mất thì giờ,
"Cái chính là chuẩn bị lực lượng để mà thu hồi Hoàng Sa khi thời cơ đến, chuẩn bị về mọi mặt, trên mọi phương diện. Pháp lý thì cũng cần, nhưng tôi nghĩ phải thu hồi..."
Về vấn đề 'thời cơ' ông Dy nói thêm:
"Và thu hồi bằng nhiều cách, thế sự, thời cuộc nó thay đổi, không phải là ai cũng mạnh mãi, không phải Trung Quốc mạnh như bây giờ thì sau này 10, 20, 30, 50 năm nữa, Trung Quốc vẫn mạnh đâu,
"Và không phải bây giờ Việt Nam yếu hơn Trung Quốc như thế này, thì sau này năm, mười năm nữa Việt Nam vẫn yếu hơn Trung Quốc đâu, thì có thể phải thu hồi lại và phải giáo dục cho người dân Việt Nam biết cái đó."

'Biện pháp cụ thể?'

Cựu quan chức ngoại giao tỏ ra không tin tưởng vào con đường pháp lý quốc tế.
Ông nói:
"Những đấu tranh về pháp lý thì xưa nay cứ nhìn trên thế giới, cãi nhau có thu hồi được không, bao giờ kẻ có sức mạnh hơn nó vẫn chiếm."
Về các biện pháp chuẩn bị cho phương án 'thu hồi' này, ông Dy giải thích thêm:
"Tôi nghĩ rằng phải tuyên truyền, phải giáo dục, phải nhấn mạnh rằng muốn yêu nước, muốn giải phóng, muốn thu hồi Hoàng Sa, yêu Hoàng Sa là của Việt Nam, thì phải có những hành động cụ thể,
"Bản thân mình phải cố gắng, đương đi học phải học cho giỏi, đương làm nghề, làm nghề cho giỏi, làm cho nước Việt Nam giàu mạnh lên, làm cho thế giới phải kính nể, Trung Quốc phải e ngại..."
"Tôi thấy là chủ trương và không khí năm nay khác hẳn mọi năm, vì đây là lần đầu tiên vấn đề kỷ niệm ngày chúng ta bị mất một nửa Hoàng Sa được tiến hành một cách khá phổ biến và khá rộng rãi"
Về việc Việt Nam đánh dấu 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, ông cho rằng lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra có những thay đổi khi nhìn lại lịch sử quan hệ Việt - Trung gần đây và các cuộc xung đột ở cả Hoàng Sa, Trường Sa, lẫn Chiến tranh Biên giới 1979.
Ông nói:
"Tôi thấy là chủ trương và không khí năm nay khác hẳn mọi năm, vì đây là lần đầu tiên vấn đề kỷ niệm ngày chúng ta (Việt Nam) bị mất một nửa Hoàng Sa được tiến hành một cách khá phổ biến và khá rộng rãi,
"Nhiều tổ chức, dân chúng, đoàn thể, các tờ báo, báo chí được công khai phát biểu những bài nói của mình về sự kiện này."

'Đưa tin rộng rãi'

Theo nhà quan sát này, nhiều tờ báo chính thức ở Việt Nam như báo Thanh Niên, Tiền Phong... đều đăng tin về Hoàng Sa "khá rộng rãi".
"Ngoài ra những tổ chức dân chúng như Tổ chức Minh Triết cũng tổ chức rất công khai và như tôi biết ngày 19/1 này người ta dự định meeting kỷ niệm ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, ở Bờ Hồ, Hà Nội," ông Dy nói thêm.

Ông Trương Tấn Sang
Mới đây Việt Nam đã kỷ niệm chính thức cấp nhà 
nước chiến tranh Biên giới Tây Nam 1979
Hôm thứ Sáu, nhiều tờ báo trong nước đã đồng loạt đưa thêm tin bài về sự kiện trận Hải Chiến, một số tờ báo như Công An Nhân Dân cũng có bài báo giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên với cựu binh sỹ ở Hoàng Sa.
Tờ Thanh Niên mở hẳn một chuyên trang với hàng chục mục tin bài.
Tuy nhiên, một số tờ báo chính thống quan trọng như Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân chưa thấy có bài vở nào đánh dấu sự kiện.
Và cho tới ngày 17/1 chưa thấy có hoạt động chính thức nào tưởng niệm Hoàng Sa 40 năm do các lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước tham gia hoặc đứng ra chủ trì.
Trái lại trong dịp kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam can thiệp lật đổ chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, nhiều lãnh đạo cao cấp đã tham dự các buổi lễ chính thức và nhiều hoạt động cấp nhà nước ở Việt Nam đã được tiến hành.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã phát biểu tại một buổi lễ ở Hà Nội về sự kiện này, trong khi Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đã tiếp Thủ tướng Hunsen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin của Campuchia sang tri ân và dự các hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội.


'Lãnh đạo VN đã đổi mới về Hoàng Sa'

Cập nhật: 11:56 GMT - thứ sáu, 17 tháng 1, 2014
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy

Ông Dương Danh Dy dự đoán không chỉ Hoàng Sa mà Chiến tranh Biên giới 1972 sẽ được đánh dấu ở VN với cách thức mới trong năm nay.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng lãnh đạo Việt Nam đang có những đổi mới mà ông cho là 'lạ' khi nhìn lại quan hệ lịch sử gần đây với Trung Quốc, đặc biệt là các cuộc xung đột lãnh thổ lãnh hải, trong đợt đánh dấu kỷ niệm 40 năm Trung Quốc có hành động cưỡng chiếm các đảo ở Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa.
Trao đổi với BBC hôm 17/01/2014, cựu Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu trong thập niên 1990 nói báo chí, truyền thông đã được nói 'công khai', 'thẳng thắn' nhiều vấn đề mà trước đây trong thời gian dài được cho là 'nhạy cảm' trong quan hệ Việt - Trung khi đề cập xung đột Hoàng Sa, Trường Sa hay thậm chí Chiến tranh Biên Giới 1979.
Nhà nghiên cứu cho hay đã theo dõi chặt chẽ báo chí Trung Quốc trong đợt này và thấy rằng các báo Trung Quốc tỏ ra 'khá im ắng' về sự kiện Hải chiến Hoàng Sa trong dịp này.

'Hun đúc tinh thần'

"Phải nhấn mạnh rằng muốn yêu nước, muốn giải phóng, muốn thu hồi Hoàng Sa, yêu Hoàng Sa là của Việt Nam, thì phải có những hành động cụ thể, bản thân mình phải cố gắng, đương đi học phải học cho giỏi, đương làm nghề, làm nghề cho giỏi, làm cho nước VN giàu mạnh lên, làm cho Thế giới phải kính nể, Trung Quốc phải e ngại...""
Cựu quan chức ngoại giao nhân dịp này hy vọng rằng cách lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sẽ học được các bài học từ quá khứ trong quan hệ với Trung Quốc, chẳng hạn giữ lời hứa và cho phép đưa vào sách giáo khoa, các chương trình giáo dục các sự kiện lịch sử về các cuộc xung đột như Hoàng Sa, Trường Sa, Chiến tranh Biên giới phía Bắc v.v...
Nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh 'giáo dục' để hun đúc tinh thần và ý chí 'thu hồi Hoàng Sa một ngày' trong nhân dân và nhà nước nên quan tâm việc này vì theo ông 'không ai mạnh mãi, Trung Quốc không thể mạnh mãi' và Việt Nam cũng sẽ 'không yếu mãi'.
"Phải nhấn mạnh rằng muốn yêu nước, muốn giải phóng, muốn thu hồi Hoàng Sa, yêu Hoàng Sa là của Việt Nam, thì phải có những hành động cụ thể, bản thân mình phải cố gắng, đương đi học phải học cho giỏi, đương làm nghề, làm nghề cho giỏi, làm cho nước VN giàu mạnh lên, làm cho Thế giới phải kính nể, Trung Quốc phải e ngại..." ông nói.
Mở đầu cuộc trao đổi hôm thứ Sáu từ Hà Nội, ông Dương Danh Dy đưa ra nhận xét về cách thức đánh dấu sự kiện trên báo chí, truyền thông chính thức của Việt Nam nhân sự kiện Hải chiến Hoàng Sa tròn 40 năm.

No comments:

Post a Comment